Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện - Hồi 7 - Chương 25 - Phần 2

4. Hác Chiêu cố giữ thành, Trần Thương thực khó đánh.

Trần Thương là đất binh gia phải tranh giành từ cổ đến giờ. Năm xưa Hàn Tín đánh vào Quan Trung thành công, chính là đã “nói sửa sàn đạo, ngầm qua Trần Thương” chính là ở đây. Nằm trong vùng Tần Lĩnh, duy nhất có thể dẫn đại quân đi qua chỉ có một con đường cái này. Lại thêm địa hình che lấp rất hiểm trở, khi ngầm qua không dễ bị phát hiện: Một đặc điểm ở đấy là bề ngang của Trần Thương rất bé, không chứa được quá nhiều quân, ở ngoài thành đường núi gập ghềnh trắc trở, chẳng thể đóng trại, nên tuy trọng yếu như thế, quân giữ lại không thể nhiều, chỉ có thể khi tình huống khẩn cấp phái một đạo quân đến đó chi viện, về điểm này sự tiến công là có lợi. Song Trần Thương địa thế lại hiểm yếu, dễ giữ mà khó đánh, ví như có số ít quân lực, cũng có thể ngăn cản được số quân lính tấn công gấp mấy lần.

Trần Thương thuộc sự cai quản của quân khu Quan Trung, thuộc phạm vi của Đại tướng quân Tào Ngụy là Tào Chân chỉ huy.

Tào Chân tên chữ là Tử Đan, là tướng lĩnh rất ưu tú thế hệ thứ hai của họ Tào. Phụ thân của Tào Chân là Tào Thiện, từng theo Tào Tháo khởi nghĩa chống Đổng Trác, bị chết tại trận, bởi thế Tào Tháo đối với người con côi rất là thương yêu, xem như ruột thịt, Tào Chân được sự chỉ bảo ân cần của Tào Tháo mà trưởng thành dần.

Tào Chân sau khi trưởng thành, rất thích săn bắn, có một lần theo Tào Tháo đi săn, đang lúc gặp phải mãnh hổ xông tới, mọi người đều chạy tứ tán, chỉ có Tào Chân đứng lại, lấy cung tên bắn chuẩn xác, hổ già rống lên rồi ngã lăn, mọi người đều tán thưởng. Tào Tháo rất thích sự dũng mãnh ấy, bèn để ông ta thay Tào Thuần, với Tào Hưu cùng chỉ huy đội quân “Hổ báo kỵ”.

Sau này Tào Chân luôn lập được công, khi Hạ Hầu Uyên tử trận ở Hán Trung, tinh thần quân Tào xuống rất thấp, Tào Tháo rất lo lắng. Tào Chân tình nguyện làm chinh phục hộ quân, cùng với Từ Hoảng luôn mấy lần đánh bại được quân Lưu Bị, ổn định tinh thần trận tuyến quân Tào. Tào Phi sau khi xưng đế, lại lấy Tào Chân làm Trấn tây tướng quân, trông nom việc quân ỏ hai châu Ung, Lương, lại phong là Ung Lương hầu. Năm Hoàng Sơ thứ 3, đề bạt làm Thượng quân đại tướng quân, giữ mọi việc quân trong ngoài, từng mấy lần đánh bại quân bắc chinh của Đông Ngô, lại được phong Trung quân đại tướng quân.

Tào Phi khi lâm chung, cho vời Tào Chân cùng Trần Quần, Tư Mã Ý giao cho phụ tá việc nước, lại lấy Tào Chân làm đại thần phụ tá lớn nhất.

Tào Chân không những dũng mãnh lại giàu nghị lực, khí chất lớn, lại thường thăm hỏi người khác. Mỗi lần chinh chiến đểu cùng với tướng sĩ chịu đựng gian khổ, khi phần thưởng chẳng đủ thường lấy tài sản của mình phụ thêm, bỏi thế rất được lòng quân sĩ. Vì vậy quân lính đều muốn cống hiến hết mình.

Khi Gia Cát Lượng bắc phạt lần thứ nhất, Tào Chân dốc đại quân bao vây chặn ở Cơ Cốc, với đại tướng hàng đầu Triệu Vân đối trận. Tào Chân kinh nghiệm tác chiến không bằng Triệu Vân, song Triệu Vân cũng chẳng chiếm được gì, sau cùng lại bị truy bức mà phải rút quân.

Ba quận Lũng Tây trước đó phản lại Tào Ngụy, Tào Tuấn phái Tào Chân đến đó vỗ yên, tướng sĩ Lương Châu thấy Tào Chân đến, không phản ứng gì mà lập tức quay lại, khá thấy tiếng tăm của Tào Chân trong quân phát huy được tác dụng rất lớn.

Tào Chân sau khi xem xét kĩ địa hình, phán đóan Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn là bất lợi, nếu lần sau lại bắc phạt, nhất định sẽ chọn Trần Thương làm mục tiêu tấn công, bởi thế đặc biệt sắp xếp danh tướng Hác Chiêu trí dũng song toàn, trung thành với chức phận, trông coi việc cố thủ thành Trần Thương. Gia Cát Lượng vẫn lấy Ngụy Diên làm tư lệnh tiền quân, dùng mấy vạn binh lính bao vây Trần Thương. Thành Trần Thương lợi dụng vách núi làm tường thành mà xây dựng nên, vũ khí đánh thành nói chung với hiệu lực đến như thế nào, Ngụy Diên mấy lần đánh vào thành không thắng phải rút.

Gia Cát Lượng lấy cứng không được đành phải dùng mềm. Bởi quân giữ Trần Thương chỉ có hai, ba nghìn người, mà quân lính đánh của Ngụy Diên có đến hai, ba vạn người. Quân viện binh của Tào Chân từ Tràng An đến, ít ra phải hai mươi ngày mới đến nơi được. Gia Cát Lượng bèn phái người bạn đồng hương của Hác Chiêu là Cận Tường đến khuyên hàng, Hác Chiêu lại đáp rằng: “Tôi chịu ơn nước và được Tào tướng quân trọng dụng chỉ có chết mà thôi”, dứt khóat cự tuyệt.

Gia Cát Lượng chẳng nài nép được, đành dùng xe thang mây, mưu toan quyết vượt thành mà lên. Thang mây là loại thang vượt thành rất dài, bên ngoài có bọc da trâu, da trâu này lại được tẩm dầu, kiên cố khác thường, đao tên đều không làm gì được.

Thang mây nói chung đặt trên xe xung phong nên được gọi là xe thang mây, xung phong là chiến xa lớn do ngựa kéo, trước xe có một cột sắt lớn, là công cụ phá cửa thành.

Đương khi Ngụy Diên lấy thang mây tấn công mạnh mẽ, Hác Chiêu cũng chẳng phải là cây đèn cạn dầu, ông ta sớm biết thang mây này gắn với xe trâu, đao tên không thấu, song lại tẩm dầu đốt, cho nên đặc biệt sợ lửa, thế rồi lệnh cho thuộc hạ từ trên tường thành bắn ra rất nhiêu tên lửa và lăn xuống những quả cầu lửa, xe thang mây phút chốc bị thiêu hủy rất nhiều. Hác Chiêu lại chuẩn bị đá buộc thừng từ trên thành quăng xuống, không lâu xe xung phong hoàn toàn bị phá cả.

Bởi thành Trần Thương rất cao, cung tên nói chung bắn không tới, Gia Cát Lượng bèn thiết kế những cái giàn cao trăm thước, để binh sĩ lên đó dùng tên bắn vào quân phòng vệ ở trong thành. Hác Chiêu lệnh cho binh sĩ náu sau ụ đỡ, chỉ cần quân Thục không đánh gần tường thành thảy đều không đối kháng, Gia Cát Lượng đã lãng phí vài vạn mũi tên lại chẳng làm gì được. Gia Cát Lượng lại lệnh cho vừa bắn tên, vừa lấy đất lấp ngòi, chuẩn bị dữ dội đánh phá tường thành, Hác Chiêu lại lệnh cho trong thành củng cố tường lũy vững chắc, khiến cho đại quân Thục Hán một chút biện pháp cũng không có. Gia Cát Lượng lại hạ lệnh từ ngoài thành đào đường hầm vào trong, Hác Chiêu cũng hạ lệnh đào hào ngang ở trong thành, ngăn cản địa đạo tiến vào bên trong, khiến cho công trình địa đạo động viên đến vài vạn binh lính, cũng chẳng phát huy được công hiệu phá thành chút nào.

Trận chiên tấn công và phòng thủ như vậy, liên tục kéo dài, bởi Hác Chiêu sớm đã tiếp thu lệnh của Tào Chân, vốn có sự chuẩn bị chu đáo. Bởi thế bất luận Gia Cát Lượng có trí tuệ đến đâu, Ngụy Diên có dũng khí đến thế nào đều chẳng mảy may làm gì được ông ta.

Trái lại, Gia Cát Lượng lần này từ hành dinh Hán Trung trực tiếp ra quân ải, tiến đánh Trần Thương, quân đội chưa sắp xếp lại và bổ sung, bởi thế lương thực chuẩn bị về căn bản là không đủ. Cứ theo đánh giá Gia Cát Lượng, binh lực phòng thủ Trần Thương không quá vài nghìn người, nếu như dùng chiến thuật đột kích thì cần dăm ba ngày là có thể phá được. Chỉ cần chiếm được Trần Thương, sau đó tăng cường phòng thủ phía bắc, rồi sẽ bổ sung lương thực cũng chẳng xem là muộn. Nếu không việc sắp xếp và bổ sung cho tiền tuyến gác lại khá lâu, ắt sẽ tiết lộ quân cơ, đến lúc đó sẽ khó phát huy được công hiệu đột kích bất ngờ.

Chẳng ngờ Tào Chân sớm đã chuẩn bị, lại thêm Hác Chiêu anh dũng vô cùng, vài vạn quân của Gia Cát Lượng phải tạm thời bó tay không có cách gì, lại bởi số quân quá đông, lương thực tiêu hao mỗi ngày rất lớn, mới có khoảng hai mươi ngày, lương thực khí giới bổ sung trước mắt đã thiếu thốn nghiêm trọng.

Lại thêm tin tình báo địch hậu cho thấy Tào Chân đã phái đạo quân Phí Diện, cùng đi với đạo quân của Trương Cáp do Tào Tuấn trực tiếp chỉ huy sẽ mau chóng đến Trần Thương. Xem xét kĩ tình hình lực lượng ta và địch, Gia Cát Lượng tạm thời rút quân về Thành Đô. Lúc này đội quân tiên phong của Phí Diện do Vương Song dẫn đầu đã đến ngoài thành Trần Thương, nghe nói Gia Cát Lượng rút quân, Vương Song cậy mình dũng mãnh cự tuyệt sự khuyên can nài nỉ của Hác Chiêu, cứ dẫn quân đuổi theo. Gia Cát Lượng sớm đã hạ lệnh cho Ngụy Diên chặn hậu, mai phục ở Tán Quan, Vương Song không xem xét kĩ dẫn toàn quân rơi vào vòng mai phục. Ngụy Diên hô một tiếng, bốn bên mai phục xông lên, chém chết Vương Song tại trận.

Vương Song là mãnh tướng người Hồ, thân dài chín thước ta, sức địch vạn người, vẫn là đại tướng tiên phong của Tào Chân rất tin cậy, chẳng ngờ lại bị chết giữa lúc cơ hồ đã toàn thắng ở chiến trường này.

Chém chết Vương Song, đó là thu hoạch duy nhất đáng kể trong cuộc bắc phạt lần thứ hai của Gia Cát Lượng.

Song hành động bắc phạt lần này, quy mô không lớn, ngoài bộ tham mưu Gia Cát Lượng cũng đến tiền tuyến, thực sự động dụng đội quân mà Ngụy Diên vẫn chỉ huy, khắp quân đoàn chưa có sắp xếp lại, nghiêm chỉnh mà nói chỉ có thể kể là hành động tiếp tục lần bắc phạt thứ nhất. Bởi thế không ít nhà sử học không cho rằng đấy là hành động bắc phạt lần thứ hai.

Lời bình của Trần Văn Đức

Trong “Thiên chiến uy” của Úy Lạo Tử, có nói đến nguyên tắc cơ bản tác chiến cầu thắng, đặc biệt nhấn mạnh đến tính quan trọng của tinh thần binh sĩ.

“Người khéo dùng binh, chiếm đoạt được người ta mà không để bị chiếm đoạt, muốn đoạt được then chốt là ở tinh thần vậy. Nói cách khác, người khéo dùng binh, phải hiểu được tinh thần binh sĩ đánh địch, mà không bị kẻ địch mài mòn tinh thần binh sĩ của mình, về tinh thần binh sĩ của kẻ địch, phải khéo vận dụng năm điều nhận thức sau:

1. Thu thập tình báo, nghiên cứu phân tích kĩ lưỡng, để đưa ra chiến lược tốt nhất.

2. Khi thống sóai giao nhiệm vụ tác chiến phải cụ thể, chẳng thể sơ lược, khiến tâm chí toàn quân có thể tập trung vào một hành động mà thôi.

3. Kế hoạch tấn công phải chu đáo, chuẩn bị phải hoàn chỉnh, chớ mang tâm lý cầu may.

4. Thi hành phòng ngự, ắt phải nghĩ đến trước, chưa thể thắng mà đợi địch thì có thể thắng, đại bản doanh chẳng thể để kẻ địch lợi dụng sơ hở, như vậy kẻ địch mạnh thế nào cũng bó tay chẳng có sách gì.

5. Vận dụng chiến thuật tại chỗ phải hoạt bát, thưởng phạt phân minh, lại phải triệt để thực hiện công bằng.

Phải đạt được năm điều ấy, trước hết hiểu đầy đủ tình hình kẻ địch, căn cứ vào đấy mà lựa chọn hành động, việc đại sự, quân sự quốc gia, kế sách phải căn cứ vào sự thực khách quan để phân tích, chẳng có thể chủ quan phán đóan hoặc dự đóan sai lạc. Chuẩn bị đầy đủ binh sĩ ắt sẽ dũng cảm chiến đấu, tinh thần binh sĩ ắt sẽ nâng cao. Chuẩn bị nhầm lẫn, tinh thần binh sĩ ắt sẽ mai một, sẽ khó thóat khỏi vận mệnh thất bại.

Hành động bắc phạt lần thứ hai của Gia Cát Lượng tuy là lợi dụng lúc chiến bại của Tào Hưu, quân Tào sắp xếp hỗn loạn mà có hành động đột kích; song về tình báo, hiển nhiên thu thập không đầy đủ hoàn thiện, dẫn đến sai lầm sách lược tác chiến toàn thể một cách nghiêm trọng, chẳng những không thể giành được thắng lợi đột kích, hơn nữa sai lầm còn dẫn đến chỗ nguy hiểm cùng đường. Lại quan sát về phía Tào Ngụy, bởi Tào Chân sớm đã dự liệu lần sau sẽ có tấn công vào Trần Thương, bởi thế mà khiến Hác Chiêu giữ thành phải làm việc chuẩn bị chu đáo, khiến cho Gia Cát Lượngcó binh lực gấp mười lần, bị bức đến chỗ không gặt hái được gì mà phải rút lui.

TRẦN VĂN ĐỨC

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3