Húng nhại – Phần III – Chương 27 phần 2 (Hết)
Đôi khi điện thoại reo hoài, reo mãi, nhưng tôi không nhấc máy. Haymitch chả bao giờ tới thăm. Có lẽ ông đã đổi ý mà bỏ đi, dù tôi ngờ rằng ông chỉ say xỉn mà thôi. Chỉ có mỗi Greasy Sae và cháu gái bà đến. Sau hàng tháng trời bị giam một mình, họ cứ như là cả một đám đông vậy.
“Hôm nay mùa xuân về rồi kìa. Cháu ra ngoài đi,” bà nói. “Đi săn đi.”
Tôi chưa rời khỏi nhà. Tôi thậm chí còn chưa rời khỏi căn bếp mà chỉ đi tới phòng tắm nhỏ nằm cách đấy có vài bước chân. Trên mình tôi vẫn là bộ quần áo mặc từ khi rời Capitol. Tôi chỉ ngồi lì bên lò sưởi. Nhìn chằm chằm vào những là thư chưa mở nằm chất đống trên mặt lò sưởi. “Cháu không có cung.”
“Thử xem dọc hành lang ấy,” bà gợi ý.
Sau khi bà đi khỏi, tôi cân nhắc có nên làm một chuyến dọc hành lang không. Gạt bỏ suy nghĩ đó đi. Nhưng mấy tiếng sau thì tôi quyết định đi, đôi chân xỏ tất không phát ra tiếng động nào, tránh đánh thức những hồn ma. Trong phòng đọc mà trước kia tôi từng dùng trà với Snow, tôi tìm thấy một cái thùng đựng chiếc áo săn của cha tôi, cuốn sách thảo mộc của nhà tôi, ảnh cưới của cha mẹ tôi, cái vòi máng Haymitch gửi lại, và tấm mề đay Peeta đã đưa cho tôi ở trường đấu đồng hồ. Hai cây cung và một bao tên Gale đã giữ cho tôi sau cái đêm bom lửa hoành hành giờ nằm trên bàn. Tôi mặc chiếc áo săn vào, không động gì đến những món còn lại. Tôi ngủ thiếp đi trên sofa trong phòng khách chính. Theo sau là một cơn ác mộng khiếp đảm, tôi mơ thấy mình nằm dưới đáy một nấm mộ sâu, và từng người chết mà tôi biết tên ghé qua hất một xẻng đầy tro tàn lên người tôi. Đó là một giấc mơ dài dặc, cứ xem danh sách người thì biết, và tôi càng bị vùi sâu thì càng khó thở. Tôi cố hét lên, van xin họ dừng lại, nhưng tro tàn cứ lấp đầy miệng mũi tôi khiến tôi không thể thốt ra một âm thanh nào. Vẫn là chiếc xẻng lạo xạo mãi không dứt…
Tôi giật mình tỉnh dậy. Ánh ngày nhợt nhạt lọt qua mép rèm. Tiếng xẻng lạo xạo vẫn còn văng vẳng trong tai tôi. Vẫn nửa tỉnh nửa mê, tôi chạy dọc hành lang, ra ngoài cửa trước, vòng qua mé nhà, vì giờ đây tôi khá chắc mình có thể hét lên với người chết. Khi trông thấy cậu, tôi sững lại. Khuôn mặt cậu đỏ bừng vì đào đất dưới những ô cửa sổ. Trên cái xe cút kít là năm bụi hoa lởm chởm.
“Cậu về rồi,” tôi nói.
“Mãi đến hôm qua bác sĩ Aurelius mới cho tớ về,” Peeta nói. “À mà ông ấy bảo tớ nhắc cậu rằng ông ấy không thể cứ giả vờ là đang điều trị cho cậu mãi được. Cậu phải nghe điện thoại chứ.”
Trông cậu khá khỏe mạnh. Thân gầy mang đầy sẹo bỏng giống tôi, nhưng cặp mắt thì không có cái vẻ u ám giày vò nữa. Dù vậy, cậu hơi nhíu mày khi nhìn tôi. Tôi thờ ơ gạt tóc khỏi mắt thì nhận ra nó đã bết dính thành cục. Tôi cảm thấy muốn phòng thủ. “Cậu đang làm gì vậy?”
“Sáng nay tớ vào rừng đào mấy thứ này lên. Cho con bé,” cậu đáp. “Tớ nghĩ là chúng ta có thể trồng dọc theo mé nhà.”
Tôi nhìn chỗ bụi hoa mà rễ vẫn còn bám mấy cục đất, nín thở khi từ hoa hồng hiện lên trong đầu. Tôi định hét vào mặt Peeta những lời hằn học thì chợt nghĩ đến cái tên đầy đủ. Không phải hoa hồng bình thường mà là anh thảo đêm. Loài hoa được đặt tên cho em gái tôi. Tôi gật đầu đồng ý với Peeta rồi vội vã quay trở vào nhà, khóa cửa lại sau lưng. Nhưng cái thứ khủng khiếp đó ở bên trong chứ không phải bên ngoài. Run rẩy vì yếu mệt và lo lắng, tôi chạy lên cầu thang. Vấp chân phải bậc cuối cùng, tôi ngã lăn ra đất. Tôi gượng đứng dậy vào phòng. Thứ mùi đó chỉ phảng phất nhưng rõ ràng không chịu tan trong không khí. Nó ở đó. Bông hồng trắng giữa đám hoa khô trong bình. Héo rũ và mỏng giòn, nhưng vẫn còn cái vẻ hoàn mỹ phi tự nhiên được chăm trong nhà kính. Tôi chộp lấy chiếc bình, loạng choạng đi vào bếp, vứt hết hoa bên trong vào đống than sắp tàn. Khi đám hoa bắt lửa, một tia lửa bùng lên bao quanh bông hồng trắng mà ngấu nghiến nó. Lửa lại lép bép thiêu rụi hết chỗ hoa. Để cho chắc ăn, tôi ném chiếc bình xuống đất vỡ tan.
Trở lại tầng trên, tôi mở toang cửa sổ phòng ngủ cho bay hết cái mùi rữa nát còn lại của Snow. Nhưng nó vẫn rơi rớt trên quần áo và lỗ chân lông của tôi. Tôi cởi đồ ra, thấy những mảng da to bằng quân bài bám trên quần áo. Tránh nhìn vào gương, tôi đi tắm, kỳ cọ gột rửa cho bằng sạch mùi hoa hồng khỏi tóc, khỏi người, khỏi miệng. Tôi tìm thấy một thứ sạch sẽ để mặc vào, màu hồng tươi và hơi nhợt nhạt. Mất nửa tiếng tôi mới gỡ được hết tóc ra. Greasy Sae mở cửa trước. Trong khi bà làm bữa sáng, tôi ném đống quần áo vừa cởi ra nãy làm mồi cho lửa. Nghe theo bà, tôi lấy dao gọt dũa móng tay.
Nhìn qua chỗ trứng, tôi hỏi bà, “Gale đi đâu rồi ạ?”
“Quận 2. Tìm được việc gì hay ho ở đó rồi thì phải. Thỉnh thoảng bác thấy cậu ta trên ti vi đấy,” bà nói. Tôi dò xét lòng mình, cố tìm xem có cơn giận, lòng căm ghét hay khao khát nào trỗi dậy không. Tôi chỉ thấy nhẹ nhõm.
“Hôm nay cháu đi săn đây,” tôi nói.
“Chà, có thịt rừng tươi thì tốt quá,” bà đáp.
Tôi trang bị cung tên rồi lên đường, định qua Đồng cỏ ra khỏi Quận 12. Gần quảng trường có mấy toán người đeo khẩu trang và găng tay cùng vài cái xe ngựa. Đào bới thứ nằm dưới lớp tuyết mùa đông năm nay. Thu nhặt thi thể. Một chiếc xe đỗ trước nhà thị trưởng. Tôi nhận ra Thom, chiến hữu cũ của Gale, đang ngừng lại đôi chút để lấy khăn lau mồ hôi trên mặt. Tôi nhớ đã gặp anh ở Quận 13, nhưng hẳn anh cũng mới quay về. Anh chào tôi khiến tôi có dũng khí hỏi, “Họ có tìm thấy ai ở đây không?”
“Cả nhà. Và cả hai người làm việc cho họ nữa,” Thom bảo tôi.
Madge. Trầm tính, tốt bụng và dũng cảm. Cô gái đã tặng tôi chiếc ghim mà tôi được đặt tên theo. Tôi nuốt mạnh. Tự hỏi cô có góp mặt trong những cơn ác mộng của tôi đêm nay. Xúc mấy xẻng tro tàn vào miệng tôi. “Tôi đã tưởng biết đâu vì ông ấy là thị trưởng mà…”
“Tôi nghĩ làm thị trưởng Quận 12 không mang lại may mắn gì cho ông ấy.” Thom nói.
Tôi gạt đầu rồi tiếp tục bước đi, cẩn thận không nhìn vào phía sau xe. Khắp thị trấn và khu Vỉa than đều là cảnh tượng đó. Buổi chiêu quân người chết. Khi tôi đến gần tàn tích của ngôi nhà xưa, xe ngựa càng lúc càng chật đường. Đồng cỏ đã biến mất, hay ít nhất cũng thay đổi dữ dội. Người ta đào một cái hố sâu, chôn vùi trong đó những xương là xương, một nấm mộ tập thể của người dân quê tôi. Tôi men theo cái hố mà vào rừng bằng lối cũ. Dù cũng chẳng quan trọng nữa. Hàng rào không còn điện và được dựng lên bằng những cành cây dài nhằm ngăn thú săn mồi. Nhưng thói cũ khó bỏ. Tôi định ra hồ, nhưng lại yếu đến độ hầu như không lê nổi tới chỗ hẹn trước kia của tôi và Gale. Tôi ngồi trên tảng đá nơi Cressida từng quay phim chúng tôi, nhưng không có anh bên cạnh, nó lại trở nên quá rộng. Vài lần tôi nhắm mắt lại đếm đến mười, ngỡ rằng khi mở mắt ra sẽ thấy anh xuất hiện không một tiếng động như anh vẫn thường làm. Tôi phải nhắc mình rằng Gale đang ở Quận 2 làm một công việc hay ho, có lẽ đang hôn một đôi môi khác.
Một ngày như thế này chính là ngày mà Katniss trước kia yêu thích. Đầu xuân. Cánh rừng trỗi mình thức dậy sau một mùa đông dài. Nhưng cái năng lượng tuôn trào mà hoa anh thảo từng khơi dậy thì phai nhạt dần. Khi quay trở lại hàng rào, tôi nôn nao choáng váng đến mức Thom phải đưa tôi về trên chiếc xe chở xác. Dìu tôi đến ghế sofa trong phòng khách, để tôi ngồi đó ngắm những hạt bụi li ti xoay tròn trong luồng sáng chiều mỏng mảnh.
Tôi ngang ngửa quay đầu khi nghe thấy tiếng gừ gừ, nhưng phải mất một lúc tôi mới tin là nó đúng bằng xương bằng thịt. Nó tới đây bằng cách nào vậy? Tôi quan sát những dấu móng của một loài thú hoang nào đó, chân sau của nó hơi nhấc lên khỏi mặt đất, xương mặt nhô cao. Vậy là nó đã cuốc bộ cả chặng đường dài từ Quận 13 về đây. Có lẽ họ đã tống cổ nó hoặc cũng có thể nó không chịu nổi cảnh sống thiếu em, nên đi tìm.
“Mày mất công đi lại rồi. Con bé không có ở đây,” tôi bảo nó. Hũ Bơ lại gừ gừ. “Nó không có ở đây. Mày thích gừ ai thì đi mà gừ. Mày sẽ không tìm thấy Prim đâu.” Nghe thấy tên em, nó ngỏng lên. Vểnh đôi tai quặt. Cất tiếng meo meo đầy hy vọng. “Ra ngoài!” Nó né cái gối tôi ném. “Cút! Ở đây chẳng còn lại gì cho mày cả!” Tôi bắt đầu run rẩy, điên tiết với nó. “Con bé sẽ không quay về đâu! Nó sẽ không bao giờ quay về đây nữa!” Tôi túm lấy một cái gối khác rồi đứng lên để nhắm trúng hơn. Trượt! Lệ bắt đầu tuôn dài trên má tôi. “Nó chết rồi.” Tôi ôm chặt bụng xoa dịu cơn đau. Ngồi sụp xuống chân, đu đưa cái gối mà khóc. “Nó chết rồi, con mèo ngu ngốc kia. Nó chết rồi.” Một âm thanh mới, vừa như khóc, vừa như hát, bật ra từ cơ thể tôi, bày tỏ nỗi tuyệt vọng của tôi. Hũ Bơ cũng bắt đầu rên rỉ. Dù tôi có làm gì, nó cũng không chịu đi. Nó đi vòng quanh tôi, ngoài tầm với của tôi, khi những đợt nức nở khiến người tôi run bần bật, cho đến lúc cuối cùng tôi cũng gục xuống đất bất tỉnh. Nhưng hẳn là nó hiểu. Hẳn là nó biết rằng những điều không tưởng đã xảy ra và để sống sót thì cần có những hành động trước đây không tưởng nổi. Vì mấy tiếng sau, khi tỉnh lại trên giường, tôi thấy nó ngồi đó dưới ánh trăng. Khom mình bên tôi, cặp mắt vàng cảnh giác, bảo vệ tôi khỏi đêm tối.
Sáng ra, nó ngồi chịu đựng cho tôi rửa sạch vết thương, nhưng khi tôi nhổ gai khỏi móng nó thì nó kêu meo meo cả một tràng. Cả hai chúng tôi lại khóc, có điều lần này là để an ủi lẫn nhau. Được tiếp thêm động lực, tôi bóc lá thư mẹ gửi mà Haymitch đưa cho tôi, quay số điện thoại rồi cũng than khóc cùng mẹ. Peeta, mang theo một ổ bánh mì ấm nóng, đến cùng Graesy Sae. Bà nấu bữa sáng cho chúng tôi và cho Hũ Bơ ăn hết chỗ thịt muối của tôi.
Dần dần sau nhiều ngày mụ mị, tôi tỉnh táo trở lại. Tôi cố làm theo lời khuyên của bác sĩ Aurelius, chỉ để cho có, và ngỡ ngàng thấy mọi thứ có ý nghĩa trở lại. Tôi nói với ông rằng tôi muốn làm một cuốn sách, thế là một thùng giấy da trên chuyến tàu Capitol được chuyển đến nhà tôi.
Tôi lấy ý tưởng đó từ cuốn sách thảo mộc của gia đình tôi. Nơi chúng tôi lưu giữ những thứ mà chúng tôi không tin tưởng vào trí nhớ. Trang đầu là chân dung. Một tấm ảnh nếu chúng tôi tìm ra được. Nếu không thì là một bức phác họa hay bức tranh do Peeta vẽ. Rồi, nắn nót hết sức, tôi viết đầy đủ mọi chi tiết mà nếu quên sẽ là tội ác. Con dê Cô nương liếm má Prim. Tiếng cười của cha. Cha Peeta với những chiếc bánh quy. Màu mắt Finnick. Những gì Cinna có thể làm với một dải lụa. Boggs tái lập trình Ảnh nổi. Rue kiễng chân, cánh tay hơi dang rộng, như con chim nhỏ chuẩn bị cất cánh. Vân vân. Chúng tôi bôi một lớp nước muối lên các trang giấy để bảo quản và hứa sẽ sống tốt để cái chết của họ không trở thành vô ích. Haymitch cuối cùng cũng tham gia cùng chúng tôi, đóng góp hai mươi ba năm mà ông buộc phải hướng dẫn các vật tế. Các tình tiết thêm vào ngày càng ít. Một kỷ niệm xưa cũ trào lên. Một bông anh thảo nở muộn được ép khô giữa các trang giấy. Những mẩu hạnh phúc kỳ lạ, như bức ảnh đứa con trai mới sinh của Finnick và Annie.
Chúng tôi lại học cách luôn chân luôn tay. Peeta nướng bánh. Tôi đi săn. Haymitch uống cạn sạch rượu, rồi nuôi ngỗng cho đến khi có chuyến tàu kế tiếp. May thay, không cần phải mất quá nhiều công sức chăm nuôi lũ ngỗng. Chúng tôi không đơn độc. Vài trăm người khác đã trở về, vì bất luận có chuyện gì xảy ra, đây vẫn là nhà họ. Mỏ than đã đóng cửa, giờ họ xới trộn tro với đất để gieo trồng cây trái. Máy móc từ Capitol đào móng xây một nhà máy mới sản xuất thuốc men. Dù không ai gieo hạt, đồng cỏ vẫn xanh tươi trở lại.
Peeta và tôi lại lớn lên bên nhau. Vẫn có những khoảnh khắc cậu nắm chặt lưng ghế mà giữ mãi cho đến khi khúc hồi tưởng qua đi. Tôi vẫn hét lên bừng tỉnh khỏi những cơn ác mộng về bọn mút và lũ trẻ đã chết. Nhưng vòng tay cậu luôn ở đó an ủi tôi. Và cuối cùng là cả đôi môi. Vào cái đêm tôi lại cảm nhận thấy điều đó, nỗi khao khát từng tràn ngập lòng tôi trên bãi biển, tôi biết rốt cuộc chuyện này cũng xảy ra. Rằng thứ tôi cần để sống sót không phải là ngọn lửa của Gale, được nhen lên bằng thịnh nộ và thù hận. Bản thân tôi đã có nhiều lửa lắm rồi. Thứ tôi cần là bông thủy tiên mùa xuân. Sắc vàng tươi mang ý nghĩa tái sinh thay vì hủy hoại. Hứa hẹn cuộc sống vẫn tiếp tục, dù những mất mát của chúng tôi có lớn đến mức nào. Rằng mọi chuyện có thể tốt đẹp trở lại. Và chỉ có Peeta mới mang lại cho tôi điều đó.
Thế nên khi cậu thì thầm, “Cậu yêu tớ. Là thực hay không thực?”
Tôi đáp, “Thực.”
Vĩ Thanh
Chúng tung tăng chơi trên Đồng cỏ. Đứa bé gái đang nhảy nhót tóc đen mắt xanh. Đứa bé trai tóc quăn vàng mắt xám, lật đật đuổi theo chị trên đôi chân lẫm chẫm bụ bẫm. Phải mất năm, mười, mười lăm năm tôi mới đồng ý. Nhưng Peeta muốn có chúng vô cùng. Lần đầu cảm thấy con bé cựa quậy trong mình, tôi bị ám ảnh với nỗi sợ muôn thuở. Chỉ có niềm vui ẵm nó trên tay mới chế ngự được cảm giác ấy. Mang thai thằng bé thì đỡ hơn một chút, nhưng không nhiều.
Những câu hỏi mới chỉ bắt đầu. Trường đấu đã bị phá hủy hoàn toàn, các đài tưởng niệm được dựng lên, không còn Đấu trường Sinh tử nữa. Nhưng ở trường người ta dạy cho lũ trẻ biết về điều đó, và con bé biết rằng chúng tôi từng tham gia vào sự kiện ấy. Vài năm nữa thằng bé cũng sẽ hay. Làm sao tôi có thể kể cho các con nghe về thế giới này mà không làm chúng sợ chết khiếp. Các con tôi, những đứa trẻ chỉ coi lời bài hát này chỉ như những ca từ bình thường:
Trên đồng cỏ nơi tơ liễu buông mành
Có chiếc giường xanh và gối dịu êm
Ngả đầu em hỡi, nhắm mắt ngủ đi em
Mở mắt ra xem, mặt trời rồi sẽ sáng
Ở đây có bình yên và nắng ấm
Có cúc dại xóa tan mọi mất mát
Có giấc mộng ngọt ngào
Mà ngày mai sẽ biến thành hiện thực
Ở đây có chị rất mực yêu em.
Các con tôi, những đứa trẻ không biết rằng chúng đang chơi trên một nghĩa trang.
Peeta nói mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Chúng tôi có nhau. Và cuốn sách. Chúng tôi có thể giúp chúng hiểu theo cách giúp chúng mạnh mẽ hơn. Nhưng một ngày tôi sẽ phải giải thích về những cơn ác mộng của mình. Tại sao chúng đến. Tại sao chúng sẽ chẳng bao giờ thực sự biến mất.
Tôi sẽ kể cho chúng nghe mình sống sót thế nào. Tôi sẽ kể cho chúng nghe rằng vào những buổi sáng tồi tệ, tôi có cảm giác như không thể vui thú với bất cứ thứ gì vì sợ khoảnh khắc đó bị cướp đi mất. Đó là khi tôi nhẩm trong đầu mình một danh sách từng hành động tốt đẹp mà tôi thấy người khác làm. Giống như một trò chơi vậy. Lặp đi lặp lại. Thậm chí còn có phần nhạt nhẽo sau hơn hai mươi năm.
Nhưng còn có nhiều trò chơi khác tồi tệ hơn nhiều.
Lời cảm ơn
Tôi xin bày tỏ lời tri ân đến những người sau đây vì đã dành thời gian, tài năng cũng như sự ủng hộ cho bộ Đấu trường Sinh tử.
Đầu tiên, tôi nhất định phải cảm ơn bộ ba biên tập viên quyền lực xuất sắc. Kate Egan, sự sáng suốt, óc hài hước và hiểu biết của cô đã dẫn dắt tôi qua tám tiểu thuyết; Jen Rees, tầm nhìn sáng rõ nắm bắt những vấn đề mà những người còn lại trong chúng tôi bỏ qua; và David Levithan, người đảm đương trơn tru nhiều vai trò từ nhà chú thích, chuyên gia đặt tên cho đến chủ bút.
Qua những bản thảo nháp, vụ ngộ độc thực phẩm, hay mỗi bước thăng trầm, chị đều ở bên tôi, Rosemary Stimola, vừa là nhà tư vấn sáng tạo tài ba kiêm người bảo vệ chuyên nghiệp, vừa là đại diện văn học đồng thời là bạn tôi. Và Jason Dravis, đại diện giải trí lâu năm của tôi, tôi cảm thấy may mắn vô cùng khi được anh giám sát trong quá trình đưa tác phẩm lên màn ảnh rộng.
Nhờ có nhà thiết kế Elizabeth B. Parisi và họa sĩ Tim O’Brien tạo ra những bìa sách tuyệt đẹp mà cuốn sách đã thu hút mạnh mẽ cả lũ húng nhại lẫn độc giả.
Xin hoan nghênh đội ngũ tuyệt vời tại Scholastic vì đã đỡ đầu bộ Đấu trường Sinh tử: Sherila Marie Everett, Tracy van, Straaten, Rachel Coun, Leslie Garych, Adrienne Vrettos, Nick Martin, Jacky Harper, Lizette Serrano, Kathleen Donohoe, John Mason, Stephanie Nooney, Karyn Browne, Joy Simpkins, Jess White, Dick Robinson, Ellie Berger, Suzanne Murphy, Andrea Davis Pinkney, toàn bộ đội ngũ kinh doanh Scholastic, và nhiều người khác đã cống hiến biết bao công sức, trí tuệ và hiểu biết cho bộ truyện này.
Năm người bạn văn mà tôi đã dựa dẫm quá nhiều, Richard Register, Mary Beth Bass, Christopher Santos, Perter Bakalian và James Proimos, xin cảm ơn những lời khuyên, quan điểm cũng như tiếng cười của các bạn.
Tình yêu đặc biệt xin dành cho người cha quá cố của tôi, Michael Collins, người đã đặt nền móng cho bộ truyện này với lời cam kết sâu sắc về việc dạy dỗ các con mình về chiến tranh và hòa bình, và mẹ tôi, Jane Collins, người đã giới thiệu cho tôi về người Hy Lạp, khoa học viễn tưởng và thời trang (dù mục cuối tôi không sành lắm); các chị gái của tôi, Kathy và Joanie; anh trai tôi, Drew; chị dâu anh rể, Dixie và Charles Pryor; và nhiều thành viên khác trong đại gia đình chúng tôi mà lòng nhiệt tình cũng như sự ủng hộ của họ đã giúp tôi tiến bước.
Và cuối cùng, tôi dành lời cảm ơn cho chồng tôi, Cap Pryor, người đã đọc bộ Đấu trường Sinh tử từ lúc bản thảo còn sơ khai nhất, kiên quyết đòi nghe trả lời cho những câu hỏi mà tôi thậm chí còn không tưởng tượng ra, và vẫn luôn là người kiểm nghiệm xuyên suốt bộ truyện. Cảm ơn anh và những người con tuyệt vời của tôi vì tình yêu, lòng kiên nhẫn và niềm vui họ mang đến chuyện tôi mỗi ngày.
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Mai – Kaitoukiddo1412 – Mint
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)