Cô Lâu Quái Kiệt - Hồi 12 - Phần 1

Hồi 12: Kinh thần thạch cổ

Khi Gia Cát Ngọc đã xuống tận đến chân núi Trích Thúy Phong thì sức nhìn xa của tầm mắt cũng bị rút ngắn lại. Hơn nữa, khi chàng vượt khỏi cánh rừng phong mười dặm, thì lại gặp một con sông to chặn ngang trước mặt đang chảy uốn khúc về hướng đông. Bởi thế, những cỗ xe mà chàng trông thấy vừa rồi, đều đã lẫn khuất hình bóng đi đâu mất hết cả.

Suốt ba ngày liền, hành tung của những cỗ xe ngựa ấy khi ẩn khi hiện, Gia Cát Ngọc rất hối hận về chỗ đã bỏ con tuấn mã ở lại Di Thế Sơn Trang, nếu chẳng thế, thì chắc chắn...

Trong khi chàng còn đang nghĩ ngợi, thì bất thần tại chân núi phía trái có một bóng người xuất hiện.

Bóng người ấy có chiếc đầu trọc lóc, tay áo tăng bào không ngớt tung bay theo chiều gió, đúng là Phi Long Thiền Sư, một tăng nhân có nhiều hành động rất lạ lùng.

Ông ta đến đây để làm chi thế? Có lý đâu ông ta cũng đang theo dõi cô gái áo trắng hay sao? Nếu thế, thì tại sao ông ta lại cố ý tự chiến bại dưới tay của Xuyên Vân Yến? Chả lẽ ông ta là đồng đảng với cô gái áo trắng?

Bao nhiêu sự nghi vấn đã hiện lên trong đầu óc Gia Cát Ngọc, do đó, chàng liền ẩn thân mình, bám sát theo Phi Long Thiền Sư để theo dõi hành động của ông ta.

Hai người tiếp tục đi tới như thế độ mấy dặm đường thì Phi Long Thiền Sư bỗng quanh vào một khu núi rừng rậm rập.

Gia Cát Ngọc vội vàng rảo bước đuổi theo, nhanh nhẹn vọt người bay lên lướt thẳng, tới một dãy núi nằm chắn ngang, và định sẽ vượt qua dãy núi ấy, để tiếp tục theo dõi hành tung của đối phương...

Nào ngờ đâu khi chàng vừa mới nhô cao đầu lên để nhìn, thì bỗng nhanh nhẹn thụt đầu xuống để ẩn kín trở lại.

Thì ra, trên đường núi phía dưới, đang có mấy cỗ xe ngựa đậu yên lại tại đó.

Đấy chính là những cỗ xe mà chàng đã vượt quá nghìn dặm để truy đuổi.

Những bức màn trên những cỗ xe ấy vẫn buông rũ như trước, nhưng hình bóng của cô gái áo trắng và những người tùy tùng của cô ta, thì không còn trông thấy đâu nữa. Lúc bấy giờ, chỉ có Phi Long Thiền Sư, là đang đứng trước những cỗ xe ấy trơ trơ như một pho tượng gỗ, sắc mặt đầy vẻ kinh ngạc.

Cô gái áo trắng thần bí kia đã đi đâu rồi? Có lý đâu Phi Long Thiền Sư lại chẳng phải là đồng bọn với số người này?

Thốt nhiên, chàng nghe có một tiếng “soạt” từ phía dưới vọng lên, nên nhanh nhẹn thò đầu lên nhìn. Chàng trông thấy những bức màn gấm của một cỗ xe, đã bị Phi Long Thiền Sư vung tay giật cả xuống.

Gia Cát Ngọc đưa mắt nhìn qua, thì không khỏi lại kinh ngạc. Vì, trong chiếc xe ấy hoàn toàn trống trơn. Những chiếc rương sắt nặng nề mà chàng được thấy, giờ đây đã không còn nữa...

Giữa vùng núi đồi chớn chở này, nếu rinh những chiếc rương sắt ấy đi là một việc hoàn toàn không thể được. Vậy, có lý nào số người trong “Huyết Hải Biệt Phủ” ấy, có sào huyệt tại nơi này chăng? Dọc đường như thế này? Chả lẽ sào huyệt của họ mà lại không có đường đi xe vào hay sao?

Gia Cát Ngọc nhận thấy những nghi vấn mình đặt ra rất nhiều điều phi lý, và còn đang băn khoăn nghĩ ngợi, thì bất thần nghe Phi Long Thiền Sư cất tiếng “Hừ” lạnh lùng, rồi di động thân hình vung mười ngón tay lên như gió...

Tức thì, tiếng “soạt, soạt” nổi lên liên tiếp không ngớt bên tai, chỉ trong thoáng chốc là những bức màn che trên tất cả mười hai cổ xe, đêu bị lão ta giật cả xuống.

Tất cả những cỗ xe ấy, hầu hết đều trống trơn, không có chở theo một vật chi cả. Nhưng, đến cỗ xe cuối cùng, sau khi ông ta giật những bức màn che xuống xong, thì mới cất giọng lạnh lùng cười lên khanh khách, đôi mắt cũng tràn đầy những tia sáng khoái trá.

Gia Cát Ngọc đang lấy làm lạ, không hiểu ra sao cả, thì Phi Long Thiền Sư đã thò tay vào áo lấy ra một vật, ánh sáng chiếu ngời, lóng lánh dưới bóng mặt trời.

Đấy chẳng phải là pho Lục Ngọc Di Đà hay sao?

Gia Cát Ngọc trông thấy thế, hết sức kinh ngạc, thầm nghĩ:

– Pho Lục Ngọc Di Đà rõ ràng đã bị cô gái áo trắng cướp đi, thế tại sao nói lại rơi vào tay Phi Long Thiền Sư như vầy? Chả lẽ món bảo vật quí báu nhứt trong võ lâm ấy, lại có đến hai pho hay sao?

Không. Lục Ngọc Di Đà chỉ có một mà thôi. Như vậy, chắc chắn giữa hai pho này có một pho giả.

Nhưng, pho nào mới là pho thực? Và pho nào là pho giả? Có lý đâu Thiên Nhất Thượng Nhân, một bậc cao tăng của Thiếu Lâm Tự, lại giữ lấy pho tượng giả hay sao?

Thế nhưng, trước đây Phong Lâm Song Lão khi đưa pho Lục Ngọc Di Đà đến cho Thiên Nhất Thượng Nhân, thì hoàn toàn không có ý định hỏi lấy trở lại. Nếu vậy, tại sao Thiên Nhất Thượng Nhân lại có thể làm một việc hèn hạ đến thế?

Ngoài ra, lại còn có trường hợp Ngân Tu Tẩu bị bại dưới tay của Ngũ Đinh Thủ, một gã võ công tầm thường, so với lão ta còn sút kém hơn xa, cũng như trường hợp Phi Long Thiền Sư, lại bị thua Xuyên Vân Yến một cách bất ngờ, không ai có thể tưởng tượng nổi, quả là những trường hợp có đầy những nghi vấn.

Tất cả những nghi vấn khó hiểu ấy, đã làm cho Gia Cát Ngọc suy nghĩ nát óc mà vẫn không làm sao tìm ra manh mối hữu lý nào.

Ngay lúc ấy, Phi Long Thiền Sư bất thần cất tiếng cười ghê rợn, phất tay áo rộng rồi rảo bước bỏ đi thẳng.

Gia Cát Ngọc liền từ trên núi lướt nhanh xuống, quan sát tỉ mỉ mười hai cỗ xe ngựa, nhưng vẫn không tìm được một tí dấu vết nào khả nghi. Trong khi chàng định bỏ đi, thì...

Nào ngờ đâu, chàng mới vừa đưa chân bước tới, bỗng mặt không khỏi lộ sắc kinh ngạc, nhanh nhẹn dừng chân đứng lại ngay, vung những ngón tay lên, nhắm ngay một bức màn gấm che trong mui cỗ xe giật xuống nghe một tiếng “soạt”.

Thì ra, trên bức màn gấm màu trắng, có viết những chữ đỏ rõ mồn một:

“Muốn tìm Lục Ngọc Di Đà, xin đến Huyết Hải Địa Khuyết.”.

Bên dưới giòng chữ ấy không có ký tên ai cả, mà chỉ có dấu một bàn tay đỏ như máu, bên dưới bàn tay ấy lại còn có nhiễu sáu đốm máu tươi.

Gia Cát Ngọc nhất thời không nghĩ ra được Huyết Hải Địa Khuyết là đâu, nên hối hả xếp gọn bức gấm trắng ấy bỏ vào túi áo, rồi nhắm hướng Phi Long Thiền Sư vừa bỏ đi, đuổi rút theo.

Trời đã hoàng hôn, nhưng tiếng ve sầu hãy còn ngân vang theo chiều gió.

Chẳng mấy chốc sau, chàng thấy giữa núi đồi trùng điệp, và sau một cánh rừng tòng, thấp thoáng một ngôi cổ tự rất nguy nga.

Những mái ngói cong của ngôi cổ tự ấy cao vút, chung quanh lại có rất nhiều gốc cổ thụ cao chọc trời. Tiếng chuông chiều ngân vang giữa núi đồi hoang vắng, đi đôi với tiếng trống u buồn uể oải khiến cho người đứng trước khung cảnh ấy, tựa hồ như mất hẳn ý niệm trần tục, có cảm giác như mình đã tiến vào một cảnh thần tiên.

Chàng tỏ ra do dự trong giây lát, rồi liền nhắm ngay ngọn núi ấy đi thẳng tới.

Đường đi mỗi lúc một cao hơn, và chẳng mấy chốc, cổng chùa cũng đã trông thấy được rõ ràng. Dưới bóng tịch dương, chàng có thể trông thấy thấp thoáng ba chữ đại tự trên cổng. Thì ra, đấy chính là “Kinh Thần Tự”.

Nên biết, Kinh Thần Tự tại Thiên Đài Sơn, chính là nơi Thạch Cổ hòa thượng, một trong Càn Khôn Ngũ Bá đang tu tĩnh. Trong giới giang hồ không ai là không biết việc ấy. Bởi thế, Gia Cát Ngọc vừa nhìn qua, thì không khỏi lộ sắc kinh ngạc, bất giác dừng chân đứng lại, đưa mắt nhìn bốn bên.

Ngay lúc ấy, chàng bỗng phát giác giữa núi rừng cạnh đấy, có một bóng người đang đứng sững, chiếc tăng bào không ngớt tung bay theo chiều gió. Chàng thầm nói rằng:

“Kinh Thần Tự là một nơi canh phòng rất cẩn mật, vậy chả lẽ lại xảy ra biến cố gì rồi hay sao?”.

Tuy trong lòng chàng đang nghĩ ngợi, nhưng đôi chân vẫn tiếp tục bước tới nhẹ nhàng, nên chỉ trong nháy mắt, là chàng đã đi xa ngoài mấy mươi trượng.

Ánh sáng nhợt nhạt của bóng tà dương đang chiếu rọi trên khắp khu rừng, những áng mây đỏ ối trên nền trời cứ mỗi lúc lại càng lu mờ đi, gió chiều thổi nhẹ nhàng mát rượi...

Ngay lúc ấy, chàng lại trông thấy hai bóng người lướt nhanh trong khu rừng rậm rạp, rồi mất hút.

Hai bóng người ấy, là hai tăng nhân trên dưới ba mươi tuổi, thân hình nhẹ nhàng, huyệt thái dương gồ cao. Họ bỗng đón lấy đường của Gia Cát Ngọc, chấp tay thi lễ rồi cất tiếng niệm Phật, nói:

– A Di Đà Phật. Tiểu thí chủ xông càn vào thiền lâm như thế này, là có ý gì?

Gia Cát Ngọc trông thấy hai vị hòa thượng đó ăn nói quá đường đột, nên sắc mặt trở thành lạnh lùng, hỏi vặn lại rằng:

– Chùa miếu là nơi người thập phương đến dâng hương chiêm ngưỡng, vậy chả lẽ tôi đến đây đốt nhang lạy Phật cũng không được nữa hay sao?

Câu hỏi vặn, lý lẽ vững vàng ấy của chàng, đã làm cho hai tăng nhân kia phải cứng họng, qua một lúc thực lâu, vẫn không tìm được lời lẽ chi để đối đáp.

Gia Cát Ngọc trông thấy thế, không khỏi tức cười thầm, thế rồi, chàng lách mình định bước ngang bên cạnh hai người ấy để đi thẳng vào trong chùa...

Nào ngờ đâu, hai tăng nhân nọ sau cơn kinh ngạc, đã nhanh nhẹn tràn qua chận lấy chàng lại, gằn giọng nói:

– Tiểu thí chủ nếu có ý định dùng những lời lẽ ngang bướng ấy, để xông vào Kinh Thần Tự của chúng tôi, thì e rằng không được dễ dàng như ý muốn đâu.

Gia Cát Ngọc nghe qua, trong lòng như nghĩ ra một điều gì, thầm nói:

“Xưa kia trên ngọn núi Thủy Tín Phong, Càn Khôn Ngũ Bá đã so tài với nhau, ân sư ta chưa có dịp nào thi thố tài nghệ với những vị kia, vậy ngày hôm nay tại sao ta lại không...?”

Chàng có ý lợi dụng dịp này để so tài với Thạch Cổ Thiền Sư, nên liền thay đổi thái độ, giả vờ quát to rằng:

– Với tài nghệ của hai ông, mà lại có ý muốn ngăn chận tại hạ hay sao?

Người tăng nhân đứng ở phía trước mặt liền biến sắc, nói:

– Mong tiểu thí chủ hãy ăn nói thận trọng, Kinh Thần Tự nào phải là nơi để thí chủ đến đây hành động ngang tàn? Nếu muốn dựa vào một ít võ thô thiển, để xông càng vào thiền lâm, thì chớ trách tiểu tăng đây tại sao lại thất lễ đó.

Gia Cát Ngọc cố ý khiêu khích để cho bọn họ ra tay đánh nhau với mình, nên sau khi nghe qua lời nói ấy, liền mỉm cười đáp rằng:

– Ông thất lễ với tôi có hại chi, chỉ cần sau đó ông bằng lòng xin lỗi tôi được rồi.

Nói đoạn, chàng vung hai tay khoát lên, hất lùi hai vị tăng nhân ấy ra sau ba bước, rồi đưa chân bước thẳng đi vào ngôi chùa.

Hai vị tăng nhân đó, đều là những nhân vật ưu tú trong lớp đệ tử thứ ba của Kinh Thần Tự. Tuy họ bị Gia Cát Ngọc vung chưởng hất lui, trong lòng lầy làm kinh hãi, nhưng qua cơn kinh ngạc, họ liền gầm to một tiếng, rồi nhanh như chớp, vung tay chụp tới.

Đôi chân của họ tỏ ra rất vững vàng, sử dụng toàn những thế võ cao sâu kỳ tuyệt, nếu đem so với thủ pháp của các nhân vật giang hồ nói chung, thì quả có nhiều chổ khác biệt hơn.

Gia Cát Ngọc tuy ngoài sắc mặt vẫn tỏ ra ung dung, nhưng bên trong thì chàng đã cảnh giác, nên khi cảm thấy có luồng kình phong cuốn tới, đã biết hai vị tăng nhân đuổi theo mình. Do đó, chàng quay mặt nhìn lại và đã thấy bốn chưởng của đối phương vừa chụp đến nơi. Tức thì, chàng liền lách mình một cách tài tình để tránh, và đã tránh khỏi bốn luồng chưởng phong vô cùng nguy hiểm kia.

Hai vị hòa thượng đều cảm thấy trước mắt hoa lên, thân hình lảo đảo, và bị hất ra sau tám bước. Họ chỉ kịp kinh hoàng, là đã nghe người thiếu niên áo vàng kia cất tiếng to cười ha hả sát sau lưng mình, nói:

– Hai vị sư đích thân dẫn đường giúp cho tại hạ, làm cho tại hạ xấu hổ vô cùng, chẳng khi nào dám nhận. Vậy, nhị vị hãy để cho tại hạ đi một mình vào trong được rồi.

Câu nói chưa dứt, thì thân hình chàng đã di động...

Hai vị hòa thượng, chỉ thấy cái bóng vàng bay thoắt qua trước mắt mình, biết việc này thực bất lợi, nên nhanh nhẹn vô cùng vung cả bốn chưởng lên. Song người thiếu niên ấy đã lướt qua sát bên cạnh rồi.

Thân pháp của đối phương nhẹ nhàng như một bóng ma, lướt nhanh như một ngọn gió hốt, vậy thử hỏi họ làm sao ngăn cho được đối phương.

Sau khi Ga Cát Ngọc đã lướt qua khỏi hai vị tăng nhân trẻ tuổi ấy, thì định tiếp tục lướt thẳng vào cổng chùa...

Nhưng, bất thần từ phía sau núi đá, bỗng có tiếng niệm Phật vọng đến bên tai.

Tiếng niệm Phật ấy rất ấm áp và cũng rất khẽ, nhưng dồn chứa rất nhiều nội lực, nên ngân vang một lúc thự lâu. Sau đó, một luồng gió nhẹ bỗng cuốn tới, và tức thì, một vị lão hòa thượng đã xuất hiện trước mặt chàng. Vị lão hòa thượng ấy mình mặc một chiếc áo cà sa đỏ như lửa, đầu đội mũ ni, đôi mắt chiếu ngời.

Gia Cát Ngọc bị lão ta nhìn chòng chọc với đôi mắt đầy kinh ngạc. Qua một lúc sau, vị lão tăng ấy mới lên tiếng nói:

– Việc đốt hương lạy Phật, nếu mình có lòng chân thành thì phật trời đã chứng giám ngay, vậy tiểu thí chủ hà tất phải nhứt định đích thân tiến vào tam bảo như thế? Bần tăng khuyên tiểu thí chủ, nên quay người trở lại sớm là hơn...

Gia Cát Ngọc to tiếng cười nói:

– Tại hạ đi xa nghìn dặm đến đây, nếu giữa chừng lại bỏ ra về, thì chắc chắn sẽ bị Bồ Tát quở trách, vậy ai lại có thể gánh chịu tội đó? Đại sư là người đã gởi thân vào không môn, chả lẽ cái lý thông thường ấy mà cũng không hiểu hay sao?

Vị lão hòa thượng vừa nghe qua lời lẽ ngạo mạn kém lễ độ ấy của Gia Cát Ngọc, thì lòng sân liền nổi dậy trong người, sắc mặt sa sầm, cất tiếng giận dữ quát rằng:

– Chỉ mới từng tuổi đầu, thế tại sao lại không biết tự lượng sức. Lời nói của Phi Long Thiền Sư quả chẳng sai tí nào, nếu hôm nay ta không bắt sống ngươi, thì thật ngươi xem trong Kinh Thần Tự chẳng có ai ra chi cả.

Gia Cát Ngọc không khỏi kinh ngạc, vội vàng nói:

– Phi Long Thiền Sư hiện giờ ở đâu? Ông ấy đã nói thế nào về tôi?

Vị lão hòa thượng ấy liền cất tiếng cười nhạt nói:

– Phi Long Thiền Sư hiện đã trở về Thiếu Lâm. Nhưng, những lời nói của ông ấy hôm nay, bần tăng cũng có được nghe qua từ trước rồi. Đấy là việc Kim Cô Lâu tái hiện trong giới giang hồ, có ý sát hại hết tất cả nhân vật võ lâm, thử hỏi trong cả chốn giang hồ ngày nay còn có ai chẳng biết việc đó? Ta vẫn tưởng môn đồ của Âu Dương Thiên, là một con người ba đầu sáu tay chi đó, nhưng chẳng ngờ là một thằng bé ngông cuồng, miệng hãy còn hôi sữa.

Gia Cát Ngọc không chờ cho vị lão tăng ấy nói vừa dứt lời, bất giác phá lên cười to. Tiếng cười của chàng nghe kinh rợn như tiếng xé lụa, mà cũng chẳng khác chi tiếng cọp gầm giữa chốn rừng sâu, hay tiếng long ngâm non thần, làm cho rung chuyển cả màng tai của vị lão tăng ấy. Hai người tăng nhân trẻ tuổi vừa rồi trông thấy thế lại càng kinh tâm tán đởm, khiếp sợ đến miệng câm như hến.

Tiếng cười của chàng vừa dứt, thì đôi mắt sáng quắc và lạnh lùng như hai luồng điện, nhìn thẳng vào mặt vị lão tăng nhân, gằn giọng nói rằng:

– Gia Cát Ngọc là người tài hèn sức kém, về mặt võ học không tiếp thu được đến hai phần mười của tiên sư, vậy nếu đại sư không chê thì xin chỉ giáo thêm cho.

Nào ngờ ngay lúc ấy, sắc mặt của vị lão tăng nhân đã trở thành hết sức hiền hòa, nói:

– “Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỷ” tuy đã là lưỡi dao thần thuộc về dĩ vãng, không ai là không biết. Nhưng, còn “Kinh Thần Cửu Tuyệt Truy Hồn Cổ”, vẫn không phải dễ chi đối phó đâu, vậy xin tiểu thí chủ hãy suy nghĩ lại cho chính chắn, chớ nên có thái độ hại người và hại mình như thế.

Câu nói ấy, đã làm cho Gia Cát Ngọc hoang mang không hiểu ra sao cả. Bởi thế, sự tức giận trong lòng chàng, đều tự nhiên tiêu tan đi đâu mất hết. Chàng vội vàng lên tiếng hỏi rằng:

– Lời nói ấy của lão thiền sư có nghĩa là sao? Gia Cát Ngọc tôi nào phải là phường tham lam, hèn hạ như thế đâu.

Vị lão tăng không còn sắc mặt lạnh lùng đáng sợ như khi nãy nữa, mà chấp hai tay lại niệm Phật to, rồi nói:

– A Di Đà Phật. Dù thiếu hiệp có thể trộm đi mất lưỡi dao “Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỷ”, làm cho ba nghìn đồ đệ của Thần Kinh Tự phải ngày đêm truy tầm, nhưng nếu tài nghệ của thiếu hiệp chưa đủ sức sử dụng nó, và do đó, nguy hại đến tính mạng của thiếu hiệp thì chẳng phải tổn thương đến thiên hòa hay sao?

Gia Cát Ngọc vì không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao cả, nên tưởng đấy là vị lão tăng có ý lấy cớ để ngăn cản mình không cho đi vào ngôi chùa, bèn cất tiếng cười to hỏi:

– Lão thiền sư phải chăng có ý muốn thử thách sở học của tại ha?

– Bần tăng thực có muốn mạo muội trao đổi với thiếu hiệp ba chưởng cho biết.

– Tuyệt nghệ của Kinh Thần Tự, từ bấy lâu nay đã làm rung chuyển cả giới giang hồ, nếu được thế, thì Gia Cát Ngọc tôi vinh hạnh biết chừng nào. Vậy, xin lão thiền sư hãy chỉ giáo.

Vị lão tăng này pháp danh gọi là Vô Nhân, chính là người có nhiệm vụ tiếp khách trong Kinh Thần Tự. Lão ta là người rèn luyện “Kinh Thần Chưởng” đến mức cao tuyệt rồi. Tuy lão ta biết người thiếu niên trước mặt mình tài nghệ chẳng phải tầm thường, nhưng vẫn không tin rằng đối phương có thể vượt cao hơn mình về mặt võ học. Do đó, sau khi nghe qua lời nói của Gia Cát Ngọc, thì lão ta bèn chấp tay nói:

– Thế võ này của bần tăng, chính là thế “Kim Cang Đảm Lạc”, tức thế thứ ba trong “Kinh Thần Chưởng”. Vậy xin tiểu thí chủ hãy lưu ý.

Gia Cát Ngọc mỉm cười nói:

– Tại hạ sẽ dùng thế thứ bảy trong “Cửu Môn Tuyệt Hộ Chưởng” tức thế “Cổ Tỉnh Dương Ba” đễ lĩnh giáo tuyệt nghệ của lão thiền sư.

Liền đó, chưởng phải của Vô Nhân Đại Sư hạ thấp xuống, rồi bất thần quét thẳng trở ra, gây nên một luồng kình phong rít gió vèo vèo, cuốn thẳng về phía đối phương.

Gia Cát Ngọc vẫn đứng sững không hề nhúc nhích, mãi đến khi ngọn chưởng phong ấy đã cuốn sát đến bên ngoài lớp áo, thì chàng mới nhanh nhẹn vung chưởng quét ra.

Qua thế quét ấy, mới xem tựa hồ không mạnh mẽ cho lắm, nhưng đến khi va chạm thẳng với luồng chưởng phong của Vô Nhân Đại Sư, thì bỗng nghe nổ thành một tiếng “ầm” thực to, đánh vỡ được thế võ công đến của đối phương.

Gia Cát Ngọc mỉm cười đứng yên, như chẳng hề có việc gì xảy ra.

Vô Nhân Đại Sư vì vừa rồi dùng sức quá mạnh, nên không khỏi chúi về phía trước, hốt hoảng rùn thấp đôi vai và đôi chân, mới có thể gắn gượng giữ vững thân mình được.

Vị lão tăng nhân ấy sắc mặt không khỏi biến hẳn trống ngực đánh nghe thình thịch.

Hai tăng nhân trẻ tuổi vừa rồi, nhìn thấy thực trạng trước mắt lại càng kinh hoàng thất sắc, mặt xám ngắt như một xác chết.

Vô Nhân Đại Sư liền vận dụng chân lực trong người lần thứ hai, dồn xuống chưởng trái, gằn giọng nói:

– Võ công của tiểu thí chủ quả thật cao cường, thế võ thứ hai của bần tăng đây, chính là thế “Di lặc hồn tiêu” tức thế thứ sáu trong “Kinh Thần Chưởng”.

Gia Cát Ngọc vừa rồi tuy đã giành được phần ưu thế, nhưng vẫn hoàn toàn không dám xem thường, liền lộ sắc nghiêm nghị nói:

– Còn tại hạ sẽ dùng thế thứ năm trong “Thiên Ma Chỉ” tức thế “Hận Hải nan điền” đây.

Vô Nhân Đại Sư vừa nghe Gia Cát Ngọc nói là sẽ dùng đến thứ tuyệt học nổi danh bấy lâu của Bát Chỉ Phi Ma, thì không khỏi giật mình, cất giọng lạnh lùng “Hừ” một tiếng to, rồi nhanh như chớp vung đôi chưởng ra công thẳng tới.

Thế võ “Di lặc hồn tiêu” ấy, tuy đôi chưởng cùng đánh ra một lúc nhưng luồng chưởng phong cuốn tới lại có trước có sau. Chưởng phía phải tuy đánh trước nhưng chưởng lực lại đến sau, mới xem tựa hồ như thực, nhưng chính lại là hư. Trái lại, chưởng phía trái mới thực sự được dồn chứa toàn bộ chân lực, chính là một chưởng trí mạng, vô cùng nguy hiểm.

Năm ngón tay của Gia Cát Ngọc khẽ rung động, đánh ra một thế không tiền khoáng hậu, kình phong cuốn tới vèo vèo, chạm thẳng vào chưởng phải của Vô Nhân Đại Sư...

Nhưng Gia Cát Ngọc là người hết sức thông minh, luồng chỉ lực của chàng mới vừa chạm vào chưởng phải của đối phương, thì liền hiểu ngay là mình đã lầm, nên khẽ “Hừ” một tiếng, rồi lại gia tăng chân lực mạnh hơn nữa...

Tức thì, chưởng phải của Vô Nhân Đại Sư liền nhanh nhẹn thu trở về, trong khi chưởng trái đã nhanh như điện chớp đánh vút tiếp ra. Trong khi lão ta đang khoái trá trong lòng, cho rằng Gia Cát Ngọc là kẻ còn non kém kinh nghiệm, không biết được phần cao sâu kỳ tuyệt nơi thế “Di lặc tiêu hồn” của mình, thì...

Thốt nhiên, kình khí rít vèo vèo, lạnh buốt cả xương tủy, bỗng bất thần lại xuyên qua luồng chưởng phong của lão ta, chạm thẳng vào cánh tay phía trái của lão, gây tiếng nỗ “ầm” to, đồng thời, hất bắn lão ta ra xa ba thước.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3