Cô Lâu Quái Kiệt - Hồi 14 - Phần 1
Hồi 14: Huyết thủ độc lịnh
Mọi việc trong võ lâm đều gian manh giả dối. Gia Cát Ngọc không ngờ đến được pho Lục Ngọc Di Đà trong tay Phong Lôi nhị lão lại là một món đồ giả.
Tất cả mọi người đã bỏ đi tứ tán, rừng núi đã trở thành vắng vẻ, chàng đứng lại một mình, nhưng trong lòng đang có chẳng biết bao nhiêu là nghi vấn.
Tăng nhân của phái Thiếu Lâm chẳng hề đánh tráo để cướp lấy pho Lục Ngọc Di Đà thật. Vậy, chắc chắn họ đã trao cho Ngân Tu Tẩu pho Lục Ngọc Di Đà của Diễm Lôi để lại rồi, chứ không còn gì nghi ngờ nữa.
Thế nhưng, tại sao Phong Lôi nhị lão đã biết pho Lục Ngọc Di Đà thực trước đây đã trao lại cho Phong Lâm Song Lão, mà trong khi so tài với Xuyên Vân Yến, ông ta lại giả vờ bị thua đối phương?
Chả lẽ ông ta thực có lòng không tham lam của quí báu đó hay sao?
Không. Nếu ông ta không có ẩn ý gì, tại sao lại đến Di Thế Sơn Trang là gì?
Hơn nữa, ông ta đang đêm đã vào Kinh Thần Tự chẳng phải để lấy thanh “Phỉ thúy hàn tinh tỷ” hay sao? Vừa rồi, ông ta bất ngờ ra tay như vậy, lại chẳng phải có ý lợi dụng đường đao của mình để bổ đôi pho Lục Ngọc Di Đà giúp cho ông ta hay chăng?
Nhưng, có chỗ đáng nghi là vật trong tay ông ta, rõ ràng là một pho tượng giả, vậy ông ta hà tất phải hành động ngu ngốc như thế. Chả lẽ ông ta không biết vật ấy là giả hay sao? Nếu quả đúng như thế, thì vật ấy đã có từ đâu?
Những nghi vấn đó thực là rối bời, không biết đâu mà phân manh mối, Gia Cát Ngọc tuy là người thiên bẩm phi thường, thông minh hơn người, nhưng suy nghĩ nát óc vẫn không làm sao tự tìm câu giải đáp cho được.
Cuối cùng, chàng bèn quyết định trước tiên hãy tìm đến cô gái áo trắng đầy thần bí kia. Vì chàng sẽ có thể tìm hiểu được những bí mật quanh pho Lục Ngọc Di Đà nơi cô ta. Song đấy là một việc nhỏ, mà việc lớn chính là chàng sẽ tìm hiểu mọi biến cố xung quanh gia đình chàng cũng như về Xích Diễm Tàn Chưởng, một người mà chàng đã tưởng chết mất bên động đá cổ, nhưng giờ tại sao lại xuất hiện một cách đột ngột như chàng đã được nghe nói.
Bóng mặt trời đang đứng ngay đỉnh đầu, nóng bỏng cả da thịt. Chàng đang sửa soạn cất bước rời đi, thì bỗng nhớ đến Tích Hoa công tử vừa rồi bị luồng chưởng lực đánh nằm bất tỉnh trong ngôi miếu Sơn Thần, chẳng rõ hiện giờ thương thế ra sao?
Bởi thế, chàng liền nhanh chân chạy thẳng vào ngôi miếu.
Bên trong ngôi miếu Sơn Thần vẫn đổ nát như cũ, đầy đất cỏ dại mọc um tùm, đá vụn ngổn ngang, nhưng nào thấy Tích Hoa công tử đâu nữa?
Chàng là người rất nhiệt tình đối với kẻ khác, nên nghĩ đến việc mình không kịp thời cứu nguy giúp cho Tích Hoa công tử, trái lại đã bỏ chạy theo nửa mảnh Lục Ngọc Di Đà giả mạo kia thì trong lòng không khỏi thầm xấu hổ.
Nhưng, thực ra chàng nào có biết việc Tích Hoa công tử té nằm im trên đất, chính là hắn ta giả vờ.
Sở dĩ hắn ta giả vờ như vậy là vì trong khi Hắc Y Diêm La vung chưởng đánh ra, thì hắn ta và Hoàng Phong Chân Nhân đã nhanh tay mỗi người cướp đi nửa mảnh Lục Ngọc Di Đà vào tay rồi. Song, hắn ta tự biết những người hiện diện võ công đều cao cường hơn hắn cả, do đó mới giả vờ bị trọng thương nằm yên trên đất không dậy nữa.
Chính vì thế mà mọi người ai nấy đều tưởng pho Lục Ngọc Di Đà đã bị Hoàng Phong Chân Nhân cướp đi hết, chứ không hề ngờ đến hắn ta đã dối gạt được mọi người. Đến khi Hoàng Phong Chân Nhân bỏ chạy ai nấy lao người đuổi theo, thì hắn ta chụp ngay cơ hội ngàn năm một thủa ấy bỏ chuồn đi mất dạng.
Gia Cát Ngọc đã lấy lòng dạ quân tử mà suy cái bụng của kẻ tiểu nhân, nên tự lấy làm xấu hổ, buồn bã rời khỏi ngôi cổ miếu nhắm hướng Lệ Thủy đi rút tới.
Huyện Lệ Thủy nằm tại phía Đông Tùng Dương, thuộc Bắc ngạn dòng sông u giang là một nơi núi xanh nước biếc, phong cảnh xinh đẹp.
Gia Cát Ngọc ngược dòng Vĩnh An Khê đi về hướng Tây, theo đường Tấn Vân chuyển xuống phía Nam, nên chỉ mấy hôm là đến ranh giới huyện Lệ Thủy.
Mặt nước hồ rộng mênh mông hàng mười dặm, nước biếc dính liền với trời xanh, mỗi khi làn gió nhẹ thổi qua, mùi hương sen bay thơm thoang thoảng...
Gia Cát Ngọc đứng dựa mé nước, nhìn thẳng vào mặt nước xanh gợn sóng lăn tăn, cau mày nghĩ ngợi:
“Xích Diễm Tàn Chưởng có thực sự chết hay không? Ông ta làm thế nào đã thoát khỏi được bàn tay của lão quái nhân ấy? Còn xác chết trong sơn động kia là ai? Giờ đây ông ta ở nơi nào? Phải chăng ông ta lại bị rơi vào tay của bọn người trong Huyết Hải Địa Khuyết?”.
Chàng biết muốn tìm Xích Diễm Tàn Chưởng thì tốt nhất là phải tìm gặp số người của Huyết Hải Địa Khuyết, nhất là cô gái áo trắng thần bí kia. Nhưng huyện Lệ Thủy núi non trùng điệp, nào biết hiện giờ nàng ở đâu?
Bỗng ngay lúc ấy, có tiếng vó ngựa chạy hối hả từ xa đến, khiến chàng bừng tỉnh khỏi cơn nghĩ ngợi miên man...
Trên ven bở ao sen, có hai người cưỡi hai con ngựa khỏe mạnh, đang phi nhanh dưới mành liễu xanh um, nhưng vì khuất rặng liễu nên chàng không thể thấy rõ được diện mục của người cưỡi ngựa.
Hai người kỵ mã phi ngựa mỗi lúc càng xa và trong khi họ sắp sửa quanh qua một con đường núi, bỗng nghe có một tiếng hí dài vọng đến.
Tiếng ngựa hí ấy nghe thực quen tai, nó vừa trong trẻo vừa cao vút, không ngớt bay lâng lâng trong chiều gió. Đấy chẳng phải là tiếng hí của con tuấn mã mà chàng để lại Di Thế Sơn Trang hay sao?
Nghĩ thế, nên chàng liền nhanh nhẹn rảo bước đuổi theo và chẳng mấy chốc, là đã tiến vào một khu núi rừng vắng vẻ.
Vùng núi này chính là dãy núi Quát Thương Sơn, xưa kia gọi là Chân Ẩn Sơn, cũng có tên là Tượng Ty Sơn. Trong vùng núi này có rất nhiều cây thao lao, thân cây cao vút, nhành lá rậm rạp, gió thổi reo xào xạc.
Khi chàng tiến vào đến khu rừng, thì hai người kỵ mã kia đã mất hút, và chàng đang đưa mắt tìm tòi...
Bỗng nhiên, nghe có tiếng gió rít vèo vèo, rồi một cái bóng đen từ trên vách đá cao mười trượng bay xẹt xuống đến nơi.
Khi người ấy đã đứng yên trên mặt đất thì Gia Cát Ngọc trông thấy đấy là một đạo sĩ đứng tuổi mình mặc áo đen, lưng giắt trường kiếm. Sắc mặt của vị đạo sĩ này lạnh lùng như một tảng băng, lên tiếng nói:
– Ngươi là đệ tử của phái nào? Tại sao không theo sư trưởng vào trong chùa, mà còn ở đây tò mò gì thế?
Gia Cát Ngọc thấy đối phương ăn nói thiếu lễ độ, bèn đáp lại bằng một tiếng cười nhạt rằng:
– Tại hạ là đệ tử của phái nào chẳng phải là việc mà ông cần hỏi. Hơn nữa, ở giữa núi đồi hoang dã, chứ có phải là ở cung điện hay vườn ngự uyển nên nào có thể nói được là tôi tò mò?
Sắc mặt của vị đạo sĩ ấy càng lạnh lùng hơn, bất thần tràn tới ba bước gằn giọng quát rằng:
– Chỉ mới từng ấy tuổi đầu, tại sao lại chẳng hiểu gì là phải trái cả. Nếu ngươi tiến tới một bước nữa, thì chớ trách ta là kẻ lớn mà ra tay hiếp đáp ngươi đó.
Lão đạo sĩ này tuy võ công chắc cũng không phải tầm thường, nhưng nếu đem so sánh với một bậc kỳ tài như Gia Cát Ngọc, thì thực ra còn chênh lệch nhau một trời một vực, vậy y lại tự nói là ỷ lớn hiếp nhỏ thực chẳng tự hiểu biết tí nào cả.
Gia Cát Ngọc nghe qua lời nói của lão ta, không khỏi nổi da gà khắp cả người buột miệng cười nhạt đáp rằng:
– Dãy núi Quát Thương Sơn chạy dài có hàng trăm dặm, ngọn núi cao có hàng nghìn cái, tại hạ tự do ngao du, vậy ông có bản lĩnh gì thì cứ việc thi thố ra đi nào.
Câu nói vừa dứt, thì chàng đã lao thẳng người lên cao, trông chẳng khác nào một con diều hâu khổng lồ đang tung bay trên nền trời vậy.
Người đạo sĩ áo đen trông thấy thế liền quát to một tiếng, rồi nhanh như chớp phi thân bay vút theo, đánh ra liên tiếp ba chưởng.
Gia Cát Ngọc cất tiếng cười to, trong khi thân người chàng bị luồng kình phong cuốn tới làm cho lảo đảo, trông chẳng khác nào những sợi tơ liễu bị gió thổi tung bay, nhưng cuối cùng vẫn rơi thẳng xuống bức vách đá cao một cách bình yên vô sự.
Qua tình trạng đó, xem chàng chẳng khác nào một áng mây trắng bay lơ lửng trên nền trời cao, giữa lúc bóng tịch dương khuất núi.
Nhưng, ngay lúc ấy, bóng mặt trời hãy còn đang đứng giữa đỉnh đầu, chưa quá giờ ngọ, ngửa mặt nhìn lên nền trời, thì thấy trời xanh thăm thẳm, nào có một áng mây nào khác?
Lão đạo sĩ ấy hôm nay thực có một dịp để mở rộng tầm mắt. Lão ta đưa mắt nhìn trân trối, mồm há hốc, ngơ ngác không nói nên lời...
Trong khi Gia Cát Ngọc sắp đáp xuống bức vách đá, thì bỗng nghe một tiếng quát to, rồi lại thấy một cái bóng xám lao vút tới trước mặt chàng, đi đôi với một ngọn kình phong vô cùng mạnh mẽ.
Vì khoảng cách quá gần, nên lúc ấy chỉ còn có một con đường duy nhất, là phải vung chưởng đánh ra, mặc dầu thân người hãy còn lơ lửng trên không trung.
Nhưng, một việc xem như sắp phải xảy ra, không thể nào khác hơn được, thì bất thần nó lại diễn biến...
Gia Cát Ngọc đợi đến khi luồng kình phong ấy quét tới lớp áo ngoài, thì bất thần thét lên một tiếng dài, rồi dùng ngay sức lướt tới lại nhanh nhẹn tạt qua bên trái ngoài tám thước...
Bóng xám vừa lao tới ấy, tựa hồ như cảm thấy quá bất ngờ, nên buột miệng kinh hoàng “úy” lên một tiếng, rồi bay xẹt ngang thân người của Gia Cát Ngọc.
Gia Cát Ngọc đã sử dụng đến thân pháp tuyệt diệu “Vân Long Cửu Chuyển”, vượt lên đỉnh vách đá một cách dễ dàng. Khi hai chân của chàng vừa đứng yên trên đầu vách đá, thì bỗng nghe có ba tiếng chuông vang rền nổi lên.
Chàng đưa mắt nhì lên, thì thấy giữa đám tùng bách xanh um, có nhiều nhà cửa nguy nga tráng lệ. Xuyên qua cành lá đang lay động theo chiều gió, chàng thấy thấp thoáng ba chữ “Ẩn Chân Quan” to, nên trong lòng không khỏi sực nhớ một điều gì.
Thì ra, mười năm trước đây, tại Ẩn Chân Quan nhờ có một Đồng Chung Đạo Nhân, do đó ba tiếng Ẩn Chân Quan đã được truyền tụng khắp cả võ lâm. Chính vì lẽ đó mà phái Quát Thương cũng được xem là một chính phái trong võ lâm. Tuy Đồng Chung Đạo Nhân đã nhiều năm vắng bóng trong giới giang hồ, nhưng mình...
Chàng biết vừa rồi vì quá bực tức, nên chắc chắn sẽ gây ra lắm việc rắc rối chứ chẳng chơi.
Quả nhiên, trong khi chàng còn đang nghĩ ngợi, thì đã thấy có mấy bóng người ùn ùn từ trên cao sa xuống.
Thì ra, số người ấy đều là những tay cao thủ ít có trên đời. Thân hình của họ đáp xuống đất nhẹ nhàng như một cành lá khô, khiến cho Gia Cát Ngọc cũng không khỏi thầm kinh hãi.
Chàng vội vàng ngửa mặt nhìn lên, thì thấy cách xa đó ngoài mười trượng, đang đứng sững năm lão già, vừa là tăng nhân, vừa là đạo sĩ, mà cũng có cả người phàm tục nữa. Về tuổi tác, thì người nhỏ nhất cũng ngoài sáu mươi. Lão nào lão nấy ấn đường gồ cao, chứng tỏ nội ngoại công đều cao cường tuyệt đỉnh.
Gia Cát Ngọc băn khoăn không hiểu ở trong núi Quát Thương Sơn này đã xảy ra một biến cố to tát gì mà lại xuất hiện nhiều cao thủ võ lâm như thế?
Chàng im lặng suy nghĩ, trong khi năm lão già cũng đều đưa mắt nhìn chòng chọc vào chàng...
Trên đỉnh núi thực là vắng vẻ, cơ hồ một cây kim rơi trên đất cũng có thể nghe được tiếng động rõ ràng.
Không khí căng thẳng và ngột ngạt này kéo dài độ chừng dùng xong một chén trà, thì vị lão tăng có thân hình cao lớn đứng ở phía trái bỗng phá lên cười to như muốn điếc cả tai mọi người.
Tiếng cười của vị lão tăng ấy vang rền, khiến nhành lá tuôn rơi xào xạc, núi đồi gây thành những tiếng hồi âm vọng về không ngớt.
Gia Cát Ngọc biết vị lão tăng ấy đã dùng thuật “sư tử gầm” riêng của Phật môn, nên trong lòng tuy đang kinh hãi nhưng cũng gợi nên tính kiêu ngạo trong lòng chàng. Bởi thế, chàng liền dồn hơi xuống đơn điền, rồi vận dụng “Cửu cửu huyền công” gằn giọng nói:
– Đại sư có miệng thì hãy nói rõ cho biết mọi lẽ hơn thiệt, chứ làm bộ làm tịch như thế, chẳng hóa ra chọc người ta cười rớt cả răng hay sao?
Âm thanh của chàng nói lên nghe rổn rảng như tiếng sắt thép chạm nhau.
Năm lão già nghe thế đều không khỏi sửng sốt. Vị tăng nhân ấy sắc mặt liền thay đổi hẳn, im ngay tiếng cười, rồi gằn giọng quát rằng:
– Võ học của Huyết Hải quả là chẳng phải tầm thường. Bần tăng là Ca Đà, cung thỉnh thí chủ hãy ra tay chỉ giáo.
Ca Đà Hòa Thượng, chính là trụ trì chùa Kim Sơn Tự tại Trấn Giang, võ công cao cường ít ai có thể đối địch nổi. Trong võ lâm, lão ta được mọi người tặng cho cái danh hiệu là Giang Đông Hoạt Phật. Gia Cát Ngọc trước khi xuống núi, đã từng nghe tên của lão ta từ lâu.
Nhưng, ngay lúc ấy trong lòng chàng không khỏi bật tức cười, vì “Cửu cửu huyền công” của mình rõ ràng là tuyệt học trong pho “Thiên Ma Bửu Lục”, thế chẳng hiểu tại sao lão ta lại nhận định là võ học của Huyết Hải?
Ca Đà Hòa Thượng trông thấy chàng mỉm cười im lặng, nên không khỏi giận dữ, nói:
– Có lý đâu tiểu thí chủ khinh khi nên không thèm chỉ giáo?
Gia Cát Ngọc là người có tính cứng cỏi, nên nghe qua liền nhướng cao đôi mày lưỡi kiếm, nói:
– Kim Sơn Tự oai chấn Cửu Châu, tiếng tăm lừng lẫy, vậy ngày hôm nay tại hạ được dịp đích thân lãnh giáo, thì đấy quả là một sự vinh hạnh hiếm có trên đời.
Vừa nói, đôi mắt của chàng vừa chiếu ngời ánh sáng, sắc mặt giận hầm hầm, trông vô cùng oai vệ.
Số người trên đỉnh núi này đều là những nhân vật tên tuổi của võ lâm, thế mà nhìn qua sắc diện của chàng cũng không khỏi giật mình kiêng sợ.
Râu tóc của Ca Đà Hòa Thượng đều dựng đứng vì giận dữ, từ từ đưa đôi chưởng lên, rồi bước liên tiếp tới trước ba bước.
Khi lão ta vừa dừng chân đứng lại, thì bất thần quát to một tiếng rồi công ra liên tiếp hai chưởng nhanh như điện chớp.
Ca Đà Hòa Thượng từ trước đến nay có tên tuổi trong giới giang hồ, là người nội lực dồi dào. Do đó, hai chưởng vừa công ra tức thì cát đá xung quanh đều tung bay mù mịt, cuồng phong hất tung cả tà áo của mọi người chẳng khác nào biển cả nổi trận phong ba.
Gia Cát Ngọc liền vận dụng chân khí, vung tay quét chưởng trở ra...
Chàng biết dùng sự mềm dẻo thì dễ chế ngự sự cứng cỏi, nên chưởng lực của chàng đánh ra, hoàn toàn là một thứ chưởng lực âm nhu, gây nên một luồng kình phong lạnh buốt, rít nghe vèo vèo.
Khi hai luồng nội lực va chạm vào nhau, thì liền gây nên tiếng xèo xèo không ngớt. Trong khi đó, thế chưởng của Ca Đà Hòa Thượng dày đặc như núi, thế mà khi va chạm với luồng chưởng lực của đối phương, thì hoàn toàn chẳng hề thấy có một phản ứng gì cả.
Trước tình trạng ấy, thực từ xưa đến nay lão chưa hề gặp được bao giờ. Bởi thế Ca Đà Hòa Thượng không khỏi thầm kinh hãi, vội vàng tăng thêm chân lực đôi chưởng đến chín phần mười số chân lực trong người.
Gia Cát Ngọc nắm ngay phần chủ động, thừa lúc đối phương chưa kịp vung chưởng đánh ra lần thứ hai đã nhanh nhẹn nhảy lui ra sau, rồi đưa hai chưởng xô thẳng về phái phải lẫn phía trái.
Chính vì vậy, nên chưởng lực của Ca Đà Hòa Thượng bị đánh hụt vào khoảng không, khiến lão ta đã bất giác phải ngã chúi xuống đất. Trong khi lão ta còn đang kinh hoàng, thì chưởng lực như núi của Gia Cát Ngọc, đã từ hai bên ập vào. Thấy thế, lão ta không khỏi ớn lạnh cả xương sống, thầm nói:
“Thế là hết. Thế là hết. Thật không ngờ tiếng tăm lừng lẫy từ bấy lâu nay của Ca Đà ta, giờ đây đành phải chịu tan tành dưới tay của thằng bé này.”.
Nào ngờ đâu, lão ta nghĩ ngợi chưa dứt, thì bỗng cảm thấy luồng chưởng lực nặng nề như một quả núi kia bỗng vừa chạm tới da là thu ngay trở về. Trong khi lão ta còn chưa hết cơn sửng sốt, thì bỗng nghe Gia Cát Ngọc cất tiếng cười to nói:
– Tài nghệ của đại sư thực cao cường, qua những thế đánh vừa rồi chứng tỏ đôi bên đều ngang nhau, vậy đến đây tạm dừng tay có được không?
Ca Đà Hòa Thượng biết chàng thiếu niên này có lòng tốt, nên trong thâm tâm hết sức cảm kích, tuy nhiên ngoài mặt thì lại lộ vẻ đắn đo do dự, tựa hồ có sự ẩn khuất gì khó nói.
Ngay lúc đó bỗng nghe có bỗng nghe có tiếng niệm “Vô lượng thọ Phật”, rồi lại thấy một lão đạo sĩ tóc bạc như bông, nhưng mặt mày xem còn trẻ măng, lách mình bước tới, chấp tay hỏi rằng:
– Đại sư là người từ xa đến đây làm khách, vậy trận này hãy nhường lại cho bần đạo là Lục Nhất vậy.
Vừa nói dứt lời, lão đạo sĩ ấy bèn quay qua Gia Cát Ngọc, cười nhạt nói tiếp rằng:
– Tiểu thí chủ lưng đeo bửu đao, vậy có lẽ là một người lừng danh về kiếm thuật. Bần đạo không ngại mình tài hèn sức kém, nên muốn dùng que trúc để thay thế cho lưỡi kiếm, cùng lãnh giáo tiểu thí chủ một vài đường tuyệt học.
Nói dứt lời, lão ta vung tay lên, bẻ một khúc trúc xanh dài độ ba thước, vung nhẹ tay lên một vòng, liền thấy có bốn đóa kiếm hoa chói rực.
Gia Cát Ngọc biết Lục Nhất đạo trưởng chính là chưởng môn phái Quát Thương. Lão ta có đường “Hàn tinh kiếm pháp” là một đường kiếm pháp bí truyền trong võ lâm.
Song, vì tính của chàng vốn trời sinh đã ngang bướng, nên vẫn tỏ ra ngạo nghễ không hề sợ hãi, nói:
– Đạo trưởng tiền bối là bậc cao nhân, vậy tại hạ đâu dám vô lễ.
Liền đó, chàng bèn thò vào áo rút ra một vuông lãnh trắng, cất giọng ngang nhiên cười nói:
– Tại hạ muốn dùng vật này để lĩnh giáo với “Hàn tinh kiếm pháp” mà bấy lâu nay tên tuổi vang lừng của đạo trưởng.
Câu nói ấy vừa mới thốt ra khỏi miệng, thì tất cả số người hiện diện đều có cảm giác chàng là một người quá ngông cuồng. Lục Nhất đạo trưởng tuy là người rất trầm tĩnh, nhưng cũng không khỏi đổi hẳn sắc mặt, nói:
– Tiểu thí chủ thực là lớn lối, chắc chắn là người có chân tài thực học, bần đạo xin lãnh giáo vậy.
Dứt lời, lão ta liền vung tay lên, tức thì khúc trúc xanh rít gió vèo vèo, công thẳng ra như điện chớp với thế “Lưu tinh hóa độ”.
Gia Cát Ngọc cất tiếng cười to, rồi vận dụng “Cửu cửu huyền công” dồn ra tay phải vung vuông lãnh trắng lên đâm thẳng tới.
Một người có thể sử dụng chân lực làm cho một miếng lãnh trắng mềm mại thẳng cứng để đâm tới được, thì thử hỏi trình độ nội công cao cường tới đâu?
Bởi thế, Lục Nhất đạo trưởng vừa cảm thấy kinh ngạc, thì đầu ngọn trúc của lão đã bị chéo lãnh trắng điểm tới. Lão ta vội vàng thay đổi thế kiếm, gây nên hàng vạn đốm sao bạc lạnh ngắt, bắt từ trên tuôn trở xuống...
Lúc bấy giờ, Ca Đà Hòa Thượng trong lòng đã có thiện cảm với Gia Cát Ngọc, nên vừa trông thấy Lục Nhất đạo trưởng sử dụng đến thế “Ngân Hà tinh lạc”, là một thế võ tuyệt học trong “Hàn tinh kiếm pháp”, thì không khỏi toát mồ hôi lạnh, vì kinh sợ giúp cho chàng.
Nào ngờ đâu, trong nháy mắt cuộc chiến đã hoàn toàn biến đổi hẳn...
Vì ngay giữa lúc Lục Nhất đạo trưởng vung thanh trúc lên thành hàng vạn đốm sao bạc chiếu ngời, bắt từ trên tuôn xuống như một dãy ngân hà thì bỗng nhiên ai nấy nghe Gia Cát Ngọc thét dài một tiếng, rồi tấm lãnh trong tay của chàng giương rộng ra, vung nhanh lên như một luồng điện chớp...