Lớn lên trên đảo vắng - Phần I - Chương 10
I - Chương 10
ĐI TÌM CON LỪA – CÕI THẦN TIÊN TRÊN ĐẢO VẮNG – ĐÀN TRÂU RỪNG VÀ CON NGHÉ – CHIẾN CÔNG CỦA RUÝT-LY – CON CHÓ RỪNG NHỎ VÀ CON CHIM CẮT NHỎ - TỔ ONG TRONG HỐC CÂY – MẬT ONG VÀ RƯỢU MẬT ONG – NHỮNG CÂY NẾN MỚI – CẦU THANG GỖ TRONG THÂN CÂY – LUYỆN CHIM VÀ THÚ - ỦNG CAO SU.
Trời vừa sáng thì chúng tôi cũng vùng dậy. Cả nhà đều buồn bã nhớ tới con lừa. Tôi tưởng rằng ánh lửa sáng suốt đêm đã lôi kéo con vật trở về. Hy vọng ấy thế là tiêu tan. Tôi quyết định phải đi theo vết mà tìm nó. Nếu cần thì cũng sẽ đi xuyên qua cái bìa rừng tre dày đặc kéo dài trước mắt chúng tôi mà chính con lừa đã mất hút vào đó. Con vật có ích và cần thiết quá mức, chúng tôi phải tìm mọi cách để đưa nó trở về.
Vì hai con chó đều phải đem đi chuyến này nên tôi để hai đứa lớn ở lại trông nom mẹ và em nhỏ, chỉ có Ruýt-ly cùng đi với tôi. Thằng bé mừng cuống lên. Chúng tôi ra đi ngay, khí giới đầy đủ, trên lưng mang một túi lương ăn.
Trong suốt một tiếng đồng hồ, chúng tôi đi lung tung, nhìn ngang nhìn ngửa khắp nơi trên cánh đồng mênh mông trải ra trước mắt. Đâu đâu cũng chỉ một vẻ im lặng ấy, một vẻ cô đơn ấy, thỉnh thoảng chỉ có thể gặp chim chóc là những sinh vật độc nhất. Chúng tôi gặp một con sông khá sâu, phải đi ngược lên để tìm chỗ lội qua. Sông bắt nguồn từ trong một dãy núi đá chảy ra. Chúng tôi gặp một lối hẻm xuyên qua dãy núi đưa tới một miền thần tiên. Nhiều dòng suối uốn khúc giữa những lùm cây xanh tốt và những đồng cỏ mơn mởn; một con sông lớn cũng chảy qua đó. Tại đây chúng tôi gặp lại vết chân con lừa với vết chân nhiều giống vật khác lẫn lộn, tất nhiên là như thế. Ở đằng xa, chúng tôi nhìn thấy như có một bầy thú chưa phân định rõ được loài gì nhưng coi chừng thì cũng ngang tầm vóc loài ngựa. Hy vọng gặp con lừa đánh đàn ở đó, chúng tôi nhắm hướng ấy bước tới. Không ngờ vừa ra khỏi một rừng sậy, chúng tôi chạm trán ngay một đàn trâu rừng, tuy không đông nhưng xem ra khủng khiếp lắm. Tôi rụng rời tay chân, đã không còn nghĩ đến đưa súng lên tự vệ mà lại còn đứng sững như chết giả. Cũng may mà hai con chó lại đi sau một đoạn. Sự có mặt của riêng chúng tôi chẳng ảnh hưởng gì đến những con vật hung hăng này. Chúng chỉ giương những đôi mắt to và đục lờ ra nhìn chằm chằm vào chúng tôi, có vẻ ngạc nhiên nhiều hơn là tức giận. Chắc hẳn chúng tôi là những con người đầu tiên chúng trông thấy. Cơ sự này thì chúng tôi có thể thoát hiểm bằng cách rút lui ngay thật im lặng. Bụng nghĩ thế nên tôi cũng đã có đủ thì giờ trấn tĩnh lại và lên đạn khẩu súng để đề phòng. Bỗng hai con chó đang đi tìm chúng tôi ở đâu đã hiện ra từ sau một lùm cây phía bên kia. Chúng tôi cố hết sức nhưng không thể nào chặn chúng lại được. Vừa thấy đàn trâu, chúng đã nhảy xổ lên trước như điên như dại. Thế là cuộc giao tranh nổ ra không thể tránh được. Cả đàn trâu đều vùng dậy, rống lên những tiếng ghê rợn. Những con trâu đầu đàn tiến lên hùng dũng, đập chân xuống cỏ hoặc khua sừng xới đất. Mấy con chó dũng cảm không hề nhụt chí trước sự đe dọa ấy. Chúng cứ tiến thẳng vào kẻ thù và theo đúng như cách tấn công của loài chó, chúng nhảy xổ vào một con nghé đứng ngay trước những con kia mà cắn chặt lấy tai. Con nghé rống ầm lên rất kinh khủng và tìm mọi cách quyết liệt để gỡ ra. Mẹ nó vội chạy lại cứu và sau trâu mẹ là tất cả đàn trâu. Ngay giờ đây tôi vẫn con run khi nhớ lại cảnh đó. Tôi ra hiệu cho thằng Ruýt-ly táo bạo đương cầm súng sẵn sàng và đứng bên cạnh tôi, thái độ bình tĩnh rất đáng phục. Hai cha con cùng bắn dồn vào đàn trâu hung hãn. Hai phát súng đến với chúng như sấm sét. Chúng dừng lại ngay và trước khi khói súng tan, chúng bỏ chạy trốn nhanh một cách kinh khủng, bơi qua sông lớn và khi sang bờ bên kia vẫn chạy chí tử rồi mất hút. Trong khi đó, hai con chó vẫn chưa thả con mồi ra. Con trâu mẹ bị trúng đạn, lăn lộn và rống lên bên cạnh con nghé, đất và cỏ bay vung bên dưới chân nó. Mặc dù bị thương nặng, nó vẫn hung hãn như thường, có thể nguy hiểm cho hai con chó. Tôi tiến lại gần, bắn một phát súng vào đỉnh đầu giữa cặp sừng và kết liễu đời nó.
Chúng tôi thở ra: hai cha con đã đứng cách cái chết chỉ một sợi tóc, một cái chết kinh khủng. Tôi khen ngợi Ruýt-ly đã gan dạ và bình tĩnh trong trường hợp vừa xảy ra. Chính thế, đáng lẽ bỏ chạy vừa kêu vừa khóc và làm cho tôi lúng túng thêm, thì thằng bé đã dũng cảm bắn một phát súng chính xác, không hề sợ hãi, mất tinh thần. Tôi khuyên nó bao giờ cũng có thái độ như thế trong gian nguy bởi vì bình tĩnh và nhanh trí lúc đó là cần thiết. Nhưng chúng tôi cũng chẳng còn thì giờ để nói với nhau về chuyện ấy nữa. Hai con chó vẫn vật lộn với con nghé và tôi e rằng cuối cùng bị mệt quá sức, chúng nó có thể để cho con nghé trốn thoát. Tuy thế, tôi vẫn chưa tìm được cách giúp đỡ chúng, mà con vật lại có phần hung dữ thêm hơn là nhụt đi. Nó hất chân loạn xạ khiến chúng tôi chưa dám lại gần. Vả lại tôi cũng không có ý giết chết nó. Tôi muốn bắt sống nó đem về mà vực cho thuần để thay con lừa mà chúng tôi không thể đi xa hơn để tìm được nữa. May sao Ruýt-ly lại nhớ đến cái dây thòng lọng bao giờ cũng mang theo trong mình. Nó đi ra xa con nghé một chút và khéo tay ném cái dây quấn lấy hai chân sau rồi chúng tôi cùng kéo cho con vật ngã xuống. Tôi tiến lại gần, đuổi hai con chó ra xa rồi lấy một sợi dây thừng chắc chắn thay cho sợi dây thòng lọng hơi mảnh buộc chặt hai chân sau con vật rồi đến chân trước. Con nghé hoàn toàn chịu thua, Ruýt-ly reo ầm lên mừng chiến thắng của mình và đã vui sướng tưởng tượng đến việc giới thiệu con vật với mẹ và các anh em. Nhưng việc đó đâu phải đơn giản! Tôi nghĩ mãi chưa tìm ra cách dắt con nghé về. Sau cùng, nhớ tới cách người I-ta-li-a bắt bò rừng, tôi bèn theo kinh nghiệm của họ, xỏ mũi con vật, tuy có chút tàn nhẫn nhưng bây giờ thì chẳng có cách nào khác. Con nghé trở nên hoàn toàn dễ bảo, đi theo tôi mà không cưỡng lại.
Tôi lại mổ thịt con trâu mẹ qua loa bởi vì thiếu cả những đồ dùng cần thiết và thích hợp. Tôi cắt cái lưỡi và những tảng thịt đùi ngon nhất, rắc một lớp muối dày lên trên để ướp, còn bao nhiêu để mặc cho hai con chó ăn thỏa thích. Sau đó chúng tôi cưa mấy cây lồ ô mọc gần đó và chỉ chọn những cây nhỏ, rỗng lòng có thể làm khuôn đổ nến, bó thành một bó. Sau khi nghỉ ngơi và ăn uống lấy sức, chúng tôi lại lên đường. Bị hai con chó kèm sát và nhất là bị sợi dây buộc mũi, con nghé đi theo chủ không chút ương bướng. Chúng tôi ra đi không khỏi nhớ tiếc con lừa. Chúng tôi lại đi qua con đường hẻm và gặp một con chó rừng lớn vừa mới ra khỏi hang; có lẽ tổ của nó ở trong ấy. Hai con chó chẹn ngay nó lại; đó là một con chó cái. Ruýt-ly muốn vào trong ổ xem có chó con chăng! Sợ con đực còn lẩn trong đó, tôi bắn vào một phát súng ngắn. Không thấy động tĩnh, Ruýt-ly chạy xộc vào, Tuyếc và Bi-ly nối gót theo ngay. Vất vả lắm Ruýt-ly mới cứu được một con chó con trong cả ổ chó rừng, còn thì bị hai con chó nhà cắn chết hết. Con chó con này nhỏ bằng một con mèo con, lông vàng ánh. Nhìn nó đẹp quá nên Ruýt-ly xin phép giữ lại để nuôi. Tôi đồng ý, nó sung sướng quá mức.
Trời sẩm tối chúng tôi mới về tới lều; cả nhà đương nóng ruột mong hai cha con.
Vợ tôi và mấy đứa trẻ cũng không chịu ngồi rồi. Người thì lo kiếm cành khô để đun bếp, kẻ thì buộc và dựng những bó đuốc mía để chuẩn bị tốt ban đêm. Phrê-đê-rích tìm thấy gần đó một cây cọ xa-gu, bèn cùng Éc-nét hạ xuống. Chúng định lấy chất bột quý giá bên trong nhưng sức yếu chưa làm nổi việc đó nên phải chờ tôi về.
Không ngờ trong khi mọi người bỏ đi ra xa thì một bầy khỉ đã lẻn vào trong lều phá phách lung tung. Lũ lưu manh ấy đã uống và đánh đổ tung tóe tất cả sữa tươi mới vắt lúc sáng, bới tung đám khoai tây, ăn cắp và phá hỏng thức ăn nguội. Chúng chạy nhảy nhốn nháo và phá hỏng cái hàng rào khá nặng đến nỗi khi trở về, cả nhà đã phải hì hục sửa lại tất cả, mất đến một giờ đồng hồ. Phrê-đê-rích đi lùng trong núi và bắt được trong núi đá một con chim loại ăn thịt sắp ra ràng. Éc-nét nói đó là chim cắt Ma-la-ba (Tên một xứ ở nhiệt đới châu Á) và tôi công nhận là đúng. Vì sơ ý, Phrê-đê-rích buộc chân con chim cắt rồi đặt nó đậu trên một cành cây gần chỗ con vẹt. Trông thấy con chim nhỏ bên cạnh, con cắt mổ luôn, cắn chặt đầu con vẹt trong cái mỏ còn non nhưng đã khá khỏe của nó. Con vẹt giãy giụa một chút là chết, Phrê-đê-rích không kịp chạy ra cứu nó nữa! Thằng bé tiếc con vẹt xinh đẹp, định quật chết con cắt. Tôi phải ngăn Phrê-đê-rích lại, nói cho hiểu đặc tính của loài chim này và khuyên nó nên chăm nom và cố gắng nuôi con chim nhỏ rồi sẽ dạy cho quen săn bay như chim ưng. Sau đó, tôi bảo đốt một đống lửa cành tươi để có nhiều khói rồi lấy một cái xiên gỗ xâu thịt trâu đem hun khói cho tới gần nửa đêm. Vợ tôi đã cắt trước một ít thịt tươi để rán ăn bữa chiều. Bữa ăn rất vui, chuyện trò như pháo ran về mọi việc ban ngày. Cơm xong, cho gia súc ăn, đốt lửa canh đêm rồi cả nhà vào lều ngủ. Phrê-đê-rích bịt kín mắt con cắt nhỏ cho nó bớt hung hăng, buộc chân nó vào một cành cây bên mình và đặt cho nó đậu lên trên. Còn con chó con của Ruýt-ly, sau khi được uống một ít sữa, nó nằm cuộn tròn như một con mèo con trong lòng chủ nó. Thế là hai vị khách mới đó, bản tính hung hãn đã nghỉ đêm rất yên ổn.
Tảng sáng, chúng tôi trở dậy, khoan khoái và tỉnh táo. Sau bữa lót dạ nhẹ, tôi vừa ra lệnh chuẩn bị lên đường thì vợ tôi và lũ trẻ nhắc tôi lấy bột trong cây xa-gu chặt ngã hôm qua. Sau bốn giờ đồng hồ vất vả, chúng tôi bóc được lớp vỏ ngoài và lấy ra rất dễ dàng từng tảng lõi đầy bột. Nhưng thiếu đồ dùng nên chưa thể chế biến để dùng ngay theo ý muốn của vợ tôi được. Chúng tôi bọc bột trong một tấm vải buồm cho sạch rồi xếp xuống đầy thùng xe, vui mừng lại được thêm một ít lương thực ngon, bổ, lành, có thể thay thế bất cứ một thứ bột nào khác.
Suốt cả ngày, chúng tôi lúi húi thu nhặt tài sản chất lên xe bò thịt trâu, thứ muối, thứ sấy, dừa, mía, ổi và những hạt sáp. Lại còn những con vật mới nhập đoàn trong đó có con nghé đi bên cạnh con bò cái và đã có vẻ thuần, nó được chú ý khá nhiều. Dù rất nôn nóng trở về Tổ chim ưng, chúng tôi vẫn còn phải ở lại dưới mái lều một đêm nữa. Mờ sáng hôm sau, đoàn lữ hành lên đường. Con nghé đóng vào xe bên cạnh con bò, thay thế con lừa, đồng thời cũng để nó tập công việc kéo xe. Trên đường đi, tôi cùng Éc-nét rẽ đi lấy nhựa cao su đã hứng sẵn. Mới được có một ít nhưng cũng tạm đủ để làm thử chuyến đầu.
Về tới Tổ chim ưng, ai nấy đều vui vẻ. Lũ gia súc kéo lại gần chúng tôi và ồn ào tỏ vẻ vui sướng được gặp chủ.
Công việc lặt vặt trong nhà chiếm hết cả thời gian còn lại. Buổi chiều, tôi quyết định tiến hành một dự kiến nảy ra đã lâu nhưng rất khó thực hiện: làm một cầu thang gỗ vững chãi thay cái thang dây, tránh cho vợ tôi khỏi phải lo ngại mỗi khi có người lên xuống. Nhìn cái thân cây khổng lồ này, hàng ngày tôi suy nghĩ có đến trăm lần: Ừ, nếu không đặt cầu thang bên ngoài được thì liệu có thể tìm cách dựng ở bên trong không?
Sau khi trình bày rõ dự kiến ấy để mỗi người đều góp ý vào công trình to lớn đó, tôi hỏi vợ tôi:
- Có phải có lần mẹ nó nói với tôi rằng trong hốc thân cây có một tổ ong không?
- Vâng, bố ạ - Phrít trả lời hộ mẹ - Mà lại là bầy ong độc dữ lắm! Hôm trước chúng nó đốt con sưng cả mặt đấy. Gớm, cái bọn đồ tồi!
- Con quên nói rằng – vợ tôi nhắc – sở dĩ chúng nó làm tình làm tội con như thế chỉ vì con vừa đánh đu trên thang dây vừa chọc một cái que vào trong hốc, chỗ chúng nó ra vào.
- Đúng thế, mẹ ạ! Con muốn dò xem cái hốc đó có sâu không ấy chứ!
- Thế là tìm ra cách làm cầu thang! – tôi kêu lên – Một thân cây mục rỗng và có thể chứa được cả một đàn ong, chắc chắn là còn mục rỗng nhiều hơn thế nữa. Ta hãy thử xem có đúng thế không! Sau đó sẽ khoét rộng lòng thân cây rồi dựng một cái cầu thang trong đó theo kế hoạch đã định. Nào! Các con! Ta bắt tay vào việc!
Tôi chưa kịp phân công thì bọn trẻ quá hăng mà lại ngốc nghếch kia đã leo lên vùn vụt như đàn sóc. Đứa thì ngồi lên chỏm những rễ nổi, chỗ sát gốc cây, đứa thì đu đưa trên những then thang dây. Chúng thi nhau lấy búa và gậy đập mạnh vào thân cây to tướng từ trên xuống dưới để dò xem đã rỗng tới đâu rồi. Công việc thăm dò này làm vội quá! Chú Ruýt-ly đứng đúng ngay trước cái hốc ong ra vào, được tiếp đón ngay một bầy ong từ trong hốc đâm sầm vào mặt. Có lẽ chúng nó hoảng hốt vì những chấn động mạnh từ ngoài vào, lung lay tổ nên bay ra vù vù, nghe thật ghê rợn. Thế là phải tạm ngừng tay lại thôi! Chỉ trong chốc lát, thằng bé bị đốt sưng vù cả mặt và hai tay. Những đứa kia tuy đứng xa hơn nhưng cũng bị vạ lây. Thôi thì inh tai những tiếng kêu khóc, dậm chân dậm cẳng. Vợ tôi vội vàng lấy đất ướt bôi cho chúng vào tay, vào mặt, tạm thời cũng bớt đau nhức. Sự việc bất ngờ này trì hoãn việc thăm dò. Trong khi những chú thợ bạn dưỡng bệnh thì tôi lo làm một cái tổ lớn để san đàn ong hung hăng ra và tìm cách buộc chúng bỏ tổ cũ mà không lo chúng bị đốt. Tôi lấy một quả bầu rỗng thật lớn, cắt hai đầu để lại cái thân tròn, dùng đất sét gắn vào một tấm ván có dùi một lỗ nhỏ bên dưới để cho ong chui ra chui vào, một nửa quả bầu nậm đậy lên trên làm nắp. Tôi đặt tấm ván lên một cành cây mọc ngang phía trên nhà chòi rồi đóng đinh thật chặt. Tuy nhiên, bọn ong bị hốt hoảng nên vẫn còn hung hăng, chưa thể nào dử được chúng vào nhà mới trước khi trời tối. Tôi hy vọng chúng nó sẽ nằm yên trong tổ hiện tại và khí trời ban đêm dịu mát sẽ tạo điều kiện cho tôi làm chúng choáng váng một cách dễ dàng.
Chừng một giờ đồng hồ trước bình minh, tôi thức giấc và gọi lũ trẻ dậy để giúp tôi chuyển đàn ong sang tổ mới vừa xây dựng cho chúng. Những con vật hung hãn đó, ban đêm trở về tổ trong hốc cây. Tôi không có mặt nạ mà cũng không có những dụng cụ nhà nghề của những người nuôi ong để đề phòng chúng đốt. Tôi bèn dùng một mưu chước công hiệu khác. Trước hết, tôi lấy đất sét bịt kín cái hốc cây lại, chỉ để một lỗ nhỏ vừa bằng cái tẩu hút thuốc của tôi. Đầu trùm kín một miếng vải lớn, tôi đốt tẩu thuốc lên hút, phả khói vào qua cái lỗ hổng để làm cho lũ ong choáng váng và mê mệt hẳn đi mà bắt cho dễ. Đầu tiên, một tiếng vù vù ồn ào từ trong vang ra, giống như tiếng một trận bão ở xa đưa tới. Tiếng vù vù ấy dịu hẳn và sau cùng thì hoàn toàn yên lặng. Đàn ong bị khói thuốc lá làm cho mê mẩn đã không hoạt động được nữa. Có Phrê-đê-rích giúp tôi đục một lỗ vào thân cây bên dưới chỗ có tổ ong, rồi lấy một nắm thuốc lá đốt lên để xong khói, phòng xa bọn ong tỉnh lại vì có tiếng động và khí trời lùa vào. Nhưng thực ra chẳng còn gì đáng ngại về mặt ấy nữa cả: đàn ong đã mê mệt vì khói thuốc lá, bám vào nhau thành từng chùm lớn bám trên thành tổ. Chúng tôi chỉ việc nhẹ nhàng gỡ chúng vào những mảnh bầu lớn rồi đem đặt vào trong cái tổ mới. Xong xuôi, chúng tôi xem xét tài sản chúng để lại và rất ngạc nhiên trước một khối lượng lớn mật và sáp trong cái bộng cây đó.
Chúng tôi đặt vào trong tổ mới cho lũ ong những vầng sáp non và một số vầng đầy mật để giữ chúng ở lại đó. Còn bao nhiêu thì lấy ra xếp vừa đầy một thùng tô-nô nhỏ.
Để ngăn không cho ong trở về tổ cũ, tôi đặt nắm thuốc lá cháy dở vào phía dưới bộng cây, bịt kín những lỗ hổng lại, trừ lỗ cao nhất ở chỗ chạc ba đầu tiên. Chẳng mấy chốc đã thấy khói ùn ùn ra lối đó. Thì ra giống như những cây liễu châu Âu, thân cây này hoàn toàn rỗng từ dưới lên trên, bên ngoài chỉ còn lại lớp vỏ cứng rất dày.
Hôm sau chúng tôi lấy những vầng mật ong trong thùng ra, bẻ nhỏ cho chúng dễ chảy và hứng vào một cái thùng rất sạch. Mật đã chảy cạn, chúng tôi lấy những mảnh sáp còn sót mật bỏ vào một cái túi vải thưa đem ép. Loại mật này không đẹp như thứ trước nhưng cũng vẫn ngon lắm. Chúng tôi dành ra một ít để chế rượu mật ong theo kiểu người xưa, ngon thơm và bổ. Bã sáp đem nấu lên để pha một loại nến mới, nhờ có sáp ong mà ánh nến trong trẻo hơn. Tới nửa đêm mọi việc mới xong xuôi.
Tảng sáng hôm sau, tôi và Phrê-đê-rích dậy trước khi mặt trời mọc; rồi đến Éc-nét và Ruýt-ly. Chúng tôi bàn bạc với nhau tiến hành công việc. Trước hết, chúng tôi đục ở bên dưới thân cây một lỗ hổng lớn vừa đặt cái khung cửa ra vào ở phòng trên tàu đã tháo đem về đủ lệ bộ. Đục xong lớp vỏ cứng sang tới lớp ruột thì dễ dàng bởi vì chỉ là một tảng gỗ mục có thể xắn bằng xẻng. Sau khi quét dọn sạch sẽ, chúng tôi trồng một cây gỗ cao chừng mười bộ vào chính giữa làm trụ cho cầu thang. Hôm qua đã chuẩn bị được nhiều tấm ván nhỏ cưa ở những thùng gỗ lớn, bây giờ đem ra làm bậc thang. Chúng tôi đục mộng ở cây trục và quanh vỏ cây lớn, đối diện với nhau, lắp ván vào, đóng đinh thật chắc, cứ thế mà xoay quanh trôn ốc và lên cao dần. Chúng tôi chắp thêm một cây gỗ khác cho cây trụ cao thêm rồi lại tiếp tục đặt bậc thang. Phải đắp thêm hai lần nữa mới lên tới sàn nhà. Tôi xẻ sàn nhà ở chỗ ấy ra, lấy hai sợi dây cáp thật chắc chắn trên sàn rồi dòng một sợi vòng theo cây trụ, một sợi theo vòng vỏ cây, tạo thành tay vịn để lên xuống cho dễ dàng. Vừa bắc cầu thang, chúng tôi vừa đục những cửa số nhỏ, lồng khung kính hẳn hoi. Nhờ thế bên trong cầu thang cũng sáng sủa và chúng tôi lại có thể nhìn qua cửa sổ để xem xét bên ngoài khi cần thiết. Lắp dựng cái cầu thang chắc chắn và vô cùng thuận tiện này mất vừa một tháng tròn.
Trong thời gian đó, chúng tôi cũng tiến hành song song việc rèn cặp con nghé. Tôi xỏ qua mũi nó một cái que cứng, hai đầu buộc hai sợi dây như kiểu hàm thiếc ngựa rồi tôi nắm lấy dây và điều khiển con nghé. Tuy thế, không phải là con vật cứng cổ ấy đã ngoan ngoãn đưa lưng nhận việc đâu! Chỉ sau khi Phrê-đê-rích đã rèn luyện nó thuần thục để cưỡi, mới đặt được một vài vật nặng trên lưng cho nó mang. Đây lại là một thắng lợi lớn của lòng kiên nhẫn trước những khó khăn tưởng không thể nào vượt qua được. Dần dần con nghé đã quen mang các bao tải trước kia giao cho con lừa và nhiều thứ khác. Thế rồi Ruýt-ly, Éc-nét và cả bé Phrít nữa cũng đòi bắt chước anh chúng nó, tập cưỡi con vật này đủ kiểu như làm trò xiếc. Bây giờ thì các con tôi có thể nhảy lên bất cứ con ngựa nào dù hung hãn mấy chăng nữa, bởi vì không thể có con ngựa nào ương bướng bằng con nghé đã được rèn luyện thuần thục này.
Phrê-đê-rích lại cũng không sao nhãng chăm sóc con chim cắt nhỏ đã quen chủ. Con chim oai hùng này được rèn cặp chu đáo nên tỏ ra tinh khôn rõ rệt và đã biết cách đâm bổ vào những con mồi chết mà chủ nó để xa xa vừa cho nó trông thấy. Những con mồi này khi thì đặt nằm giữa cặp sừng con nghé hay sừng con dê, khi thì trên lưng con gà sếu to gộc hoặc con hồng hạc, đã tập cho con cắt quen săn bổ nhào vào thú vật cũng như con mồi của nó. Được rèn luyện thuần thục như thế, con cắt lại biết nghe theo tiếng nói và tiếng còi của chủ. Tuy nhiên chủ nó vẫn chưa cho nó được bay tự do, sợ rằng cái tính hoang dã của con chim sẽ thúc giục nó bay đi luôn mất.
Không khí luyện tập thú vật lôi cuốn mọi người làm cho Éc-nét cũng sôi nổi và nhận trách nhiệm dạy dỗ con khỉ con. Cờ-níp tiên sinh thì nhanh nhẹn và hóm hỉnh đấy nhưng lại chúa lừ đừ khi được dạy dỗ. Éc-nét tập cho tên học trò khó bảo ấy mang một cái gùi trên lưng và biết bỏ một số đồ vật vào gùi rồi lại lấy ra. Con khỉ con sẽ là một người bạn đỡ đần cho thằng bé vốn ưa nhàn. Cuối cùng, ông thầy kiên nhẫn và bình tĩnh đã chinh phục được tên học trò cứng cổ và vụng dại. Việc luyện tập thành công và Cờ-níp trước đây, khi mới thấy cái gùi đã nổi xung lên thì lúc này lại thích và giữ riệt lấy gùi, khó mà cởi ra được.
Về phần Ruýt-ly thì kết quả dạy dỗ con chó rừng nhỏ không được bao nhiêu. Mặc dầu được đặt tên là thợ săn, con chó rừng nhỏ chỉ mới đi săn cho bản thân nó thôi. Nếu nó đưa về cho chủ thì cũng chỉ là cái da con vật đã bị nó chén hết thịt.
Trong lúc đó tôi cải tiến cách làm nến: trộn sáp ong với sáp quả rồi đổ vào khuôn ống lồ ô; tôi lăn cây nến đương mềm giữa hai tấm ván cho nó tròn và trơn bóng như thứ thường dùng ở châu Âu. Để tiết kiệm sợi vải làm bấc, tôi đã dùng thứ gỗ có nhựa chẻ nhỏ như que diêm. Nhưng gỗ lại cháy thành than ngay làm cho ánh sáng mờ đi rất khó chịu. Sau cùng, vợ tôi nghĩ đến sợi dây ca-ra-vát và làm thử một nắm đưa cho tôi. Kết quả vượt qua mong đợi.
Bây giờ đến lượt chế biến nhựa cao su đã lấy được ở rất nhiều cây lớn. Tôi lấy một đôi bít tất, lèn đầy cát thật khô tạo thành đôi khuôn làm ủng. Tôi quét bên ngoài bít tất nhiều lớp nhựa cao su. Khi nhựa khô, tôi đổ hết cát ra, lấy da trâu bóng bên dưới làm đế.
Để cho đế bền hơn, tôi dọt đinh cho bằng rồi nhúng vào vài lớp nhựa thật dày nữa. Thế là xong chiếc ủng tốt và vừa khít chân tôi không kém chiếc giày do thợ chuyên môn đo chân. Lũ trẻ thú lắm, đứa nào cũng đòi tôi dán cho những chiếc ủng không có đường may. Tôi nhận lời và chỉ vài hôm sau, cả nhà đều mang thứ ủng chắc chắn và nhẹ nhàng đó.