Lớn lên trên đảo vắng - Phần II - Chương 5
II - Chương 5
MÙA MƯA TỚI - CHIẾC CAI-ẮC - SAU MÙA MƯA - GẶT LÚA THEO KIỂU NÔNG DN I-TA-LI-A - HẠ THỦY CAI-ẮC - ÁNH SÁNG VÀ TIẾNG ĐỘNG - BẦY LỢN LANG THANG - CHIẾC CẦU TREO - BA CHÀNG PHIÊU LƯU MẠO HIỂM - CHE ÉP MÍA
Mùa mưa lại đã tới, chúng tôi phải tạm thời chấm dứt những cuộc đi đây đi đó bên ngoài. Như mọi năm, gió gào mưa trút xuống ầm ầm. Khoảng trời trong xanh suốt mùa nắng nay đã âm u đầy mây dầy đen kịt. Giông tố hung hãn kéo tới báo hiệu mùa mưa. Chúng tôi đóng cửa động lại và bắt tay vào những công việc tại chỗ đã bố trí dành cho thời gian này.
Nhưng tất cả những công việc đó lại chiếm nhiều thì giờ của tôi hơn là của lũ trẻ, và tôi lo ngại rằng tình hình thiếu hoạt động như thế có thể đưa chúng đến lười nhác và sẽ buồn chán. Tôi thấy cần phải tìm một công việc gì có thể bảo đảm cho chúng hoạt động luôn, thích hợp với tính hiếu động của chúng ngoài thú đọc sách. Tôi nghĩ mãi chưa ra thì chính Phrê-đê-rich lại may mắn gợi cho tôi một ý rất tốt.
Nó thấy còn thiếu một thứ rất cần thiết, đó là một chiếc thuyền nhẹ có thể lướt rất nhanh trên mặt nước cũng như con đà điểu “bay” trên cát, chân dường như không bén đất. Chiếc thuyền nhẹ như thế có thể sẽ trong nháy mắt đưa chúng tôi đi từ đầu chí cuối vùng đất nước này, men theo dãy núi đá hoặc ngược một dòng suối nào đó. Tôi nhớ lại đã đọc trong một tài liệu nói rằng những người Grô-en-lăng có một loại “thúng” nhẹ như kiểu tôi mong ước và họ gọi là cai-ắc. Tại sao chúng tôi lại không làm một chiếc cai-ắc như thế? Chúng tôi đã đóng được một chiếc thuyền độc mộc, khó gì mà với trí óc và tài khéo của mình lại không làm nổi một chiếc thuyền đơn giản kiểu ấy?
Làm chiếc cai-ắc quả là một việc rất cần thiết, không thể trì hoãn, bởi vì nó giúp cho bọn trẻ con được hoạt động vui thích. Chúng tôi bắt tay ngay vào việc, hứa trước với vợ tôi một “tác phẩm” vừa duyên dáng vừa nhẹ nhàng sẽ làm tiêu tan hết những hoài nghi về công dụng của nó.
Cai-ắc, loại thuyền độc nhất của người Grô-en-lăng, là một kiểu thuyền nhỏ trông giống vỏ một thứ quả, chỉ vài ba tấm da cá voi và một tấm da chó bể là thừa đủ để làm. Nó rất nhẹ, vác lên vai rất dễ dàng và không thể chìm.
Đũa răng cá voi, que tre, cói và da bò bể là tất cả nguyên liệu dùng làm cai-ắc. Điểm cải tiến đầu tiên là xếp đặt sao cho người thủy thủ có thể ngồi một cách thoải mái. Chèo thuyền mà cứ phải ngồi bắt chéo chân hoặc duỗi dài chân ra dưới đáy thuyền thì vừa bất tiện, lại vừa khó khăn khi chèo và mất nhiều sức.
Chẳng bao lâu, chúng tôi đã làm xong bộ sườn một chiếc thuyền nhẹ và căng đến nỗi nếu bỏ nó rơi từ cao xuống đất thì nó có thể nảy lên như một quả bóng. Chúng tôi đã mất cả một tháng ròng mới hoàn thành cái kỳ công ấy, nhưng kết quả tốt đẹp đến nỗi những tay thợ trẻ phải tự thấy ngạc nhiên về tài năng kỳ lạ của mình.
Sườn đã xong, bên trong đã lót nệm rêu và nhựa cao su, chúng tôi làm cái vỏ bên ngoài bằng hai tấm da bò bể, khâu chằng mép với nhau thật chắc chắn và kín đáo, chỉ chừa đủ chỗ cho người thủy thủ ngồi sau này. Chỗ đường khâu lại đắp một lớp dày nhựa cao su ngăn không cho nước lọt vào. Tôi đẽo hai mái chèo bằng tre, vừa vặn gác vào cạnh thuyền. Ở phía trước có bố trí một chỗ thuận tiện để căng buồm; sau này nếu định dùng buồm thì cũng sẵn sàng.
Như thế này, tài sản của chúng tôi lại tăng thêm: độ hải thuyền đã thêm một đơn vị. Phrê-đê-rích vừa là người có sáng kiếm về việc làm chiếc cai-ắc vừa là anh cả, có tài hơn các em và có khả năng dùng cai-ắc hơn cả, đã được giao cho sử dụng chiếc thuyền. Ai cũng tán thành kể cả Éc-nét và Ruýt-ly; nhưng sự nguy hiểm có thể gặp trong khi đi đây đó bằng cai-ắc đã khiến hai cậu ấy có chút e ngại.
Bây giờ đến lượt quần áo của người thủy thủ. Sau nhiều ngày nghiên cứu, thí nghiệm, suy nghĩ, chúng tôi đã chế tạo được cho Phrê-đê-rích mọt bộ quần áo rất kín, bằng da ruột cá voi. Lần này thì phần lớn công lao thuộc về vợ tôi. Xưa này bà vẫn coi việc thỏa mãn đầy đủ nguyện vọng của con cái là một việc thiêng liêng và thú vị cho nên bà đã làm việc này rất tận tình và đầy hứng thú. Nhờ những đường kim mũi chỉ kín đáo, đẹp và chắc chắn của mẹ, chỉ vài hôm sau Phrê-đê-rích đã được mặc mọt bộ quần áo thợ lặn rất thuận tiện và thoải mái.
Mùa mưa cứ từ từ trôi qua. Trong thời gian đó, đọc sách và bày bảo nhau học tập cũng làm cho cuộc sống đỡ đơn điệu.
Dần dần, mặt trời ló ra, gió lặng, biển trở nên yên tĩnh. Từ dưới mặt nước đã phủ kín mặt đất suốt ba tháng ròng mầm non trồi lên, cảnh vật như sống trở lại. Chúng tôi lại ra khỏi động, trở lại với cuộc sống ngoài trời, vô cùng phấn khởi vị lại được đón gió mát trong làn từ ngoài biển đưa vào. Chúng tôi chào mừng những cây lớn ở Tổ chim ưng và tất cả những cây cỏ tốt tươi mọc khắp nơi.
Chẳng bao lâu chúng tôi nhận thấy lúa mì gieo trước mùa mưa đã sắp chín, trước sau chưa quá năm tháng từ khi gieo hạt. Lúa chín sớm như thế khiến chúng tôi mừng vô kể vì thế là có triển vọng trồng được hai vụ một năm.
Rồi biết bao nhiêu công việc mùa nắng lại tới tấp đến trong tay. Đàn cá ngừ cũng sắp đi qua, tiếp đó là cuộc săn chó biển. Vợ tôi lo lắng tính rành mạch những công việc phải làm sau khi ướp muối cá và chế biến xong những cá ướp đó. Nào là nhổ sắn, nào là dỡ khoai tây và bảo quản, trăm nghìn thứ phải chăm nom, trăm nghìn việc phải làm, một năm chẳng bao giờ có đủ số ngày để làm cho hết việc.
Tôi an ủi bà nội tướng lo xa của chúng tôi và vạch kế hoạch làm việc, bắt đầu từ lúa mì. Đối với chúng tôi, đây là nguồn lợi chính và lớn nhất. Cần phải gặt hái nhanh và gọn, lại giảm bớt được sự khó nhọc cho các con tôi trong cái việc vô cùng nặng nhọc này của nhà nông. Tôi quyết định áp dụng phương pháp gặt đập của người nông dân I-ta-li-a, nhanh hơn và đỡ mệt hơn ở Thụy Sĩ nhiều.
Trước hết, chúng tôi đắp trước cửa động một cái sân bằng đất nện, đất thật mịn, sân thật phẳng, không một kẽ nứt hở. Làm xong sân thì vợ tôi hỏi tìm lạt ở đâu để bó lúa, bọn trẻ con thì đòi có ngay hái hoặc liềm. Tôi trả lời cho tất cả:
- Cần gì phải có những thứ đó, chúng ta sẽ bắt chước người nông dân I-ta-li-a để bớt được thì giờ và mệt nhọc, không dùng đến liềm hái vì cầm có phần nặng, không dùng đế lạt vì cứng khó xoắn.
Phrê-đê-rích hỏi:
- Vậy thì làm thế nào mà bó lúa để đưa về nhà?
- Ồ muốn vậy cũng chẳng mệt nhọc gì. Trước hết là không cần bó!
- Lạ thật! Gặt hái kiểu I-ta-li-a quả là kỳ dị.
- Để rồi con sẽ xem!
Nói là làm ngay. Tôi giơ tay trái nắm gọn một búi lúa rồi đưa con dao cầm ở tay phải xén một nhát, cắt đứt búi lúa cách gốc độ sáu tấc. Tối ném “tay lúa” vào cái bồ đeo trên lưng con trâu rồi quay lại cười và bảo Phrê-đê-rích:
- Đó, bước thứ nhất trong công việc gặt theo kiểu I-ta-li-a!
Lũ trẻ rất tán thưởng cách gặt đó và chẳng mấy chốc ruộng lúa mì chỉ còn trơ những gốc rạ lởm chởm.
Đưa xong tất cả lúa mì về tới nhà thì Éc-nét và mẹ nó rũ lúa ra khắp sân thành một lớp dày và đều, còn ba đứa kia thì chuẩn bị lên yên khi nghe lệnh tôi. Chưa bao giờ chúng thấy cách trục lúa như thế này nên cứ nhìn nhau cười đùa như là trong một ngày hội lớn. Lúa rũ xong, tôi ra lệnh:
- Lên yên! Mời các kỵ sĩ lên yên!
Và tôi bảo chúng nó chỉ có việc quần thả cửa khắp sân trên lúa. Chúng nó reo ầm lên, càng vui thích hơn nữa; con bò, con lừa rừng và con đà điểu thi nhau vượt lên đầu. Ba chúng tôi, mỗi người cầm một cái nạng gỗ, trăn trở không ngừng những đám lúa bị xẹp xuống.
Thế mà cũng mất khá nhiều ngày vào việc đó. Sau khi phơi khô khén, tôi đong thử để xem kết quả ra sao. Chúng tôi đã có dư lúa để phòng đói được khá lâu; trên sáu chục thùng lúa mì đen, tám chục thùng lúa mì trắng, trên một trăm thùng ngô.
Tuy thế, tôi vẫn không quên rằng nhất thiết phải gieo ngay một vụ nữa trước mùa mưa. Vì thế, cất giấu thóc ngô xong, chúng tôi ra đồng đánh ngay hết các gốc rạ, kết hợp luôn công việc làm đất.
Sau đó tôi lại gieo hạt ngay. Nhưng để cho khỏi hao chất màu, tôi thay đổi loại giống và lần này chỉ gieo lúa mì trắng và lúa mì đen mà năm ngoái đã gặt được trước mùa mưa.
Công việc đồng áng vừa xong thì đàn cá ngừ đã về tới ngang Vịnh cứu sống. Lương ăn trữ mùa đông đã quá dồi dào nên chúng tôi đón đàn cá không tha thiết mấy và chỉ chế biến có hai thùng lớn, một thùng cá muối và một thùng cá xông khói. Ngoài ra cũng bắt một số cá sống thả vào trong bể Suối chó núi để tiện ăn cá tươi.
Đã đến ngày đi thử cai-ắc. Tất nhiên vinh dự ấy thuộc về chủ nó là anh chàng Phrê-đê-rích.
Tất cả mọi người đều có mặt trong buổi lễ hạ thủy này. Sau khi anh chàng thủy thủ Phrê-đê-rích đã diện bộ quần áo đi biển vào, mọi người trịnh trọng mời cậu ta bước vào chiếc thuyền da.
Mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, tôi bảo Phrê-đê-rích:
- Ra biển!
Và tất cả lũ trẻ ngông cuồng đều nhắc lại:
- Ra biển! Ra khơi thật xa đi!
Chiếc cai-ắc lướt trên mặt nước nhanh không thể tưởng tượng. Mặt vịnh phẳng lặng và yên tĩnh, chẳng mấy chốc anh chàng Grô-ên-lăng ấy đã lênh đênh một cách thích thú trên sóng dập dờn. Như một người làm xiếc tài giỏi, nó lượn đi vòng lại trăm cách nghìn kiểu, mỗi lúc lại càng tài tình thêm. Tài nghệ và lòng dũng cảm của chàng thủy thủ trai trẻ làm cho chúng tôi vui thích và vỗ tay tán thưởng. Về phía nó thì nó cũng cố gắng cho xứng đáng với lời khen và lời khuyến khích. Chưa bằng lòng với việc chỉ bơi lượn, trên mặt nước yên lặng, nó quay con thuyền, hướng về Suối chó núi định ngược dòng đi lên. Nhưng dòng nước đổ ra mạnh hơn sức con thuyền nên chàng trai bị cuốn đi xa tít ra khơi và thoáng một cái, đã mất hút bóng.
Chúng tôi nhảy vội lên thuyền độc mộc bơi ngay đi cứu anh chàng Grô-en-lăng không may. Ruýt-ly và Éc-nét cùng đi với tôi, còn Phrít ở lại trên bờ với mẹ nó đương lo sợ cho con với tất cả tình mẫu tử. Quay lại bao nhiêu chúng tôi vẫn thấy cái bánh xe trên thuyền chuyển quá chậm. Để thuyền đi nhanh hơn, tôi bảo hai đứa bé sử dụng thêm mái chèo. Chúng tôi lướt vùn vụt trên sóng, nhưng mãi vẫn chưa thấy tăm hơi gì. Chúng tôi gọi ầm lên nhưng chỉ có tiếng vang từ núi đá xa xôi vọng lại, và nhìn quanh nhìn quất cũng chỉ thấy bọt sóng trào ở xa. Tôi thấy lòng thắt lại và không còn đủ can đảm để nói cho hai đứa bé biết rằng tôi đã lo sợ thay cho Phrê-đê-rích. Bỗng về phía một tảng đá nhô lên mặt nước, tôi thấy bốc lên một làn khói nhẹ. Tôi vội nắm lấy cổ tay theo dõi mạch và đếm được bốn lượt đập, thì nghe tiếng súng nổ. Tôi lại thấy vững tâm trở lại:
- Nó yên ổn rồi! – Tôi kêu lên – Nó thoát nạn rồi! Phrê-đê-rích ở kia, phía có làn khói bay lên mà các con vừa trông thấy đó, và chỉ trong vòng một khắc đồng hồ nữa là chúng ta gặp anh các con.
Tôi bắn ngay một phát súng tay và lập tức được một phát súng đáp lại cũng từ hướng tiếng thứ nhất tới.
Éc-néc rút đồng hồ ra. Chúng tôi chèo thật lực và chỉ chừng mười phút nữa, đã thấy bóng Phrê-đê-rích ở xa. Tất cả vừa hết mười lăm phút là tới gặp nó đương ghìm thuyền giữa những tảng đá ngầm mấp mé mặt nước. Tôi nhẹ nhàng trách nó đã dại dột làm liều.
- Bố thương yêu! – Nó trả lời – Chính dòng nước mạnh đã cuốn con đi, mặc dầu con đã cố cưỡng lại. Đôi mái chèo quá yếu không thể chống với sức mạnh dữ dội của dòng Suối chó núi. Thật con không ngờ đã bị cuốn đi quá xa một cách bất ngờ, chẳng còn thấy bờ mà cũng chẳng còn thấy bóng cánh buồm chiếc thuyền độc mộc.
- Con đã thoát được một tai nạn lớn! Nhưng chúng ta phải mau mau trở về cho kịp kẻo chân trời đã đầy mây, dông tố sắp kéo đến rồi.
Phrê-đê-rích xin tôi tăng cường thêm cho chiếc cai-ắc ba thứ đồ dùng cần thiết: một chiếc la bàn để tìm hướng nếu lỡ bị gió bão thổi ra xa bờ, một ngọn giáo và một cái búa cùng với mũi lao đã có trước đây làm khí giới tấn công hoặc tự vệ khi cần. Yêu cầu đó quả là chính đáng và hợp lý nên tôi hứa về đến nhà sẽ trang bị ngay cho chiếc cai-ắc đầy đủ.
Tôi muốn đưa cả Phrê-đê-rích và chiếc cai-ắc lên trên thuyền độc mộc mà trở về Nhà trong động. Nhưng nó không đồng ý và xin được đi trước để dẫn đường, rồi báo tin trước cho mẹ nó mừng, để bà biết nó đã thoát hiểm và cả mấy cha con đã trở về yên ổn. Tôi chiều ý nó, chúng tôi cùng quay về và chẳng mấy chốc chiếc cai-ắc đã vượt lên trước rất nhiều.
Trong khi chúng tôi chèo thuyền trở về yên ổn thì Éc-néc, bao giờ cũng muốn hiểu đầu gốc ngọn ngành của bất cứ việc gì, đã hỏi tôi làm sao mà tính được khá đúng quãng đường cách xa giữa chúng tôi và anh nó như lúc nãy.
- Dễ thôi! – Tôi trả lời – Chỉ cần biết vài điều rất thông thường mà những ai thích tìm hiểu về hiện tượng thiên nhiên đều biết. Vốn là ánh sáng có một tốc độ kinh khủng, nó tới mắt con người rất nhanh, coi như không mất thời gian. Người ta đã tính ra là chỉ trong chừng một giây đồng hồ, nó đã vượt được tám mươi dặm dài hai nghìn sải… Tiếng động, trái lại, thì di chuyển không được nhanh mấy, cũng trong thời gian đó nó chỉ đi được một trăm bảy mươi hai sải. Bố đã biết rằng mạch của bố, cũng như nói chung, thường đập đều sáu mươi lần trong một phút. Bố đếm được bốn lần mạch đập từ khi thấy khói bay lên cho tới khi nghe tiếng súng nổ, do đó có thể tính được rằng chúng ta ở cách xa Phrê-đê-rích chừng bốn nghìn một trăm sáu mươi bộ. Như vậy xấp xỉ một phần tư dặm. Vì thế, bố mới nói được khá chính xác rằng chúng ta còn phải chèo một khắc đồng hồ nữa mới tới gặp anh con được.
Nhưng những làn chớp đã vẽ ngang vẽ dọc trên mặt biển. Rồi những đám mây to và đen trút xuống một trận mưa lũ. May mắn sao, nhờ có gió thổi vào, chúng tôi đã tới tầm trông rõ ngọn núi trên bờ và cập bến được yên ổn. Trong một thoáng, chiếc thuyền độc mộc được kéo lên bờ, còn chiếc cai-ắc thì đưa vào trong động.
Sau cái ngày đáng ghi nhớ ấy, chúng tôi lại tiếp tục những công việc bình thường như đã dự định. Một đêm trời trong sáng, tôi bỗng thức giấc vì nghe có những tiếng gào, những tiếng kêu rất gần. Dường như tất cả bầy chó rừng trong vùng này đang tập hợp lại hoặc tất cả đàn gấu, hoặc lũ cọp trong đồng cỏ cùng nhau nhất loạt xông vào địa phận chúng tôi. Vừa tỉnh dậy, tôi có phần lo sợ vội cầm lấy một khẩu súng, tiến ra phía cửa lớn thường ban đêm vẫn mở hé để đón lấy một chút gió mát. Phrê-đê-rích cũng đã dậy và ra trước tôi mấy bước; tôi gặp nó cởi trần và sẵn sàng đương đầu với mọi sự nguy hiểm. Nó hỏi tôi, giọng lo lắng:
- Gì thế hở bố? Có lẽ lại là một bầy chó rừng muốn gây chuyện rắc rối chăng?
Tôi không để cho nỗi lo lắng thực sự lộ ra ngoài. Tôi tìm cách an ủi thằng bé và nói với nó rằng có lẽ chỉ là mấy con lợn ương bướng bỗng nhiên trở chứng muốn quay về thăm chúng ta một chuyến ban đêm. Cũng không ngờ tôi nói mò mà lại đúng đến thế!
Chúng tôi cùng ra ngoài cửa và thấy ngay mấy con chó và con chó núi của Ruýt-ly đương vật lộn với hai hoặc ba con lợn to lớn và khỏe lạ lùng. Cuộc sống lang thang tự do ngoài đồng quả là thích hợp cho con lợn nái và lũ con nó.
Trước tiên, tôi cho rằng chúng tôi đã sơ ý quên không bóc ván Cầu gia đình, cho nên mấy con lợn tai quái này mới sang đây giở trò được. Tôi đã lầm! Tất cả ván cầu đều đã bóc cất đi, nhưng những con lợn hoang này đã đi rất vững trên mấy cây xà bắc qua hai bên bờ mà sang bên này, không cần ván.
Sự việc bất ngờ này đã khiến tôi không còn dám tin rằng chiếc cầu có thể bảo đảm chắc chắn cho sự yên bình nữa. Đáng lẽ là một chướng ngại vật thì nó đã trở thành một phương tiện qua lại khá tiện lợi giúp cho bọn dã thú lọt vào bờ cõi chúng tôi. Từ lâu, tôi đã nghĩ đến chuyện làm một chiếc cầu treo, bây giờ chính là lúc phải bắt tay vào việc đó. Tôi dựng hai cây cột chắc chắn, ở giữa là một cái bệ dài rộng, có thể kéo lên đặt xuống bằng hai sợi dây cáp thật vững và một đòn bẩy cùng một vật nặng làm quả bập bênh. Nhờ khéo sắp đặt để có thể kết hợp sức nặng với những hoạt động có vẻ máy móc khác, tôi đã đạt được mục đích và hoàn thành một chiếc cầu treo bắc qua suối, kéo lên hạ xuống dễ dàng, không mệt nhọc mấy chút. Như vậy, chúng tôi mới yên tâm không còn phải lo ngại những cuộc xâm nhập bất ngờ của thú dữ nữa! Mặc khác, thế là chúng tôi lại tăng thêm cho xứ sở mới một công trình đáng kể và bọn trẻ con đã vui mừng biểu diễn trăm nghìn trò vui khỏe chung quanh hai cột cầu. Chúng kéo cầu lên, hạ cầu xuống cứ thế suốt trong mấy hôm liền.
Nhưng rồi cũng như tất thảy những gì mới, cầu treo cũng chỉ lôi cuốn được lũ trẻ trong vài hôm đầu, chúng bắt đầu chán và lại bàn nhau kiếm thêm một trò chơi mới.
Một buổi sáng tối trời, tôi thấy chúng bàn tán với nhau rất ồn ào, và sau đó, chúng chạy lại vây lấy tôi, có vẻ lúng túng. Nhưng tôi cũng được biết ngay lý do chúng định cùng nhau tổ chức một cuộc đi chơi xa và bây giờ đến xin phép bố mẹ. Bọn trẻ hăng hái say sưa đã cảm thấy trước được biết bao nhiêu là chuyện lý thú đến nỗi tôi không có can đảm làm trái ý muốn của chúng
- A, a! Cảm ơn, vô cùng cảm ơn bố mẹ! – Đó là tiếng reo chung một loạt – Một chuyến đi chơi xa! Nhất định phải thích thú hơn là dựng cầu.
Bao tải, bồ và tất cả đồ đạc dùng để chuyên chở đều được tập trung lại. Chiếc xe quẹt cũ kỹ được lôi từ trên mấy cái bánh xe đại bác xuống và chở đầy tất cả những thứ mà các nhà thám hiển trẻ tuổi đem theo trong chuyến đi này. Chiếc cai-ắc, súng ống, thuốc đạn, thức ăn đều mang đi đầy đủ; lại thêm một ít thóc và muối cùng trăm thứ bà dằn khác nữa, không kể xiết. Một đoàn lữ hành định đi sâu vào sa mạc xứ A-rập cũng không thể chuẩn bị nhiều hơn và đầy đủ hơn.
Buổi sáng lên đường đã đến. Cả nhà đều dậy trước khi mặt trời mọc. Ruýt-ly lặng lẽ mò vào chuồng bồ câu bắt ra mấy đôi chim, loại thường gọi là chim du lịch. Trước khi ra đi, tôi thấy nó bí mật thầm thì gì với Éc-nét và chúng nhìn tôi mà cười.
Ba anh em lên đường; mẹ chúng dặn đi dặn lại cần phải rất thận trọng. Chúng tôi ôm hôn chúng nó và chẳng mấy chốc bóng ba đứa trẻ đã khuất sau mọt đám bụi mù cũng với lũ gia súc chúng cưỡi và chiếc xe quẹt. Éc-nét ở lại nhà với tôi và mẹ nó. Tôi bèn bảo nó giúp tôi cùng làm một việc đã định từ lâu và ngày nào vợ tôi cũng khẩn khoản nhắc đi nhắc lại. Đó là một cái che ép mía để ép nước mật trong thân cây mía ra làm đường. Chúng tôi không bỏ phí thời giờ. Cái che ép gồm ba khúc gỗ tròn dựng đứng sát nhau, hơi khác kiểu bàn ép thông thường. Tôi đóng một chiếc cần vào che và sắp đặt để có thể dùng trâu bò kéo xoay quanh chứ người không phải mất sức vào đó.