Lớn lên trên đảo vắng - Phần III - Chương 5 (Hết)
III - Chương 5
TIẾNG ĐẠI BÁC NGOÀI KHƠI – MỘT CHIẾC TÀU GẶP GỠ THUYỀN TRƯỞNG TÀU UY-NI-COÓC – THÊM MỘT GIA ĐÌNH ĐẾN Ở TRÊN ĐẢO – CHIA LY – TỔ QUỐC THÂN YÊU
Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn dùng chung một số tín hiệu để truyền tin giữa bờ biển của nhà trắng trong động với pháo đài Đảo cá mập. Một lá cờ kéo lên cao sẽ báo tin mọi việc tốt đẹp ở trên đảo; hai phát đại bác bắn tiếp nhau sẽ cho biết đang có một vật gì hiện ra trên mặt biển.
Sau khi đã xem xét khắp nơi trong pháo đài và thấy mưa gió chẳng hề gây một thiệt hại nào dù nhỏ, hai đứa nhìn ra xa để tìm xem có gì xuất hiện ở phía chân trời không! Chúng thấy bờ biển có nhiều cây cối bị bão quật đổ, nhưng chẳng có con cá voi hay một thủy quái nào khác trôi giạt lên bờ. Muốn thử xem trong mùa mưa gió, súng đại bác có còn tốt lành như những thứ khác trong pháo đài không, hai chàng trai bàn với nhau bắn thử vài phát. Thế là chúng nó đã phí phạm thuốc súng quá mức cần phải tiết kiệm trong hoàn cảnh ngày càng thiếu thốn của chúng tôi.
Nhưng chúng nó kinh ngạc và cảm động biết bao, chừng vài ba phát sau khi bắn, chúng nghe thấy từ xa đã dội đến ba tiếng đại bác như trả lời cho tín hiệu của chúng. Chúng không thể nghe nhầm vì trước mỗi tiếng nổ thì lại thấy ánh sáng mờ mờ thoáng hiện ở phía tây. Ngay lúc đó, hai anh em nắm chặt lấy tay nhau trong một niềm vui sướng lẫn lộn giữa nghi hoặc với hi vọng, và cùng nói lên, giọng nghẹn ngào: “Có người, có người”. Sau khi đã bàn với nhau nên hành động thế nào, chúng quyết định rời ngay hòn đảo nhỏ, trở về báo tin cho chúng tôi biết sự phát hiện quan trọng đó. Thế là thoáng một cái chiếc cai-ắc đã lại lướt vùn vụt trên mặt biển với tốc độ chưa từng có.
Chúng tôi đã nghe thấy mấy tiếng đại bác ở pháo đài và rất ngạc nhiên cho nên cũng chạy cả ra bờ biển vào lúc gặp hai chàng pháo thủ trở về.
- Này các con, có chuyện gì thế? – Tôi gọi to để hỏi chúng từ xa nhưng chúng nó thì lại đương mải mê với cái tin đưa về cho nên cứ lúng ta lúng túng mà kêu lên:
- Ồ, bố ơi! Bố ơi! – Và vừa lắp bắp chúng vừa ôm choàng lấy tôi – Bố không nghe thấy gì ư?
- Không, bố chẳng nghe thấy gì ngoài mấy phát đại bác báo hiệu mà các con đã phí phạm thuốc súng quá mức cần thiết đấy thôi!
- Thế bố không nghe thấy ba phát đại bác khác trả lời sau đó, từ xa lắm ư?
- Không!
- Thế thì chúng con lại có nghe thấy rất rõ ràng và rành mạch.
- Chắc hẳn là tiếng vang dội lại – Éc-nét nối chen vào. Ruýt-ly hơi nóng mặt về ý kiến nhận xét thiếu căn cứ đó và nó trả lời, giọng bức tức rõ ràng:
- Không đâu, rõ ràng là như thế! Thưa tiên sinh bác học, quả không phải tiếng vang! Chúng tôi biết rõ là mình đã bắn bao nhiêu phát súng cho nên cũng có thể phân biệt được tiếng vang dội lại và những tiếng nổ từ xa mà chúng tôi nghe thấy rõ ràng và bây giờ về nói lại. Đúng là chúng tôi đã nghe thấy rõ ba phát đại bác. Chúng tôi tin chắc rằng có chiếc tàu nào đó qua lại đâu đây trong vùng này ngang tầm bờ biển chúng ta.
- Nếu quả là có một chiếc tàu quanh quẩn gần đây – Tôi bảo chúng nó – thì có thể đó là những nhà hàng hải lương thiện cũng có thể là bọn cướp biển hung ác. Cũng chưa biết là chúng ta nên vui mừng sung sướng hay phải lo lắng e ngại vì có nó ở ngoài khơi! Biết đâu là đáng lẽ hân hoan sửa soạn một buổi lễ đón tiếp lớn thì chúng ta lại chằng phải tổ chức chiến đấu để bảo vệ tất cả tính mạng và tài sản của chúng ta chống lại một bọn kẻ cướp hung bạo!
Nhưng lời nói có phần trang nghiêm đó đã dẹp phần nào niềm phấn khởi có phần bồng bột và nông nổi do cái tin “có tàu qua lại ngoài xa” mà anh em Phrê-đê-rich và Ruýt-ly vừa mới đưa về. Quyết định đầu tiên của tôi là phải bình tĩnh chờ đợi và tiến hành ngay việc tổ chức một hệ thống phòng thủ, sắp đặt việc canh gác. Tôi và mấy đứa con trai chia nhau thức canh suốt đêm tại hành lang trong động để đề phòng một cuộc tấn công bất ngờ nếu xảy ra. Nhưng suốt đêm đều yên tĩnh. Sáng sớm, gió mưa bỗng dưng nổi lên hung hãn khác thường và kéo dài tới hai ngày đêm. Trong thời gian đó, chúng tôi chẳng thấy một dấu hiệu gì về bóng dáng một chiếc tàu đã mấy hôm nay ám ảnh đầu óc chúng tôi không ngớt.
Đến ngày thứ ba thì mặt trời lại xuất hiện.
Tôi ra lệnh sắp đặt gọn gàng và kín đáo tất cả mọi thứ vào trong động. Ba đứa con trai nhỏ, vợ tôi và cô Gien-ny thì sang Tổ chim ưng cùng với đàn gia súc, còn tôi và Phrê-đê-rich thì đi thăm dò bằng chiếc Cai-ắc. Lần tạm chìa tay này sao mà có chút gì buồn buồn và trang nghiêm! Bà Ê-li-da-bét quý mến của tôi, tuổi đã già, lòng tin tưởng đã giảm bớt, không như lũ trẻ, bây giờ bà không thể ngăn được nước mắt. Bà cứ bắt chúng tôi hứa đi hứa lại phải rất thận trọng trong chuyến đi này.
Ra đi vào quãng gần trưa, chúng tôi men theo bờ biển nhưng vẫn không thấy gì cả. Nhiều lượn sóng lớn dâng cao ở phía chân trời. Do sức tưởng tượng quá mạnh, chúng tôi tưởng như nhìn thẩy ở đó bóng dáng những chiếc tàu khi ẩn khi hiện, theo ý nghĩ đầu tiên của chúng tôi, và đã thu hút sức chú ý của chúng tôi một lúc lâu. Nhưng khi gió thổi tan bọt sóng thì biết chỉ là ảo ảnh. Tuy thế, chúng tôi vẫn chưa nản lòng, cứ tiếp tục men theo bờ cát, đi tới một mỏm đá nhỏ nhô ra biển vẫn che khuất chúng tôi từ lúc ra đi đến giờ. Bỗng nhiên, chúng tôi thấy một chiếc tàu Châu u rất đẹp, khuất sau mỏm núi đá, đường bệ nằm vững chãi trên dây neo với một chiếc xuồng lớn bên cạnh, có treo cờ Anh quốc.
Không thể nào tả nổi mối cảm xúc đè nặng tâm hồn chúng tôi; nếu tôi cho phép thì có lẽ Phrê-đê-rich đã nhảy ào xuống nước mà bơi lại chiếc tàu kia đấy! Nhưng tôi giữ nó lại và nói cho nó biết nguy cơ có thể xảy đến với sự bồng bột liều lĩnh của nó. Trước mặt chúng tôi, chưa hẳn đã là một chiếc tàu của người Anh lương thiện: lũ cướp biển trăm phương nghìn kế vẫn thường dùng nhiều mẹo giả mạo và hay kéo cờ của một nước nào đó ở châu u để lừa các tàu khác đến gần mà cướp phá cho dễ. Nếu vội vàng tin ngay vào lá cờ trên tàu mà lại gần không chút đề phòng thì sẽ mắc mưu và lọt ngay vào tay chúng.
Chúng tôi vẫn phải náu vào chỗ lõm trong núi đá, đứng từ đó nhìn ra chiếc tàu. Tôi nghĩ tốt nhất là hãy tìm hiểu từ xa, và chỉ xuất hiện khi nào tin được đó là tàu lương thiện.
Chúng tôi ở vào một thế rất lợi, có thể nhìn thấy rất rõ tất cả những gì xảy ra trên tàu. Hai chiếc lều vải dựng trên bờ, những chiếc bàn bày đầy hoa quả, những tảng thịt quay chín dàn trên lửa đỏ hừng hực, những người đi đi lại lại, đem lại cho bờ biển không khí của một khu cắm trại tổ chức có nề nếp. Hai người lính gác đứng canh trên sàn tàu bỗng trông thấy chúng tôi và báo cho thuyền trưởng biết. Ông này lên ngay sàn tàu và hướng ống nhòm về phía chúng tôi.
- Quả là những người Châu Âu! Phrê-đê-rích nói – Cứ nhìn vẻ mặt thuyền trưởng cũng biết.
Nhưng chúng tôi lại nghĩ rằng chưa nên tiến lại vội. Chúng tôi nên gặp họ một cách trang trọng và có tư thế hơn bây giờ! Nghĩ thế chúng tôi gọi to lên nhiều lần hai tiếng: “Người Anh” như có ý tỏ cho họ biết rằng chúng tôi đã nhận ra họ, xong đó mới bơi thuyền vùn vụt quay trở về. Niềm vui sướng vô bờ này tăng thêm sức mạnh cho chúng tôi: ngày mai đây, sẽ mở đầu cho chúng tôi một thời kỳ mới; biên giới cuộc sống của chúng tôi sẽ mở rộng ra vô hạn một khi sự tiếp xúc giữa chúng tôi với xã hội loài người lại bắt đầu trở lại.
Chúng tôi ghé vào bờ mé gần Tổ chim ưng. Cả nhà tự họp trên bờ chờ đón chúng tôi, nóng lòng muốn biết kết quả cuộc đi tìm hiểu.
Mọi người tán thành sự thận trọng của chúng tôi. Riêng cô Gien-ny, luôn luôn yên trí rằng thế nào cũng có bố cô trên tàu, đã tỏ ra chẳng hiểu gì về thái độ dùng dằng của chúng tôi cả. Theo ý cô thì hành động như thế là không đúng và cô cũng phật lòng khi thấy chúng tôi cứ kéo dài cho đến hết tấn kịch đã mở màn. Vợ tôi, trái lại, hết sức khen ngợi chúng tôi đã biết nén lại, chưa vội ra mắt những người xa lạ trong một chiếc thuyền lùi xùi như chiếc cai-ắc này. Chúng tôi bèn quyết định tảng sáng hôm sau sẽ trang bị cho chiếc xuồng lớn đầy đủ lèo lái và cả nhà sẽ ăn mặc lịch sự, đáp xuồng ra tới chỗ chiếc tầu kia đậu.
Suốt ngày hôm đó, chúng tôi sửa sang lau chùi chiếc xuồng lớn cho bề thế hơn và chuyển xuống xuồng những món quà sẽ đưa tặng thuyền trưởng và anh em thủy thủ. Cũng cần phải tỏ ra cho ông ta thấy rằng những người khi ông ta mới thấy thì ngỡ là thổ dân chất phác, những người ấy cũng không phải là không hiểu cách xử thế văn minh như ông ta có thể tưởng lầm. Chúng tôi ra đi khi mặt trời vừa mọc. Trời rất đẹp. Buồm ăn gió đưa xuồng lướt đi rất nhanh và Phrê-đê-rích trong chiếc Cai-ắc, vẫn đi trước dẫn đường. Vợ tôi và Gien-ny mặc quần áo thủy thủ; Éc –nét, Ruýt-ly và Phrít phụ việc trên xuồng; tôi ngồi ở tay lái. Chúng tôi vẫn cứ lo xa, đã nạp sẵn thuốc đạn vào đại bác và các khẩu súng. Chúng tôi rất tin tưởng ở thái độ thân thiện của những người trên tàu, tuy nhiên tốt hơn vẫn là cứ nên đề phòng: nếu họ trở mặt thì sẵn sàng bắt họ phải trả một giá đắt.
Khi chúng tôi vừa tầm trông rõ chiếc tàu, mục tiêu tập trung sự chú ý của cả nhà, một mối xúc động bất ngờ xâm chiếm tất cả chúng tôi; mấy đứa trẻ đều im lặng vì chờ mong và hoan hỉ.
- Kéo cờ nước Anh lên! Tôi hô vang ra lệnh cho “nhân viên phụ việc”. Và ngay lúc đó một lá cờ giống như là cờ chiếc tàu đương dập dềnh trên dây neo, đã phấp phới trước mũi xuồng.
- Nếu chúng tôi cảm thấy một mối xúc động kỳ lạ khi tiến lại gần tàu thì những người trên tàu cũng ngạc nhiên không kém khi thấy một chiếc xuồng lớn đang lướt nhẹ trên sóng dưới cánh buồn no gió và tiến lại gần họ. Những tiếng reo vui vẻ và tin tưởng đã vang lên ngay sau những cảm xúc lo ngại ban đầu; những loạt đại bác nổ liên tiếp từ cả hai bên. Tôi bèn cho thả neo rồi xuống chiếc Cai-ắc, cùng đi với Phrê-đê-rích lại gần chiếc tàu và gửi lời chào vinh dự tới thuyền trưởng.
- Thuyền trưởng đón tiếp chúng tôi với một thái độ chân thực, niềm nở, thoáng đạt đặc biệt của những người làm chủ biển cả. Ông mời chúng tôi vào buồng riêng, rót rượu vang xứ Cáp mời chúng tôi, gắn chặt mối thân tình mới cùng nhau xây dựng.
Tôi kể lại cho thuyển trưởng nghe, rất vắn tắt, Câu chuyện đắm tầu và mười năm sống trên đảo vắng. Tôi lại còn nói cho ông biết chuyện Gien-ny và hỏi ông có nghe nói đến đại tá Mông-trô-dơ không? Thuyền trưởng chẳng những biết rõ đại tá mà lại còn được đại tá ủy nhiệm đi thăm dò khắp vùng này để tìm và cứu vớt những nạn nhân trên tàu "Đoóc-cát" bị đắm ở đây ba năm trước nếu họ còn sống. Tất nhiên, thu lượm được tin tức về số phận cô Gien-ny cũng là một điểm quan trọng trong nhiệm vụ này. Bởi thế, thuyền trưởng tỏ ý rất nóng lòng được gặp cô con gái đại tá Mông–trô-dơ và báo cho cô biết những tin mừng nhất. Ông ta kể rằng tầu của ông bị một cơn bão lớn thổi dạt ra khỏi đường định đi từ Xít-ni đến Niu Di-lơn, do đó ông bắt buộc phải hạ neo tại bờ biển này, nhân thể lẩy thêm củi và nước ngọt đã cạn.
- Và chính lúc đó – Ông nói thêm - Chúng tôi chợt nghe thấy hai tiếng đại bác, nên đã bắn súng trả lời. Ngày hôm sau, tin chắc là không phải chỉ có riêng con tàu của mình ở đây, chúng tôi bàn nhau nhất định đỗ lại chờ. Chúng tôi hy vọng rằng do tình cờ hoặc một nguyên nhân nào khá sẽ có thể gặp được những người, theo sự phỏng đoán đầu tiên của chúng tôi, là những nạn nhân xấu số còn sống sót của tàu "Đoóc-Cát". Nhưng sự thật thì chúng tôi lại được đón tiếp những sự việc vĩ đại hơn: một miền khai hoang có tổ chức và cũng gần là một cường quốc hải thuyền mà nhân danh Tổ quốc Anh-cát-lợi hùng cường, tôi mong được hân hạnh đặt mối liên minh.
Chúng tôi cười vui vẻ khi nghe câu nói sau cùng ấy, và bắt tay thân mật thuyền trưởng Li-tơn-tôn.
Thể nhưng gia đình tôi còn chờ chúng tôi ở kia, trên xuồng lớn. Chúng tôi từ giã thuyền trưởng nhưng chính ông lại ra lệnh thả chiếc xuồng trên tàu xuống, đi theo chúng tôi và tới bên xuồng lớn gần cùng một lúc. Toàn thể gia đình tôi đón tiếp ông với tất cả những gì vui mừng và thân mật nhất. Cô Gien-ny nhảy lên vì vui sướng được gặp người đồng hương, một người mà cô có thể hỏi nhiều chuyện về bố cô được.
Cùng đi với thuyền trưởng có một gia đình người Anh. Ông bố không quen với đường sá xa xôi nên bị ốm. Đó là gia đình ông Uôn-xtơn, thợ máy lành nghề gồm bố, mẹ và hai cô con gái. Vợ tôi tha thiết mời bà Uôn-xtơn lên bờ và bảo đảm rằng toàn thể gia đình bà có thể thấy ở Nhà trong động tất cả những gì mà bà muốn tìm thế nào trên tàu cũng không thể có. Lời mời đó không bị khước từ. Chúng tôi từ giã thuyền trưởng - không bao giờ ông muốn nghỉ đêm xa chiếc tàu và anh em thủy thủ - rồi cũng trở về đảo với đình ông Uôn-xtơn.
Ông bà Uôn-xtơn và hai cô con gái đều vô cùng ngạc nhiên khi đi thăm những dinh cơ của chúng tôi.
- Thưa ông – ông Uôn-xtơn nói riêng với tôi – tôi không thể nào nói cho hết được sự kính phục của tôi trước những kỳ quan mà ông và gia đình đã thu góp lại ở đây. Tôi đi xa nước Anh để được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tại một nơi nào đó, liệu tôi còn tìm được nơi nào tốt hơn chốn đây? Nếu ông bà bằng lòng chúng tôi tự thấy là những người sung sướng nhất trên đời trên một mảnh đất nhỏ trong xứ sở của quý ông.
Nguyện vọng của Ông Uôn-xtơn thân mến thật hợp ý tôi. Tôi vội vàng trả lời ông rằng không phải là chỉ dành cho ông và gia đình một mảnh đất nhỏ như ông đã nói rất khiêm tốn, tôi xin chia đôi giang sơn này để cùng ông “trị vì”.
- Thưa ông. - Tôi nói. - Ở đây, thiên nhiên rất giàu và có thể cung cấp thừa thãi cho hai gia đỉnh chúng ta lao động, vui sống, no đủ và hòa thuận.
Ông Uôn-xtơn vội vã báo tin cho vợ và hai cô con gái kết quả cuộc điều đình; tôi cũng không kém nóng lòng báo tin ấy cho cả nhà biết. Buổi sáng hôm nay đã trôi qua trong niềm vui sướng hồ hởi do tin vui ấy mang tới cho cả hai gia đình.
Tuy nhiên, đầu óc tôi lại bắt đầu phải suy tính sôi nổi vấn đề quan trọng khác. Chiếc tàu vừa ghé lại đây là chiếc tàu thứ nhất từ mười năm nay; có thể cũng phải một thời gian tương tự mới lại có một chiếc tàu thử hai ghé đến. Vậy thì ngay bây giờ tôi phải tìm cách tận dụng dịp may có một không hai này. Như thế nghĩa là có nên chỉ để cho thuyền trưởng Lít–tơn–tôn và thủy thủ giã từ đất này với một vài lời chúc thuận buồm xuôi gió mà thôi không?
Những điều suy tính này động chạm tới tương lai hạnh phúc, tình cảm gia đình trong những khía cạnh rất mật thiết. Vợ tôi không có ý muốn trở về Châu Âu nữa, còn tôi thì cảm thấy mình cũng đã rất gắn bó với cuộc đời mới. Vả lại, chúng tôi đều đã già rồi đã đến cái tuổi mà sự ngẫu nhiên cũng như những nơi gian truân lãng mạn không còn có thể lôi cuốn được nữa; tất cả ước mơ chỉ gói tròn vào mấy chữ "nghỉ ngơi” yên tĩnh, vui thú điền viên nhưng bốn đứa con chúng tôi đều còn trẻ, cuộc đời của chúng chỉ mới bắt đầu. Tôi thấy mình không được quyền, vì những lý do thiển cận, ích kỷ, dù là của bố mẹ, tước mất của chúng những ảnh hưởng tốt và cần thiết mà nền văn minh nhân loại cùng sự tiếp xúc xã hội loài người sẽ mang tới cho chúng. Tôi bèn hỏi ý cả mấy đứa trẻ xem chúng có muốn đi với thuyền trưởng Lít-tơn-tôn về châu Âu văn minh đô hội hay là tự ý ở lại trên đảo vắng này.
Ruýt-ly và Éc-nét đều tuyên bố là muốn ở lại với chúng tôi. Nhà thông thái Éc-nét thì cho rằng cũng không nhất thiết phải tìm đến chỗ ồn ào đông đúc mới có thể học tập nghiên cứu được như ý muốn. Tay thiện xạ Ruýt-ly thì thấy đất nước Tổ chim ưng cũng thừa cho nó vẫy vùng rồi.
Phrê-đê-rích thì trước hết không có ý kiến gì cả nhưng qua nét mặt đỏ ửng của nó, tôi biết là nó muốn ra đi. Tôi phải khuyến khích nó nói lên nguyện vọng của mình, nó mới thú thật rằng nó muốn được thấy lại Châu Âu. Thằng em út mà cho tới bây gờ thỉnh thoảng vẫn được gọi là thằng bé Phrít cũng ngỏ ý muốn đi theo anh cả nó.
Còn về phần cô Gien-ny thì miễn phải hỏi, suốt ba hôm nay, cô thanh nữ này chỉ có mơ ước đến đất nước Anh! Như vậy gia đình tôi sẽ phân tán: hai đứa con trai sẽ đi xa chúng tôi và hy vọng sẽ gặp lại chúng nó cũng mỏng manh lắm. Mẹ chúng nó cũng đành phải chịu đựng vì không còn cách nào khác nữa! Bà là mẹ, bà có thể hi sinh tất cả cho tương lai của con cái và chỉ tỏ ý ân hận bằng nước mắt mà thôi.
Về phía ông bà Uôn-xtơn cũng có cảnh chia ly; chỉ có một cô con gái ở lại với ông bà, còn cô kia tiếp tục đi cho tới Niu-di-lơn.
Thu xếp việc nhà như thế quả có nhiều day dứt trong lòng, nhưng rồi mọi việc cũng ổn thỏa! Tôi vội vàng báo ngay cho thuyền trưởng tàu “Uy-ni-coóc” biết để ông xét duyệt. Thuyền trưởng tỏ ý rất vui lòng nhận ba hành khách mới. Ông cười bảo tôi:
Tôi để lại trên đảo này ba hành khách: ông bà Uôn-xtơn và một cô con gái, tôi lại nhận ba người khác ở đảo này lên, thế là tổng số người đi trên chuyến tàu này vẫn không thêm không bớt.
Tàu “Uy-ni-coóc” còn ở lại đây tám ngày nữa. Trong thời gian này, chúng tôi lo lắng chuẩn bị mọi thứ có thể trở thành tài sản của những người ra đi, khi họ đã tới châu Âu. Tất cả những vật quý đã thu góp được: ngọc trai, ngà voi, các thứ gia vị, da lông thú và tất cả những sản vật hiếm… đều lập tức được đóng gói cẩn thận và chở xuống tàu. Chúng tôi cũng cung cấp dồi dào cho chiếc tàu các thứ lương thực như thịt, hoa quả và thức ăn muối.
Ngày cuối cùng, chúng tôi suốt đêm trò chuyện trong gia đình một lần chót. Tất nhiên không khỏi bịn rịn trước lúc chia tay, một chuyến chia tay chưa biết bao giờ mới lại gặp mặt. Đây cũng là lúc mà tôi ân cần nói hết cho các con tôi nghe, với tất cả tấm lòng và sự hiểu biết cùng kinh nghiệm đời của một người cha, mong chúng hiểu được những khó khăn có thể gặp trong cuộc đời mới sắp bước chân vào. Tôi căn dặn Phrê–đê-rích hết sức trân trọng bản chép câu chuyện này; sáng mai lúc lên đường, tôi sẽ đưa cho nó tập tài liệu quý giá ghi lại đầy đủ câu chuyện đắm tàu và công cuộc xây dựng trên bờ biển hoang vắng này. Tôi dặn nó nhớ đem đi in và phổ biến ngay khi có dịp tốt, hi vọng có thể giúp ích cho nhiều người khác, cho các bạn trẻ, thanh niên, cũng như thiếu niên. Tôi không ghi chép tập tài liệu này như một nhà nghiên cứu vạn vật hay địa lý. Tôi chỉ muốn nói với bạn đọc ba điều căn bản đã cứu giúp chúng tôi thoát khỏi những nguy cơ khủng khiếp đã phải trải qua.
Trước hết là một lòng tin tưởng vững chắc ở tương lai và luôn luôn lạc quan yêu cuộc sống. Tiếp đó là một nghị lực kiên cường và không hề lùi bước trước bất cứ khó khăn trở ngại nào. Sau hết là một sự vận dụng không ngừng tất cả mọi khả năng của trí tuệ, thể chất và kỹ năng của mỗi người.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com – gác nhỏ cho người yêu sách.]
Và bây giờ tôi xin ghi thêm một trang cuối cùng vào bản thảo tập ký sự này mà tôi đã thức gần suốt đêm để xem lại và sắp xếp cho có thứ tự. Đêm đã khuya lắm, cả nhà đều ngủ say sưa. Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa sẽ diễn ra cái cảnh não lòng mà tôi không thể không nghĩ tới: tôi nhìn thấy cảnh các con tôi tụ họp cả trên bãi biển, chúng tôi ôm hôn chúng nó lần cuối. Chiếc xuồng đưa chúng ta ra tàu trong giây lát. Tất cả bao nhiêu cánh buồm đều kéo lên, tàu nhổ neo, gió thuận thổi căng buồm, chia ly chúng tôi với hai đứa con thân yêu, có thể là vĩnh biệt. Bóng tàu đã khuất nơi chân trời xa thẳm, tôi cố tạo cho mình một chút can đảm để tỏ ra rất bình tĩnh mà đưa vợ tôi ra khỏi cảnh im lặng sầu não này và dìu bà buồn bã trở về ngôi nhà đã trống đi một nửa. Ấy thế mà chúng tôi vẫn còn hai đứa con trai bên cạnh cùng với một gia đình bạn quý và cả xứ sở mến khách mà tôi không muốn và không thể xa rời này... Vĩnh biệt, các con! Mong sao những dòng chữ cuối cùng này sẽ nhắc lại luôn luôn với các con lòng trìu mến và những lời cầu chúc cuối cùng cho các con! Vĩnh biệt Tổ quốc Thuỵ Sĩ yêu dấu mà không bao giờ tôi còn thấy lại nữa! Cầu mong đồng bào cả nước luôn luôn sống trong hạnh phúc, tin tưởng và tự do.
Dựa theo bản tiếng Pháp của Nhà xuất bản “ Nhà sách A.Ha-chi-ê” - 1951
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Mai – vuthungoc – thao1011
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)