Trăm năm cô đơn - Chương 04 - Phần 1

Chương 4

Một buổi khiêu vũ được tổ chức để ăn mừng ngôi nhà mới trắng như một con bồ câu. Ucsula từng ấp ủ ý nghĩ ấy ngay từ buổi chiều bà thấy Rêbêca và Amaranta đã trở thành những thiếu nữ và hầu như có thể nói rằng cái lý do chủ yếu của việc xây cất nhà mới là niềm khao khát mong muốn cho các cô gái có một chỗ tiếp khách xứng đáng. Trong khi tiến hành công việc xây dựng lại ngôi nhà, Ucsula vất vả làm lụng như một tên tù khổ sai để không một trở lực nào cỏ thể dìm tắt cái mục đích rực rỡ ánh hào quang ấy.

Do đó trước khi các công việc này hoàn thành, bà đã gửi mua sắm các đồ trang trí và đồ ăn thức đựng, toàn là những thứ đắt tiền. Trong số đó có một vật kỳ diệu từng khiến cho cả làng ngạc nhiên và khiến cho tuổi trẻ phải sung sướng thích thú, đó là cây đàn pianô tự động. Người ta chở từng bộ phận của nó đến. Những bộ phận này được để trong mấy chiếc thùng và chúng được moi ra khỏi thùng cùng với bàn ghế giường tủ sản xuất tại Viên, gương kính sản xuất ở xứ Bôhêmia, bát đĩa do Công ty Tây Ấn sản xuất, khăn phủ bàn của Hà Lan và hàng loạt đèn dầu và đèn nến, bình hoa, màn lụa in hoa treo tường và thảm trải nhà. Công ty nhập khẩu đã phái một chuyên gia người Ý giàu kinh nghiệm, tên là Piêtrô Crêspi, đến nhà để lắp và chỉnh cây đàn pianô tự động, để dạy cách sử dụng cho những người mua nó và nhất là dạy họ khiêu vũ theo âm nhạc hợp mốt thời đại được in trên sáu cuộn băng.

Piêtrô Crêspi là một thanh niên trẻ, tóc hung, một người đẹp trai nhất và có học vấn nhất ở Macônđô, là một người tự trọng trong cách ăn mặc đến mức mặc cho không khí nóng hầm hập anh vẫn mặc bộ quần áo bằng lụa bó sát người và một chiếc áo khoác ngoài bằng dạ thâm dày cộp. Người xâm xấp mồ hôi, cố giữ một khoảng cách rõ ràng giữa mình với các chủ nhân, anh đã ở lỳ vài tuần liền trong phòng đóng kín cửa, với sự say mê giống hệt sự say mê của Aurêlianô trong xưởng làm đồ kim hoàn. Có một buổi sáng nọ, không hề mở cửa, không cần cầu cứu một nhân chứng thần thánh nào, anh đặt một băng nhạc lên cây đàn pianô tự động, và thế là âm nhạc trong trẻo và du dương vang lên khiến cho những tiếng búa chát chúa và những tiếng va chạm thường xuyên của các tấm gỗ bỗng ngừng bặt trong cái thanh vắng đến thảng thốt. Tất cả mọi người vội đổ xô tới phòng khách. Hôsê Accađiô Buênđya hào hứng hẳn lên không phải do vẻ đẹp hấp dẫn của âm nhạc mà là do cây đàn pianô tự động gõ lấy phím đàn và ông đã đặt chiếc máy ảnh của Menkyađêt ở trong phòng khách với hy vọng sẽ chụp được bức ảnh người chơi nhạc vô hình. Ngày hôm ấy nhạc sư người Ý ăn trưa với gia đình. Rêbêca và Amaranta giữ nhiệm vụ hầu bàn, đều có cảm tình trước cử chỉ nhẹ nhàng khoan thai của con người thanh tao ấy trong lúc đôi bàn tay da mái xanh không đeo nhẫn của anh sử dụng thìa ma trên bàn ăn. Trong phòng chờ ăn thông với phòng khách, Piêtrô Crêspi dạy hai cô gái khiêu vũ. Đánh nhịp bằng chiếc máy đo tiết điệu, anh dạy họ đưa chân mà tay không chạm vào thân thể họ trong sự canh chừng rất đáng yêu của Ucsula, người không lúc nào bỏ đi ra ngoài phòng khách trong lúc các con gái bà học nhẩy. Trong những ngày đó, Piêtrô Crêspi mặc những chiếc quắn đặc biệt, mềm mại bó sát lấy cơ thể và đi một đôi giày múa. “Bà không tội gì mà cứ phải lo lắng thế.” Hôsê Accađiô Buênđya nói với vợ. “Cái anh chàng này là một gã ái nam ái nữ thôi”. Song bà vẫn những thôi việc canh chừng một khi việc học khiêu vũ của các con gái chưa xong và anh chàng người Ý chưa đi khỏi Macônđô. Vậy là bà bắt tay vào công việc chuẩn bị ngày vui. Ucsula lên danh sách những người được mời tới dự tiệc, trong đó những người duy nhất được chọn mời là con cháu của các bậc sáng nghiệp làng Macônđô, trừ gia đình Pila Tecnêra mà lúc ấy đã có thêm hai đứa con hoang. Thực ra đó là một sự lựa chọn độc đáo lược quyết định bởi những tình cảm bạn bè, vì những người tược chọn không chỉ là những người bạn chí cốt đối với nhà Hôsê Accađiô Buênđya kể từ trước khi tiến hành cuộc di cư đưa tới sự ra đời của làng Macônđô, mà còn vì những con cháu của họ vốn là bạn nối khố từ thuở ấu thơ của Aurêlianô và Accađiô. Các con gái họ vốn là những cô gái duy nhất thường đến chơi thà để cùng thêu thùa với Rêbêca và Amaranta. Đông Apôlina Môscôtê, một quan chức tốt bụng mà hoạt động của ngài đã thu hẹp ở việc giữ lại hai viên cảnh sát chỉ vũ trang bằng dùi cui và nuôi họ trong điều kiện kinh tế eo hẹp của mình, chỉ là nhà chức trách trên danh nghĩa. Để đảm bảo chi tiêu hàng ngày, các cô gái của ngài đã phải mở một hiệu may vừa nhận làm thuê những bông hoa nỉ, vừa nhận làm cả mứt ổi lẫn viết thuê những bức thư tình cho các chàng trai cô gái trong làng. Mặc dù có đức khiêm tốn và ngoan nết, con gái ngài - những cô gái đẹp và nhảy các điệu vũ mới uyển chuyển nhất làng này - đã không tìm nổi cách nào để người ta mời mình đến dự ngày vui.

Trong lúc Ucsula và các cô gái mở hộp lấy ra các đồ dùng, lánh bóng bát đĩa cốc tách và treo lên tường những bức tranh các bà quý phái đứng trên những chiếc thuyền chở đầy hoa lồng, và bằng những công việc ấy mẹ con bà đã truyền hơi thở cuộc đời mới cho các phòng nhẵn bóng do những người thợ nề cây nên thì Hôsê Accađiô Buênđya từ bỏ việc truy tìm hình ảnh thượng đế, ông buộc phải thừa nhận sự không tồn tại của người, và đã bổ cây đàn pianô tự động ra để tìm hiểu cài huyền bí của nó. Sau bao ngày lúng túng trước mớ bòng bong những sợi dây duỗi ra ở một đầu để rồi lại cuộn lại ở đầu kia và một đống những chốt và cần đàn thừa ra, Hôsê Accađiô Buênđya cũng lắp lại được cây đàn pianô tự động nhưng lắp rất tồi. Ông làm xong việc này hai ngày trước khi có cuộc vui. Chưa bao giờ ở nhà này có nhiều lo lắng với tất tả chạy vạy như những ngày ấy. Song những cây đèn mới thắp nhựa đường vẫn cứ bừng sáng vào đúng ngày và giờ qui định. Nhà mở rộng toang cửa, vẫn còn thơm mùi nhựa thông và mùi vôi ẩm. Con cháu của các bậc sáng nghiệp làng Macônđô làm quen với hành lang những chậu cảnh trồng cây dương xỉ và cây thu hải đường, những căn phòng thanh vắng, vườn hoa ngào ngạt mùi hoa hồng, rồi bọn họ họp mặt nhau trong phòng khách trước cỗ máy chưa từng biết đã được phủ một tấm vải trắng. Những ai từng biết đàn pianô thường dùng, rất phổ biến ở các làng quanh vùng đầm lầy đều cảm thấy chút ít thắc thỏm. Nhưng cay cú hơn cả vẫn là nỗi thất vọng của Ucsula khi người ta đặt một băng nhạc lên cây đàn pianô tự động để Rêbêca và Amaranta mở đẩu buổi khiêu vũ, nhưng máy móc đã không hề chuyển động.

Menkyađêt, mà lúc này hầu như đã lòa mắt, cố nhớ lại các ngón nghề trong kho trí thức bác cổ của mình để vận dụng vào việc sửa chữa cây đàn pianô tự động. Cuối cùng, hoàn toàn ngẫu nhiên thôi, Hôsê Accađiô Buênđya đã khiến cho một bộ máy chết bỗng quay được và do đó âm nhạc phát ra lúc đầu nghe rầu rĩ sau nghe tuôn chảy như dòng suối âm thanh gồm những nốt nhạc khó hiểu. Các cần đàn gõ loạn xạ. Chúng cứ đập hoài vào các dây cây đàn được bố trí bừa bãi, không theo một trật tự nào và do đó những dây đàn này rung lên run rẩy đầy vẻ sợ hãi.

Nhưng những cháu con ương bướng của hai mươi mốt người bạo phổi từng đi xuyên rừng theo hướng tây để tìm biển, đã biết vượt qua những chỗ khó nhẩy do sự thay đổi của âm nhạc gây nên, và do đó buổi khiêu vũ đã kéo dài cho đến sáng.

Piêtrô Crêspi đã trở lại để sửa chữa cây đàn pianô tự động.

Rêbêca và Amaranta giúp anh sắp đặt thứ tự các dây đàn và họ cùng phụ hoạ cười với anh vào những chỗ khó nhẩy của các điệu van. Anh tỏ thái độ rất đáng kính trọng và có tư chất cao thượng đến mức khiến cho Ucsula không thấy cần thiết phải canh chừng các buổi học khiêu vũ của các con gái mình. Đêm trước ngày anh lên đường, một buổi khiêu vũ với cây đàn pianô tự động đã sửa sang tất được tổ chức gấp để tiễn anh. Anh đã cùng với Rêbêca biểu diễn tuyệt hay các điệu vũ hiện đại.

Accađiô và Amaranta cũng không kém họ trong những động tác duyên dáng và hoạt bát. Nhưng buổi biểu diễn buộc phải ngừng lại bởi vì Pila Tecnêra, mà lúc ấy đang ở ngoài cửa cùng với những kẻ tò mò, đã ẩu đả với một người đàn bà dám bình luận rằng Accađiô có bộ mông đàn bà. Đến nửa đêm, Piêtrô Crêspi đã chia tay gia đình bằng một bài phát biểu chan chứa tình cảm lưu luyến và hứa không lâu sẽ trở lại. Rêbêca đưa tiễn anh đến tận cửa chính, và sau khi đã đóng kín các cửa và đã tắt đèn nhà thì cô vào phòng mình để khóc. Đó là một tiếng khóc não nề kéo dài vài ngày mà về nguyên nhân của nó thì không ai biết kể cả Amaranta. Cô vốn là người khó hiểu và điều đó không có gì là lạ. Dù có cái vẻ bề ngoài dường như cởi mở và lễ mạo, nhưng thực ra cô vốn là người cô đơn và có trái tim thầm kín khôn lường. Cô là một cô gái đang tuổi dậy thì lộng lẫy, dáng người son sẻ và lại thích ngồi trên chiếc ghế xích đu gỗ cô đã mang theo đến nhà, từng được sửa chữa nhiều lần và đã thiếu tay ngai. Không một ai phát hiện ra rằng vào tuổi ấy cô vẫn giữ thói mút ngón tay. Bởi thế cô không bao giờ bỏ lỡ dịp ở một mình trong buồng tắm và duy trì thói quen ngủ quay mặt vào tường. Trong những buổi chiều mưa, đang lúc ngồi thêu với một nhóm bạn gái ở hành lang đặt những chậu cây thu hải đường, bỗng dưng cô không chú tâm theo dõi mạch chuyện đang sôi nổi, để một giọt nước mắt nhớ nhung lăn trên gò má làm mặn cuống lưỡi mình khi nhìn thấy những vỉa đất ướt và những viên sét mà giun đùn lên từng đống nhỏ trong vườn hoa. Khi cô bắt đầu khóc thì những thích thú vụng trộm ấy, từng bị nước cam hoà với bột đại hoàng dành bại trong những năm trước đây lại trỗi dậy trong nỗi khao khát không thể kiềm chế được. Cô lại ăn đất như trước đây. Lúc đầu cô ăn hầu như chỉ vì tính tò mò bởi tin rằng mùi khó chịu của đất sẽ là phương thuốc hữu hiệu để cưỡng lại ý muốn của mình. Và quả nhiên là cô không thể chịu được đất ở trong mồm. Nhưng do cơn thèm khát đang ngày một lớn thêm khuất phục, cô đã cố gắng chịu đựng. Đó là cơn thèm khát trước đây, là sở thích ăn quặng mỏ, là niềm vui háo hức được ăn món ăn nguyên thuỷ. Cô nhét các mẩu đất vào túi rồi lén ăn từng mẩu một mà không bị ai nhìn thấy. Cô ăn chúng mà tự cảm thấy vừa sung sướng mãn nguyện vừa giận hờn ai oán trong lúc dạy các bạn gái học những mũi thêu hóc hiểm nhất và nới chuyện về những người đàn ông không xứng đáng với sự hy sinh mà vì họ cô phải ăn vôi tường. Những mẩu đất này ngày một ít xa xưa hơn và ngày một rõ nét hơn đối với người đàn ông duy nhất xứng đáng với sự tự huỷ hoại ấy, cứ như thể mặt đất mà anh ta với đôi ủng vécni thanh nhã của mình giẫm lên ở một nơi khác nơi trần gian này sẽ truyền cho cô gái sức nặng và độ ấm nóng của máu anh ta trong mùi vị của quặng mỏ từng để lại một cảm giác chua chát ở miệng cô và một lớp cặn của sự bình yên đọng lại mãi mãi ở trái tim cô.

Một chiều nọ, không một duyên cớ gì, bỗng nhiên Amparô Môscôtê xin được đến thăm nhà. Amaranta và Rêbêca bối rối trước chuyến đến chơi nhà không hẹn trước, đã phải miễn cưỡng đón tiếp. Họ dẫn cô đi xem ngôi nhà mới làm lại, cho cô nghe những băng nhạc phát ra từ cây đàn pianô tự động, mời cô ăn cam với bánh bích quy. Amparô tự thể hiện là cô gái danh giá vui vẻ và nền nếp khiến cho Ucsula cảm động trong những giây lát bà cùng ngồi tiếp khách. Sau hai giờ, khi buổi nói chuyện đã bắt đầu tàn, Amparô lợi dụng lúc Amaranta lơ đễnh đã đưa cho Rêbêca một bức thư. Cô gái chỉ kịp nhìn dòng chữ: gửi cô Rêbêca Buênđya trác việt được viết với một lối chữ ngay ngắn, một thứ mực xanh và lối để cách chữ vừa thoáng vừa đẹp mắt mà chúng vẫn được dùng để viết những lời chỉ dẫn cách thức sử dụng cây đàn pianô tự động, rồi bèn lấy ngón tay cẩn thận gấp và viết bức thư rồi cất vào trong yếm ngực. Cô đưa mắt nhìn Amparô Môscôtê hàm ý vừa cảm ơn khôn xiết, vừa thầm hứa thực hiện điều ước nguyện cho tới khi chết.

Tình bạn bỗng nhiên có giữa Amparô và Rêbêca đã thức dậy những hy vọng của Aurêlianô. Nỗi nhớ nhung cô bé Rêmêđiôt không ngừng giày vò nhưng anh không có dịp gặp lại cô bé. Khi cùng với những người bạn cố tri của mình như Măcgơmphicô Visban và Hêrinênđô Mackêt - những đứa con của những bậc sáng nghiệp cùng tên như vậy - đi dạo chơi quanh làng, bằng đôi mắt háo hức anh dò tìm cô bé ở trong hiệu may nhưng anh chỉ thấy các bà chị cô. Việc Amparô Môscôtê có mặt ở nhà mình giống như một điểm báo. “Em sẽ đến cùng với chị.” Aurêlianô tự nhủ thầm. “Cô em sẽ đến”. Anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần với tất cả niềm tin. Do đó một buổi chiều nọ khi đang làm con cá vàng trong xưởng kim hoàn, anh có niềm tin chắc chắn rằng cô bé đã đáp lại tiếng gọi của trái tim mình. Quả nhiên, sau đó ít lâu, anh nghe thấy tiếng nói trong trẻo ngây thơ và vào lúc ngẩng mặt lên với trái tim giật thốt anh nhìn thấy cô bé mặc bộ váy áo bằng sa mỏng màu hồng, đi ủng trắng đứng ngay trước cửa.

- Rêmêđiôt ơi, em đừng vào đấy nhé! - Amparô Môscôtê đứng ở hành lang gọi. - Người ta đang làm việc mà!

Nhưng Aurêlianô đã không để cho cô bé kịp nghe lời chị mình: Anh chìa con cá vàng miệng ngậm một cái vòng nhỏ rồi nói với cô bé:

- Vào đây! Vào đây!

Cô bé bước lại gần và hỏi anh một vài câu hỏi mà Aurêlianô không thể trả lời nổi, bởi vì cơn hen bất thình lình đến đã ngăn cản anh. Anh muốn mãi mãi ở bên cô bé, gần kề với nước da trắng ngà, gần kề với đôi mắt xanh màu ngọc bích, gần kề với tiếng nói mà mỗi câu hỏi cô bé cứ gọi anh là “ngài” với tất cả lòng kính trọng cô vẫn dành cho cha. Menkyađêt ngồi ở xó phòng bên cạnh bàn viết, đang ghi lại những ký hiệu không thể nào đọc được. Aurêlianô căm tức cụ. Anh không làm gì được ngoại trừ việc anh bảo Rêmêđiôt là sẽ tặng cô một con cá vàng và cô bé hoảng hốt trước tặng vật đã vội vàng ù té chạy ra khỏi xưởng kim hoàn. Chiều ấy, Aurêlianô mất bình tĩnh, cái bình tĩnh thâm trầm anh vẫn thường có để chờ đón dịp được thìn cô bé. Anh sao lãng công việc. Trong những cố gắng tuyệt vọng để tập trung tư tưởng, đã nhiều lần anh gọi tên cô bé nhưng Rêmêđiôt đã không đáp lời. Anh tìm cô bé ở hiệu may của các chị cô, trong các buổi đến chơi nhà cô, trong văn phòng cha cô, nhưng anh chỉ thấy cô trong hình ảnh thấm đậm nỗi cô đơn khủng khiếp của chính mình. Hàng giờ và hàng giờ cùng với Rêbêca anh ngồi trong phòng khách để nghe nhạc van phát ra từ cây đàn pianô tự động. Rêbêca nghe những bản nhạc van là vì Piêtrô Crêspi đã dạy cô nhảy với thứ nhạc đó. Còn Aurêlianô nghe những bản nhạc van là vì, chỉ đơn giản thôi, chính thứ âm nhạc ấy gợi anh nhớ Rêmêđiôt.

Ngôi nhà đầy ứ tình yêu, Aurêlianô biểu hiện tình yêu của mình trong thơ, những vần thơ không đầu không cuối. Anh viết chúng trên những tấm da thuộc do cụ Menkyađêt tặng, trên tường nhà tắm, trên làn da hai cánh tay mình, và trong những vần thơ đó biểu hiện một Rêmêđiôt méo mó: Rêmêđiôt trong cơn gió vật vờ lúc hai giờ chiều, Rêmêđiôt trong hơi thở trầm mặc của những bông hồng, Rêmêđiôt trong hơi bánh nghi ngút khói mới ra lò lúc ban mai, Rêmêđiôt ở khắp mọi nơi và Rêmêđiôt mãi mãi và mãi mãi. Đứng thêu bên cửa sổ, Rêbêca ngóng mong tình yêu đến vào lúc bốn giờ chiều. Cô biết răng con lừa của người đưa thư chỉ đến làng này nửa tháng một lần, nhưng lúc nào cô cũng mong ngóng mà lòng nhủ rằng do nhầm lẫn nó có thể đến bất cứ ngày nào. Nhưng đã xây ra một việc trái lại hoàn toàn: có một lần con lừa không đến đúng cái ngày quy định. Thế là cô gái phát điên vì thất vọng. Đang lúc nửa đêm, cô thức dậy ăn những vốc đất bốc ở ngoài vườn hoa. Trong nỗi khao khát muốn tự tử, cô khóc lóc thảm thiết vừa đau khổ vừa giận hờn, mà nhai những con giun mềm mại, mà nghiến sụn những chú ốc sên. Cô nôn mửa cho tới sáng Cô lả đi vì kiệt sức. Cô mất trí khôn và trái tim cô bồi hồi đập không còn biết xấu hổ. Ucsula hoảng hốt mở khoá rương và bắt gặp ở dưới đáy mười sáu lá thư thơm lựng được buộc cẩn thận bằng những dải nơ hồng, cùng với những bộ xương lá và đài hoa ướp khô giấu trong các cuốn sách cổ và xác khô những con bướm, mà nếu khẽ chạm phải chúng sẽ biến ngay thành bụi.

Aurêlianô là người duy nhất hiểu được nỗi thống khổ vô bờ.

Buổi chiều ấy, trong lúc Ucsula cố gắng điều trị cho Rêbêca khỏi cơn mê mẩn thì anh cùng với Măcgơniphicô Visban và Hêrinênđô Mackêt đến tiệm ăn của bác Catarinô. Tiệm ăn đã được mở rộng với một dãy phòng gỗ, phòng của những người đàn bà son phấn sống độc thân. Một ban nhạc gồm trống và đàn phong cẩm chơi các bài hát của cụ Phranxixcô - Con Người đã biến mất tăm khỏi làng Macônđô từ mấy năm nay. Ba người bạn uống rượu goarapô. Măcgơniphicô và Mackêt là những người cùng thời với Aurêlianô, nhưng lại thạo đời hơn anh về ngón ăn chơi. Cả hai đều xả láng uống rượu với các cô gái ngồi trên đùi mình. Một trong số những cô ấy, cái cô héo hon và cắm răng vàng ấy đã chủ động chài Aurêlianô. Nhưng anh không thích cô này. Anh nhận thấy rằng mình càng uống rượu càng nhớ Rêmêđiôt da diết, nhưng nỗi nhớ nhung dằn vặt lại dễ chịu hơn. Anh không biết từ lúc nào người mình lâng lâng bay bổng.

Anh nhìn thấy các bạn mình cùng những người đàn bà trôi nổi bồng bềnh đang bơi trong ánh sáng phản chiếu rực rỡ, mà nói những lời dường như không phát ra từ miệng họ, mà làm những cử động thần bí dường như không ăn nhập với cử chỉ.

Bác Catarinô đặt tay lên ngang lưng anh, bảo: “Sắp mười một giờ rồi”. Aurêlianô quay mặt lại, nhìn thấy một gượng mặt to bự, méo mó trên tai gài một bông hoa nỉ, và thế là anh mất luôn trí nhớ như trước đây anh từng mắc bệnh đãng trí, rồi sau đó anh lại nhớ được rằng: vào một buổi sáng sớm xa vời và ở trong một căn buồng hoàn toàn khác lạ đối với anh là nơi đang có mặt Pila Tecnêra mặc đồ lót, chân không đi tất, đầu tóc bù xù, cầm cây đèn dầu soi tỏ mặt anh và thị sửng sốt nửa tin nửa ngờ:

- Ôi trời, Aurêlianô dấy à!

Aurêlianô đứng vững trên hai chân, ngẩng đầu lên. Anh quên mất không biết làm thế nào mà mình đi đến đây nhưng vẫn nhận rõ mình đến với mục đích gì rồi, bởi vì từ thuở còn thơ anh đã mang theo mình cái mục đích ấy và giấu kỹ nó trong cõi sâu kín nhất của trái tim mình.

- Tôi đến để ngủ với chị đây!

Anh mặc bộ quần áo vấy bẩn bùn đất và thức ăn nôn ra. Pila Tecnêra, mà lúc ấy sống một mình với hai đứa con nhỏ nhất của thị, không hỏi anh một lời. Thị đưa anh tới giường nằm. Lấy giẻ lau ướt, thị chùi mặt cho anh, cởi quần áo cho anh, rồi sau đó thị tự mình lõa lỗ, buông màn để đám trẻ nhỏ nhỡ ra thức dậy khỏi nhìn thấy. Thị mệt mỏi đợi một người đàn ông ở lại, rồi trông chờ những người đàn ông đã bỏ đi, rồi mong tất cả đều nhầm lẫn do sự không chính xác của những quân bài. Trong lúc chờ đợi, da thị nhăn nheo, ngực thị mềm nhẽo, và trái tim thị không còn bốc lửa tình nồng say như xưa nữa. Thị mò tìm Aurêlianô trong bóng tói rồi hôn lên cổ anh với tình cảm âu yếm của người mẹ: “Ôi chú nhóc đáng thương của ta.” Aurêlianô bủn rủn rùng mình với ngón chơi thong thả, không gây tiếng động, anh để lại phía sau mình những bến bờ của nỗi đau và anh gặp Rêmêđiôt đã biến thành một hồ nước rộng mênh mông không thấy đường chân trời, sực nức mùi con vật non và mùi quần áo vừa mới là. Khi thấy mình bâng khuâng trôi nổi trên hồ nước ấy anh khóc lóc. Lúc đầu là những tiết nấc ấm ức, tức tưởi.

Rồi sau anh lúng túng bơi trong một nguồn nước không bờ mà cảm thấy cái gì đó vừa đau nhoi nhói vừa tức anh ách vỡ tung trong bụng mình. Bằng cách lấy ngón tay quất đầu anh, thị đợi chờ cho tới khi cơ thể anh thải ra một chất xam xám khiến cho anh mệt lử. Lúc đó Pila Tecnêra hỏi anh: “Ai thế vậy?”.

Aurêlianô nói cho thị biết tên người ấy. Thị bật một tiếng cười, cái tiếng cười từng làm giật thót những chú chim bồ câu mà lúc này vân không hề làm đám trẻ thức giấc. “Thế thì anh phải nuối con bé mất”. Thị giễu cợt anh. Nhưng trong sự giễu cợt ấy, Aurêlianô bắt gặp nơi yên tĩnh của dòng thông cảm. Khi ra khỏi phòng, anh đã lưu lại ó đó không chỉ sự không rõ ràng về sức cường tráng của mình mà còn cả sức nặng cay đắng từng bóp nghẹt trái tim mình nhiều tháng ròng rã. Pila Tecnêra bỗng hứa với anh:

- Ta hứa là sẽ đến nói chuyện với con bé. - Thị nói, - và anh sẽ thấy là ta đưa nó đến cho anh chẳng khó khăn gì.