Con Cái Chúng Ta Thật Giỏi - Chương 14
Con cái chúng ta giỏi thật, Bức thư thứ 14
Istanbun 20.1.1964
Zeynep thân mến,
Làm sao tôi lại quên con người nổi tiếng bạn đã kể trong thư được? Tôi có cần phải nhắc lại những lời giáo huấn, những câu nói hay ho của ông ta về lòng yêu nước cho bạn nghe nữa không? Tôi còn nhớ hết đấy, bạn ạ.
Trong phần tái bút ở cuối thư, bạn viết: "Từ nay về sau, khi nghe bất cứ ai diễn thuyết như vậy tôi sẽ không khóc nữa!" Ô, chẳng phải thế đâu bạn ạ, bạn sẽ vẫn cứ khóc như thường. Tôi bảo đảm như vậy đấy! Bạn không thể không chảy nước mắt được. Cũng như một người đang xắt hành ấy mà, dù cố gắng đến mấy thì người ấy cũng phải chảy nước mắt. Tôi nghe mấy anh lớn học trung học gọi đó là phản xạ không điều kiện đấy. Bạn phải biết là lời nói của một số người có tác dụng như hành làm chảy nước mắt vậy. Tôi nói thế do kinh nghiệm bản thân chứ không phải nghe ai đâu. Trên đài phát thanh của ta có một xướng ngôn viên nói giọng rất hay. Mỗi lần nghe ông ta nói là tôi lại cảm động chảy nước mắt. Một hôm ngồi nghe đài mà nước mắt tôi cứ chảy ràn rụa, ba tôi thấy vậy, ngạc nhiên hỏi:
- Người ta nói gì mà con khóc ghê thế hả Acmét?
Đến tận lúc đó, khi nghe ba hỏi, tôi mới chợt nhận ra rằng tôi có chú ý nghe phát thanh viên nói gì đâu. Tôi không hiểu bài đọc trong chương trình phát thanh nói gì, nhưng sự thật là vậy đấy bạn ạ. Tại sao lại thế, tại sao tôi khóc? Tôi đã suy nghĩ nhiều về điều đó để tìm câu trả lời thắc mắc. Không phải ý nghĩa lời nói, cũng chẳng phải những từ ngữ ông ấy nói ra, mà chính giọng nói của ông ta làm tôi phát khóc. Tôi tin rằng giai điệu trầm bổng của giọng nói có tác dụng giống như mùi hăng hăng xộc vào mắt mũi của hành đã làm ta phải chảy nước mắt đấy.
Nếu bạn hỏi người đang xắt hành: "Tại sao bạn khóc?" Và nếu bạn hỏi tôi câu đó lúc nghe người phát thanh viên nói trên đài thì chắc bạn sẽ được nghe một câu trả lời giống nhau.
Có lần tôi theo ông nội đến nghe giảng kinh ở một giáo đường hồi giáo. Thầy trợ tế ở đó đọc một bài kinh bằng tiếng Arab với giọng đều đều, buồn buồn. Cảnh giáo đường buồn bã lại nghe ông tôi khóc làm tôi cũng phải khóc theo. Lúc ra về tôi hỏi ông nội:
- Ông ơi, ông biết tiếng Arab đấy à? Sao nghe thầy tế đọc kinh ông khóc ghê thế?
Ông tôi thật thà trả lời:
- Đâu có, cả ông lẫn thầy tế đều không biết tiếng Arab...
- Thế tại sao ông khóc?
- Làm sao mà không khóc được hả cháu? Cháu không nghe thầy tế đọc kinh sao? Những lời lẽ mới buồn mà hay làm sao!...
Nói đến đó, nhớ lại đoạn kinh đã nghe, ông tôi lại tiếp tục khóc. Thế mà có khi đoạn kinh đó lại chẳng buồn chút nào vì có ai biết nghĩa nó là gì đâu. Người nghe đã vậy, còn người đọc cũng không hiểu gì mới buồn cười chứ!
Đến nay tôi vẫn còn nhớ lần đi nhà thờ ấy.
Còn một chuyện khác nữa. Buổi tối ở ngoài đường phố nhà tôi thường có một người bán hàng rong. Anh ta bán rau quả và lúc nào cũng ráng hết sức mà rao hàng cho to. Lần nào nghe anh ta rao bán hàng, tôi cũng mủi lòng, buồn đến phát khóc được. Giọng trầm của anh ta vang rất xa:
- Bắp cải đâ... ây... ây.
- Cà rốt, khoai tây, hành đâ... ây... ây.
- Táo, nho tươi đâ... ây... ây.
Có gì mà phải khóc khi nghe những tiếng rao ấy nhỉ? Vậy mà tôi cứ ràn rụa nước mắt khi nghe tiếng rao nào đó đấy, thế có lạ không?
Tại trường, có lần thầy giáo bắt buộc cả lớp phải ngâm những bài thơ với giọng rung động, diễn cảm rất lạ. Bạn có biết bài thơ trong sách tập đọc có câu "Tôi buồn rầu ra đi và vui mừng trở lại" không? Thầy đã dạy chúng tôi đọc bài thơ ấy với các vần cuối câu kéo dài ra. Theo thầy câu thơ đó sẽ phải đọc thế này:
Tôi buồn rầu ra đi... i... i...
Và vui mừng trở lại... ại... ại...
Nghe câu thơ đọc như vậy, tôi tưởng như nhìn thấy một người tha hương, mù lòa, tật nguyền đang đứng van xin Trước cửa nhà. Khi cả lớp đồng thanh đọc câu thơ, tôi cứ muốn òa lên khóc. Bạn xem đấy, đọc câu "Tôi vui mừng trở lại" mà nước mắt lại rơi lã chã thì còn ra sao nữa!
Chúng tôi đã chán ngấy mà thầy vẫn cố sức bắt đọc đi đọc lại, giọng ngân nga như hát vậy. Có lúc, sau khi nghe thầy đọc mẫu:
- Tôi buồn rầu ra đi... i... i...
Và vui mừng trở lại... ại... ại...
Chợt có một giọng vang lên ở cuối lớp:
- Ừ,... thì chào anh!
Anh xéo đi cho tôi nhờ,
Ala phù hộ cho anh!
Thầy giáo bực quá, quát tướng lên:
- Em nào nói đấy, đứng dậy xem nào.
Yasa đứng dậy, mặt cúi gầm:
- Em xin lỗi thầy. Em buột miệng nói thế chứ không có ý gì đâu ạ. Em không cố tình phá quấy...
Thầy giáo nguôi giận và tha thứ cho nó, nhưng cả lớp vẫn phải tiếp tục đọc đoạn tiếp của bài thơ:
- Cho tôi xin miếng nước,
Tôi đến từ nơi xa.
Lúc đọc câu "Cho tôi xin miếng nước" chúng tôi phải gào lên. Thật cứ y như là kêu cứu khi sắp bị kẻ cướp dọa giết chứ không phải là đi xin nước nữa. Thầy giáo tôi cứ bắt học sinh phải ngâm thơ như thế đấy!
Tôi cũng công nhận rằng, con người cần phải biết sử dụng cho tốt giọng nói của bản thân.
Theo lời ba tôi kể lại thì ông chủ nhà máy chỗ ba tôi làm việc là một người biết sử dụng rất tài tình giọng nói của ông ta. Nhiều lần ba tôi kể chuyện nhà máy cho khách khứa nghe. Chả là ở nhà máy người ta hay cử ra các đoàn đại biểu công nhân viên chức lên kiến nghị với chủ: "Chúng tôi sống rất chật vật, hãy tăng lương cho chúng tôi". Ông chủ trả lời bằng giọng cảm động đến nỗi ông vừa nói vừa khóc mùi mẫn. Thế rồi đoàn đại biểu của công nhân cũng bật khóc theo tất cả. Chủ và thợ cùng khóc sụt sùi một lúc lâu, và công nhân ra về. Họ ra khỏi văn phòng ông chủ mà chẳng nhớ họ đã đến để gặp ông ta về việc gì. Mãi về sau, khi đã hoàn toàn tỉnh trí trở lại, họ mới hỏi nhau: "Không biết ông chủ có bùa mê gì mà cả lũ chúng mình lại khóc hết cả thế nhỉ?" Nhưng chẳng còn ai nhớ sự việc đã diễn biến ra sao.
Ba tôi là người không tin có bùa mê, ông nói với dượng tôi:
- Tôi đã quả quyết không để theo ông chủ. Tôi sẽ chú ý xem ông ta nói gì và quyết không để bị mê hoặc... Tôi sẽ đến văn phòng của ổng. Tôi không chịu ra khỏi đấy nếu chưa được tăng lương. Nếu không tôi sẽ xin thôi việc cho mà xem...
Gặp ông chủ, ba tôi chưa kịp mở miệng thì ông ta đã than vãn rồi:
- Sống khó khăn lắm phải không anh bạn? Tôi biết, thời buổi này sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, cuộc sống ngày càng trở nên không thể nào chịu đựng được. Làm sao mà tôi không biết đến điều đó!...
Chẳng có gì trong những lời nói đó mà khiến ta phải khóc lóc. Nhưng khi nó được người biết nói một cách tình cảm, lên bổng xuống trầm ở những chỗ cần thiết thì đá cũng chảy nước mắt. Biết vậy nên ba tôi đã đề phòng, cố giữ cho cứng cỏi không chút mềm lòng.
Hai người bắt đầu nói chuyện:
- Nhà anh có mấy người cả thảy?
- Thưa ông chủ, chúng tôi có 5 miệng ăn...
- Trời ơi, trời...
Ông ta kêu lên thảm đến suýt làm ba tôi phát khóc, nhưng ba tôi vẫn cắn răng chịu được.
Ông ta hỏi tiếp:
- Các cháu đi học cả chứ?
- Một đứa thôi, còn đứa kia thì không...
- Thật đáng tiếc! Vậy là đứa thứ hai anh không thể cho đi học được. Trời đất ơi!...
- Không, cháu nó còn nhỏ chưa đi học được. Khi nào cháu lớn tôi sẽ cho cháu đến trường
...
- Có lẽ ba bốn năm anh cũng không mua được cho vợ một cái áo choàng phải không?
- Tôi không đủ tiền...
- Hơn nữa vợ con lại ốm đau phải không?
- Không, không. Vợ con tôi đâu có ai đau yếu...
- Ừ, thì không ốm đau lúc này nhưng biết đâu sẽ có lúc vợ hoặc con anh sinh bệnh tật. Lúc đó anh làm thế nào? Trời ơi, khổ quá! Ai sẽ chăm sóc anh, nấu nướng cho anh ăn? Cần phải mời bác sĩ, phải mua thuốc men... Mất tiền cả đấy chứ có chơi đâu. Thế còn ai sẽ mổ cho nó?
- Mổ cho ai ạ?
- Cho cháu nhỏ...
- Làm sao lại phải mổ ạ? Đâu có chuyện mổ xẻ gì ở đây đâu ạ?
- Lúc này thì không nhưng ngộ nhỡ nếu cần thiết thì sao?
Ba tôi đã cố gồng mình giữ được khá lâu. Nhưng đến lúc ông chủ bắt đầu khóc sướt mướt thì ba tôi cũng phải mủi lòng:
- Trời ơi, xin đừng khóc nữa, ông chủ đừng khóc nữa ạ. Dù sao chúng tôi cũng sẽ có cách giải quyết mà.
Rồi quên cả việc mình đến đó làm gì, ba tôi cũng khóc theo như mua gió...
Mỗi lần kể chuyện đó, ba tôi đều thắc mắc:
- Không biết tôi đã nói gì với ông chủ. Tôi đã ráng hết sức giữ cho khỏi mềm lòng, thế mà khi ông ta bắt đầu khóc quá thì tôi cũng không giữ được nữa, lúc đó hình như tôi mất hết cả trí khôn. Ông chủ vừa khóc vừa kể lể một chuyện gì đó với giọng mùi mẫn đến nỗi tôi cũng ngồi khóc với ông ta... khá lâu sau đó ông chủ tiễn tôi ra về mà tôi vẫn chẳng đề nghị được gì.
Đấy, thế rồi ba tôi ra khỏi phòng ông ta mà vẫn chưa thôi khóc, còn đầu óc đâu nghĩ đến chuyện đòi tăng lương.
Chính vì những chuyện trên mà tôi cả quyết với bạn rằng khi nghe một số giọng nói, ta không kìm được nước mắt đâu, Zeynep ạ. Nếu ông nhà báo nổi tiếng kia đến trường bạn và cũng lại nói những chuyện như bữa trước, bạn vẫn sẽ khóc cho mà xem!
Trước khi dừng bút, chân thành chúc bạn và gia đình sức khỏe và luôn giữ niềm vui.
Bạn thân mến,
Acmét