Con Cái Chúng Ta Thật Giỏi - Chương 17
Con cái chúng ta giỏi thật, Bức thư thứ 17
Istanbun 10.2.1964
Bạn thân mến,
Khi đọc thư bạn đến đoạn tả sự việc xảy ra bên nhà hàng xóm, tôi thấy mừng là chúng tôi sống trong một căn hộ chỉ có ba phòng nhỏ. Chúng tôi có nhìn và nghe thấy hết chuyện xảy ra trong nhà. Vì thế tôi hiểu tại sao trong nhà tôi không có những việc buồn cười mà bạn chứng kiến bên nhà ông hàng xóm chỗ bạn. Tuy nhiên, đôi khi tôi phải mục kích hững cảnh đặc biệt như đã xảy ra hôm chủ nhật vừa qua... Tôi sẽ kể chi tiết cho bạn nghe nhé!
Từ thứ năm tuần Trước, ba tôi đã thông báo cho mọi người rằng đến chủ nhật này ông chủ nhà máy nơi ba làm việc sẽ đến thăm nhà và dùng cơm với chúng tôi. Lúc đầu tôi không chú ý lắm đến chuyện đó, vì tôi biết quá rõ là ba tôi không thích ông chủ một tí nào.
Không lúc nào ba tôi không nói xấu ông ta. Khi nói về ông chủ, mặt ba tôi đanh lại, miệng bật ra những lời cay độc...
Tôi tò mò hỏi chuyện mẹ tôi về ông khách:
- Ông ta làm cái thá gì ở nhà mình hả mẹ?
Mẹ nhìn tôi ngạc nhiên:
- Sao con lại nói thế hả? Chính ông chủ thân hành đến chơi nhà ta cơ mà...
- Nhưng ba con đâu có thích gì ông ta.
- Điều quan trọng là ông chủ thích ba con...
- Sao thế ạ?
- Con không biết chứ, ba con vừa được bầu là đại diện của anh em công nhân trong công đoàn toàn nhà máy đấy. Lúc này ba con rất có ảnh hưởng trong công nhân nhà máy. Vì thế ông chủ mới phải đến thăm nhà ta.
Tôi sốt ruột muốn tận mắt nhìn xem ông chủ mặt mũi ra sao mà ba tôi nhắc nhiều đến như vậy. Cứ như lời ba tôi nói thì ông ta chắc giống như một người khổng lồ hoặc như một quái vật ghê gớm lắm.
Từ hôm đó, trong nhà tôi bắt đầu có những sự chuẩn bị rất gắt gao. Một buổi tối, đi làm về đã mệt lử rồi mà ba tôi còn quét vôi, sửa sang lại phòng khách. Vừa làm, ba tôi vừa không ngớt lời nguyền rủa ông chủ nhà máy thậm tệ. Tôi ngạc nhiên hỏi ba tôi:
- Chỉ có ông chủ đến chơi mà ba phải sửa phòng khách ư?
Ba tôi chua chát trả lời, nhưng lại có vẻ hơi ngượng ngập:
- Vì ông chủ đến chơi ư? - Ba tôi hỏi lại và tự nhiên ông cáu tiết, ném mạnh cái chổi quét vôi đang cầm vào cái xô, làm vôi bắn lên tung tóe.
Lúc sau ba tôi nói:
- Con tưởng ba quét vôi vì ông ta ư?... Con không thấy các bức tường đã dơ bẩn lắm rồi hay sao?
Mẹ tôi tất tả đi mượn thêm ly, chén, dĩa bên hàng xóm. Chưa yên tâm, mẹ tôi còn lùng kiếm cho bằng được một cái khăn trải bàn trắng tinh. Từ thứ bảy, mẹ đã đi mua đồ ăn trữ sẵn trong tủ lạnh. Nhìn bao nhiêu thức ăn ngon lành mẹ mua, tôi nghĩ chắc mẹ phải làm một bữa tiệc rất thịnh soạn.
Ngày chủ nhật ấy, ba tôi thức dậy từ tờ mờ sáng. Dậy sớm thế là một việc lạ, bởi vì lệ thường ba tôi hay có thói quen ngày chủ nhật thức dậy rất muộn. Tôi hỏi ba:
- Ông khách đến nhà ta sớm thế hả ba?
- Mày tưởng tao dậy sớm để đợi ông ta ư? Còn lâu con ạ! - Ba tôi tức mình mắng tôi một trận.
Nhưng sau khi ăn sáng xong, ba tôi đã ra cửa sổ ngồi và ngóng đợi ông khách quý. Độ mươi, mười lăm phút, ba tôi lại đứng lên, đi lại qua các phòng và cáu kỉnh nói với mẹ tôi:
- Không biết thằng cha ấy chết dập chết dúi ở đâu mà mãi không thấy tới...
Mẹ tôi đã nấu nướng xong và dọn bàn ăn. Tất tả chạy đi chạy lại, lúc trong bếp, lúc vào phòng khách, mẹ tôi lo lắng xem xét tất cả đã thật đẹp đẽ ổn thỏa chưa.
Có lúc, khi ba tôi đang vừa đi đi lại lại trong nhà vừa rủa ông chủ không tiếc lời, chợt có tiếng còi xe hơi ngay Trước cửa nhà. Ba tôi giật nảy người như bị điện giật hối hả giục mẹ tôi:
- Nhanh lên... Ông ấy đến đấy... Mở cửa ra, làm gì mà đứng ngây người ra thế?
Ba tôi chạy ra cửa sổ, nhoài hẳn người ra ngoài để nhìn xuống đường phố. Mẹ tôi cuống cả lên vì bị ba tôi giục giã, tất tưởi ra mở cửa, nhưng bên ngoài làm gì có ai đâu. Thế là được một phen đón hụt!
A, suýt nữa thì tôi quên một điều quan trọng: Từ khi được tin có khách, mấy ngày liền mẹ tôi dạy Fatos, em gái tôi cung cách xử sự khi nhà có khách. Có điều mẹ tôi luôn tìm cách dạy Fatos Trước mặt tôi và cố ý nói lớn để tôi cũng nghe được.
Sáng hôm ấy, sau khi nấu nướng xong và chuẩn bị đâu vào đấy, mẹ tôi mặc cho Fatos một cái áo đầm mới, rất đẹp, bắt nó ngồi trước mặt và mẹ tôi nhắc lại bài học đã dạy mấy hôm rồi. Mẹ tôi vừa nói với Fatos vừa vẫn liếc mắt canh chừng xem tôi còn chú ý nghe không:
- Con gái yêu của mẹ, đừng hờn khi khách đến chơi nhà ta nhé! Trước mặt khách, con đừng cho tay vào miệng, dơ bẩn nghe con. Đồ ăn đã rớt ra bàn hoặc rơi xuống sàn, tuyệt đối không được nhặt lên ăn. Con hiểu chưa, đừng có quên đấy nhé! Khi ho con phải lấy tay che miệng lại. Lúc ăn đừng có cho đồ ăn đầy miệng, nhai nhồm nhoàm xấu lắm... Phải ăn từng miếng nhỏ này... Nhai chậm rãi này... ừ, đúng rồi con ạ. A quên, mẹ dặn thêm con đừng có nói "ừ" hay "hứ" trước mặt khách...
Fatos nghe khá chăm chú, cuối cùng nó hỏi:
- Thế thì con phải nói thế nào hả mẹ?
- Con phải nói "Thưa ông, vâng", "Thưa mẹ, không ạ" hay những câu lịch sự khác.
Mặc dù thấy tôi vẫn chăm chú nghe, mẹ tôi vẫn có vẻ chưa thật yên tâm lắm, bà gọi tôi lại và dặn thêm:
- Con này, khi khách đến nhà, mỗi lần mở miệng muốn nói gì, dù ngắn, con cũng phải bắt đầu bằng câu "Kính thưa ông"... cuối câu bao giờ cũng nói "thưa ông" nhé! Làm thế cho nó lịch sự.
Bên phòng bên, ba tôi đứng cạnh cửa sổ, dán mắt xuống đường phố, sốt ruột đợi ông chủ đến và không ngớt rủa ông ta bằng những lời cay độc. Đột nhiên ba tôi nhảy dựng lên như bị ong đốt:
- Ông ấy đến rồi! - Và ba tôi tất tả chạy ra mở cửa.
Phía cửa ra vào, tôi nghe giọng ba tôi đón chào rất lịch sự:
- Kính chào ông... chúng tôi đợi ông đã lâu, sốt ruột quá ạ... Xin mời ông vào nhà, mời ông!
Tôi cùng Fatos ra cửa chào khách. Ba tôi đang bận treo áo choàng của ông chủ lên mắc.
Ông ta không phải là một người khổng lồ hay quái vật như tôi đã tưởng. Đó là một ông dáng người nhỏ nhắn, tính tình vui vẻ... Về sau tôi mới hiểu vì sao ba tôi chửi rủa ông ta và vẫn đón tiếp ông ta rất nồng hậu.
Fatos hôn tay ông chủ, còn tôi thì trân trọng bắt tay ông. Ba tôi nhìn thấy và không bỏ qua hành vi khiếm nhã của tôi:
- Hôn tay ông chủ đi con!
Thế là tôi bị bắt buộc làm một việc mà tôi không muốn một chút nào.
Hai người kéo nhau vào đi-văng. Một lát sau mẹ tôi xuất hiện với giọng nói ngọt ngào và nụ cười xã giao nở trên môi:
- Xin mời ông chủ dùng cơm với gia đình chúng tôi ạ.
Ông chủ trả lời hơi có vẻ đùa cợt:
- Ồ, xin quý bà chớ bận tâm! Tôi không định làm phiền gia đình chuyện ăn uống...
Bạn thử nghĩ mà xem, nếu thật vậy thì tai hại biết bao? Mẹ tôi đã lo lắng, chạy vạy mấy ngày liền, mất ăn mất ngủ để lo bữa tiệc đãi ông chủ, thế mà ông ấy lại không dùng thì có chết không? Nhưng chuyện đời đâu có dễ thế nhỉ. Ba tôi gần như xốc nách kéo ông ta đến bàn ăn.
Không khí khẩn trương, tất bật, ảnh hưởng cả đến tôi. Ba tôi ra lệnh:
- Rót rượu vào các cốc đi con.
Đầu óc rối tinh, rối mù, không tập trung được nên tôi rót mãi đến nỗi rượu tràn cả ra ngoài. Ba tôi sa sầm nét mặt:
- Cái thằng hậu đậu, chẳng làm việc gì nên thân. Rót có mấy cốc rượu cũng không xong...
Vơ vội khăn lau, ba tôi bắt đầu lau lia lịa, khốn khổ, vì quá vội vàng nên ba tôi gạt tay phải, làm đổ dĩa xà lách trộn dầu dấm tung tóe ra bàn. Mẹ tôi vội vàng xin lỗi:
- Trời, xin ông chủ thứ lỗi cho, áo ông có bị dây bẩn không ạ? Xin ông cẩn thận...
Rồi dĩa súp của Fatos lại đổ. Mẹ tôi mắng nó một câu, nhưng Fatos cãi lại giọng như muốn khóc:
- Tại tay mẹ chạm vào dĩa của con chứ... - Rồi nó òa lên khóc thật to.
Ba tôi nổi khùng, mắng mẹ tôi:
- Tôi đã dặn là phải dọn một bàn khác cho lũ trẻ ăn riêng ra cơ mà...
Mẹ tôi thì thầm với Fatos:
- Im đi con! Đừng có khóc trước mặt khách xấu lắm...
Cả nhà nghe thấy câu nói thầm của mẹ tôi. Em tôi nín khóc nhưng nó vẫn vừa ăn vừa nức nở.
Sau món súp, đến món thịt bò bít-tết. Ông khách lịch sự chìa cái dĩa của mình ra để mẹ tôi tiếp cho một miếng thịt bò to tướng. Chưa yên tâm, mẹ tôi còn muốn rưới thêm nước sốt, nhưng ông chủ vì còn mãi tiếp chuyện ba tôi nên kéo cái dĩa về phía mình, thế là mẹ tôi cho cả muỗng nước sốt thịt vào dĩa bánh ngọt để ăn tráng miệng. Lập tức mẹ tôi rối rít xin lỗi:
- Trời ơi, tôi làm thế này? Xin ông thứ lỗi cho...
Vì mất tự nhiên nên bữa ăn cứ rối mù cả lên, chẳng ai không lúng túng. Định lấy muối, ba tôi lại đi dốc hạt tiêu vào thức ăn. Nhận ra sai lầm, ba tôi gắt ầm lên:
- Đồ khỉ, không biết lọ muối đâu!
Giật mình lo sợ, đáng lẽ đưa lọ muối, mẹ tôi lại đưa lọ tương ớt cho ba tôi. May mà nhìn thấy lọ muối ngay Trước mặt, tôi liền đưa cho ba. Đang cáu, ba tôi xóc quá mạnh làm nút bật ra, thế là cả một đống muối trút vào dĩa thức ăn của ba. Mọi người chẳng còn biết nói sao nữa. Trong tình thế gay cấn đó, không biết làm sao, mẹ tôi lại đột ngột hỏi ông khách:
- Thưa ông, ông có khỏe không ạ?
Bị bất ngờ, ông khách không hiểu gì cả:
- Bà bảo sao ạ?... - Ông ta hỏi lại.
- Tôi hỏi thức ăn có ngon không ạ?... Ông có vừa ý không?
- Ô, còn phải nói. Ngon tuyệt, thưa bà.
Khi đó, em tôi không chịu để mọi người quên nó:
- Mẹ, con bị vướng cái gì trong cổ ấy mẹ ạ..
Mẹ tôi phải một tay vỗ lung, tay kia cho nó uống nước để miếng thức ăn đang hóc trôi xuống cổ nó. Ba tôi ngứa mắt vì tôi cầm dao tay trái, cố gắng dạy tôi cách cầm dao bằng tay phải. Tôi cũng chú ý làm theo ba, nhưng vẫn lóng ngóng không sao sử dụng con dao cho thuần thục được... Ba tôi thấy cần phải làm mẫu cho tôi thấy rõ hơn, nhưng con dao của ba ấn mạnh vào khúc xương mà ba định róc thịt đến nỗi nó bay vèo ra khỏi dĩa và rơi vào giữa dĩa cam gần ông khách, làm ông này bị một mẻ sợ...
Như vậy tôi là người ít bị hỏi nhất trong bữa cơm ngày hôm đó. Tuy nhiều thức ăn ngon lành, song vì không thoải mái nên tôi ăn chẳng thấy thú vị gì. Khi bữa ăn kết thúc, mọi người đứng dậy, tôi thở phào thoát nạn.
Đến khi uống cà phê, chắc ông khách nghĩ cần quan tâm đến tôi nên ông ta hỏi:
- Cháu học lớp mấy rồi, hả cậu bé?
- Kính thưa, cháu học lớp Năm, thưa ông...
Tôi chú ý nhìn xem ba mẹ có vừa ý với cách trả lời khách của tôi không. Hai người có vẻ thỏa mãn với câu trả lời trịnh trọng với đầy đủ "kính thưa" của tôi.
- Cháu bao nhiêu tuổi?
- Kính thưa, cháu được 11 tuổi, thưa ông...
- Lớn lên cháu muốn làm gì?
- Kính thưa, cháu muốn làm nhà văn ạ, thưa ông...
- Hoan hô!...
Thế là xong, tôi im vì ông chủ không hỏi nữa. Mẹ tôi nói thầm gì đó, và ra dấu về phía ông chủ. Tôi chẳng hiểu gì cả, vì chỉ thấy đôi môi mẹ mấp máy. Mãi sau mới biết mẹ tôi bảo cảm ơn ông chủ. Nhưng ông ấy đã quay sang nói chuyện với ba tôi rồi. Đợi cho ông nói xong câu chuyện tôi liền thưa:
- Kính thưa, cháu cảm ơn ông, thưa ông...
Không hiểu ý nghĩa câu cám ơn muộn màng của tôi, ông chủ ngây ra một lúc, sau đó ông bảo tôi:
- Không có gì...
Trong một lá thơ tôi có viết rằng Fatos, em gái tôi là một "kỳ quan đặc biệt". Hôm đó phải công nhận nó cũng rất xứng đáng với danh hiệu đó.
Khi mẹ tôi thư dọn bàn ăn, sơ ý để rơi một trái chuối xuống sàn, Fatos nhặt lên và giảng giải:
- Mẹ ơi, có phải khi đồ ăn rơi xuống đất thì không được ăn trước mặt khách phải không mẹ? Con để lên đây, khi nào ông khách về, con mới được ăn. Như thế mới lịch sự... - Nó nói rành rọt và để trái chuối lên bàn.
Ba tôi không muốn để ông khách nghe thấy tiếng Fatos nên cố gắng ho át đi đến nỗi đỏ mặt tía tai. Fatos lập tức chứng minh khả năng tiếp thư "bài giảng lịch sự" của mẹ tôi dạy nó:
- Này ba, trước mặt khách, nếu ho phải che miệng lại cho lịch sự, mẹ bảo thế mà!
Ba tôi tức điên người, nhưng cần phải cố gắng mỉm cười nhẹ nhàng hỏi nó:
- Ê, con gái ba nói gì?
Nhưng Fatos cũng không bỏ qua câu đó:
- Trước mặt khách, ba đừng có nói "Ê". Mẹ bảo như thế là hỗn láo đấy.
Ba tôi bực lắm nhưng cũng phải cười trừ.
Một lát sau ông khách cáo từ ra về. Ba mẹ tôi trịnh trọng tiễn ông đến tận xe, đợi ông ra về rồi mới lên nhà. Lập tức ba tôi mắng cho hai anh em một trận:
- Thật là xấu hổ với chúng mày!
Mẹ tôi cũng đay nghiến:
- Mẹ dạy các con ăn nói thế ư?
Em Fatos của tôi chẳng chịu, nó cãi:
- Trước mặt khách, con có ăn nhồm nhoàm đâu, con có nói "Ê" đâu...
Chẳng ai được yên ổn trong ngày hôm đó.
Bạn Zeynep thân mến, tôi gởi kèm theo thư này bức ảnh cả lớp chúng tôi chụp chung hôm trước. Trong ảnh bạn sẽ được nhìn thấy thầy giáo mới của chúng tôi. Thầy ấy đến thì bạn đã đi Ankara rồi.
Chúc bạn nhiều sức khỏe và tiến bộ.
Thân mến
Acmét