Tam @ Quốc - Chương 16
CHƯƠNG 16
LÀM CẤP DƯỚI DŨNG CẢM
1. Bài học vàng về dũng cảm
Lại nói Gia Cát Lượng nghe lời A Nữu, ăn sáng xong liền đến nhà bố vợ. Đúng lúc bố vợ Hoàng Thừa Ngạn đang say sưa đùa với con chó cưng. Gia Cát Lượng đứng chờ, tay cầm chai rượu "Lưu dương hà" vợ chuẩn bị, bấm chuông đến 10 phút cửa mới mở. Thừa Ngạn thấy con rể, rồi lại thấy chai rượu "Lưu dương hà" thì mừng lắm.
- Con gái đúng là hiểu ta! - Hoàng Thừa Ngạn cười rạng rỡ, vừa đỡ lễ vật từ tay con rể, trịnh trọng đặt lên tủ rượu vừa nói: - Kỳ thực ta cũng không thích uống rượu lắm, song ta thích câu quảng cáo của nó: "Uẩn hồng nhật đông thăng, nhưỡng ngũ lương tân quý (Ủ hồng mặt trời đông, lên men ngũ lương quý). Ta kỳ vọng con gái ta "ủ" được chàng rể quý!
- Đúng rồi. – Gia Cát Lượng gật đầu lia lịa, nói: - Một vị danh nhân con không nhớ tên có nói: vợ là một trường học. Con thân phận học trò không dám tranh danh tiếng với "nhà trường".
- Anh chàng này, càng ngày càng giỏi mồm mép! – Hoàng Thừa Ngạn sung sướng, vừa nói vừa pha trà mời con rể.
- Ta biết con yêu hai thứ: một là yêu trà như yêu vợ, hai là yêu vợ như yêu trà. Đây là trà Ô Long mới hái, rất tốt cho dạ dày! Con nói đi, hôm nay đến có việc gì?
Gia Cát Lượng nói:
- Mấy hôm trước, Lưu Bị mời con làm cố vấn công ty. Song con với A Nữu đắn đo mãi, vị trí đó có phải là "gần vua như gần hổ" không? Vì thế, A Nữu giao cho con "luận văn tốt nghiệp": Làm một cấp dưới dũng cảm như thế nào? Vợ con nói, con lý giải chính xác, mới có thể xuống núi được.
- Ừm. – Hoàng Thừa Ngạn trầm tư: - Đúng là một việc quan trọng. Bởi chỉ có làm cấp dưới dũng cảm mới có thể hình thành quan hệ tương hỗ tích cực với lãnh đạo. Nếu không, lãnh đạo rất có thể sẽ đơn độc, mù quáng đưa tổ chức tới thất bại; mặt khác, nếu lãnh đạo là người tài trí, họ quyết không dung cấp dưới bất tài. Mà khiếp sợ là một biểu hiện của bất tài. Có thể nói: cấp dưới vì nhút nhát mà bỏ lỡ cơ hội thành công. A Nữu rất đúng, nó không muốn con thất bại trở về.
Gia Cát Lượng hỏi:
- Phải có năng lực gì để làm cấp dưới dũng cảm?
Hoàng Thừa Ngạn nói:
- Muốn làm cấp dưới dũng cảm, trước tiên phải hiểu sâu sắc nghĩa của từ "dũng cảm", sau mới nói đến cách thức. Có nhiều cách thức ứng xử để làm cấp dưới dũng cảm, đó là ba cách thức ứng xử với bên ngòai cùng một cách thức ứng xử với bản thân, đó là: dũng cảm chịu trách nhiệm, dũng cảm nhận việc, dũng cảm đương đầu và dũng cảm ra đi. Để con hiểu rõ hơn bốn điều đó, ta sẽ kể cho con vài câu chuyện ngụ ngôn.
2. Làm cá nhân ưu tú
Hoàng Thừa Ngạn nói:
- Con có thấy con cún ở góc nhà không?
Gia Cát Lượng ngoảnh nhìn, ngạc nhiên:
- Cha mua nó hồi nào vậy?
- Ta vừa mua ở petshop về xong. Hoàng Thừa Ngạn gọi con chó, nó liền lao từ chuồng chó vào lòng ông, đuôi ngóay tít. Hoàng Thừa Ngạn xoa đầu con chó:
- Con vật cưng này cũng có triết lý. Con vừa hỏi làm thế nào để trở thành cấp dưới dũng cảm? Nó biết đấy.
Gia Cát Lượng ngạc nhiên:
- Con cún này khôn như người à?
- Chó khôn như người hay không, không quan trọng. Quan trọng là người ta nhìn ra trí khôn từ nó. – Hoàng Thừa Ngạn cười ha hả, nói:
- Để ta kể cho con chuyện về một con chó, xem nó có khôn ngoan hay không.
Chú Vàng dám chịu trách nhiệm
Vừa tốt nghiệp thì nghe nói ông hổ đang thiếu một chân coi kho, chú Vàng bèn đến xin việc.
Ông hổ nói:
- Mi làm được việc này chứ?
Chú Vàng nói:
- Làm được. Bởi tính tôi làm việc cẩn thận, có tinh thần trách nhiệm rất cao.
- Rất tốt, ta đang cần một kẻ như mi. Song, ta nói cho mi biết, mấy tên trước vì không làm tròn việc nên đã mất mạng. – Ông hổ tỏ vẻ tin tưởng chú Vàng, nhưng vẫn bán tín bán nghi:
- Đúng là mi không dẫm vào vết xe đổ đấy chứ?
Chú Vàng quả quyết:
- Tôi không biết những vị trước tôi vì sao mất mạng, nhưng tôi biết rằng, tôi nhất định phải làm cá nhân ưu tú. Chọn nghề giữ kho, tôi tất phải làm một thủ kho ưu tú.
- Ông hổ rất vừa ý với câu trả lời, giao việc ngay cho chú Vàng.
Mấy đêm sau, một bầy chuột đang lẻn vào kho trộm thịt thì bị chú Vàng đi tuần bắt gặp. Bọn chuột hoảng sợ, tán loạn tìm đường chạy trốn. Chỉ một con chuột già khẽ giọng:
- Sợ gì? Mấy con mèo trước đây chẳng bị chúng ta mua sạch sao?
- Thế là chuột già lấy can đảm tới trước chú Vàng thương lượng:
- Anh không phải ầm ĩ, bọn tôi sẽ dành một phần thịt cho anh. Tất cả sẽ đều vui vẻ.
Gạt phắt đề nghị của chuột già, chú Vàng nghiêm giọng:
- Ông định hại tôi sao? Để bọn ông trộm thịt, tôi không chỉ phản lại chức nghiệp, mà nếu ông chủ phát hiện mất thịt, tôi cũng lên phản thịt luôn. Tôi không phải bọn mèo trước đây, không những thân bại danh liệt mà còn mất mạng.
Chuột già ngạc nhiên hỏi:
- Sao anh làm vậy được?
Chú Vàng lạnh lùng đáp:
- Tôi không giương mắt chờ việc xấu đi. Ngược lại, để thực hiện chức trách một cách hiệu quả, tô sẽ làm hai việc: Thứ nhất, nhốt cả bọn các ông lại; thứ hai, xin ông hổ kinh phí để bịt kýn các lỗ chuột.
Hoàng Thừa Ngạn nói:
- Câu chuyện trên cho thấy: Thứ nhất, lòng dũng cảm thường liên quan tới trách nhiệm, càng dám chịu trách nhiệm thì càng dũng cảm; thứ hai, dũng cảm thực hiện mục tiêu chân chính sẽ trở thành người ưu tú.
- Chú Vàng hiểu rõ rằng, không những mình chỉ làm vì ông hổ, quan trọng hơn là muốn trở thành người ưu tú tất phải dũng cảm chịu trách nhiệm. Chính vì tinh thần dũng cảm chịu trách nhiệm mà chú đã quản lý được bản thân, trở thành một nhân viên chuyên nghiệp cao.
Gia Cát Lượng nói:
- Hóa ra ý nghĩa của dũng cảm chịu trách nhiệm trong công việc lại khiến mình trở thành người ưu tú. Con chó đáng yêu thật.
3. Làm nhân tài cốt hạc
Hoàng Thừa Ngạn nói:
- Làm một người ưu tú còn là phải dũng cảm nhận việc. Rồi cha sẽ kể câu chuyện về một con hạc.
Con hạc dũng cảm nhận việc
Tin hạc được vua sư tử mời làm tể tướng vương quốc rừng sâu vừa phát ra, ký giả của tờ "Tin nhanh rừng sâu" gà lôi vội tìm đến bạn tốt của hạc là hươu sao nhờ bố trí một cuộc phỏng vấn với hạc. Hươu sao hỏi:
- Vì sao anh muốn phỏng vấn hạc?
Gà lôi đáp:
- Vì hạc cùng nòi với tôi, đều họ chim. Tôi rất muốn tìm hiểu phong cách của tể tướng mới thế nào.
Hươu sao cười:
- Không thể phỏng vấn hạc được.
- Tại sao vậy? Gà lôi tùy cơ ứng biến, quay sang phỏng vấn hươu sao.
Hươu sao nói:
- Bởi hạc không bao giờ trả lời phỏng vấn. Hạc cho rằng danh tiếng nên thuộc về lãnh đạo. Anh ta có nguyên tắc "ba không" nổi tiếng: không tranh danh tiếng với lãnh đạo, không tranh công với cấp dưới, không tranh lợi với đồng sự.
Gà lôi lấy ngay sổ tay ra, hỏi:
- Xưa nay tể tướng vương quốc rừng sâu đều do chồn cáo đảm nhiệm. Xin hỏi, vì sao lần này hạc lại thay chồn cáo? Hạc có điểm gì hơn người?
Hươu sao nghĩ thầm rồi nói:
- Thôi được, nhân đây tôi sẽ làm sáng tỏ một vài sự thực. Giới truyền thông cho rằng hạc được thăng chức nhờ không tham ô, không vụ lợi, không dối trá và giữ mình trong sạch, kỳ thực họ đều nhầm lẫn.
Gà lôi nói:
- Đúng rồi, mọi người đều không hiểu, bởi anh ta thanh cao mà thiếu thực tế thì làm tể tướng thế nào được? Có người còn nói hạc vờ thanh cao, thực tế còn nịnh bợ giỏi hơn chồn cáo. Nguyên tắc "ba không" thực chất là nịnh bợ.
Hươu sao sững người, nổi cáu:
- Có đâu lẽ thế! Sao anh tùy tiện hạ thấp thanh danh của hạc, lại còn đem trộn nguyên tắc "ba không" với nịnh bợ nữa?
Gà lôi nói:
- Việc đó không lạ. Người ta cho rằng, bên cạnh sư tử chỉ có hai loại người, một là nhẫn nhục, hai là bợ đỡ.
Hươu sao nói:
- Người ta chỉ biết tính nết sư tử hay quát tháo mà không biết nguyên nhân tính nết thất thường của ông ta. Quản lý một vương quốc rộng lớn, hàng ngày ông ta phải xử lý trăm công ngàn việc, phải chịu sức ép rất lớn dẫn đến mệt mỏi cả sức lực lẫn tinh thần. Làm sao tính tình vui vẻ được? Song, hạc không như hai loại người kia. Hạc dũng cảm nhận việc, tích cực giúp đỡ sư tử. Thậm chí sư tử còn cho rằng cống hiến của hạc không kém mình mấy. Lần này, hạc được bổ nhiệm làm tể tướng chính vì có phẩm chất hơn người.
Gà lôi hỏi:
- Dũng cảm nhận việc có nghĩa là gì?
Hươu sao giải thích:
- Trong một công ty hay tổ chức, nhà lãnh đạo nhất cử nhất động đều phải chịu một sức ép rất lớn, các loại sức ép đó ảnh hưởng rất lớn tới suy nghĩ, sự phán đóan của lãnh đạo. Một cấp dưới dũng cảm nhận việc là người trong phạm vi quyền hạn của mình chủ động chia sẻ gánh nặng của lãnh đạo. Anh ta biết cách sắp xếp để lãnh đạo tập trung tinh lực xử lý công việc hiệu quả nhất. Anh ta cũng chủ động suy nghĩ hộ lãnh đạo về lĩnh vực mình có thể gánh vác, một số việc không thể gánh vác thì cũng đưa ra sự chi viện tối đa cho lãnh đạo.
Gà lôi hỏi đầy ngờ vực:
- Tôi vẫn không hiểu lắm, dũng cảm nhận việc và lấy lòng có khác nhau hay không?
Hươu sao nói:
- Một trong những chức năng quan trọng của cấp dưới là tìm cách giúp lãnh đạo giảm bớt những sức ép không cần thiết khiến lãnh đạo có tinh thần tốt để phát huy tài năng, khiến mục tiêu chung được thực hiện một cách vững chắc. Mục đích của cấp dưới dũng cảm nhận việc là vì lợi ích chung; ngược lại, kẻ bợ đỡ chỉ cầu tư lợi. Vì thế chồn cáo là tể tướng, hạc cũng là tể tướng nhưng tài năng và nhân phẩm khác xa nhau. Nếu có cơ hội, anh hãy phỏng vấn vua sư tử, ông ta sẽ cho thấy sự khác biệt giữa chồn cáo và hạc.
Nhờ sự giúp đỡ của hươu sao, gà lôi nhanh chóng liên lạc được với vua Sư tử. Ở đầu dây bên kia, sư tử rất vui vẻ đáp ứng thỉnh cầu phỏng vấn của gà lôi.
Hôm sau, trên "Tin nhanh rừng sâu" có đăng bài "Từ chồn cáo tới hạc – Hươu sao trình vày về chức năng của một tể tướng hiện đại". Bài báo gây tiếng vang trong rừng sâu. Chẳng lâu sau, từ "hạc" đồng nghĩa với "cấp dưới xứng chức", "trợ thủ tốt nhất". Mọi người dùng từ "cốt hạc" để chỉ bậc tài năng hơn người.
Nghe xong câu chuyện, Gia Cát Lượng cảm khái:
- Con cũng muốn làm người tài cốt hạc!
Hoàng Thừa Ngạn khen:
- Con có chí hướng như vậy, ta mừng! Bố vợ, con rể nhìn nhau cùng cười.
Câu chuyện hạc làm tể tướng lưu truyền trong giới quản lý, thậm chí "nhân tài cốt hạc" trở thành mục tiêu cho các cuộc tuyển dụng. Câu nói dân gian "Lưng dắt vạn quan tiền, cưỡi hạc xuống Dương Châu" để chỉ câu chuyện một ông chủ hùng tâm trách chí, dám chi một khoản lớn để mời trợ thủ giỏi rồi xuống Dương Châu mở nghiệp. Truyền thuyết còn cho rằng hạc là phương tiện chuyên chở tất yếu của thần tiên nên mới gọi là "tiên hạc".
4. Ứng xử với lãnh đạo thế nào?
Để nên một người tài tiên hạc, Gia Cát Lượng tiếp tục xin bố vợ chỉ dạy:
- Cha còn nói về dũng cảm đương đầu. Ý tứ nó là thế nào?
Hoàng Thừa Ngạn nói:
- Dũng cảm đương đầu là dũng cảm tiếp xúc với lãnh đạo, tích cực đề nghị và nêu ý kiến khác. Trước tiên, dũng cảm tiếp xúc với lãnh đạo là một phẩm chất đáng khen ngợi. Suốt chiều dài lịch sử, người ta thường ví lãnh đạo với sư tử, hổ hay mãnh thú, lại có câu "gần vua như gần hổ". Do nhu cầu quản lý, lãnh đạo cần một quyền uy bất khả xâm phạm. cấp dưới chẳng may mạo phạm là kể như chấm dứt sự nghiệp. Tuy nhiên, nếu dũng cảm tiếp xúc lãnh dạo, thông qua sự tương hỗ tích cực, ta sẽ đủ tự tin để nắm vận mệnh của mình. Vì thế, cha tán dương cấp dưới tìm cách tiếp xúc với lãnh đạo bằng cách thức xác đáng.
Nghe nói đến cách thức, Gia Cát Lượng mắt sáng lên: - Cha nói luôn đi, cần cách thức gì khi tiếp xúc với lãnh đạo?
Hoàng Thừa Ngạn nói:
- Cha biết con cần thứ này nên chuẩn bị sẵn. Vừa nói, Hoàng Thừa Ngạn vừa vào thư phòng lấy ra một quyển sổ, lật vài trang cho con rể xem:
Cần nhớ khi tiếp xúc với lãnh đạo
Gặp lãnh đạo, tất phải cho họ thấy cuộc gặp có ích. Muốn vậy, tất phải chú trọng kỹ năng diễn đạt. Nếu thiếu kỹ năng diễn đạt, như trầm lặng, lắp bắp… sẽ rất khó gây chú ý, thậm chí khiến lãnh đạo ác cảm. Tìm vấn đề chủ chốt, chuẩn bị đầy đủ - đó là điều kiện cơ bản cho một cuộc tiếp xúc thành công với lãnh đạo. Khi nói chuyện, cần nêu ra các ý kiến có tính xây dựng, gợi mở để lãnh đạo cảm thấy bổ ích. Làm được điều đó, lãnh đạo sẽ rất hài lòng và chủ động tiếp xúc với ta.
Nói thẳng bằng thái độ bình thản sẽ chiếm được lòng tin của lãnh đạo, bởi vây quanh lãnh đạo thông thường toàn là bọn nịnh bợ.
Dù lãnh đạo thông minh tài giỏi đến đâu, họ vẫn rất thích thú khi ta đưa ra các phương án lựa chọn.
Ta cũng cần biết lãnh đạo thích tiếp xúc theo cách nào nhất, như nói chuyện, viết thư, đưa ra bằng chứng, dẫn điển tích hay nhìn tận mắt – như vậy mới tranh thủ được cơ hội tiếp xúc với lãnh đạo. Tiếp xúc với lãnh đạo một cách thành công không chỉ để đưa ra sự giúp đỡ cho lãnh đạo, mà còn để nhận sự chi viện của lãnh đạo.
Xem xong, Gia Cát Lượng bội phục, nói:
- Cha, con có thể copy lại được không?
5. Dũng cảm đương đầu với sai lầm của lãnh đạo
- Con đừng vội. – Hoàng Thừa Ngạn đang say chuyện: - Tiếp theo là khâu quan trọng để làm cấp dưới dũng cảm, đó là: Dũng cảm nêu ý kiến khác.
Gia Cát Lượng cắn bút, khẽ gật đầu:
- Đúng rồi, nêu ý kiến khác với lãnh đạo rất nguy hiểm. Vì vậy mà nhiều người cho rằng nhân viên thông minh là người tránh phản đối lãnh đạo.
Hoàng Thừa Ngạn nói:
- Kiểu "thông minh" đó là ích kỉ, trí ngắn và ngu muội. Bởi lãnh đạo không nhận ra sai lầm sẽ đưa cả tổ chức vào vực thẳm. Cha kiên quyết cho rằng: một cấp dưới xứng chức sẽ học được cách giúp lãnh đạo nhận ra sai lầm hay lạc hậu trong quản lý. Để cha kể câu chuyện về một chú tiểu, con sẽ thấy giúp lãnh đạo nhận ra sai lầm là như thế nào.
Cái lưng của chú tiểu
Đêm thu lành lạnh, đang tản bộ trong sân thiền viện, chú tiểu Ngộ Không bỗng thấy một chiếc ghế đẩu ở góc tường. Chú nghĩ bụng: chắc chắn có người phạm qui, nửa đêm lẻn ra chơi ngòai thiền viện.
Đêm càng khuya, quả nhiên có người trèo từ ngòai vào. Chú tiểu kinh ngạc nhận ra đó là sư thúc Huệ Minh.
Quan sát mấy ngày, chú tiểu nghĩ bụng: "Không thể để việc này tiếp diễn, mình phải nghĩ cách chặn sư thúc lại".
Đêm sau, sư thúc lại giở trò cũ. Chú tiểu bèn kéo ghế ra bên, còn mình thì khom lưng đợi. Chẳng lâu sau, sư Huệ Minh trèo tường vào, nhưng sư thấy dưới chân khang khác, thì ra mình không phải dẫm lên ghế, mà là lưng chú tiểu.
- Ngộ Không, sao lại là cậu? – Dư thúc luống cuống.
Chú tiểu láu lỉnh:
- Sư thúc ôi, ngài dẫm lên lưng đau quá. – Cậu lắc đầu như không có chuyện gì rồi đi ngủ.
Từ đó về sau, Huệ Minh không dám trèo tường chơi đêm. Điều làm ông ngạc nhiên là dường như không một ai biết bí mật đêm đó. Nhiều năm sau, sư Huệ Minh lên làm trụ trì, cuối cùng thành nhất đại tôn sư, song ông không bao giờ quên việc mình đã dẫm lên lưng một chú tiểu.
Kể xong chuyện, Hoàng Thừa Ngạn nói:
- Người ta không phải là thánh, ai không có lỗi? Lãnh đạo phạm sai lầm là bình thường. Song, sai lầm của lãnh đạo không giống sai lầm của người thường, nó ảnh hưởng tới tương lai của tổ chức và cũng là của mỗi cá nhân trong đó. Vì thề, một cấp dưới xứng chức tất phải có dũng khí đương đầu với sai lầm của lãnh đạo.
Gia Cát Lượng than:
- Chỉ cơn đau lưng của chú tiểu mà làm nên nhất đại tôn sư, công đức vô cùng!
Rồi Gia Cát Lượng lại hỏi:
- Trong thực tế, không phải lãnh đạo nào cũng thông minh và biết lỗi như sư thúc Huệ Minh. Chẳng may gặp phải ông sư mê muội, cơn đau của chú tiểu chẳng hóa uổng sao?
Hoàng Thừa Ngạn nói:
- Con đừng quên, trong cuộc đời này, quan trọng nhất là trở nên một người ưu tú. Bất kể ông sư kia biết hối lỗi hay vẫn mê muội, việc làm của chú tiểu vẫn khiến ta khâm phục. Trong cuộc sống cũng vậy, chớ bao giờ làm điều tốt rồi lại hối!
6. Niềm tin chức nghiệp
Gia Cát Lượng hỏi:
- Giả như chú tiểu đã dũng cảm rồi mà ông sư vẫn còn mê muội. thậm chí nghiêm khắc hơn với chú tiểu, thì phải làm thế nào?
Hoàng Thừa Ngạn đáp quả quyết:
- Đúng vậy, chúng ta có thể gặp phải lãnh đạo lạm quyền. Khi đó, ta nên hiểu rõ niềm tin của mình, nếu hành vi của lãnh đạo không phù hợp với niềm tin của ta, ta sẽ ngừng làm việc cho ông ta. Triết lý xưa có câu: "người nghĩa không chết cho kẻ bất nhân, người trí không giúp mưu cho vua tối", thế gọi là: "vua không thể không có đức; không có đức, thần có quyền làm phản".
Gia Cát Lượng hỏi:
- Đó chính là điều cha gọi là "dũng cảm ra đi" đúng không?
- Đúng rồi, tụ hợp và phân li là hai việc lớn trong đời. Có lúc để bản thân trưởng thành, có lúc để tổ chức trưởng thành, chúng ta không thể không chọn cách ra đi.
Trong giọng Hoàng Thừa Ngạn bỗng nhiên có chút thương cảm:
- Nếu một ngày con không thể ra đi, hãy nhớ, nhất định phải đối mặt với hiện thực bằng lý trí và lòng dũng cảm. Bởi đó là một thời kỳ vô cùng đặc biệt, bất kỳ sự sợ hãi hay mất lý trí nào đều gây hậu quả nghiêm trọng.
Gia Cát Lượng không hiểu rõ lắm về quá khứ của bố vợ, song có thể tưởng tượng ông đã từng trải nhiều đau đớn. Giờ đây, ông lấy sự từng trải và đau đớn biến thành trí tuệ để trao cho con rể. Cảm giác mọi vật chung quanh ngưng lại, Gia Cát Lượng lấy phích, đổ thêm nước vào ấm trà, sau đó rót đầy hai tách.
- Con muốn lấy quyển sổ này không? Ta cho con.
Hoàng Thừa Ngạn im lặng hồi lâu rồi quyết định:
- Con lật trang cuối, tin rằng nó sẽ có ích cho con.
Gia Cát Lượng lật trang cuối, khác với nét chữ rồng bay phượng múa ở giữa quyển, ở đây nét chữ rất nghiêm trang:
Niềm tin chức nghiệp của cấp dưới
Tôi sẽ trở thành một thành viên ưu tú của tổ chức, đồng thời cống hiến cho xã hội. Để thực hiện sứ mệnh đó, tôi đề ra những niềm tin chức nghiệp dưới đây:
1. Tôi phục vụ tập thể, chịu một phần trách nhiệm sự thành, bại của tập thể.
2. Giữ đạo đức nghề nghiệp là chức trách của tôi.
3. Thành bại do bản thân, tôi phải không ngừng học tập kinh nghiệm.
4. Ưu và khuyết điểm đều do tôi tạo nên, tôi sẽ cải tạo số mệnh thông qua cải tạo bản thân.
5. Tôi sẽ giúp đỡ lãnh đạo với lòng tự tin.
6. Người ta không phải thánh, ai không có lỗi? Tôi sẽ ứng xử với lãnh đạo với lòng thông cảm.
7. Mục tiêu chung là người thầy hướng dẫn tốt nhất của tôi.
8. Tôi có thể giúp lãnh đạo bằng quyền hạn của mình.
9. Nếu lãnh đạo lạm quyền, tôi sẽ giúp họ thay đổi hành vi.
10. Nếu bản thân tôi lạm quyền, tôi sẽ tự điều chỉnh mình bằng thái độ khách quan.
11. Nếu lãnh đạo vẫn tiếp tục lạm quyền, tôi sẽ ngừng hợp tác.
12. Chỉ trung thành với lý tưởng bản thân, tôi mới có thể thực hiện kế hoạch của đời mình, đồng thời giữ được đầu óc sáng suốt.
13. Cấp dưới chỉ cần gánh vác nhiều hơn một chút là tập thể có thêm động lực, thế giới này cũng tốt đẹp hơn.
7. Tình yêu và sự nghiệp
A Nữu ngồi bên bàn ăn đợi chồng về. Cơm canh đều nguội. Khi tiếng chân quen thuộc mới vọng lên dưới cầu thang, A Nữu đã chạy ra mở cửa. Năm phút sau, Gia Cát Lượng mới xuất hiện trước cửa.
A Nữu mời Gia Cát Lượng vào bàn, múc cho chồng bát canh ngó sen. Từ khi Gia Cát Lượng tới Kinh Châu, ông đã rất thích món ăn Hồ Bắc này. Sơn Đông quê cũ của ông không có canh ngó sen.
A Nữu nhìn chồng ăn, nói:
- Xem kìa, mình vẫn mang bộ mặt nghiêm túc về nhà. Gặp bố vợ có thu hoạch được gì không?
- Đương nhiên có thu hoạch. – Gia Cát Lượng nói chầm chậm: - Hôm nay cha đã cho con rể bài học vô cùng ý nghĩa, đó là dũng khí để làm cấp dưới xứng chức. Xuống núi lần này, tôi sẽ không phụ lòng mong mỏi của mình và cha.
A Nữu trêu chồng:
- Vậy mình có còn thấy lấy vợ xấu là thiệt thòi không?
Gia Cát Lượng đáp chân tình:
- Tôi chưa bao giờ thấy thiệt thòi. Tôi còn nghĩ không biết ở nhà mình sẽ ra sao?
A Nữu thiết tha:
- Tôi sẽ vĩnh viễn đợi mình. Bất kể khi nào, chỉ cần trên con đường về nhà, mình sẽ thấy ngọn đèn bên song đợi mình. Rồi theo tiếng chân của mình, tôi cũng ra mở cửa.
Gia Cát Lượng ôm vợ vào lòng, nói run run:
- A Nữu, mình thật tốt! Lòng dũng cảm của mình giúp tôi đi xa. Có vợ như thế, chồng muốn gì hơn!
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
Do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, xã hội hình thành một loại khế ước mới. Công việc có thể đổi dễ dàng, cũng không còn bảo hiểm chức nghiệp suốt đời, lãnh đạo công ty cũng không còn che chở chúng ta như cha mẹ, chúng ta phải tự lo cho bản thân. Trong bối cảnh đó, sự dũng cảm trước lãnh đạo kỳ thực là một kiểu chia sè quyền lợi kinh tế.
Đương nhiên, làm cấp dưới dũng cảm có thể sẽ không có lợi ích trước mắt cho chúng ta, song bản thân sự dũng cảm đó cũng là một kỹ năng nghề nghiệp đáng tôn trọng.