Khoảng trống - Phần II - Chương 01 - 02 - 03
Phần hai
Bình luận công bằng
7.33 Ý kiến bình luận công bằng về vấn đề mà công chúng quan tâm được miễn khiếu kiện.
Charles Arnold Baker
Điều lệ Ban quản trị hội đồng địa phương
In lần thứ bảy
I
Mưa tầm tã rơi trên mộ Barry Fairbrother. Mực trên những tấm thiếp đã nhòa nhạt. Bông hoa hướng dương to tướng của Siobhan vẫn nguyên vẹn dưới làn mưa như trút nước, nhưng đám hoa huệ tây và kim châm của Mary đã tan tác. Mái chèo kết bằng hoa cúc héo rữa thâm đen lại. Trận mưa làm nước sông dềnh lên, biến các rãnh thoát nước thành những dòng suối nhỏ và làm những con đường dốc ngặt đổ về Pagford trở nên trơn trượt đầy bất trắc. Những cánh cửa sổ trên xe buýt trường học đặc mờ hơi nước, mấy giỏ hoa treo trên quảng trường sũng nước, và Samantha Mollison dù đã bật cần gạt nước ở mức tối đa vẫn bị va quệt nhẹ với một xe khác trên đường từ chỗ làm trên thành phố về nhà.
Một tờ báo Yarvil và District Gazette thòi ra khe bỏ thư trên cửa nhà bà Catherine Weedon trên đường Hope suốt ba ngày liền cho tới khi nó ướt sũng ra không còn đọc được nữa. Cuối cùng chính cô nhân viên xã hội Kay Bawden đã kéo nó ra khỏi khe bỏ thư, ghé mắt qua nắp khe rỉ sét và thấy bà cụ đang nằm sõng soài dưới chân cầu thang. Một cảnh sát đến giúp phá cửa, bà Weedon được đưa lên xe cứu thương chở về bệnh viện Trung tâm Tây Nam.
Mưa vẫn rơi rầm rập, người thợ sơn được thuê vẽ lại bảng hiệu tiệm giày cũ phải tạm hoãn công việc. Trời mưa suốt ngày, kéo dài đến đêm, quảng trường đầy người lom khom đi dưới áo mưa, những cây dù va cả vào nhau trên những vỉa hè chật hẹp.
Howard Mollison thấy tiếng mưa gõ lộp độp vào cánh cửa sổ tối đen thật dễ chịu. Lão đang ngồi trong phòng sách, trước vốn là phòng ngủ của cô con gái Patricia, nghiền ngẫm bức email vừa nhận được từ tờ báo địa phương. Họ quyết định cho đăng bài báo của cố ủy viên hội động Fairbrother, cho rằng khu Fields vẫn phải thuộc địa phận Pagford, nhưng để đối trọng, họ hi vọng một ủy viên khác sẽ viết bài phản biện trong số kế tiếp.
Phản tác dụng quá hả, Fairbrother? - Howard khoái trá nghĩ. - Cứ nghĩ là chuyện theo ý mình rồi hả…
Lão đóng email, quay sang chồng giấy tờ nho nhỏ đặt bên cạnh. Thư yêu cầu tổ chức bầu cử để tìm người thay ghế Barry vẫn rỉ rả đổ về. Theo quy định, cần có chín đơn yêu cầu mới đủ điều kiện tổ chức bầu cử công khai, tới giờ lão đã nhận được mười. Lão đọc qua một lượt trong khi bà vợ và bà bạn làm ăn nhỏ to bàn tán trong bếp, hăng hái bóc tước vụ scandal nóng hổi về bà cụ Weedon ngã gục trong nhà rồi mãi sau mới được phát hiện.
- Đâu ai tự dưng đòi bỏ bác sĩ của mình, phải không? Bà ấy gào hết cỡ, Karen nói...
- Nói bà ta bị cho thuốc không đúng, ờ, tôi biết thế. - Shirley đáp, bà tự coi mình là người duy nhất được lên giọng trong các vấn đề y khoa, chẳng gì cũng là tình nguyện viên trong bệnh viện mà. - Tôi nghĩ họ sẽ làm cả loạt xét nghiệm ở bệnh viện Trung tâm.
- Tôi mà là bác sĩ Jawanda thì giờ hẳn đã lo phát sốt lên rồi.
- Chắc bà ta nghĩ người nhà Weedon ngờ nghệch không biết đi kiện, nhưng nếu bệnh viện Trung tâm phát hiện ra nguyên nhân là do đơn thuốc sai thì bà ta cũng không thoát nổi đâu.
- Thế thì bà ta coi như xong.
- Đúng thế. - Shirley đồng tình. - Tôi nghĩ chắc nhiều người sẽ thấy nhẹ cả người. Nhẹ cả người đi ấy.
Howard cẩn thận phân loại mớ thư. Đơn ứng cử hoàn chỉnh của Miles để riêng một bên. Số còn lại là từ các ủy viên quen biết trong hội đồng khu. Chẳng có gì lạ, từ lúc Parminder gửi email thông báo bà biết có người muốn ứng cử vào vị trí của Barry, lão đã đoán thế nào sáu người kia cũng ủng hộ bà mà yêu cầu đòi bầu cử. Cùng với Tai Cụp, họ là những người mà lão nhạo là “dàn bè inh ỏi” mà ông nhạc trưởng vừa mới ngã xuống. Trên đỉnh chồng thư này, Howard đặt đơn ứng cử của Colin Wall, ứng viên phe bên kia lựa chọn.
Ở chồng thứ ba, lão để ra bốn lá thư nữa, cũng trong dự đoán cả: Mấy “chuyên gia than vãn” ở Pagford mà Howard xếp vào loại luôn nghi ngờ và không khi nào thấy hài lòng, đám này thường xuyên viết đơn thư gửi tờ Yarvil và District Gazette. Mỗi người trong số đó đều bị ám ảnh bởi một vấn đề địa phương thâm sâu nào đó, và tự cho mình là “người có đầu óc độc lập”; hẳn nếu thằng Miles mà được chọn kiểu chỉ định thì thể nào đây cũng là đám đầu tiên gào lên “gia đình trị”; nhưng bên cạnh đó, đám đó cũng là những tay chống-khu-Fields tích cực nhất trong thị trấn.
Howard hai tay cầm lên hai lá thư cuối cùng, thử ước lượng khả năng. Một trong hai là từ một phụ nữ lão chưa từng gặp, bà này tự xưng (Howard chẳng hề tin) là làm việc tại trung tâm cai nghiện Bellchapel (nhưng khi thấy bà này gọi mình là “Ms” lão lại đâm ra tin chuyện đó). Sau khi lưỡng lự một lúc, Howard đặt bức này lên trên đơn ứng tuyển của Wall “Tủ”.
Lá thư cuối cùng được đánh máy, không có chữ ký, yêu cầu tổ chức bầu cử bằng giọng điệu không hợp cách chút nào. Có vẻ nó được viết vội vàng cẩu thả, đầy lỗi đánh máy. Thư ca ngợi đạo đức tốt đẹp của Barry Fairbrother và chỉ đích danh Miles “không phù hợp thế chưn ông ấy”. Howard tự hỏi liệu đây có phải một khách hàng bất mãn với con trai mình, gã này có thể tạo nên trò lố bịch được đây. Được cảnh báo trước mấy mối nguy hiểm kiểu thế cũng tốt. Nhưng Howard vẫn không chắc liệu lá thư nặc danh này có được tính là một yêu cầu bầu cử hợp lệ không. Cuối cùng lão nhét nó vào cái máy cắt giấy nhỏ để bàn mà Shirley tặng ông chồng nhân dịp Giáng Sinh.
II
Công ty Edward Collins & Đồng sự, cố vấn pháp luật cho thị trấn Pagford, đóng đô tại tầng trên tòa nhà gạch liên kế, tầng dưới là một hiệu mắt kính. Edward Collins đã mất, giờ công ty chỉ gồm hai người: Gavin Hughes là đối tác lĩnh lương không phần hùn, ngồi trong văn phòng một cửa sổ; người kia là Miles Mollison, đối tác kiêm cổ đông, ngồi văn phòng có hai cửa sổ. Họ có chung cô thư ký hai tám tuổi còn độc thân, tính tình đơn giản nhưng thân hình khá đẹp. Hễ Miles pha trò là Shona cười không ngớt nhưng cô đối với Gavin đầy vẻ kẻ cả, gần như khó chịu.
Hôm thứ sáu sau lễ tang của Barry Fairbrother, Miles gõ cửa phòng Gavin lúc một giờ rồi đẩy cửa vào luôn không đợi mời. Anh ta thấy cộng sự của mình đang dán mắt vào nền trời xám xịt qua khung kính cửa sổ lấm tấm nước mưa.
- Tôi chạy vội đi ăn trưa cái. - Miles nói. - Nếu Lucy Bevan tới sớm, anh nói bà ấy chờ tôi một lát nhé? Shona ra ngoài rồi.
- Ờ, được. - Gavin đáp.
- Mọi chuyện ổn cả chứ?
- Mary gọi đến. Có chút rắc rối về vụ bảo hiểm nhân thọ của Barry. Bà ấy muốn tôi giúp.
- Ờ, thế cậu làm đi, nhé? Hai giờ là tôi quay lại rồi.
Miles khoác áo, chạy xuống cầu thang dốc rồi sải bước mạnh mẽ trên con đường nhỏ ướt mưa về hướng quảng trường. Tầng mây thoáng hé ra chốc lát, ánh mặt trời phủ tràn đài tưởng niệm chiến tranh lóng lánh nước và mấy giỏ hoa treo. Miles chợt dậy lên niềm tự hào mang tính di truyền khi anh vội vã băng ngang quảng trường đi về hướng cửa hàng Mollison và Lowe, Pagford thân quen, khu trung tâm tuyệt diệu nhất, nơi cảm giác thân thuộc chỉ ngày càng đậm sâu chứ chưa bao giờ phai nhạt.
Tiếng chuông vang lên leng keng khi Miles đẩy cửa. Không khí trong tiệm nhuốm vẻ hối hả của giờ nghỉ trưa. Một hàng dài tám người đang đứng chờ trước quầy. Howard vẫn mặc trang phục thường lệ khi đứng tiệm, mớ mồi câu giả lấp lánh trên cái mũ hai vành, miệng nói liến thoắng.
- ... thêm một phần tư cân olive đen, Rosemary, của bà đấy. Hết rồi phải không? Rosemary, chỉ thế thôi... như vậy tổng cộng là tám bảng sáu mươi hai xu, tính tròn là tám bảng thôi, vì mối hợp tác lâu dài tốt đẹp bấy nay...
Tiếng cười rinh rích và mấy câu cảm ơn; ngăn kéo tiền lạch cạch loảng xoảng.
- Chàng luật sư của tôi đây rồi, lại đây xem nào. - Howard gọi oang oang, nháy mắt cười với Miles qua đầu hàng người. - Nếu ông vui lòng chờ tôi đằng sau, thưa ông, tôi sẽ ráng giữ mồm không nói gì bất lợi cho bà Howson đâu...
Miles mỉm cười với mấy bà trung niên đang chờ, họ cũng tươi cười đáp lại. Cao ráo, mái tóc bắt đầu ngả xám cắt rất sát, cặp mắt xanh tròn to, cái bụng phệ đã được chiếc áo khoác đậm màu khéo giấu, rõ ràng Miles là gia vị thêm vào khá hấp dẫn bên cạnh món bánh quy tự nướng và phô-mai địa phương của tiệm. Anh cẩn thận len qua giữa những chiếc bàn nhỏ chất đầy thức ăn hấp dẫn và dừng ngay khung cửa lớn nối tiệm thực phẩm và hiệu giày cũ, lần đầu tiên người ta tháo tấm nhựa chắn bụi chỗ này ra. Maureen (Miles vẫn nhớ nét chữ viết tay của bà) đã đặt tấm biển trên bảng quảng cáo ngay giữa cửa: Không đi lối này. Sắp mở cửa... Quán Ấm Đồng. Miles lách vào gian phòng trống sạch sẽ sắp trở thành quán café mới đẹp nhất thị trấn; nó đã được trát vữa và sơn sửa lại, sàn nhà đen mới đánh bóng loáng dưới chân.
Anh rón rén bước vòng qua góc quầy, né người bước ngang Maureen lúc này đang chạy máy cắt thịt làm bà này có cớ cười rú lên thô lỗ, rồi lách nhanh qua cánh cửa dẫn đến căn phòng nhỏ xám xịt đằng sau. Trên cái bàn lót formica để tờ Daily Mail của Maureen. Áo khoác của Howard và Maureen treo trên mắc, cánh cửa khác dẫn đến bồn rửa tỏa mùi oải hương nhân tạo. Miles cũng treo áo khoác lên rồi kéo chiếc ghế cũ ngồi vào bàn.
Một, hai phút sau, Howard xuất hiện với hai dĩa đồ ăn ngon đầy ụ.
- Đã nhất trí chọn tên Ấm Đồng rồi ạ? - Miles hỏi.
- Ờ, Mo thích tên này. - Howard trả lời, đặt một dĩa xuống trước mặt con trai.
Lão lại kềnh càng quay ra rồi cầm vào hai chai bia, giơ chân khép cửa làm căn phòng không cửa sổ tối sầm, chỉ còn mỗi ánh sáng lờ mờ từ ngọn đèn treo. Howard ngồi xuống, rên một tiếng đùng đục. Hồi giữa giờ sáng lão đã tỏ ra úp úp mở mở chuyện gì đó trên điện thoại, giờ bắt Miles chờ thêm chút nữa trong lúc khui nắp một chai bia.
- Wall gửi đơn ứng cử tới rồi. - Cuối cùng lão lên tiếng, đưa chai bia cho cậu con.
- À. - Miles thốt.
- Bố phải đặt ra kỳ hạn mới được. Mọi người được đăng ký trong vòng hai tuần kể từ hôm nay.
- Thế là đẹp rồi. - Miles bình luận.
- Mẹ con nói gã nhà Price này vẫn muốn tham gia. Con hỏi Sam xem có biết anh ta là người thế nào chưa?
- Chưa ạ. - Miles đáp.
Howard gãi gãi rãnh bụng dưới gần chạm tới đầu gối khi ông ngồi trên chiếc ghế kẽo kẹt.
- Con với Sam vẫn ổn chứ hả?
Miles khâm phục tài đoán chuyện như thần của ông bố, trước giờ anh vẫn thấy thế.
- Cũng không êm đẹp lắm.
Anh không muốn thừa nhận chuyện này với mẹ, vì gắng không châm dầu vào cuộc chiến tranh lạnh thường trực giữa mẹ chồng và nàng dâu, trong cuộc chiến đó Miles vừa là con tin vừa là chiến lợi phẩm.
- Cô ấy không thích chuyện con ra ứng cử. - Miles thận trọng nói. Howard nhướng cặp lông mày nhạt, hàm dưới đong đưa theo nhịp nhai. - Con không biết cô ấy bị cái quái gì nữa. Hình như đang lên cơn ghét Pagford hay sao đó.
Howard thong thả nuốt cho xong. Lão quệt miệng bằng miếng khăn giấy rồi ợ một phát.
- Một khi con đã vào được hội đồng thì con bé quay ngoắt thái độ ngay thôi. - Lão bình thản nói. - Lợi ích xã hội mà. Mấy bà vợ được nhiều thứ lắm. Được dự mấy buổi tiệc ở Dinh thự Sweetlove này. Con bé sẽ được ở đúng sàn diễn nó thích. - Howard nốc thêm ngụm bia, gãi gãi bụng.
- Con không nhớ được anh chàng Price gì đó. - Miles nói, trở lại chủ đề chính. - Con chỉ mang máng nhớ là thằng con anh ta học chung lớp với Lexie ở trường Thánh Thomas.
- Nhưng được sinh ra ở khu Fields, đó, vấn đề là chỗ đó. - Howard nói - Chi tiết này sẽ có lợi cho ta. Phe ủng hộ khu Fields sẽ chia phiếu giữa anh chàng này với nhà Wall.
- À đúng rồi. - Miles khâm phục. - Có lý lắm.
Anh chưa từng nghĩ tới chuyện này. Lúc nào anh cũng ngưỡng mộ đầu óc ông bố.
- Mẹ con đã gọi cho vợ anh ta chỉ cách tải các mẫu phiếu đăng ký cho chồng. Có lẽ bố sẽ bảo mẹ con gọi lại tối nay, bảo vợ anh ta là chỉ còn hai tuần, phải nhanh chóng động tay động chân đi.
- Thế là tổng cộng có ba ứng cử viên phải không? - Miles hỏi. - tính luôn Colin Wall.
- Tới giờ bố chưa nghe nói có ai khác. Nhưng khi đăng chi tiết thông báo lên website thì có thể sẽ còn người khác nộp đơn. Dù gì thì bố con mình cũng thắng mà. Chắc chắn thế. Aubrey có gọi tới. - Howard nói thêm. Cứ mỗi khi nhắc tới tên thánh của Aubrey Fawley là ông lại lên giọng trịnh trọng. - Ủng hộ con hết mình, rành là thế. Tối nay ông ấy sẽ quay lại. Giờ ông ấy đang ở thành phố.
Thường dân Pagford nói “ở thành phố” có nghĩa là “ở Yarvil”. Nhưng Howard và Shirley học theo cách nói của Aubrey Fawley, nói “ở thành phố” nghĩa là “ở London.”
- Ông ấy nói đại khái mọi người nên cùng ngồi họp mặt trò chuyện. Có thể ngay ngày mai. Có khi mời ta đến nhà đấy nữa. Con bé Sam sẽ thích vụ này.
Miles vừa ngoạm một miếng lớn bánh mì phết paté gan nhưng vẫn trịnh trọng gật đầu ra ý đồng tình. Anh khoái chí khi biết ông Aubrey Fawley “ủng hộ hết mình”. Samantha cứ giễu bố mẹ anh quỵ lụy nhà Fawleys, nhưng anh để ý chính cô, trong vài dịp hiếm hoi khi chạm mặt ông Aubrey hay bà Julia, cũng sửa giọng và làm điệu bộ ra vẻ trang nhã hơn nhiều.
- Còn nữa, - Howard lại gãi bụng. - Sáng nay có email từ tờ Yarvil và District Gazette. Họ muốn nghe quan điểm của bố về khu Fields. Với tư cách chủ tịch hội đồng khu.
- Bố đùa sao? Con nghĩ chính Fairbrother là người đưa ra vụ này...
- Phản tác dụng, hả? - Howard khoái trá đáp. - Họ đăng bài của ông ấy, nhưng cũng muốn đăng thêm ý kiến phản biện vào số kế tiếp tuần sau. Để có góc nhìn khác mà. Con giúp một tay thì tốt. Thêm mấy thuật ngữ kiểu luật sư, đại khái thế.
- Chuyện nhỏ thôi. - Miles nói. - ta có thể viết về cái trung tâm cai nghiện chết toi đó. Sẽ hiệu quả đấy.
- Phải, ý kiến hay, tuyệt vời.
Howard hưng phấn ngốn một miếng quá cỡ và phát sặc, Miles phải đập mạnh vào lưng cho ông bố bớt ho. Cuối cùng, vừa chấm chấm cặp mắt đầy nước, Howard vừa khào khào nói: “Anbrey đang kêu gọi quận cắt bớt ngân sách từ phía họ, bố sẽ vin vào đó yêu cầu chấm dứt cho thuê tòa nhà đó. Đưa vụ đó lên báo cũng chẳng hại gì. Phí biết bao nhiêu thời gian tiền bạc vào cái chỗ đấy mà chẳng được nước mẹ gì. Bố có đủ số liệu rồi đây.” Howard lại ợ một phát ầm ĩ: - Nhục như chó. Xin lỗi.
III
Tối hôm đó, Gavin nấu một bữa ăn để mời Kay lại nhà, gã mở các lon đồ hộp và hăng hái nghiền tỏi như tấn công kẻ thù.
Sau lúc chiến tranh thì ta phải nói một số điều nhất định để đạt được thỏa thuận đình chiến, lệ là thế rồi, ai cũng biết. Gavin gọi điện cho Kay trên đường lái xe về sau đám tang của Barry, gã nói ước gì cô có mặt ở đó, rằng cả ngày hôm đó đúng là khủng khiếp, mong là tối nay gã được gặp cô. Gã cân nhắc nói ra mấy lời phải chăng, không nhiều không ít hơn cái giá phải trả cho một buổi tối có người bầu bạn.
Nhưng Kay xem trọng những lời ấy hơn nhiều trong tư thế của người chịu hạ giá ở lần tái đàm phán này. Anh nhớ em. Lúc buồn anh thực sự cần em. Anh rất xin lỗi vì ta không đi chung với nhau như một đôi. Thôi đừng để chuyện thế xảy ra nữa nhé. Từ lúc đó cách cô đối xử với Gavin có gì đó đầy thỏa mãn, cô hoạt bát vui vẻ trong niềm kỳ vọng mới nhen nhóm lại.
Tối nay gã muốn làm món mì Ý Bonlognese, gã cố tình không mua sẵn bánh pudding hay trải sẵn khăn bàn, cố tỏ cho cô thấy gã không hề đổ quá nhiều công sức chuẩn bị cho buổi tối này. Nhưng xem ra Kay không để ý tới, cô vẫn thấy nỗ lực bình thường đó thật đáng quý. Cô ngồi bên chiếc bàn nhỏ trong bếp, vừa nói chuyện giữa tiếng mưa lộp độp trên cửa sổ mái vừa nhìn quanh quất mấy món đồ bếp. Cô vốn không thường đến đây.
- Em đoán Lisa chọn màu vàng này, phải không?
Cô lại thế, lại phạm vào chủ đề cấm kỵ, cứ như gần đây quan hệ giữa họ đã tiến gần thêm một mức. Gavin không bao giờ muốn nhắc tới Lisa trừ khi bất đắc dĩ, hẳn cô đã biết thế rồi chứ? Gã rắc nắm kinh giới lên chỗ thịt băm trong chảo, đáp: - Không, mọi thứ đều do người chủ cũ để lại. Anh cũng định mà chưa có giờ thay.
- Ồ, - Cô nhấp thêm ngụm rượu vang. - màu đẹp mà. Hơi nhạt chút.
Gavin bực mình, gã luôn nghĩ nội thất ở Nhà Thợ Rèn chỗ nào cũng đẹp hơn nhiều so với căn nhà số 10 trên đường Hope. Gã quay lưng lại cô, nhìn nồi mì sôi lục bục.
- Anh biết sao không? - Cô lại lên tiếng. - Chiều nay em gặp Samantha Mollison đấy.
Gavin ngoảnh lại, làm sao Kay biết Samantha Mollison được?
- Ngay bên ngoài hiệu thực phẩm chỗ quảng trường đấy, lúc em đi mua cái này, - Cô búng nhẹ vào chai rượu đặt cạnh. - cô ấy hỏi em có phải bạn gái của Gavin không.
Kay nhấn mạnh, vẻ trêu chọc, nhưng thực tình cô rất vui sướng khi nghe cái từ ấy từ miệng Samantha, cô nghĩ chắc Gavin giới thiệu mình với các bạn anh như thế.
- Rồi em nói sao?
- Thì, thì em nói là phải.
Cô tiu nghỉu đáp. Gavin không định bật ra câu hỏi ấy với vẻ gay gắt thế. Hẳn giọng gã tỏ rõ không muốn Kay và Samantha gặp nhau chút nào.
- Dù sao thì, - Kay nói tiếp, giọng hơi sượng lại - cô ấy mời chúng mình cùng ăn tối vào thứ Sáu tới. Tức là tròn một tuần kể từ hôm nay.
- Đúng là chết tiệt! - Gavin cáu kỉnh bật ra.
Vẻ phấn khởi của Kay hoàn toàn biến mất.
- Có chuyện gì sao?
- Không. Không có gì. - Gã nói, tay quậy mì. - Chỉ là anh gặp Miles suốt giờ làm đã phát ngán rồi, thực sự thế.
Đó đúng là điều mà gã luôn lo sợ, rằng cô sẽ tìm cách len lách vào mạng lưới quan hệ xã hội của gã, biến gã với cô thành cặp đôi Gavin-và-Kay, thế thì càng khó mà gạt cô ra khỏi cuộc sống của gã. Sao gã lại để chuyện xảy ra thế này? Sao gã lại để cô dọn về đây chứ? Nỗi giận mình nhanh chóng chuyển sang cô bạn gái. Sao cô không chịu hiểu rằng gã đâu có khao khát cô đến thế, sao không tự dứt ra trước khi gã phải chơi bẩn đi? Gã chắt ráo mì trong bồn, lầm bầm chửi thề vì bị nước sôi văng trúng.
- Thế thôi anh gọi cho Miles với Samantha bảo “không” đi. - Kay nói.
Giọng cô đã mất vẻ mềm mại. Theo đúng cái thói quen ăn sâu bắt rễ trong mình, Gavin vội vàng đẩy mâu thuẫn sắp bùng ra đi chỗ khác, mặc cho sau này ra sao thì ra.
- Không, đâu có. - gã vừa đáp vừa thấm thấm chỗ áo ướt bằng cái khăn lau bát. - Ta cứ đi thôi. Ổn mà. Cứ đi thôi.
Cái vẻ kém nhiệt tình che đậy của gã đặt sẵn một dấu mốc để sau này gã có thể lấy đó làm cớ. Em biết mà, lúc trước anh đâu muốn đi. Không, anh đâu có thích. Anh không muốn chuyện đó lặp lại lần nữa đâu.
Cả hai cùng chìm vào im lặng. Gavin cứ ngỡ lại sắp cãi nhau trận nữa nếu Kay lại ép gã nói cho ra ngô ra khoai mấy lý do thật sự đằng sau. Gã loay hoay tìm gì đó để nói, rồi bắt đầu kể cho cô nghe chuyện Mary Fairbrother và công ty bảo hiểm nhân thọ.
- Đúng là lũ khốn, - Gã kể. - ông ấy bảo hiểm đầy đủ hết, thế mà bọn luật sư bên đó đang tìm cách để không trả tiền bảo hiểm đấy. Chúng nó đang dựng chuyện ông ấy không khai thật hết tình trạng của mình.
- Như thế nào?
- À thì, cũng có một ông chú trong họ bị chứng phình mạch. Bà Mary thề là ông Barry có báo cho đại lý bảo hiểm chuyện đó khi ký hợp đồng, nhưng trong hợp đồng lại chẳng thể hiện chi tiết này. Chắc tay đại lý đó không biết chứng đó có khả năng di truyền. Anh không biết Barry...
Giọng Gavin vỡ ra. Hoảng hốt và xấu hổ với cơn xúc động bất ngờ, gã chúi gương mặt nóng bừng xuống đĩa. Cổ họng gã nghẹn tắc đau xót, cố nuốt mãi không trôi. Có tiếng ghế Kay dịch chuyển trên sàn, gã hi vọng cô sẽ vào nhà tắm, nhưng rồi bàn tay cô đã quàng qua vai kéo gã vào lòng. Không nghĩ ngợi, gã cũng quàng một tay qua người cô.
Được ôm thật dễ chịu. Ước gì mối quan hệ giữa hai bên có thể cô rút lại thành những cử chỉ đơn giản không lời mà dễ chịu này. Sao con người lại học nói làm gì chứ?
Gã dây cả nước mũi vào lưng áo cô.
- Xin lỗi em. - Gã nói giọng đặc nghẹt, lấy khăn ăn lau vết bẩn đi.
Gã nhấc mình khỏi người cô rồi xì mũi. Cô kéo ghế xích lại ngồi cạnh, đặt tay lên cánh tay gã. Gã yêu biết bao những lúc cô im lặng thế này, gương mặt cô dịu hiền quan tâm như thế này, như lúc này.
- Anh vẫn không thể nào... ông ấy là một tay rất được. - Gã nói. - Barry ấy. Thực sự là rất tốt.
- Vâng, ai cũng nói vậy về ông ấy. - Kay nhẹ nhàng.
Cô chưa bao giờ được gặp ông Barry Fairbrother nổi tiếng ấy, nhưng cô ngạc nhiên trước cơn xúc cảm của Gavin và cái người khiến gã phải xúc động đến thế.
- Ông ấy có vui tính không? - Cô hỏi, bởi cô hình dung người như Gavin sẽ bị hút bởi người có khiếu hài hước mạnh hay kiểu thủ lĩnh khua chiêng gióng trống, đạp đổ mọi rào cản.
- Ờ... anh nghĩ thế. Mà không hẳn. Cũng bình thường, ông ấy thích cười… nhưng ông ấy là một... một tay tử tế. Ông ấy quý mến con người, em hiểu không.
Cô đợi nghe thêm nhưng xem ra Gavin không còn gì để nói về cái tử tế của Barry nữa.
- Rồi còn bọn trẻ... và bà Mary... bà Mary tội nghiệp... Chúa ơi, em không hiểu đâu...
Kay vẫn vỗ về tay gã nhè nhẹ, nhưng sự cảm thông của cô đã nguội đi đôi chút. Không biết gì à, cô nghĩ, lẽ nào cô không hiểu một mình là thế nào sao? Không biết đơn thân cáng đáng gia đình là vất vả thế nào à? Sao gã không tội nghiệp cho chính cô đây?
- Khi trước họ hạnh phúc lắm, - Gavin run giọng. - bà ấy tan nát cả cõi lòng.
Kay im lặng vỗ mạnh hắn, như thể nói cô chưa bao giờ có quyền suy sụp.
- Anh không sao. - Gã nói, lấy khăn ăn chùi mũi rồi lại cầm nĩa lên. Gã hơi rụt tay lại rất kín đáo, tỏ ý đến lúc cô nên bỏ tay ra.