Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1) - Phần 2 - Chương 18 - 19
Phần II
Chương - 18
Khi đã lên đến điểm cao nhất của cánh quân bên phải, công tước Bagration bắt đầu cho ngựa đi xuống phía có tiếng súng trường dồn dập ròn rã, nhưng không thể trông thấy gì vì khói thuốc súng che lấp mọi vật. Càng ngồi xuống gần thung lũng thì càng khó nhìn rõ, nhưng càng cảm thấy mình đang tiến gần đến chiến trường. Họ bắt đầu gặp những người bị thương. Hai người lính đang xốc nách kéo một người dầu bê bết máu, mũ rơi đâu mất. Anh ta rên khừ khừ và khạc nhổ. Hẳn là viên đạn đã phạm vào miệng hay u cổ họng.
Họ gặp một người khác bước đi một mình, vẻ hiên ngang, tay không cầm súng, vừa đi vừa rên và vung tay cho đỡ đau, trong khi máu ở cánh tay anh ta chảy ra như suối, đỏ loang cả chiếc áo khoác. Mặt anh ta lộ vẻ sợ hãi nhiều hơn là đau đớn. Anh ta vừa bị thương cách đây một phút. Sau khi vượt qua đường, họ bắt đầu đi xuống sườn núi dốc đứng. Họ thấy rải rác có mấy người nằm trên sườn núi.
Họ gặp một toán lính trong đó có cả những người không bị thương. Lính trèo lên núi, thở hổn hển, và mặc dầu có chủ tướng của họ ở đấy họ vẫn nói chuyện bô bô và hoa tay múa chân. Đằng trước, trong đám khói thấy những hàng áo khoác xám. Trông thấy Bagration, một viên sĩ quan liền chạy theo đám lính đang đi, quát tháo inh ỏi bảo họ quay lại. Bagration tiến đến gần những hàng quân, nơi những tiếng súng trường nổ liên hồi khi đây khi đó, át cả tiếng nói chuyện và tiếng các viên chỉ huy quát tháo. Không khí sặc mùi thuốc súng. Mặt binh sĩ đen sạm khói thuốc nhưng rất hăng hái. Người thì đang thọc que thông vào nòng súng, người thì dốc đạn ra khỏi bao, người thì bắn. Nhưng vì bị khói thuốc dày đặc che phủ, lớp khói này lại không bị gió thổi bạt đi nên không thấy rõ họ bắn ai cả. Cứ chốc bên tai lại nghe những tiếng huýt vù vù và những tiếng êm tai "Cái gì thế này?" - Công tước Andrey tự hỏi trong khi đến gần toán lính này. Đây không thể là một đơn vị đang tấn công vì họ đứng yên, cũng không thể là một phương trận (1) vì họ không bố trí như thế.
Viên chỉ huy trung đoàn, một ông già nhỏ bé, vẻ người yếu ớt, với nụ cười dễ mến và đôi mi che quá nửa cặp mắt già nua làm cho ông có vẻ hiền lành, đang đi ngựa đến gần công tước Bagraltyôn và tiếp công tước như một vị chủ tiếp một ông khách quý. Ông báo cáo với công tước rằng trung đoàn của ông đã dương đầu với một cuộc tấn công của kỵ binh Pháp và cuộc tấn công này bị đánh lui, nhưng trung đoàn của ông cũng đã mất quá nửa quân số. Khi nói rằng cuộc tấn công đã bị đánh lui, viên trung đoàn trưởng chẳng qua chỉ dùng một danh từ quân sự để gọi cái sự việc xảy ra trong trung đoàn mình, chứ thực ra bản thân ông cũng không biết trong nửa giờ ấy trung đoàn ông chỉ huy đã gặp những việc gì, và ông không thể nói chắc là cuộc tấn công đã bị đánh lui hay là trung đoàn ông đã bị cuộc tấn công đánh tan. Ông chỉ biết rằng lúc khai hoả tạc đạn bắt đầu bay vào khắp cả trung đoàn và bắn chết nhiều người, rồi sau đó có một người nào kêu lên: "Quân kỵ binh!". Thế là quân ta bắt đầu bắn.
Lúc bấy giờ họ không bắn vào quân kỵ binh vì quân kỵ binh đã biến đi đàng nào không thấy đâu nữa, mà bắn vào bộ binh Pháp vừa xuất hiện ở dưới núi và đang nã súng vào quân ta. Công tước Bagration gật đầu, tỏ ra rằng tình hình đã xảy ra hoàn toàn theo ý muốn và dự định của ông. Rồi quay về phía viên sĩ quan phụ tá ông ra lệnh cho anh ta đem hai tiểu đoàn của trung đoàn khinh binh (2) thứ sáu ở trên đỉnh núi xuống. Đó là hai tiểu đoàn ông vừa đi qua.
Ngay lúc ấy, trên gương mặt Bagration hiện ra một sự thay đổi đột ngột làm cho công tước Andrey kinh ngạc. Gương mặt của ông biểu hiện một cái kiên quyết vui vẻ và chăm chú của một người gặp ngày nóng nực đang sẵn sàng lấy đà lần cuối để lao mình xuống nước.
Cái nhìn lờ đờ, ngái ngủ, cái vẻ thâm trầm vờ vĩnh đã mất; cặp mắt tròn, cương nghị của con chim ưng nhìn phấn khởi và hơi khinh bỉ về phía trước, nhưng rõ rệt là không chú ý vào cái gì cả, mặc dầu cử động của ông vẫn chậm chạp và khoan thai như trước.
Viên trung đoàn trưởng khẩn khoản yêu cầu Bagration lui về phía sau vì ở đây quá nguy hiểm. "Thưa ngài, xin ngài lui cho, tôi van ngài!" ông vừa nói vừa đưa mắt nhìn viên sĩ quan tuỳ tùng mong ông ta biểu thị sự đồng tình, nhưng viên sĩ quan tuỳ tùng cố tránh không nhìn mặt ông ta "Đấy ngài xem!". Ông xin Bagration chú ý đến những viên đạn cứ rít lên, réo lên, huýt lên ở bốn phía, không lúc nào ngớt. Ông nói với cái giọng cầu khẩn và trách móc của một anh thợ mộc khi thấy ông chủ cầm lấy búa: "Đây là việc chúng tôi quen làm, chứ ông làm thì chỉ tổ phồng da tay lên mà thôi!". Ông nói, tưởng chừng như những viên đạn kia không thể nào giết được ông, và cặp mắt lim dim lại càng làm cho lời nói của ông thêm sức thuyết phục. Viên sĩ quan tham mưu cũng tiếp lời viên trung đoàn trưởng khuyên Bagration, nhưng công tước không trả lời họ, chỉ ra lệnh ngừng bắn và tránh ra để lấy chỗ cho hai tiểu đoàn đang tiến đến. Trong lúc ông nói, một cơn gió nổi lên, và dường như thể có một bàn tay vô hình kéo màn khói từ bên phải sang bên trái để lộ sườn dồi đối diện đầy những lính Pháp đang tiến bước trước mặt quân ta. Bao nhiêu con mắt đều bất giác đổ dồn vào đội quân Pháp này đang đi quanh co trên sườn núi gập ghềnh. Đã có thể trông thấy những chiếc mũ lông xù xì của binh sĩ, đã có thể phân biệt sĩ quan với lính thường, đã có thể nhìn rõ lá quân kỳ của họ bay phần phật trên cán cờ.
- Đi đẹp thật. - Một người ở trong đoàn tuỳ tùng của Bagration nói.
Phần đầu của đoàn quân đã đi vào thung lũng. Cuộc giao chiến sẽ xảy ra ở dưới chân sườn núi bên này.
Những binh sĩ của trung đoàn quân ta còn sót lại vội vàng xếp thành hàng ngũ rút lui về phía tay phải; hai tiểu đoàn của đoàn khinh binh thứ sáu ở đằng sau họ tiến lên hàng ngũ chỉnh tề, dồn những người tụt lại sau chạy tản ra. Họ chưa đến gần Bagration, nhưng đã có thể nghe thấy tiếng bước chân thình thịch nặng nề của cả khối người. Trong đại đội thuộc cánh trái, đi gần Bagration nhất là một người đàn ông thân hình cân đối; mắt tròn và có vẻ ngốc nghếch, hớn hở. Đó chính là người đã chạy trong lều của Tusin ra.
Hẳn là trong giờ phút này anh ta không nghĩ gì ngoài việc phải đi một cách hiên ngang trước mặt vị chỉ huy của mình. Cặp giò lực lưỡng của anh ta bước thoăn thoắt với cái vẻ đắc ý của một quân nhân chuyên nghiệp, anh bước không chút khó khăn, giống như đang bơi, và cái dáng đi nhanh nhẹn ấy khác hẳn bước chân nặng nề của những binh sĩ bước đều theo anh. Anh đeo cạnh sườn một thanh kiếm trần, mỏng và nhỏ (loại kiếm uốn cong, không có vẻ gì là một vũ khí) và khi thì liếc mắt nhìn các vị chỉ huy, khi thì nhìn lui phía sau, trong lúc vẫn bước không sai bước nào, chuyển động nhịp nhàng cả cái thân hình cường tráng. Hình như bao nhiêu sức lực tinh thần của anh đều tập trung vào một điểm là làm sao đi trước mặt vị chỉ huy cho thật đẹp, và khi cảm thấy mình làm được như vậy, anh rất sung sướng. "Trái… trái… trái!" hình như cứ hai bước một anh lại tự hô thầm với mình như vậy, và cái đoàn người với vẻ mặt nghiêm trang mỗi người một vẻ, lưng nặng trĩu nhưng túi đầy, súng ống, cũng bước theo nhịp bước ấy, hình như mấy trăm con người này cứ hai bước một lại nhẩm nói với mình: "Trái… trái… trái!" một viên thiếu tá to béo, thở hổn hển và bước sai nhịp, phải đi vòng một bụi rậm ở trên đường, một binh sĩ tụt lại sau, thở hồng hộc, vẻ hốt hoảng vì biết mình phạm lỗi, đang ra sức chạy theo đại đội. Một quả tạc đạn làm rung chuyển cả không khí, bay vù vù trên đầu công tước Bagration và những người tuỳ tùng rồi rơi xuống vừa đúng nhịp bước "Trái… trái!" vào giữa đoàn quân. "Siết chặt hàng ngũ lại!" - Giọng viên đại đội trưởng vang lên, oai vệ.
Binh sĩ đi thành vòng cung quanh chỗ tạc đạn rơi xuống; một kỵ binh hạ sĩ quan già đeo huân chương đứng ở mé ngoài, đứng một giây bên cạnh mấy người mới chết rồi lại rảo bước chạy vào hàng ngũ, nhảy một cái đổi chân cho đúng bước và quay lại nhìn phía sau, vẻ giận dữ. "Trái… trái… trái?" hình như người ta vẫn nghe tiếng hô trong cảnh im lặng đáng sợ và tiếng chân bước đều đều cùng giẫm lên mặt đất. Công tước Bagration nói;
- Hăng hái lên, anh em!
- Vì tổ qu… uốc... uốc… uốc! Khắp hàng ngũ tiếng hò vang dậy Một binh sĩ vẻ mặt cau có, đang đi ở bên trái, trong khi họ lại liếc mắt nhìn Bagration, vẻ mặt như muốn nói: "Chúng tôi biết thế lắm chứ!". Một người khác không quay đầu lại và hình như sợ phân tán tư tưởng, đang há hốc mồm vừa hô vừa đi.
Có lệnh bảo dừng lại và bỏ bạc đà xuống.
Bagration đi vòng quanh hàng ngũ vừa diễn qua trước mặt ông một lượt, và xuống ngựa giao cho một người cô-đắc giữ cương, cởi áo buốc-ca trao cho anh ta, duỗi chân cho khỏi mỏi rồi sửa cái mũ lưỡi trai trên đầu cho ngay ngắn. Những hàng trước của đội quân Pháp với các sĩ quan đi đầu đã hiện ra ở chân núi.
- Tiến lên! Cầu Chúa phù hộ!…
Bagration ra lệnh, giọng dõng dạc. Ông quay mặt về phía đội ngũ một lát, rồi khẽ vung vẩy hai tay, với những bước vụng về của người kỵ binh, có vẻ như đang lê chân một cách khó nhọc, ông tiến về phía trước mặt đất gồ ghề.
Công tước Andrey cảm thấy có một sức mạnh gì không thể cưỡng lại được lôi mình về phía trước và chàng cảm thấy lòng vui sướng lạ thường(3).
Quân Pháp đã tiến đến rất gần. Công tước Andrey đi cạnh Bagration đã thấy rõ mồn một nhưng chiếc đai chéo ngực, những đôi tua vai đỏ, thậm chí cả mặt người nữa. Chàng thấy rõ ràng một viên sĩ quan Pháp đã già có đôi chân vòng kiềng đi ghệt đang trèo lên núi một cách khó nhọc, luôn luôn phải níu lấy các bụi cây.
Công tước Bagration không ra lệnh gì mới. Ông vẫn cứ tiếp tục tiến lên, lẳng lặng đi trước hàng quân. Đột nhiên ở trong toán quân Pháp một phát súng nổ… rồi phát thứ hai… phát thứ ba… và tất cả hàng ngũ đã bắt đầu rối loạn của quân dịch ngập trong khói súng.
Tiếng súng nổ dồn dập trong hàng ngũ quân ta, có vài người gục xuống trong đó có viên vĩ quan mặt tròn vừa bước đều nhịp một cách vui vẻ và say sưa. Nhưng ngay khi tiếng súng đầu tiên vang lên, Bagration đã quay lại và thét lớn:
- Ura!
- Uraaaa! - Một tiếng kêu kéo dài vang lên khắp hàng ngũ quân ta, và đoàn quân vượt qua công tước Bagration, xô nhau lên trước, hăng hái và vui vẻ ào ào lao xuống núi, xông vào giữa toán quân Pháp hỗn loạn.
Phần II
Chương - 19
Cuộc tấn công của đoàn khinh binh thứ sáu đã yểm hộ được cho cánh phải của quân ta rút lui. Ở trung tâm, đơn vị pháo của Tusin bị bỏ quên đã bắn cháy Songraben, và nhờ đó, cản được đường tiến quân của Pháp. Quân Pháp đang lo chạy chữa các đám cháy gặp gió bùng lên rất to. Nhờ vậy, quân ta đã có đủ thì giờ rút lui. Đạo trung quân rút qua một cái khe, ồn ào, vội vã; gồm hai trung đoàn Kiev và Podolxki và trung đoàn phiêu kỵ Pavlograd đã bị những lực lượng của Pháp đông hơn do Lan chỉ huy tấn công và đồng thời bao vây nên bị tán loạn, Bagration phái Zerkov mang lệnh đến viên tướng chỉ huy cánh tả quân ta bảo phải rút lui ngay tức khắc.
Zerkov vẻ nhanh nhẩu, chưa kịp cất tay khỏi lưỡi trai đã thúc ngựa phi nước đại. Nhưng vừa mới rời khỏi Bagration anh ta đã không còn dũng khí nữa. Anh ta cảm thấy lo sợ cuống cuồng và không thể nào đi đến nơi nguy hìểm được.
Khi đã đến gần đạo quân bên cánh trái, Zerkov không tiến về phía trước là nơi đang bán nhau, mà lại bắt đầu tìm viên tướng và các vị chỉ huy ở một nơi không thể nào có họ được, cho nên rốt cục anh ta không truyền đạt được mệnh lệnh.
Căn cứ theo cấp bậc, quyền chỉ huy cánh trái được giao phó cho viên tướng chỉ huy trung đoàn đã được giới thiệu với Kutuzov và Braonao, trung đoàn trong đó Dolokhov làm lính. Quyền chỉ huy cánh quân cực tả thì lại giao cho viên trung đoàn trưởng trung đoàn Pavlograd trong đó có Roxtov, lình trạng này đã gây ra một sự hiểu lầm. Hai viên chỉ huy rất xung khắc với nhau. Chính trong lúc bắt đầu tấn công, thì hai viên chỉ huy vẫn đang mải đàm phán, mà mục đích của đàm phán này chỉ là để làm nhục nhau. Còn binh lính thì trong binh đoàn kỵ binh cũng như trong trung đoàn bộ binh, hoàn toàn chưa có gì sẵn sàng để đương đầu với chiến sự trước mắt. Trong hai trung đoàn, từ tướng tá đến binh sĩ đều không ngờ rằng hôm ấy đã phải chiến đấu. Họ đang điềm tĩnh lo đến những công việc rất thanh bình: kỵ binh thì bận cho ngựa ăn, bộ binh thì bận hái củi.
- Nếu ông ta cấp bậc cao hơn tôi. - Viên đại tá người Đức chỉ huy trung đoàn kỵ binh, mặt đỏ bừng, nói với viên phụ tá vừa đi ngựa đến. - Mặc cho ông ta muốn làm gì thì làm. Còn tôi, tôi không thể hy sinh quân phiêu kỵ của tôi được. Lính kèn đâu, thổi kèn lui quân ngay!
Nhưng tình hình đã khẩn cấp lắm rồi, tiếng đại bác và tiếng súng trường hòa lẫn vào nhau, nghe như mưa rào ở phía trái và phía giữa, và bóng những người lính xạ thủ của Lan mặc áo khoác đã vượt qua cái đê ở cửa nhà xay lúa và dàn ra bên này đê cách hai tầm súng trường. Viên đại tá bộ binh, với dáng đi giật nảy lên, đến cạnh con ngựa, và sau khi đã nhảy lên mình ngựa trông cao lớn và hiên ngang hẳn lên, ông đi đến gặp viên chỉ huy trung đoàn Pavlograd.
Haì viên chỉ huy gặp nhau liền kính cẩn cúi chào nhau, che giấu nỗi căm giận đang nung nấu trong lòng.
- Thưa ngài đại tá - viên tướng nói. - Xin thưa lại với ngài một lần nữa rằng dầu sao tôi cũng không thể nào bỏ lại một nửa số quân của tôi ở trong rừng. Tôi yêu cầu ngài, tôi yêu cầu ngài. - Ông ta nhăc lại. - Chiếm lĩnh trận địa và chuẩn bị tấn công đi cho.
- Còn tôi thì tôi yêu cầu ngài đừng có xen vào những công việc không phải của ngài. - Viên đại tá nổi nóng đáp. - Giá ngài là kỵ binh…
- Thưa ngài đại tá, tôi không phải là kỵ binh, nhưng tôi là tướng Nga, và nếu ngài không biết điều đó…
- Thưa ngài, tôi biết lắm chứ - viên đại tá bỗng quát lên mặt đỏ bừng, chân thúc ngựa vào hông ngựa. - Xin ngài chịu khó lên tiền tiêu mà xem một chút, rồi ngài sẽ thấy cái vị trí ấy chẳng ra gì hết. Tôi không muốn trung đoàn của tôi bị tiêu diệt để làm vừa ý ngài.
- Ngài mất tự chủ rồi đấy đại uý ạ - Tôi không hề làm theo ý thích của tôi, và tôi không cho phép ngài nói như vậy.
Viên tướng cho rằng lời đề nghị của viên đại tá là một lời thách thức tinh thần can đảm, liền nhận lời. Ông ưỡn ngực, cau mày và cùng viên đại tá đi về phía tiền tiêu, làm như thể sự bất hòa của họ sẽ được giải quyết ở đấy, nơi tiền tiêu, dưới làn mưa đạn: hai người đi ngựa đến vị trí tiền tiêu thì mấy viên đạn bay vèo qua đầu họ. Họ dừng lại, không nói nửa lời. Ở tiền tiêu chẳng có cái gì dáng để ý bởi vì từ chỗ hồi nãy họ đứng cũng đã có thể thấy rõ rằng kỵ binh không thể nào hoạt động ở giữa đám cây cối và khe suối, và thấy rõ quân Pháp đang tiến lên vây bọc cánh trái quân Nga. Giống như hai con gà trống sắp sửa chọi nhau, viên tướng và viên đại tá nhìn nhau, vẻ nghiêm trang và quan trọng, người nọ chờ đợi ở người kia những dấu hiệu của sự hèn nhát, nhưng chỉ uổng công. Cả hai đều chịu đựng cuộc thử thách không nao núng. Vì cả hai đều không thấy có gì phải nói, và không ai muốn để cho người kia có cớ cho rằng mình đã rời bỏ hoả tuyến trước. Đáng lẽ họ sẽ còn dừng lại đấy một hồi lâu để thử thách lòng can đảm của nhau, nếu lúc ấy, trong khu rừng gần sau lưng họ không có những tiếng súng nổ hàng loạt và những tiếng kêu nhao nhao lùa lẫn vào nhau. Quân Pháp tấn công vào những người lính đang hái củi trong rừng. Bấy giờ quân phiêu kỵ đã không thể nào cùng rút lui với bộ binh được nữa.
Đường rút lui của họ về phía trái đã bị tiền tiêu của quân Pháp chặn mất. Bây giờ dù địa thế bất lợi, họ cũng bắt buộc phải tấn công để mở một lối đi. Đại đội phiêu kỵ của Roxtov chỉ vừa kịp lên ngựa đã phải dừng lại đối diện với quân địch. Lần này lạì cũng như lần trên cầu Enx, giữa đại đội kỵ binh và quân địch không còn thấy một bóng người nào. Giữa hai bên là cái giới tuyến lạ lùng và ghê sợ không ai biết làm gì đang chắn ngang giống như cái giới tuyến ngăn cách người sống và người chết. Ai nấy đều cảm thấy cái giới tuyến ấy, và lo lắng tự hỏi không biết rồi mình có vượt qua nó hay không và làm cách nào để vượt qua.
Viên đại tá đi ngựa đến trước hàng quân, trả lời một cách giận dữ những câu hỏi của các sĩ quan, và giống như một con người đã nhất quyết làm theo ý mình cho kỳ được, ông ra một mệnh lệnh gì đó. Tuy không ai nói rõ rệt, nhưng ở trong đại đội có tin truyền đi nói rằng đơn vị sắp bị tấn công. Lệnh chỉnh đốn hàng ngũ đã ban ra, sau đó có tiếng những thanh gươm tuốt ra khỏi vỏ lách cách.
- Nhưng vẫn không ai cử động. Quân sĩ ở cánh trái, phiêu kỵ cũng như bộ binh, đều cảm thấy rằng bản thân các viên chỉ huy cũng không biết nên làm gì và tâm trạng hoang mang của những người chỉ huy truyền vào binh sĩ.
"Chóng lên, thôi chóng lên chứ" - Roxtov nhhĩ bụng. Chàng cảm thấy rằng cuối cùng đã đến lúc thể nghiệm cái hào hứng của những trận tấn công mà chàng đã nhiều lần nghe các bạn phiêu kỵ của chàng kể lại.
- Anh em ơi, cầu Chúa phù hộ! - Giọng Denixov hô vang. - Nước kiệu, tiến lên!
Mông những con ngựa ở các hàng đầu nhấp nhô. Con Gratsik kéo dây cương và tự ý lao về phía trước.
Ở bên phải, Roxtov nhìn thấy những hàng phiêu kỵ đầu tiên của chàng, và xa hơn, phía trước mắt, chàng thấy một cái dải gì màu nâu thâm thâm, chưa rõ là cái gì, nhưng chàng đoán là quân địch. Đã có thể nghe tiếng súng nổ, nhưng ở xa xa.
- Chuyển sang nước đại! - Một mệnh lệnh vang lên, và Roxtov cảm thấy con Gratsik của chàng hất cao mông lên chuyển sang phi nước đại.
Chàng đoán trước những cử động của con vật và mỗi lúc một thấy hào hứng. Chàng để ý đến một cái cây trơ trọi ở trước mặt. Cây này lúc dầu ở tít mãi phía trước, ở giữa con dường giới tuyến có vẻ đáng sợ kia. Thế mà bây giờ họ đã vượt qua đường giới tuyến ấy, và chẳng có gì ghê sợ cả, trái lại chàng lại càng hào hứng, phấn khởi.
"Ô! Chuyến này ta chém chúng một mẻ", Roxtov nghĩ bụng, tay nắm chặt chuôi gươm.
- Ua. - Raaa! - Những tiếng hô vang lên như sấm. "Nào, bây giờ bất kỳ thằng nào cứ lọt vào tầm tay ông xem!" - Roxtov nghĩ thầm, thúc cựa giày vào con Gratsik, và thả lỏng dây cương cho nó lao lên vượt qua các kỵ binh khác. Quân địch đã hiện ra trước mặt. Đột nhiên có một cái gì như là một cái chổi lớn quật vào đại đội phiêu kỵ. Roxtov vung kiếm lên, sẵn sàng chém xuống. Nhưng vừa lúc ấy, Nitisenko, một người phiêu kỵ đang phi trước mặt bỗng tách rời ra khỏi chàng và Roxtov cảm thấy như trong một giấc mơ rằng mình vẫn tiếp tục phi ngựa lên phía trước với một tốc độ phi thường nhưng đồng thời lại đứng nguyên một chỗ. Một người phiêu kỵ quen biết là Boldachuk đang phi ngựa ở phía sau suýt vấp phải chàng và tức giận nhìn chàng. Con ngựa của Boldachuk né ra một bên rồi vượt lên.
"Làm sao thế này? Ta không tiến lên là thế nào? Ta ngã rồi, ta bị bắn chết rồi…" - Trong nháy mắt Roxtov tự hỏỉ mình và tự trả lời mình như vậy. Bây giờ chỉ còn lại mình chàng trơ trọi ở giữa cánh đồng. Thay cho những con ngựa đang phi và những lấm lưng của lính phiêu kỵ, bốn bề chỉ còn thấy mặt đất im lìm phủ đầy cỏ tranh.
Dưới người chàng máu ở đâu chảy ra nóng hâm hấp. "Không, ta chỉ bị thương mà thôi, con ngựa của ta bị bắn chết". Con Gratsik chống hai chân trước nhổm lên nhưng rồi lại gục xuống, đè lên chân người cưỡi nó. Máu ở đầu ngựa tuôn ra. Con ngựa giãy giụa mãi không sao đứng lên được. Roxtov muốn đứng dậy nhưng cũng khuỵu xuống: dải đeo gươm của chàng đã mắc vào yên ngựa. Quân ta đâu rồi? Quân Pháp đâu rồi? - Chàng chẳng biết nữa. Xung quanh chàng không có lấy một bóng người.
Chàng rút chân ra và đứng lên: "Cái giới tuyến hồi nãy phân chia rõ rệt hai đạo quân bây giờ ở đâu, ở phía nào?" Chàng tự hỏi, nhưng không sao trả lời được. "Có phải mình vừa gặp chuyện gì rủi ro không? Tình trạng này thường có xảy ra không, và gặp trường hợp này phải làm gì?" - Chàng vừa đứng lên vừa tự hỏi. Ngay lúc ấy chàng cảm thấy có một cái gì thừa thừa lủng lẳng ở cánh tay trái bị êm ẩm. Bàn tay của chàng cứ như bàn tay của người nào khác.
Chàng chăm chú nhìn cánh tay nhưng tìm mãi cũng không thấy có máu. "Ồ có người đến đây rồi. - Chàng nghĩ thầm, vui sướng khi thấy có mấy người chạy về phía mình. - Họ đến cứu mình đây!".
Đi đầu là một người đội cái mũ sa-cô kỳ quái, mặc áo khoác màu lam, nước da rám nắng, mũi quặm. Hai người khác theo sau, rồi đến nhiều người khác nữa. Một người trong bọn nói một câu vì nghe rất lạ tai, không phải tiếng Nga. Ở phía sau bọn họ đứng giữa một tốp người cũng giống như họ, cũng đội mũ sa-cô như vậy, và có một người lính phiêu kỵ Nga. Những người kia giữ tay anh ta, và đằng sau, con ngựa của anh ta cũng đang bị họ giữ.
"Đúng rồi, nhất định đó là một người Nga bị bắt làm tù binh… Phải rồi! Chúng bắt cả ta nữa sao? Thế bọn này là ai? - Roxtov cứ băn khoăn tự hỏi, chàng không tin vào mắt mình nữa. - Quân Pháp thật à?"
Chàng nhìn quân Pháp đang tiến đến gần, và mặc dầu mấy phút trước chàng phi ngựa cũng chỉ để đâm bổ vào quân Pháp kia và chém cho chúng một mẻ, nhưng nay đến gần thì chàng lại cảm thấy sợ hãi đến nỗi không dám tin vào mắt mình nữa. "Họ là ai? Tại sao họ lại chạy? Có phải họ đến ta không? Có lẽ nào họ lại chạy đến chỗ ta? Để làm gì chứ" Để giết ta à? Giết ta, một người mà ai cũng quý mến?".
Chàng sực nhớ đến tình thương của mẹ chàng, của gia đình chàng, của chàng. "Nhưng có thể là chúng giết!" Chàng đứng im hơn mười giây tại chỗ, không biết nên đối phó như thế nào. Tên Pháp đi đâu có cái mũi quắm đã đến gần đến nỗi Roxtov có thể thấy rõ từng nét mặt của hắn. Thấy hắn cầm ngang lưỡi lê, nín thở lao nhanh về phía chàng một cách hăm hở, Roxtov đâm hoảng. Chàng nắm lấy súng ngắn, nhưng không bắn, mà lại ném về phía tên lính Pháp và ba chân bốn cắng chạy về phía đám bụi rậm. Lần này chàng không thấy mình có cái cảm giác ngờ vực và day dứt như ở cầu Enx, trái lại chàng bỏ chạy với cảm giác của một con thỏ rừng bị chó săn đuổi. Nỗi lo sợ phải từ bỏ cuộc sống, cuộc sống trẻ trung, sung sướng của mình tràn ngập tâm hồn chàng.
Chàng chạy thục mạng, nhảy qua ngòi ranh nhanh vun vút như hồi còn nhỏ khi chơi đuổi bắt. Chàng băng qua cánh đồng, thỉnh thoảng quay mặt lại nhìn, gương mặt tuấn tú, trẻ trung bây giờ đã tái xanh, và thấy lạnh toát ở sống lưng. "Không! Đừng nhìn là hơn", chàng nghĩ bụng, nhưng vừa chạy qua bụi rậm thì chàng lại ngoái cổ một lần nữa. Bọn Pháp tụt lại đằng sau và ngay lúc ấy tên lính Pháp đi đầu không chạy nữa, đi chậm lại và quay về phía sau thét một tiếng gì thật to với đồng đội Roxtov dừng lại. "Không. - Chàng nghĩ thầm. - Không thể như thế được Không có lý do gì chúng lại muốn giết ta!" Trong lúc ấy, bàn tay trái của chàng thấy nặng trĩu như có ai buộc một quả tạ ba mươi cân vào đấy. Chàng không thể nào tiếp được nữa. Tên lính Pháp cũng đứng lại giơ súng lên ngắm. Roxtov nhắm nghiền mắt lại và cúi xuống. Một viên đạn bay vù vù sát người chàng, rồi một viên nữa.
Chàng thu hút tàn lực lấy bàn tay phải lắm lấy cánh tay trái và chạy một mạch đến một khóm cây rậm rạp. Trong khóm cây đó là một vị xạ thủ Nga.