Ai là kẻ thứ ba - Phần I chương 02
2. Tự thuật của người chồng bất lực:
Vợ phong lưu đa tình, tôi đành ôm hận trông phòng không.
Sử Hồng vợ tôi là người bán vé ở rạp chiếu bóng. Tôi được phân công tới làm việc trong một ngân hàng tại Vũ Hán. Rạp chiếu bóng ở gần cơ quan tôi. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường chạy tới đó xem phim. Mỗi lần mua vé, đều có thể thấy cô ấy. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô ấy là “quá đẹp”.
Có một lần, cơ quan tôi thuê cả rạp, kêu tôi đi lấy vé. Hôm đó đúng lúc cô ấy trực ban. Sau khi đưa một xấp vé cho tôi, cô tiện miệng hỏi, “Anh làm ở ngân hàng à?” Tôi gật đầu, chỉ thấy cô ấy cười, hỏi tiếp, “Trước đây thấy anh thường đến xem phim, sao chỉ có một mình? Sao không đưa bạn gái theo?” Tôi đáp, “Người như tôi, làm gì có cô nào chịu làm bạn gái cơ chứ?” Cô ấy kêu ngay, “Không thể như vậy được, cơ quan anh tốt như thế, tìm một cô bạn gái lẽ ra không khó chứ?”
Chẳng qua tôi chỉ đùa với cô ấy mà thôi. Thực ra lúc đó, các cô được giới thiệu với tôi rất nhiều, nhưng tôi không muốn gặp. Tôi không thích cảm giác bị mai mối. Hai người lạ bị người khác dắt đi, thực ra có cảm giác hay không cũng phải ứng phó với nhau dăm câu, thật ngại ngùng. Tôi vẫn thích được tự do yêu đương, tình yêu sét đánh của nam nữ, cảm giác đó mới thật tuyệt.
Đúng vậy, mãi cho tới giờ, tôi vẫn không có cơ hội trải nghiệm được cảm giác ngọt ngào đó. Sau lần tới rạp lấy vé xem phim, đúng lúc lại cuối năm, việc ở cơ quan nhiều. Tôi bận rộn suốt ngày ở cơ quan, không có thời gian quay lại rạp xem phim. Nghỉ xuân được mấy ngày, đúng lúc rạp có nhiều phim hay. Tôi định tận dụng mấy ngày đó đi xem phim, bù đắp lại những thiếu hụt thời gian đầu.
Khi đi mua vé, may thay lại là Sử Hồng trực. Tôi lấy tiền đưa cho cô ấy. Thấy tôi, cô ấy mỉm cười, hỏi sao lâu thế không tới xem. Tôi đáp thời gian trước công việc bận rộn, ngày nào cũng bị công việc đè tới mức không thở nổi, làm gì còn thời gian đi xem phim. Nhận tiền xong, cô ấy lại trả lại cho tôi, nói, “Không cần mua vé đâu, anh nói với người soát vé rằng anh là bạn tôi là được. Đúng rồi, anh còn nhớ tên tôi không? Tôi là Sử Hồng.” Tôi nói, “Thôi, cứ để tôi mua vé. Như vậy không hay lắm.” Cô cười đáp, “Không sao, không sao, cứ coi như tôi mời anh là được.”
Tới cổng soát vé, tôi nói tên Sử Hồng. Quả nhiên họ rất thoải mái cho tôi vào. Tối hôm sau, tôi lại đi xem phim. Hôm nay Sử Hồng không trực. Người bán vé là một cô gái khác. Mua vé xong, tôi ra cửa soát vé, cô xé vé ngẩng đầu lên nhìn thấy tôi, vội vã cười chào hỏi, “Là anh đấy à? Không phải anh là bạn của Sử Hồng? Tôi không xé vé của anh đâu, ra trả lại quầy vé đi.” Tôi vội vã nói, “Không sao không sao.” Chúng tôi khách sáo nói với nhau dăm câu, cô ta mới chịu xé vé cho tôi.
Lại một lần xem phim khác, do Sử Hồng trực nên cô ấy nhất định không bán vé cho tôi, lại còn trách tôi tại sao cứ đòi bỏ tiền. Chẳng qua chỉ là một tấm vé xem phim thôi, không cần phải khách sáo như thế, hay là coi thường cô ấy? Cô ấy bảo đã làm việc với người soát vé rồi. Sau này dù tôi tới lúc nào, dù cô ấy có ở đấy hay không, đều không cần phải mua vé, cứ đi thẳng vào là xong.
Suốt ngày chiếm vé xem phim của người khác khiến tôi cảm thấy rất ngượng, muốn đáp lại. Tôi quyết định mời Sử Hồng đi ăn. Mới đầu cứ ngỡ cô ấy sẽ từ chối, không ngờ vừa mở lời, cô ấy đã vui vẻ nhận lời ngay. Bữa cơm đó, chúng tôi ăn rất vui vẻ. Trong quá trình ăn, chúng tôi nói chuyện, cười đùa như mấy người bạn cũ. Từ sau bữa cơm đó, giữa chúng tôi đã hình thành một thói quen. Cứ cuối tuần, tôi lại mời cô ấy đi ăn cơm. Cô ấy cũng không khách sáo, lần nào cũng tới.
Một buổi cuối tuần, cô ấy gọi điện thoại cho tôi, hỏi có muốn tới Tây Hồ chơi không. Đó là lần đầu tiên cô ấy chủ động hẹn tôi. Tôi không nghĩ ngợi gì, nhận lời luôn.
Tây Hồ cách chỗ chúng tôi rất gần. Chúng tôi đi xe đạp, mỗi người một cái, chả mấy chốc đã tới nơi. Cất xe xong, chúng tôi chậm rãi đi men theo hồ. Khi đi qua cầu, đột nhiên cô ấy hỏi, “Chúng ta quen nhau đã lâu, anh thấy em là người như thế nào?” Tôi vội đáp: “Rất tốt!” Cô ấy nhìn tôi hỏi, “Anh nói thật không đấy?” Tôi đáp, “ Tất nhiên là thật, em thực sự rất tốt. Thời gian ở bên em, anh thấy rất vui vẻ.”
Cô ấy như thở phào, rồi lại xoay mặt đi hỏi, “Em lại hỏi anh, anh có muốn em làm bạn gái anh không?” Tôi sững người, thực sự không ngờ cô ấy lại hỏi như vậy. Thấy tôi im lặng, cô ấy có vẻ thất vọng, “Biết ngay anh không thích em. Cứ coi như em chưa nói gì nhé. Chúng ta sau này vẫn là bạn bè!” Lúc này tôi đã bình tĩnh, vội vã giải thích, “Em đẹp như vậy, sao anh lại không thích được. Em chấp nhận làm bạn gái anh, anh còn vui chưa hết nữa là!”
Nghe thấy tôi nói vậy, mặt Sử Hồng thoắt đỏ bừng, như một đóa hoa đào mới nở tuyệt đẹp. Từ cầu đi xuống, tôi khoác vai cô ấy. Cô ấy ôm eo tôi. Chúng tôi như một cặp qua lại với nhau đã lâu, chậm rãi quay lại về nhà tôi.
Cứ như vậy, chúng tôi qua lại với nhau và rơi vào tình yêu nồng nàn rất nhanh. Nửa năm sau, chúng tôi nhanh chóng chạy việt dã, hạnh phúc đi vào thánh đường hôn nhân.
Hồi đang yêu Sử Hồng, rất nhiều bạn bè tôi sau khi gặp cô ấy đều ghen tị nói, “Được lắm người anh em, con gái đẹp như vậy mà cậu cũng tán được.” Thấy mọi người khen bạn gái mình, lòng tôi như mật, ngọt ngào vô cùng. Tính nết Sử Hồng cũng rất tốt, mỗi lần bạn bè tôi đùa trước mặt, cô ấy cũng không giận, chỉ cười ngọt ngào, im lặng nhìn chúng tôi ba hoa.
Song, những ấn tượng tốt đẹp của tôi về cô ấy, theo tháng trăng mật, đã nhanh chóng chấm dứt. Lấy nhau chưa lâu, ở cùng nhau, tôi mới phát hiện thấy Sử Hồng thực ra là một người con gái rất lười biếng, không thích nấu cơm hoặc làm việc gia đình. Nhà vệ sinh rất bẩn, cô ấy mặc kệ. Bát đũa bẩn, cô ấy cũng không muốn rửa.
Sử Hồng trước và sau khi kết hôn như biến đổi thành hai người khác nhau, thực sự khiến tôi kinh ngạc. Hồi đang yêu nhau, cô ấy còn rất chăm chỉ. Lần nào tới nhà tôi, cô ấy cũng giành làm việc dọn dẹp. Tại sao bây giờ cô ấy lại trở nên lười như vậy? Tôi không khỏi nhớ tới hình ảnh Trư Bát Giới trong “Tây du kí”, khi mới tới thôn Cao Lão, là một chàng trai rất cần cù chăm chỉ. Nhưng về sau đã hiện nguyên hình, biến thành một con lợn tham ăn, lười biếng.
Nói không phải khoa trương, từ ngày lấy nhau, cô ấy chưa hề nấu một bữa cơm. Dù tôi đi làm bận thế nào, cô ấy cũng không đụng tới một đầu hành hoặc một củ tỏi. Mọi việc đều do tôi làm, nếu không cô ấy thà nhịn đói. Tới ngày nghỉ, cô ấy cũng chuẩn bị một đống việc bắt tôi làm, hết lau cái này, lại sửa cái kia. Nếu không làm tôi mệt lử, hẳn cô ấy thấy có lỗi với chính mình.
Tôi là con một trong nhà. Trước khi lấy vợ, tôi vẫn sống cùng bố mẹ, nhưng cũng là trụ cột chính trong nhà. Nhưng giờ đây đã có gia đình riêng, phải có một người lo chuyện gia đình. Cô ấy không chịu làm, tôi đành phải ôm hết mọi chuyện lặt vặt. Cô ấy không làm, không nói, vẫn rất ưa bắt bẻ. Nào là rau tôi thái quá to, bỏ muối quá ít, hoặc dấm quá nhiều. Tôi thấy thật kì lạ, một người con gái dịu dàng, nhẹ nhàng như vậy, sao vừa mới lấy nhau như biến hẳn thành người khác?
Tôi là một người đàn ông rất coi trọng gia đình. Chuyện thế giới bên ngoài có xoay đảo ra sao, tôi cũng mặc kệ, nhưng rất coi trọng về cái tổ ấm nhỏ nhắn mới được xây thành này. Tuy nó rất nhỏ, nhưng đó là bước ngoặt của đời tôi. Chỉ cần tổ ấm này yên bình mới có thể khiến tâm hồn tôi được thư thái. Trước khi kết hôn, tôi từng gửi gắm vào nó rất nhiều tình cảm. Giờ đây, tôi mới hiểu ra rằng, cái khát khao nhỏ nhoi vốn có của tôi đó rất khó được thực hiện.
Tôi thấy mình đã làm hết sức rồi. Nhưng cô ấy vẫn không hài lòng, luôn oán trách tôi không chịu nói câu “anh yêu em” ngày ngày, không thơm cô ấy khi cô ấy đang ngủ, không nhìn cô ấy đắm đuối, để cô ấy vừa mở mắt ra đã nhìn thấy ngay tình yêu của tôi dành cho cô ấy. Cô ấy oán trách tôi không bế cô ấy mỗi khi ngủ dậy, không mặc quần áo cho cô ấy, không chịu đáp ứng yêu cầu của cô ấy là ôm hôn nồng nàn trước bàn dân thiên hạ.
Cô ấy là một phụ nữ lãng mạn. Tôi không phải không hiểu. Nhưng giờ đây chúng tôi đã kết hôn. Cuộc sống gia đình cần thực tế, chi tiết, làm sao có thể lãng mạn như trước được? Như vậy chẳng khác nào làm người ta mệt chết. Hôn nhân của chúng tôi cứ thế trôi qua một năm trong tiếng oán trách của cô ấy và tiếng thở dài nhẫn nhịn của tôi.
Một năm sau, con trai chúng tôi ra đời. Vợ tôi dồn hết sự chú ý vào con, ngày càng lạnh nhạt với tôi. Hàng ngày, ngoài chủ đề về con, chúng tôi hầu như không có sự giao lưu nào khác. Sau khi con lớn hơn một chút, đi được nhà trẻ, vợ tôi lại rảnh rỗi. Cũng đúng lúc này, cô ấy rất thích đi nhảy nhót, thời gian rảnh đều dồn hết vào đó. Hàng ngày trừ khi đi làm, là cô ấy lại nhảy nhót, chẳng làm được chuyện gì tử tế.
Tôi không phản đối chuyện giải trí nhảy nhót, quan trọng là cô ấy không thể dồn hết thời gian vào đó. Một người mẹ mà cả ngày chỉ biết chuyện đó cũng không phải hay ho gì. Tôi khuyên cô ấy bớt chơi đi, quan tâm tới con cái và gia đình hơn. Nhưng cô ấy mặc kệ, lại còn nói, Tranh thủ lúc còn trẻ phải chơi cho đã, sau này về già rồi, muốn chơi cũng không chơi được.
Cô ấy nói cũng có lí. Nhưng cô ấy không hiểu rằng mọi việc gia đình dù lớn hay nhỏ đều một mình tôi lo liệu. Tôi không phải là người đàn ông chuyên việc nội trợ. Tôi còn có công việc riêng của mình. Tôi vừa làm bố, vừa làm mẹ, chăm sóc cả nhà, ngày càng cảm thấy kiệt sức.
Có một lần cơ quan họp cả ngày. Tôi về tới nhà đã hơn tám giờ tối. Hôm đó vợ tôi được nghỉ, tôi cứ ngỡ cô ấy ở nhà chăm con. Không ngờ về đến nhà không thấy cô ấy, chỉ thấy con trai ngồi một mình trước bàn, ăn mỳ gói, không có tí thức ăn nào. Tôi hỏi mẹ đâu, sao không làm cơm? Nó chúm môi đáp, “Mẹ đi ra ngoài từ sáng, vẫn chưa về. ” Nó ở nhà ăn hai bữa đều mỳ gói.
Con trai đang tuổi lớn, sao có thể đối xử với nó như vậy? Hơn nữa vứt thằng bé như vậy ở nhà, nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao? Ở nước ngoài, bố mẹ mà đối xử với con mình như vậy sẽ là phạm tội. Tôi xót con trai, lòng nổi giận bừng bừng, cho con ăn nốt rồi giúp nó rửa mặt, nịnh nó lên giường ngủ.
Tôi cầm một cuốn sách ngồi trên ghế đọc, vừa đọc vừa nghe động tĩnh bên ngoài, bực bội sao muộn như vậy mà vợ chưa về. Hơn một giờ đêm, rốt cuộc cô ấy mới về. Nghe thấy tiếng cô ấy vào nhà, tôi gắng đè lửa giận, hỏi, “Cô chạy đi đâu cả ngày thế? ” Vợ tôi đáp hờ hững, “Chả chạy đi đâu cả, vẫn trên mặt đất.”
Lửa giận trong tôi lại bùng lên. Tôi bực tức quát: “Vớ vẩn, không ở trên trái đất thì cô chạy lên sao Hỏa chắc? Cô nhìn lại mình xem, còn giống một người mẹ nữa không? Đến con trai cũng mặc kệ không chăm. Tối như vậy mới mò về. Cả ngày nay rốt cuộc cô làm những gì?” Vợ tôi trợn mắt lên, bực bội không kém, “Bận cái gì à? Anh thử nói xem tôi bận cái gì nào? Anh không biết sao? Gần đây tôi tìm được một người tình, nên bận rộn với anh ta.”
Tôi tức quá, không kịp suy nghĩ tát bốp cô ấy một cái. Cô ấy bị đánh bất ngờ, sững sờ, rồi khóc ầm lên. Vừa khóc, cô ấy vừa căm hận nói, “Được, anh dám đánh tôi, tôi sẽ liều chết với anh!” Nói rồi, cô ấy ném cuốn sách trên ghế về phía tôi. Vừa ném vừa nói rất uất ức, “Anh là đồ vô lương tâm. Chẳng qua tôi chỉ đi khiêu vũ bên ngoài, anh lại nghi ngờ tôi như vậy. Anh cũng không thử nghĩ xem, liệu tôi có dám làm điều gì có lỗi với anh không? Lẽ nào anh không biết khi yêu anh, tôi chưa từng có bạn trai? Tôi đã trao cho anh tất cả, lẽ nào anh còn chưa thỏa mãn? Anh thử nghĩ xem, người như tôi liệu có kiếm tình nhân không? Anh đúng là đồ lợn. Tôi nói như vậy mà anh cũng tin sao? Có tình nhân mà tôi lại nói cho anh biết sao? Anh giỏi rồi, dám đánh vợ. Anh nói xem, anh còn được coi là đàn ông không hả?”
Bình tĩnh lại, tôi mới nhận thấy mình sai lầm ghê gớm. Dù xảy ra chuyện gì đi nữa, một người đàn ông cũng không thể đánh đàn bà. Đàn ông đánh vợ, y hệt như vợ tôi chửi, “còn được coi là đàn ông nữa không?”. Nhưng đã muộn rồi, tôi đã đánh vợ rồi, đã sai rồi, làm thế nào bây giờ?
Tôi ân hận quá, mấy ngày sau đó, tôi xin lỗi vợ mãi, xin cô tha thứ. Nhưng cô ấy không chịu, bắt đầu ngủ riêng. Cô ấy ngủ trong phòng ngủ chính, tôi và con trai ngủ ở phòng con trai. Cô ấy nói tim cô ấy đã chết, dù tôi làm gì, cô ấy cũng không thể tha thứ được. Cô ấy thề suốt đời này sẽ không tha thứ cho một gã đàn ông có khuynh hướng bạo lực như tôi.
Tôi biết chuyện đã to, sai ở tôi, tôi không nên đánh cô ấy. Để chuộc lỗi cho sai lầm đó, tôi không ngừng tìm cơ hội lấy lòng cô ấy, lại kể cho cô ấy nghe nhiều chuyện liên quan giữa gia đình và sự trưởng thành của con cái. Tôi nói nếu cứ tiếp tục như vậy, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến sự trưởng thành của con. Hình như cô ấy cũng sợ, nên đồng ý cho tôi quay lại phòng ngủ chung của hai vợ chồng, nhưng vẫn không cho phép tôi được đụng tới cô ấy, không chịu quan hệ vợ chồng với tôi. Tôi biết cô ấy vẫn giận, nên dùng tình dục để trừng phạt tôi. Tôi biết cách đó gây tổn thương rất lớn tới quan hệ vợ chồng, nên tìm cách để phá vỡ nó.
Giường ngủ của chúng tôi rất lớn. Thời gian này, cô ấy nhất định không cho tôi nằm gần. Một tối, tôi nhích lại gần cô từng tí một, thử tìm cách đặt tay lên người cô ấy, nhưng bị cô ấy hất ra. Nhưng tôi vẫn dày mặt xích lại gần, cuối cùng cũng ôm được cô ấy vào lòng.
Nhờ tôi vuốt ve kích thích, cuối cùng cô ấy cũng hơi “hứng khởi”. Tôi tấn công mạnh hơn, làm tình với cô ấy. Đúng lúc ân ái mặn nồng nhất, tôi lại khẩn cầu cô ấy nể mặt con, tha thứ cho tôi một lần. Vợ tôi có vẻ hơi cảm động, đồng ý nhưng có một điều kiện là từ nay về sau, tôi không được xía vào chuyện nhảy nhót của cô ấy. Cô ấy nói chỉ có một sở thích như vậy. Con người nếu không có một sở thích gì, sống cũng vô vị.
Để “tạ tội”, tôi đành nhận lời. Từ sau khi vợ tôi nhận được cái tát của tôi để đổi lấy “tự do”, ngày càng mê mải nhảy nhót đàn đúm hơn nữa, việc trong nhà không mảy may quan tâm.
Tôi là một kẻ mù tịt về khiêu vũ. Đừng nói tới sàn nhảy, ngay cả cơ quan thỉnh thoảng mở tiệc khiêu vũ, tôi vẫn gắng tìm cách tránh né. Về chuyện nhảy nhót, tôi không đến nỗi ghét, chỉ không thích mà thôi. Đối với tôi, khiêu vũ là một từ rất trung tính, tôi không có thái độ xấu với nó. Nhưng nói tới sàn nhảy đại chúng giá rẻ mà vợ tôi thường đi, tôi không hề có cảm tình. Nếu nói tôi có cái nhìn phiến diện vào nó, chắc cũng không quá. Trong ấn tượng của tôi, đó quả thực là một nơi khói thuốc mù mịt, không gian ô nhiễm, không ngừng gieo rắc mầm bệnh dục vọng,
Từ sau khi vợ tôi mê nhảy nhót, tôi bất giác cũng quan tâm tới mọi tin tức liên quan đến sàn nhảy. Tôi nhận thấy trong các bài báo được đăng tải nói về sàn nhảy cũng có tới tám, chín phần là các tin xấu. Nếu không phải là chuyện kiểm tra được sàn nhảy nào dùng thuốc lắc hoặc ma túy, thì cũng là tóm được gái nhảy mại dâm, thậm chí cả lũ đàn ông chuyên cung cấp dịch vụ đặc biệt cho các bà các cô. Hoặc chuyện các gái nhảy nam gái nhảy nữ đánh nhau vì giành khách. Tóm lại sàn nhảy là nơi bẩn thỉu ô nhiễm, là khu phát huy đủ mọi án hình sự.
Tôi thực lòng không muốn vợ tôi ngày ngày tới những nơi như vậy, liền thường báo các tin tức đó để khuyên răn cô ấy. Hy vọng cô ấy bớt đi hơn, tránh bớt những rắc rối không đáng có. Nhưng vợ tôi cương quyết không nghe. Lần nào cũng chưa đợi tôi nói hết, cô ấy cũng phản công lại. “Anh đưa ra những ví dụ như vậy, rốt cuộc muốn nói chuyện gì? Cả nước có mười mấy vạn người chết vì tai nạn giao thông hàng năm, rốt cuộc có thể nói lên được điều gì. Lẽ nào tôi không gặp ai, cứ ở nhà không dám ra cửa? Khiêu vũ vừa rèn luyện sức khỏe, lại có thể khiến con người sống vui vẻ, tại sao lại không tốt? Anh nhìn lại anh xem, cả ngày không có việc gì cứ nghĩ lung tung. Vợ anh là người như vậy sao? Tôi có thể gây ta chuyện gì? Những chuyện gái điếm, trai điếm trên báo, anh có thể tin là thật sao? Chẳng qua đó là do lũ vô công rồi nghề bịa ra. Anh không đến mức cho rằng vợ anh cũng làm điếm chứ? Dạng đàn ông như anh, tâm địa thật xấu xa.”