Máu Lạnh - Phần II - Chương 5
“Chậc, bà nghĩ tôi muốn bỏ đi sao?” bà Ashida nói. “Đi bao nơi rồi, đây là chỗ đẹp nhất chúng tôi từng sống. Song Hideo, ông ấy là người quyết tất, ông ấy nói chúng tôi có thể có một cái trại tốt hơn ở Nebraska. Để tôi nói với bà cái này, Bess. Bà Ashida toan nhăn mặt, nhưng bộ mặt nhẵn mịn, béo tròn, phúng phính của bà không sao xoay xở để nhăn nổi được. “Chúng tôi đâm quen cãi nhau về việc ấy. Rồi một đêm tôi bảo, ‘OK, ông là chủ, được, chúng ta đi.’ Sau cái vụ xảy ra với Herb và gia đình ông ấy, tôi cảm thấy một cái gì quanh đấy đã đi tới khúc kết. Tôi muốn nói cá nhân tôi. Cho tôi. Thế là tôi thôi bàn cãi. Tôi bảo OK.” Bà vọc tay vào hộp bích quy Jack của Bruce. “Trời, tôi không ngờ được. Tôi không dứt được diều đó ra khỏi đầu. Tôi ưa Herb. Bà có biết tôi là người cuối cùng trông thấy ông ấy còn sống không? Tôi và lũ trẻ. Mẹ con tôi đến họp 4-H ở Garden City và ông ấy đã chở mẹ con tôi về nhà. Điều cuối cùng tôi nói với Herb, tôi bảo ông ấy là tôi không làm sao tưởng tượng ra được ông ấy lại biết sợ. Tình hình bất kể thế nào, ông ấy chỉ cần nói thôi là cứ thế thoát ra.” Đăm chiêu, bà nhấm nhấm cái nhân bích quy Jack, tợp một ngụm Coca của Bobby rồi nói, “Lạ, nhưng bà biết đấy, Bess, tôi dám đánh cuộc là lúc ấy ông ấy không sợ. Ý tôi là, tuy nó đã xảy ra rồi, nhưng tôi vẫn cứ vét túi đánh cuộc rằng lúc ấy ông ấy không tin là nó sẽ xảy ra. Vì không thể xảy ra. Không thể xảy ra được với ông ấy.”
Mặt trời chói lọi. Một chiếc tàu nho nhỏ đang thả neo bập bềnh trên mặt biển êm: chiếc Estrellita, với bốn người ở trên - Dick, Perry, một thanh niên Mexico, và Otto, một người Đức trung niên giàu có.
“Xin hát lại nào,” Otto nói, và Perry búng cây ghi ta, hát bài Nước non hoa khói, bằng giọng khàn, dịu:
Trong cái thế gian ta sống hôm nay
Đời người có thể nói những điều tồi tệ nhất về ta,
Nhưng khi ta đã qua đời nằm trong cỗ áo quan,
Họ lại luôn lùa vào tay ta vài bông huệ.
Khi chúng tôi sống thì hoa sao các người lại chẳng cho...
Một tuần ở Mexico City, rồi hắn và Dick lại đi xuống phía Nam - Cuernavaca, Taxco, Acapulco. Và chính ở Acapulco, trong một “quán nhậu có máy hát ầm ầm”, chúng đã gặp gã Otto chân đầy lông và tấm lòng nồng nhiệt. Dick đã “chài được hắn”. Nhưng con người lịch sự hào hoa này, một luật sư người Hamburg đi nghỉ hè “đã có bạn rồi” - một người Acapulco bản địa trẻ tuổi tự xưng là Cao bồi. “Nó xem ra tin được đấy,” Perry có lần nói về Cao bồi như vậy. “Bỉ ổi như Judas, ở một số mặt nào đó, nhưng ồ, bạn à, một thằng trẻ ngộ đấy, một thằng nài ngựa thật sự là lanh lẹ. Dick cũng thích gã. Chúng ta tiến bộ lớn đây.”
Cao bồi tìm cho những người lang thang xăm mình này một gian phòng trong ngôi nhà của một ông chú, bỏ công nâng cao tiếng Tây Ban Nha cho Perry, chia sẻ những món lời từ mối quan hệ với gã người Hamburg đi hưởng kỳ nghỉ hè, kẻ đã chi tiền để cho chúng ăn nhậu và chơi gái. Lão chủ xem bộ nghĩ rằng những đồng peso của gã đang được tiêu đúng chỗ đúng nơi, dù chỉ vì lão khoái những chuyện đùa của Dick. Ngày ngày Otto thuê chiếc Estrellita, một tàu đánh cá xa khơi, rồi bốn người bạn đi loanh quanh dọc bờ biển. Cao bồi chèo; Otto ký họa và câu; Perry móc mồi câu nghĩ vẩn nghĩ vơ, hát rồi thỉnh thoảng cũng câu; Dick không làm gì - chỉ rên rỉ, phàn nàn cái cuộc lênh phênh, nằm uống rượu phơi nắng, uể oải như con thằn lằn ngủ trưa vậy. Nhưng Perry lại bảo, “Cuối cùng là như thế này đây. Phải là cái kiểu thế này đây.” Hắn vẫn biết không thể cứ để việc này tiếp tục mãi - biết rằng chính hôm nay đây cái trò này phải chấm dứt. Ngay sau hôm Otto về Đức là hắn và Dick sẽ lái xe về lại Mexico City - theo lời Dick van nài. “Chắc chắn rồi, bồ à,” Dick nói khi chúng bàn đến việc này. “Cứ vui chơi thỏa thích vân vân đi nhé. Có mặt trời chiếu vào lưng. Nhưng xin đội nón theo nhau đi, đi, đi. Nào, sau khi bán cái xe rồi thì chúng ta còn lại những gì?”
Còn rất ít, câu trả lời là như vậy, vì đến nay chúng đã xài hết phần lớn những thứ chúng lấy được cái hôm tiêu séc giả thả giàn ở Kansas City - camera, khuy măng sét, ti vi. Chúng cũng đã bán cho một tay cảnh sát mà Dick làm quen ở Mexico City cả cái ống nhòm lẫn chiếc rađiô xách tay Zenith màu xám. “Chúng ta sẽ về Mexico City, bán cái xe rồi có thể tớ sẽ kiếm được việc làm ở gara ô tô nào đó. Muốn gì thì ở trên ấy vẫn tốt hơn đây. Có nhiều cơ hội hơn. Lạy Chúa, tớ lại có thể dùng con Inez kia nhiều nữa rồi đấy.” Inez là một ả gái điếm đã gạ gẫm Dick trên các bậc tam cấp Lâu đài Mỹ thuật ở Mexico City (chuyến tham quan là một phần của tua đi quanh xem thành phố cho vui lòng Perry). Ả điếm mười tám tuổi và Dick đã hứa lấy ả. Nhưng hắn cũng đã hứa lấy Maria, một mụ năm mươi tuổi, vợ góa của một “chủ ngân hàng nổi tiếng người Mexico”. Hai người gặp nhau trong một quán bar và sáng hôm sau mụ đã trả cho Dick tương đương bảy đô la. “Vậy việc đó mày nghĩ sao?” Dick hỏi Perry. “Sẽ bán cái xe. Tìm việc làm. Dành dụm xiền. Rồi xem cái gì sẽ tới.” Làm như Perry không thể dự báo chính xác được cái gì sẽ xảy tới ấy. Giả sử chúng kiếm được hai ba trăm nhờ bán cái xe Chevrolet. Dick, nếu như hắn biết Dick, mà đúng là hắn có biết - nay thì biết rồi - Dick sẽ lập tức tiêu hết ngay vào Vodka và gái cả thôi.
Trong khi Perry hát, Otto ký họa hắn. Khá giống, người nghệ sĩ đã nhận ra được một nét không lộ rõ lắm của bản chất cái người đang ngồi cho mình vẽ - sự ác hiểm, một nét tinh quái con nít, ngộ nghĩnh gợi đến một thần Cupid không tốt lành gì đang giương ngắm những mũi tên tẩm độc. Hắn để trần thân trên. (Perry “xấu hổ” phải cởi quần, “xấu hổ” phải mặc quần bơi, vì hắn sợ hình ảnh đôi chân tàn tật của hắn sẽ “làm người ta kinh”, cho nên, bất chấp những điều hắn mơ tưởng dưới nước, tất cả những chuyện nói về bơi lặn, hắn chưa hề một lần nào xuống nước.) Otto ghi lại một số hình xăm trang điểm bộ ngực, đôi cánh tay quá cỡ cơ bắp và đôi bàn tay nhỏ nhắn nom như con gái nhưng lại đầy chai của Perry. Quyển ký họa mà Otto cho Perry như một món quà chia tay gồm có nhiều bức vẽ Dick - “bài tập vẽ khỏa thân”.
Otto gập quyển ký họa lại, Perry đặt cây ghi ta xuống, và Cao bồi kéo neo, nổ máy. Đã đến giờ phải đi. Chúng ở ngoài biển mười dặm và mặt nước đang tối lại.
Perry giục Dick câu. “Chúng ta có thể chẳng còn dịp may nào khác nữa đâu,” hắn nói.
“Dịp may nào?”
“Vớ được con cá bự.”
“Giê-su, tớ đang bị phải cái đồ chó chết đây,” Dick nói. “Tớ bệnh.” Dick thường hay bị đau nửa đầu rất dữ - “cái đồ chó chết.” Hắn nghĩ đó là hậu quả lần đâm xe hơi. “Cưng à, xin hãy yên tĩnh, thật yên tĩnh nào.”
Lát sau, Dick đã quên hết cơn đau. Hắn đứng lên, hét hò phấn khích. Otto và Cao bồi cũng hò hét. Perry đã “câu được một con bự”. Một con một mét vọt lên rồi chìm nghỉm xuống, nó nhảy, uốn cong lại như cánh cung, lặn, ngụp sâu xuống, kéo dây căng tưởng đứt được, nhô lên, tung cao, rơi, nhô lên. Một giờ trôi đi, rồi một phần của một giờ khác nữa, trước khi những nhà thể thao mồ hôi đầm đìa cuộn dây câu kéo con cá vào.
Có một ông già với một máy ảnh cổ lỗ bằng gỗ bám quanh bến cảng Acapulco; khi chiếc Estrellita cập bến, Otto bảo ông lão làm cho sáu bức chân dung Perry đứng cạnh con cá. về mặt kỹ thuật, công việc của ông lão hóa ra xoàng - ảnh nâu và nham nhở bẩn. Nhưng chúng vẫn là những bức ảnh đáng kể, cái làm cho chúng đáng kể là vẻ mặt Perry, cái thần thái của hắn khi đã làm tròn một cái gì không sai sót, sự xuất thần tựa như, cuối cùng, một con chim lớn màu vàng đang cắp hắn bay bổng vào trời xanh, như ở trong giấc mơ của hắn.
Một buổi chiều tháng Mười hai, Paul Helm sửa lại luống hoa mọc so le cho đều, luống hoa đã cho Bonnie Clutter có tư cách làm thành viên của Câu lạc bộ Vườn Garden City. Đây là một việc buồn, vì nó khiến ông nhớ lại một buổi chiều khác nữa ông cũng làm cái việc lặt vặt này. Hôm ấy Kenyon đã đỡ ông một tay, và đó là lần cuối cùng ông nhìn thấy Kenyon, hay Nancy, hay bất cứ người nào trong gia đình nhà Clutter còn sống. Các tuần sau đó thật nặng nề với ông. Ông đang sức khỏe tồi (tồi hơn trước nay; ông chỉ còn sống chưa đến bốn tháng nữa), và ông đang lo nhiều thứ. Công việc, là một chuyện. Ông ngờ rằng ông sẽ chẳng còn ở lại đây lâu. Hình như chẳng ai thật sự biết, nhưng ông hiểu rằng “hai cô gái”, Beverly và Eveanna, đang có ý bán dinh cơ này - tuy rằng, như ông đã nghe một người phục vụ ở quán cà phê nhận xét, “chẳng ai đi mua cái vùng đất dài như câu chuyện đầy bí ẩn ấy đâu”. Cứ nghĩ đến chuyện những người lạ đến thu hoạch trên đất “nhà ta” là ông cứ thấy “làm sao đó”. Ông Helm quan tâm - quan tâm vì lợi ích của Herb. Ông nói, đây là một nơi “cần được giữ trọn trong gia đình của một người”. Một lần Herb đã nói với ông, “Tôi hy vọng luôn luôn có một Clutter ở đây, và cả một Helm nữa.” Herb nói câu đó mới chỉ một năm trước. Trời, ông sẽ làm gì nếu khu trại bị bán? Ông cảm thấy mình “quá già rồi khó mà thích nghi được với chỗ nào khác ngoài chỗ này”.
Nhưng ông vẫn phải làm việc, và ông muốn thế. Ông nói ông không phải loại người đá tung giày đi để vào ngồi bên lò sưởi. Nhưng đúng là giờ đây khu trại đang làm ông khổ sở: ngôi nhà khóa kín, con ngựa của Nancy vò võ chờ một mình ở giữa cánh đồng, mùi táo rụng chua loét dưới các gốc táo, và vắng những tiếng Kenyon gọi Nancy là có điện thoại, Herb huýt sáo, giọng vui vẻ nói: “Chào buổi sáng, Paul.” Ông và Herb đã “cùng lớn lên với nhau” - không một lời qua tiếng lại giữa hai người. Vậy tại sao những người ở văn phòng cảnh sát trưởng lại cứ tiếp tục hạch hỏi ông? Trừ phi họ nghĩ ông có một cái gì giấu giếm chăng? Có lẽ lúc ấy ông không nên nói đến những người Mexico. Ông đã báo với Al Dewey rằng khoảng bốn giờ ngày thứ Bảy, 14 tháng Mười một, ngày xảy ra vụ án, một cặp người Mexico, một để ria và một rỗ hoa, đã xuất hiện ở Trại Lũng Sông. Ông Helm đã trông thấy họ gõ cửa “bàn giấy”, thấy Herb đi ra ngoài nói chuyện với họ trên bãi cỏ và có thể là mười phút sau thì hai người lạ mặt “nom hờn dỗi” bỏ đi. Ông Helm cho là họ đến xin việc và được trả lời là không. Không may, tuy ông đã được gọi lên nhiều lần để kể lại những sự kiện trong ngày hôm đó, ông đã không nói đến chuyện này cho mãi tới hai tuần sau vụ án, bởi vì, như ông giải thích với Dewey, “Tôi thình lình nhớ ra.” Nhưng Dewey và vài điều tra viên khác hình như không tin chuyện ông kể, họ cho là ông đặt ra để đánh lạc hướng họ. Họ tin Bob Johnson hơn, nhân viên Sở Bảo hiểm, người đã ngồi cả buổi chiều thứ Bảy với ông Clutter bên bàn giấy, người “khẳng định tuyệt đối” rằng từ hai đến sáu giờ mười ông ta là người khách duy nhất của Herb. Ông Helm cũng quả quyết: là người Mexico, một có ria, một rỗ hoa, bốn giờ. Giá là Herb thì ông ấy sẽ bảo họ rằng Paul Helm nói thật, thuyết phục họ rằng ông, Paul Helm, là một người “đọc kinh và tự kiếm lấy miếng ăn” chứ có phải như ai đâu. Nhưng Herb đã chết rồi.
Chết rồi. Cả Bonnie nữa. Cửa sổ phòng ngủ của bà nhìn xuống mảnh vườn và thỉnh thoảng, thường thường lúc bà “lên cơn cớ,” ông Helm vẫn thấy bà đứng hàng giờ nhìn trừng trừng xuống vườn, tựa hồ, cái mà bà trông thấy, nó đang làm cho bà sung sướng vô cùng vậy. (“Khi tôi còn là con gái,” có lần bà nói với một người bạn, “tôi tin ghê gớm rằng cây và hoa chúng cũng y như chim và người vậy. Chúng nghĩ cái này cái nọ và nói chuyện với nhau. Và chúng ta có thể nghe được chúng nếu chúng ta cố gắng thật sự. Chỉ cần làm cho đầu óc chúng ta sạch mọi âm thanh khác mà thôi. Phải rất yên lặng và nghe cho thật kỹ. Đôi khi tôi vẫn còn tin như vậy đấy. Nhưng ta không bao giờ có thể đủ yên tĩnh được...”)
Nhớ đến cảnh Bonnie đứng bên cửa sổ, ông Helm nhìn lên, tựa hồ chờ đợi trông thấy bà, một bóng ma sau lần kính. Nếu ông có nhìn thấy, nó cũng không làm ông kinh ngạc hơn cái mà hiện lúc này ông đang nhận ra - một bàn tay kéo tấm rèm lại và hai con mắt. “Nhưng,” như sau này ông tả lại, “mặt trời đang rọi vào phía ấy của ngôi nhà” - nó làm cho mặt kính cửa sổ rung rinh, cái vật treo ở đằng sau đó khẽ đung đưa - và trong thời gian ông Helm che mắt đi rồi nhìn lại thì tấm rèm đã buông kín, cửa sổ chẳng còn gì. “Mắt tôi không còn tốt lắm, nên tôi nghĩ hay là nó cho tôi một cú lừa,” ông nhớ lại. “Nhưng tôi chắc chắn mười mươi rằng mắt tôi không lừa tôi. Và cũng chắc chắn mười mươi là không phải ma miếc gì hết. Vì tôi không tin là có ma. Vậy thì đó có thể là ai đây? Ai mà đi lén vào trong đó, nơi chẳng ai được phép vào, trừ những người nắm pháp luật. Và vào bằng cách nào? Khi mọi cái đều khóa chặt vì rađiô đã báo trước sẽ có lốc xoáy. Tôi tự hỏi vậy. Nhưng tôi không mong tìm ra - ai chứ tôi thì không. Tôi bỏ việc đang làm dở, đi tắt cánh đồng đến Holcomb. Vừa đến, tôi gọi điện cho cảnh sát trưởng Robinson ngay. Giải thích rằng có ai đó đang lẩn quẩn bên trong nhà Clutter. Chà, hiếm khi họ đến ngay như thế nhá. Cảnh vệ bang. Cảnh sát quận, cả lũ. Người của KBI Al Dewey. Vừa lúc họ dàn hàng ngang vây quanh, kiểu như sẵn sàng hành động ấy, thì cửa chính mở.” Một người chưa ai từng nhìn thấy - một người khoảng giữa tam tuần, mắt đờ đẫn, tóc bù xù, đeo ngang hông một cái bao đựng một khẩu súng lục cỡ 38 - bước ra. “Tôi nghĩ tất cả bọn tôi có mặt lúc đó đều có một ý nghĩ giống nhau - đây là hắn, cái kẻ đã đến giết nhà Clutter,” ông Helm kể tiếp. “Hắn ta chẳng nhúc chẳng nhích. Cứ đứng trơ ra, kiểu như ngây như dại. Họ lấy khẩu súng đi và bắt đầu thẩm vấn hắn.” Tên người đàn ông là Adrian - Jonathan Daniel Adrian. Anh ta đang trên đường tới New Mexico và hiện không có địa chỉ thường trú. Vì mục đích gì người này đột nhập vào nhà Clutter, và thế nào mà tình cờ anh ta lại vào được trong nhà? Anh ta diễn cho họ xem. (Anh ta nhấc một cái nắp giếng nước lên rồi bò trườn theo một đường ống dẫn vào trong tầng hầm.) Còn tại sao ư, anh ta đã đọc báo về vụ này, tò mò chỉ muốn xem cái địa điểm gây án nó ra thế nào. “Lúc đó,” theo như ông Helm nhớ lại đoạn này, “một ai đó hỏi anh ta có phải là đi nhờ xe dọc đường không? Đi nhờ xe dọc đường đến New Mexico ấy à? Không, anh ta nói, anh ta lái xe riêng. Đỗ xe dưới con đường vào nhà, cách đây một quãng. Thế là mọi người đi ra xem cái xe. Khi họ tìm ra cái thứ để ở trong xe, một người trong đám họ - có lẽ là Al Dewey - đã bảo anh kia, cái tay Jonathan Daniel Adrian ấy. ‘Được, thưa ông, hình như chúng ta đã có được một cái gì để bàn rồi đây.’ Vì bên trong xe, cái họ tìm ra là một khẩu súng cỡ nòng 12 ly. Và một con dao săn.”
Một phòng trong khách sạn tại Mexico City. Trong phòng là một bàn giấy kiểu mới xấu xí với một tấm gương màu tím nhạt, gài ở trước tấm gương là một tờ giấy in của Ban Giám đốc nhắc nhở:
SU DÍA TERMINA A LAS 2 P.M.
NGÀY THUÊ CHẤM DỨT LÚC 2 GIỜ CHIỀU
Nói cách khác, khách phải ra khỏi phòng vào giờ đã định không thì bị tính thêm một ngày trọ nữa - một sự xa xỉ mà những kẻ hiện đang trọ đây không dự tính đến. Chúng chỉ băn khoăn không biết liệu có thể thanh toán nổi cái khoản tiền đã nợ không mà thôi. Vì mọi sự đã tiến triển đúng như Perry tiên báo: Dick đã bán cái xe và ba ngày sau, món tiền, dưới hai trăm đô la chút ít, liền bốc hơi luôn. Ngày thứ tư Dick đi tìm một việc làm lương thiện, và đêm ấy hắn bảo với Perry, “Bọn nghệt! Cậu biết chúng nó trả thế nào không? Lương là bao nhiêu? Cho một chuyên viên cơ khí? Hai đô một ngày. Mexico đấy! Cưng à, tớ ngán quá rồi. Chúng ta phải chuồn thôi. Quay trở về Mỹ. Không, bây giờ thì không. Tớ không nghe đâu. Kim cương này. Kho tàng chôn này. Tỉnh đi, cậu bé. Chẳng có hòm vàng nào hết. Chẳng tàu đắm tàu chìm gì hết. Mà cho dù có nữa đi thì - chó thật, cậu cũng không biết bơi cơ mà.” Và hôm sau, vay tiền của cô vợ chưa cưới giàu hơn trong hai cô, tức mụ vợ góa ông chủ ngân hàng, Dick mua luôn hai vé xe buýt đưa chúng đến tít tận Barstow, California, qua ngả San Diego. “Sau đó thì ta đi bộ,” hắn nói.
Dĩ nhiên, Perry có thể làm theo cách riêng của mình, ở lại Mexico, mặc cho Dick đi tới chỗ quái quỷ nào hắn thích. Tại sao lại không? Perry chẳng phải luôn là một tên “ăn mảnh”, không hề có “bạn đích thực” nào (trừ gã Willie-Jay tóc muối tiêu, mắt xám và “siêu”) đó ư? Nhưng hắn sợ bỏ Dick; chỉ nghĩ đến việc đó hắn đã cảm thấy “kiểu như muốn bệnh”, tựa hồ đang cố quyết “nhảy khỏi một đoàn tàu đang phóng chín chục dặm một giờ” vậy. Nền tảng nỗi sợ này, hay tự hắn hình như tin thế, là một niềm tin chắc mới nảy nòi gần đây mang tính dị đoan rằng chừng nào Dick và hắn còn “gắn bó với nhau” thì “bất cứ cái gì phải xảy ra sẽ không xảy ra”. Rồi, bài lên lớp “thức tỉnh” nghiêm khắc của Dick, việc Dick hung hãn tuyên bố ra cái ý kiến xưa nay Dick vẫn giấu về những ước mơ hy vọng của Perry - tất cả, dù có quá quắt thế nào, vẫn hấp dẫn Perry, làm hắn đau và sốc nhưng mê hoặc hắn, gần như làm sống lại trong hắn cái lòng tin trước đây đối với tên Dick “thật sự đàn ông”, cứng rắn, thực tiễn, dứt khoát mà hắn đã có thời cho phép làm chủ hắn. Cho nên, từ cái lúc tang tảng một buổi sáng giá lạnh đầu tháng Mười hai ở Mexico City, Perry đã mò mẫm khắp gian phòng khách sạn không được sưởi, nhặt nhạnh gói ghém đồ dùng của hắn lại - len lén, sợ đánh thức hai cái thân người đang ngủ dài trên một cái giường con của gian phòng: Dick và Inez, người vợ chưa cưới trẻ hơn của hắn.
Có một đồ vật không còn cần hắn bận tâm đến nữa. Trong cái đêm cuối cùng ở Acapulco, một thằng trộm đã thó mất cây đàn ghi ta Gibson, rồi trốn đi từ một quán cà phê ven sông, nơi hắn, Otto, Dick và Cao bồi đang gửi cho nhau lời chào từ biệt sặc mùi rượu. Perry cay đắng về việc đó. Hắn cảm thấy, như sau này hắn nói, “thật sự khốn khổ, thấp kém”, và giải thích, “Anh có một cây ghi ta đủ lâu ngày, như tôi có cây này đây, đánh xi, lau bóng, lồng khớp tiếng nói của anh vào nó, coi nó như đứa con gái mà anh đã dùng qua - đúng, nó đã thành ra như một thứ thiêng liêng vậy.” Nhưng trong khi cây ghi ta bị mất cắp không được coi là vấn đề sở hữu, thì các thứ còn lại của hắn lại là như vậy. Do hắn và Dick từ nay sẽ đi bằng chân hay ngón tay cái xin đi nhờ xe, rõ ràng là chúng không thể mang theo nhiều hơn mấy cái sơ mi và bít tất. Số quần áo còn lại sẽ phải đi bằng tàu thủy - và đúng thế, Perry đã nhét vào một thùng các tông (đặt vào trong đó - cùng với một ít áo quần chưa giặt - hai đôi ủng, một đôi có đế đã để lại dấu Chân Mèo, đôi kia có đế hình kim cương) và gửi tới địa chỉ của chính hắn, qua Công ty Giao hàng Tổng hợp ở Las Vegas, Nevada.
Nhưng vấn đề lớn và là nguồn gây ra nhức nhối con tim là làm gì với đống kỷ niệm rất mực yêu dấu của hắn đây - hai thùng bự nặng trịch những sách, những bản đồ, những bức thư vàng ố, những cuốn lời bài hát, thơ cùng các vật lưu niệm khác thường (nịt đeo quần và thắt lưng làm bằng da những con rắn đuôi chuông hắn tự tay giết ở Nevada; một cái tượng netsuke đầy gợi dục mua ở Kyoto; một cây cảnh quắt lại hóa đá, cũng mua ở Nhật Bản; chân một con gấu Alaska). Chắc giải pháp tốt nhất - ít ra là giải pháp tốt nhất Perry tìm thấy được - là để chúng lại với “Giê-su”. “Giê-su” mà hắn nghĩ tới ở đây là cái tay trông coi quán bar đối diện bên kia đường với khách sạn và muy simpatico - rất dễ mến, Perry nghĩ như vậy, dứt khoát là một người hắn có thể tin rằng sẽ trả lại những cái thùng nọ cho hắn khi hắn yêu cầu. (Hắn định khi có một “địa chỉ thường trú” thì sẽ đòi lại).
Vẫn còn một vài thứ quá quý giá không thể để có nguy cơ bị mất đi, cho nên trong khi cặp tình nhân ngủ lờ phờ và thời gian cà rịch cà tang lê dịch tới hai giờ chiều thì Perry xem lại các bức thư, các tấm ảnh, các mẩu báo cắt cũ, lựa ra từ đấy những món kỷ vật mà hắn định mang theo. Trong đó có một bài viết mang đề “Tự thuật về đời trai trẻ của tôi” đánh máy lèm nhèm. Tác giả của bản thảo này là bố của Perry, cố giúp thằng con trai mình được tha khỏi Nhà tù Bang Kansas với lời hứa không tái phạm, cho nên ông đã viết nó vào tháng Mười hai trước rồi gửi tới Tòa án Tạm tha Bang Kansas. Perry đã đọc tư liệu này ít nhất một trăm lần, không lần nào đọc mà lại bàng quan: