Cô Gái Đùa Với Lửa - Phần IV - Chương 22 - Phần 2

Vì lý do nào đó tờ báo không nêu tên cô ra. Thay vào đó, cô được gọi là “người phụ nữ 26 tuổi”. Bài báo nói một nguồn tin từ cảnh sát cho hay cô ta có thể đã trốn ra nước ngoài và hiện có thể đang ở Berlin. Có vẻ cảnh sát đã nhận được tin mảnh mách rằng người ta đã trông thấy cô ở Kreuzberg, trong một “câu lạc bộ giải phóng phụ nữ - vô chính phủ”, cô được miêu tả là đã tụ bạ với đám trẻ liên kết với mọi thứ từ khủng bố tới chống toàn cầu hóa và tôn thờ Satan.

Salander lên xe bus số 4 về Sodermalm, xuống xe ở Rosenlundsgatan rồi đi bộ về nhà ở Mosebacke. Cô pha cà phê, làm một sandwich, xong xuôi thì đi ngủ.

Cô ngủ một mạch cho tới chiều. Khi tỉnh dậy, cô đánh giá tình hình vệ sinh trong nhà, kết luận lẽ ra đã phải thay chăn gối, khăn rải giường. Cô bỏ cả tối thứ Bảy dọn dẹp căn hộ. Cô mang thùng rác ra và nhặt nhạnh báo chí vào hai túi nhựa, đặt chúng vào một cái tủ ở lòng giếng cầu thang. Cô gom một đống quần áo lót và áo phông để giặt rồi một đống quần jean. Cô xếp đầy bát đĩa vào máy rửa bát và bật máy. Rồi cô hút bụi và lau sàn nhà.

Đến 9 giờ tối thì mồ hôi tong tỏng trên người cô. Đổ đầy xà phòng tạo bọt vào bồn tắm, cô nằm dài ra nhắm mắt nghĩ lơ ma lơ mơ. Cô tỉnh dậy lúc nửa đêm, nước đã lạnh. Bò ra khỏi bồn tắm, lau khô người mò về giường lăn quay ra ngủ.

Sáng Chủ nhật, mở máy tính đọc thấy tất cả các trò ngu ngốc viết về Miriam Wu, Salander tức điên tức cuồng. Cô thấy mình thật tệ và có lỗi. Và tội ác của Miriam chỉ vì là chỗ quen biết của... Salander? Bạn? Người yêu sao?

Cô hoàn toàn không biết chữ gì là thích đáng nhất để tả ra mối quan hệ của cô với Mimmi, nhưng cô nhận ra thấy bất kỳ chữ nào mà cô chọn thì quan hệ ấy chắc chắn cũng đã là chấm hết.

Cô sẽ phải giập thêm một cái tên ra khỏi cô, giảm bớt đi nhanh chóng danh sách các chốn quen biết của cô. Điều đó dẫu sao cũng đã viết lên trên báo chí, cô không thể tưởng tượng được bạn cô sẽ lại còn muốn dính dáng chút gì nữa với một Salander tâm thần kia.

Cô khùng lên vì chuyện này.

Cô ghi vào đầu cái tên Tony Scala, tay nhà báo đã khơi mào ra tất cả, cũng quyết định một ngày sẽ đối mặt với tay phụ trách chuyên mục xấu xa đã được in hình với một chiếc jacket kẻ ô cờ, hắn có một bài báo nhắc đi nhắc lại cái tên gọi giễu cợt Mimmi là “con ô môi S&M”.

Số lượng người Salander cần xử lý cứ lớn lên. Nhưng trước hết cô phải tìm Zala.

Điều gì xảy ra khi cô gặp hắn, cô không biết.

Blomkvist bị điện thoại gọi dậy lúc 7 rưỡi sáng Chủ nhật. Anh thò tay cầm lấy máy và ngái ngủ trả lời.

- Chào. - Berger nói.

- Ừm. - Mikael nói.

- Một mình hay có ai?

- Không may là một mình.

- Vậy thì em gợi ý là đi tắm một cái rồi uống một chút cà phê. Mười lăm phút nữa anh có khách.

- Ai?

- Paolo Roberto.

- Tay đấm bốc? Vua các vị vua ấy à?

- Anh ấy đã gọi em và nói chuyện nửa giờ.

- Sao lại ra thế?

- Sao lại gọi em ư? À, bọn này quen nhau đủ để chào nhau hê-lô, em đã phỏng vấn anh ấy khi anh ấy đóng trong phim của Hildebrand, và trong mấy năm qua cũng có ít lần vập phải nhau.

- Anh không biết chuyện đó. Nhưng anh hỏi là tại sao lại đến thăm anh?

- Tại vì... nhưng thôi, tốt hơn là để anh ấy tự nói rõ.

Blomkvist chỉ kịp vừa tắm và mặc quần xong thì chuông cửa réo. Anh mở cửa, bảo võ sĩ quyền Anh ngồi vào bàn trong khi anh tìm một sơ mi sạch sẽ và pha hai cà phê espresso đúp mà anh cho vào một thìa sữa. Paolo Roberto ngắm tách cà phê, hơi bị ấn tượng.

- Anh muốn nói chuyện với tôi? - Blomkvist nói.

- Erika Berger gợi ý cho tôi.

- Tôi hiểu. Anh nói đi.

- Tôi biết Lisbeth Salander.

Blomkvist nhướng lông mày.

- Anh biết?

- Thấy Erika nói anh biết cô ấy, tôi cũng khá ngạc nhiên.

- Tôi thấy tốt nhất là anh bắt đầu nói từ đầu.

- OK. Chuyện thế này. Sau một tháng ở New York tôi về nhà vào ngày hôm kia và thấy ảnh của Lisbeth trên tất cả các tờ báo mẹ nó trong thành phố. Báo viết một lô các chuyện mẹ nó bậy bạ về cô ấy, và không có đứa mẹ nó nào nói được cho một lời hay hay về cô ấy.

- Anh mới nổ mà đã ba lần “mẹ nó” rồi đấy.

Paolo Roberto cười thành tiếng.

- Xin lỗi. Tôi thực sự không nhịn được. Thật ra gọi Erika là vì tôi cần nói mà không biết gọi ai. Do nhà báo bị chết ở Enskede làm cho Millennium mà do tôi tình cờ lại biết Erika, thế là tôi gọi cô ấy.

- Vậy rồi?

- Cho dù Salander có bị mất trí hoàn toàn mà làm các thứ cảnh sát nói là cô ấy làm thì cô ấy cũng phải có được cơ hội chứ. Chúng ta tình cờ có pháp luật ở cái đất nước này, không ai bị kết tội mà lại không được có ngày ra cãi trước tòa sất cả.

- Tôi cũng tin như thế.

- Tôi biết điều đó qua Erika. Khi tôi gọi cô ấy, tôi nghĩ dân ở Millennium cũng đang đuổi theo Lisbeth để róc da đầu cô ấy đây, xét vì tay Svensson kia đang viết cho anh. Nhưng Erika nói anh khẳng định Salander vô tội.

- Tôi biết Lisbeth. Tôi thấy cô ấy không thể nào là một kẻ điên loạn giết người được.

Paolo Roberto cười tướng lên:

- Cô ấy là một con gà con mẹ nó đồng bóng... nhưng là một người tốt. Tôi khoái cô ấy.

- Sao anh biết cô ấy?

- Tôi đấm bốc với cô ấy khi cô ấy mới mười bảy.

Blomkvist nhắm mắt một lúc ngắn rồi mở ra nhìn nhà vô địch quyền Anh. Salander luôn luôn đầy bất ngờ như vậy.

- Dĩ nhiên Salander đấm với Paolo Roberto. Cùng một hạng với nhau.

- Tôi không nói đùa.

- Tôi tin anh chứ. Cô ấy một lần bảo tôi cô ấy dùng đấm để đấu với đám trẻ ở một câu lạc bộ quyền Anh nào đó.

- Để tôi nói anh nghe chuyện xảy ra làm sao. Mười năm trước, tôi làm huấn luyện viên cho đám thanh thiếu niên muốn đánh bốc ở câu lạc bộ Zinken. Lúc ấy tôi đã có tên tuổi, người đứng đầu đám thanh thiếu niên của câu lạc bộ nghĩ tôi sẽ có sức lôi cuốn lớn cho nên chiều chiều tôi đến đánh đấm với bọn trẻ. Quay ra thế nào tôi ở lại đấy hết hè và cả một phần mùa thu nữa. Họ mở một chiến dịch, dán biểu ngữ bích chương lên đủ thứ, cố dụ đám trẻ con địa phương tập quyền Anh. Họ đã thu hút được nhiều đứa trẻ mười lăm mười sáu và cả một số nhiều tuổi hơn nữa. Hoàn toàn là những trẻ con nhà di dân. Đấm bốc là một trò dễ dạy và dễ làm rầm rầm lên. Hỏi tôi đi. Tôi biết mà.

- Tôi tin anh.

- Rồi một hôm, giữa mùa hè, cô gái xương xẩu này ở đâu thòi ra không biết nữa. Anh biết cô ấy nom thế nào chứ, đúng không? Cô ấy đến câu lạc bộ nói muốn học bốc.

- Tôi hình dung ra được khung cảnh.

- Cả đám non chục đứa trẻ nặng cân gấp đôi và lớn nhiều hơn cô gái cười ầm lên. Tôi cũng cười. Chẳng phải chuyện nghiêm túc mà là đùa cô ấy một tí. Chúng tôi cũng có một lớp cho con gái và tôi đã nói một cái gì ngu ngốc rằng bọn gà nhép chỉ được phép đấu vào các thứ Năm hay đại khái tương tự gì đó.

- Cá là cô ấy không cười.

- Đúng, không cười. Cô ấy nhìn tôi trừng trừng với đôi mắt đen láy. Rồi cô ấy nhặt đôi găng bốc ai vất ở quanh đó. Đôi găng không buộc thì phải và to quá cỡ tay cô ấy. Nhưng chúng tôi không cười nữa. Anh biết ý tôi nói gì chứ?

- Nghe không thấy hay.

Paolo Roberto lại cười.

- Vì mình là huấn luyện viên nên tôi đi tới làm ra vẻ như đánh cô ấy, anh biết đấy, để nắn gân mà.

- Ái chà...

- Đúng. Bất thình lình cô ấy quất cho tôi một cú vào giữa mặt. Tôi vừa mới đùa cô ấy và không hề chuẩn bị. Cô ấy làm liền cho hai ba quả nữa tôi mới kịp chặn lại. Muốn gì thì cô ấy không có thể lực cho nên đánh cũng như bằng lông thế thôi. Nhưng khi tôi chặn lại thì cô ấy thay đổi chiến thuật. Cô ấy bốc theo bản năng, đấm trúng thêm vài quả nữa. Rồi tôi tập trung chặn đỡ và phát hiện thấy cô ấy nhanh hơn mẹ nó con thằn lằn. Nếu cô ấy to hơn, khỏe hơn, tôi đã có một ván đấu bữa ấy.

- Tôi không lạ.

- Rồi cô ấy lại đổi chiến thuật và quạng cho tôi một cú trúng ngay chỗ hiểm. Cú này thì tôi ngấm đòn.

Blomkvist ngượng nghịu cau mặt.

- Rồi tôi đánh lại, trúng mặt cô ấy. Tôi muốn nói là không hẳn là một cú đấm mạnh hay gì đó mà chỉ là một cái độp nhẹ. Rồi cô ấy đá vào tôi. Muốn gì thì là hoàn toàn ngông rồ rồi. Tôi to gấp ba, nặng gấp ba và cô ấy chả có cơ may nào vậy mà cô cứ uýnh tôi tựa như mạng sống của cô ấy nó trông chờ ở đấy vậy.

- Anh đã chọc giận cô ấy.

- Sau tôi mới nhận ra. Và tôi xấu hổ. Tôi muốn nói là chúng tôi rong cờ gióng trống, thượng biểu ngữ bích chương để cố hút đám trẻ vào thì đây cô ấy đến xin học đánh nghiêm túc và rồi cô ấy lại đâm sầm phải một đám đàn ông đàn ang đứng đó trêu đùa cô ấy. Bị đối xử như thế tôi cũng mất kiềm chế như cô ấy thôi.

- Nhưng ta phải nghĩ kỹ rồi hãy uýnh chác với Paolo Roberto chứ!

- À, vấn đề của Salander là quả đấm không mùi mè gì. Cho nên tôi bắt đầu tập với cô ấy. Chúng tôi cho cô ấy vào lớp con gái trong chừng hai tuần, cô ấy thua dăm ba ván vì sớm muộn thì một người nào đó cũng sẽ ăn đòn thôi, lúc ấy chúng tôi như kiểu dừng lại đưa cô ấy đến một phòng có khóa, vì cô ấy khùng đến nỗi bắt đầu cả đá lẫn cắn, cứ đánh vung bọn tôi lên.

- Nghe ra thì đúng chất Lisbeth đấy.

- Cô ấy không bao giờ bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng cô ấy làm quá nhiều đứa con gái ngán ngẩm nên huấn luyện viên đá cô ấy ra.

- Rồi thì?

- Hoàn toàn không thể đấu bốc với cô ấy. Cô ấy chỉ có mỗi phong cách mà chúng tôi gọi là Phương thức của Kẻ Tiêu diệt. Cô ấy cứ là cố chẹn cứng đối phương lại, bất kể đó là khởi động hay đấu giao hữu. Đám con gái về nhà đều bị băng bó vì bị cô ấy đá. Lúc ấy tôi bèn có một ý. Tôi có chuyện với một thằng tên là Samir. Nó mười bảy, ở Syrie đến. Tay bốc tốt, người tập tành vạm vỡ, nó có quả đấm táp mặt tốt... nhưng nó lại không di chuyển được. Nó cứ đứng im suốt trận. Thế là tôi bảo Salander đến câu lạc bộ một buổi chiều vào lúc tôi đang dạy Samir. Cô ấy thay quần áo và lên đài với cậu ta, mũ bảo vệ đầu, che miệng đủ lệ bộ. Thoạt đầu Samir không chịu đánh vì cô ấy như mẹ nó“con gà nhép”, nó phun ra tất cả các lời lẽ bố láo của bọn ta đây đàn ông thường dùng. Tôi bèn bảo cậu ta, nói to cho ai cũng nghe thấy, đây không là trận đấu và tôi đặt giải 500 curon là cô ấy sẽ chẹt cứng khư được cậu ta. Với Salander thì tôi nói đây không là buổi tập và Samir có thể đánh cô sứt đầu mẻ trán máu me đầm đìa. Cô ấy nhìn tôi không tin. Samir còn vẫn đứng đó bô lô ba la thì chuông réo. Lisbeth hiên ngang đi đến đấm một quả vào mặt cậu ta, khiến cậu ta ngã phệt đít xuống. Đến lúc này tôi dạy cô ấy đã cả một mùa hè rồi, cơ bắp cô ấy đã bắt đầu cứng cáp và quả đấm đã có một ít sức lực.

- Tôi cá là chàng trai người Syrie của anh thích.

- À, sau đó cả tháng liền bọn họ vẫn còn nói đến trận đánh tập này. Samir bị rách môi. Cô ấy thắng điểm, cô ấy có sức lực, hơn nữa cô ấy thực sự có thể làm cho cậu ta bị thương. Sau đó Samir thất vọng quá đến nỗi cậu ta bắt đầu đánh vung lên thật lực. Tôi sợ chết lên vì cậu ta có thể giáng cho một thôi và chúng tôi phải gọi xe cứu thương đến. Cô ấy bị vài vết bầm tím khi chặn vài cú đánh bằng vai, còn cậu ta thì muốn dồn cô ấy vào dây thừng quanh đài vì cô ấy không chịu nổi sức mạnh cậu ta đấm. Nhưng đúng là không có chỗ nào mà bảo được rằng cậu ta đã suýt đánh trúng cô ấy.

- Giá mà tôi được xem trận ấy.

- Hôm ấy đám con trai câu lạc bộ bắt đầu vị nể Salander. Và đặc biệt Samir. Thế là tôi bắt đầu đưa cô ấy lên đài đánh đấm với bọn lớn hơn, nặng hơn rất nhiều. Ấy là vũ khí bí mật của tôi và đó là cách tập luyện lớn. Chúng tôi bố trí các lớp sao cho mục tiêu của Salander là quạng trúng được năm quả vào các chỗ khác nhau trên cơ thể - hàm, trán, dạ dày... Bọn con trai đấu với cô phải tự vệ và phải chống đỡ ở các chỗ đó. Hóa ra đấu bốc với Salander lại thành ra một thứ gây dựng tên tuổi. Y như chơi nhau với một con ong vò vẽ vậy. Chúng tôi thật lòng gọi cô ấy là “vò vẽ”, cô ấy trở thành tay đấu cưng của câu lạc bộ. Tôi nghĩ cô ấy cũng thích câu lạc bộ vì một hôm cô ấy đến tập, cổ có xăm một con ong vò vẽ.

Blomkvist mỉm cười. Anh nhớ khá rõ con vò vẽ. Nó là một phần miêu tả của cảnh sát về cô.

- Việc ấy kéo dài được bao lâu?

- Mỗi tuần một tối trong ba năm. Ở đấy tôi chỉ làm trọn thời gian trong mùa hè còn sau đó thì thưa thớt. Người huấn luyện tiếp Salander là huấn luyện viên trẻ Putte Karlsson. Rồi Salander đi làm, không thường xuyên đến nữa, nhưng tới năm ngoái thì cô ấy ở đấy ít nhất một tháng một lần. Một năm tôi gặp cô ấy vài lần và có những buổi tập đấu với cô ấy. Tập tử tế, sau đó cả hai đều đổ mồ hôi. Cô ấy ít nói chuyện với ai. Khi không tập đấu thì cô ấy tập trong hai giờ với túi nặng, tập hết cường độ tựa hồ nó là kẻ thù của cô ấy vậy.