Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 07 - Phần 4
Eustace cầm súng săn quay trở lại chỗ con ngựa. Hobo vẫn đứng đó như lúc trước, nhìn chân mình rồi nhìn Eustace, cố hiểu cho ra sự tình. “Tao rất tiếc, Hobo,” Eustace nói, “Tao yêu mày nhiều lắm.” Và rồi anh bắn vào đầu Hobo.
Con ngựa ngã nhào xuống đất, và Eustace sụp xuống cùng nó, khóc nấc lên. Anh bám chặt lấy cổ Hobo khi con ngựa chết, kể với nó về những lúc hạnh phúc họ đã bên nhau và nó đã luôn dũng cảm ra sao và cảm ơn nó. Sao chuyện này lại xảy ra được? Họ chỉ còn cách chuồng ngựa mấy bước...
Chiều muộn ngày hôm đó - và đây là thời khắc khó khăn nhất - Eustace quay lại để cắt bờm và đuôi Hobo. Những thứ này sẽ vô cùng ý nghĩa với anh trong những năm về sau. Có thể nếu một ngày nào đó Eustace có một con ngựa xứng đáng, anh cho thể lấy những sợi lông ở bờm và đuôi Hobo để đan thành dây cương cho con ngựa mới, và điều này sẽ là một lời tri ân đẹp đẽ. Tuy nhiên, cắt nhát đầu tiên, kinh động thân thể người bạn của mình bằng một con dao, hầu như là việc bất khả, và Eustace khóc ầm lên như thể sức nặng của nỗi đau đớn trong anh có thể đốn ngã mọi cây cối trong rừng.
Anh để Hobo lại nơi nó ngã xuống. Anh muốn kền kền ăn thịt nó. Anh biết thổ dân Mỹ tin rằng kền kền là phương tiện chuyển tải linh thiêng, phương tiện mà qua đó hồn được đưa từ hạ giới lên trời. Thế nên Eustace để Hobo lại đó, nơi lũ chim có thể tìm ra nó. Điều đó có nghĩa là, thậm chí tới tận bây giờ, mỗi khi làm việc ngoài trời mà thấy những con kền kền chao lượn trên không, Eustace vẫn sẽ ngẩng đầu lên chào, bởi vì anh biết đó là nơi giờ đây Hobo đang sống.
Khi xuân sang, Eustace quay lại nơi Hobo đã ngã xuống để xem xương của bạn. Anh muốn nhặt nhạnh lông kền kền anh tìm thấy quanh xác Hobo mà cất ở một nơi thiêng. Nhưng mục đích của anh không chỉ mang tính chất tâm linh; Eustace còn muốn kiểm tra xương đùi bị gãy của Hobo, lúc này da thịt đã rã nát. Anh vẫn nuôi một nỗi hồ nghi liệu pha gãy chân đó có đúng là không tránh được hay không. Anh thường tự hỏi có phải Hobo vốn là một con ngựa đua bị thương nặng phải giải nghệ, và đó là lý do tay chủ trại Texas không giữ nó nữa mà sẵn lòng bán cho anh với giá phải chăng. Có thể Hobo đã mang vết rạn căng thẳng này trong suốt nhiều năm, và trong chỗ xương đó luôn tồn tại sự yếu ớt này, và chuyện nó bị gãy lại đủ là vấn đề thời gian thôi.
Và thực sự là thế, khi Eustace xem xét những khúc xương bạc trắng của Hobo, anh nhận ra rằng những nghi ngờ của anh là chính xác - cái xương đùi đó vốn đã bị rạn; vết thương luôn tồn tại ở đó. Khoảnh khắc ấy, khi Eustace quỳ trên mặt đất kiểm tra khúc xương bằng con mắt khoa học, là hết sức cốt yếu, bởi vì nó cho thấy rằng, ngay cả trong lúc đau buồn, Eustace Conway cũng luôn tìm kiếm logic và những câu trả lời. Suy cho cùng, cuộc đời vẫn tiếp diễn, và con người phải luôn luôn tìm kiếm những bài học ngay cả qua nỗi buồn. Không bao giờ được tĩnh tại; không bao giờ ngừng thu thập thông tin.
Và cũng chính là bản tính không chịu ngồi yên ổn đã khiến Eustace Conway, mới hai năm sau khi chuyến đi của Kỵ sĩ Đường trường kết thúc, cố gắng vượt qua một hành trình bằng ngựa đầy tham vọng điên cuồng khác. Bởi vì con người phải luôn tiến tới. Con người phải luôn nghiền ngẫm và thách thức và đặt những giới hạn của mình dưới kính hiển vi để kiểm tra và loại bỏ.
Tất nhiên, Eustace không dấn thân vào chuyến đi y như cũ. Nói cho cùng thì không có lý do gì để lặp lại trải nghiệm. Nhưng lần này là một cuộc phiêu lưu hơi khác đi. Đã có khả năng ngồi trên yên ngựa phi xuyên lục địa vô cùng thành thạo, Eustace quyết định buộc những con ngựa của mình vào một chiếc độc mã nhẹ và cho chúng thực hiện hành trình chớp nhoáng trên Đồng bằng Lớn của Bắc Mỹ, phi một vòng hai ngàn năm trăm dặm qua Nebraska, Nam Dakota, Bắc Dakota, lên Canada, qua Manitoba, Alberta và Saskatchewan, rồi quay xuống Montana và Wyoming. Anh ước đoán anh có thể hoàn thành hành trình này trong chưa đầy sáu mươi ngày. Giờ đây anh có một bạn đồng hành mới. Anh đi ngựa cùng với cô bạn gái mới. Anh vừa cho phép mình yêu lần đầu tiên kể từ sau khi sống sót qua cơn bão lốc Carla. Mới chỉ có mấy năm, nhưng anh đã sẵn sàng. Anh rất phấn khích về tình yêu mới này, và anh gọi cho tôi chẳng bao lâu sau khi anh gặp cô gái đó để kể cho tôi nghe mọi điều về cô.
“Cô ấy trông thế nào?” tôi hỏi.
“Xinh đẹp, thông minh, tốt bụng, trẻ trung. Người Mexico lai. Có làn da đẹp nhất người ta từng thấy.”
“Tên cô ấy là gì?” tôi hỏi.
“Patience.” (3)
(3) Kiên nhẫn.
“Công bằng!”
Patience Harrison là một cô giáo hai mươi ba tuổi. Cô rất trẻ, nhưng đương nhiên đủ dẻo dai cho một hành trình chuyến đi Eustace sắp thực hiện. Cô là một vận động viên điền kinh cừ khôi, cựu đội trưởng đội khúc côn cầu trên cỏ của Đại học Duke, và cô rất can trường; cô từng chu du xuyên châu Phi trong hoàn cảnh khắc nghiệt hơn những gì cô sẽ đụng phải ở Canada nhiều. Euscate cuồng si cô.
Anh yêu Patience vì trí tuệ của cô và vì tính cách lôi cuốn của cô và vì thể chất bền bỉ của cô. Lần đầu cô tới thăm Đảo Rùa, Eustace đưa cô đi xe độc mã một vòng. Anh hỏi cô có muốn thử điều khiển con ngựa một lát không, thế là cô với lấy dây cương mà không mảy may ngần ngại, hoàn toàn sẵn sàng. Anh nghĩ, Chà, đó là người con gái dành cho mình. Anh cũng bị khuất phục khi xem cuốn băng Patience chơi khúc côn cầu hồi đại học. Trong cuốn băng, ta có thể thấy cô bị một đối thủ xấu chơi quật một gậy nhanh như chớp khiến cô đau đớn ngã khuỵu xuống sân. Cô bị sái cổ tay. Rồi cô đứng dậy và cố gắng chạy đuổi theo đối thủ, cho dù cánh tay cô đang lủng lẳng bên người hoàn toàn vô dụng. Rồi cô lại ngã xuống sân trong đau đớn. Rồi cô lại nỗ lực đứng dậy lần nữa, chạy hết tốc lực xuống sân, răng nghiến chặt, không chịu dừng chơi. Quên phim khiêu dâm đi; đây là hình ảnh của người phụ nữ trong video gợi cảm nhất Eustace từng thấy.
Và phải nói rằng anh yêu Patience vì nhan sắc của cô. Cô tuyệt đẹp. À, Eustace Conway chưa từng có cô bạn gái nào không tuyệt đẹp, nhưng như về sau Eustace thừa nhận, Patience là “hình mẫu lý tưởng của tôi. Cô có thể tưởng tượng được ở bên hình mẫu lý tưởng của mình là thế nào không? Với dòng máu Mexico, cô ấy có làn da sẫm màu và đôi mắt đen láy và hàm răng trắng muốt mà tôi thấy là những nét đẹp nhất thế gian. Tôi vô cùng khao khát cô ấy. Chẳng có khi nào ở bên cạnh mà tôi không khao khát cô ấy. Mọi thứ ở cô ấy - bàn tay, cơ thể, đôi môi, đôi tai, mái tóc óng ả - tôi tôn thờ từng li ở người con gái ấy.”
Anh bày tỏ tình yêu với cô theo kiểu tha thiết điển hình của anh.
“Với cầu vồng trong mắt, anh thấy nhan sắc của em,” anh viết cho cô trong một lá thư thuở ban đầu. “Với vầng dương trong trái tim, anh biết yêu em. Với những cánh bướm rập rờn chỉ lối, anh bay về phía tự do bên em. Với những cơn mưa tươi tốt của niềm hy vọng, anh mơ về tương lai của chúng ta. Với nhiều khao khát si mê hơn mức em thấy thoải mái, anh muốn em
Lời tuyên bố cuối cùng ấy quả nhiên không có gì phải bàn cãi. Patience Harrison cực kỳ bị thu hút bởi Eustace và bị lôi cuốn bởi cuộc đời lãng mạn của anh, nhưng ngay từ đầu cô đã lạnh lùng trước lửa nhiệt tình của anh. Anh phải mất vô khối thời gian mới dỗ dành được cô ân ái ở nơi riêng tư, và cô không bao giờ ân cần vuốt ve anh ở nơi công cộng, khi mọi người đang nhìn thì dù chỉ là một cái nắm tay cô cũng không làm. Cô đương nhiên không thoải mái với sự khao khát si mê của anh và thấy thật khó mà không bối rối nhìn đi chỗ khác mỗi lần anh cố nhìn sâu vào mắt cô. Cô ghét cay khi anh gọi cô là Baby, và đâm bực cả mình vì anh quá chú trọng vào nhan sắc của cô đến mức cô thường trách, “Anh có thể thỉnh thoảng nói với em rằng em thông minh hoặc xuất sắc hoặc thú vị thay vì lúc nào cũng là tuyệt đẹp không?”
Khi đó Eustace sẽ đùa, “Em có mái tóc đen huyền óng ánh thông minh nhất anh từng thấy. Nụ cười và ánh mắt em xuất sắc đầy ám ảnh. Em có cơ thể thú vị nhất trần đời.”
Với hầu hết những người quen biết, đây dường như không phải một cặp đôi hoàn hảo. Patience là một cô gái hoàn toàn hiện đại, luôn giữ một khoảng cách với những người bạn trai của mình để duy trì sự độc lập. (Cô vẫn hay nói vui, cô quá lạnh lùng cảnh giác đến mức một người tình cũ đã đặt cho cô biệt hiệu “Prudence”(4)) - Eustace, như thường lệ, luôn khao khát một sự hòa hợp trơn tru ở mức độ nồng nàn từ cả hai phía, cảm thấy nhức nhối trước sự lạnh lùng của cô. Hơn thế nữa, Patience không thực sự chắc về việc từ bỏ cuộc đời riêng của mình để tới sống ở Đảo Rùa mãi mãi với tư cách tân Đệ nhất Phu nhân. Nhưng về sau cô thừa nhận, nỗi e dè lớn nhất ở cô là cô thấy sợ hãi trước một câu Eustace phát biểu hồi mới yêu nhau rằng anh muốn có mười ba đứa con với cô.
(4) Nghĩa là thận trọng.
Đúng thế: mười ba.
Tôi phải hỏi Eustace về điều này mới
Thực ra chính xác thì câu hỏi của tôi là: “Hãy nói với tôi thật tình anh đã không nói thế đi.”
Câu đáp của anh là, “Một trăm năm trước phụ nữ đâu có sợ ý tưởng ấy!”
Đó là một câu trả lời cực kỳ đáng thất vọng. Chưa nói đến sự thật rờ rỡ rằng đây chẳng phải một trăm năm trước, có rất nhiều điều sai quấy khác trong lời tuyên bố này đến độ tôi không chắc nên bắt đầu mổ xẻ từ đâu. Eustace Conway, vốn là một sinh viên giỏi ngành lịch sử và nhân học, đáng lẽ phải hiểu biết nhiều hơn. Ngay cả từ một trăm năm trước, tỉ lệ sinh trung bình của phụ nữ Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 3,5 đứa trẻ trên một người. Thời điểm ấy phụ nữ đã sử dụng biện pháp ngừa thai và bắt đầu công khai tranh luận về chuyện nuôi dạy gia đình đông con sẽ ảnh hưởng như thế nào tới vị thế kinh tế và xã hội của họ. Nói cách khác, phải nhìn lùi lại xa hơn một thế kỷ rất nhiều mới hầu mong tìm được kiểu người tạo giống nhiệt tình mà Eustace đang mơ ước.
Và ngay cả khi đó vẫn có nhiều điều khác phải lưu tâm. Ví dụ hãy xem vợ của Daniel Boone, bà Rebecca Boone mạnh mẽ. Kết hôn năm mười bảy tuổi, Rebecca ngay lập tức đón nhận hai đứa cháu mồ côi, con của người anh trai đã khuất của Boone. Rồi bà có mười đứa con ruột (sống được) ở ngoài vùng biên, nhận nuôi sáu đứa con mất mẹ của người anh trai góa vợ của bà, và giúp chăm sóc phần lớn trong số ba mươi ba nhóc tì của bốn cô con gái.
Rebecca Boone sống phần lớn cuộc đời trong một pháo đài. Bà và các con đói khát suốt những mùa đông. Các con trai của bà bị người da đỏ gây thương tích và sát hại; các con gái bà bị bọn họ bắt cóc. Giữa giai đoạn hôn nhân, Rebecca được đưa gia đình trở lại ngôi nhà thoải mái và an toàn của bà ở Bắc Carolina trong hai năm tuyệt vời trong khi Daniel ra đi thành lập một thuộc địa mới ở Kentucky. Khi ông trở lại đón bà, bà gần như nổi loạn, gần như cự tuyệt quay lại rừng sâu với ông. Ông khăng khăng; bà kháng cự. Cuộc hôn nhân, theo lịch sử cho biết, mấp mé tan vỡ. Tuy nhiên, Rebecca là người vợ chung thủy, thế nên cuối cùng bà lại theo chồng vào vùng hoang dã. Nhưng bà đã kiệt quệ. Một người truyền giáo đi qua khu định cư của Boone vào thập niên 1780 nhớ đã gặp Rebecca Boone và ngồi với “linh hồn câm nín” này trước cái lán bé tí của bà trong khi bà khóc mà kể với ông về những phiền muộn và gian khổ của bà và về “nỗi buồn đau sợ hãi trong tim bà.”
Thế đấy, quả là Eustace đứng ở một khía cạnh. Rất nhiều phụ nữ đi khai khẩn có rất nhiều con. Nhưng họ có hoàn toàn thích thú chuyện đó không? Họ có hoàn toàn khao khát có tất cả những đứa con đó không? Đây có phải là một kiểu quyết định đầy cảm hứng? Chẳng hiểu sao tôi không thể tưởng tượng ra Rebecca Boone nhảy cẫng lên vui sướng vào cái ngày bà nhận ra, trong rừng thẳm và khi đã bốn mươi mấy tuổi, rằng bà đang mang thai lần thứ mười. Tương tự, tôi không thể tưởng tượng cô gái trẻ Patience Harrison - vừa tốt nghiệp Đại học Duke, sinh viên ưu tú, nhà du lịch thế giới đầy tham vọng - ngây ngất chờ mong khi Eustace Conway nói anh muốn có mười ba đứa con với cô.
Và cô không thấy được an ủi khi Eustace cam đoan với cô rằng mười ba đứa con chỉ là giấc mơ của anh, rằng anh có rất nhiều giấc mơ anh chẳng hòng mong được thỏa, rằng anh thậm chí sẽ cân nhắc chuyện không có đứa con nào cả nếu đó là điều cô muốn, hoặc họ có thể nhận con nuôi, hoặc họ có thể thảo luận vô số lựa chọn khác. Hơn nữa, anh muốn biết liệu Patience từng sống với một tộc người, như cộng đồng Amish hoặc người Maya ở Guatemala, những người thực sự yêu mến và coi trọng trẻ em chưa? Có thể ý kiến của cô sẽ khác nếu cô được tận mục sở thị, như Eustace đã từng, cái phương thức đầy cảm hứng để những nền văn hóa đó hòa trộn các đại gia đình vào xã hội lớn hơn một cách dễ dàng và hạnh phúc như thế. Dẫu vậy, con số đó vẫn vang vọng trong đầu Patience như những âm vang từ một quả chuông nhà thờ đều nhịp.
Mười-ba! Mười-ba! Mười-ba!
Tuy nhiên, đó không phải phức tạp duy nhất giữa họ. Patience rất thận trọng, ngập ngừng và xa cách với Eustace. Nhưng anh vẫn yêu cô. Anh cho rằng có nỗi ngập ngừng ấy là bởi cô còn quá trẻ, và anh hy vọng theo thời gian họ sẽ từ từ xích lại gần nhau để cháy bùng bằng niềm đam mê tươi sáng hơn. Có thể họ sẽ giải quyết hết khúc mắc trong chuyến đi này. Có thể hành trình trên xe ngựa sắp tới sẽ làm cho mọi điều tốt đẹp lên.
Eustace, thậm chí còn hơn cả trong hành trình Kỵ sĩ Đường trường, muốn ép bản thân và lũ ngựa tới tận cùng sức chịu đựng. Anh biết khi kéo xe loài ngựa có thể đi nhanh hơn nhiều so với khi chở người trên lưng, và anh muốn xem chúng có thể chạy nhanh tới đâu. Chiếc xe rất nhẹ và nhanh, không phải loại thiết dành làm việc nặng, và lũ ngựa được đóng bộ yên cương bằng ni lông bóng được việc hơn đồ da.
Anh bị ám ảnh với chuyện không để ngựa phải mang trọng lượng thừa. Anh phải duyệt từng cái quần cái áo Patience muốn mang theo cho chắc rằng không có lấy một đôi tất phù phiếm nào làm tăng thêm dù chỉ chút xíu sức nặng lên những con vật của anh. Có lần Patience dừng lại ở một cửa hàng tại Bắc Dakota mua một hũ dưa chua để ăn nhanh, Eustace đã quở trách cô nặng nề về chuyện đó. “Tất cả chỗ thủy tinh và nước và dưa chua này khiến ngựa của anh phải kéo thêm quá nhiều trọng lượng thừa suốt cả ngày dài,” anh làm ầm lên và không dừng lại cho đến khi thứ gây bực mình đó được ăn hết và vứt đi. Đối với ngựa của mình, đặc biệt trên một hành trình gian khó, anh rất quan tâm, chú ý, thận trọng. Cách xa bác sĩ thú y hàng ngàn dặm và ép lũ ngựa tới giới hạn chịu đựng nên anh rất để ý “mỗi bước chân chúng đi, từng thứ chúng ăn, từng thứ chúng uống, từng cái vảy trên vết thương lành miệng, từng cái khập khiễng, mỗi chút dịch nhầy, màu nước giải mỗi khi chúng đi tè, số lần đi ngoài, mỗi lần tai khẽ dỏng lên, mọi thứ.”
Trong hành trình này Eustace thậm chí còn cuồng si tốc độ hơn chuyến đi Kỵ sĩ Đường trường. Anh quá ám ảnh với chuyện không phí phạm một phút đến độ nếu nhìn thấy cổng chào, anh sẽ đưa cương cho Patience, nhảy khỏi xe ngựa, vận tốc lực chạy trước để mở cổng. Rồi anh đóng sầm cổng lại và vận hết tốc lực chạy theo để bắt kịp cô. Anh thậm chí sẽ không dừng xe ngựa để giải tỏa mà thay vào đó quyết định nhảy xuống tè ở rừng cây trong khi ngựa tiếp tục phi nước kiệu, rồi anh chạy bộ nhanh hết cỡ đuổi theo.
Eustace và Patience đạt tới trình độ có thể thay móng cho ngựa - hơn năm mươi điểm dừng như thế trên cả hành trình - nhanh hơn cả đội sửa chữa xe đua, Patience đưa đồ nghề cho Eustace, Eustace thay cái móng chớp nhoáng và hoàn hảo. Họ băng qua những đồng bằng, như Eustace sau này thuật lại, “nhanh hơn cả bóng mây lướt qua bãi cỏ”.
Họ hầu như không bao giờ dừng. Eustace đã làm sẵn tờ rơi với những thông tin về chuyến đi - thật ra là thông cáo báo chí - để đưa cho mọi người khi họ đặt ra hàng triệu câu hỏi không thể tránh được mà hai người thì phải hối hả theo lộ trình. Họ không có lấy một giây rảnh rỗi. Khi có mấy tay chủ trại gia súc ở Canada mời họ lưu lại mấy ngày để tham gia buổi hội đóng dấu gia súc thường niên, Patience muốn ở lại, nhưng Eustace nói, “Sẽ còn rất nhiều buổi hội đóng dấu gia súc, nhưng chỉ có duy nhất cơ hội này cho chúng ta thiết lập một kỷ lục thế giới về tốc độ bằng cách hai nghìn năm trăm dặm trong năm mươi sáu ngày.”
Chuyến đi hết sức rõ ràng là một thành công trong việc điều khiển ngựa, tổ chức, và đảm bảo an toàn. Nhưng mối quan hệ, vốn sẵn mong manh, đã bị nó giết chết. Eustace và Patience chỉ ngủ bốn tiếng mỗi đêm, lao đi nghiêng ngả qua thảo nguyên, lạnh cóng, khổ sở, riết róng. Thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Hết gió 70 dặm/giờ lại đến mưa băng. Bàn tay họ tê cóng đơ ra trong cái lạnh, thế nên vào cuối mỗi ngày họ không thể tháo dây cương và khóa móc được. Họ ăn những thứ kinh khiếp hoặc hoàn toàn nhịn đói.
Tất nhiên, cũng có những khoảnh khắc khó quên. Khung cảnh thật hùng vĩ. Họ có khoảng thời gian mấy ngày tuyệt diệu khi phi ngựa qua mảnh đất vô chủ - một vạt cỏ trên vùng đất không thuộc về ai nằm trong khu vực biên giới Canada-Mỹ, ở đó họ cảm thấy như thể mình đang ruổi ngựa trên vùng đất chưa xuất hiện trên bản đồ thế giới. Khi mưa và tuyết ngớt, họ đọc tiểu thuyết của Cormac McCarthy cho nhau nghe. Thật thú vị. Họ gặp nhiều người phóng khoáng, và Eustace thích lùi ra sau để cho Patience thể hiện con người lịch thiệp, ân cần của cô. Anh thích ngắm nhìn cô được lòng những người lạ, ai cũng yêu mến cô nên cho họ chỗ ở, cái ăn, giúp chăm sóc ngựa. Sự hợp tác của họ với những chú ngựa hết sức đặc biệt. Tuy nhiên, ấn tượng nhất là Patience - với phẩm chất vận động viên thi đấu đối kháng - không một lần than thở về sự suy giảm thể chất và những giờ dài bất tận của cuộc hành trình.
“Đó là phần dễ của chuyến đi,” cô nói với tôi.
Phần khó khăn là họ đang trải qua cả ngày dài không nói chuyện với nhau, ngoại trừ về bọn ngựa. Và họ không ngủ cùng nhau. Không hàn huyên, không đụng chạm thể xác.
“Tôi không bao giờ khóc vì mệt hay đau,” Patience nói. “Nhưng gần cuối hành trình tôi đã khóc rất nhiều về mối quan hệ với Eustace. Nó thật tệ hại.”
Nói một cách khác, bản thân hành trình đó là hết sức hào hùng, nhưng hoàn cảnh đó chẳng may lại gợi nhắc đến sự quan sát tinh tường của Ursula K.Le Guin rằng “mặt sau của chủ nghĩa anh hùng thường là buồn thảm; phụ nữ và người hầu hiểu điều đó.”