Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 4) - Phần 13 - Chương 11 + 12 + 13

11.

Sáng ngày mồng sáu tháng mười, Piotr ra khỏi lán từ sớm và khi trở về, dừng lại trước cửa chơi với con chó lông tia tía, mình dài, chân ngắn và cong vòng kiềng đang quấn quýt quanh chàng. Con chó này ở với họ trong gian nhà lán, nó ngủ với Karataiev, nhưng thỉnh thoảng lại đi lang thang ra ngoài phố, rồi lại trở về.

Có lẽ trước đây nó chẳng phải là của ai cả. Bây giờ nó cũng vẫn vô chủ, và cũng không có tên. Lính Pháp gọi nó là Azor, người lính hay kể chuyện cổ tích gọi là Femgalka, Karataiev và mấy người khác nữa gọi nó là con xám, hay đôi khi là con Dài. Cái thân phận chẳng có chủ, cũng chẳng có màu sắc rõ rệt. - Hình như chẳng hề làm cho con chó nhỏ nao núng. Cái đuôi xù ngắt lên phía trên thành một cái ngù tròn vững chắc, bốn cái chân vòng kiềng phục vụ nó đắc lực đến nỗi nhiều khi, không thèm dùng cả bốn, nó duyên dáng nhấc một chân sau lên và cứ thế mà chạy ba chân, chạy rất nhanh và rất khéo. Đối với nó, cái gì cũng là một dịp để vui mừng. Khi thì nó mừng rỡ rít lên, lăn ngửa ra, khi thì nó nằm sưởi nắng với một vẻ đăm chiêu bao hàm rất nhiều ý nghĩa, khi thì nó lại nô rỡn với một mảnh gỗ hay một cái cọng rơm.

Quần áo của Piotr bây giờ gồm một chiếc sơ mi bẩn và rách, di tích cuối cùng của bộ trang phục trước kia của chàng, một cái quần lính mà Piotr đã theo lời khuyên của Karataiev lấy dây thắt ống lại cho ấm, một cái áo kaftan và một cái mũ chụp của nông dân. Dạo này, Piotr trong khác hẳn đi. Chàng không có vẻ béo lắm nữa, tuy vẫn giữ cái dáng to lớn lực lưỡng là một nét di truyền của dòng họ chàng. Râu quai nón và râu mép chàng mọc xồm xoàm, tóc chàng dài và rối xù lên, nhung nhúc những chấy, làm thành một cái mũ chụp lên đầu chàng. Mặt chàng có vẻ rắn rỏi điềm đạm và linh lợi, một vẻ mà trước kia không hề thấy có ở chàng. Cái tính xuề xòa buông trôi trước kia vẫn lộ ra ngay trong đôi mắt ấy, nay đã nhường chỗ cho một nghị lực luôn sẵn sàng hành động và đối phó. Chàng đi chân đất.

Piotr hết nhìn xuống cánh đồng nơi mà sáng nay những đoàn xe và những đoàn người ngựa kéo đi nườm nượp, lại nhìn ra phía con sông ở xa xa, rồi lại nhìn con chó đang giả làm ra vẻ muốn cắn chàng thật sự, rồi lại nhìn đôi chân không, mà chàng đặt đi đặt lại đủ các kiểu một cách thích thú, ngọ nguậy mấy ngón chân to mập, và bẩn thỉu. Và cứ mỗi lần nhìn đôi chân không của mình chàng lại thoáng nở một nụ cười hớn hở và thỏa mãn. Đôi chân không ấy nhắc chàng nhớ lại tất cả những sự việc mà chàng đã trải qua trong thời gian ấy, và những kỷ niệm này làm cho chàng thấy dễ chịu.

Đã mấy hôm nay thời tiết dịu hẳn lại, trời quang đãng, sáng sáng có những cơn gió nhẹ, chính là cái tiết trời thường gọi là Babye leto(1).

(1) "Mùa hè của đàn bà", tiết ấm trời xem vào giữa những ngày rét mướt của mùa thu như một dư âm của mùa hạ.

Ngoài trời nắng ấm, và hơi ấm ấy pha lẫn với khí trời lạnh giá của buổi sớm còn sót lại trong không trung lại càng khiến cho người ta thấy khoan khoái dễ chịu.

Trên mọi vật xa gần đều lấp lánh cái ánh pha lê kỳ diệu chỉ thấy vào tiết thu này. Xa xa có thể trong thấy ngọn đồi "Chim sẻ" với xóm nhà gỗ, ngôi nhà thời của một tòa nhà lớn màu trắng. Những cành cây trụi lá, những dải cát, những mỏm đá, những ngôi nhà, cũng như ngọn tháp xanh nhọn hoắt của tòa nhà thờ và những đường viền của tòa nhà trắng ở xa xa. - Tất cả những thứ đó đều hiện rõ tứng nét tinh vi trong làn không khí trong suốt. Lại gần hơn, có thể trông thấy thấp thoáng cái bóng dáng quen thuộc của một tòa nhà trang chủ bị quân Pháp chiếm ở nay đã đổ nát và cháy nham nhở nhưng những khóm đinh hương lam mọc ven bờ rào vẫn còn xanh tốt. Và ngay cả tòa nhà đổ nát và cháy dở này, trông thật ảm đạm vào những hôm xấu trời, nay dưới ánh nắng rực rỡ, trong làn không khí im phăng phắt, cũng có một vẻ đẹp lạ lùng khiến cho lòng người dịu lại.

Một viên hạ sĩ quan Pháp mặc quân phục hở khuy, đầu đội mũ chụp như đang ở nhà, răng cắn một tẩu thuốc ngắn từ sau góc nhà lán bước ra thân mật nháy mắt với Piotr và đến cạnh chàng.

- Nắng đẹp quá ông Kiril nhỉ? (tất cả các binh sĩ Pháp đều gọi Piotr như vậy) Cứ như mùa xuân ấy! - Đoạn viên hạ sĩ tựa lưng vào cửa và mời Piotr hút tẩu thuốc, tuy hắn mời Piotr đã nhiều lần và lần nào chàng cũng từ chối.

- Trời này mà hành quân thì… - Hắn mở đầu.

Piotr hỏi viên hạ sĩ có nghe nói gì về việc lên đường và hôm nay chắc sẽ có lệnh về tù binh. Trong gian nhà lán trong đó Piotr bị giam có một người lính tên là Xokolov ốm sắp chết, Piotr bèn nói với viên hạ sĩ rằng phải lo thu xếp cho anh ta. Viên hạ sĩ bảo rằng Piotr có thể yên tâm, việc này đã có bệnh xá lưu động và bệnh xá cố định rồi người ta sẽ tiêu diệt thu xếp và nói chung những việc có thể xảy ra đều được cấp trên trù liệu trước cả. Với lại ông chỉ cần nói một tiếng với quan đại uý thôi ông Kiril ạ. Ôi! Ngài là một người… Ngài chả bao giờ quên việc gì. Khi nào Ngài đi tuần, ông cứ nói với ngài một tiếng, ông cần gì ngài cũng sẵn sàng giúp đỡ.

Viên đại uý này vẫn thường nói chuyện lâu với Piotr và đối xử với chàng rất hậu hĩ. Viên hạ sĩ nói tiếp:

- Này Xanh Toma ạ, hôm trước ngài bảo tôi thế, Kiril là một người có học thức, lại biết nói tiếng Pháp; đó là một vị lãnh chúa Nga đã gặp phải những chuyện không may, nhưng vẫn là một người. Mà lại biết điều nữa… nếu ông ta muốn gì cứ nói với tôi, tôi không từ chối điều gì. Ông ạ, một khi đã là người có học hành thì người ta biết quý học thức và quý những người tở tế. Tôi nói thế cũng vì ông đấy ông Kiril ạ. Việc hôm trước mà không có ông ta thì lôi thôi to.

Viên hạ sĩ quan đứng tán gẫu một lát nữa rồi bỏ đi (cái việc mà viên hạ sĩ vừa nhắc đến là một cuộc ẩu đả giữa tù binh với lính Pháp, trong đó Piotr đã can ngăn được các bạn). Mấy người tù binh đã từng nghe Piotr nói chuyện với viên hạ sĩ lập tức hỏi chàng xem hắn ta nói những gì. Trong khi Piotr đang kể cho các bạn những điều viên hạ sĩ vừa nói về việc xuất quân, có một tên lính Pháp gầy gò, vàng vọt ăn mặc rách rưới, đến gần cả nhà lán. Hắn đưa nhanh ngón tay lên trán với một cử chỉ rụt rè để chào Piotr và hỏi chàng xem có phải trong lán này có anh lính Platos không, chả hôm trước hắn có giao cho anh ta may một chiếc áo sơ mi.

Trước đây một tuần lễ quân Pháp được phát da và vải, liền giao cho tù binh may giày và áo.

- Xong rồi. xong rồi anh bạn ạ. - Karataiev vừa nói vừa bước ra, tay cầm một chiếc áo sơ mi gấp cẩn thận.

Vì khí trời ấm áp và để làm việc cho tiện, Karataiev chỉ mặc chiếc quần đùi và chiếc áo sơ mi rách bươm đen xỉn như màu đất. Bác ta lấy dây buộc tóc lại theo kiểu thợ thuyền và khuôn mặt tròn trĩnh của bác lại càng có vẻ tròn tlĩnh hơn nhiều và hiền hậu hơn.

Hẹn giờ nào, trao giờ ấy; thợ đúng hẹn, thợ kém khất lần.

- Tôi bảo thứ sáu xong là y như rằng, đây, - Platon mỉm cười nói, và giơ chiếc áo sơ mi vừa may xong ra.

Tên lính Pháp đưa mắt lo lắng nhìn quanh, rồi như đã khắc phục được ý lưỡng lự, hắn cởi chiếc áo quân phục mặc ngoài ra rất nhanh và mặc chiếc áo sơ mi vào. Dưới chiếc áo ngoài tên lính Pháp không mặc áo sơ mi, và trên tấm thân gầy gò, vàng vọt của hắn chỉ có một chiếc áo gi-lê dài bằng lụa hoa cáu bẩn. Hình như tên lính Pháp sợ rằng tốp tù binh đang nhìn hắn sẽ cười phá lên, bèn hối hả rúc đầu vào cổ áo sơ mi. Trong đám tù binh không ai nói một tiếng.

- Đấy vừa khéo, - Platon vừa nói vừa kéo chiếc áo sơ mi. Sau khi đã chui đầu vào cổ áo và xỏ tay vào ống, tên lính Pháp không ngước mắt lên, hắn ngắm nghía chiếc áo đang mặc, rồi xem kỹ đường may.

-Thôi anh bạn ạ, được rồi, đây có phải tiệm may đâu, chả có đồ nghề cho ra hồn mà không có đồ nghề thì giết một con rận cũng không xong. - Platon nói, miệng nở một nụ cười tròn trĩnh và có vẻ tự lấy làm thích thú với tác phẩm của mình.

- Tốt lắm, tốt lắm, cám ơn, nhưng chắc còn thừa vải chứ? - Tên lính Pháp nói.

- Khi nào mặc hẳn vào người lại còn đẹp hơn nữa cho mà xem, - Karatiev nói, bác ta vẫn mải ngắm nghía tác phẩm của mình. - Vừa đẹp vừa thoải mái…

- Cảm ơn, cám ơn ông bạn già, thế còn chỗ vải thừa?

Tên lính Pháp mỉm cười nhắc lại, rồi rút ra một tờ giấy bạc đưa cho Karataiev.

- Nhưng còn chỗ vải thừa?

Piotr thấy rằng Platon không muốn hiểu ý tên lính Pháp nói gì.

Chàng không xen vào câu chuyện, lặng lẽ đứng nhìn. Karataiev cám ơn tên lính Pháp về chỗ món tiền giấy và tiếp tục ngắm nghía công trình của mình. Tên Pháp cứ khăng khăng đòi chỗ vải thừa và nhờ Piotr dịch hộ cho Karataiev nghe.

- Hắn lấy chỗ vải vụn ấy làm gì? - Karataiev nói. - Để cho chúng mình làm băng quấn chân có phải tốt biết mấy. Thôi, Chúa phù hộ cho hắn, - và Karataiev, sắc mặt buồn hẳn đi, rút ở trong ngực ra một nắm giẻ lau đưa cho cho tên lính Pháp, mắt không nhìn hắn. - Đấy! - Karataiev nói đoạn quay trở vào.

Tên lính Pháp nhìn nắm giẻ, nghĩ ngợi một lát đưa mắt nhìn Piotr có ý dò hỏi, rồi dường như khóe mắt của Piotr đã nói với hắn một điều gì, hắn bỗng đỏ mặt cất tiếng nói lí nhí như khóc:

- Plotos, này Plotos, cứ giữ lấy! - Hắn nói đoạn giả nắm vải vụn cho Karátaiev rồi vội quay đi.

- Đấy anh em, - Karataiev bắt đầu nói, - Gọi là quân tà giáo, thế nhưng cũng có lòng đấy chứ. Các cụ thường bảo tay ướt hay cho, tay khô keo kiệt kể cũng đúng. Chính hắn cũng rách rưới, ấy thế mà hắn vẫn cho. - Karataiev trầm ngâm cười tủm tỉm nhìn mấy miếng vải vụn, im lặng một lát. - Làm băng quấn chân tốt ra phết, - Nói đoạn Karataiev quay trở vào nhà.

Phần XIII

Chương. - 12 - 13 -

Kể từ khi Piotr bị bắt cho đến nay đã được bốn tuần lễ. Tuy quân Pháp có đề nghị với chàng sang ở bên nhà lán của sĩ quan, chàng vẫn ở lại gian nhà họ đã giam chàng hồi đầu cùng với những người lính thường.

Ở lại giữa thành Moskva bị tàn phá và thiêu huỷ, Piotr đã trải qua những nỗi thiếu thốn gần như cùng cực mà con người có thể chịu được; nhưng nhờ có sức khỏe và sức chịu đựng, điều mà trước đây chàng không ngờ tới và nhất là vì những sự thiếu thốn cứ đến dần từng tí một, khiến chàng không thể nói rõ bắt đầu từ lúc nào, cho nên chàng chịu đựng tình cảnh này một cách dễ dàng, thậm chí còn vui vẻ nữa. Và chính trong thời gian này, chàng có được cái tâm trạng thư thái, thỏa thuận với bản thân đó, - Nó là điều đã đập mạnh vào tâm trí chàng ở những người lính trên chiến trường Borodino. Chàng đã tìm kiếm nó trong những công việc từ thiện, trong hội Tam điểm, trong cuộc sống phóng túng của giới xã giao, trong rượu, trong một chiến công hy sinh anh dũng, trong mối tình lãng mạn với Natasa, chàng cũng đã tìm tâm trạng đó bằng con đường tư duy, nhưng tất cả những sự tìm kiếm, những mưu toan ấy đều đã phụ lòng mong đợi của chàng.

Thế mà nay, chỉ vì đã trải qua những cơn khủng khiếp trước cái chết, trải qua những nỗi thiếu thốn, trải qua những điều mà chàng đã hiểu được ở Karataiev, chàng đã tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn, sự hài lòng với bản thân, tuy không hề nghĩ đến những điều đó. Những phút kinh hoàng mà chàng đã trải qua trong cuộc hành hình dường như đã vĩnh viễn gạt bỏ khỏi tưởng tượng và ký ức của chàng những ý nghĩ và những cảm giác bứt rứt băn khoăn mà trước kia chàng tưởng là quan trọng. Chàng không hề nghĩ đến nước Nga, đến chiến tranh, đến chính trị hay đến Napoléon. Chàng thấy rõ như một sự thật hiển nhiên là những cái đó đều không dính dáng gì đến chàng, rằng chàng không có phận sự phê phán gì những cái đó cả cho nên không phê phán được, "Nước Nga và mùa hè chẳng phải là bạn bè" - Chàng nhẩm lại lời Karataiev, và lời nói này đem lại cho chàng một sự yên tĩnh lạ lùng. Bấy giờ chàng thấy việc chàng định giết Napoléon và những cuộc tính toán của chàng về con số bùa chú về con vật trong Apocalypxo là kỳ quặc, thậm chí còn lố lăng nữa. Lòng căm giận của chàng đối với vợ và sự lo lắng của chàng về chỗ tên họ của mình sẽ bị nhơ nhuốc, bây giờ chàng thấy nó không những vô nghĩa mà còn ngộ nghĩnh nữa. Người đàn bà ấy đang ở tận đâu đâu, sống cuộc đời mà người ấy ưa thích, thì điều đó có quan hệ gì đến chàng? Bọn Pháp biết hay không biết rằng tù binh của họ là bá tước Bezukhov thì cái đó có quan hệ đến ai, nhất là đến chàng?

Chàng thường nhớ lại buổi nói chuyện với công tước Andrey và hoàn toàn đồng ý với bạn, nhưng chàng hiểu ý công tước Andrey khác đi một chút. Công tước Andrey nghĩ và nói rằng hạnh phúc chỉ có thể là tiêu cực, nhưng công tước Andrey nói như vậy với một sắc thái chua chát và mỉa mai, tựa hồ trong khi nói như vậy lại muốn phát biểu ra một ý khác. - Là tất cả những khát vọng vươn tới hạnh phúc thực vốn có trong chúng ta đều chỉ cốt để cho chúng ta phải day dứt vì không được thỏa mãn. Chính Piotr thừa nhận điều đó là đúng không mảy may dè đặt. Không đau khổ, thỏa mãn được các nhu cầu sơ dẳng của sự thống nhất và được tự do lựa chọn công việc làm tức là lựa chọn cách sống đó là hạnh phúc cao nhất của con người; bây giờ Piotr đã thấy rõ như vậy, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.

Ở đây mãi đến bây giờ, lần đầu tiên Piotr mới hiểu hết giá trị của cái thú được ăn khi đói; được uống khi khát, được ngủ khi buồn ngủ, được sưởi khi lạnh, được nói chuyện với một con người khi cần nói và khi cần nghe tiếng nói của con người. Thỏa mãn các nhu cầu ăn cho ngon, ở cho sạch, sống cho tự do. - Bây giờ Piotr phải thiếu tất cả những thứ ấy nên chàng thấy đó là hạnh phúc trọn vẹn, còn việc được lựa chọn việc làm, tức là được sống thì nay bị hạn chế lại và do đó, trở thành một việc đã dễ dàng quá, đến nỗi chàng thường quên rằng mọi cuộc sống quá phong lưu đến thủ tiêu hết cái hạnh phúc thỏa mãn cái nhu cầu, cái tự do lựa chọn việc làm, cái tự do lớn mà học thức, của cải, địa vị xã hội đã cấp cho chàng, chính cái tự do đó khiến cho việc lựa chọn việc làm trở nên khó khăn đến nỗi không sao giải quyết được, và thủ tiêu cả nhu cầu lẫn khả năng làm việc.

Tất cả những ước mơ của Piotr bây giờ đều hướng tới khi chàng sẽ được tự do. Thế nhưng về sau Piotr suốt đời sẽ nghĩ và nói một cách hân hoan đến cái tháng bị cầm tù này, đến những cảm giác mạnh mẽ và vui mừng không bao giờ trở còn lại, và nhất là đến cái tâm trạng hoàn toàn thư thái và tự do mà chỉ có thời gian ấy chàng mới được cảm thấy.

Sáng hôm đầu tiên, khi chàng thức dậy từ sớm tinh mơ bước ra ngoài nhà lán và trông thấy những chiếc mái vòm tối sẫm, những cây thập tự của tu viện Novedevichi, trông thấy những ngọn đồi Chim sẻ và dải bờ có rừng rậm uốn quaoh co trên sông và khuất dần trong cõi xa xăm phủ một làn sương tim tím, khi chàng cảm thấy làn không khí mát lạnh mơn man trên da thịt và nghe những tiếng vỗ cánh của những con quạ từ Moskva băng qua đồng tới đây, rồi sau đó, khi chân trời phía dông bỗng lóe sáng lên, rồi vành trên của mặt trời trang trọng nhô lên khỏi đám mây, và chiếc mái vòm, những cây thập tự, những hạt sương, chân trời, dòng sông đều lung linh dưới làn ánh sáng vui tươi, Piotr có một cảm giác mát mẻ mà chàng chưa hề biết, cảm giác vui mừng và khỏe mạnh của cuộc sống.

Và cảm giác này không những không lúc nào rời chàng trong suốt thời gian bị cầm tù, mà trái lại, tình cảnh của chàng càng khó khăn thì cảm giác đó lại càng mạnh mẽ.

Cái cảm giác sẵn sàng chờ đón tất cả ấy, cái cảm giác khiến người ta thấy sức mạnh tinh thần của mình được gom góp lại ấy lại càng được củng cố thêm trong lòng Piotr nhờ lòng kính phục của các bạn cầm tù đối với chàng ngay từ khi chàng đến gian nhà lán này, Piotr biết nhiều ngoại ngữ, quân lính Pháp rất kính nể chàng, ai xin gì chàng cũng cho một cách dễ dãi và giản dị (theo tiêu chuẩn của sĩ quan mỗi ngày chàng được cấp ba rúp), chàng có một sức mạnh phi thường, mà các binh sĩ đã từng được thấy rõ khi chàng dùng tay không ấn những cái đinh vào vách nhà lán, chàng đối xử rất hiền từ với các bạn, chàng có cái khả năng mà họ không sao hiểu nổi là có thể ngồi im hàng giờ không làm gì cả để suy nghĩ; những điều đó khiến cho binh sĩ thấy chàng là một con người siêu việt và có phần nào bí ẩn. Chính những đức tính của chàng mà trước kia, trong xã hội thượng lưu, nếu không phải là có hại thì cũng khiến chàng thấy là vướng víu; sức mạnh, thái độ coi thường những tiện nghi sinh hoạt, tính đãng trí, tính giản dị - Thì ở đây, giữa những con người này, đã đưa lại cho chàng một địa vị gần như địa vị một bậc anh hùng. Và Piotr cảm thấy lòng kính nể đó đòi hỏi chàng phải đáp ứng lại cho xứng đáng.

13.

Đêm mồng sáu rạng ngày mồng bảy tháng mười, cuộc rút lui của quân Pháp bắt đầu: những gian nhà bếp, nhà lán bị phá đi, những chiếc xe chở đồ được thu xếp gọn ghẽ, và đoàn quân lính cùng những đoàn xe bắt đầu chuyển động.

Vào lúc bẩy giờ sáng một toán quân áp giải của Pháp, mặc binh phục hành quân, đầu đội mũ sa-cô, vai vác súng, mang bạc-đà và những cái đẫy to tướng, đến đứng trước mấy gian nhà lán và tiếng nói chuyện rôm rả đặc biệt của người Pháp xen lẫn tiếng thề rủa, vang dội khắp cả tuyến quân.

Trong lán ai nấy đều đã mặc áo, nai nịt, đi giầy xong xuôi và chỉ còn đợi lệnh ra ngoài, Xokolov, người lính bị ốm, xanh xao, gầy gò hai con mắt thâm quầng, vẫn ngồi một mình ở chỗ cũ, chưa mặc áo đi giày gì cả, chỉ đưa đôi mắt lồi hẳn lên vì mặt quá gầy nhìn các bạn có ý dò hỏi, trong khi họ không để ý gì đến anh ta cả, và cất tiếng rên khe khẽ và đều đều. Hình như anh ra rên rỉ như vậy vì đau rất ít. - Anh ta bị bệnh kiết lị - Mà vì sợ buồn khi thấy anh phải ở lại một mình thì nhiều hơn.

Piotr, chân đi một đôi giày mà Karataiev đã khâu cho chàng bằng chỗ rẻo thừa của một miếng da do một tên lính Pháp mang lại nhờ anh ta chữa hộ đế giày, lưng thắt một sợi dây thừng đến cạnh người ốm và ngồi xổm xuống trước mặt anh ta.

- Thôi Xolokov ạ, họ không đi hẳn đâu mà! Ở đây họ còn để lại một bệnh xá. Có lẽ anh còn đỡ khổ hơn chúng tôi, - Piotr nói.

- Ôi lạy chúa! Tôi chết mất thôi! Ôi lạy chúa! - Người lính cất tiếng kêu rên to.

Để tôi xin họ một lần nữa xem, - Piotr nói đoạn đứng dậy đi ra cửa nhà lán.

Trong khi Piotr đến cạnh cửa, từ bên ngoài bước tới hai người lính cùng đi với viên hạ sĩ hôm qua đã mời Piotr hút tẩu thuốc. Cả ba đều mặc binh phục hành quân, đeo bạc-đà, đội mũ sa-cô quai gài xuống cằm khiến cho khuôn mặt quen thuộc của họ trông lạ hẳn đi. Viên hạ sĩ đến đây là để đóng cửa lán lạỉ, theo lệnh cấp trên.

Trước khi xuất phát phải điểm lại số tù binh.

- Ông hạ sĩ ơi người ốm này biết tính thế nào đây? - Piotr mở đầu; nhưng ngay khi nói câu ấy chàng chợt nảy ra ý nghĩ hoặc không biết đây có phải là viên hạ sĩ chàng vẫn quen không, hay là một người lạ: lúc ấy viên hạ sĩ thật chẳng giống ngày thường chút nào. Hơn nữa, ngay khi Piotr nói câu ấy, thì từ hai phía bỗng nổi lên tiếng trống trận. Viên hạ sĩ nghe Piotr nói thì cau mày văng ra một câu chửi rủa vô nghĩa rồi đóng sập cửa lại. Trong lán tối lờ mờ, từ hai phía tiếng trống dồn dập gay gắt, át hẳn tiếng rên rỉ của người ốm.

"Nó đấy! Lại nó đấy?" - Piotr tự nhủ, và bất giác chàng bỗng thấy lạnh toát sau sống lưng. Trong gương mặt thay đổi hẳn đi của viên hạ sĩ, trong giọng nói của hắn, trong tiếng trống thôi thúc ầm ĩ át hết mọi tiếng khác Piotr đã nhận ra cái sức mạnh huyền bí, dửng dưng, đã thúc đẩy con người phải giết đồng loại mặc dầu không muốn thế, cái sức mạnh mà chàng đã thấy tác động của nó trong buổi hành hình. Sợ sệt, trốn tránh sức mạnh này, cầu xin hay van lơn những người làm công cụ cho nó đều vô ích. Bây giờ Piotr đã biết rõ như vậy. Đành phải chờ đợi và chịu đựng thôi. Piotr không lại gần người ốm nữa và không nhìn về phía anh ta. Chàng cau mày lặng lẽ đứng bên cửa lán.

Khi mở cửa và đám tù binh như một bầy cừu chen chúc nhau ùa ra, Piotr chen ra phía trước và đến cạnh viên đại uý, chính đại uý mà viên hạ sĩ kia đã nói quả quyết với chàng là chàng cần gì ông ta cũng sẵn sàng giúp. Viên đại uý cũng mặc binh phục hành quân và trên khuôn mặt lạnh lùng của hắn cũng thấy có "nó", có cái mà Piotr đã nhận ra trong tiếng trống và trong giọng nói của viên hạ sĩ.

- Đi đi, đi đi! - viên đại uý nói, mày cau lại một cách nghiêm khắc và mắt nhìn những đám tù binh lũ lượt đi qua cạnh hắn. Piotr biết rằng mình sẽ uổng công, nhưng vẫn đến gặp hắn.

- Sao có việc gì thế hả? - viên đại uý ngoảnh lại nhìn, vẻ như không nhận ra Piotr. Piotr giãi bày tình cảnh người bệnh binh.

- Rồi nó sẽ đi được tốt, chứ quái gì! - Viên đại uý nói. - Đi đi, đi đi! - Hắn nói tiếp, mắt không nhìn Piotr.

- Không đi được đâu, anh ấy gần chết rồi! - Piotr bắt đầu nói.

- Thôi đủ rồi! - viên đại uý quát, mày cau lại, vẻ đanh ác.

- Đram. - Da. - Da. - Dam, dam, dram… tiếng trống vẫn đổ dồn, và Piotr hiểu rằng cái sức mạnh huyền bí kia đã khống chế hoàn toàn những con người ấy, và bây giờ có nói gì cũng vô ích mà thôi.

Những sĩ quan tù binh bị tách riêng ra khỏi các tù binh thường và bị dẫn đi trước. Số sĩ quan, trong đó có Piotr, là ba mươi người, lính thường thì có khoảng vài ba trăm.

Các sĩ quan tù binh ở các nhà lán khác thả ra đều lạ mặt, và ăn mặc tươm tất hơn Piotr rất nhiều. Họ nhìn chàng, nhìn đôi giày của chàng một cách bỡ ngỡ và nghi kỵ. Đi cách Piotr không xa có một viên thiếu tá to béo hình như được tất cả các bạn cùng bị giam kính nể. Ông ta mặc một chiếc áo dài nội tấm kiểu kazan, lưng thắt một chiếc khăn bông, mặt vàng vọt, phù thũng và cau có, một tay ông ta cầm túi thuốc lá đút dưới vạt áo, tay kia chống trên một cái tẩu thuốc dài. Viên thiếu tá thở hổn hển không ra hơi, luôn mồm lầu nhầu và cáu bẳn với mọi người vì ông ta cứ có cảm giác là họ xô đẩy mình, là ai nấy đều quá hấp tấp, tuy chẳng có việc gì mà phải vội là mọi người cứ lấy làm lạ về việc này việc nọ, tuy chẳng có chuyện gì đáng lấy làm lạ cả. Một người khác, một viên sĩ quan thấp bé và gầy gò, luôn mồm nói chuyện với khắp mọi người, phỏng đoán nào là bây giờ chúng đưa họ đi đâu, nào là trong ngày hôm nay liệu đi được bao xa. Một viên công chức đi ủng da, mặc quân phục quân nhu, chạy lăng xăng bên này bên kia để xem cảnh Moskva bị cháy, lớn tiếng loan báo cho mọi người biết những điều mình vừa quan sát được: chỗ nào đã bị cháy, và góc phố hiện có thể trông thấy là khu vực nào. Một viên sĩ quan thứ ba, mà nghe giọng nói có thể đoán là người quê ở Ba Lan, tranh luận với viên công chức quân nhu, chứng minh cho hắn ta thấy rằng hắn đã xác định sai cái khu phố Moskva.

- Các ông cãi vã gì thế? - Viên thiếu tá nói, giọng cáu kỉnh. - Nikolai hay Vlax cũng thế thôi; các ông không thấy là tất cả đều cháy trụi đấy sao? Chỉ có thế thôi… Sao ông lại cứ xô đẩy người ta thế, đường chật lắm hay sao? - Ông ta bực tức quát một người đi phía sau tuy người này chẳng hề xô đẩy gì ông ta cả.

- Ái chà chà, chúng nó lệ quá. - Khi thì ở phía này, khi thì ở phía kia, có nhiều tiếng xuýt xoa của đám tù binh, đang ngắm cảnh hoang tàn của thành phố, - Cả khu Zamoxkvoretsye cả khu Zobovo, và cả Kreml nữa… các ông nhìn mà xem, không còn lấy được một nửa. Thì tôi đã bảo cả khu Zamoxkvoretsye mà, các ông thấy chưa.

- À ông đã biết là cháy rồi thì còn nói làm gì nữa! - viên thiếu tá nói. Khi đi ngang qua khu Khanovniki (một trong những khu phố hiếm hoi không bị cháy), qua một ngôi nhà thờ, cả đám tù binh bỗng đổ dồn về một phía. Có những tiếng kêu kinh hãi và ghê tởm.

- Chà cái quân khốn nạn! Thật là quân tà giáo! Đúng là một người chết, đúng là một người chết rồi, không biết chúng nó lấy cái gì bết vào mặt người ta thế!

Piotr cũng len về phía nhà thờ, nơi có cái vật gây nên những tiếng kêu đó, và thoáng thấy một vật gì tựa vào hàng rào nhà thờ.

Qua lời những người bạn thấy rõ hơn, chàng Piotr được biết rằng vật đó là một cái xác người đứng bên hàng rào mặt trát đầy mồ hóng.

- Đi đi, mẹ chúng mày, đi nhanh kên đồ quỷ sứ!

- có tiếng chửi rủa của toán quân đi áp giải, và bọn lính Pháp lại lấy sống gươm giận dữ xua đám tù binh đang nhìn cái xác chết.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3