Người Hùng Trở Lại - Chương 01 - 02

Chương 1

Cô gái mất tích ấy - bản tin được phát dồn dập, và lần nào cũng chiếu lên bức ảnh chân dung thời trung học cố ra vẻ bình thường của cô gái mới lớn vừa mất tích, bạn biết kiểu ảnh đó mà, bức ảnh có nền xoáy cầu vồng sặc sỡ, tóc cô bé quá thẳng, còn nụ cười lại chẳng tự nhiên chút nào, rồi chuyển phắt sang cảnh ông bố bà mẹ đang lo lắng ở thảm cỏ trước ngôi nhà, micrô vây quanh họ, bà mẹ lặng lẽ khóc, còn ông bố thì môi run run tường trình sự việc - cô gái ấy, chính cô gái mất tích ấy, vừa mới đi ngang qua Edna Skylar.

Edna lạnh cứng người.

Chồng bà, Stanley, bước thêm hai bước nữa mới nhận ra vợ không còn đi bên mình. Ông quay lại và gọi: “Edna?”

Họ đứng ở góc ngã tư nơi phố Hai mốt cắt Đại lộ Tám của New York. Sáng thứ Bảy này xe cộ trên đường không nhiều. Người đi bộ thì lại khá đông. Cô gái mất tích đã đi lên khu phố trên.

Stanley thở dài chán nản. “Lại gì nữa thế?”

“Suỵt.”

Bà cần phải suy nghĩ. Tấm chân dung thời trung học của cô gái, bức ảnh có nền xoáy cầu vồng sặc sỡ... Edna nhắm mắt lại. Bà cần phải mường tượng lại tấm ảnh đó trong đầu. So sánh và đối chiếu điểm khác biệt.

Trong tấm ảnh, cô gái mất tích có mái tóc dài màu nâu xỉn. Người đàn bà vừa đi ngang qua - đàn bà, chứ không phải cô gái, bởi cái người vừa mới đi ngang qua ấy trông già dặn hơn, tuy nhiên có thể bức ảnh ấy chụp lâu rồi cũng nên - có mái tóc đỏ rực cắt ngắn hơn và lượn sóng bồng bềnh. Cô gái trong tấm ảnh không đeo kính. Người đàn bà vừa đi lên hướng Bắc theo Đại lộ 8 đeo một cặp kính hợp mốt, gọng hình chữ nhật tối màu. Cách ăn mặc và trang điểm của cô ta đều - hầu như chẳng còn từ nào thích hợp hơn - người lớn hơn.

Đối với Edna, nghiên cứu các khuôn mặt còn hơn cả sở thích. Bà đã sáu mươi ba tuổi, là một trong số các nữ bác sĩ hiếm hoi ở độ tuổi ấy là chuyên gia về di truyền học. Các khuôn mặt chính là cuộc sống của bà. Một phần bộ não của Edna vẫn luôn làm việc, kể cả khi đã rời xa nhiệm sở. Bà không thể cưỡng lại được - bác sĩ Edna Skylar luôn nghiên cứu mọi khuôn mặt. Bạn bè và gia đình của bà đã quen với kiểu nhìn chằm chằm vừa thăm dò vừa phân tích ấy, nhưng những người lạ hay mới quen thì sẽ thấy lúng túng.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Đấy chính là những gì Edna vẫn thường làm. Đi dạo trên phố. Phớt lờ mọi âm thanh và quang cảnh xung quanh, thường là vậy. Chìm đắm trong niềm hạnh phúc tột đỉnh của riêng mình là nghiên cứu khuôn mặt của khách qua đường. Chú ý tới cấu trúc của gò má và độ sâu của xương hàm dưới, khỏang cách giữa hai mắt và chiều cao của tai, đường viền xương hàm cũng như khỏang cách của hốc mắt. Và đó chính là lý do tại sao Edna có thể nhận ra cô gái mất tích, bất chấp màu tóc và kiểu tóc mới, bất chấp cặp kính hợp mốt cùng cách ăn mặc và trang điểm người lớn.

“Cô ta đi cùng một người đàn ông.”

“Gì cơ?”

Edna không nhận ra rằng mình đã bật thốt thành lời.

“Cô gái ấy.”

Stanley nhăn mặt. “Em đang nói về cái gì thế, Edna?”

Tấm ảnh đó. Bức ảnh chân dung thời trung học cố cường điệu cho ra vẻ bình thường. Bạn đã nhìn thấy nó hàng triệu lần. Bạn thấy nó trong một cuốn kỷ yếu của nhà trường, và cảm xúc bắt đầu khuấy đảo. Cùng một lúc, bạn thấy được quá khứ, bạn thấy được tương lai của cô gái. Bạn còn cảm thấy cả niềm vui của tuổi trẻ lẫn nỗi đau của quá trình trưởng thành. Bạn có thể thấy được cả tiềm năng của cô ta. Bạn có thể cảm thấy nỗi day dứt luyến tiếc quá khứ. Bạn thấy năm tháng của cô ta vùn vụt trôi đi, có thể là thời sinh viên, rồi hôn nhân, con cái, tất thảy những thứ đó.

Nhưng một khi chính tấm ảnh ấy lại xuất hiện trong chương trình bản tin tối, thì nó sẽ gây ra nỗi khiếp sợ xuyên thấu tim bạn. Bạn nhìn vào khuôn mặt cô, vào nụ cười ngập ngừng, vào mái tóc rủ xuống và bờ vai trễ, và tâm trí của bạn đi vào những miền tăm tối không nên chút nào.

Đã bao lâu rồi Katie - đó chính là tên cô gái, Katie - đã bao lâu rồi kể từ khi cô ta biến mất?

Edna cố gắng nhớ lại. Hình như một tháng. Cũng có thể là sáu tuần. Câu chuyện lan truyền chỉ trong vùng này, và chắc không lâu đến vậy. Có những người cho rằng cô gái đã bỏ trốn. Katie Rochester đã bước sang tuổi mười tám vài ngày trước khi biến mất - điều này khẳng định cô đã là người lớn và do đó hạ thấp mức độ ưu tiên khá nhiều. Rất có thể cô gặp rắc rối ở nhà, nhất là với ông bố nghiêm khắc nhưng khi nói môi vẫn cứ run lẩy bẩy.

Có thể Edna đã nhầm. Có thể đó không phải là cô gái ấy.

Có một cách xác định.

“Nhanh lên,” Edna gọi Stanley.

“Sao thế? Đi đâu bây giờ?”

Không có thì giờ để trả lời. Cô gái có thể chỉ ở cách đây một khu nhà về phía trước mà thôi. Stanley sẽ bám theo sau. Stanley Rickenback, một bác sĩ sản-phụ khoa, là người chồng thứ hai của Edna. Người chồng đầu tiên của bà chỉ như cơn gió thỏang qua, một anh chàng huênh hoang tự mãn, quá điển trai và cũng quá ham hố, tóm lại là một gã chẳng ra gì. Nói vậy cũng không công bằng cho lắm, nhưng thế thì đã sao nào? Cái ý nghĩ lấy một bà vợ bác sĩ - hồi bốn mươi năm về trước - là một ý tưởng mới mẻ độc đáo đối với Ông chồng Thứ nhất. Tuy nhiên, thực tế lại không được như anh ta mong muốn. Anh ta tưởng rằng Edna sẽ sao nhãng công việc chuyên môn một khi họ có con. Nhưng Edna thì không, thậm chí còn ngược lại. Sự thực là, một sự thực không qua mắt được con cái của Edna, bà yêu công việc của một bác sĩ hơn là làm mẹ.

Bà chạy nhanh về phía trước. Vỉa hè chật cứng người qua lại. Bà lượn xuống lòng đường, cạnh lề đường và tăng tốc. Stanley cố gắng bám theo. “Edna?”

“Cứ ở cạnh em đi.”

Ông bắt kịp bà. “Chúng ta đang làm cái quái gì vậy?”

Mắt Edna còn mải tìm kiếm mái tóc đỏ.

Kia rồi. Ở phía trên kia bên trái.

Bà cần nhìn gần hơn nữa. Giờ thì Edna bứt phá mở hết tốc lực, một hình ảnh hầu như ở bất cứ nơi nào đều được cho là kỳ khôi - một bà già ngoại lục tuần ăn mặc chỉnh tề đang chạy như bay dọc con phố, nhưng đây là Manhattan. Chẳng mấy ai buồn để ý.

Bà vòng ra phía trước người phụ nữ, cố gắng không tỏ ra quá lộ liễu, lẩn vào sau những người cao lớn hơn, và khi đã chọn được chỗ thích hợp, Edna mới ngó nghiêng xung quanh. Người-có-thể-là-Katie tiến lại gần bà. Ánh mắt họ gặp nhau trong tích tắc, và Edna hiểu ngay.

Chính là cô gái ấy.

Katie Rochester đi cùng một người đàn ông tóc đen, khỏang ngoài ba mươi tuổi. Họ đang nắm tay nhau. Trông cô không có vẻ gì là đau khổ cả. Đúng ra là trông cô khá mãn nguyện, cho tới tận thời điểm ánh mắt họ gặp nhau. Tất nhiên, có thể điều này chẳng có ý nghĩa gì hết. Elizabeth Smart, cô gái trẻ đã bị bắt cóc khỏi Utah, đi ngoài đường với kẻ bắt cóc mình, mà không bao giờ phát tín hiệu cầu cứu. Đây có lẽ cũng là một trường hợp tương tự.

Edna không tin vào khả năng đó.

Cô gái tóc đỏ có-thể-là-Katie thì thầm điều gì với người đàn ông tóc đen. Họ rảo bước nhanh hơn. Edna nhìn thấy hai người rẽ phải và đi xuống cầu thang dẫn vào ga tàu điện ngầm. Tấm biển ghi TÀU C và E. Stanley đã bắt kịp Edna. Ông đang định nói điều gì đó, nhưng khi thấy vẻ mặt của bà ông liền im lặng.

“Đi nào.” Bà nói.

Họ vội vã vòng ra phía trước và đi xuống cầu thang. Người phụ nữ mất tích và người đàn ông tóc đen vừa bước qua chiếc cửa quay. Edna tiến lại chỗ đó.

“Khốn kiếp thật!”

“Sao vậy?”

“Em không mang theo thẻ tàu điện ngầm rồi.”

“Anh có mang theo đây.” Stanley nói.

“Đưa cho em. Nhanh lên nào.”

Stanley rút chiếc thẻ ra khỏi ví và đưa cho bà. Bà quét thẻ, rồi đi qua chiếc cửa quay, đưa trả thẻ lại cho ông. Bà không đợi. Họ đã xuống cầu thang và đi về phía bên phải. Bà bám theo. Bà nghe thấy tiếng lao ầm ầm của con tàu sắp đến, và rảo bước nhanh hơn.

Tiếng phanh rin rít rồi con tàu dừng lại. Cửa tàu điện ngầm mở ra, tim Edna đập loạn lên trong lồng ngực. Bà nhìn quanh khắp lượt, tìm kiếm mái tóc đỏ.

Không thấy gì hết.

Cô gái đó đâu rồi?

“Edna?” Stanley gọi. Ông đã theo tới nơi.

Edna im lặng. Bà đứng ở sân ga, nhưng không có dấu vết nào của Katie Rochester. Và thậm chí nếu có thì sao? Edna nên làm gì? Bà có nên nhảy lên tàu và tiếp tục bám theo họ hay không? Tới đâu? Rồi sau đó làm gì? Tìm ra một căn hộ hay một ngôi nhà rồi gọi cảnh sát chăng...

Ai đó vỗ vào vai bà.

Edna quay lại. Đó chính là cô gái mất tích.

Rất lâu về sau này, Edna vẫn băn khoăn rằng bà đã thấy gì ở biểu hiện của cô gái khi ấy. Liệu đó có phải một cái nhìn cầu khẩn không? Hay tuyệt vọng? Bình tĩnh? Vui sướng, bình thản? Cả quyết? Tất cả.

Họ đứng đó và trân trân nhìn nhau trong chốc lát. Đám đông hối hả, sự im lặng khó lý giải của chiếc loa, tiếng xì xì của đoàn tàu - tất cả đều như biến mất, chỉ còn lại hai người.

“Xin bà” - cô gái mất tích nói, giọng thì thầm. “Bà không được nói với ai là đã thấy tôi đấy.”

Rồi cô gái bước lên tàu. Edna rùng mình. Cửa toa tàu đóng lại. Edna muốn làm một việc gì đó, làm bất cứ việc gì, nhưng bà không thể cử động nổi. Ánh mắt bà vẫn không rời ánh mắt cô gái.

“Xin bà” cô gái mấp máy môi qua tấm cửa kính.

Và rồi con tàu mất hút trong bóng tối.

Chương 2

Có hai cô gái mới lớn ở dưới tầng hầm nhà Myron. Câu chuyện đã bắt đầu như vậy. Sau này, mỗi khi Myron nhìn lại tất cả nỗi mất mát và đau khổ này, thì đầu tiên một chuỗi những câu hỏi “Sẽ ra sao nếu” lại bùng lên và ám ảnh anh. Sẽ ra sao nếu như anh không cần đá lạnh? Sẽ ra sao nếu anh mở cánh cửa tầng hầm muộn hơn hoặc sớm hơn một phút? Sẽ ra sao nếu như hai cô gái mới lớn ấy - lúc đầu họ làm cái quái gì riêng tư ở dưới tầng hầm của anh nhỉ? - chỉ thì thầm trò chuyện để anh khỏi tình cờ nghe thấy.

Sẽ ra sao nếu như anh chỉ quan tâm đến chuyện của mình thôi.

Từ đỉnh cầu thang, Myron nghe thấy tiếng các cô gái cười khúc khích. Anh dừng lại. Trong giây lát anh đã định đóng cửa và mặc kệ họ. Chỉ còn một ít đá cho bữa tiệc nhỏ của anh, chứ chưa hết hẳn. Anh có thể quay về.

Nhưng trước khi anh quay đi thì giọng của một cô gái vẳng tới cầu thang. “Vậy là cậu đi cùng Randy à?”

Cô kia: “Ôi lạy Chúa, bọn tớ phê cực luôn.”

“Bia à?”

“Ừ, bia và chích choác.”

“Thế làm sao cậu về nhà được?”

“Randy lái xe”

Trên đỉnh cầu thang, Myron đứng đờ người ra.

“Nhưng cậu nói là...”

“Suỵt.” Và rồi: “Này! Có ai ở đó không vậy?”

Bị phát hiện rồi.

Myron chạy bước một xuống cầu thang, miệng huýt sáo. Quý ngài Tùy tiện. Hai cô gái đang ngồi ở cái chỗ từng là phòng ngủ của Myron. Tầng hầm được “hoàn tất” vào năm 1975 và trông cũ kỹ như vậy. Bố của Myron, hiện đang cùng mẹ du hí tại một khu nhà condo gần Boca Raton, lúc đó đã dùng rất nhiều băng dính hai mặt. Sàn nhà lát ván gỗ, trông cổ lỗ chẳng khác gì những cuộn băng video Betamax, đã bắt đầu lún. Ở nhiều chỗ, những mảng tường bê tông đã lộ ra và bong tróc thấy rõ. Những tấm gỗ lát sàn, được dán xuống nền nhà bằng một thứ tương tự như keo dán của hãng Elmer, cũng đang oằn hết cả. Chúng kêu ọp ẹp mỗi khi có người giẫm phải.

Hai cô gái - một người Myron biết từ khi mới chào đời, người kia thì anh mới chỉ gặp hôm nay - tròn mắt nhìn anh. Trong khỏanh khắc, không ai nói gì hết. Anh khẽ vẫy tay chào họ.

“Chào các cô.”

Ngay từ những lời nói đầu tiên, Myron Bolitar đã tỏ ra rất tự hào về bản thân mình.

Cả hai cô gái đều là học sinh trung học năm cuối, và đều xinh xắn theo kiểu hơi non nớt. Cái cô bé ngồi ở góc chiếc giường cũ kỹ - người mà anh mới gặp cách đây chừng một tiếng - tên là Erin. Hai tháng trước, Myron đã bắt đầu hẹn hò với mẹ của Erin, một góa phụ và là một nhà báo tự do, tên là Ali Wilder. Bữa tiệc này, được tổ chức tại ngôi nhà nơi Myron đã lớn lên và nay thuộc quyền sở hữu của anh, giống như tiệc “ra mắt” của Myron và Ali với tư cách là một cặp.

Còn cô gái kia, Aimee Biel, bắt chước cách vẫy tay và giọng nói của anh. “Chào Myron.”

Sự im lặng kéo dài lâu hơn.

Lần đầu tiên anh gặp Aimee Biel là vào ngày cô sinh ra tại bệnh viện St. Barnabas. Aimee cùng với cha mẹ cô, Claire và Erik, sống cách đây 2 khu nhà. Myron biết Claire từ hồi họ còn học chung với nhau ở trường trung học cở sở Heritage, cách đây chưa tới nửa dặm. Myron quay về phía Aimee. Trong chốc lát, anh như quay về quá khứ hai mươi lăm năm trước. Aimee giống mẹ cô quá, cũng có cái điệu cong môi cười toe toét bất chấp tất cả ấy, cứ như thể anh đang nhìn xuyên qua một cánh cửa thời gian.

“Chú định xuống lấy thêm ít đá” - Myron nói. Anh dùng ngón tay cái chỉ về phía cái tủ đá, để minh họa thêm cho câu nói của mình.

“Tuyệt[1],” Aimee nói.

[1] Nguyên văn “cool” nghĩa gốc là “mát”, tiếng lóng có nghĩa là “tuyệt”.

“Mát lắm.” Myron nói. “Lạnh như đá ấy chứ.”

Myron cười tủm tỉm. Chỉ mình anh cười.

Myron nhìn sang Erin, nụ cười ngớ ngẩn còn đọng trên mặt. Cô gái quay mặt đi. Đó là kiểu phản ứng chủ yếu của cô ngày hôm nay. Lịch sự và xa cách.

“Cháu hỏi chú một chút nhé?” Aimee nói.

“Cứ hỏi.”

Cô gái xòe đôi bàn tay: “Đây có phải căn phòng mà chú lớn lên không?”

“Đúng vậy.”

Hai cô gái liếc nhau. Aimee rúc rích cười. Erin cũng vậy.

“Sao thế?” Myron hỏi.

“Căn phòng này... cháu muốn nói là, liệu có thể tồi tàn hơn nữa không?”

Erin cuối cùng cũng chịu lên tiếng: “Đại loại nó còn cũ kỹ hơn cả những thứ cổ lỗ.”

“Chú gọi cái này là gì vậy?” Aimee hỏi, tay chỉ xuống phía dưới.

“Ghế túi[2].” Myron đáp.

[2] Ghế túi: Ghế có hình túi, bên trong có thể nhồi hạt hoặc bông, hay dùng để ngủ trưa.

Hai cô gái càng rúc rích tợn hơn.

“Thế làm sao cái đèn bàn này lại có bóng màu đen?”

“Vì nó làm cho các tấm áp phích sáng lên.”

Những tiếng cười lại rộ lên.

“Này, chú cũng đã từng là học sinh trung học đấy nhé,” Myron nói, như thể điều đó sẽ giải thích được mọi chuyện.

“Chú đã bao giờ đưa cô gái nào về đây chưa?” Aimee hỏi.

Myron đặt bàn tay lên ngực, phía trái tim. “Một quý ông đích thực không bao giờ bép xép chuyện tình cảm.” Rồi sau đó: “Có.”

“Bao nhiêu?”

“Bao nhiêu cái gì cơ?”

“Chú đã đưa bao nhiêu cô gái về đây rồi?”

“Ồ. Khỏang” - Myron ngửa mặt, dùng ngón trỏ vẽ lên không khí - “Chừng ba... Chú nghĩ là vào khỏang giữa tám và chín trăm nghìn.”

Câu trả lời gây ra những tràng cười lớn.

“Thực ra,” Aimee nói, “Mẹ nói rằng chú đã từng rất dễ thương.”

Myron nhướng một bên mày: “Đã từng?”

Hai cô gái đập tay với nhau cười lăn lộn. Myron lắc đầu và cằn nhằn vài câu về việc cần phải tôn trọng người lớn tuổi. Khi chúng yên lặng trở lại, Aimee nói: “Cháu hỏi thêm vài điều nữa được không?”

“Cứ hỏi.”

“Ý của cháu là hỏi nghiêm túc ấy.”

“Thì cứ hỏi đi.”

“Những tấm ảnh ở tầng trên là của chú à? Những tấm treo cạnh cầu thang ấy.”

Myron gật đầu. Anh đã đoán ra câu tiếp theo là gì rồi.

“Chú cũng đã từng xuất hiện trên trang bìa của tờ Sports Illustrated?”

“Đúng thế.”

“Bố mẹ cháu nói rằng chú đã từng được coi là vận động viên bóng rổ giỏi nhất nước.”

“Bố mẹ cháu,” Myron đáp, “nói quá lên đó thôi.”

Cả hai cô nhìn anh chằm chằm. Năm giây trôi qua. Lại năm giây nữa.

“Chú bị mắc cái gì ở răng à?” Myron hỏi.

“Có phải chú được chọn vào đội Lakers không?”

“Đội Celtics.” Myron đính chính.

“À, xin lỗi, đội Celtics.” Aimee vẫn khiến anh không thể rời khỏi cặp mắt của cô bé. “Và chú bị chấn thương đầu gối phải không?”

“Đúng thế.”

“Sự nghiệp của chú thế là đi đứt. Đại loại như vậy, phải không?”

“Gần như là thế.”

“Vậy thì,” - Aimee nhún vai - “Cảm giác như thế nào?”

“Chấn thương đầu gối á?”

“Trở thành một ngôi sao như vậy. Để rồi, đùng một cái, không bao giờ có thể thi đấu được nữa.”

Cả hai cô gái chờ đợi câu trả lời của anh. Myron cố gắng nêu lên một điều thật sâu sắc.

“Nó phá hỏng cả một thành công rực rỡ.”

Họ đều thích câu trả lời đó.

Aimee lắc đầu. “Đấy chắc là điều tồi tệ nhất.”

Myron nhìn Erin. Erin cụp mắt xuống. Căn phòng bỗng yên tĩnh lạ thường. Anh chờ đợi. Cuối cùng thì cô gái cũng chịu ngước lên. Cô trông đầy sợ hãi, bé bỏng và non nớt. Anh muốn ôm lấy cô trong vòng tay, nhưng hỡi ôi, đó sẽ là một hành động hết sức sai lầm.

“Không,” Myron dịu dàng đáp, mắt vẫn không rời khỏi ánh nhìn của Erin. “Còn xa mới tới điều tồi tệ nhất.”

Có giọng nói từ đỉnh cầu thang vọng xuống, “Myron?”

“Tôi tới đây.”

Anh đã sắp sửa rời đi. Và đó là câu hỏi lớn “Sẽ ra sao nếu” tiếp theo. Những gì anh tình cờ nghe thấy ban nãy khi đứng trên cầu thang - Randy lái xe - cứ văng vẳng trong đầu. Bia và chích choác. Anh không thể bỏ qua điều này được, phải không nào?

“Chú muốn kể với các cháu một câu chuyện,” Myron bắt đầu. Rồi anh ngừng lại. Những gì anh muốn làm là kể cho họ nghe về tai nạn đáng tiếc xảy ra từ hồi anh học trung học. Có một bữa tiệc ở nhà của Barry Brenner. Anh muốn kể với các cô gái về chuyện đó. Anh cũng đã từng là học sinh cấp ba, giống như họ. Cũng đã có vô khối những vụ nhậu tưng bừng. Đội bóng của anh, Livingston Lancers, vừa mới giành chiến thắng trong cuộc thi bóng rổ toàn bang, công đầu phải nhắc tới bốn mươi ba điểm của người-Mỹ-chính-hiệu Myron Bolitar. Mọi người đều say mèm. Anh nhớ đến Debbie Frankel, một cô gái rất thông minh, một con người mạnh mẽ, người khơi mào luôn tràn đầy sức sống, luôn giơ tay để phản biện lại ý kiến của thầy cô, luôn tranh luận và nắm bắt được mặt trái của vấn đề, và vì thế mà bạn bè yêu mến cô. Nửa đêm, Debbie qua chào tạm biệt anh. Cặp kính của cô trễ xuống sống mũi. Đó là điều mà anh nhớ nhất - cặp kính của cô đã trượt xuống. Myron thấy rằng Debbie đã phê lắm rồi. Và cả hai cô gái sắp sửa chui vào chiếc xe đó cũng vậy.

Bạn có thể đoán trước được kết cục của câu chuyện. Họ phi lên dốc Đại lộ Nam Orange quá nhanh. Debbie chết trong vụ tai nạn. Chiếc xe rúm ró ấy được đem trưng bày ở trường trung học trong suốt sáu năm. Myron tự hỏi không biết giờ thì nó ở đâu, rốt cuộc thì họ đã làm gì với đống sắt vụn ấy.

“Chuyện gì vậy chú?” Aimee hỏi.

Nhưng Myron đã không kể cho họ nghe về Debbie Frankel. Erin và Aimee chắc chắn đã nghe những câu chuyện tương tự như thế rồi. Nó sẽ chẳng có tác dụng gì hết. Anh biết điều đó. Vì thế, anh tìm cách khác.

“Chú muốn các cháu hứa với chú một điều,” Myron nói.

Erin và Aimee nhìn Myron chằm chằm.

Anh lấy ví khỏi túi và rút ra hai tấm danh thiếp. Anh mở ngăn kéo trên cùng và tìm thấy một chiếc bút vẫn còn dùng được. “Đây là tất cả các số điện thoại và địa chỉ của chú: số nhà, số cơ quan, số di động, địa chỉ tại New York.”

Myron viết nguệch ngoạc trên hai tấm danh thiếp rồi đưa cho từng cô gái. Họ cầm lấy mà không nói gì cả.

“Hãy nghe lời chú nhé, được không? Bất cứ khi nào các cháu gặp rắc rối, bất cứ khi nào các cháu ra ngoài nhậu nhẹt hoặc bạn bè các cháu đi nhậu, khi nào các cháu quá phấn khích hoặc phê thuốc, hay là gì đi nữa chú không cần biết. Hứa với chú. Hứa với chú là các cháu sẽ gọi cho chú. Chú sẽ tới đón các cháu cho dù các cháu ở bất cứ đâu. Chú sẽ không hỏi câu nào hết. Chú cũng sẽ không hé răng nói với bố mẹ các cháu. Đó là những gì chú hứa với các cháu. Chú sẽ đưa các cháu tới bất cứ nơi nào các cháu muốn đến. Không cần biết là khuya khoắt đến thế nào. Không cần biết các cháu ở xa đến đâu. Mặc cho các cháu có phê đến mức độ nào đi chăng nữa. 24/7. Cứ gọi cho chú, và chú sẽ tới đón các cháu.”

Hai cô không nói gì cả.

Myron bước một bước lại gần hơn. Anh cố không tỏ ra nài nỉ. “Lưu ý... đừng lên xe với một người cầm lái đã uống nhiều.”

Họ chỉ nhìn chằm chằm vào anh.

“Hứa với chú đi,” anh nói.

Giây lát sau - câu hỏi “sẽ ra sao nếu” cuối cùng - họ hứa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3