Đừng nói một ai - Chương 05 + 06

5

Tôi nhìn không chớp mắt vào màn hình máy tính.

Tôi không cử động nổi. Những giác quan bị quá tải quá mức. Mọi bộ phận cơ thể tê liệt.

Không thể như thế được. Tôi biết mà. Elizabeth không bị rơi khỏi thuyền buồm rồi được giả định là đã chết đuối, thi thể nàng không bao giờ được tìm thấy. Nàng đã không bị thiêu đến nỗi không nhận dạng được hay đại loại thế. Thi thể nàng được tìm thấy trong một cái rãnh dưới Đường 80. Bị biến dạng, có thể là thế, nhưng nàng đã được nhận dạng một cách chắc chắn.

Không phải mày nhận dạng...

Có thể không phải, nhưng thi thể nàng đã được hai thành viên thân thiết trong gia đình nhận dạng: cha và chú nàng. Thật ra thì, Hoyt Parker, bố vợ tôi, chính là người nói với tôi Elizabeth đã chết. Ông cùng em trai, Ken, đến phòng bệnh không lâu sau khi tôi hồi phục ý thức. Hoyt và Ken đều to lớn, mặt lạnh như đá, tóc hoa râm, một người là cảnh sát thành phố New York, người kia là đặc vụ liên bang, cả hai là cựu chiến binh với cơ bắp to lớn, rắn chắc cuồn cuộn.

Họ cởi mũ ra và gắng nói với tôi bằng giọng thấu cảm của các chuyên gia, nhưng tôi đã không tin và họ cũng không cố gắng thuyết phục.

Vậy, tôi vừa mới nhìn thấy cái gì thế?

Trên màn hình, dòng người đi bộ vẫn trào ra. Tôi cố nhìn thêm, mong ngóng nàng sẽ quay lại. Không được. Dù sao đi nữa, nơi này ở đâu nhỉ? Một thành phố hối hả, đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Với tất cả những gì tôi biết, nó có thể là New York.

Vậy hãy tìm đầu mối đi, đồ ngốc.

Tôi cố gắng tập trung. Quần áo. Tốt thôi, hãy xem xét quần áo. Hầu hết mọi người mặc áo khoác hoặc jacket. Kết luận: có lẽ ở nơi nào đó tận phía Bắc, hay ít nhất, nơi nào đó không đặc biệt ấm áp vào ngày hôm nay. Tuyệt. Tôi có thể loại ngay Miami.

Gì nữa? Tôi lom lom nhìn mọi người. Kiểu tóc ư? Không ích gì mấy. Tôi nhìn thấy một góc của tòa nhà bằng gạch. Tôi tìm những đặc điểm giúp nhận dạng, thứ gì đó phân biệt tòa nhà này với những tòa nhà thông thường. Không có gì. Tôi tìm trên màn hình thứ gì đó, bất cứ thứ gì, khác thường.

Những cái túi mua hàng.

Một vài người mang túi mua hàng. Tôi cố gắng đọc dòng chữ trên chúng, nhưng mọi người di chuyển nhanh quá. Tôi cầu cho họ đi chậm lại. Họ không làm thế. Tôi tiếp tục nhìn chằm chằm chỗ ngang gối họ. Góc quay của chiếc camera ở chỗ này không rõ được mấy. Tôi đưa mặt lại gần màn hình, tôi cảm nhận được hơi nóng.

Chữ cái R viết hoa.

Đó là chữ cái đầu tiên trên một cái túi. Phần còn lại nguệch ngoạc quá không nhìn ra được. Nó trông như thể được viết bằng chữ lạ lùng nào đó. Được, gì nữa nào? Thêm một đầu mối nữa là tôi có thể...?

Màn hình chiếc camera trở thành màu trắng.

Mẹ kiếp. Tôi nhấn phím load lại. Màn hình báo lỗi lại xuất hiện. Tôi mở lại lá thư đầu tiên và nhắp chuột vào hyperlink. Một lỗi khác.

Thứ nuôi tôi sống bị cướp đi rồi.

Tôi nhìn vào màn hình trống không, và sự thật đập vào tôi một lần nữa: Tôi vừa trông thấy Elizabeth.

Tôi cố dùng lý trí xua nó đi. Nhưng đây không phải là một giấc mơ. Tôi đã chiêm bao những giấc mơ Elizabeth còn sống. Quá nhiều thể loại đó. Hầu hết trong những giấc mơ này, tôi đón nhận nàng từ cái chết trở về, biết ơn đến nỗi không buồn hỏi han hay nghi ngờ. Tôi đặc biệt nhớ một giấc mơ, chúng tôi ở bên nhau - tôi không nhớ chúng tôi đang làm gì hay thậm chí là ở đâu - và ngay lúc dó, giữa những tiếng cười đùa, tôi đã nhận ra với sự chắc chắn đến nghẹn thở tôi đang mơ, rằng chẳng chóng thì chầy, tôi sẽ tỉnh dậy, một mình. Tôi nhớ giấc mơ - tôi giơ tay ra trong khoảnh khắc ấy, vồ lấy nàng, kéo nàng lại thật gần, cố gắng đến tuyệt vọng để lôi Elizabeth trở lại với mình.

Tôi biết những giấc mơ chứ. Cái mà tôi vừa nhìn thấy trên màn hình không phải một giấc mơ.

Nó cũng không phải là một hồn ma. Không phải tôi tin có hồn ma, nhưng khi nghi ngờ, người ta cũng nên có đầu óc thoáng một chút. Nhưng hồn ma không già đi. Elizabeth trên máy tính già đi. Không nhiều lắm, nhưng đã tám năm rồi. Hồn ma cũng không cắt tóc. Tôi nghĩ đến bím tóc buông dài xuống lưng nàng trong đêm trăng ấy. Tôi nghĩ đến kiểu tóc ngắn thời trang mà tôi vừa nhìn thấy. Và tôi nghĩ đến đôi mắt, đôi mắt tôi đã nhìn sâu tận đáy khi tôi mới bảy tuổi.

Đó là Elizabeth. Nàng vẫn còn sống.

Tôi thấy nước mắt mình lại trào ra, nhưng lần này tôi nén lại. Buồn cười. Tôi luôn dễ khóc, nhưng sau khi than khóc Elizabeth, dường như tôi không thể nào khóc được nữa. Không phải là tôi đã khóc quá nhiều và bao nhiêu nước mắt đã bị dùng hết rồi, hay thứ gì vớ vẩn đại loại thế. Hay là tôi đã trở nên tê dại vì đau buồn, mặc dù hẳn là có một phần nhỏ như thế. Điều tôi nghĩ đã xảy ra, đó là tôi, một cách đầy bản năng, đóng sập mình vào tư thế bảo vệ. Khi Elizabeth mất, tôi mở toang tất cả các cửa và để nỗi đau tràn vào. Tôi để chính mình cảm nhận tất cả. Và nó đau lắm. Đau khủng khiếp đến nỗi bây giờ có thứ gì đó, quan trọng đến mức sống còn, đảm bảo để chuyện đó không xảy ra thêm một lần nào nữa.

Tôi không biết mình đã ngồi ở đó bao lâu. Có lẽ nửa tiếng. Tôi cố thở chậm lại và làm dịu đầu óc. Tôi muốn lý trí. Tôi cần phải lý trí. Tôi đáng lẽ phải ở nhà bố mẹ Elizabeth rồi, nhưng tôi không thể tượng tượng vào ngay lúc này phải đối mặt với họ.

Rồi tôi nhớ ra một thứ khác.

Sarah Goodhart.

Cảnh sát trưởng Lowell đã hỏi tôi liệu tôi có biết tí gì về cái tên này không. Tôi biết.

Elizabeth và tôi thường chơi một trò hồi còn bé. Có thể bạn cũng từng chơi trò đó. Lấy tên đệm của mình, coi là tên và lấy tên con đường thuở ấu thơ, coi là họ. Chẳng hạn, tên đầy đủ của tôi là David Craig Beck và tôi lớn lên ở Darby Road. Vì vậy tôi sẽ là Craig Darby và Elizabeth sẽ là...

Sarah Goodhart.

Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra ở đây thế?

Tôi nhấc điện thoại lên. Đầu tiên, tôi gọi cho bố mẹ Elizabeth. Họ vẫn sống ở căn nhà đó trên Goodhart Road. Mẹ nàng nhấc máy. Tôi bảo bà tôi đến muộn. Với bác sĩ, người ta chấp nhận chuyện đó. Một trong những phụ cấp của nghề này.

Khi tôi gọi cho cảnh sát trưởng Lowell, điện thoại trả lời tự động của ông ta đáp lại. Tôi bảo ông ta nhắn vào máy nhắn tin của tôi khi ông ta có thể. Tôi không có điện thoại di động. Tôi nhận ra điều này sẽ khiến tôi thuộc vào loại thiểu số, nhưng máy nhắn tin giúp tôi phong tỏa với thế giới bên ngoài.

Tôi ngồi lại, nhưng Homer Simpson lôi tôi ra khỏi cơn mê bằng một tiếng hét: “Thư ở đây!” Tôi chồm tới và tóm chặt con chuột. Địa chỉ người gửi không quen biết, nhưng tiêu đề lá thư là Camera đường phố. Một tiếng thịch khác trong lồng ngực tôi.

Tôi nhấp chuột vào biểu tượng nhỏ và lá thư xuất hiện.

Ngày mai cũng thời gian này cộng thêm hai tiếng nữa tại Bigfoot.com

Một thông điệp gửi cho bạn sẽ được để lại dưới:

Username: Bat Street

Password: Teenage

Dưới những dòng này, dính chặt vào phần dưới cùng của màn hình, chỉ có tám từ:

Chúng đang theo dõi. Đừng nói một ai.

Larry Gandle, gã đàn ông với đám tóc xấu xí nhìn Eric Wu im lặng tẩy rửa.

Wu, một tên Hàn Quốc hai mươi sáu tuổi với một tổ hợp đáng kinh ngạc gồm những lỗ xiên và vết xăm trên cơ thể, là một tay cực đoan nhất mà Gandle từng biết. Người Wu như thể một chiếc xe tăng quân sự nhỏ, nhưng chỉ riêng điều đó thôi không có ý nghĩa gì nhiều lắm. Gandle biết rất nhiều thằng có cơ thể như thế. Quá thường xuyên, cơ bắp được khoe ra là cơ bắp vô dụng.

Trường hợp Eric Wu không phải thế.

Bắp thịt như đá tảng của hắn đẹp, nhưng bí mật sức mạnh chết người thực sự của Wu nằm ở đôi tay chai cứng - hai khối xi măng với những ngón móng vuốt thép. Hắn dành hàng giờ luyện tay, đấm vào khối muội than còn nóng, để ngón tay trần trong nhiệt độ cực nóng và cực lạnh, tập các bài hít đất bằng một ngón tay. Khi Wu sử dụng những ngón tay này, khả năng phá hủy xương và mô của chúng là không thể tưởng tượng nổi.

Tin đồn bí ẩn xoay quanh những kẻ như Wu hầu hết đều tào lao, nhưng Larry Gandle đã chứng kiến hắn giết một thằng bằng cách ấn sâu những ngón tay vào mặt và bụng thằng kia. Gã cũng đã trông thấy Wu túm lấy tai một thằng và xé toạc chúng ra bằng một cú giật nhẹ nhàng. Gã đã chứng kiến Wu giết bốn người bằng bốn cách rất khác nhau, không bao giờ sử dụng một loại vũ khí nào.

Không một cái chết nào đến nhanh chóng.

Không ai biết chính xác Wu quê ở đâu, nhưng hầu hết tin vào một câu chuyện có liên quan gì đấy về một tuổi thơ dữ dội ở Bắc Triều Tiên. Gandle chưa bao giờ hỏi. Có những con đường mòn ban đêm mà trí óc tốt hơn là không nên ngang qua; phần tối của Eric Wu - đúng thế, cứ như là có một phần sáng ấy - là một trong những con đường mòn ban đêm đó.

Khi hoàn thành việc bọc lại cái đống chất nguyên sinh vốn trước đó là Vic Letty bằng tấm bạt, đôi mắt Wu ngước lên nhìn Gandle. Đôi mắt chết, Larry Gandle nghĩ. Đôi mắt của đứa trẻ trong một thước phim ngắn quay cảnh chiến tranh.

Wu không buồn tháo tai nghe ra. Chiếc stereo cá nhân của hắn không om sòm nhạc hip hop, rap hay ngay cả rock ‘n’ roll. Hắn liên tục nghe những CD loại nhạc êm dịu có thể tìm thấy ở Sharper Image như Ocean Breeze và Running Brook.

“Tao có nên mang nó đến chỗ Benny không?” Wu hỏi. Giọng hắn có một điệu chầm chậm, kỳ quặc khi nói câu này, như một nhân vật trong phim hoạt hình Peanuts.

Larry Gandle gật đầu. Benny quản lý một lò hỏa thiêu. Cát bụi lại trở về cát bụi. Hay, trong trường hợp này, từ cặn bã trở về cát bụi. “Và tống khứ cái này đi.”

Gandle chìa cho Eric Wu khẩu hai mươi hai. Khẩu súng nhìn nhỏ bé yếu đuối và vô dụng trong bàn tay vĩ đại của Wu. Wu cau mày nhìn nó, có lẽ thất vọng vì Gandle đã chọn nó chứ không chọn những tài năng độc nhất của riêng Wu, rồi nhét chặt khẩu súng vào túi. Với một khẩu hai mươi hai, có ít vết thương. Điều đó nghĩa là có ít bằng chứng. Máu được bọc bằng một tấm nhựa vinyl. Không lộn xộn, không ồn ào.

“Để sau,” Wu nói. Hắn nâng cái xác lên bằng một tay như thể cái cặp đựng tài liệu và mang ra ngoài.

Larry Gandle gật đầu chào tạm biệt. Gã cảm thấy hơi vui từ những đau đớn của Vic Letty - nhưng rồi cũng một chút khó chịu. Thực ra là một vấn đề đơn giản. Gandle phải tuyệt đối chắc chắn Letty hành động một mình và thằng này không để lại bằng chứng nào để ai đó có thể mò ra. Điều đó nghĩa là gã buộc phải đi quá điểm giới hạn. Không có cách nào khác.

Cuối cùng, còn lại một lựa chọn rõ ràng - hoặc gia đình Scope hoặc Vic Letty. Gia đình Scope là những người tốt. Họ chưa hề làm gì tồi tệ với Vic Letty. Vic Letty, mặt khác, lại ra khỏi đường của mình và tìm cách làm hại gia đình Scope. Chỉ một trong hai có thể vô sự thoát khỏi mọi thứ - nạn nhân ngây thơ, đầy thiện chí hay kẻ ăn bám sống bằng nỗi đau đớn của người khác. Khi nghĩ như thế, không còn lựa chọn nào khác.

Điện thoại di động của Gandle rung lên. Gã trả lời và nói, “Vâng.”

“Họ đã nhận dạng được hai cái xác chỗ khu hồ.”

“Và?”

“Đó là chúng. Chúa ơi, đó là Bob và Mel.”

Gandle nhắm mắt lại.

“Điều này có nghĩa gì, Larry?”

“Tao không biết.”

“Thế chúng ta sẽ làm gì bây giờ?”

Larry Gandle hiểu không có sự lựa chọn nào khác. Hắn sẽ phải nói chuyện với Griffin Scope. Những ký ức không mấy dễ chịu bị bới lên. Tám năm. Tám năm sau. Gandle lắc đầu. Điều này sẽ lại làm tan nát trái tim ông già.

“Tao sẽ lo chuyện này.”

6

Kim Parker, mẹ vợ tôi, đẹp. Bà lúc nào trông cũng hệt Elizabeth đến nỗi khuôn mặt bà đối với tôi trở thành thứ-đáng-lẽ-đã-có-thể cuối cùng. Nhưng cái chết của Elizabeth dần ăn mòn bà. Khuôn mặt bà giờ đây u sầu, những đường nét trở nên khắc khổ. Đôi mắt có ánh nhìn của những viên bi đã rạn vỡ từ sâu bên trong.

Ngôi nhà của gia đình Parker đã trải qua rất ít đổi thay từ những năm bảy mươi - tường gỗ dán, thảm lông dày vừa phải, xanh màu da trời nhạt điểm những vết đốm trắng phủ kín sàn, một lò sưởi đắp nổi giả đá bên ngoài kiểu Brady Bunch. Kệ để TV có giá xếp lại được, loại có phần trên bằng nhựa trắng và chân kim loại màu vàng, đặt sát tường. Bức họa thằng hề và đĩa trang trí Rockwell. Thứ hiện đại duy nhất dễ nhận thấy là cái tivi. Nó lớn lên trong suốt những năm qua từ một gã trắng đen mười hai inch sung sức đến gã màu năm mươi lăm inch khổng lồ, giờ đây ngồi khom khom lù lù ở một góc nhà.

Mẹ vợ tôi ngồi trên cùng một chiếc đi văng Elizabeth và tôi thường rất nhiều lần hôn hít, thậm chí cả làm tình nữa. Tôi mỉm cười trong thoáng chốc và nghĩ, à, giả sử cái đi văng ấy biết nói nhỉ. Nhưng cái khúc to uỳnh oàng để làm chỗ ngồi với những hình trang trí hoa lá sặc sỡ nắm giữ rất nhiều thứ, không chỉ những kỷ niệm gợi tình kia.

Elizabeth và tôi đã ngồi ở đó, mở giấy báo nhập học đại học của chúng tôi. Chúng tôi nằm cuộn mìn ôm nhau xem One Flew Over the Cuckoo’s NestThe Deer Hunter và tất cả những phim cổ của Hitchcock. Chúng tôi làm bài tập về nhà, tôi ngồi thẳng còn Elizabeth nằm gối đầu lên đùi tôi. Tôi bảo Elizabeth tôi muốn trở thành một bác sĩ - một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng, hoặc đại loại thế, tôi nghĩ. Nàng bảo với tôi nàng muốn có bằng luật và làm việc với những đứa trẻ. Elizaberh không chịu đựng nổi ý nghĩ trẻ con phải chịu đau đớn.

Tôi nhớ lần nàng thực tập trong kỳ nghỉ hè sau năm đầu tiên ở đại học. Nàng làm việc cho Covenant House, giải cứu trẻ vô gia cư và trẻ lang thang khỏi những khu phố tồi tệ nhất ở New York. Tôi đi cùng nàng một lần trên chiếc xe tải của Covenant House, dọc Phố 42 đoạn trước Giuliani, rà đi rà lại giữa hàng đống những thể loại thối tha có vẻ có đặc điểm người, tìm những đứa trẻ cần nơi nương tựa. Elizabeth tìm thấy một con bé mười bốn tuổi làm điếm, nó chơi ma túy phê đến nỗi đùn hết ra người. Tôi nhăn mặt ghê tởm. Tôi không tự hào về điều đó. Những con người này lẽ ra là con người, nhưng - thành thật ở đây - những kẻ rác rưởi làm tôi ghê tởm. Tôi giúp đỡ. Nhưng tôi nhăn mặt.

Elizabeth chưa bao giờ nhăn mặt. Đó là bản năng của nàng. Nàng tự tay kéo những đứa trẻ lên. Nàng ẵm chúng. Nàng tắm rửa cho đứa con gái kia, săn sóc và trò chuyện với nó suốt đêm. Nàng nhìn thẳng vào mắt chúng. Elizabeth thực sự tin mọi người đều tốt và có giá trị; nàng ngây thơ theo một kiểu mà tôi ước gì mình có thể như vậy.

Tôi đã luôn tự hỏi liệu có phải nàng cũng chết một cách tương tự như thế không - còn nguyên vẹn sự ngây thơ - vẫn mãi giữ, dù trong đau đớn, niềm tin vào con người và tất cả những thứ ngớ ngẩn tuyệt vời. Tôi hy vọng như vậy, nhưng tôi ngờ KillRoy có lẽ đã bẻ gãy nàng.

Kim Parker ngồi nghiêm nghị tay đặt lên đùi. Bà vẫn luôn quý mến tôi vừa phải, mặc dù trong suốt thời niên thiếu, hai cặp bố mẹ đã không ngừng lo lắng vì chúng tôi quá gần gũi. Họ muốn chúng tôi chơi với những đứa khác. Họ muốn chúng tôi chơi với nhiều bạn bè hơn. Không có gì là lạ, tôi cho là như vậy.

Hoyt Parker, cha Elizabeth, vẫn chưa về, vì vậy Kim và tôi tán gẫu những chuyện không đâu - hoặc cùng nói một thứ theo cách khác nhau, chúng tôi trò chuyện về tất cả mọi thứ, trừ Elizabeth. Tôi giữ cho mắt mình nhìn tập trung vào Kim bởi tôi biết mặt lò sưởi kia đầy ngập những bức ảnh Elizabeth và nụ cười làm người ta đau xé lòng của nàng.

Nàng còn sống...

Tôi không thể khiến bản thân mình tin vào điều đó. Trí óc, tôi biết từ kỳ thực tập bác sĩ tâm thần ở trường y (đó còn chưa nói đến tiền sử gia đình), có năng lực bóp méo kỳ diệu. Tôi không tin tôi đủ điên để ảo tưởng ra hình ảnh của nàng, nhưng mà này, những người điên không bao giờ biết mình điên. Tôi nghĩ đến mẹ và tự hỏi bà đã nhận ra điều gì về tình trạng tâm thần của chính mình, liệu bà từng có khả năng nhìn nhận một cách nghiêm túc nội tâm mình.

Có lẽ là không.

Kim và tôi nói chuyện thời tiết. Chúng tôi nói chuyện về các bệnh nhân của tôi. Chúng tôi nói chuyện về công việc bán thời gian của bà ở cửa hàng Macy. Và rồi Kim làm tôi điếng người.

“Con có đang gặp gỡ ai không?” bà hỏi.

Đây là câu hỏi thực sự riêng tư đầu tiên bà từng hỏi tôi. Nó đẩy tôi lùi lại một bước. Tôi tự hỏi bà muốn nghe điều gì. “Không ạ,” tôi nói.

Bà gật đầu và nhìn như thể bà muốn nói điều gì đó khác nữa. Tay bà run run đưa lên mặt.

“Nhưng con có hẹn hò,” tôi nói.

“Tốt,” bà đáp lại với một cái gật đầu quá mức nồng nhiệt. “Con nên thế.”

Tôi nhìn tay mình và tự lấy làm ngạc nhiên khi nói, “Con vẫn nhớ cô ấy nhiều lắm.” Tôi không định nói thế. Tôi định tiếp tục giữ im lặng và đi theo con đường an toàn mọi khi của chúng tôi. Tôi liếc nhìn lên gương mặt bà. Bà trông vừa đau đớn vừa biết ơn.

“Mẹ biết con thế, Beck ạ,” Kim nói. “Nhưng con không nên cảm thấy tội lỗi khi gặp gỡ người khác.”

“Con không,” tôi nói. “Ý con là, chuyện không phải thế.”

Bà buông không bắt chéo chân nữa và nhướng người về phía tôi. “Vậy thì là gì hả con?”

Tôi không thốt nên lời. Tôi muốn. Vì bà. Bà nhìn tôi bằng đôi mắt rạn vỡ, nhu cầu được trò chuyện về con gái mình lộ quá rõ, quá sống động. Nhưng tôi không thể. Tôi lắc đầu.

Tôi nghe tiếng chìa khóa ở cửa. Cả hai chúng tôi đột ngột quay lên, ngồi thẳng người như đôi tình nhân bị bắt gặp. Hoyt Parker đẩy vai mở cửa và gọi vợ. Ông bước vào phòng, thốt ra tiếng thở dài nặng nhọc rồi bỏ chiếc túi đựng quần áo tập thể dục xuống. Cà vạt nới lỏng, áo sơ mi nhàu nát, tay áo xắn lên tận khuỷu. Cẳng tay Hoyt như Popeye vậy. Khi nhìn thấy chúng tôi ngồi trên đi văng, ông thốt ra một tiếng thở dài nữa, lần này sâu hơn và lộ rõ hơn hàm ý không bằng lòng.

“Anh khỏe không, David?” ông nói với tôi.

Chúng tôi bắt tay. Bàn tay ông, như mọi khi, vẫn đầy những vết chai xước, và quá rắn chắc. Kim xin lỗi và vội ra khỏi phòng. Hoyt và tôi nói với nhau vài câu lịch sự, rồi im lặng ngồi xuống. Hoyt Parker chưa bao giờ thoải mái với tôi. Có lẽ ở đây có mặc cảm Electra[1] nào đó, nhưng tôi luôn cảm thấy ông coi tôi như một mối đe dọa. Tôi hiểu. Đứa con gái bé bỏng của ông đã dành trọn thời gian của nó cho tôi. Trong suốt những năm trước kia, chúng tôi luôn cố đấu tranh với sự oán giận của ông và tiến đến một thứ tình bạn nào đó. Cho đến khi Elizabeth chết.

[1] Electra: Mặc cảm con gái yêu cha ghét mẹ theo lý thuyết Phân tâm học của S. Freud.

Ông đổ lỗi cho tôi về việc đã xảy ra.

Dĩ nhiên, ông chưa bao giờ nói ra, nhưng tôi nhìn thấy điều đó trong mắt ông. Hoyt Parker là một người đàn ông mạnh mẽ, vạm vỡ. Rắn chắc như đá, một người Mỹ điển hình trăm phần trăm. Ông luôn khiến Elizabeth cảm thấy an toàn vô điều kiện. Hoyt sở hữu loại hương bảo vệ đó. Không một thứ tổn hại nào có thể xảy đến với con gái bé bỏng của ông chừng nào Hoyt Bự còn ở bên cạnh con bé.

Tôi không nghĩ có lúc nào tôi từng khiến Elizabeth cảm thấy an toàn được đến thế.

“Công việc tốt chứ?” Hoyt hỏi tôi.

“Ổn,” tôi nói. “Bố thế nào?”

“Hơn một năm nữa là nghỉ hưu.”

Tôi gật đầu và chúng tôi lại rơi vào im lặng. Trên đường lái xe đến đây, tôi quyết định không nói bất cứ điều gì về thứ mà tôi đã nhìn thấy trên máy tính. Quên đi sự thật nghe có vẻ điên rồ. Quên đi sự thật nó sẽ rạch vào những vết thương cũ và làm đau đớn đến phát điên. Sự thật là, tôi không có một chút manh mối về việc gì đang diễn ra. Càng nhiều thời gian trôi qua, toàn bộ đoạn cuối càng trở nên không thực. Tôi cũng quyết định suy nghĩ nhiều hơn về email vừa mới đây. Đừng nói một ai. Tôi không hình dung được tại sao hay cái gì đang xảy ra, nhưng bất cứ mối liên hệ nào mà tôi đã tạo ra đều có cảm giác mỏng manh khủng khiếp.

Tuy nhiên, tôi vẫn thấy mình phải kiểm tra chắc chắn để Kim không nghe được câu chuyện. Rồi tôi nhướng người lại gần Hoyt và nhẹ nhàng nói, “Con có thể hỏi bố một điều không?”

Ông không trả lời, thay vào đó đáp lại bằng cái nhìn nghi ngờ kiểu của riêng ông.

“Con muốn biết...” tôi ngừng lại. “Con muốn biết bố tìm thấy cô ấy như thế nào.”

“Tìm thấy con bé?”

“Ý con là khi bố lần đầu tiên vào nhà xác, con muốn biết bố nhìn thấy gì.”

Có điều gì đó diễn ra trên khuôn mặt ông, như những vụ nổ nhỏ làm đổ sụp nền móng. “Vì tình yêu dành cho Chúa, tại sao anh lại hỏi bố điều đó?”

“Con chỉ đang nghĩ về chuyện đó,” tôi e dè nói. “Bởi lễ kỷ niệm hàng năm và tất cả mọi thứ.”

Ông đột ngột đứng dậy và chùi lòng bàn tay vào gấu quần. “Anh muốn uống gì đó không?”

“Có.”

“Bourbon được chứ?”

“Cái đó tuyệt lắm.”

Ông đi lại phía quầy bar cũ kỹ gần mặt lò sưởi và cả những tấm ảnh. Tôi cố giữ mắt mình dán chặt xuống nền nhà.

“Hoyt?” tôi đánh liều.

Ông vặn một nắp chai. “Anh là bác sĩ,” ông nói, cầm cái ly giơ về phía tôi. “Anh đã từng nhìn thấy những thi thể.”

“Vâng.”

“Vậy thì anh biết mà.”

Quả đúng là như vây.

Ông đưa ly rượu cho tôi. Tôi cầm lấy cái ly hơi nhanh quá mức và nhấp luôn một ngụm. Ông nhìn tôi và rồi đưa ly của mình lên môi.

“Con biết con chưa bao giờ hỏi bố các chi tiết,” tôi bắt đầu. Còn hơn thế, tôi đã cố tình tránh chúng. “Thân nhân của các nạn nhân” khác, như cái kiểu báo chí nói đến chúng tôi, ngập chìm trong chúng. Họ có mặt thường trực tại ở phiên xử KillRoy, nghe rồi khóc. Tôi thì không. Tôi nghĩ như thế sẽ giúp họ hướng trực tiếp vào nỗi đau. Tôi chọn cách hướng nỗi đau của tôi quay lưng lại với chính tôi.

“Anh không muốn biết những chi tiết đâu, Beck ạ.”

“Cô ấy đã bị đánh?”

Hoyt nhìn ly rượu của ông. “Tại sao anh lại làm thế này?”

“Con cần biết.”

Ông liếc nhìn tôi qua ly rượu. Ánh mắt ông dịch chuyển dọc theo khuôn mặt tôi. Có cảm giác như thể chúng đang đâm thọc vào da tôi. Tôi giữ cho ánh mắt mình vững vàng.

“Có những vết bầm, đúng vậy.”

“Ở đâu?”

“David...”

“Trên mặt cô ấy?”

Mắt ông nheo lại, như thể ông phát hiện điều bất ngờ. “Ừ.”

“Cả trên cơ thể cô ấy nữa?”

“Bố không nhìn cơ thể con bé,” ông nói. “Nhưng bố biết câu trả lời là có.”

“Tại sao bố không nhìn cơ thể cô ấy?”

“Bố ở đó với tư cách là bố của nó, không phải là một thanh tra - vì mục đích duy nhất là nhận dạng.”

“Chuyện đó dễ dàng thế à?” tôi hỏi.

“Cái gì dễ dàng?”

“Nhận dạng. Ý con là, bố nói mặt cô ấy bị bầm tím.”

Cơ thể ông cứng đờ. Ông đặt ly rượu xuống, và với nỗi sợ hãi đang vọt lên, tôi nhận ra mình đã đi quá đà. Tôi đáng lẽ nên kiên trì với kế hoạch của mình. Tôi đáng lẽ nên ngậm miệng lại.

“Anh thực sự muốn nghe tất cả những chuyện này?”

Không, tôi nghĩ. Nhưng tôi gật đầu.

Hoyt Parker khoanh tay lại và nhướng mình đứng thẳng lại trên đôi chân. “Mắt trái của Elizabeth bị sưng phồng, nhắm lại. Mũi con bé bị gãy và thẳng bẹt ra như đất sét nhão. Có một vết rạch dài trên trán nó, có lẽ do một con dao chuyên dụng chém. Hàm nó bị xé toạc ra khỏi khung, tất cả các dây chằng đều lòi ra.” Giọng ông đều đều tuyệt đối. “Chữ cái K được đóng dấu trên má phải con bé. Mùi da cháy vẫn còn vảng vất rõ.”

Bụng tôi quặn lên.

Mắt Hoyt nhìn tôi dữ dội. “Anh có muốn biết phần tồi tệ nhất là gì không, Beck?”

Tôi nhìn ông và chờ đợi.

“Không mất lấy một phần giây nào cả,” ông nói. “Bố biết ngay lập tức đó là Elizabeth.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3