Em phải đến Harvard học kinh tế - Chương 04 - Phần 8
BIẾT GIÀNH LẤY NHƯNG CŨNG PHẢI BIẾT VỨT BỎ
Trẻ con phải được phát triển toàn diện, phải có nhiều hứng thú say mê. Sở dĩ giáo dục từ sớm đặc biệt nhấn mạnh việc bồi dưỡng đa phương tiện cho trẻ, bởi vì trẻ nhỏ ngay từ đầu hầu như không có những hứng thú trọng tâm, hoặc hứng thú trọng tâm rất không thành thục, không ổn định, tâm sinh lý của chúng còn đang không ngừng phát triển và thay đổi. Việc bồi dưỡng có định hướng quá sớm của các bậc cha mẹ thường không có lợi cho sự phát triển toàn diện và phát triển đầy đủ của trẻ.
Tôi luôn động viên Đình Nhi tham gia các hoạt động nghệ thuật, như học tập và thưởng thức âm nhạc, ca múa, hội họa và tạo hình… Học tập nghệ thuật vừa là trí lực, vừa là mỹ dục, có ý nghĩa quan trọng trong đại não của trẻ, tăng cường sức tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ. Phát triển những hứng thú đó rất có lợi cho việc bồi dưỡng khả năng cảm thụ, khả năng thưởng thức và thể hiện cái đẹp, đồng thời cũng hình thành những phẩm chất có tính cáh làm giàu tính sáng tạo.
Tôi thường tranh thủ những giờ nghỉ sau khi rèn luyện sự tư duy trừu tượng khá mệt mỏi của Đình Nhi để hai mẹ con cùng múa hát. Tôi gọi đó là “cách nghỉ ngơi tích cực theo kiểu Carl Marx”. Đình Nhi đã học được nhiều điều chính từ những hoạt động có tính chất vui vẻ ấy.
Gần một tháng nay, tôi bắt đầu cho Đình Nhi luyện thanh nhạc. Âm chẩn của Đình Nhi đã có nhiều tiến bộ, nhưng khi hát các bài có sự dao động khá cao về độ trầm bổng, thì âm lượng của Đình Nhi thường chưa ổn định. Có điều lạ là khi cháu hát bài “Còn nhớ có một ngày” thì lại hát rất chuẩn, kể cả trong lúc mơ ngủ.
Đình Nhi rất thích nghe bài hát trong phim “Chị Giang”, cũng rất thích nghe “Bài ca mặt trăng” và các khúc dân ca Thiểm Bắc. Cháu đã học thuộc đoạn tấu bài “Đừng chia tay nhau bằng tiếng khóc”. Ngoài ra cháu còn thích nghe kinh dịch, những lúc hứng lên cũng hát nghêu ngao vài câu, nghe cũng hơi giống.
Đình Nhi cũng rất thích học luyến láy âm thanh, tuy chưa thành thạo, nhưng cũng hát được vài câu thao kiểu nhạc disco. Khi đứa trẻ say sưa một công việc song không thích hợp lắm với tố chất bẩm sinh của nó, tôi nghĩ rằng cha mẹ phải có trách nhiệm giúp con mình thoát ra khỏi “con đường mê muội” đó. Bởi vì, bồi dưỡng nhiều mặt không phải là một sự giáo dục đòi hỏi mặt nào cũng có hoặc mặt nào cũng phải bỏ công sức như nhau, mà đây là một sự giáo dục đòi hỏi phải căn cứ vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, nhất là phải căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lý, hứng thú, sở thích và triển vọng của từng đứa trẻ. Bản tính của trẻ thơ là rất tự tin, mặc dù trước một khó khăn không thể nào vượt qua được, hoặc vấp phải nhiều lần thất bại, lòng tự tin đó không hề giảm sút. Có những việc mà người lớn, những con người rất giàu kinh nghiệm biết chắc rằng cứ kiên trì là được, cuối cùng nhất định sẽ thành công. Tuy đây chỉ là quá trình phát triển tâm lý có tính chất dự liệu. (Nói chung phải đợi đến khi đứa trẻ bước vào lớp 5 thì mới có khả năng phân biệt được sự khác nhau giữa năng lực và nỗ lực). Nhưng tôi không muốn để cho Đình Nhi phải tốn công, tốn sức quá nhiều trên con đường mà không chắc chắn sẽ thành công, một khi gặp phát triển tình hình như vậy, tôi lập tức nắm lấy cơ hội để dạy cho Đình Nhi biết cần phải “thực tế suy nghĩ vấn đề”.
Ví như, ngay từ nhỏ, Đình Nhi đã rất thích học múa, cháu có khả năng tiếp thu rất nhanh các điệu múa, khi mới bốn tuổi cháu đã vô cùng yêu thích vũ ba-lê… Khi ấy, tôi dẫn cháu đi xem bộ phim “Bước ngoặt” của Mỹ, với ảnh hưởng nghệ thuật của bộ phim múa nhà nghề ấy, Đình Nhi luôn mơ ước sẽ trở thành một diễn viên múa ba-lê. Nhưng xét theo góc độ gen di truyền, dáng vóc của cháu chắc chắn sẽ không thích hợp để làm một diẽn viên múa ba-lê. Để không làm thương tổn đến sự hứng thú và lòng ham muốn đối với bộ môn múa của Đình Nhi, tôi lựa lời khuyên bảo, giúp cháu từ bỏ ý định múa ba-lê.
… Trước khi đi ngủ, Đình Nhi liền học múa. Trước tiên cháu làm mấy động tác đá chân… Điệu bộ cũng khá giống. Chỉ có điều cặp chân của cháu vừa hơi cong lại vừa lên gân, trông rất buồn cười. Tôi giúp cháu sửa lại động tác đó. Tiếp theo, cháu làm động tác “quét đất”. Hôm trước tôi đã cười động tác “quét đất” cong đầu gối của cháu, tối nay cháu làm động tác “quét đất” thẳng đầu gối. Sau đó, cháu luyện động tác ‘ngồi đất ép đùi’ và các động tác “uốn lưng”. Đình Nhi muốn luyện động tác “quay tròn”… Tôi bảo cháu: “Động tác này khó lắm, mẹ không tự quay được, mẹ chỉ biết cách quay thôi”. Cháu đòi làm mẫu rồi cháu tự luyện lấy.
Đình Nhi quay luôn mấy vòng, nhưng vẫn chưa làm được. Thừa dịp tôi bảo cháu, trước tiên phải luyện động tác “đứng trên đầu ngón chân đã”. Đình Nhi bèn vịn vào lan can giường tập đứng, ưỡn thẳng bụng ra, tôi giúp cháu sửa động tác tay, cháu nói: “Mẹ mua cho con đôi giày múa ba-lê đi!” Tôi nói: “Trừ phi con đứng liên tục như vậy trong nửa giờ, còn nếu không thì không thể đi giày múa được đâu”. “Con đứng được nửa tiếng đấy”, Đình Nhi trả lời. Tôi bật cười: “Được rồi, con hãy nhìn đồng hồ đi, bây giờ kim dài chỉ số 6, khi nào nó chỉ sang số 12, là nửa tiếng đấy. Con hãy thử đi”. “Con làm được mẹ phải mua ngay giày cho con đấy!” Năm phút trôi qua, Đình Nhi vần tràn đầy niềm tin, giữa chừng cúi xuống gãi chân một lần. Tôi dạy cháu tập thót bụng, tập lỏng cổ, cháu đều cố gắng làm theo. Tôi sợ cháu ngày mai đau đùi không đi học được, khuyên cháu đừng tập, chẳng có ai đứng được nửa tiếng đồng hồ đâu. Cháu không nghe, vẫn cố thót bụng. Rồi chừng hai phút sau cháu khuỵu chân chịu thua. Tôi đỡ cháu ngồi xuống, xoa bóp hai bắp chân cho cháu. Cháu nói: “Chủ yếu là đau đầu ngón chân quá mẹ ạ!”
Nhân cơ hội này, tôi lại khuyên nhủ cháu: múa ba-lê là không được ăn đường, ăn thịt, ăn sô-cô-la và nhiều thứ thức ăn ngon khác. Thế là cháu từ bỏ ý định làm một diễn viên múa ba-lê.
Trẻ con cần phải biết “cần từ bỏ những gì đáng từ bỏ”, các bậc cha mẹ cũng phải biết như vậy. Khi dạy cho con học đánh đàn, nếu biết rằng đánh đàn sẽ làm các ngón tay mềm dẻo và nhạy cảm, rất có lợi cho việc phát triển trí lực, thì bạn hãy chỉ vui mừng vì con bạn chăm chỉ tập đánh đàn, bạn quyết không được tức giận hoặc thất vọng khi thấy con mình gảy sai đi một vài nốt nhạc. Niềm vui của bạn sẽ có tác dụng tích cực đối với trẻ, con bạn sẽ càng chăm chỉ luyện tập hơn. Dẫu rằng đánh chưa hay, nhưng hứng thú của trẻ đối với âm nhạc rõ ràng đã tăng cao, chưa nói đến việc đẩy nhanh sự phát triển đại não của con bạn.
Mục đích của việc giáo dục mỹ thuật ngay từ sớm chủ yếu cũng không phải đánh giá xem đứa trẻ đó vẽ đã giống chưa, mà hãy xem đứa trẻ đó đã thực sự biết yêu cái đẹp chưa, đã biết phát huy trí tưởng tượng và tác phẩm đẹp chưa. Các bậc cha mẹ không nên quá nôn nóng và sốt ruột khi thấy con mình vẽ còn chưa giống. Nếu cha mẹ luôn thốt ra những lời mắng nhiếc mang tính tiêu cực như: đồ lười biếng, đồ ngu dốt, không chịu khắc khổ… thì con bạn sẽ rất buồn và rất sợ; lấy đâu ra hứng thú hay không hứng thú nữa. Về việc này, tôi cũng đã có một bài học đáng nhớ.
… Tối hôm nay, Đình Nhi chúi đầu vào học vẽ, cháu luyện cách vẽ vòng tròn, rồi vẽ người. Cháu nói, cháu phải luyện 3 tháng liền để vẽ được vòng tròn. Cô Viên nói: vẽ được vòng tròn rồi, cô sẽ dạy cháu vẽ nhiều cái mới khác. Ngoài ra, cô còn cho xem hình mẫu để luyện khả năng quan sát, bao gồm cả khả năng tìm ra đặc điểm, tìm ra mấu chốt… Những lời đó thật là có lý, đã gợi mở cho tôi được nhiều điều. Từ đó tôi không cáu giận hoạc sốt ruột khi Đình Nhi vẽ còn chưa giống.
Hứng thú với hội họa của Đình Nhi đã có được một môi trường phát triển lành mạnh. Cháu đã tỏ ra có nhiều triển vọng trong lớp hội họa của nhà trẻ.
LÀM BẠN VỚI ÔNG NGOẠI, SUNG SƯỚNG VÀ THÍCH THÚ
Mùa xuân năm 1986, chương trình tự học đại học của tôi bước vào giai đoạn quyết định. Tôi vừa chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ 2 năm thứ ba lại vừa chuẩn bị những câu hỏi phản biện của luận văn tốt nghiệp. Rất may, bà thông gia với gia đình tôi đến đón cháu ngoại về nuôi, mẹ tôi được rảnh tay một chút, bà liền đến Thành Đô thăm mẹ con tôi. Bà quyết định đón Đình Nhi về sống với ông bà tại trường Đại học Hồ Bắc, bà trông nom cho khoảng nửa năm, để tôi được chuyên tâm chuẩn bị luận văn tốt nghiệp.
Lần này, đến lượt Đình Nhi phải hy sinh cho tôi. Bởi vì lớp hội họa ở nhà trẻ mời được một cô giáo dạy vẽ rất giỏi. Cô họ Viên, là cô giáo dạy mỹ thuật tại Cung Văn hóa thanh niên khu Đông Thành. Cô rất có kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng nhân tài mỹ thuật. Được sự chỉ bảo của cô, Đình Nhi tiến bộ rất nhanh, cháu là một trong những học sinh xuất sắc trong lớp hội hoạ. Sau nửa năm không học, Đình Nhi đã không theo kịp các bạn trong lớp hội họa nữa rồi. Trong khi đó có một bạn khác tên là Vương Ngọc trước đây trình độ cũng tương đương với Đình Nhi, được theo học liên tục và vẫn đứng đầu lớp. Dưới sự dẫn dắt của cô giáo Viên, Vương Ngọc đã chính thức bước vào con đường học mỹ thuật chuyên nghiệp.
Nếu khi ấy có một lớp nào phù hợp với trình độ của Đình Nhi, tôi nhất định sẽ cho Đình Nhi theo học tiếp. Chỉ tiếc rằng, nhà trẻ và các trường tiểu học cũng như trung học ở Trung Quốc thời bấy giờ chưa có chế độ tự chọn chương trình học tập theo năng lực của mỗi người. Tôi cũng không có thời gian để dẫn Đình Nhi theo học các lớp hội họa ngoài nhà trẻ. Vì bắt đầu từ năm thứ hai, tôi học đại học theo phương thức học tại chức. Sau khi hoàn thành bản thảo và đáp án trả lời của luận văn tốt nghiệp, tôi còn phải bỏ ra hai tháng để bổ kháo cho những môn mà chương trình năm thứ nhất tôi còn nợ, như vậy mới được coi là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tự học đại học. Vì vậy tôi đành phải bó tay khi nhìn thấy khoảng cách giữa Vương Ngọc và Đình Nhi về khả năng hội họa ngày một xa dần. Thực ra, cho đến tận bây giờ Đình Nhi vẫn chưa có thời gian để thỏa mãn được sự say mê hội họa của mình, một niềm say mê luôn canh cánh trong lòng.
Có điều, sự đời khi mất mát cái này thì được cái kia. Trong thời gian sống ở Đại hcọ Hồ Bắc với ông bà ngoại, Đình Nhi đã khôn lớn hẳn lên.
Trường Đại học Hồ Bắc đặt tại Ân Thi, một thành phố nhỏ miền núi, non xanh nước biếc, bốn xung quanh là tầng tầng lớp lớp núi non, sát chân thành là những đồi phi lao xanh ngút mắt, những đồi thông già vi vút quanh năm. Cứ sau mỗi bữa cơm chiều, ông ngoại lại dẫn Đình Nhi đi tản bộ dưới những tán cây xanh mát đó. Cũng giống như tôi, khi ở Thành Đô, cứ nhìn thấy cái gì thì ông ngoại lại ôn tồn giảng giải cho Đình Nhi cái ấy.
Những ngày đầu, Đình Nhi có phần e sợ ông, nhưng chỉ ít lâu sau, cháu đã quấn quýt bên ông như hình với bóng. Ông ngoại rất yêu quý cháu, suốt ngày hai ông cháu nói cười không ngớt. Trong thư bà ngoại gửi về kể rằng:
Chiều nay, sau khi cơm nước xong, hai ông cháu lên đồi nhặt quả thông, nhặt được khá nhiều. Vừa tung tăng tìm nhặt, Đình Nhi vừa ứng khẩu đọc bài thơ:
Quả thông già, hỡi quả thông già
Mi đừng chạy trốn ông cháu ta
Tóm được mi, đem về ta nướng
Mùi hương thơm sực nức cả nhà
Vị ngọt bùi san sẻ làm ba…
Ông ngoại là một học giả đa tài đa nghệ, ông không chỉ dạy cho ĐÌnh Nhi biết sáng tác ca dao, hò vè, đặt câu đố, đọc thơ cổ…, ông còn dạy Đình Nhi tiếng Anh và hội họa. Phía sau trường Đại học Hồ Bắc chừng mấy dặm, có mấy ngọn thác từ lưng chừng núi đổ xuống, khơi nguồn của dòng nước bắt đầu từ Long Động. Thời kháng chiến chống Nhật, có một vị nguyên lão của Quốc dân đảng tên là Trần Thành, xây dựng một ngôi biệt thự khá sang trọng gần Long Động, cái động nước kỳ ảo đó vì thế mà nổi tiếng khắp thành Ân Thi. Một hôm, vào ngày chủ nhật ông ngoại đã dẫn Đình Nhi đến chơi Long Động, hai ông cháu còn đem theo cả giấy bút vẽ, vừa leo núi vừa dừng lại ngắm cảnh và ký họa. Một ngày chủ nhật vui vẻ đầy ý nghĩa.
Từ hôm đấy đối với Đình Nhi, được cùng ông ngoại leo núi ngắm cảnh quả là một niềm sung sướng khó tả. Ngày tết nhi đồng 1-6, ông ngoại dẫn Đình Nhi đi leo núi Ngũ Phong ở phía đông thành phố. Đình Nhi cùng đi với một chị hàng xóm mười một tuổi đã leo tới tận tháp Liên Châu trên đỉnh núi. Từ đó nhìn ra bốn phía, các ngọn núi nhấp nhô khác đều thấp lè tè, quang cảnh ngoạn mục. Khi trở về nhà, Đình Nhi vui sướng lắm, cứ tung tăng chạy nhảy khắp nhà, còn nói rằng: “Tháp Liên Châu chưa lấy gì làm cao, cháu chưa thấy mệt bà ạ! Trái lại, ông ngoại thì mệt quá, chẳng nói năng được gì”.
Tôi cho rằng thường xuyên được leo cao nhìn xa, cháu sẽ hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa câu thành ngữ “ếch ngồi đáy giếng”, từ đó có ý chí vươn lên mạnh mẽ hơn. Ở Thành Đô làm sao có những dịp được leo cao như vậy, dù có đứng trên những nóc nhà chọc trời thì tầm mắt cũng không thể nhìn xa được như trên đỉnh núi. Hơn nữa lại đi lên bằng thang máy thì làm sao có được niềm vui sướng của sự thành công như đã từng dốc sức leo lên đỉnh núi.
Ông ngoại đã trồng được mấy chậu hoa trên sân thượng, một hôm ông phát hiện thấy bươm bướm đẻ trứng trên cây hoa, ông vội gọi Đình Nhi đến xem. Từ hôm đó, ông cháu ngày nào cũng đến quan sát sự trưởng thành của ổ trứng đó. Cũng như tôi hồi nhỏ nuôi tằm, Đình Nhi ngạc nhiên và thích thú quá trình phát triển và trưởng thành của ổ trứng bươm bướm: từ ổ trứng nở ra những con sâu róm bé tí tẹo, sâu róm lớn lên biến thành con ngài rồi hóa thành bươm bướm. Từ ổ trứng bươm bướm đó, ông ngoại đã giảng giải cho Đinh Nhi hiểu biết khá nhiều kiến thức về sinh vật học. Sau khi Đình Nhi vào trung học, bộ môn sinh vật cháu học rất nhẹ nhàng, cộng với những hiểu biết về động thực vật mà cháu đã để tâm quan sát ngay từ thời thơ ấu, do đó đã khiến Đình Nhi nắm bắt rất nhanh những tri thức về bộ môn này.
Đình Nhi cũng rất hay bắt chước ngoại. Trong thư bà viết:
Bây giờ buổi sớm hàng ngày, mẹ lên phố mua thức ăn, đều viết một mảnh giấy nhỏ để lại cho Đình Nhi, khi ngủ dậy cháu không khóc nhè nữa, biết tự mặc quần áo; buổi chiều, khi mẹ còn đang ngủ, cháu đi nhà trẻ cũng viết lại cho bà một mảnh giấy. Hai chữ “nhà trẻ”, cháu viết thành “nà trẻ”. Đình Nhi còn nhỏ, ông bà ngoại phải quan tâm dạy dỗ thường xuyên… Đình Nhi lấy kéo cắt thủng một miếng vải rèm cửa mới, mẹ phạt Đình Nhi, nhốt trong nhà vệ sinh mười phút.
… Hôm nào ngoan mẹ đều thưởng cho Đình Nhi một con bươm bướm đỏ bằng giấy đem dán trên tờ lịch treo tường, bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng 5 này, cháu hứa sẽ giành được hai mươi tám con bươm bướm đó. Khi ăn cơm cháu vẫn còn hay nghịch, cha mẹ bầu cháu làm “mâm trưởng”. Từ đó cháu đã biết gương mẫu và ăn ngoan hơn.
… Ông bà ngoại chưa bao giờ phải đánh mắng Đình Nhi, khi Đình Nhi có lỗi, ông ngoại chỉ tỏ thái độ rất nghiêm khắc. Ông nói: khi cháu ngoan thì phải có thưởng rõ ràng, còn khi có lỗi, chỉ cần cháu biết nhận lỗ là được, không nên trách mắng om xòm. Ông ngoại rất khen những đức tính của Đình Nhi.
… Hôm qua Đình Nhi đã biết tự giác đến phòng phát thư báo của nhà trường, nhận thư và báo về cho ông. Ông nói: “Đình Nhi cứ ở đây với ông, ông không muốn cho cháu về Thành Đô nữa đâu…”