Quỷ Luyến Hiệp Tình - Hồi 03 phần 2

Đột nhiên cô nhào vào lòng Hoa Kim Cung nức nở:

- Tôi thực là xui mới vào nhà này làm dâu, nếu không có ai dám khinh nhờn? Tôi không muốn sống nữa, các người giết tôi đi...

Sở Lưu Hương chứng kiến cảnh này, vừa bực vừa tức cười, chàng không ngờ vị thiếu phu nhân này chẳng những biết sử dụng kiếm, mà bản lãnh nằm vạ cũng không kém.

Chỉ thấy Hoa Kim Cung trợn mắt nhìn cô con dâu, hiển nhiên là cũng hết cách đối phó với nàng dâu này.

Thi thiếu phu nhân vụt đứng phắt dậy, vừa khóc vừa nói:

- Ngươi có tài gì chứ? Chỉ giỏi bắt nạt nữ nhân?

Sở Lưu Hương đáp:

- Tại hạ vốn cũng cho rằng thiếu phu nhân là một nữ nhân, nhưng bây giờ thì hơi nghi ngờ.

Thi thiếu phu nhân nghiến răng nói:

- Ngươi có giỏi thì đi gặp cha ta, mới đáng mặt nam nhân.

Sở Lưu Hương điềm nhiên đáp:

- Nếu tại hạ không dám đi gặp lệnh tôn, thì đêm nay đã không trở lại đây, bây giờ thiếu phu nhân nên bớt lời, bằng không tại hạ buộc phải dùng cỏ trám miệng lại.

***

Trang viện của Tiết Y Nhân tuy không rộng lớn như Trịch Bôi Sơn Trang, nhưng phong cách rất cổ kính thanh lịch. Cách trần thiết trong sảnh đường tuy thiếu phần hoa mỹ, song đúng là một chút bụi cũng không nhiễm, khung cửa sổ rất sạch, trong sân không có lấy một cọng lá rơi, lúc này tuy trời vừa tảng sáng, nhưng đã có người đang quét dọn sân.

Trên đường đi, Thi thiếu phu nhân quả nhiên rất theo khuôn phép, không nói tiếng nào. Sở Lưu Hương cười thầm, chàng cảm thấy câu nói “quỷ cũng sợ kẻ ác” cũng có phần đúng.

Tuy nhiên vừa đến Tiết gia trang, Thi thiếu phu nhân lập tức lên mặt thị uy, điểm mặt Sở Lưu Hương nói:

- Ngươi có gan thì chớ chạy, ta đi gọi cha ta ra cho biết.

Sở Lưu Hương đáp:

- Tại hạ nếu muốn bỏ đi, thì cần gì phải đến đây?

Hoa Kim Cung liếc chàng, cười nhạt:

- To gan quá dễ đoản mạng đấy!

Thi thiếu phu nhân chạy vào trong chưa được bao lâu, bỗng nghe một giọng trầm trầm vang lên:

- Mi không ở nhà phụng dưỡng cha mẹ chồng, chạy về đây làm gì?

Giọng nói trầm, ẩn chứa uy ngầm, khiến người vừa nghe đã biết đây là giọng của một người quen ra lệnh.

Thi thiếu phu nhân vừa khóc tấm tức vừa nói:

- Có kẻ đến khinh dễ con gái, cha cũng không đoái hoài một tiếng...

Người kia nghiêm giọng nói:

- Nếu mi an phận thủ thường, thì có ai bình nhật vô cớ đến hiếp đáp mi, chắc là mi lại giở thói ngang ngạnh trẻ con... Thân gia mẫu à, nên răn dạy con trẻ nhiều nhiều, không nên chiều nó.

Hoa Kim Cung vội bước đến, cười nói:

- Sự việc lần này không thể trách Tiểu Hồng, tất cả cũng tại tiểu tử này...

Hoa Kim Cung kể lể một tràng, Sở Lưu Hương cũng lười nghe, chỉ vì vị đệ nhất kiếm khách Tiết Y Nhân danh chấn thiên hạ, ngay lúc ấy đã xuất hiện trước mắt chàng.

Chỉ thấy vị lão nhân này dung mạo gầy gò, chân mang giày vải cùng vớ trắng, mình mặc trường bào vải xanh, nhìn chung phong thái không có gì đặc sắc, duy chỉ có cặp mắt sáng quắc, khiến người chẳng dám trực thị.

Thi thiếu phu nhân đang lớn tiếng nói:

- Kẻ này tên là Diệp Thịnh Lan, Thi đại muội tử bị hắn hại chết, vậy mà hắn mặt dày, còn dám đến Thi gia trang gây hấn, đến cha mà hắn cũng không xem ra gì.

Hoa Kim Cung lại nói:

- Nghe nói kẻ này vốn là một tên lang bạt chốn kinh thành, nghề gì cũng không biết, chỉ rành thuật dụ dỗ nữ tử, chẳng biết đã hại bao nhiêu người rồi.

Thi thiếu phu nhân tiếp lời:

- Cha mau ra tay dạy cho hắn một bài học.

Hai người nói gì, Tiết Y Nhân chừng như chẳng hề nghe thấy, chỉ chăm chú nhìn Sở Lưu Hương không chớp mắt, đột nhiên vị lão nhân đưa tay ôm quyền nói:

- Tiểu nữ không hiểu chuyện, mong các hạ miễn chấp.

Sở Lưu Hương cúi mình đáp lễ:

- Tiết đại hiệp quá lời.

Tiết Y Nhân nói:

- Xin mời vào dùng trà, trong chốc lát lão phu sẽ đưa rượu để các hạ tẩy trần.

Sở Lưu Hương nói:

- Đa tạ.

Thi thiếu phu nhân đứng nhìn không chớp mắt, cô vụt lên tiếng:

- Cha, khách sáo với hạng người này làm gì, hắn...

Tiết Y Nhân sa sầm nét mặt:

- Nếu y không nhường mi vì thấy mi tuổi trẻ chẳng hiểu chuyện, liệu mi có còn sống về gặp ta chăng?

Thi thiếu phu nhân ngẩn người, không hiểu cha mình vì sao biết được cô không phải đối thủ của người ta.

Hoa Kim Cung cười nói:

- Nhưng mà hắn...

Tiết Y Nhân trầm giọng:

- Thân gia mẫu, hai mắt lão phu chưa tệ lắm, có thể đoan chắc vị bằng hữu này chẳng phải kinh thành lãng tử, cũng chẳng phải Diệp Thịnh Lan, bằng không y đã không theo đến đây.

Tiết Y Nhân quay sang Sở Lưu Hương, mỉm cười nói:

- Các hạ có phong thái sáng ngời, thần sắc trầm tĩnh, trong giang hồ hiện nay tuy nhân tài hậu bối nhiều hơn lúc trước, nhưng theo lão phu biết, thì người trẻ tuổi cỡ như các hạ trong thiên hạ không quá ba người.

Sở Lưu Hương đáp:

- Tiền bối quá khen.

Tiết Y Nhân đảo mắt, mục quang sáng ngời, nói tiếp:

- Từng nghe Biên Bức Công Tử của Kim Đàn Thiên Liễu Trang, chẳng những võ công được người trọng vọng, mà còn tiềm năng lãnh đạo Trung Nguyên võ lâm, song các hạ hiển nhiên không phải Biên Bức Công Tử.

Sở Lưu Hương cười nhẹ:

- Tại hạ làm sao dám so sánh với Biên Bức Công Tử.

Tiết Y Nhân cũng cười nói:

- Võ công các hạ chỉ e còn trên Biên Bức Công Tử, nếu lão phu đoán không lầm, các hạ chính là...

Tiết Y Nhân chăm chú nhìn Sở Lưu Hương, buông từng chữ một:

- Sở Lưu Hương!

Vị lão nhân này chỉ nhìn qua đã biết lai lịch của chàng, Sở Lưu Hương trong lòng ngầm giật mình, vội nói:

- Tiền bối quả là mắt thần như điện, vãn bối rất khâm phục!

Tiết Y Nhân vuốt râu cười bảo:

- Nói như thế, cặp mắt của lão phu vẫn chưa đến nỗi đui mù, còn nhận ra được kẻ anh hùng.

Hoa Kim Cung và Thi thiếu phu nhân cùng biến sắc, thất thanh nói:

- Ngươi quả thực là Sở Lưu Hương?

Sở Lưu Hương mỉm cười gật đầu.

Hoa Kim Cung nhìn không chớp mắt:

- Sao... sao các hạ không nói sớm?

- Tại hạ đêm qua đã nói rồi, chỉ hiềm nỗi phu nhân chẳng chịu tin.

Hoa Kim Cung ngẩn người một lúc, thở dài nói:

- Các hạ chẳng phải Diệp Thịnh Lan, tại sao tìm đến gia trang làm gì?

- Từ lâu đã nghe danh phu nhân, nên tại hạ đặc biệt tìm đến thăm viếng.

Hoa Kim Cung bật cười, đến đôi mắt cũng cười:

- Được, các hạ kể như xem trọng ta, mà ta xem ra có phần thiếu lịch sự với các hạ... Thế này nhé, tối mai ta mời các hạ ăn cá lư, ta sẽ đích thân xuống nấu, cho các hạ thưởng thức xem tay nghề của ta có thua lão họ Tả kia chăng? Các hạ không được từ chối đấy nhé.

Sở Lưu Hương cười đáp:

- Phu nhân đãi, làm sao dám chối từ.

Thi thiếu phu nhân bỗng xen vào, cười nói:

- Thiếp cũng biết làm cá lư, để thiếp vào bếp làm.

Hoa Kim Cung cười khanh khách:

- Sở hương soái thực có lộc ăn, Tôn nhi nhà ta đã kết duyên cùng Hồng nhi mấy năm rồi mà chưa lần nào thấy nó vào bếp!

Tiết Y Nhân làm như chẳng nghe thấy gì, ông ho khẽ vài tiếng, chậm rãi nói:

- Từ lâu đã nghe hương soái tuy không sử dụng kiếm, nhưng danh kiếm trong thiên hạ, mỗi lần được hương soái bình phẩm thì giá trị tăng thêm vài bậc. Lão phu cũng có vài thanh kiếm cất giữ lâu nay, muốn thỉnh hương soái xem qua.

Sở Lưu Hương cả mừng nói:

- Đây là ước nguyện bấy lâu của vãn bối, chẳng dám bỏ qua dịp may.

Hoa Kim Cung cười nói:

- Các hạ hôm nay thực là lộc ăn không thiếu, nhãn phúc càng dư, mấy thanh kiếm của thân gia ông, bình thường chẳng bao giờ cho ai xem, cả ta cũng chưa được ghé mắt.

Tiết Y Nhân lạnh nhạt nói:

- Kiếm là vật dữ, thân gia mẫu không nên xem là hơn.

***

Tiết gia trang tọa lạc sát triền núi, màu rừng xanh trùng điệp vươn đến phía sau núi, có lúc sương mù trong vườn tưởng như có thể nối liền cùng áng mây quần tụ trên đỉnh núi.

Tiết Y Nhân và Sở Lưu Hương bước trên lối đi đầy đá vụn, xuyên qua vườn sau, trong vườn chẳng có cây cỏ bông hoa gì đặc biệt cả, một mái đình cùng những phiến đá trong vườn gợi cảm giác tuy u nhã nhưng có vẻ cổ xưa, đạm bạc. Cả hai người sánh vai bước đi, chẳng ai nói lời nào, chừng như con người khi thăng đến một địa vị nào đó, tự nhiên sẽ trở nên một người không nhiều lời.

Gió buổi sáng mùa thu không lạnh lắm, trời xanh cao vút, cả hai bước vào một khu rừng trúc xanh rờn, những hạt sương còn đọng trên lá trúc, tựa như những hạt trân châu khảm trên ngọc phỉ thúy.

Cuối rừng trúc tiếp giáp với dãy núi nhiều ngọn, trên vách núi phủ đầy rêu xanh có một cánh cửa sắt cổ, trông rất nặng nề kiên cố.

Tiết Y Nhân mở cửa, nói:

- Mời hương soái, lão phu dẫn đường.

Đằng sau cánh cửa sắt là một thạch đạo dài, tăm tối, khí lạnh bao trùm thấm vào da thịt. Tiết Y Nhân chờ Sở Lưu Hương bước vào, liền lập tức đóng chặt cửa lại, để lại bên ngoài cửa mọi ánh sáng và hơi ấm. Bốn bề chợt lắng xuống không chút tiếng động.

Nếu muốn giết người, nơi đây đúng là một chỗ lý tưởng.

Song Sở Lưu Hương chẳng chút lo sợ, chừng như chàng rất tin tưởng Tiết Y Nhân. Vị lão nhân kia mới gặp chàng lần đầu, đã dẫn đến nơi bí mật quan trọng này, chàng cũng chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên gì cả.

Thạch đạo chuyển qua mấy khúc quanh thì đến một hang động sâu trong lòng núi.

Vách đá trong hang có gắn đèn bằng đồng, dưới ánh đèn âm u, chỉ thấy bốn bề hang động là những thạch án, trên mỗi thạch án có đặt những hộp sắt đen sì. Trên thạch án ngay giữa hang là chiếc hộp sắt vừa dài vừa hẹp, bên trong hẳn chứa những bảo kiếm của Tiết Y Nhân, nhưng còn những hộp sắt chung quanh thì chứa thứ gì?

***

Tiết Y Nhân tay sờ hộp kiếm, cơ hồ như quên mất Sở Lưu Hương đang đứng cạnh, mọi suy nghĩ tập trung vào nơi chứa kiếm, không còn biết đến ngoại vật chung quanh.

Sở Lưu Hương bỗng nhận ra vị lão nhân này như hoàn toàn thay đổi.

Lúc chàng mới nhìn thấy Tiết Y Nhân lần đầu, chỉ cảm thấy ông phong độ ưu nhã, ung dung như một bậc trí giả không cầu danh lợi, chẳng khác một danh sĩ chán ghét hồng trần, thoái ẩn nơi sơn lâm, thần thái tuy có phần lạnh nhạt, nhưng chắc chắn không hiện nét bén nhọn khiến người bất an.

Lúc nãy Sở Lưu Hương cùng Tiết Y Nhân sánh vai bước trên lối đi rộng không đầy ba thước, chàng chẳng cảm thấy chút sợ hãi nào, cũng như đi bộ chung với một lão nhân bình thường.

Nhưng bây giờ, kiếm chưa xuất vỏ, Sở Lưu Hương đã cảm thấy luồng kiếm khí kề bên toát ra lạnh thấu xương, mà hiển nhiên không phải phát xuất từ thanh “kiếm”.

Luồng kiếm khí ấy toát ra từ chính bản thân Tiết Y Nhân!

Tại nơi đây, ông không còn là một lão nhân trò chuyện cùng con cái, một khi bước chân vào thạch đạo, ông biến trở lại một vị danh hiệp năm xưa từng hô hoán giang hồ, ân cừu sảng khoái!

Nơi đây chẳng những chứa kiếm, mà còn tàng trữ những ký ức thuở xưa của ông, do đó ông cấm tuyệt bất cứ ai cũng không được vào đây.

Thế tại sao Tiết Y Nhân lại dẫn Sở Lưu Hương vào đây?

***

Tiết Y Nhân từ tốn mở nắp hộp, lấy ra một thanh kiếm.

Hình dạng kiếm trông tầm thường, cũ xưa, thân kiếm mang màu đen có ánh xanh lục, chẳng có ánh sáng ngời chói mắt, chỉ có điều Sở Lưu Hương đứng cách xa ngoài bảy, tám thước, đã cảm thấy hàn khí thấm qua da thịt.

Tiết Y Nhân vừa búng nhẹ, thân kiếm phát ra tiếng ngân vang.

Sở Lưu Hương buột miệng khen:

- Hảo kiếm!

Tiết Y Nhân mục quang chuyển động:

- Hương soái có nhận ra thanh kiếm này chăng?

Sở Lưu Hương chậm rãi nói:

- Năm xưa, chúa Trung Hưng Chu Thất là cha con Thái Khang và Thiếu Khang, chiêu tập thợ rèn nổi danh trong thiên hạ, hợp luyện đồng từ tám phương, mười năm mới được một thanh kiếm, đây chính là Bát Phương Đồng Kiếm!

Tiết Y Nhân nói:

- Hảo nhãn lực.

Ông lên tiếng khen nhưng sắc mặt chẳng chút biểu hiện, lại lấy ra một thanh kiếm khác.

Kiếm này mang bọc da hoa mỹ, chuôi kiếm nạm đá xanh viền vàng, cả thân và chuôi kiếm tuy bọc vàng nhưng có màu đồng đen.

- Còn thanh kiếm này?

Sở Lưu Hương đáp:

- Xưa nay bậc chúa xưng hùng, đều sở hữu danh kiếm, Thiếu Khang luyện Bát Phương Đồng Kiếm, Chuyên Húc có “Họa Ảnh”, “Đằng Không”, Thái Giáp có kiếm “Văn Quang”, Võ Đinh mang thanh “Chiếu Đảm”...

Chàng cười nhẹ:

- Thanh kiếm này chính là Chiếu Đảm, song tên nhà luyện kiếm đã bị người đời sau tô điểm thêm mà che mất.

- Hay, hảo nhãn lực!

Gương mặt Tiết Y Nhân vẫn lạnh nhạt không thay đổi, nhưng trong mắt đã hiện lên ý tán thưởng, qua một lúc, ông lại từ từ lấy ra một thanh kiếm nữa.

Thanh kiếm này có vỏ bọc bằng da cá sa đen, miệng vỏ bịt đồng tía, trường kiếm vừa xuất khỏi vỏ nửa phân, đã ngời lên ánh xám xanh sắc lạnh, bốc lên ngang chân mày.

Tiết Y Nhân tay cầm kiếm, mục quang hình như càng sáng hơn.

Ông chăm chú nhìn, im lặng rất lâu, mới nói từng chữ:

- Hương soái xem thử đây là thanh kiếm nào.

Sở Lưu Hương cũng chăm chú nhìn trường kiếm khá lâu, mới từ từ lên tiếng:

- Đây là thanh Vô danh kiếm.

Tiết Y Nhân nhướng đôi chân mày hỏi:

- Vô danh kiếm?

- Đúng vậy, vô danh chi kiếm, tuy nhiên kiếm tuy vô danh, người lại hữu danh.

- Lời này là ý gì?

- Tiền bối có biết Can Tương Mặc Da?

- Can Tương Mặc Da thuộc thần binh cổ khí, lão phu tuy chưa được thấy, song cũng đã từng nghe.

Sở Lưu Hương cười nhẹ:

- Can Tương Mặc Da chỉ là tên của một đôi vợ chồng, nhưng trăm năm sau đó, nói đến tên thì người sau chỉ biết kiếm mà chẳng ai nhớ người.

Chàng không chờ Tiết Y Nhân mở miệng, liền nói tiếp:

- Việt vương bảo Âu Dã Tử luyện ngũ kiếm, đó là Thuần Câu, Trạm Lư, Hào Tào, Ngư Trường, Cự Khuyết. Sở vương sai Hồ Phong Tử cầu được tam kiếm, ấy là Long Uyên, Công Thị, Thái Ạ Bao đời truyền đến nay, nói đến tám thanh kiếm này không ai là không biết, song có mấy kẻ biết đến hai vị Âu Dã Tử và Hồ Phong Tử?

- Đúng thế, trong võ lâm chẳng có mấy người nhớ được Âu Dã Tử.

- Thanh kiếm trong tay tiền bối tuy vô danh, nhưng người có thể dùng kiếm này đều chẳng phải kẻ thường.

- À! Vì sao?

- Bởi vì thanh kiếm này sắc bén thấu lộ, sát khí ép người, nếu chẳng phải tuyệt đại cao thủ với thân thủ hơn người thì không đủ khả năng kiềm chế kiếm này, chỉ e còn ngược lại bị kiếm hại thân.

Sở Lưu Hương ngưng một chút, và nói tiếp:

- Nếu đôi mắt vãn bối không nhầm, thanh kiếm này chắc là vật đeo bên mình của tiền bối lúc tung hoành giang hồ thuở trước.

Sở Lưu Hương nói câu này là hàm ý tán dương Tiết Y Nhân, cả hai nhìn nhau mỉm cười, trong lòng bất giác cùng nảy sinh vài phần kính trọng lẫn nhau.

Tiết Y Nhân nói:

- Giang hồ truyền ngôn quả không ngoa, kiến thức và nhãn lực của hương soái quả nhiên phi phàm, thế nhưng hương soái có biết các hộp sắt đặt bốn phía chứa thứ gì bên trong chăng?

- Được xếp chung với danh kiếm hẳn không phải vật tầm thường.

Tiết Y Nhân mở nắp một chiếc hộp, bên trong có một trường bào. Áo trắng đã hơi ngả màu vàng, nhìn vào khắc biết áo đã nằm đây nhiều năm.

Tiết Y Nhân cầm áo giũ xuống, Sở Lưu Hương mới phát hiện ra phía trước ngực áo có một vết máu, nhìn tựa như một con rắn độc màu đỏ nằm uốn khúc trên áo.

Tiết Y Nhân chậm rãi nói:

- Hương soái có biết chiếc áo này nhuốm máu của ai chăng?

Mắt ông tuy đăm đăm nhìn vết máu trên áo, nhưng chừng như đang nhìn về một nơi rất xa xôi, qua một lúc khá lâu, mới điểm nụ cười nhẹ:

- Chuyện này xảy ra đã lâu lắm, e rằng hương soái chưa từng nghe đến tên của nhân vật này, nhưng ba mươi năm trước, Sát Thủ Vô Thường Phỉ Hoàn chẳng phải là hạng tầm thường.

Sở Lưu Hương nghiêm túc đáp:

- Vãn bối tuy tuổi trẻ hiểu cạn, song cũng biết đôi Vô Thường Câu trong tay Sát Thủ Vô Thường đã đánh bại khắp Đại Nam thất tỉnh, nhưng không hề biết người này chết dưới tay tiền bối.

- Chuyện ấy xảy ra tại Câu Lâu Sơn...

Thần sắc Tiết Y Nhân như trở về quá khứ xa xưa kia, ông chậm rãi kể chuyện.

Trước mắt Sở Lưu Hương phảng phất như trải ra một bức tranh thê lương hiu hắt.

Câu Lâu Sơn, ánh hoàng hôn nhuộm trời Tây đỏ như máu.

Tiết Y Nhân một thân áo trắng như tuyết, đứng đơn độc trong gió lạnh, nhìn Sát Thủ Vô Thường từ trên núi đi xuống.

Sau đó kiếm quang lóe lên.

Máu tươi bắn ra, điểm nhẹ trên thân áo trắng, nhẹ như những cánh hoa mai rơi rụng trên mặt tuyết.

Tiết Y Nhân từ tốn nói:

- Đến nay ba mươi năm tuế nguyệt tuy đã tàn tạ, nhưng máu của những kẻ ấy vĩnh viễn vẫn không mất.

Sở Lưu Hương hỏi:

- Máu của họ? Không lý trong những hộp sắt này...

Tiết Y Nhân lạnh lùng đáp:

- Hương soái chẳng lẽ không hiểu ba chữ “Huyết Y Nhân” do đâu mà có sao?

Sở Lưu Hương đưa mắt nhìn những hộp sắt xếp đầy tứ phía trong hang động, chàng nghĩ đến mỗi hộp đều chứa một chiếc áo trắng như tuyết, mỗi chiếc áo đều vấy máu của một người, mỗi vết máu hàm chứa một câu chuyện đáng sợ, mà mỗi câu chuyện hẳn đều có một cuộc huyết chiến kinh tâm động phách...