Em phải đến Harvard học kinh tế - Chương 08 - Phần 3

GIẢI QUYẾT CÁC MỐI QUAN HỆ BẠN BÈ

BẰNG THÁI ĐỘ HÒA NHÃ VÀ CHÍN CHẮN

Ngay từ khi còn nhỏ, Đình Nhi đã được rèn luyện để có được một thói quen làm bất cứ việc gì cũng phải chú ý đến tính hợp lý của nó. Vì quen như vậy, cho nên Đình Nhi luôn đòi hỏi người khác cũng phải làm như vậy. Khi học tiểu học chưa phải nội trú, nên vấn đề này chưa thể hiện rõ rệt lắm. Sau khi vào nội trú trong trường Chuyên ngữ, tình hình đã khác. Học sinh trong trường phải chung sống suốt 24 giờ trong ngày. Việc đối xử với bạn bè, Đình Nhi nhiều khi tỏ ra thiếu bình tĩnh, thiếu khoan dung và chín chắn. Các bạn trong phòng của Đình Nhi ở, luôn làm tốt công tác vệ sinh, thường xuyên được chấm điểm 10, thế mà có hai ngày liền chỉ được điểm 9. Đình Nhi vốn quen tính cẩn thận, gọn gàng, ngày đầu tiên còn cố chịu, sang đến ngày thứ hai, không thể chịu được nữa, Đình Nhi liền gọi hai bạn cùng phòng, bạn S. và bạn L. đến trách mắng: “Tuần này đến phiên hai bạn trực nhật, mà hai bạn làm vệ sinh như thế à?” – “Còn làm thế nào nữa?” Hai bạn phản ứng, Đình Nhi tức quá, kể ra hàng loạt những việc làm chưa tốt để trách cứ hai bạn. Trước những sự thực quá rõ ràng, hai bạn S. và L. không chối được, nhưng ấm ức không vui. Sự phản ứng của hai bạn cùng phòng làm Đình Nhi nhận thấy, hình như mình có cái gì chưa ổn lắm, nhưng không biết nên làm thế nào cho phải. Cháu đã ghi chuyện này vào nhật ký rồi than thở: “Quả thật mình chẳng biết nên xử lý như thế nào đối với những loại sự việc như thế này”. Cô chủ nhiệm xem xong, phê sang bên cạnh: “Cần chú ý phương pháp”. Lại một lần khác, xưởng phim tài liệu của Nga Mi cử một phóng viên đến trường quay phim. Họ quay một tiết học tiếng Anh của lớp A. Ở lớp B của Đình Nhi, có nhiều bạn đang nghển cổ trông chờ, chắc mẩm sau khi họ quay xong ở lớp A, thế nào cũng đến lượt lớp mình. Thế nhưng, từ lớp A đi ra, nhóm phóng viên đó thu dọn đồ đạc, đi thẳng không nhòm đến lớp B. Các bạn lớp B thất vọng, có bạn đã hét toáng lên: “Thật là bất công!”. Đình Nhi cũng nằm trong số đó. Tan học về phòng ở, Đình Nhi còn chưa hết tức, liền đem chuyện này viết vào nhật ký: “Cả lớp chúng con đều bất bình, tại sao quay ở lớp A nhiều thế mà không quay ở lớp chúng con? Chúng con cũng không thích nổi tiếng, nhưng đối xử phải công bằng chứ!” Đình Nhi lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi của tập thể. Chưa hết, dưới bài nhật ký đó, Đình Nhi còn vẽ một bức tranh minh hoạ: mười mấy cái đầu với vẻ mặt tức giận, miệng há hốc, hô to: “Tại sao vậy? Quyển nhật ký được gửi ngay tới cô chủ nhiệm. Thực ra, sự việc lại rất giản đơn: mục đích của nhà trường là mời Đoàn làm phim đến quay một tiết giảng của một cô giáo dạy tiếng Anh, mà giáo viên này lại không dạy ở lớp Đình Nhi, sự việc không liên quan gì đến lớp B cả. Những chuyện hay tức giận không đâu ấy của Đình Nhi, đã khiến tôi phải suy nghĩ. Một người có học thức, trước một sự việc hoặc người mình không hài lòng, phải có thái độ bình tĩnh và đúng mực. Biết cách nào đó có hiệu quả nhất khiến cho đối tượng hiểu ra vấn đề mà tự sửa. Chỉ biết giận dữ kêu ca, oán trời oán đất là một việc làm rất tầm thường. Hơn nữa, có nhiều việc dễ làm ta tức giận, nhưng thực ra những việc vặt đó chẳng có liên quan gì đến mình, là người có kiến thức, tất phải biết khoan dung độ lượng. Nhà yêu nước Lâm Tắc Từ đã nói: “Trăm sông dồn về biển cả, ôi lòng biển rộng bao la!” Đức độ khoan dung là một nét đẹp, sáng ngời trong nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Đây cũng là một phẩm chất tốt đẹp mà hầu hết các dân tộc trên thế giới đều thừa nhận. Hơn nữa, khoan dung còn là một tố chất tâm lý không thể thiếu đối với một người làm nên sự nghiệp. Người Trung Quốc thường nói: “Lòng người quân tử chứa được trăm thuyền”, có rất nhiều trường Đại học nổi tiếng ở Mỹ trong việc đào tạo nhân cách cho học sinh đòi hỏi trước tiên phải biết khoan dung. Về mặt này, người giảng giải cặn kẽ và thấu triệt nhất chính là ông Hồng Ứng Minh, một học giả đời Minh. Cuốn sách “Thái căn đàm”, một kiệt tác nói về việc tu dưỡng đạo đức của ông đã đề cập khá phong phú đến những nghiên cứu sâu sắc về tâm lý xã hội, tổng kết khái quát những quy luật cuộc sống. Riêng về phẩm chất khoan dung, ông có cách lý giải không giống với nhiều người khác, ông đã chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa tính khoan dung với các phẩm chất đạo đức khác như khoan dung có mối quan hệ mật thiết với lòng nhân ái, tính ngay thẳng và phẩm chất liêm khiết. Đó cũng chính là “thái độ đúng đắn” mà tôi hằng hi vọng ở Đình Nhi. Ở bậc sơ trung, Đình Nhi học được chút ít cổ văn. Tôi bèn chọn một vài câu trong cuốn sách trên của ông Hồng Ứng Minh ghi lại để Đình Nhi tham khảo. Trong sạch thì mới biết khoan dung, nhân ái thì mới biết độ lượng, sáng suốt thì mới biết đúng sai, ngay thẳng thì mới không thiên lệch”.

“Chê trách cái sai của người khác không nên gay gắt quá, cốt sao để người ta có thể tiếp thu được; răn dạy người khác chớ nên quá cao siêu, cốt sao để người ta có thể làm theo được.” “Nước trong quá thì không có cá, người yêu ghét rạch ròi quá thì ít bạn dám gần.” Chỉ các nguyên tắc không, đương nhiên chưa đủ, còn phải thông qua hàng loạt những sự việc cụ thể để hiểu được cách vận dụng các nguyên tắc đó như thế nào. Mỗi khi Đình Nhi có điều gì không được bằng lòng hoặc buồn bực, chúng tôi đều nhân các buổi họp mặt cuối tuần, dành ra vài chục phút để phát triển cho cháu hiểu. Đồng thời chỉ rõ nguyên nhân của sự việc, nên có thái độ như thế nào là thích hợp nhất. Khả năng nhận thức của Đình Nhi khá tốt, cháu nhanh hiểu ra vấn đề. Từ đó những chuyện tức giận không đâu đã dần ít đi. Sau này, càng ngày cháu càng tỏ ra chín chắn. Nhất là sau khi cháu học cao trung, tầm mắt đã biết nhìn rộng hơn, toàn diện hơn. Có lần, lớp của Đình Nhi định trình diễn một vở kịch cổ điển, các bạn đều đề cử Đình Nhi đóng vai chính, vì Đình Nhi đã từng đóng phim truyền hình. Thế nhưng Đình Nhi đã chủ động xin nhận một vai phụ, chỉ nói một vài câu trên sân khấu. Cháu đã về tâm sự với chúng tôi: “Là một người đứng ra tổ chức diễn các tiểu phẩm bằng tiếng Anh, con rất mong để cho các bạn có dịp phát huy hết sở trường của mình, có vậy hoạt động ngoại khóa mới có ý nghĩa thực.”

Phải biết rõ mọi trò bịp bợm, đảm bảo an toàn cho chính bản thân.

Thực thà là một nét đáng quý trong kho tàng văn hóa truyền thống Trung Hoa. Thực thà khiến mọi người gần gũi và thân thiện, thúc đẩy sự nghiệp mau chóng thành công, làm cho cuộc sống của mình tràn đầy hương vị ấm áp của tình thân ái.

Ngay từ hồi còn nhỏ, chúng tôi đã dạy Đình Nhi phải biết sống thực thà. Để Đình Nhi luôn ghi nhớ điều đó, chúng tôi đã viết một mảnh giấy, dán ngay trước bàn học của cháu với câu: “Thực thà là cha quỷ quái, thủ đoạn dù có tinh vi đến mấy, rồi cũng bị lộ. Thực thà khiến người ta gần gũi, thủ đoạn sẽ bị người ta chê sợ và lánh xa.”

Thế nhưng thực thà lại là con dao hai lưỡi: “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, nếu ở đâu, với ai cũng thật thà thì có lúc gây nên đại hoạ, nhất là đối với con gái phải luôn biết giữ mình. Về mặt này, trong việc giáo dục con cái, nhiều bậc cha mẹ còn rất mơ hồ và thường xem nhẹ. Chỉ cần lật giở vài trang báo, hoặc lướt qua những chương trình thời sự trên ti-vi, ta dễ dàng bắt gặp những mẩu tin thật rùng mình: Cách đây vài năm ở thành phố Vũ Hán, một nữ nghiên cứu sinh bị một cô nhà quê lừa bán cho một gã trai làng mù chữ bằng một chiêu rất giản đơn, quen thuộc: “Chị hãy tranh thủ đi buôn với em chuyến này, kiếm vài nghìn đồng ăn học!” Tham một món lời vô hình, cô nghiên cứu sinh kia sa vào cạm bẫy, chính là vì lòng tham và nhẹ dạ cả tin. Năm ngoái, ở Thành Đô, một nữ sinh đại học tên Thiểu Ân, tranh thủ kỳ nghỉ hè đi làm thêm kiếm tiền ăn học. Cô đã đến chợ lao động ở bên cầu Cửu Nhãn để tìm việc làm. Cô bị một con mẹ mìn khoảng 40 tuổi lừa gạt, nói là đưa cô đi tìm việc, mụ đưa cô đến một làng quê tỉnh Sơn Tây. Ở đây cô bị bán làm vợ một người mù chữ. Cô khóc lóc cầu xin, đập đầu chống cự, mụ mẹ mìn chẳng mảy may động lòng thương hại. Nhiều lần tìm cách bỏ trốn, nhưng không thành. Cuối cùng đành cam chịu sống một đời trâu ngựa, may cho cô, trong chiến dịch “chống buôn bán phụ nữ” cuối năm nay, cô đã được cứu thoát. Nhưng lúc đó cô đã có mang 6 tháng. Cuối năm, cô Khâu Khánh Trang, một sinh viên giỏi của Đại học Bắc Kinh, trên đường từ Bắc Kinh đến phân hiệu của trường tại huyện Xương Bình, chẳng may bị một bọn côn đồ hãm hiếp cho đến chết. Vụ án này làm chấn động cả Trung Quốc. Thật bi thảm! Vì vậy, chúng tôi luôn nhắc nhở Đình Nhi: “Tai họa sẽ ập xuống đầu mình bất cứ lúc nào, nếu không biết cảnh giác giữ mình”. Để tránh cho Đình Nhi những điều bất hạnh như trên, ngay từ nhỏ, chúng tôi đã dạy cho Đình Nhi các cách tự bảo vệ mình. Khi cháu còn đang học ở trường mẫu giáo, chúng tôi đã dặn: “Mẹ không bao giờ nhờ bất cứ ai đón con từ trường mẫu giáo về. Vì vậy, ngoài mẹ ra, bất cứ ai đến đón không được đi theo”. Nhiều lần tập thử để tạo cho cháu một thói quen biết đề phòng. Ngay từ khi học lớp 2 bậc tiểu học, Đình Nhi đã phải một mình đi học bằng ô-tô buýt, mỗi tuần 6 ngày, mỗi ngày 4 lượt đi về, bất kể trời mưa hay nắng. Để nâng cao tinh thần cảnh giác cho cháu, chúng tôi cũng thường kể cho cháu nghe những chuyện lừa gạt phụ nữ đăng trên báo hàng ngày, phân tích kĩ những thủ đoạn lừa bịp của bọn côn đồ, và cả những yếu điểm mà phụ nữ dễ sa vào cạm bẫy. Chúng tôi đã tổng kết cho cháu thành hai điều ngắn gọn: một là không đi vào những nơi cảm thấy không an toàn; hai là quyết không được “tham mồi bắt bóng”. Thường xuyên nhắc nhở Đình Nhi để cháu có được thói quen cảnh giác, biết tránh xa mọi sự cám dỗ, biết phân biệt đâu là lời khen thực lòng, đâu chỉ là những lời đường mật đầy dụng ý. Khi còn đang học lớp 4 bậc tiểu học, có lần Đình Nhi và một bạn trong lớp đi chơi bên bờ sông Cẩm Giàng, Đình Nhi đã rất cảnh giác tránh được sự theo đuổi của một gã thanh niên có ý đồ đen tối.

Khi Đình Nhi học tiểu học, vì vợ chồng tôi đều bận công tác, nên các buổi trưa Đình Nhi thường về nhà một mình. Để đề phòng mọi bất trắc, chúng tôi đã quy định với cháu: “Khi con ở nhà một mình, không được mở cửa cho bất cứ ai vào nhà”. Điều này xem ra có vẻ hơi quá, nhưng lại rất quan trọng.

Đến khi cháu vào lớp sơ trung, dáng người đã ngày một lớn không khác gì một cô gái lớn. Lúc này, vấn đề an toàn cho cháu càng phải chú trọng. Ngoài việc đề phòng tai nạn giao thông và bị bắt cóc, còn phải đề phòng mọi sự lừa gạt hãm hại của cánh con trai. Ngay từ lúc Đình Nhi mới 3lba tuổi, mẹ đã tiến hành giáo dục giới tính cho Đình Nhi, nên cháu tiếp thu rất nhanh những lời mẹ răn bảo.

Lần đầu tiên nghe Đình Nhi hỏi: “Trẻ con sinh ra như thế nào?” hoặc “Việc làm thiếu đạo đức là gì?”, mẹ trả lời Đình Nhi theo cách các chuyên gia giáo dục từ sớm. Các chuyên gia này cho rằng, nói với con cái những thường thức khoa học ngày càng sớm, càng căng thẳng bao nhiêu thì những kích thích đối với tâm lý con cái càng ít bấy nhiêu. Mỗi lần nói chuyện này với Đình Nhi, mẹ đều nhắc nhở: những chuyện như thế này con chỉ được hỏi mẹ thôi, không được nói với người khác, nếu không người ta sẽ bảo con là xấu tính đấy. Quan niệm của mọi người về vấn đề này tuy chưa đúng, nhưng thành thói quen khó sửa. Tuy vậy, mẹ vẫn vui vẻ trả lời con bất cứ vấn đề gì.

Những quy định này có tác dụng rất tốt, Đình Nhi thoải mái và tự tin trong việc tìm hiểu những điều cần biết về giới tính; thứ hai, Đình Nhi đã quen với việc nói chuyện cùng mẹ về tất cả những việc liên quan đến giới tính. Hễ có thắc mắc gì lại hỏi mẹ, và không có ai nói chuyện này với Đình Nhi sâu sắc và tỉ mỉ được như mẹ. Như vậy, về mặt tri thức giới tính, Đình Nhi có thể tránh bị người khác dẫn dắt vào con đường nguy hiểm.

Là một người cha, nhiệm vụ của tôi là phải để cho Đình Nhi hiểu được những đặc điểm tâm lý nam giới. Tôi đã dùng rất nhiều ví dụ thực tế để giảng cho cháu hiểu được rằng, để tránh xa mọi sự hiểu lầm và phiền phức không cần thiết, con phải luôn chú ý giữ một cự ly thích hợp với tất cả mọi bạn trai.

Điều này, đã làm tăng hệ số an toàn cho Đình Nhi một cách hữu hiệu. Ai cũng biết an toàn là tiền đề và là cơ sở của tất cả mọi chuyện làm khác.

CHA MẸ CHỦ ĐỘNG ĐIỀU CHỈNH PHƯƠNG PHÁP

TĂNG CƯỜNG HƠN MỐI LIÊN HỆ VỚI CON

Có thể ai đó sẽ nói: “Tôi cũng thường giảng giải cho con những lý lẽ mà anh chị thường nói, song chẳng hiểu sao, con tôi không chịu nghe lời, cháu luôn cãi lại”. “Con các bạn vẫn làm như thế!” Đúng vậy, sự phản ứng ấy là chuyện rất bình thường ở những đứa trẻ đang tuổi dậy thì.

Tại sao những lời nói “thuốc đắng dã tật” của chúng tôi, Đình Nhi lại luôn nghe theo. Vì chúng tôi luôn biết chủ động thay đổi phương pháp giáo dục sao cho thích hợp với đặc điểm tâm sinh lý của cháu đang trong lứa tuổi dậy thì.

1. Trao đổi mọi vấn đề với con trên tinh thần bình đẳng.

Để làm dịu đi tâm lý luôn thích cãi lại của trẻ con trong thời kỳ chống đối, cha mẹ cần phải không được giáo dục theo kiểu mệnh lệnh. Phương pháp này đối với bậc tiểu học cũng đã bị coi là lỗi thời. Đối với con cái, cha mẹ luôn có thái độ bình đẳng, không phải là bình đẳng trên lời nói, mà là bằng hành động và suy nghĩ.

2. Nói chuyện với con như đang nói chuyện với một đồng nghiệp của mình.

Để đảm bảo được sự bình đẳng, chúng tôi thường coi Đình Nhi như một bạn đồng nghiệp của mình, thẳng thắn trao đổi mọi công việc. Như vậy, sẽ không phải né tránh một điều gì, và cũng không phải luôn đắn đo tìm cơ hội…

3. Đòi hỏi con nói chuyện với bố mẹ như nói chuyện với các thầy cô giáo ở trong trường

Làm thế nào để con cái khi đã là một học sinh trung học vẫn luôn biết coi trọng ý kiến của bố mẹ? Đây cũng là một yếu tố quan trọng để giữ được mối liên hệ thường xuyên với con cái. Chúng tôi giáo dục Đình Nhi phải coi cha mẹ như cô chủ nhiệm ở trường. Bởi vì những học sinh trung học thường không quan tâm lắm đến việc làm mất lòng cha mẹ hay không, nhưng chúng lại rất sợ làm mất lòng thầy cô giáo. Chúng không bao giờ dám ngang nhiên cãi bướng hoặc tỏ một thái độ bất kính nào đối với các thầy cô giáo. Vì vậy, những sự bất hòa trong gia đình hầu như không có. Trao đổi chuyện trò giữa chúng tôi và Đình Nhi vì thế mà có hiệu quả, thoải mái.

4. Kiên trì chờ đợi “Người đồng nghiệp” của mình trở thành người bạn tri kỉ

Sau khi con cái đã làm quen với việc trao đổi cùng cha mẹ mọi công việc theo kiểu người lớn, tất tình yêu thương của cha mẹ không còn là một thứ quyền lực có tính áp đặt nữa, mà trái lại chúng sẽ nhận ra rằng tình thân thiện mới thực là đáng quý, và khi ấy quan hệ theo kiểu đồng nghiệp rất tự nhiên sẽ chuyển sang quan hệ theo kiểu bạn bè. Nhất là khi các cháu đang gặp phải vấn đề gay cấn, các cháu sẽ hoàn toàn tin tưởng kể cho “bạn” nghe và cầu xin lời chỉ bảo của bạn. Hiện nay, tuy Đình Nhi đã theo học tại trường Harvard, nhưng cháu vẫn giữ được thói quen thường xuyên trao đổi mọi việc với chúng tôi, bình đẳng như bạn bè. Một khi con cái và cha mẹ đã hình thành được thói quen trao đổi công việc với nhau bình đẳng như bạn bè, đương nhiên cả hai đều thấy được rằng đó là một điều thật hạnh phúc.

5. Buông lỏng từng phần, “nắm chính bỏ phụ”, từng bước “trao quyền tự chủ” cho con

Ở tuổi thanh niên, ai cũng thích được tự lập, ai cũng thích được giải phóng khỏi vòng tay cha mẹ, làm việc gì cũng muốn tự mình, không muốn người khác can thiệp vào. Nếu hiểu được tâm lý chung là như vậy, tất cha mẹ đối với con cái cũng biết “buông lỏng từng phần”. Cách làm của chúng tôi là, những công việc nào mà Đình Nhi có thể đảm bảo làm được, hãy để cho cháu tự làm. Như chuyện mặc quần áo hàng ngày, trước đây do mẹ lựa chọn và mặc cho, như ngày nào thì mặc quần áo nào, đi giày dép nào… Bây giờ do Đình Nhi tự quyết định, nhưng bắt buộc phải theo đúng nguyên tắc của mẹ: “Không lố lăng lòe loẹt, đủ ấm đề phòng bị ốm”. Làm như vậy, nhằm bồi dưỡng khả năng tự lo những chuyện trong cuộc sống của mình, hơn nữa còn giảm bớt được những sự va chạm không cần thiết. Khi gặp một vấn đề phạm phải nguyên tắc nên vừa phải xem lại nguyên tắc, vừa phải tìm biện pháp giải quyết. Biện pháp linh hoạt nhiều khi còn quan trọng hơn những nguyên tắc cứng nhắc. Bởi vì biện pháp sai sẽ làm tổn thương đến tình cảm, lúc bấy giờ, nguyên tắc có đúng mấy cũng chẳng có tác dụng gì. Thế nhưng quyết không thể vì để giữ tình cảm mà nhượng bộ cho những sai lầm của con cái trong những vấn đề có tính nguyên tắc quan trọng, hậu quả của những sai lầm đó sẽ không bao giờ bù đắp được.

6. Thừa nhận có sự cách biệt giữa hai thế hệ, lấy cái giống nhau làm chính, sự khác biệt chỉ là phụ, cùng tôn trọng nhau.

Chúng tôi thường tự nhắc nhở mình, tuổi thanh niên thường ham thích điều mới lạ, nhất là những cái màcha mẹ chúng không thích. Nếu bạn không muốn làm con cái bạn bực mình, tốt nhất không nên tỏ vẻ xem thường những cái mới lạ mà con bạn đang thích. Ngay cả những sự việc bạn muốn ngăn cấm, trước tiên bạn hãy cố hiểu về nó đã, sau khi bạn đã thực sự nắm được lý lẽ để phản bác rồi hãy nói. Có nhiều điều có thể nói hết được với bạn bè, nhưng với cha mẹ, một nửa lời cũng không muốn nói, đó là căn bệnh chung của tuổi thanh niên. Một trong những nguyên nhân của căn bệnh đó là không có chung sự hứng thú với cha mẹ. Trong những trường hợp như thế, tốt nhất là để cho con cái coi mình như một người bạn lớn tuổi, có điều gì cũng muốn thổ lộ, và phải biết chia sẻ niềm hứng thú với con, hơn nữa bằng sự từng trải của mình, bạn hãy để cho con bạn thấy rằng, tâm sự với mẹ còn có ích hơn nhiều so với bạn bè. Để Đình Nhi có thể thoải mái nói đủ mọi chuyện với chúng tôi, nhiều khi chúng tôi đã phải dùng đến biện pháp “đường vòng”. Đình Nhi thích hát những bài tình ca giậm dật, mẹ buộc lòng cũng phải học hát theo, Đình Nhi thích hát những bản nhạc mới “chát bùm” ầm ĩ, mẹ cũng phải ngồi nghe cùng Đình Nhi, sau đó mẹ lựa lời phân tích chỉ ra những chỗ hay chỗ dở của những cái mới lạ này, Đình Nhi đã hiểu ra mà nghe theo ý mẹ.

7. Phải kiên quyết thuyết phục, không được nóng nảy vội vàng.

Đối với con cái ở lứa tuổi mới lớn, mắc sai sót gì ta không nên vội chê trách nặng lời, phải biết trò chuyện và lắng nghe sự giải thích của con, phải biết kiên trì thuyết phục, chứ không nên “cưỡng bức chấp hành”. Nếu dùng quyền của cha mẹ để cưỡng bức, tất con cái sẽ “khẩu phục, tâm không phục, bằng mặt không bằng lòng, nói một đằng làm một nẻo”. Cho nên nếu sự việc không thật nghiêm trọng và cần kíp lắm, hãy cố gắng chờ đợi. Những yêu cầu của cha mẹ thực sự có lý, dần dần con cái tất cũng sẽ nhận thức ra và nghe theo.

Cũng có lúc phải biết tạm thời nhượng bộ, “Nhân vô thập toàn”, ngọc nào chả có vết. Có vậy mới giữ được mối quan hệ hài hòa, để tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng hơn.

8. Nên răn đe từ trước, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Bất kể việc gì, không nên để sự việc xảy ra rồi mới yêu cầu con phải thế này, phải thế kia, bạn muốn con cái như thế nào, cần có sự răn đe khuyên bảo từ xa. Không nên chờ đợi đến khi sự việc xảy ra rồi, khi con mình đã đắm chìm trong sự say mê mù quáng, bấy giờ mới đao to búa lớn. Làm như vậy chỉ tổ “lửa đổ thêm dầu”, con càng lánh xa bạn. Những bậc cha mẹ biết nhìn xa trông rộng đều biết khôn khéo ngăn chặn ngay từ khi sự việc còn trong trứng nước.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3