Tơ Đồng Rỏ Máu - Chương 17 - 18
Chương 17: Huyệt tối xương khô
Trên đầu bỗng có tia sáng, mặt cô dính bùn ươn ướt.
“Tỉnh lại đi!”
Giọng ai thế này?
Mễ Trị Văn? Không thể! Lão đang nằm trong buồng bệnh nan y, cách đây mấy chục cây số. Na Lan cố mở mắt, nhưng bị một nắm bùn hắt kín mặt luôn. Cô định nói nhưng không ra tiếng.
“Ngươi khiến ta cảm động đấy! Ngươi ráo riết truy tìm bí mật của ta và đã có chút thu hoạch. Tiếc rằng, cũng như bí mật của ta, ngươi sẽ bị chôn vùi mãi mãi ở đây.” Giọng nói bên trên còn rùng rợn hơn cả hàn khí trong lòng đất này. Đất tiếp tục rơi xuống nhiều hơn.
Na Lan định kêu lên “Dừng lại.”
“Muốn ta dừng lại cũng được. Muốn giữ lại cái mạng như bông hoa nhỏ, không phải là không thể thương lượng.” Cái giọng ma quỷ cố ra vẻ dịu dàng. “Chỉ cần ngươi van xin ta, nói rằng ngươi đã sai, ta mới là người nắm vận mệnh ngươi, thậm chí nói rằng ngươi yêu ta, ta có thể vui lòng chấp nhận.”
Na Lan nín lặng.
“Thấy chưa, đây là cái tật đáng chết của người. Ngươi quá kiêu kì, rất không linh hoạt, thì chắc chắn đời ngươi sẽ khốn đốn. Chi bằng để ta giúp ngươi siêu độ cho nhanh!”
Na Lan kêu lên, “Dừng lại, dừng lại!”
Rồi cô bừng tỉnh.
Đúng là bên trên le lói ánh sáng. Đầu nhức như búa bổ. Cô lấy di động ra. 5 giờ 30 chiều. Trời hôm nay xám xịt, có lẽ chút ánh ngày cũng sắp hết. Cô không nhớ nổi lúc bị rơi xuống hố thì chỗ nào chạm đất trước, chỉ biết hiện giờ toàn thân đau nhức, xương cốt như đã giập hết, không chịu nghe lệnh bộ não nữa. Cô cố gắng ngồi dậy co duỗi chân tay. Cũng may, không bị gãy xương bong gân. Xem ra đã ngất được vài giờ, người bị va đập nhưng cơ thể vẫn có phản ứng đối phó với sự kiện bất ngờ.
Na Lan sờ túi áo khoác lấy đèn pin ra chiếu lên trên. Dưới này cách mặt đất bao xa? 5 hay 6 mét? Soi nhìn xung quanh, hố không rộng nhưng cũng phải được 5-6 mét vuông, cỏ mọc tùm lum kín mít. Cô kiểm tra di động, thất vọng vì không hề có sóng. Đương nhiên rồi, dưới hố sâu ở nơi hoang vắng hẻo lánh, sóng di động không thể xuyên xuống. Cũng may không có cái âm thanh thâm hiểm kia uy hiếp, khiêu khích lòng tự trọng và kiêu hãnh của cô.
Na Lan tìm cách trèo lên, nhưng xung quanh không có rễ cây hoặc dây leo, cũng không có những mỏm đá nhô ra để bám. Cô thử đến mười mấy phút, đều vô ích. Hy vọng tự lực thoát khỏi đây hầu như bằng không. Lúc này cô mới thực sự sợ hãi, thần chết đang tiến đến gần cô.
Nếu không ai biết mình bị rơi xuống hố này thì cũng không ai cứu mình được.
Phải nén ngay nỗi sợ hãi vừa dâng lên, Na Lan hít thở thật sâu, rồi vắt óc suy nghĩ, Sở Hoài Sơn biết mình đến thôn Mễ Gia để tìm dấu vết của Mễ Trị Văn. Nếu tối nay không thấy mình trên mạng thì anh ta sẽ sinh nghi, nhưng người không bước chân ra khỏi nhà bao giờ như thế thì đến khi nào mới biết mình không hề trở về kí túc xá, để gọi điện cho cảnh sát?
Kí túc xá có Đào Tử, nhưng gần đây lại hay đi qua đêm, đâu thể ngẫu nhiên làm ầm lên vì mình vắng mặt một buổi?
Còn anh lái xe taxi, mình đã hẹn cứ chờ điện thoại, nhưng anh ta có bận tâm vì mình thất hứa hay không? Khả năng này không cao.
Có nghĩa là không hy vọng được ai biết chuyện đến cứu.
Hoang mang.
Ánh sáng le lói bên trên cũng không còn nữa.
Phải trấn tĩnh! Na Lan liên tục tự nhắc nhở. Nếu Mễ Trị Văn ngay từ khi chỉ là quái con đã đào được cái hố sâu thế này thì người lớn như mình cũng có thể đào được một lối thoát.
Cô lục cái ví cũng rơi theo xuống đáy, lấy ra con dao nhỏ, bắt đầu đào một cái hốc trên vách để bám và tì chân trèo lên. Đào một chập, cô thấy nản, vách đất lẫn đá rất xốp, cái hốc không đủ độ cứng, vừa đặt chân vào đã lở hết cả, cô lại rơi xuống.
Cô thử giẫm lên lần nữa. Trượt chân.
Mễ Trị Văn nhóc con hồi xưa ra vào cái hố này bằng cách nào? Chắc là phải dùng thang dài, thang giấu ở bãi cỏ.
Ngồi phệt một lúc, Na Lan đứng dậy thử lại. Đào hốc to và sâu thì giẫm được. Cô đào thêm một hốc bên trên để bám tay. Tay vừa co lên thì hốc chân lại lở ra, công cốc, cô ngã nhào xuống đáy. Thử mãi không biết bao nhiêu lần, tay chân vốn rã rời bây giờ lại càng tê dại. Lẽ nào nơi đây sẽ thành huyệt mộ chôn mình?
Tâm trạng tuyệt vọng dần dần trỗi dậy, đúng lúc ấy, Na Lan chợt nghe tiếng còi hú của xe cảnh sát. Cô xem điện thoại. 11 giờ 42 phút. Vẫn không có sóng di động. Chắc là Sở Hoài Sơn hoặc Đào Tử đã phát hiện ra mình mất tích.
Nhưng cơn phấn chấn lập tức bị thất vọng đè bẹp, thôn xóm vắng lặng hoang vu thế này, cảnh sát tìm thấy cô sao được? Sở Hoài Sơn và anh lái xe taxi chỉ biết mình đến thôn Mễ gia chứ đâu có biết mình lại đi theo những nốt nhạc chết toi kia mà lên dốc Mễ Lung rồi rơi xuống hố sâu giữa đồng cỏ dại?
Cô hét to, “Tôi là Na Lan! Tôi ở đây! Cứu tôi với...”
Tiếng còi hú gay gắt vẫn vang vọng dưới dốc xa xa, cô biết tiếng gọi của mình không thể truyền lên mặt đất và xuyên qua màn sương mù. Thế thì bật đèn di động và chiếu hắt lên trên. Ánh sáng quá yếu, soi lên miệng hố chỉ nhờ nhờ. Vô ích!
Na Lan lại gọi một chập nữa, khản cả cổ. Còi hú di chuyển ra xa.
Cùng với tiếng gọi mỗi lúc một yếu dần, hai mắt Na Lan trào lệ tự lúc nào chẳng biết. Đúng là sự giễu cợt đỉnh cao dành cho cô. Tiếng cười chế nhạo thuộc về Mễ Trị Văn.
Na Lan thân mến, đây là kết cục của trò chơi giữa cô và tôi.
Na Lan cố tự trấn an, cố quên đi cơn đói và mệt mỏi đang hành hạ, tĩnh tâm nghĩ ngợi. Có lẽ đây là điểm mấu chốt của trò chơi mà Mễ Trị Văn đã thiết kế từ nhiều năm trước, bất kì ai định tìm hiểu về lão thì đều bắt tay xem xét thôn Mễ Gia và thời niên thiếu của lão. Người chơi đáng thương ấy biết lão có duyên nợ với các nốt nhạc cổ cầm, cho nên sau khi nhìn thấy các viên ngói thì sẽ đi theo tín hiệu chỉ đường, tìm đến dốc Mễ Lung, tìm ra cái huyệt này. Không cần nhiều may mắn lắm, kẻ đó cũng sẽ rơi xuống huyệt sâu chờ chết!
Nếu người chơi đen đủi nọ không lên nổi thì coi như toi đời. Trong trò chơi điện tử, người chơi có vài mạng dự phòng, nhưng trong thực tế thì chỉ có một cơ hội. Mà cứ cho là sẽ sống sót, rồi sao nữa? Kẻ ấy sẽ được thêm máu ư? Hay thêm nhiều kiến thức về Mễ Trị Văn? Rồi tiếp cận, và bước vào... cái bẫy mà lão đã cài đặt?
Ma quỷ khi lập trình trò chơi, có nhớ thiết kế cửa ra hay không?
Lúc này Na Lan sực nghĩ đến một điều. Từ lúc bị rơi xuống huyệt rồi tỉnh lại, cô toàn bận tâm cách thoát hiểm mà không quan sát tỉ mỉ cái huyệt này, liệu nó có ẩn chứa những điều kì lạ về Mễ Trị Văn không? Nói theo lối tiêu cực tức là, dù mình chết thì cũng phải chết cho rõ ràng.
Vì vẫn có ý thức tiết kiệm pin điện thoại và pin đèn, nên từ nãy đến giờ Na Lan chỉ đào các hốc đất bằng cách mò mẫm. Bây giờ tạm gác khát vọng sống lại, cô bật đèn pin quan sát kĩ càng tất cả.
Thấy một tấm ván úp ở chân vách huyệt, khá bằng phẳng. Cô nhấc nó lên, bên dưới là một cái hố không lớn, tạm gọi là “huyệt trong huyệt”. Hố này có mấy cuốn sách và vài thứ lặt vặt, từa tựa một cái kho nhỏ. Cô cầm các cuốn sách lên, bộ sưu tập này thật quái gở. Một cuốn sách cổ có tên là Thanh Sơn cầm sao, chép các bản nhạc dân tộc kinh điển như Quảng Lăng tán, Tống Ngọc bi thu, Tiêu Dao du... tất nhiên đều dùng các kí hiệu âm nhạc lạ lùng. Một cuốn Tâm lý học thường thức in năm 1955, một cuốn Lịch sử Hội họa phương Tây xuất bản năm Dân quốc thứ 35 (tức 1946), một cuốn Giản lược về Lực học xuất bản năm 1952, một cuốn Giải phẫu cơ thể người xuất bản năm 1956, một cuốn Không dũ tùy đàm in và khâu theo lối cổ.
Na Lan chưa bao giờ nghe nói về cuốn Không dũ tùy đàm bèn thử giở ra xem. Sách do một người đời Thanh soạn, tập hợp các truyện kí dưới hai triều Minh-Thanh, gồm các mẩu truyện dã sử, các truyện dân gian quái dị. Hai năm trước Na Lan bị cuốn vào một vụ án lớn, cô đã từng đọc loại sách này, đêm nay lại chạm trán, có lẽ đây là điềm gở? Lật thêm mấy trang, cô thấy một cái thẻ đánh dấu sách. Là một sợi dây đàn.
Đúng là dấu ấn của Mễ Trị Văn.
Ý nghĩ bi quan được chứng minh ngay, sau khi nhấc hết mấy cuốn sách, cô đánh rơi luôn cái đèn pin, và kêu thét lên!
Bên dưới, là những khúc xương trắng hếu chồng chéo dày đặc!
Các khúc xương, các bộ xương có nhiều kích cỡ, nhìn chung là nhỏ, không phải xương người. Các hộp sọ cho thấy đây là xương mèo, chó và chuột. Điều đáng sợ và rùng rợn nhất ở đám xương này là do bị vặt từ thân thể các con vật ra, chứ không phải tập hợp thành từng bộ xương động vật hoàn chỉnh. Chúng bị bẻ bị xé, chứ không phải bị phân hủy theo thời gian. Đa số các khúc xương nhỏ được buộc lại thành bó, mỗi bó có 4-5 khúc xương.
Thì ra Mễ Trị Văn nhà ngươi lại có cái sở thích như thế này!
Na Lan mường tượng lần sau gặp lão, cuộc đối thoại sẽ rất phong phú, nhưng một ý nghĩ khác chèn lên ngay, lần sau là bao giờ? Có phải lần đối thoại gần đây nhất, là lần cuối cùng không? Từ nhiều năm trước lão đã thiết kế ra cái bẫy này nhằm bảo đảm rằng đám xương khô và các bí mật liên quan không thể bị đưa ra ánh sáng, có phải thế không?
Vì phát hiện được cái ổ này rồi, người ta dễ dàng liên tưởng đến thủ đoạn dùng trong các vụ án “ngón tay khăn máu”, xé xác phanh thây kẻ yếu, tàn khốc và vô nhân đạo.
Mình phải ra khỏi chốn này!
Cô lại bắt đầu đào hốc, thử hết lần này đến lần khác và liên tục thất bại.
Cho đến lúc miệng hố trên kia có đất mới hắt xuống.
“Kẻ không thể tự làm chủ số phận thì ít ra cũng nên biết điều! Chỗ đáng buồn nhất của ngươi là ngươi lại lửng lơ đứng giữa.” Vẫn là cái giọng vừa quen vừa lạ, nghe như từ địa ngục vọng về.
Nếu âm thanh của địa ngục lại phát ra ở trên đầu, thì lúc này cô đang ở tầng thứ mấy?
Đất cát rào rào trút xuống. Na Lan muốn né tránh nhưng không sao cựa quậy được. Đành mặc đất tạt vào mặt, trong đất mới này hình như có giun, chúng đang ngọ ngoạy trên mặt cô.
“Cút đi!” Cô hét lên, nhưng âm thanh quá yếu, run run tắt ngấm trong cái lạnh mùa xuân.
“Tự ngươi muốn vào, sao bây giờ lại giở quẻ?” Giọng kia rin rít như rắn phun. “Ngươi cũng chỉ biết kêu ‘cút đi, thả tôi ra’ như bọn đàn bà khác khi xuống đây, eo éo bất lực như bọn đạo sĩ niệm chú hy vọng có thể chặn được tà ma! Nhất là ngươi luôn hiếu kì nghĩ mình cứng cỏi, thực ra người là kẻ đáng thương, sống như thế làm gì cho khổ? Hiếm thấy những kẻ thân làm tội đời như người!”
“Cảm ơn ngươi đã tư vấn tâm lý.” Na Lan cố trở lại bình tĩnh. “Ngươi có thể lừa ta rơi xuống đây nhưng đừng hòng đè bẹp ý thức của ta.”
Đất lại hắt xuống càng nhiều. Chỉ một lát đã ngập đến đầu gối cô.
“Nói gì đó có vẻ đáng thương đi chứ? Chưa chừng ta sẽ mủi lòng đổi ý cũng nên.” Kẻ ấy hỏi.
Na Lan định nói... nhưng toàn thân cô lạnh run, bụng đói cồn cào không thể suy nghĩ được nữa, cô thấy khát nước.
Cô im lặng. Ngươi có thể giành phần thắng trong trò chơi, nhưng không thể thắng nổi ta. Khi đất ngập lên đến ngực, Na Lan không thở được nữa.
“Đây là cơ hội cuối cùng. Ngươi nói thật đi, nói là ngươi rất đáng thương, số ngươi khổ, sống chẳng thú vị gì nhưng vẫn muốn tiếp tục sống, nhằm chứng minh ngươi có thể sống tiếp.”
Na Lan nhắm mắt lại.
Nước, mình chỉ muốn uống nước.
Sau khi bị rơi xuống hố này, đã bao lâu rồi mình không được uống một giọt nước? Tám? Mười? Hay mười hai tiếng đồng hồ?
Đất rơi xuống, từng đám, từng tảng, từng hạt... đánh bại bản năng sinh tồn của Na Lan. Cô có thể tỏ ra cứng cỏi, nhưng không thể kìm được nước mắt. Vốn đã là thế rồi, cô bị sát hại, mẹ cô suy sụp, Cốc Y Dương ra đi, Tần Hoài xuất gia, đâu còn hứng thú để sống nữa?
Nước mắt càng trào ra nhiều hơn.
Nước! Hình như có giọt nước rơi vào má, đọng ở bên mép.
Na Lan bỗng bừng tỉnh, lại có giọt nước rơi xuống mặt. Cô ngẩng đầu, toàn thân mềm nhũn không còn chút sức lực. Hình như có chút ánh sáng trên miệng hố. Trời đã sáng hay sao? Cô bỗng hiểu ra, giọt nước vừa rơi xuống là sương sớm đọng trên cỏ ở miệng hố rỏ xuống. Sương độc tích tụ của mấy hôm sương mù bao phủ. Đầu óc cô cứng đờ hỗn loạn nhưng vẫn nhớ ra mấy câu thơ cổ bi quan, “Kiếp người như sương sớm”, “Tựa như sương sớm, ngày trước bao khổ đau...” Hình như ác mộng vẫn tiếp tục.
Cô nhìn di động. 5 giờ 34 phút sáng. Khi màn hình sáng lên, cô bỗng cảm thấy xung quanh khang khác, hình như ở đây không chỉ có mình cô!
Cô quay người, nhưng không nhìn thấy gì hết. Cô sờ thấy chiếc đèn pin, tay run run chưa kịp bật thì một bóng đen bỗng xuất hiện trước mặt cô.
Chương 18: Thiếu mẩu xương ngón
Phản ứng đầu tiên của Na Lan, chắc đây vẫn là giấc mơ chưa tàn vì đói khát, mệt mỏi và sợ hãi, hoặc đây là ảo giác. Cô đã từng nếm trải những ảo giác như thật.
Cô kêu lên kinh hãi.
“Na Lan đừng sợ! Tôi đến cứu cô đây!”
Chưa đầy mười phút sau, còi hú của xe cảnh sát vang lên. Na Lan biết mình đã thực sự được cứu.
Chỉ trong mấy phút, Na Lan đã làm quen với vị cứu tinh. Một người đàn ông tuổi ngoài 60, gầy gò, râu bạc, tự giới thiệu mình họ Trần và nói có lẽ cô từng nghe nhắc đến. Ông đưa cho Na Lan chai nước khoáng và bánh quy đem theo. Nghe nói “họ Trần”, Na Lan liền đoán ra ngay, “Chú là...tiền bối Trần Ngọc Đống?”
“Cứ gọi tôi ‘chú Đống’ là được.”
Ba mươi năm trước, Trần Ngọc Đống là sĩ quan cảnh sát đã điều tra vụ án “ngón tay khăn máu” đầu tiên, cũng là chuyên gia tham gia trinh sát hầu hết các vụ án “ngón tay khăn máu” khác.
“Chú đã về hưu... mà vẫn...” Nếu Mễ Trị Văn có mặt, chắc lão sẽ nói cô “Biết rồi còn cố hỏi...”
“Đoán xem ai đã báo cho tôi biết?” Trần Ngọc Đống hỏi lại.
“Sở Hoài Sơn?”
“Cháu thông minh thật! Biết Ba Du Sinh không trực tiếp nhúng tay, anh chàng mới từ Bộ xuống lại càng không gọi tôi. Khi nhận được điện của Sở Hoài Sơn, tôi ngỡ gã nào đùa bỡn nói năng thì ấp úng lắp bắp, sau khi nghe ra anh ta biết rõ toàn bộ vụ án thì tôi mới hiểu tính chất nghiêm trọng của sự việc.”
Sỏ Hoài Sơn là người nhanh chóng báo động cảnh sát về việc Na Lan mất tích. Anh liên tục chờ kết quả khảo cổ thôn Mễ Lung của Na Lan, nửa đêm lên mạng vẫn không thấy cô, gọi điện cũng không được, cuống lên bèn gọi cho Kim Thạc. Kim Thạc dù tức giận vì Na Lan tự tiện hành động nhưng dẫu sao vẫn là sĩ quan cảnh sát cẩn thận có thừa, lập tức điều động ngay hai xe cảnh sát đến thôn Mễ Gia sau dốc Mễ Lung để tìm kiếm. Nhưng đêm khuya sương mù dày đặc, tìm không ra.
Kim Thạc cảm thấy sự việc nghiêm trọng, đành phải thông báo cho Ba Du Sinh. Ba Du Sinh và Kim Thạc bàn đến việc phải cho tìm kiếm quy mô toàn thành phố. Còn Sở Hoài Sơn thì nghĩ ngay đến Trần Ngọc Đống.
Mễ Trị Văn cưỡng bức Đổng Bội Luân bất thành rồi bị bắt, là vụ án xảy ra vài tháng trước ngày nghỉ hưu của Trần Ngọc Đống. Xem tư liệu mà Ba Du Sinh gửi cho, Sở Hoài Sơn biết Trần Ngọc Đống cũng tham gia xử lý vụ án này và đã đi sâu tìm hiểu về Mễ Trị Văn.
Về sau Sở Hoài Sơn kể với Na Lan rằng lúc đó anh bỗng sáng óc ra, chúng ta lâu nay muốn tìm hiểu kĩ về Mễ Trị Văn mà lại bỏ qua một cơ hội tốt, quên mất rằng không ai hiểu rõ vụ án “ngón tay khăn máu” và Mễ Trị Văn bằng Trần Ngọc Đống! Nhưng Trần Ngọc Đống đã nghỉ hưu...
Vụ án “ngón tay khăn máu” hoành hành suốt ba mươi năm, gần như song song với sự nghiệp cảnh sát của Trần Ngọc Đống. Sự nghiệp của ông, đúc kết cô đọng thì, thành công hay thất bại đều gắn liền với vụ án “ngón tay khăn máu”. Khi ông nghỉ hưu, vụ án vẫn đang tiếp diễn, những ai có tâm với sự nghiệp thì đều khó mà phủi tay với tất cả. Huống chi, tư liệu mà Trần Ngọc Đống để lại cho thấy ông là con người rất nhiệt tình với công tác trinh sát phá án hình sự, không bao giờ qua loa cẩu thả. Sở Hoài Sơn bèn gọi điện cầu cứu ông. Lúc đó đã 1 giờ 30 phút sáng.
Chỉ sau một hồi chuông reo, Trần Ngọc Đống đã nhấc máy, cứ như thức đêm để chờ điện thoại. Sở Hoài Sơn nói nhát gừng ngắt quãng, ông lại hỏi cụ thể nguyên do sự việc, sau đó lập tức đeo chiếc ba lô “tình trạng khẩn cấp” với đầy đủ dụng cụ rồi chạy ra khỏi nhà.
Trần Ngọc Đống không có ô tô, sau nửa đêm lại càng không thể kiếm được taxi đi đến dốc Mễ Lung hoang vu. Ông sang khu bên cạnh, gõ cửa nhà người bạn làm lái xe đã về hưu, nhà vẫn có chiếc ô tô Santana bình dân cũng đã đến tuổi về hưu. Trần Ngọc Đống vốn biết lái xe, sau mấy phút nói chuyện ông đã mượn được xe rồi phóng như bay đến dốc Mễ Lung.
Gọi là phóng như bay thì hơi quá, so với những chiếc Audi hay xe đua Lamborghini với chủ nhân phừng phừng men rượu, thì chiếc Santana già với bác tài cũng già này, chỉ như lững thững đi dạo phố. Khi chạy đến dốc Mễ Lung, đã gần 3 giờ sáng.
“Chú cũng nhìn thấy những viên ngói và các nốt nhạc cổ à?”
Trần Ngọc Đống nói, “Đầu tiên tôi nhìn thấy cái hốc tường.” Ông lầu bầu trách các nhân viên do Kim thạc cử đến, chắc đều là lính mới nên không chú ý bảo vệ hiện trường, mặt đất lẽ ra phải có dấu chân mới của Na Lan, nhưng đã bị một lô dấu chân giẫm lên xóa hết. Ông đã vào gần chục ngôi nhà có hốc tường thủng thì ông liền chú ý, nhà hoang, đương nhiên là tường ngói lở lói cũ kĩ, nhưng hốc tường này thì khác, Gạch ngói lâu ngày dầm mưa dãi nắng, nhất là gần đây mưa xuân ẩm ướt, thì phải bị nham nhở gặm nhấm, cũng rất dễ bị rêu xanh phủ kín, nhưng đống gạch lộn xộn ở dưới chân tường này thì quá phẳng phiu sạch sẽ, hình như mới bị dỡ xuống.
Trần Ngọc Đống bật chiếc đèn LED trong tay. “Chà! Hữu dụng quá, may mà có nó!” Ông nói, khi nhận ra các viên ngói vương vãi trong và ngoài nhà, bề mặt đều viết chữ rất kì quái.
Và cả dấu chân của Na Lan.
Sau khi ra khỏi thôn Mễ Gia, rất khó lần tìm dấu chân của Na Lan, nhưng những viên ngói đã chỉ đường cho ông.
“Tôi gọi điện cho Kim Thạc, bảo anh đến đây mà xem, có lẽ cần các anh ứng cứu.” Trần Ngọc Đống soi đèn pin lên trên. “Tôi dùng nó để xuống đây. Già rồi, phải chấp nhận vậy. Nếu trẻ hơn thì tôi đã nhảy ào xuống, không vấn đề gì.”
Na Lan nhìn thấy ở vách hố có sợi thừng nilon to bằng ngón tay cái.
“Hễ ra khỏi nhà là chú vũ trang đầy đủ như thế này à?”
Trần Ngọc Đống nói, “Thói quen hình thành từ hồi trẻ đi bộ đội, chuẩn bị kĩ thì đỡ lo, nếu không, lúc này cháu có gì mà ăn mà uống?”
Tiếng còi hú của xe cảnh sát lại vang lên, chừng hơn mười phút sau, theo chỉ dẫn của Trần Ngọc Đống, cảnh sát cứu viện đã tìm đến miệng hố rồi thả thang dây xuống. Trần Ngọc Đống hỏi Na Lan, “Cháu trèo được không?”
Na Lan đáp, “Cháu vừa được ăn, phải có ích chứ!” Trần Ngọc Đống đỡ Na Lan lên thang. Ông bật đèn pin rọi xuống, nhìn kĩ các “văn vật” vừa được khám phá. Na Lan sợ mình vẫn còn yếu, chỉ dám từ từ leo lên từng bậc. Lúc đến gần miệng hố bỗng nghe tiếng Trần Ngọc Đống, “Cháu có nhận ra chi trước của các động vật này đều thiếu một khúc xương ngón chân không?”