Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế - Chương 13
CHƯƠNG 13: ĐỘNG LỰC MẠNH MẼ VƯỢT QUA SỰ LƯỜI BIẾNG
Vượt qua sự lười biếng.
Đã bao nhiêu lần bạn xác định mục tiêu mà không bao giờ bắt tay vào hành động để đạt mục tiêu đó? Hoặc đã bao nhiêu lần bạn hành động nhưng lại bỏ dở chỉ sau vài ngày đầu?
Tất cả chúng ta đều biết rõ những việc chúng ta nên làm trong cuộc sống như ôn bài cho kỳ thi quan trọng, nhưng vì một lý do nào đó, chúng ta không bao giờ thật sự bắt tay vào làm cho đến khi mọi việc đã quá trễ. Thói quen lười biếng này ảnh hưởng đến hầu hết mọi người chúng ta. Nó đơn thuần ngăn chặn mọi hành động mà chúng ta biết sẽ mang lại lợi ích cho bản thân.
Lười biếng là nhân tố chính phá hoại sự thành công. Bạn có thể xác định những mục tiêu tuyệt vời nhất và đề ra những kế hoạch hoàn hảo nhất, nhưng nếu bạn không hành động, bạn đã thất bại rồi.
Khi bạn lười biếng, bạn cũng cảm thấy không làm chủ được cuộc sống của mình đúng không? Cảm giác lo sợ nhắc nhở bạn nên ngừng xem tivi để học bài, nhưng một động lực hấp dẫn khác lại lôi kéo bạn tiếp tục xem thêm một chương trình tivi nữa. Để vượt qua thói quen lười biếng bạn phải học cách làm chủ nó thay vì để nó làm chủ bạn.
Động lực thúc đẩy của nỗi khổ và niềm vui.
Hai động lực chính thúc đẩy hành động của chúng ta là nỗi khổ và niềm vui. Chúng ta luôn luôn hành động theo hướng né tránh những gì chúng ta nhận thức là nỗi khổ và tiến gần đến những gì chúng ta nhận thức là niềm vui. Tại sao chúng ta cứ liên tục trì hoãn việc làm bài tập đến phút cuối cùng mặc dù chúng ta biết rằng nên làm bài từ sớm? Đơn giản vì đa số chúng ta luôn nghĩ việc học rất cực khổ và ngược lại, gắn liền niềm vui với những việc khác như xem tivi. Làm thế nào để chúng ta có thể bắt tay vào làm bài tập? Thông thường, chúng ta chỉ bắt tay vào làm bài tập khi ngày mai là hạn chót nộp bài hoặc khi chúng ta cảm thấy bị áp lực nặng nề từ bạn bè - những người đã làm xong bài tập đó. Nhưng tại sao chúng ta lại có thể làm bài tập vào lúc ấy mà không phải sớm hơn? Lý do là ngay lúc ấy, chúng ta nhận thức đuợc việc không làm bài tập sẽ khiến chúng ta gánh chịu một hậu quả tệ hại hơn khi không nộp bài đúng hạn, điều này sẽ khiến chúng ta bắt tay vào hành động.
Thay vì trở thành nô lệ của nỗi khổ và niềm vui như thế, bạn hãy chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Bạn hãy tận dụng những động lực này để thúc đẩy bạn hành động theo những gì bạn muốn như kiên trì học bài, ôn bài và hoàn tất bài tập trước thời hạn. Chất lượng công việc của bạn phụ thuộc vào việc bạn gắn liền nó với nỗ khổ hay niềm vui một cách có ý thức hay vô ý thức. Không có việc gì tự nó là khổ hay vui cả mà chỉ vì chúng ta gắn việc đó với nỗi khổ vào việc không đạt được kết quả như ý.
Học sinh này không bao giờ lười biếng trong học tập, kết quả là họ luôn đạt điểm 9 - 10.
Thay vào đó, những học sinh khác lại luôn có ý nghĩ rằng việc học rất cực khổ, họ cảm thấy vui khi không phải học. Những học sinh này luôn lười biếng và không bao giờ hoàn thành kế hoạch để đạt mục tiêu. Để vượt qua sự lười biếng, họ cố gắng thử tất cả mọi cách nhưng những cách này lại không giải quyết được tận gốc vấn đề. Trong tâm trí, họ vẫn gắn liền nỗi khổ với việc học, còn niềm vui với việc không phải học. Đây là lý do tại sao cho dù họ cố gắng đến mức nào, cuối cùng họ vẫn quay lại tình trạng lười biếng cũ.
Bởi thế, chìa khóa để khắc phục tình trạng lười biếng là bạn phải thay đổi những việc bạn gắn liền với nỗi khổ hoặc niềm vui. Bạn phải học cách gắn liên niềm vui với việc học và nỗi khổ với việc lười biếng ngay từ bây giờ.
Lập trình lại não bộ.
Đầu tiên, bạn hãy xác định bạn muốn thay đổi những hành đông hiện tại nào và bạn muốn thay thế chúng bằng những hành động mới nào. Ví dụ, bạn có thể muốn thay thế thói quen "Nước đến chân mới nhảy" trong việc học (lười biếng) của bạn bằng thói quen học tức thì.
Lập trình lại não bộ của bạn để hành động ngay lập tức.
Bước một:
Viết ra trong khoảng trắng bên dưới tất cả những hậu quả mà bạn có thể phải gánh chịu nếu bạn tiếp tục lười biếng. Ví dụ, bạn có thể thi rớt, ở lại lớp, bị thầy cô, gia đình la rầy và bị bạn bè cười nhạo. Viết ra càng nhiều hậu quả càng tốt để làm bạn cảm thấy thật sự sợ hãi.
Bước hai:
Tận dụng trí tưởng tượng của bạn để cảm nhận thật rõ những nỗi khổ được liệt kê phía trên mà bạn phải hứng chịu nếu tiếp tục lười biếng, bạn hãy tưởng tượng những gì bạn sẽ thấy, sẽ nghe và sẽ cảm nhận khi gánh chịu nỗi khổ đó.
Bài tập thực hành này nhằm mục đích tạo ra đủ cảm xúc thúc đẩy bạn từ bỏ thói quen xấu. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn bị điểm kém. Khi nhìn thấy bạn bè được điểm cao, bạn cảm thấy hối hận, tức giận và thất vọng vì không chuẩn bị bài sớm hơn. Bạn cảm thấy đau đớn vì không được nhận vào trường hoặc lớp học mà bạn lựa chọn.
Hình dung bản thân bạn bị cha mẹ thầy cô la rầy, bạn bè khinh rẻ, hãy tạo ra càng nhiều cảm giác đau đớn càng tốt. Tưởng tượng về nỗi đau đó càng thật càng tốt.
Hãy dành ra ba phút và làm việc đó ngay bây giờ.
Kế tiếp tôi muốn bạn hãy tưởng tượng trong cuộc sống của bạn sẽ ra sao trong vòng năm năm tới nếu bạn tiếp tục thói quen lười biếng này. Tôi muốn bạn tưởng tượng ra tình huống tệ hại nhất có thể xảy ra. Bạn có thể tưởng tượng bạn thân bị bỏ rơi, không có bạn bè, thất nghiệp và hối hận tràn trề về những việc trong quá khứ. Một lần nữa, hãy sử dụng hình tượng, âm thanh, cảm giác để tạo ra cảm xúc thật sự.
Hãy dành ra ba phút làm việc đó ngay bây giờ.
Khi bạn đã bắt đầu cảm thấy thôi thúc phải vượt qua sự lười biếng, bây giờ bạn có thể tưởng tượng cuộc sống của bạn trong mười năm tới nếu bạn vẫn giữ thói quen lười biếng này. Một lần nữa, hãy tưởng tượng tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra và biến nó thành cảm giác thật ngay bây giờ. Ví dụ, bạn có thể tưởng tượng lương của bạn rất thấp, bạn phải mặc những bộ quần áo xấu xí cũ kĩ, ăn những loại thức ăn hạng bét, ở trong một căn phòng trọ tồi tàn và hầu như không có bạn bè.
Hày dành ra ba phút và làm việc đó ngay bây giờ.
Tại sao bạn phải làm những việc này? Bởi vì bạn chỉ bắt đầu cảm thấy hối hận và ước gì bạn có thể thay đổi sự việc khi mọi việc đã quá muộn. Chỉ đến khi bạn không có kiến thức, không có tiền và không có tương lai, bạn mới thốt lên "giá mà lúc trước mình..." Thật đáng tiếc, mọi việc đến lúc ấy đã quá trễ. Vậy thì, trước khi việc này xảy ra, bạn hãy tưởng tượng những hậu quả tệ hại nhất để buộc mình phải hành động ngay tức thì và không bao giờ phải nói "giá mà...".
Bước ba:
Tiếp theo là gắn kết càng nhiều niềm vui càng tốt vào thói quen mới mà bạn muốn sở hữu. Trước hêt, bạn hãy viết ra trong khoảng trống dưới đây những cảm xúc vui sướng và những kết quả tốt đẹp bạn sẽ nhận được nếu bạn chăm chỉ học tập.
Bước bốn:
Một lần nữa, đây là một bước rất quan trọng để lập trình lại não bộ của bạn. Hãy tưởng tượng như thể bạn đang cảm nhận và trải nghiệm được niềm vui tốt đỉnh mang lại từ việc ôn bài sớm. Hãy tưởng tượng bạn nhận được sổ liên lạc với những điểm số bạn hằng ao ước. Đây là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công của bạn.
Hãy cảm nhận sự thỏa mãn và niềm hạnh phúc khi bạn nhận được kết quả học tập xứng đáng. Hình dung cảnh bạn tốt nghiệp đại học trong sự khen ngợi của gia đình, thầy cô, bạn bè. Hãy nếm trải vị ngọt thành công này một cách thật sự.
Hày dành ra ba phút và làm việc đó ngay bây giờ.
Bây giờ khi bạn nghĩ về việc học, bạn phải cảm nhận được nhiều cảm xúc tích cực hơn trước đây. Bây giờ, tôi muốn bạn hãy tưởng tượng về cuộc sống của bạn trong năm năm tới tính từ thời điểm mà bạn bắt đầu chăm chỉ học tập. Bạn có thể hình dung bản thân học trong một trường đại học danh tiếng và nhận được các học bổng có giá trị.
Hày dành ra ba phút và làm việc đó ngay bây giờ.
Cuối cùng, hãy hình dung bản thân bạn trong mười năm tới với một công việc mà bạn khao khát, hãy cảm nhận thật sự những cảm xúc tuyệt vời đó.
Hày dành ra ba phút và làm việc đó ngay bây giờ.
Bước năm:
Ở bước này, bạn cần phải phá vỡ thói quen hành động cũ của bạn và lập trình bản thân theo một thói quen mới. Bắt đầu từ bây giờ, hãy thực hiện những hành động mà bình thường bạn không làm hoặc thay đổi cách làm hiện tại của bạn. Thay vì giết thời gian một cách vô vị trước màn hình tivi hoặc đi ngủ ngay khi vừa đi học về, bạn hãy ôn nhanh lại bài hoặc đọc sách. Thậm chí bạn nên chạy bộ hoặc tập thể dục trong chốc lát.
Con người ai cũng có thói quen, chúng ta cần phải phá vỡ những thói quen xấu khiến ta luôn luôn thất bại.
Cuối cùng, lặp lại hai bài thực hành tưởng tượng trên thường xuyên (ít nhất hai lần một tuần) cho đến khi bạn lập trình được hành động mới của bạn.
Bài học từ cuộc sống: Catherine đã vượt qua sự lười biếng bằng cách nào.
Một trong những người bạn của tôi - Catherine - đã chia sẻ với tôi cách cô vượt qua sự lười biếng của mình. Catherine là học sinh giỏi nhất trong vòng hai năm liền ở một trường trung học danh tiếng ở Singapore. Cô quý trọng giấc ngủ và những giờ phút nghỉ ngơi, thư giãn.
Cô luôn quan niệm rằng nếu cô cứ tiếp tục trì hoãn việc làm bài tập thì cô sẽ phải ngủ ít hơn và có ít thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hơn sau này. Chính vì thế, cô gắn liền nỗi khổ với việc lười học và niềm vui với việc học, ôn bài, làm bài ngay lập tức. Quan niệm đơn giản này đã thúc đẩy cô tận dụng tối ưu được thời gian học và vươn lên dẫn đầu trường đại học quốc gia Singapore.
Vài mẹo khác để thúc đẩy hành động ngay lập tức:
Ngoài việc lập trình não bộ của bạn, sau đây là một vài việc khác bạn có thể làm để vượt qua sự lười biếng. Tất cả những mẹo này đều dựa trên một quy luật: gắn liền nỗi khổ với sự lười biếng và gắn liền niềm vui với hành động.
Tự cam kết với bản thân.
Cách tốt nhất để thuyết phục bản thân hành động là bạn phải tự cam kết là bạn sẽ hành động để đạt mục tiêu, mọi người đều muốn đạt điểm 10 nhưng không phải ai cũng quyết tâm hành động để đạt được nó. Sự khác biệt giữa việc muốn một chuyện gì đó với quyết tâm đạt được nó nằm ở chỗ "quyết tâm". Điều đó có nghĩa là bạn phải đặt mục tiêu học tập lên trên hết tất cả các vấn đề khác trong cuộc sống. Nếu bạn muốn biến giấc mơ thành hiện thực, bạn phải chắc chắn rằng bạn quyết tâm đạt được nó chứ không chỉ đơn thuần là thích được có nó.
Bạn phải viết bản cam kết của bạn trên giấy theo cách mà bạn xác định mục tiêu. Ký tên vào bản cam kết này và đưa cho cha mẹ, bạn bè xem làm chứng. Kế tiếp, dán tờ cam kết của bạn lên tường để bạn có thể nhớ việc này mỗi ngày.
Quảng bá về bản cam kết của bạn.
Việc tự cam kết với bản thân có sức mạnh phi thường, nhưng vẫn không đủ. Lý do là vì đa số mọi người đều tìm được lời biện hộ cho việc không thực hiện được bản cam kết. Bởi thế, bạn phải quảng bá bản cam kết của bạn.
Hãy nói với bạn bè, thầy cô, cha mẹ, thậm chí họ hàng của bạn là bạn sẽ đạt bảy điểm 10 trong kỳ thi. Liệu mọi người có cười nhạo bạn không?
Nếu họ cười nhạo bạn, thay vì cảm thấy mất tinh thần, hãy để sự nhạo báng này làm động lực thúc đẩy bạn. Thật sự, họ càng cười nhạo bạn bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Bằng cách đưa uy tín của mình ra đặt cược, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động quyết liệt.
Thường xuyên xem lại các mục tiêu của bạn.
Xem lại các mục tiêu của bạn hàng ngày, đặc biệt là những mong muốn cụ thể của bạn. Lý do và lợi ích của việc đạt được những mục tiêu đó. Việc này giúp tâm trí bạn luôn tập trung và đi đúng hướng. Thông thường, những yếu tố khách quan bên ngoài luôn ảnh hưởng bạn. Do đó, việc xem lại mục tiêu sẽ giúp bạn không đi lệnh hướng.
Tự thưởng cho bản thân.
Một điều rất quan trọng là bạn phải biết cách tự thưởng cho bản thần khi bạn hoàn thành từng chặng đường nhỏ đi tới mục tiêu. Mỗi khi bạn đạt được một điều gì đó dù rất nhỏ nhặt như làm bài kiểm tra tốt hoặc nộp bài về nhà đúng hạn, hãy tự thưởng cho mình. Hãy nghỉ ngơi thư giãn bằng cách đi dạo hoặc ở nhà xem tivi.
Tự thưởng, bạn phải tự trừng phạt mình bất cứ khi nào bạn lười biếng. Nếu bạn lười biếng và không làm xong bài tập đúng hạn, bạn phải thức khuya vào đêm hôm sau để hoàn tất bài tập đó. Thậm chí, bạn cũng không xem chương trình tivi ưa thích của bạn nếu bạn lười biếng.