Hồ Quý Ly - Chương 03 - Phần 1
Chương 3: Ông vua già
1
Nghệ Tông hoàng đế tên húy là Trần Phủ, con thứ ba của vua Trần Minh Tông; mẹ đẻ là Lê Thị, cô của Lê Quý Ly. Ông lên ngôi lúc nhà Trần suy thoái; đứng trên danh nghĩa, Trần Thuận Tông, con trai ông là ông vua áp chót triều Trần; nhưng đứng trên thực tế, chính Trần Nghệ Tông mới là ông vua cuối cùng, bởi vì ông làm vua chỉ có ba năm nhưng lại làm Thái thượng hoàng hai mươi bảy năm. Trong hai mươi bảy năm ấy, dưới tay Thái thượng hoàng có ba ông vua: Trần Duệ Tông em trai ông, Trần Phế Đế cháu ông, con trai Duệ Tông và cuối cùng là Trần Thuận Tông con trai của chính ông. Như vậy, thực quyền suốt tám mươi năm ròng cuối triều Trần cho đến khi họ Hồ lên ngôi đều nằm trong tay ông.
Nghệ Tông lên ngôi vua trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt.
Thời kỳ đó vào những năm Đinh Mùi, Mậu Thân, Kỷ Dậu, Canh Tuất (tức là 1367 - 1370 theo dương lịch), em trai ông là Trần Dụ Tông làm vua, nhưng ăn chơi xa xỉ hoang dâm vô độ đến nỗi Chu Văn An phải dâng thất trảm sớ rồi theo ấn từ quan. Nhật Lễ cháu ông lên ngôi. Nhật Lễ là con Cung Túc Vương Trần Dục. Trên danh nghĩa, họ Trần, nhưng thực chất Nhật Lễ họ Dương. Mẹ Nhật Lễ là Dương Thị, một cô đào chèo vừa xinh đẹp vừa hát hay, Dương Thị có biệt hiệu Tây Vương Mẫu bởi vì nàng sắm vai Vương Mẫu trong vở chèo hấp dẫn, nàng có chồng họ Dương cũng là một kép hát tài hoa. Cung Túc Vương đi xem hát, bị nàng Tây Vương Mẫu hút hồn, bèn lấy nàng làm vợ, lúc đó cô đào chèo đã có mang cùng chàng kép hát họ Dương. Khi Nhật Lễ ra đời, trong hoàng tộc đã có lời xì xào, nhưng Cung Túc Vương, vì quá yêu nàng Tây Vương Mẫu, vả lại ngày tháng mang thai mập mờ, nên công nhận Nhật Lễ là con.
Kể ra nếu Nhật Lễ đàng hoàng chấp nhận họ Trần và có tài năng trị nước, chắc cũng chẳng có gì xảy ra. Nhưng nàng Dương Thị lắm tham vọng, người đàn bà ấy tưởng rằng việc làm vua cũng dễ dàng suôn sẻ như trên sân khấu. Làm vua ư? Chẳng qua là việc hưởng thụ và có quyền tối thượng trong tay. Vì vậy, Dương Thị đã khuyên con trai đổi triều đại nhà Trần sang nhà Dương, và thẳng tay đàn áp tôn thất họ Trần.
Có lẽ trong lịch sử các vua chúa nước Nam, đó là đoạn bi hài nhất. Dân gian gọi cuộc tiếm ngôi quá đơn giản ấy là loạn phường chèo. Kẻ sĩ âu lo cho số phận non sông thì bảo: Vận nước đã suy nên đẻ ra nhiều chuyên quái gở. Nhật Lễ lên ngôi đã bắt chước ông vua tiền nhiệm Trần Dụ Tông, cũng hoang dâm vô độ, cũng cờ bạc rượu chè. Thiếu úy Trần Ngô Lang là tay cờ bạc nổi tiếng Thăng Long, đã có lúc cùng vua Trần Dụ Tông chơi những canh bạc, mà mỗi lần đặt cửa bằng một gia tài của người giàu có. Nhật Lễ, lúc chưa lên ngôi, cũng đi lại sòng bạc của Trần Ngô Lang, nên khi lên ngôi đã dùng Trần Ngô Lang làm người thân tín.
Trong thời kỳ đầy biến động ấy, Trần Nghệ Tông giữ chức vụ hữu tướng quốc, rồi thái sư, tức vị quan văn đầu triều. Điều trớ trêu, đứng về phương diện thế thứ gia tộc, ông đồng thời là chú của Nhật Lễ, vừa là bố vợ Nhật Lễ. Con gái của ông làm hoàng hậu.
Lúc đó, trong triều có hai vị quan đứng đầu: tả tướng quốc Nguyên Trác và hữu tướng quốc là ông. Nguyên Trác nghe tin Nhật Lễ định đổi họ Trần thành họ Dương, liền âm mưu cùng những người tôn thất, lẻn vào cung, định giết Nhật Lễ. Việc bại lộ, Nhật Lễ bắt những kẻ âm mưu vào tội chết. Trần Phủ tức Nghệ Tông hỏi Lê Quý Ly là người thủ túc thân tín:
- Tình hình hỗn loạn thế này, ta nên đối phó ra sao?
Quý Ly rất bình tĩnh thưa:
- Hiện nay, quân lính ở Thăng Long đều ở trong tay Nhật Lễ. Tuy đại vương vừa làm thái sư vừa là quốc trượng, nhưng Nhật Lễ vẫn cho người dò xét. Tuy nhiên Nhật Lễ vẫn chưa ra tay vì đại vương có tiếng nhân từ, là quan văn không thích dụng võ. Nhưng cứ nằm ở Thăng Long, nằm giữa đám quan quân ngả theo Nhật Lễ, khác gì cá nằm trên thớt. Chi bằng, hãy thoát khỏi vòng vây, tìm nơi hẻo lánh tạm ẩn trú. Việc lớn ta tính sau.
- Ta nên đi đâu?
- Theo kẻ học trò này, ta nên đến Trấn Tam Giang. Từ kinh đô tới đó, đi ngựa mất một ngày đường. Nếu Nhật Lễ biết truy đuổi, thì sau lưng là cả một vùng rừng núi bao la Đà Giang, nếu cần ta cũng có đường vào Trấn Thanh Hoa hoặc đến Châu Hồng, Hải Đông.
Đang đêm, Trần Phủ, Quý Ly và một số người tâm phúc lẫn lút trốn đến vùng cửa ngõ sông Đà. Quý Ly bàn với Trần Phủ viết thư cho các quan lại và các vương hầu khắp nơi. Được tin Cung định vương Trần Phủ đang ở Tam Giang, các vương hầu vội vã kéo nhau đến. Lúc đó, Trần Phủ ngoài bốn mươi tuổi, Quý Ly mới ngoài ba mươi tuổi. Phủ bảo Quý Ly:
- Ta không dè chỉ một bức thư của ta mà người người lại kéo nhau đến đông như thế, nhanh như thế.
Quý Ly biết người anh họ ngoại của mình còn do dự. Từ thủa nhỏ, hai người vẫn gặp nhau luôn, và mến nhau vì tài văn chương; nhưng Quý Ly hiểu Phủ vốn nhu thuận, chuộng văn nhiều hơn chuộng võ, mềm nhiều hơn cứng. Hồi Trần Phủ mới được chín tuổi, theo hầu vua cha Trần Minh Tông. Vua cha sai làm thơ vịnh cái chiếu trúc. Trần Phủ ứng khẩu đọc ngay:
Có nàng giỏi giang
Trong rỗng ngoài cứng
Bắt làm đầy tớ
E chạm nhân tình.
Minh Tông lấy làm lạ, lặng im, và không cho sử quan ghi lại chuyện này. Bài thơ ấy không lọt ra triều đình, nhưng sau này bà Hoàng phi, mẹ Phủ, đem chuyện nói ra cho anh ruột là Lê Quốc Kỳ, lúc đó làm kinh lược sứ nghe. Kỳ bảo: “Con người này nhân hậu. Tất cả khẩu khí, và tương lai đều hiện rõ trong bài thơ...” Quốc Kỳ liền ngầm cho con trai là Quý Ly thường xuyên đi lại với Trần Phủ. Quý Ly thông minh, học đâu biết đấy, văn võ song toàn, nên được Phủ yêu quý lắm. Khi Trần Phủ làm hữu tướng quốc, dùng Quý Ly làm người thân tín, chuyên thảo văn thư cơ mật, dần dần, từ vai trò một anh thơ lại, Quý Ly trở thành cánh tay phải mưu lược của Trần Phủ.
Lúc này, Quý Ly nói với Phủ:
- Thời cơ chỉ đến có một lần mà thôi. Bỏ lỡ sẽ hối tiếc thậm chí sẽ gây họa cho cả nước, cho cả bản thân. Chỉ một lá thư triệu tập, bao nhiêu người đã đổ xô đến, chứng tỏ lòng người đã ngả theo đại vương. Dù muốn hay không, bây giờ đã có hai triều đình, một ở Thăng Long, một ở Tam Giang. Dù muốn hay không, bây giờ trong mắt Nhật Lễ, đại vương đã là một đối thủ chính cần phải nhổ bỏ. Dù đại vương nhân từ, song Nhật Lễ quyết không bao giờ tha cho đại vương. Vả lại, đại vương có muốn để cơ nghiệp nhà Trần biến thành của họ Dương hay không?
Trần Phủ im lặng, nhưng suy nghĩ rất nhiều.
Liền sau đó, công chúa Thiên Ninh chị ruột của Phủ, Cung Tuyên Vương Trần Kính em ruột của Phủ, và cả Trần Nguyên Đán, Trần Sư Hiền, là những người tôn thất cũng lục tục kéo đến Tam Giang. Trần Phủ nói với mọi người:
- Từ lúc còn trẻ, ta vốn không có chí làm vua. Ý nguyện của ta chỉ mong cho đất nước được thanh bình, hết loạn ly... Nay, có em ruột ta là Trần Kính, tính tình cương nghị, có thể dẫn đầu mọi người làm việc lớn.
Thiên Ninh công chúa bảo:.
- Đại vương đã trông coi việc nước nhiều năm, lại là người nhân hậu ai ai cũng rõ. Dân chúng và trăm quan đều hướng về đại vương. Không thể vì cái chí riêng mà quên việc lớn. Vả lại, thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao có thể thờ ơ được? Trần Kính cương nghị, nhưng lòng người dân đã hướng về đại vương, đại vương không thể từ chối.
Các tướng lĩnh liền tung hô vạn tuế, làm kiệu bằng tay, rước Trần Phủ xuống núi phủ dụ quân sĩ. Cung Tuyên Vương Trần Kính thống lĩnh ba quân nói dõng dạc:
- Chúng ta sẽ tiến thẳng về Thăng Long, chém đầu tên phường chèo, tôn đức Nghệ Tông lên ngai vàng.
Quý Ly nói riêng với Trần Phủ:
- Bệ hạ nay đã là hoàng đế, xin lo đến việc đại định thiên hạ. Người xưa nói: Đánh giặc thượng sách dùng mưu kế, trung sách dùng ngoại giao, hạ sách mới đánh thành phá lũy. Nay, bệ hạ đã danh chính ngôn thuận, lòng dân đã hoàn toàn hướng về ngài, sao ta không dùng đến thượng sách để đỡ xương máu cho quân sĩ và trăm họ?
Nghệ Hoàng đem chuyện đó ra bàn với Trần Nguyên Đán. Đán nói:
- Hiện nay, ở kinh đô, tất cả quyền lực đều nằm trong tay thiếu úy Trần Ngô Lang, Nhật Lễ rất tin ông ta.
- Trần Ngô Lang là người tôn thất, Trần Nhật Hạch cũng vậy; nhưng Nhật Hạch đã bày mưu cho Nhật Lễ giết người của nhà Trần; còn Ngô Lang hiện nắm trong tay hơn ba vạn cấm quân, song vẫn chưa làm điều gì bại hoại.
- Thậm chí ông ta còn án binh bất động, - Đán nói. - thái độ xem ra có vẻ chần chừ. Vì vậy, ta chưa nên đưa quân đi đánh trước, tránh đẩy ông ta vào chỗ khó xử, rồi quay lại chống chúng ta. Nay bệ hạ nên cử một người thân tín đến gặp ông ta, dò xem thái độ.
- Cử ai bây giờ?
- Phải là một người ít tiếng tăm, lại phải vô cùng linh hoạt và điều quan trọng nhất, phải rất đáng tin cậy.
Quý Ly được Nghệ Hoàng trao nhiệm vụ quay về Thăng Long gặp Trần Ngô Lang.
Về đến kinh đô, Quý Ly đến ngay nhà cụ Sư Tề ở phường Báo Thiên. Cụ Sư Tề tên thật là Nguyễn Đa Tề, nhiều đời vẫn là gia tướng của gia đình Trần Nhật Duật. Cụ giỏi võ nghệ, lại rất am tường binh thư. Cụ Sư Tề làm nghề dạy võ ở Thăng Long, khá nổi tiếng, cụ được tôn xưng là bậc thầy trong nghề võ, vì vậy người đời mới ghép chữ Sư vào chữ Tề. Quý Ly, lúc còn tuổi thiếu niên, cũng đã nhiều năm bái cụ làm thầy. Quý Ly học giỏi nên cụ Sư Tề rất yêu quý.
Vốn biết lòng trung của cụ Sư Tề với nhà Trần, nên mới gặp, Quý Ly đã vào thẳng vấn đề:
- Thưa thầy, Nghệ Hoàng sai con về Thăng Long, có ý muốn thăm dò thái độ của thiếu úy Trần Ngô Lang.
- Ông ta, từ thời Dụ Tông, đã mắc tiếng ăn chơi, bài bạc, là một trong bảy người bị ghi vào thất trảm sớ của cụ Chu Văn An. Ngày xưa, vua Trần Dụ Tông đến nhà ông ta chơi bời thâu đêm, lúc về, nhà vua say quá, thậm chí đến bến. Chử gia ngủ gục bên bờ sông, kiếm vàng truyền quốc, thanh kiếm của bậc chí tôn vì thế mà bị lấy cắp. Đất nước ngả nghiêng từ khi ấy...
Quý Ly cười mỉm vì ý kiến của ông thầy già, nhưng không luận bàn, mà để mặc cụ Sư Tề nói.
- Ta là con nhà võ. Mất kiếm báu là việc tối hệ trọng... Cái điềm đấy... Nhưng cũng có cái hay? Cũng vì ăn chơi giống nhau... (Đồng thanh tương ứng mà!) nên Nhật Lễ mới sinh lòng tin cậy, giao hết ba vạn cấm quân vào tay Ngô Lang.
- Điều học trò muốn biết là thái độ hiện nay của Trần Ngô Lang ra sao? - Quý Ly tỏ vẻ nôn nóng.
Cụ Sư Tề gật gù:
- Ở thời đại loạn này, thay đổi thất thường, sớm bắc chiều nam, ai mà biết nổi trong bụng người ta nghĩ gì. Vả lại, hở lòng mình ra, có người biết được, dễ chết như chơi. Tuy nhiên với ông ta, chỉ hi vọng có một điều nhưng rất mong manh: ông ta là tôn thất nhà Trần... từ khi có quyền lớn, chưa làm điều gì đại ác.
Quý Ly đột nhiên hỏi:
- Thưa thầy, hiện nay em Đa Phương của con đang làm gì? Con muốn gặp mặt chú ấy.
Cụ Sư Tề chợt thở dài:
- Thầy biết, anh sẽ hỏi câu này. Thầy muốn tránh cũng chẳng được. Âu cũng là mệnh trời. Con cũng thông cảm cho ta. Ta dạy võ, nhưng ít lâu nay đóng cửa không dạy cho ai nữa. Bởi vì, nay đang bước sang buổi loạn ly. Cuộc loạn ly khác thường. Sẽ chẳng rõ đâu chính, đâu tà. Ta dạy học trò nhưng có lẽ rồi chính lũ học trò của ta sẽ quay lại chém giết lẫn nhau. Thằng Phương con ta, là nghĩa đệ của anh. Trong nghề võ, thằng Phương cũng có chút giỏi giang, nhưng nó lỗ mãng, sức thì nhiều, trí thì ít. Ta đã bàn với nó, hai cha con nên trở về quê, mai danh ẩn tích làm nghề cày ruộng, nhưng nó không nghe. Ta bảo: “Con có sức mạnh, tuy nhiên bây giờ đã đến lúc trí óc mới là quan trọng.” Thằng Phương cãi lại: “Trai thời loạn, nghề võ chính là nghề tiến thân.” Thế rồi, nhân lúc loạn, nó xin vào làm thủ túc cho Trần Ngô Lang...
Quý Lý liền vái cụ Sư Tề:
- Xin thầy cứ yên tâm, có thể đó lại là điều may. Thầy cứ giao em Phương cho con. Thái sư Trần Phủ đã lên ngôi hoàng đế. Người rất tin cậy con. Anh em con sẽ nương tựa vào nhau. Con nhất định sẽ gây dựng được cho em Phương.
Chiều hôm ấy, Nguyễn Đa Phương về nhà gặp Quý Ly. Được người anh nuôi cho biết tình hình, Đa Phương cười to:
- Cha ơi! Thời vận của con đã đến rồi.
Tối hôm ấy, Quý Ly và Đa Phương rì rầm bàn mưu tính kế. Phương nói:
- Trần Ngô Lang kín lắm, khó dò biết được lòng ông ta. Hiện nay ở trong triều, Trần Nguyên Hàng bị Nhật Lễ ghét nhất, nhà ông ta bị bao vây, tính mạng như trứng để đầu đẳng. Nhưng em trai ông ta là Trần Nguyên Uyên lại được Lễ tin cậy, cho làm phó tướng bên dưới Trần Ngô Lang.
- Có phải Nguyên Uyên là người nổi tiếng ăn chơi, đêm nào cũng rong thuyền với bầy kĩ nữ đàn ca trên Hồ Tây?
- Chứ còn ai nữa? Nhật Lễ chỉ có thể tin cậy những kẻ biết ăn chơi, đi lại du đãng với ông ta từ thuở chưa làm vua. Tôi giúp việc cho Nguyên Uyên. Ông này hơi hở, nhiều khi thốt ra những câu nói động chạm tới Nhật Lễ.
Sau khi bàn bạc, hai người lên Hồ Tây, thuê một chiếc thuyền con, nhằm thẳng nơi có ánh đèn lồng của con thuyền hoa đang rộn rã đàn ca. Đến gần, thấy Nguyên Uyên đang đùa giỡn với mấy cô kĩ nữ. Đa Phương lên tiếng:
- Bẩm phó tướng, tôi mang đến cho người một khách quý.
Nguyên Uyên thò đầu ra:
- Ai vậy?
- Bẩm, một lái buôn trầm hương vẫn qua lại Trung Hoa.
Quý Ly lên thuyền, Uyên thấy Quý Ly ăn mặc sang trọng nên có chút kính nể. Các cô gái hát khúc Xuân nguyệt. Lúc ấy, Quý Ly ghé vào tai Nguyên Uyên:
- Tôi có vụ buôn bán lớn, muốn bàn kín với quan phó tướng.
Nguyên Uyên gật đầu. Quý Ly vứt bạc thưởng cho bọn đàn hát. Uyên bảo họ bơi thuyền trở về. Uyên hỏi:
- Chắc buôn ngà voi hay ngọc trai bị triều đình cấm, nay cần giấy tờ để qua Vân Đồn?
Quý Ly cười:
- Vụ buôn bán này to hơn nhiều!
- To hơn nhiều?
- Phú quý ăn đến cuối đời chẳng hết.
- Tôi không hiểu?
Lúc đó Quý Ly mới rút ở ngực ra lá thư của Nghệ Tông gửi cho những người tôn thất. Nguyên Uyên đặt lá thư lên hương án, quỳ lạy rồi nói:
- Trông thấy ông, ta cứ ngờ ngợ. Hóa ra ông là Quý Ly người luôn ở bên cạnh đức vua. Tôi chờ đợi việc này từ lâu. Anh tôi là Nguyên Hàng, vì chống đối Nhật Lễ, đang bị nguy khốn. Ông nói xem bây giờ tôi phải làm gì?
- Trần Ngô Lang ra sao?
- Lòng dạ ông ta cũng như tôi.
- Thế thì mừng rồi.
Hai người nắm chặt tay nhau, rồi tỉ mỉ bàn tính mưu kế suốt đêm trên chiếc thuyền hoan lạc ở giữa Tây hồ.
Ít lâu sau, Nhật Lễ giục Trần Ngô Lang sai quân đi tiễu phạt bọn nổi loạn sông Đà. Ngô Lang cử Trần Nguyên Uyên mang một vạn quân lên trấn Đà Giang. Nhưng toàn bộ cánh quân ấy, đầu hàng và ở lại cùng Nghệ Tông. Rồi cánh quân thứ hai Đa Phương chỉ huy được gửi đi cũng tiếp tục đầu hàng.
Cho người nào đi, mất người ấy, Nhật Lễ hiểu số phận của mình đã hỏng. Rồi cả dân chúng Thăng Long cũng chạy về quê hết, để lại một kinh thành mênh mông và một ông vua phường chèo cô độc.
Màn kịch vua phường chèo trên sàn diễn cung đình chấm dứt. Nhật Lễ tức giận giết Trần Ngô Lang. Rồi đến lượt Nhật Lễ bị giết.
Trong cuộc phục hưng nhà Trần, đưa Trần Nghệ Tông lên ngôi, Quý Ly có phần đóng góp nên càng được Nghệ Tông tin yêu. Chính vì vậy, từ một nhân vật chẳng hề có tiếng tăm, Hồ Quý Ly ít lâu sau đó được phong chức Khu mật viện đại sứ, và bắt đầu bước vào chính trường Đại Việt.
Một hôm, Nghệ Tông gọi Quý Ly vào cung và hỏi:
- Phu nhân của khanh khuất núi đã được mấy năm rồi?
- Tâu bệ hạ đã tròn năm năm. Cháu Nguyên Trừng năm nay tám tuổi, cháu được ba tuổi khi mẹ cháu qua đời.
- Khanh có còn nhớ công chúa Huy Ninh, cô công chúa Nhất Chi Mai ấy? - Nghệ Tông mỉm cười.
- Tâu bệ hạ, lúc nhỏ, công chúa và hạ thần vẫn chơi cùng nhau, là bạn thơ ấu lẽ nào lại quên.
Nghệ Tông thở dài:
- Khanh biết đấy, trong lũ em đông đúc, ta yêu quý nhất Huy Ninh. Cái cô Nhất Chi Mai ấy vừa đẹp người, vừa đẹp nết, lại có học vấn... Chỉ khổ nỗi đào hoa bạc mệnh. Chồng nó, tôn thất Trần Nhân Vinh vì tận trung với nước bị Dương Nhật Lễ giết chết. Khanh và Huy Ninh vốn quý nhau từ bé... Nay trẫm đứng ra tác thành cho hai người... ý khanh thấy ra sao?
Khỏi cần phải mô tả niềm hạnh phúc của Quý Ly lúc đó. Con đường tiến thân đã mở... Nay lại mở thêm con đường hạnh phúc đôi lứa... Điều tuyệt vời là chuyện tình duyên này đã biến thành một huyền thoại văn chương mà người dân Thăng Long vẫn kể cho nhau nghe lúc trà dư tửu hậu.