Hồ Quý Ly - Chương 05 - Phần 6
Quân của Bùi Bá Kỳ lục soát một khúc sông dài gần doanh trại. quả nhiên bắt được thuyền của Chế Ma Na và Nặc Mậu giả làm thuyền dân chài, đúng như lời khai của Ba Lậu Kê. Như vậy, kế hoạch bày binh bố trận phải thay đổi hoàn toàn.
Bùi Bá Kỳ nói với thống lĩnh:
- Thưa tướng quân, giặc đã cho người dò xét trận địa của ta, như vậy trận địa quyết chiến phải thay đổi.
- Ta đã trù tính, đã dự phòng ở một địa điểm trên sông Luộc. Ông cứ làm như không có chuyện gì. Ta cứ tiến hành như bố trí tại đây, làm trận địa giả để đánh lạc hướng địch. Còn trận địa thực trên sông Luộc, ta đã sai Vũ Soạn đi chuẩn bị đêm qua.
- Bẩm tướng quân, xưa vẫn nói: “Lòng giặc sâu hiểm khôn lường.” có thể Ba Lậu Kê khai ra Chế Ma Na và Nặc Mậu cũng là kế trí trá của Chế Bồng Nga. Thả tốt bắt xe. Kế ly gián, phản gián người xưa đã dùng nhiều. Ba Lậu Kê nói tới việc đại thần nước ta tư thông với giặc...
- Ta biết... Ông là người tâm phúc, nên hiểu lòng ta. Ông nên biết, ta trung với nhà Trần, ghét kẻ loạn thần, nhưng ta còn tởm lợm khi thấy bọn liếm gót ngoại bang. Kẻ nam nhi trượng phu phải có khí phách tự mình làm lấy việc lớn. Bằng không, hãy tự đập đầu chết quách, chứ đâu lại chịu gục mặt làm điều vô sỉ, quỳ gối cầu khẩn ngoại bang. Tuy nhiên, vẫn phải vô cùng tỉnh táo. Ta đâu có phải kẻ dễ bề cho Chế Bồng Nga lợi dụng kế ly gián làm cho vua tôi triều đình lục đục nghi ngờ lẫn nhau. Nhưng thôi, chuyện này hãy gác lại để về sau xem xét. Trước mắt là trận quyết chiến. Ta sẽ dùng gậy ông đập lưng ông. Chế Ma Na và Nạc Mậu khai ra ằng họ đã cho người về báo cáo tình hình trên sông Đáy với Chế Bồng Nga. Vậy là vua Chiêm vẫn chưa biết kế hoạch quyết chiến của ta chuyển sang sông Luộc. Ngày mai quân ta ở Hoàng Giang sẽ rút lui. Ta đã bàn với ông Khả Vĩnh kĩ càng kế hoạch dụ địch. Còn ông, bây giờ mau đi thuyền đến sông Luộc cùng Vũ Soạn bố trí lực lượng.
Đoàn chiến thuyền của tướng Phạm Khả Vĩnh trên sông Hoàng Giang gồm toàn thuyền nhỏ gọn; binh sĩ gồm toàn những thủy binh trẻ khỏe, thạo nghề sông nước rất cơ động.
Khi tiền quân Chiêm Thành phá cọc trên sông để tiến công thì bộ binh của ta trên bờ ào ạt bắn tên. Thủy binh của Khả Vĩnh cũng xông tới bắn tên như mưa làm thành hàng rào tên ở quãng cọc bị nhổ. Quân Chiêm đành lùi lại.
Đợt tấn công thứ hai, tướng La Ngai thay cách đánh. Quân Chiêm dùng tượng binh theo bờ đê đánh vào toán bộ binh Việt bố trí trên bờ. Bị lộ trận địa, bộ binh ta rút lui. Lúc này quân Chiêm thế chỗ quân Việt trên bờ, họ bắn tên rào rào xuống chiến thuyền của ta.
Tướng Vĩnh hạ lệnh cho thủy quân cũng rút lui. Thuyền của ta nhẹ hơn, lại quen luồng lạch, nên bơi ngược dòng nhanh hơn đối phương. Quân Chiêm đuổi theo đến hàng rào cọc thứ hai. Quân Việt lại xối xả bắn tên từ trên bờ xuống.
Cứ như vậy, quân ta vừa rút vừa đánh suốt mấy ngày liền. Đến ngày thứ ba, quân Chiêm thắng lợi đuổi theo nhưng đã mỏi mệt phờ phạc. Ba ngày đêm liền, trận chiến liên tục không ngừng.
Chiều ngày thứ ba, quân Chiêm đuổi kịp quân Việt trên sông Luộc. Phạm Khả Vĩnh tỏ ra rất tài tình đã nhử được đại quân của Chế Bồng Nga vào khu vực mai phục của ta. Vĩnh tài tình vì đã vừa đánh vừa rút, khéo léo ở chỗ không làm cho địch sinh nghi. Nếu chỉ rút đơn thuần, chắc chắn sẽ không che nổi mắt vua Chiêm. Khả Vĩnh, khi rút lui vẫn đánh rất hăng để Chế Bồng Nga có cảm giác quân Việt kém quân Chiêm, chứ không phải đang nhử chúng. Thậm chí, buổi sáng hôm ấy một đội thuyền để nhử quân địch đi vào sông Luộc đã phải tử chiến với giặc. Hơn bốn chục chiếc thuyền đã bị địch diệt một nửa. Những thủy binh Việt bị ngã xuống nước, bị quân Chiêm bắn tên diệt đến người cuối cùng, máu hồng cả một đoạn sông.
Mấy chục chiếc thuyền còn sót lại của Khả Vĩnh chạy trốn vào sông Luộc. Trận chặn địch khốc liệt như vậy thành thử vua Chiêm không thể ngờ có quân mai phục. Khát Chân đã chọn một khúc sông không rộng lắm, hai bên bờ có hai ngôi làng nhỏ. Trần Khát Chân bố trí voi và bộ binh trong hai làng đó. Đặc biệt lại bố trí ba đội hỏa pháo, hai đội ở hai bên bờ và một đội trên thuyền. Đích thân tướng quân chỉ huy trận đánh. Chờ cho toàn bộ chiến thuyền của Chiêm Thành gần lọt hết vào trận địa, quân ta mới đánh. Đoàn thuyền của Phạm Khả Vĩnh đang chạy, bỗng dừng lại, quay mũi thuyền chặn đường. Từ một con sông Đào, thuyền của ta đột ngột xuất hiện, cắt đôi đội thuyền Chiêm Thành.
Hơn trăm thuyền giặc, hơn trăm thuyền ta quần nhau trên một khúc sông dài. Khát Chân ngồi trên thuyền nhẹ, bên cạnh là tì tướng Vũ Soạn, đằng trước mũi là Ba Lậu Kê, chân bị trói vào cọc thuyền. Nó kia rồi? Chiếc thuyền mầu xanh xỉn đi sau hai chiếc thuyền khác sơn cùng màu. Chỉ có khác chiếc thuyền này mui gỗ, còn hai chiếc kia mui bằng tre.
- Ngươi nhận đúng rồi chứ?
- Hoàn toàn đúng! Kìa ông ta đang đứng trước căn buồng mui gỗ. Chế Bồng Nga đứng đó! Cao lớn! Vạm vỡ Râu quai nón!
- Còn người thứ hai mới chui ra?
- Đó là Trần Nguyên Diệu.
Lập tức, Trần Khát Chân ra hiệu lệnh. Đội hỏa pháo trên chiếc thuyền sau lưng thuyền thống lĩnh liền tập trung phát hỏa nhằm vào chiếc thuyền gỗ màu xanh xỉn của Chế Bồng Nga. Nhận được tín hiệu, hỏa pháo trên bờ cũng nhằm vào mục tiêu đặc biệt. Những chiến thuyền khác đang đánh nhau gần đấy cũng bỏ dở cuộc chiến, tất cả đều nhằm vào chiếc thuyền màu xanh xỉn bắn tên. Pháo nổ, tên bay. Lửa và mưa tên đổ ào ào xuống chiếc thuyền chỉ huy của địch. Diễn biến thật quá bất ngờ. Chế Bồng Nga chưa kịp quay vào trong thuyền đã bị trúng tên. Ông ta bị thương ngay loạt tên đầu.
- Gục rồi?
- Chế Bồng Nga trúng tên rồi!
- Chế Bồng Nga chết rồi!
- Kìa! Hắn gục ngay trên sạp thuyền.
Nghe tiếng reo hò của quân Việt, quân Chiêm rung động, rối loạn hàng ngũ. Hai chiếc thuyền hộ vệ Chế Bồng Nga vội quay lại cứu chúa.
Phạm Nhữ Lặc, Dương Ngang, Bùi Bá Kỳ từ thuyền của ta nhảy lên thuyền Chế Bồng Nga, đánh nhau với quân Chiêm đang định đem chiếc thuyền chúa rút chạy. Quân Việt xô đến tiếp ứng. Trong khi đôi bên hỗn chiến, Chế Bồng Nga bị trúng tên xuyên suốt ngực nhưng còn ngắc ngoải. Nhìn chung quanh thấy tình hình đã hoàn toàn thay đổi, phần thắng đã ngả hẳn về phía Đại Việt, Trần Nguyên Diệu lại nhìn thấy Vua Chiêm đã chết hẳn, liền lấy thanh kiếm chặt đầu Chế Bồng Nga. Ông ta định lập công chuộc tội. Nắm lấy mớ tóc giơ cao chiếc đầu lâu. Nguyên Diệu nói to:
- Ta đã chặt được thủ cấp Chế Bồng Nga.
Trông thấy đầu lâu vua Chiêm còn ròng ròng máu tươi toàn thể quân địch lập tức tan rã. Thuyền địch rút chạy tán loạn, binh sĩ Chiêm chẳng còn lòng dạ nào chiến đấu, đứa thì nhảy xuống nước thoát thân, đứa thì vứt cung tên, vứt giáo xin hàng. Phạm Nhữ Lặc cầm đao hét Nguyên Diệu:
- Mày là ai? Bỏ cái đầu lâu xuống?
- Không biết ta sao? Ta là Trần Nguyên Diệu. Ta là con vua.
- Mày là thằng phản quốc.
Diệu trở nên lúng túng. Nhữ Lặc và Dương Ngang, sát khí đằng đằng, xông tới như đôi hổ đói.
- Không biết nhục. Đồ hàng giặc! Tông thất gì mày?
Diệu luống cuống, định chạy vào khoang thuyền nhưng không kịp. Hai người vung dao chém xả Nguyên Diệu chết tươi. Dương Ngang cướp lấy chiếc thủ cấp Chế Bồng Nga. Phạm Nhữ Lặc nhảy vào khoang thuyền. Bùi Bá Kỳ đã ở trong đó, đang lúi húi mở chiếc hòm nhỏ màu xanh.
- Ông làm gì vậy?
- Ta thu nhặt giấy tờ của vua Chiêm cho tướng quân Khát Chân.
- Xin ông cứ để nguyên. Đó là phần việc của tôi.
- Ai cho ông quyền?
- Tôi được thái sư Quý Ly đặc biệt giao quyền phải thu nhặt những mật tin về Chiêm Thành.
- Ông đừng lòe bịp.
- Ông không tin ư? Ta là liêm phóng sứ ngoài mặt trận. Ta sẽ trình giấy uỷ nhiệm với ngài tướng quân. Nếu ông cả gan ngăn trở, ông sẽ chịu trách nhiệm.
Bùi Bá Kỳ tức giận như điên, khi Phạm Nhữ Lặc ôm chiếc hòm xanh đầy giấy tờ của Chế Bồng Nga đi ra khỏi khoang thuyền.
***
Ngay đêm hôm ấy, Trần Khát Chân đặt thủ cấp Chế Bồng Nga vào trong chiếc hòm gỗ, cấp tốc gửi về triều đình. Phạm Nhữ Lặc, Dương Ngang được cử mang hòm đó về ngay Bình Than. Chọn hai con ngựa trạm thật khỏe chạy suốt ngày đêm. Đến mỗi trạm lại thay ngựa mới.
Đang đêm, lúc canh ba, hai người về tới Bình Than. Thái sư Quý Ly được tin, vội tức tốc sang cung Nghệ Hoàng. Nội thị vào đánh thức ông vua già. Nghệ Tông giật mình tỉnh giấc, tưởng giặc Chiêm Thành đã đến. Ông hoảng kinh hỏi:
- Chế Bồng Nga tới rồi sao?
Thái sư quỳ xuống tâu:
- Thần xin chúc mừng bệ hạ. Không phải chuyện xấu mà là chuyện vui lớn. Quân ta thắng trận rồi!
- Thắng trận?
- Muôn tâu thánh thượng, chẳng những thắng mà đại thắng. Tướng quân Trần Khát Chân đã chặt đầu Chế Bồng Nga, đem bỏ hòm, cấp tốc từ mặt trận mang về dâng lên thượng hoàng.
- Vậy ư? Thật là chuyện đại hỉ.
Ông vua già đã hoàn toàn tỉnh táo, mặt rồng rạng rỡ. Ông truyền:
- Khanh hãy triệu tập ngay trăm quan đến coi cho kĩ. Có đúng thực là thủ cấp Chế Bồng Nga hay không?
Đang đêm, toàn bộ hành cung Bình Than bỗng tưng bừng thức dậy. Những chiếc đèn lồng gấm nối đuôi thau đến cung hai vua.
Chiếc hòm đựng đầu lâu vua Chiêm được đạt trên bàn, nắp mở toang. Trăm quan lần lượt kéo nhau qua xem.
Thái sư Quý Ly xác nhận trước tiên:
- Thần đã nhiều lần đụng độ với con người này, đã thấy mặt con người này. Đúng là bộ râu quai nón đã đốm bạc! Đúng là đôi mắt xếch...
Nhiều vị quan đã đi sứ sang Chiêm Thành đều xác nhận nhân dạng. Thượng hoàng Nghệ Tông lúc đó mới từ ngai vàng bước xuống, nhìn vào chiếc hòm, giọng bùi ngùi đối thoại với chiếc đầu lâu:
- Trẫm đã đối địch với ông hơn hai chục năm, hôm nay mới nhìn tận mặt... Thật là râu hùm, hàm én. Là kẻ thù nhưng ông xứng bậc anh hào... Sao ông vẫn trợn mắt nhìn ta vậy? Hãy vuốt mắt cho ông ta... Đại Việt và Chiêm Thành khác nào như Hán với Sở. Ta nhìn thấy mặt ông khác nào Hán Cao Tổ trông thấy đầu Hạng Vũ. Từ nay thiên hạ đã đại định. Ta sẽ chôn cất cho ông như bậc vương hầu...
Trăm quan cùng quỳ xuống chúc mừng hai vua. Nghệ Tông và Thuận Tông, vua cha và vua con, hai mắt rồng đều hớn hở rạng rỡ chưa từng thấy.
***
Đoàn thuyền treo đèn kết hoa, đàn sáo tưng bừng đưa toàn thể triều đình quay về Thăng Long. Nghệ Hoàng ra chiếu chỉ đại xá trong cả nước. Rồi khen thưởng hậu hĩ cho những người tham gia trận đánh lịch sử.
Thuyền của tướng quân Trần Khát Chân từ vùng châu thổ ngược sông Hồng về bến Đông. Người dân kinh đô nô nức ra đón vị anh hùng cứu nước. Vua sai chọn con voi to màu trắng để rước tướng quân trên đường phố Thăng Long. Hai hàng binh sĩ gươm giáo sáng choang đi dẫn đầu. Một đoàn trống to nhỏ đánh theo nhịp rước kiệu, nhịp trống đặc biệt chỉ đánh vào ngày đại lễ khi rước kiệu vua đi. Trống con rung giòn và nhịp nhàng, xen kẽ tiếng trống cái. Những tiếng tùng trầm rơi vào những nhịp bất ngờ rất có duyên. Trống nghỉ, đến lượt chiêng biểu diễn. Đoàn chiêng cũng đông, xếp đầy từ chiêng nhỏ đến to, do một thầy mường chỉ huy. Các cô gái đánh chiêng mặc váy đen, áo nhiều màu. Tiếng chiêng nhịp nhàng như tiếng suối chảy, tiếng chim rừng líu lo lạc về nơi đô hội, đem lại cho đám rước một sắc thái vui tươi mới lạ chưa từng thấy.
Con voi trắng phủ trên mình tấm gấm mầu đỏ thêu hoa, tua ngũ sắc rủ gần sát đất. Trên lưng voi, chiếc bành gỗ sơn son bóng loáng. Tướng quân Khát Chân mặc võ phục ngồi trên đó vẫy tay đáp lại lời tung hô chào mừng của dân kinh đô đứng chật hai bên lề đường.
Nghệ Hoàng vốn khéo. Ông vua già muốn nhân chiến thắng, lấy lại uy tín cho họ Trần, đồng thời làm cho các trung thần của nhà Trần lấy lại tinh thần phấn chấn, nên đã cho tổ chức đám rước Trần Khát Chân thật long trọng. Ngoài đám rước tướng quân, còn cho khắp nước mở hội ăn mừng ba ngày sao cho thật linh đình. Bảo là linh đình nhưng thực ra cũng không tốn kém. Bởi chiến thắng Chế Bồng Nga xảy ra tháng giêng năm Canh Ngọ (1390). Trong mấy ngày Tết vừa qua, nhân dân khắp nước còn lo chạy loạn Phạm Sư Ôn và giặc Chiêm Thành nên có ai ăn tết đâu. Nay triều đình làm ba ngày tết đại thắng, điều ấy hợp lòng dân. Vua xuống chiếu cho các xã quan phải lo cho cả nhà nghèo cũng được ăn tết. Nhà chùa nấu bánh chưng phát chẩn. Suốt ba ngày đêm, các chùa làm lễ cầu siêu. Kẻ khó được phát gạo, thịt, bánh chưng ăn trong ba ngày. Ở bãi chùa làng tổ chức vui chơi: hát đúm, hát ví, hát dâng hoa cúng Phật, rồi rước kiệu, đánh đu, đánh vật đánh cờ người, chọi gà, chọi trâu. Ở Thăng Long hội được tổ chức rầm rộ nhất. Tại tháp Báo Thiên, đó là ba ngày tưng bừng chưa từng thấy. Ở thôn quê dân đấu vật, thì ở đây triều đình tổ chức đấu voi. Ở làng xã gái trai hát đúm, thì ở đây nhà vua sai đội vũ nhạc cung đình múa hát theo tích truyện. Ở chùa làng người ta dâng hoa cúng Phật, thì tại đây người ta làm hội đèn quảng chiếu và hội phóng đăng trên hồ Lục Thủy... Nghệ Hoàng ban thưởng công trạng cho những người có công to trong việc bình Chiêm?
Trần Khát Chân được phong nội vệ thượng tướng quân, tước Vũ tiết quan nội hầu, lại cấp đất cả vùng Trại Mai.
Phạm Khả Vĩnh được phong xa kỵ thượng tướng quan, tước quan phục hầu.
Phạm Nhữ Lặc được làm quản lính cấm vệ đô, ban tước năm tư.
Dương Ngang cũng được ban tước năm tư và cho ba mươi mẫu ruộng.
Hết tháng giêng, sang tháng hai, sự phấn khởi do chiến thắng cũng qua đi rất nhanh. Người dân quê lại phải lo đối mặt với miếng cơm manh áo, với nạn cường hào đục khoét, với nỗi cùng cực của kiếp nô tì mà chiến thắng Chế Bồng Nga cũng không tài nào giải quyết được.
Thượng tướng quân Khát Chân lui về đất phong hầu Trại Mai, để lo dựng nhà ở, xếp đặt vườn tược, và vỗ về đám nông dân sống trên mảnh đất của mình, để có thể thành lập riêng một đội thân binh. Thượng hoàng ban cho ông đất Kẻ Mơ cũng vì cái ý muốn đó. Trại Mai nằm ở cửa ngõ Thăng Long. Thượng Hoàng bảo riêng với Khát Chân: “Trẫm muốn khanh luôn ở gần trẫm, sợ những lúc thời tiết chẳng thuận hòa, có sự biến...” Vũ Soạn được giao việc kiểm lại số trai tráng trong vùng, cấp cho gia đình họ những mảnh đất màu mỡ, để họ yên tâm tập luyện, trở thành những người thân tín, gắn bó sống chết với thượng tướng quân.
Một buổi, Khát Chân đang cùng ngồi với Vũ Soạn, tì tướng Bùi Bá Kỳ dáng hốt hoảng xuống ngựa, vào gặp:
- Bẩm tướng quân, có việc vô cùng hệ trọng.
- Việc gì?
- Chiếc hòm xanh.
Thượng tướng nhíu mày hỏi:
- Có phải chiếc hòm mà Phạm Lặc và Dương Ngang hôm xưa đã cấp tốc đem về Bình Than cùng với thủ cấp Chế Bồng Nga?
- Bẩm, chính chiếc hòm ấy? Mấy bữa trước, thái sư Quý Ly tâu với đức thượng hoàng: “Trong đạo trị nước, theo thể chế của các tiên vương, việc thưởng phạt rất nghiêm minh. Thời vua Trần Nhân Tông sau khi cả phá quân Nguyên, có hai làng làm phản đi theo giặc. Hai làng đó bắt buộc phải xóa sổ. Làng xã nhà cửa bị triệt hạ thành bình địa, trai tráng phải thích chữ vào mặt đầy đi viễn châu, đàn bà con trẻ bị bắt làm nô tì suốt đời. Nay, việc khen thưởng đã xong, đã đến lúc phải trừng phạt những kẻ có tội phản nghịch, để làm gương cho mọi người. Ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, có nhiều kẻ nhân lúc Chiêm Thành đương thịnh đã làm phản theo giặc. Nay xin theo lệ xưa trị tội.”
Đức Nghệ Hoàng bảo: “Trẫm chuẩn tấu. Cứ theo luật lệ của tổ tiên mà làm.” Khi đó, thái sư bèn dâng chiếc hòm xanh bắt được của Chế Bồng Nga lên: “Bẩm thượng hoàng, vừa rồi mới là tội của bọn dân đen. Còn những chuyện nằm trong chiếc hòm này hệ trọng hơn.” Đức Nghệ Tông liền đọc những giấy tờ trong chiếc hòm. Càng đọc nét mặt của người càng tái lại, giận dữ...
Trần Khát Chân lắc đầu thở dài:
- Không ngờ cơ sự lại đến như thế.
- Tướng quân có biết trong hòm ấy có thư của những ai đi lại với Chế Bồng Nga?
- Ta không đọc những giấy tờ trong đó. Nhưng Ba Lậu Kê đã nói tên một đôi người cho ta biết. Đó là tư đồ Trần Nguyên Đĩnh, thiếu bảo Trần Tông...
- Họ đều là những trung thần của nhà Trần.
- Ta thông cảm... ta hiểu họ là những người muốn bảo vệ cơ nghiệp tổ tiên. Nhưng thực lòng, ta không tán thành cách làm của họ. Tại sao vì chính nghĩa mà lại phải cần cứu đến Chế Bồng Nga, để đến nỗi đang từ chính bỗng thành tà? Còn Hồ Quý Ly? Ông ta đang làm biến pháp. Thực ra, phải đổi thay mới cứu vãn được tình thế nước nhà. Nhưng liệu ông ta có chỉ dừng lại ở sự canh tân thôi không? Thực ra, tham vọng của ông ta đến mức nào, ta không hiểu. Và còn điều này cứ day dứt ta: có lẽ nào chỉ vì Hồ Quý Ly mà phải làm kẻ đầu hàng ngoại bang?
- Bẩm tướng quân, đối với kẻ loạn thần, bất kể biện pháp nào cũng có thể dùng được.
- Ngươi lầm rồi, Đã nhiều năm ngươi ở bên ta, ta hiểu trong bụng ngươi đang nghĩ gì. Ngươi đọc nhiều kinh sử Trung Hoa, ngươi biết rằng ở bên đó, mỗi khi một ông vua thất thế, người ta thường vội vã chạy sang cầu cứu ngoại bang. Nhưng phải nhớ đó là chuyện bên Trung Hoa. Còn ở Đại Việt ta, hoàn toàn khác hẳn. Nhà ngươi đọc sử nước nhà, có thấy một hoàng thân quốc thích người Việt thất thế nào chạy đi cầu cứu ngoại bang mà lại để tiếng thơm cho đến đời sau. Chính ta đã chặt đầu trần Nguyên Diệu... Thật là nhơ nhuốc... nhơ nhuốc. Ta là người Việt. Ngươi hãy nhớ cho kĩ. Ta là người nước Nam.
Bùi Bá Kỳ im lặng hồi lâu, rồi mới tiếp:
- Tuy nhiên, cũng phải nghĩ cách cứu lấy quan tư đồ Nguyên Đĩnh và thiếu bảo Trần Tông. Nếu họ bị nguy, phe phò Trần sẽ suy yếu hẳn đi. Nguyên Diệu đầu hàng Chiêm Thành đã là một vết nhơ. Nay lại thêm vết nhơ Nguyên Đĩnh, Trần Tông.
- Thái sư là người thâm hiểm.
Quý Ly thâm hiểm nhưng thực mưu lược. Phe tôn thất nhà Trần vừa mới thắng giặc, vừa mới phục hồi chút uy tín trước mọi người, thì thái sư lại đưa ra chuyện Nguyên Đĩnh, Trần Tông. Ông ta muốn cho mọi người biết, muốn tố cáo với thiên hạ rằng phe tôn thất chỉ là lũ thối nát, lũ bán nước.
- Vậy bây giờ cần phải làm gì?
- Làm gì ư? Phải nghĩ đến kế lâu dài. Định giúp họ chạy trốn chăng? Chạy đi đâu? Chiêm Thành đã bị đánh tan rồi. Hay ngươi định giúp họ chạy sang phía nhà Minh? Ôi thôi! Nhơ nhuốc làm rồi! Đừng bôi thêm vết nhơ vào mặt nữa? Ngươi là họ ngoại nhà Trần... Ngươi hãy tìm cách báo cho họ biết trước tình hình. Nhưng hãy bảo họ đừng làm sỉ nhục tới tổ tiên thêm nữa. Hãy tự xử lấy mình là hơn cả...
Ngay hôm ấy, Nghệ Hoàng bắt đem so tự dạng những bức thư trong chiếc hòm xanh. Những lá thư báo cho Chế Bồng Nga nội tình đất Việt, đem ra so thấy đúng là nét chữ của tư đồ Nguyên Đĩnh, của thiếu bảo Trần Tông, và của một lũ hơn mười tên quan khác trong triều đình.
Nghệ Hoàng sai lính đến vây bắt Nguyên Đĩnh, Trần Tông, nhưng họ đều đã uống thuốc độc tự vẫn. Cả lũ tay sai nhỏ hơn cũng đều tự xử lấy mình. Chỉ riêng Trần Khang đã luồn rừng chạy trốn sang Chăm Pa rồi sau đó trốn sang Trung Hoa (Sau này Trần Khang chính là tên vua bù nhìn Trần Thiêm Bình mà Trung Hoa dựng lên để làm con bài sang xâm lăng Đại Việt).
Người anh hùng Trần Khát Chân đã vụt lên như một ngôi sao rực rỡ trên chính trường Đại Việt. Ông xuất hiện trong hoàn cảnh vừa vinh quang vừa gay go. Ông xuất hiện trong hoàn cảnh đụng đầu lịch sử giữa hai phái tôn thất thủ cựu và canh tân đang quyết liệt nhất. Lịch sử như cái guồng quay. Nó cứ quay, quay mãi và bắt buộc con người cũng phải quay theo.