Hồ Quý Ly - Chương 06 - Phần 2
Chúng tôi mải mê chiếc chậu đến nỗi quên cả hoa.
Thượng tướng cười khà khà:
- Ngắm hoa mới là chính, ở đây hoa mai mới là chính.
Lạc tới chiêm bao, mai một nhánh
Muôn đem tặng bạn khó vô ngần.
- Huynh phục đệ đấy. Có bao nhiêu là thơ về hoa mai, thế mà đệ lại lẩy ra được hai câu tuyệt diệu ấy của đức Trần Nhân Tông. Hà hà... phải nói chúng mình thành anh em với nhau cũng từ hai câu thơ ấy đấy...
Lúc này, gia nhân đốt thêm nến, vì trời đã tối mịt, phải vừa đủ ánh sáng ngắm mai mới thú.
Khi trước, ngón cái chậu đã lạ. bây giờ ngắm cây mai, cũng lạ lùng không kém. Đó là loại mai nhỏ, cành khẳng khiu mà người đời vẫn gọi “chi mai.” Cây mai cao chừng ba gang tay nhưng đã cổ thụ. ít nhất, nó cũng vài chục tuổi. Một người yêu hoa nào đó chắc đã tìm thấy nó từ một ngọn núi đá, ông liền bứng cả tảng đá nhỏ đem về; một cái hạt mai do một con chim trời nào đó đã tha tới, con chim đứng trên hòn đá mà rỉa, hạt mai chui vào hốc đá rồi nảy mầm. Hốc đá khô cằn, nhưng hạt mai cố sống nên rễ của nó đâm ra tua tủa, có cái bò trên mặt đá rồi chui xuống phía dưới; có cái đâm thẳng vào đá làm nứt đá, nó cố hút những chất bổ dưỡng nghèo kiệt trong đó; cũng có những chiếc rễ yếu hơn thui chột, teo đi, chỉ còn để lại một vết sùi ở gốc... Quan thượng tướng trồng hòn đá mang cây trên mặt đất mầu mỡ của cái chậu, và trồng thêm vài thứ rêu, thứ cỏ cằn để làm nền cho cây mai quý. Thân cây mai đã mốc thếch. Chiếc thân già được chín chiếc rễ nổi trên đá nâng đỡ trông giống một ông cụ trầm tư ngồi trên lưng chín con rồng. Nguyên Trừng tôi chợt bắt gặp những ánh mắt chờ đợi của thượng tướng quân. Tôi bỗng thoáng nhìn thấy những nếp nhăn trên mặt ông...
Cũng có thể gọi là một lão tướng rồi. Bất chợt, một nỗi buồn dâng lên trong lòng, “ông ta đang chờ một tiếng khen của ta đối với cái cây kỳ lạ này đây.” - Tôi nghĩ - “Cây mai cũng tuyệt thật, tinh vi thật. Một nghệ nhân nào đó đã mất bao năm tháng. tâm huyết, để đem nó từ đỉnh núi cao về; để nâng niu uốn tỉa, bắt cành này phải chúc xuống, cành nọ phải cong lên; để bắt ngọn này phải ngừng phát triển và kích thích ngọn kia phải đâm mầm; để đào khoét, nâng dần chín cái rễ kia lên khỏi đất, rồi ôm trùm lấy tảng đá, đem lại cho chúng hình hài của những con rồng hoang tưởng. Tướng quân còn khoe với tôi bằng một giọng run rẩy, hoang đường rằng cây mai kỳ dị này là một thật túy mai. Tức là thứ mai người ta phải tưới tắm bằng nước rượu pha cực loãng, để hoa có phảng phất mùi rượu, để cái quả nhỏ xíu của nó ngậm vào miệng cũng thơm mùi rượu...”
Thật quả Trừng tôi không dám thở dài, chỉ biết ngậm ngùi trong dạ... Thấy thương cây mai già bị giam hãm trong chiếc chậu... Mặc dù nó ngồi trên lưng chín con rồng, nhưng chỉ là những con rồng đất... Mặc dù là cây mai quý, nhưng chỉ là thứ mai còi cọc... Ừ! Thì nó đẹp đấy. Nhưng chỉ là thứ đẹp ảo, cái đẹp của sự già nua, thoi thóp, lất lưởng; cái đẹp của sự tàn lụi của một thời vàng son đã trôi qua, mà ai đó còn cố níu... Tôi tránh ánh mắt của người bạn già. Tôi tránh nói, tôi không nói... Chỉ còn biết nâng chén rượu lên để mừng cho cây mai kỳ lạ... Tôi không thốt ra lời; tôi khen cây mai, hay thương cho cây mai, chỉ biết dùng những chén rượu vơi đầy... Chỉ có rượu là thật lúc này... Quả là ngon... Tôi uống tràn cung mây...
Nhưng, những chén rượu run rẩy của tôi, ánh mắt lãng đãng của tôi làm sao giấu nổi cái nhìn tinh tế của vị lão tướng. Đã có nhiều lần như vậy, đã có nhiều lúc hai người chúng tôi đã lạc chân vào những lĩnh vực tế nhị mà hai chúng tôi khác nhau, mà hai chúng tôi cùng muốn lảng tránh, bởi vì chạm mạnh vào đấy tình bạn của chúng tôi sẽ vỡ tan tức khắc, những lúc ấy rượu là cứu tinh. Những lúc ấy, cả hai người đều lặng lẽ, phó mặc lòng mình trôi dần vào men rượu.
Cây mai già chỉ còn dăm bẩy bông mai to như những chiếc cúc áo trắng muốt. Một luồng gió xuân chợt ùa vào gian thúy đình làm chúng run lẩy bẩy. Rồi một bông mai như cố gượng nhưng không chịu nổi, đành đánh rơi những chiếc cánh nhỏ của nó, để mặc cho gió bồng bềnh kéo đến trước mặt tôi, rơi xuống cạnh chân tôi Tôi nhặt cánh hoa lên đặt trên lòng bàn tay. Thượng tướng Trần Khát Chân cười:
- Ta cứ chờ đệ mãi. Phải đặt chậu mai vào nơi kín gió mát mẻ... Chỉ sợ mai rụng hết trước khi đệ về. Lão huynh hàng ngày thăm hoa, cứ cầu xin thần hoa động tâm, cho phép hoa mai cố níu lấy cành. Thế mà thiêng thật! Hoa mai chờ được gặp mặt lão đệ xong mới chịu rụng...
Tôi gặp được duyên may rồi - Tôi cười ha hả - Và bao nhiêu lúng túng của chúng tôi chợt tan biến hết. Ông bõ già mang thức nhắm tới. Bóng trăng lu thả ánh sáng nhòe nhòa xuống vườn mai bao bọc chung quanh tòa Tị Huyên đình. Đầu những lùm mai tưới đẫm ánh trăng ngả sang màu bạc, thứ ánh sáng làm cho con người như nghẹn lại, chẳng muốn dài lời.
Nhưng rồi tôi cũng bất chợt nói:
- Tây đô đang khẩn trương lắm.
- Thế à...
Chuyện về Tây đô là câu chuyện cửa miệng của dân Thăng Long lúc này. Bởi vì nó động chạm hầu như đến khắp mọi người. Mấy bữa trước, tôi gặp một đoàn thuyền chở những người thợ đá, thợ đúc đồng, thợ mộc vào kinh đô mới. Trong đám họ nhiều người là dân Thăng Long. Lại thấy cả thuyền của các nhà quan. Họ sai gia nhân vào xây dựng dinh thự riêng.
Xây dựng Tây đô, tức là cha tôi đã đổ giọt nước cuối cùng vào chén nước đầy ắp. Hầu như chẳng ai hé răng nói câu gì. Nhưng tôi biết rằng cả hai phe trong triều đình đều đang chuẩn bị...
Cha tôi hiểu, cả tôi cũng hiểu, rằng lúc này Thượng tướng đã dứt khoát. Ông đã đối đầu với cha tôi, nhưng không nói ra. Thực kỳ lạ, một điều cực kỳ nghiêm trọng thì hai phe đối lập chẳng ai thốt ra miệng, dù là quan thái sư cha tôi, hay thượng tướng Khát Chân. Điều ấy lại do hai người đàn bà thân phận nhỏ nhoi thốt ra, hai cô cung nữ Trần Ngọc Kỵ và Trần Ngọc Kiểm. Hai người đàn bà bị giết, nhưng lời nói của họ đã như một hồi chuông cảnh báo. Nhưng liệu lời nói đó có thể ngăn chặn được, hay chỉ thúc đẩy, làm cho âm mưu nổ ra nhanh hơn.
Cha tôi thực kiên quyết. Người không nói với ai chuyện ấy và cũng không muốn ai nói chuyện ấy. Cha tôi hầu như đã biết hết những người không tán thành mình, nhưng không ra tay. Bởi vì ông tự tin. Ông muốn cho sự căng thẳng đi đến cùng cực, sẽ bẻ gãy nốt những chống cự trong đầu óc con người, và lúc đó con người chỉ là những chiếc lá trên mặt sóng. Ông cho rằng: “Chỉ cốt ngươi không chống cự ta ra mặt... còn cuối cùng... tất cả sẽ ngả theo ta...”
Lúc này, ánh sáng mờ mờ đã giúp che giấu khuôn mặt hai chúng tôi. Tình bạn muốn sự che giấu ấy. Chúng tôi cảm ơn ánh trăng vì nó đã xóa mờ nhân dạng. Chúng tôi muốn núp vào thiên nhiên hiền hậu; bởi vì một khi ló mặt ra cuộc đời thực, lập tức những bức tường thành giả tạo của con người sẽ vụt dựng lên ngay, bởi vì sấm sét của cơn giông tố đang tụ trên đầu chúng tôi...
Tôi thở dài nhè nhẹ, cố dìm tiếng thở.
Bên tai tôi, như còn nghe thấy tiếng hò chèo thuyền trên dòng sông Mã. Thuyền ngược nước. Từng đoàn người cởi trần kéo những con thuyền đá. Hàng ngàn thợ đá, từ vùng Hoa lư, từ vùng núi Kim Âu kéo về Tây đô. Chỉ làm một chiếc cầu đá con con cũng mất bao công sức, đằng này cha tôi bắt xây một tòa thành đá khổng lồ... Có con thuyền lớn cũng chỉ chở được vài viên đá vuông vức, dài hơn sải tay, cao đến ngực. Phải đào kênh vào sát chân thành chở đá tới. Hàng nghìn, hàng vạn nông phu kìn kìn đắp những cái dốc thoai thoải để seo đá lên cao...
Tôi chợt kể:
- Tôi gặp toán thợ đục khác là người làng Nhồi. Họ đang đục hai con rồng đá chầu ở bậc thềm bước lên điện Đại Minh.
- Quan thái sư cũng đặt tên Đại Minh giống như ở Thăng Long sao?
- Vâng. Cha tôi bảo Tây đô cũng là đất Đại Việt. Mà Đại Việt thì phải đại minh. Cha tôi thích... như vậy...
- À! Ra vậy... ờ... Tôi vừa mới cử đi một tốp thợ đá Chiêm Thành, vốn là người của Ba Lậu Kê. Hắn vào tận Hóa Châu tuyển ra. Họ đục đá khéo tay lắm.
- Tôi cũng đến chân núi Đún vào thăm tư dinh của lão huynh đang xây cất. Có gặp Bùi Bá Kỳ. Hắn nhắn tôi về nói với lão huynh rằng chừng hai tháng nữa sẽ hoàn thành. Cái vườn của lão huynh cũng đẹp lắm. Thấy hao hao như khu vườn này. Khu trồng mai trong đó cây cũng đã bắt đầu trổ lá non.
- Tôi phải sai ông Lão Mai bõ già vào lập vườn. Ông lão rất giỏi trồng cây. Phải cải tạo lại khu vườn cũ vốn có sẵn từ trước, trồng dặm cam quýt vào đó, rồi lại phải trồng mới một vạt rừng mai... Thật công phu... Tôi định xây một ngôi lầu trên một gò đất, chung quanh bao bọc bởi vườn mai... Cái khác ở trong Tây dô với ngoài này là ngôi lầu đó. Ngôi lầu phải thật đẹp, thật mát...
- Thì tôi gặp Bùi Bá Kỳ ở ngay chính ngôi lầu. Lão huynh có con mắt thật tinh đời. Trên quả đồi còn sót lại mươi cây tùng cổ thụ. Ngôi lầu son, sau lưng có hàng tùng nhấp nhô, đằng trước mặt, những cây mai đã mọc lá non... Đã gần xong ngôi lầu rồi. Chỉ còn đợi ngói lưu ly là hoàn thành.
Khát Chân lúc này mới cười ha hả, ông sai người bõ già mang rượu ra tiếp, rồi nói:
- Huynh định dành chuyện ngôi lầu làm cho đệ bất ngờ, dè đâu lão đệ đã thấy nó rồi. Thôi, bao giờ vào Tây đô, anh em mình sẽ uống rượu mai trên đó. Sẽ uống một đêm ròng... uống thật say..
3
Tôi vẫn thường nhủ: “Trong mỗi trận rượu, chỉ nên uống một thứ rượu. Trong môi đêm xem hoa, chỉ nên thưởng thức một loài hoa.” Tôi sợ sự pha tạp. Nhưng đêm nay tôi phá lệ. Bởi vì cái chậu hóa trứ danh ấy hình như đem đến cho chúng tôi một niềm tư lự... Lúc này đã ngà ngà, tôi thấy nên quẳng gánh ưu phiền, bèn bảo thượng tướng:
- Lão huynh ơi đêm nay phá lệ...
- Sao? Phá lệ?
- Nghĩa là lão huynh nên cho đệ thưởng thức cái vườn lan của huynh.
Khát Chân có một vườn lan mà ông giấu kín ở sân sau nhà hậu đường. Ông giấu giếm những giò lan quý như giấu giếm những nàng ái phi. Ông vẫn độc hưởng vườn lan. Hiếm ai ông cho gặp mặt. Nhưng với Nguyên Trừng tôi hôm nay ông phá lệ. Khát Chân ghé tai nói mấy câu với ông lão bộc, rồi bảo tôi: Có giò Thanh Thanh lan mới ra hoa. Ở Thăng Long chưa nhà nào có giống lan này. Có người khách Chiêm Thành mang nó về từ núi Phù Nam vùng Chiêm Động, Hóa Châu.
Hai người gia nhân khiêng chậu lan ra. Khóm lan trồng trong chiếc chậu men nâu mộc mạc. Thượng tướng cho đặt chậu lan ở góc đình Tị Huyên, ông tỉ mỉ ngắm nghía, xê dịch cho cây hoa nằm ở một tư thế đẹp nhất, ưng mắt nhất. Hai giò hoa lan thanh mảnh, từ đám lá xanh mềm mại vươn lên trời run rẩy; tưởng chừng như chúng cũng cảm giác thấy sự lạ lẫm của góc đình nơi chúng vừa di chuyển đến. Những bông hoa đậu ở sát đầu cành dài như những con bướm mầu cốm, phảng phất xanh và thoáng ánh vàng; những con bướm mảnh dẻ xòe cánh rung rinh, nối đuôi nhau như chực bay vào ánh trăng đêm huyền ảo.
Không ai bảo ai, cả thượng tướng cả tôi đều sửa khăn, sửa áo, sửa cả tư thế ngồi trên chiếu cho thoải mái, cho tề chỉnh. Một lễ nghi để đón hồn hoa... Một lễ nghi để ngắm hoa...
Chúng tôi chờ đợi gió. Chờ đợi một thoảng gió xuân. Chờ đợi một sự di chuyển vô hình lặng lẽ của một cái gì đó như linh thiêng... Chúng tôi đang chờ đợi một mùi hương... Những cánh hoa mầu cốm rung rinh kia, đến một phút nào đó, sẽ tỏa ra một thứ hương tinh tế, gần thì chẳng thấy, chỉ ở xa xa mới nhẹ nhàng thoáng gặp. Lúc này, rất sợ một luồng gió phũ, chúng tôi cầu mong một thoáng hây hây, thứ gió thoảng mà ta hay bắt gặp lúc xuân. Rất lo lắng, bởi vì gió chỉ hơi quá chút xíu cũng đủ hương tan. Có cảm giác như chỉ một tiếng động mạnh cũng đủ làm thứ hương hiếm hoi ấy biến mất... Mùi hương vương giả chờ đợi ấy, tôi bỗng cảm thấy như nó đang e dè ẩn núp đâu đó. Chỉ đến lúc Nguyên Trừng tôi lim dim nhắm mắt, mới thấy nó chập chờn trước mặt.
Chén rượu hạt mít đang cầm trên tay bỗng dừng lại bên môi. Ta sợ cả vị rượu tê tê đầu lưỡi cũng làm lấn át hương chăng? Tôi từ tốn, khẽ khàng đặt chén rượu xuống, cứ như thể cả đến một động tác thô tục cũng đủ làm tan vỡ thứ hương mảnh mai ấy.
Chính đến lúc này, hương lan bỗng ngát lên sực nức, để rồi chỉ một lát sau đó, nó đã chơi vơi trốn vào thinh không...
Lão tướng Khát Chân bỗng dưng cười ha hả.
Nguyên Trừng tôi sực tỉnh, ngạc nhiên ngẩng đầu lên và chợt trông thấy những chiếc đèn lồng đang từ rừng mai tiến ra. Hai cô hầu cầm đèn lui sang hai phía, nhường chỗ cho một cô gái áo hồng đến bên thềm cúi đầu thi lễ. Khi cô gái ngẩng đầu lên, Nguyên Trừng tôi hoàn toàn sửng sốt vì sắc đẹp của cô. Một vóc người gọn gàng thon thả, nhưng hoàn toàn khác những vóc dáng lả lướt của các cô công chúa, tiểu thư mà tôi vẫn thường gặp. Cô chiết khăn vàng, khuôn mặt tròn, lông mày nét ngang, phía dưới cánh mũi xinh xắn là cái miệng rộng với đôi môi đỏ. Điều lạ lùng: Nguyên Trừng tôi bỗng cảm thấy khuôn mặt ấy rất quen thuộc, có thể đã gặp nhiều lần mà không tài nào nhớ ra.
Trần Khát Chân ân cần:
- Thật làm phiền con, Thanh Mai ạ. Đã khuya mà con vẫn đến. Sở dĩ phải mời ngay vì đức ông Nguyên Trừng mới từ Tây đô ra. Đức ông vắng mặt ở Thăng Long mấy tháng nay nên chưa được nghe giọng hát của con. Đức ông là người sành âm luật... Mà con lại tài đàn hát, mới xuất hiện danh đã nổi như cồn.
- Cô đây là Thanh Mai ư? Ở Tây đô người ta cũng đồn Thăng Long mới xuất hiện một trang tài sắc tuyệt vời. Thật hân hạnh hội ngộ...
Trần Khát Chân vuốt râu. Ông khẩn khoản:
- Đêm nay huynh muốn được hưởng cả tiếng đàn thanh tao của lão đệ nữa. Nghề đàn nức tiếng của lão đệ, huynh mới chỉ nghe danh mà chưa một lần được thưởng thức.
Nguyên Trừng tôi chợt thấy cao hứng, bằng lòng. Cô hầu mặc áo xanh, bưng ra cây nguyệt cầm, rồi quỳ xuống dâng lên. Tôi ngồi trên chiếc đôn sứ, vắt chân chữ ngũ so dây, cầm đàn dạo khúc “phượng hoàng”, rồi sang khúc “Chu trung thính vũ (Trong thuyền nghe mưa), rồi thong thả lẩy cung “Tùy hứng lan hương.” Tiếng đàn bổng trầm, chờn vờn như cái bóng loang loáng của ngọn bạch lạp đùa dỡn lúc ẩn lúc hiện trên những lùm mai. Nó e ấp như hương lan ngập ngừng mời gọi. Nó lắng xuống đến mức như câm lặng, để rồi lan tỏa làm ta ngây ngất. Khúc nhạc tùy hứng không lời, khúc kỉ niệm về một loài hoa khi đã gặp sẽ suốt đời khó quên.
Tôi dạo đàn, thỉnh thoảng lại ngẩng lên và bất chợt gặp đôi mắt thăm thẳm của Thanh Mai. Tiếng đàn của tôi mời mọc, những mong muốn trong thâm tâm tôi cũng như mời mọc. Lúc đầu nàng thoáng cười, mãi sau mới đáp ứng. Một giọng hát trong veo cất lên:
Ai bảo hương lan không say?
Hương lan như rượu đầu xuân.
E ấp cho chàng ngất ngây.
Em là bông lan mảnh mai
Hãy tắt gió đi... chàng ơi!
Tắt cả tiếng đàn
Kẻo em run rẩy.
Tôi sung sướng mỉm cười. Cô gái đã đọc được ý thơ trong khúc nhạc không lời.
Ai xui câu hát nghiêng nghiêng
Ai xui chén rượu lung liêng?
Ai xui sóng sánh giao duyên?
Ai xui con mắt ưu phiền.
Tôi sáng mắt lên. Tiếng đàn đã nhập đồng và tiếng hát cũng nhập đồng. Chưa một lần nào trong đời đã có người hiểu tiếng đàn của tôi đến thế. Tiếng hát, tiếng đàn càng lúc càng quyện vào nhau. Tưởng như những tà áo xanh, áo tím, những xiêm tráng váy hồng đang xoắn xuýt với nhau trên cột đu xuân. Tiếng hát Thanh Mai đã dứt, nhưng ngón đàn của Trừng tôi vẫn như lưu luyến. Tiếng đàn vẫn lãng đãng, như một nỗi lo, nó sợ rằng giọng hát sẽ ngừng dứt hẳn. Tiếng đàn chợt như tiếng lo âu. Nó chìm xuống, nhưng lại cố nổi lên bám víu, vẫy gọi.
Trên chiếu tiệc, mọi người lặng im. Tướng quân nhìn tôi, và Nguyên Trừng tôi nhìn Thanh Mai, còn cô gái thì... mơ màng. Tất cả đều như suy nghĩ. Mọi người nghĩ gì? Có phải sự liên tưởng về một dòng sông, trên đó những cánh bèo bồng bềnh?... Và những đợt sóng? Rồi cuối cùng là những gì đó... rất mơ hồ... có thể rất khủng khiếp... hoặc rất đẹp đẽ... đang như những vạt mây trôi tới?... Ai mà biết được...
Bỗng dưng Thanh Mai lại cất tiếng hát. Hát rằng:
Ai bảo hương lan không say?
Ai uống hương lan để quên lối về?
Ai uống hương lan đường vào bến mê...
Câu hát lơ lửng của cô bỗng dứt, và tiếng đàn của tôi cũng bừng tỉnh, nó bặt im tức khắc. Chiếu tiệc chợt giật mình tỉnh mộng. Cả ba chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Thanh Mai đã hát gì vậy? Lão tướng nhìn cô kinh ngạc, và cả Trừng tôi nữa, tôi cũng nhìn cô, ngạc nhiên không kém. Tôi tự hỏi “Nàng là ai?”
Cô ta trả lời câu hỏi thầm của tôi bằng một nụ cười bí hiểm - Và cô quay mặt nhìn ra khu vườn mai đang im lìm tắm ánh trăng lu.