Hồ Quý Ly - Chương 09 - Phần 1

Chương 9: Một ngày của Thái sư (Minh Đạo 1)

1

Thái sư Quý Ly choàng tỉnh giấc, mồ hôi vã ra như tắm. Lại một cơn ác mộng. Từ lúc đó mắt ông cứ chong ra, không ngủ lại được nữa. Mới đến canh ba. Ông nghĩ ngợi liên miên: “Ta lại gặp ông ấy. Thật quái quỷ...” Trong giấc mộng, thái sư đã gặp Nghệ Hoàng. Ông vua già đang nằm võng đọc sách. Gió hây hây. Ông già đặt cuốn sách lên chiếc đôn sứ ở phía đầu võng, rồi che chiếc quạt trầm hương lên mặt, thiu thiu ngủ. Thái sư bước vào; ông tò mò cầm cuốn sách lên, nhìn vào trang giấy Nghệ Hoàng đọc dở... “Cái lo của nhà vua là ở chỗ tin người. Mình tin người sẽ bị người kiềm chế... Gần đến như vợ, thân đến như con, còn không thể tin; cho nên không thể tin ai vậy...” Đó là phần đầu chương “Phòng bị bên trong” của Hàn Phi, cuốn sách mà ông hầu như đã thuộc lòng. Thái sư lặng lẽ đặt cuốn sách xuống, rồi chậm chạp ngồi trên ghế chờ Nghệ Hoàng thức dậy. Trong lòng ông, trăm ý nghĩ vấn vương. Ông vua già tỉnh giấc ngay sau đó. Ông nhìn thái sư và cười.

Quý Ly lật đật:

- Tâu Thượng Hoàng...

- Thôi, thôi! Chúng ta cứ xưng hô huynh đệ như thời còn trẻ, lúc ta chưa làm vua và đệ cũng chưa làm tể tướng. - Nghệ Hoàng ngẫm nghĩ một lúc, rồi lại mỉm cười. - Đệ biết không, ta có thể đoán những ý nghĩ của đệ lúc này.

- Huynh nói sao?

- Ông em yêu quý ạ, có phải đệ nghĩ rằng: ông già khờ khạo ấy cũng đọc Hàn Phi à? Đọc để làm gì?

Quý Ly tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, nó hiện ra trên nét mặt. Ông lúng túng:

- Tâu Thượng Hoàng...

- Đã bảo rồi mà. Chúng ta cứ thân mật như xưa... Ta đã chết rồi... Anh hồn nay chỉ còn là phảng phất... Cần gì những lời khách sáo... Mà thôi. Để ta giải thích cho đệ nghe... Sách của Hàn Phi chính thực là sách viết cho vua chúa. Sách dạy làm vua, dạy giữ quyền hành, dạy cách điều khiển trăm quan... Sách dành cho vua chúa mà không đọc, có họa là khờ... Các bậc tri giả nói: “Vua hiền không nên đọc Hàn Phi, Bá đạo!” Người ta vẫn bảo ta hiền, nhưng ta không tin, và ta vẫn đọc sách bá đạo ấy. Và nhờ nó, ta hiểu đệ hơn.

- Thượng Hoàng hiểu thần ra sao?

Nghệ Hoàng bỗng thở dài:

- Ta nghe nói đệ hơn ta một bậc. Không những đọc mà thôi, đệ còn thuộc lòng sách đó.

- Quả thực, thần có xem kĩ Hàn Phi.

- Đệ thấy ra sao?

- Dạ, một cuốn sách sâu sắc.

- Thôi Đệ đừng nhắc lại những lời sáo mòn mà bao nhiêu người đã nói. Ta muốn nghe ý riêng của đệ.

- Dạ, một cuốn sách rất hay. Thần cũng thấy đã làm vua thì phải đọc nó. Ở đấy dạy ta bao nhiêu cách để giữ gìn ngôi vua. Tuy nhiên... có một điều thần rất quan tâm, sách lại không nói...

- Điều gì? - Ông vua già tỏ ra sốt ruột.

- Ông ta không dạy được một điều, đó là: Khi đất nước đã trở nên thối nát, bị trăm lũ sâu mọt đục khoét; khi người nông phu chết đói đầy đường; khi dân hèn bị lũ cường hào bóp hầu bóp cổ, không chỗ kêu oan; khi nhân tài bỏ lên rừng ở ẩn; khi ngoại bang dòm ngó và giặc cướp tứ tung, thì lúc đó người quân tử phải làm gì?

- Đệ nói câu: “Lúc đó người quân tử phải làm gì?” tức là đệ thành thật đấy. Ông già Sư Hiền nói “Thời thiên túy” thế mà hay? Thời buổi trời say. Ông trời là người cầm cân nảy mực cho muôn vật đã say rồi thì làm gì mà chả được. Có kẻ trốn lên rừng, hay tu giữa chợ, mạc xác sự đời, cốt sao cho phỉ chí riêng mình là được. Có kẻ giữ chữ trung trinh với vua cũ, bằng mọi cách để vẹn chữ trung; bằng mọi giá để diệt những kẻ. Chống lại chữ trung; âu cũng là một cách sống. Nhưng có những kẻ vỗ tay ha hả, cho rằng thời cơ đã đến, tụ họp những phường yêu ma quỷ quái để tạo phản, hòng lập nên một vương triều mới.

Quý Ly cau mày:

- Một thời thế mới thì đúng hơn.

- Sao? Thời thế mới ư?

Quý Ly bỗng nhiên trở nên rất bình tĩnh. Ông muốn cố gắng tìm cách làm cho Nghệ Hoàng hiểu:

- Biết làm sao được! Đệ quý trọng và biết ơn huynh lắm chứ. Nhờ có sự tri âm của huynh nên đệ mới được như ngày nay. Nhưng khi mà cơ đồ đã rệu rã; khi mà toàn bộ quan lại chỉ là lũ sâu mọt; khi mà nhà Trần không có nổi một nhân tài tầm cỡ; khi mà tất cả phải cày xới lên để gieo giống mới, thì dù nhà Trần có công vĩ đại với Đại Việt cũng phải trải qua một nạn kiếp, muôn dân cũng phải trải qua một cuộc đổi đời... Đau thương đấy? Tàn nhẫn đấy? Nhưng đệ biết làm sao được. Đành phải sai lời thề với huynh.

- Bây giờ, ngươi mới dám tự lật mặt nạ. Cả đến lời thề ngươi cũng dám vứt bỏ sao?

- Vứt đi!

- Cả đến tình nghĩa ngươi cũng dám vứt bỏ sao?

- Trái lại? Chính vì nhân nghĩa nên đệ vứt bỏ.

- Hỡi thiên hạ! Hãy đến mà xem một sự trơ trẽn! Hãy đến mà xem một loài rắn độc? Ta tin cậy ngươi, ta gây dựng cho ngươi, ta vun vén cho tài năng của ngươi, ta đem tình nghĩa trao tận tay ngươi. Để đền đáp lại, ngươi đã tráo trở... ngươi đã phản bội.

- Nghệ Vương? Ông hãy bình tĩnh lại đi! Hãy hiểu cho tôi... Hãy hiểu đến lẽ tuần hoàn...

- Ta không muốn hiểu? Ta không cần hiểu? Ta phải giết ngươi. Ta phải tự tay bóp chết cái mầm tráo trở, mà chính tay ta xưa kia đã vun trồng.

Nói đoạn, ông vua già chồm đến với tất cả sức mạnh thù hận. Những ngón tay khô gầy, dài ngoẵng như những vuốt sắt, bám chặt vào cổ Quý Ly, để cấu xé, để phanh toạc; ông muốn như loài bạch tuộc, rút kiệt thứ máu tanh hôi, phản trắc.

Hồ Quý Ly hét lên, cố giẫy giụa để thoát ra khỏi hai cánh tay gầy guộc, khỏi những nanh vuốt thù hận, độc địa, nhưng không tài nào thoát nổi. Không hiểu sao, tay ông lại có sẵn một con dao, ông cũng dùng hết sức đâm vào cái bóng ma già nua, gầy guộc của Nghệ Hoàng. Ông đâm liên hồi, còn những móng vuốt của Nghệ Tông cũng siết chặt thêm, hình như một chiếc vuốt sắc móc cả vào tận trái tim ông. Máu của cả hai bên ồ ồ chảy ra, nhấn chìm cả Quý Ly và Nghệ Tông xuống cái ao màu đỏ. Quý Ly đau một cái đau khủng khiếp, điếng dại cả tâm hồn. Ông ú ớ, rồi thét lên, gào lên như muốn phá tan lồng ngực và cả khối óc nữa, cho cái đau tan loãng đi.”

Tiếng hét ấy làm ông tỉnh giấc, người lạnh toát, quần áo ướt sũng.

***

Cũng như những đêm mất ngủ khác, Quý Ly triền miên trôi theo những dòng suy nghĩ...

Năm Nhâm Thân (1392) thái sư hoàn thành cuốn sách Minh Đạo. Cái đạo sáng, đó là ước mơ cả đời của ông. Dù bận việc triều chính, hằng đêm, ông vẫn chong đèn nghiền ngẫm viết nên cuốn sách tâm huyết đó. Một cuốn sách táo tợn! Ông phê phán Khổng Tử đã đến yết kiến nàng Nam Tử, vợ vua Vệ Linh Công, một người đàn bà tà dâm. Ông chê sự kém minh mẫn của ngài, khi Công Sơn Phất Nhiễu, Công Sơn Phất Hất đều là những kẻ tầm thường, kém tư cách, thế mà Khổng Tử đã có lúc muốn thờ làm chúa. Rồi thái sư lại phê phán cả Chu, Trình hai bậc đại nho thời Tống, hai người dựng nên lý học. Họ là những con người viển vông, không nghĩ đến việc đời. Có thể họ giỏi đấy, học rộng đấy nhưng chẳng có lợi gì cho dân Đại Việt chúng ta cả. Ông ca ngợi vua Trần Minh Tông, khi hai nhà nho nổi tiếng là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh khuyên vua sửa đổi việc nước theo khuôn mẫu lễ giáo của Trung Hoa. Vua Minh Tông bảo: “Nhà nước ta đã có phép tắc nhất định. Nam, Bắc khác nhau. Nếu theo kế của kẻ học trò mạt tráng cố tìm đường tiến thân thì sinh loạn to ngay.”

Lúc đó Thượng Hoàng Nghệ Tông đọc xong cuốn Minh Đạo liền ban tờ chiếu khen ngợi:

- Ta trộm nghĩ: đúng là Nam Bắc mỗi phương một khác.

Như tiên ta khi xưa, đức Trần Nhân Tông hai lần đánh tan giặc Nguyên, uy danh lừng lẫy; vậy mà vẫn không quên tục lệ xăm vẽ hình giao long trên người, giống như người Lạc Việt cổ, đến khi già lại lập nên thiều phái Trúc Lâm, làm bậc bồ tát riêng một cõi. Đến như Trần Hưng Dạo, đánh giặc cũng đánh theo kiểu sông kiểu nước, khiến cho phương Bắc đôi phen khiếp vía kinh hồn. Và cả đến cha ta; đức Minh Tông sáng suốt, cũng không hùa theo kẻ học trò mặt trắng để làm loạn nề nếp tổ tông.

Nay, ta đọc sách Minh Đạo của quan Bình Chương, thấy ngay được tinh thần riêng một cõi. Thánh hiền là người xa xưa, chúng ta là người bây giờ. Thánh hiền cư ngụ phương Bắc, chúng ta bờ cõi phía Nam. Không thể theo thời xưa để có hại cho thời nay. Không thể hoàn toàn theo Bắc để có hại cho lề thói nước ta. Thế mới biết, tài trí chẳng phân Nam Bắc.

Nay ta ban chiếu này, tỏ lời khen ngợi.

Khanh hãy khá hết lòng vì nước non gấm vóc, khá hết lòng vì ấu chúa dại thơ. Tài đấy! Trí đấy!

Hãy đem ra thi thố, sao cho Minh Đạo rạng ngời, hẻo phụ lòng ta mong đợi...

***

Đọc xong tờ chiếu, thái sư rưng rưng cảm động.

Đúng Nghệ Hoàng là tri kỉ của ông.

Chỉ ít lâu sau, cuốn Minh Đạo bỗng trở thành đề tài cho mọi người xì xào bàn tán.

Ông nhớ lại hồi ông mới viết xong cuốn sách. Những người ông cho xem đầu tiên là những người gần gũi ông nhất: Hồ Hán Thương, Nguyên Trừng, Nguyễn Cẩn... Ông muốn biết phản ứng của những người còn trẻ, còn nhiều nhiệt huyết. Bữa ấy, ông muốn đàm đạo với ba người trẻ tuổi đó về Minh Đạo. Phòng riêng của ông ở cạnh thư phòng nơi ông sẽ gặp họ. Ông còn đang đọc sách bỗng nghe thấy từ phòng bên ấy vang lên tiếng đàn nguyệt. Trừng đấy! Cậu con cả đấy. Nó lại đánh đàn ở thư phòng. Đánh đàn tức là nó vừa uống rượu xong. Trừng thường có thói quen như vậy. Trừng hát rằng:

Đàn ơi đàn hỡi, hề ta muôn điên say.

Thanh trầm thanh bổng, hề ta vui tối ngày

Mỹ nữ u buồn, hề anh hùng bảng lảng

Thiên hạ đại loạn, hề biết làm chi đây.

- Đêm nay thân phụ gọi ta đến. Người muốn giảng sách Minh Đạo. Đường sáng ư? Đạo sáng ư? Sao mắt ta chỉ thấy toàn một màu xám xịt. Đường ở đâu? Đường ở đâu? Đêm qua, ta đốt bạch lạp đọc sách Minh Đạo suốt đêm. Thật dị kỳ? Ta bị thu hút, không rời khỏi được những trang sách lạ lùng. Những ý tưởng làm con người muốn cuồng nộ, muốn điên rồ, muốn đứng lên để xoay vần, đắp đổi lại núi sông này. Trước mắt ta thấy hàng đoàn những hồn ma đang khai sông phá đá. Tay ta run lên, đầu ta nhức buốt. Ngủ một ngày dài mà vẫn thấy những ngón tay ta lẩy bẩy. Hỡi nguyệt cầm dịu dàng! Hãy cất tiếng lên làm liều thuốc để êm dịu lòng ta.

Tiếng đàn lại cất lên thánh thót. Bên này buồng, thái sư cúi đầu suy ngẫm. Rồi ông đứng lên, đi đi lại lại. Tiếng đàn trầm bổng đó, hay những câu nói của Nguyên Trừng lúc nãy đã bắt ông suy nghĩ. Mắt ông chợt dừng lại trên tường, vào bức tranh núi yên Tử mà Trừng đã tặng. Trí óc ông chợt lạc vào những dòng thơ nôm của sư Huyền Quang được Nguyên Trừng viết như một đàn bướm trên bức họa:

Ngự sử mai hai hàng chầu rắp

Trượng phu tùng mấy chặng phò quanh.

Hình như cái sự đông đúc của cỏ cây ấy lại càng làm ông buồn thêm, ông buông tiếng thở dài. Chợt từ buồng bên một tiếng nói sôi nổi bỗng vang lên kéo ông trở về thực tại. Ông cười mỉm khi nhận ra tiếng nói của Hán Thương, cậu con trai thứ hai:

- Anh ạ, đêm qua em thắp một trăm ngọn bạch lạp. Ở khắp phòng, cả trên cao, cả dưới thấp, cả trên án thư, cả những xó xỉnh nơi cư ngụ của lũ gián, của bầy chuột bọ. ánh sáng bập bùng. Hãy cho ánh lửa rực rỡ thêm lên! Em bảo tên gia nhân và sai thắp thêm một trăm ngọn nữa... Những ngọn bạch lạp nối nhau, nắm tay nhau chạy quanh phòng ở. Và em đi giữa ánh sao sa ấy để đọc cuốn sách Minh Đạo của cha. Đường sáng! Đạo sáng! Ôi! Em cảm thấy cứ mỗi bước đi là chạm phải những mảnh sao sa nóng bỏng, ý tưởng của cha như những viên ngọc lấp lánh trước mặt. Em đi suốt đêm trong phòng dát đầy ánh sao, vừa đi vừa đọc to những lời tâm huyết của cha. Đọc liên tục, đọc mải miết đến nỗi trời sáng lúc nào chẳng rõ. Minh Đạo vạn tuế! Cám ơn người cha kỳ diệu đã cho em cuộc sống, lại còn cho nhìn rõ những ánh sao trên con đường mà em đang bước...

Quý Ly lặng im, nhắm mắt lại. Ông hiểu sự nhiệt tình của Hán Thương. Nó giống ta - ông thầm nghĩ - Còn Nguyên Trừng thì sao? - ông tự trả lời ngay sau đó - Nó cũng giống ta, nhưng... còn khác ta... Ông không kịp suy nghĩ tiếp vì một tiếng nói thứ ba cất lên, tiếng nói của Nguyễn Cẩn:.

- Minh Đạo là gì? Đó là đường đi của minh chủ. Tôi đã được sống gần minh chủ. Tôi hiểu tâm huyết của người...

Hai chữ minh chủ của Cẩn làm ông xúc động. Nó chứng tỏ Cẩn có nhiều suy nghĩ. Ở thời buổi đại loạn có bao người xứng được gọi là minh chủ. Những người lỗi lạc thường phải đắn đo suy ngẫm, bởi vì chỉ một bước chệch chân sẽ ôm hận ngàn năm. Đem tấm thân gửi gắm cho ai? Người hiền tài như cô gái đẹp, sao cho bõ công trang điểm má hồng. Ở thời thiên túy giả hay thật quả là mù mờ hỗn độn. Một người nào đó đã nói: thà làm hoa hèn cỏ dại, chịu nát trong rừng sâu núi thẳm, còn hơn thờ một kẻ thất phu... Có người nói Phạm Sư Ôn xứng danh minh chủ. Nhà sư đó là kẻ thù của ông, nhưng thái sư vẫn trọng. Ông ta thật hào hùng, tiếc thay vẫn còn thiếu một cái gì đó mà nhà Phật gọi là đại trí. Ngẫm lại mình, ông đã xứng đáng một minh chủ hay chưa? Người đời vẫn gọi ông là một kẻ gian hùng. Ông thở dài... Thôi, cũng đành mặc miệng thế gian! Chỉ cốt ta thành công. Mà cả sự thành công nữa, ông cũng mong nó ở một tầm cao mà người đời không thể nhìn thấy... Còn Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng thì sao? Họ có khả năng trở thành minh chủ chăng? Ông không tin. Ở họ bốc lên mùi mốc meo cũ kĩ. Nhưng họ là những người trung thực, những người tài. Ông vật lộn với họ, nhưng vẫn tiếc, vẫn trọng...

Ông cứ nghĩ miên man như vậy và chợt hiểu ra một điều: ý định giảng giải Minh Đạo của ông đêm nay không cần thiết. Những người như Hán Thương, Nguyễn Cẩn, với ông vốn đồng thanh tương ứng. Họ chỉ cần đọc qua sách là hiểu; thậm chí chưa cần phải đọc, họ đã hiểu ông; bởi vì họ với ông là một, họ có thể cảm nhận được ông, bởi vì trong họ đang chảy một bầu máu nóng hoàn toàn mới mẻ. Ở những cuộc đổi đời nào cũng vậy, họ là những người làm nên sự đổi đời, họ sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, họ là những người anh hùng. Còn những người như Nguyên Trừng, những kẻ thông minh, có thừa nhiệt huyết để làm anh hùng mà chẳng chịu làm; mỗi bước họ đi đều suy ngẫm đắn đo, họ bị sự nghi ngờ vò xé. Chính những người như vậy ông rất thích; bởi vì họ có thể là lỗi lạc; bởi vì đấu tranh với họ, vật lộn với họ, đối thoại với họ, tức tự vật lộn, đối thoại với chính mình. Sự đấu tranh ấy, sẽ xua tan nốt đi những ngờ vực bản thân, mà những tư tưởng dù lớn thế nào vẫn có; sẽ bịt nốt những kẽ hở, thiếu sót, mà một bộ óc phi phàm đến đâu cũng có thể mắc phải.

Tối hôm ấy, Quý Ly bãi bỏ cuộc nói chuyện với ba người. Sáng hôm sau, ông gọi riêng Nguyên Trừng đến:

- Cha thấy không cần hỏi ý kiến Hán Thương và Nguyễn Cẩn, chỉ muốn hỏi ý riêng của con về cuốn Minh Đạo.

Nguyên Trừng nói:

- Con nghĩ cuốn sách hay là cuốn sách có nhiều điều đáng bàn. Minh Đạo của cha như vậy. Chính cha là người nước Nam đầu tiên đã dám xem xét lại đức Khổng Phu Tử. Đức Khổng là mặt trời đạo Nho. Mặt trời còn đem ra bàn luận, chắc sách của cha cũng nên đem ra bàn luận.

- Con nói rõ ý thực ra sao?

- Sách của cha chẳng qua là một biến pháp.

- Tốt hay xấu?

- Quản Trọng làm biến pháp. Tử Lộ, Tử Cống chê, nhưng đức Khổng Tử lại khen hết lời, bởi vì họ Quản đem lại văn hiến cho đời. Thương Ưởng, Lý Tư làm biến pháp cũng có phần thành công, nhưng thiên hạ đời sau nhiều người chê, vì đem lại cho dân lành nhiều điều ai oán.

- Ta khác họ Thương họ Lý chứ. Ta đâu có đốt sách chôn nho. Ta làm sách, khuyến hiền, đem việc học đến tận làng xã. Ta muốn làm văn hiến...

Nguyên Trừng tiếp:

- Minh Đạo của cha không câu nệ chữ Trung.

- Đúng. Quản Trọng không chết theo công tử Củ, trái lại còn thờ Tề Hoàn Công là kẻ thù của Củ làm minh chủ.

- Quyển sách của cha bàn về sự đổi thay, nhưng là sự đổi thay cực nhanh. Và điều đáng bàn chính ở chỗ đó.

Quý Ly nhíu mày:

- Sao lại đáng bàn?

- Đức phu tử muốn trong một nước, người nào lo việc người nấy. Dân lo việc của dân, quan lo việc của quan, vua lo việc của vua. Không được lạm bàn việc người trên. Nay, cha làm quan lại bàn việc của vua, thậm chí lại dám khen chê cả lời của Phu Tử. Vì muốn nhanh nên chẳng theo vết người xưa. Cha đã phạm chính danh. Chính vì vậy kẻ sĩ trong nước nhao nhao phản đối. Lại cũng vì muốn nhanh, nên chính sách thay đổi. Người dân đen chỉ muốn ăn no ngủ kĩ. Trong khi đó, lúc thì cha ban chiếu tiền giấy, lúc thì hạn nô, rồi hộ khẩu, chính sách liêm phóng... Kẻ thừa hành nhân cơ hội đục nước béo cò. Cha ơi cha? Xin hãy nghe con. Con xin dâng lời nói thẳng: Lòng dân không theo cha đâu.

- Nào, nào? Bình tĩnh lại đi Nguyên Trừng. Ta biết, nhiều điều con nói đúng. Nhưng con vẫn thiếu sót ở một điều cơ bản: đó là đất nước ta quá ư hỗn loạn, cần có một thay đổi, cần có một sự đảo lộn. Lẽ dĩ nhiên, tàn nhẫn đấy, đau thương đấy, nhưng ta sẽ cố gắng cho bớt đầu rơi máu chảy. Chỉ duy có một điều bất lợi cho ta: Nhà Minh đang lăm le nhòm ngó và họ đã ổn định, đã hùng cường rồi. Trong khi đó công việc của nước ta còn đang bê bối. Việc chưa xong, lòng người lại khảng tảng. Ta chỉ cầu mong trời cho ta được hai chục năm nữa... Nguyên Trừng? Hãy tỉnh lại đi! Đừng ủy mị thế, con... Chỉ cần hai mươi năm nữa thôi, ta sẽ đào tạo một lớp kẻ sĩ mới. Bọn hủ nho này lúc đó đã chết, lo gì lòng dân chả ngả về ta...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3