Hồ Quý Ly - Chương 10 - Phần 1
Chương 10: Một ngày của Thái Sư (Minh Đạo 2)
1
Từ khi Nghệ Hoàng mất, nghiễm nhiên Quý Ly trở thành thái thượng hoàng. Ông vào ở cung Thánh Từ ngay cạnh cung Quan Triều (nơi “quan gia” tức là vua ở) Theo tục lệ nhà Trần, Thái thượng hoàng phải thường xuyên ở bên cạnh vua để bảo ban, rèn cặp, cố vấn.
Cung Thánh Từ, nơi ở của Thái thượng hoàng, dĩ nhiên phải đẹp đẽ và tiện nghi, nhưng Quý Ly vẫn chưa ưng. Ông vẫn cảm thấy nó cũ kỹ và thấp bé. Ông sai thợ sửa chữa lại tí chút. Bảo là tí chút, vì ông để nguyên ba ngôi nhà hình chữ tam như cũ; chỉ cho sửa lại ngôi trung đường, đang bốn mái nâng lên thành tám mái, đang thấp nâng lên thành cao, đang ngói lưu ly mầu xanh, đổi thành ngói lưu ly màu vàng. Chỉ có tí chút thế thôi nhưng cung điện bỗng đường bệ hẳn lên, rực rỡ hẳn lên. Cái tên cung Thánh Từ cũ kỹ cũng phải thay đổi, ông đặt tên nó là cung Họa Lư. Quý Ly vốn thích họa, ông thay đổi hết đồ bầy biện trong nhà, thay đổi một loạt những bức tranh, bức chữ viết, bức hoành phi, câu đối.
Khu cung điện Họa Lư chia làm ba: nhà tiền đường dành cho các đại thần và thư lại đến làm việc; nhà hậu đường làm nơi thờ cúng; nhà trung đường, được sửa chữa lại nhiều, cao to đẹp đẽ nhất, là nơi ông làm việc, và có lúc ở.
Trước cung điện, thời Nghệ Tông, có đôi rồng đá. Ông ngắm nghía, chê rằng đôi rồng ấy giống như đôi rắn, liền sai bỏ đi, gọi một phường thợ đá ở làng Nhồi Thanh Hóa ra. để đẽo tạc một đôi rồng đá mới, ông bảo.
- Các người hãy làm cho thật đẹp, ta sẽ ban thưởng.
Khi tạc xong đôi rồng, Quý Ly ra ngắm nghía, ông nắm lấy cái bờm rồng dựng đứng, vuốt ve cái thân rồng lượn cong dịu dàng, rồi âu yếm sờ vào những chiếc móng rồng ở đôi chân đang thu lên phía trước. Ông cười ha hả:
- Rồng ở tư thế sắp bay... Các ngươi khá lắm. Xứng đáng là thợ đá làng Nhồi. Mỗi người được thưởng hai mươi lạng bạc. Mấy hôm nữa, các ngươi sẽ vào ngay Tây Đô. Ở đó, các ngươi cũng tạc rồng cho ta nhưng đôi rồng to hơn. Phải tạc cho thật khá, thật uyển chuyển. Đôi rồng mới ấy phải cương mãnh, phải bay lên thực sự. Các ngươi có hiểu ý ta không.
Cung điện Họa Lư, đầy chữ, đầy tranh, đầy điêu khắc ấy, làm trăm quan đều phải trầm trồ. Ngay cả Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng là những người khó tính nhất, phản đối Quý Ly nhiều nhất, cũng phải im lặng thán phục.
***
Đêm hôm ấy, giấc mơ gặp Nghệ Hoàng làm Hồ Quý Ly tỉnh giấc, và sau đó không tài nào ngủ lại được. Ông hầu như thức suốt đêm. Ông miên man nghĩ: nghĩ tới Thuận Tông, ông vua con rể đang tu đạo trong vườn uyển; nghĩ tới Nguyên Trừng người con trai tài hoa với nhiều ý tưởng ngông cuồng lắm lúc ngược với ông nhưng không phải không có lý; nghĩ tới Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng, những con người đối địch với ông mà ông ra sức kéo níu, rồi cả tới Đoàn Xuân Lôi, Nguyễn Cẩn, Nguyễn Phi Khanh, Sử Văn Hoa... Đêm qua, ông vừa đọc xong thiên Minh Đạo Luận của Sử. Chao ôi? Minh Đạo? Một dàn nhạc khổng lồ mà những nhạc công vẫn còn tấu lên những điệu khúc theo cách của họ. Minh Đạo? Phải chăng nhiệm vụ của nó là làm cho những nhạc công ấy trở nên “người tấu cùng một điệu”.
Ông trằn trọc, ông thở dài, ông suy ngẫm, ông ngồi dậy đốt nến và viết, rồi đứng lên ra khu sân rộng trước cung, đứng cạnh đôi rồng đá, vuốt ve chúng, rồi đi lại ngắm sao trên trời. Người đời bảo ông táo bạo, cương nghị, sắc sảo, cả gan làm đất trời rung chuyển. Có kẻ chê ông tàn nhẫn, gian hùng, xảo quyệt và lắm tham vọng. Những kẻ thô thiển thì nói ông mưu cầu hạnh phúc cho mình. Ông chợt cười trong lòng: Hạnh phúc ư?
Ta sung sướng hay ta không sung sướng? Ông không nén được nụ cười thầm bật ra thành tiếng. Những tiếng cười giòn mà chỉ có mình ông nghe, chỉ có những ngôi sao tinh quái trên trời nghe. Tiếng cười làm lũ gà chọi, trong cung cấm đang bắt đầu gáy sáng cũng đột nhiên sợ hãi ngừng bặt. Tiếng cười thỏa mãn, hay tiếng cười buồn, hay tiếng cười cô đơn? Có ai biết được? Họa chăng có mình ông biết, vì chỉ có riêng ông nghe thấy nó mà thôi. Lũ lính canh đêm đi vòng ngoài cung điện, vừa đi thỉnh thoảng lại gõ lên một tiếng mõ, cũng chỉ nghe thấy tiếng cười ấy một cách mơ hồ...
Cả đêm mất ngủ nhưng thái sư không mệt. Tham vọng đã đem lại sức lực cho ông, hay là những diễn biến dồn dập của thời cuộc đã bắt ông không có quyền mỏi mệt? Sáng sớm ông tàm nước nóng rồi ăn một bát canh gà hầm sâm, và cảm thấy hoàn toàn khỏe khoắn. Việc đầu tiên ông làm là sai khiêng kiệu đi đến điện Hoàng Nguyên thăm con gái, hoàng hậu Thánh Ngẫu. Ngồi trên kiệu, ông nghĩ tới chuyện đã xẩy ra hơn một tháng trước. Một bận, ông đến thăm con gái. Ở trước cửa điện Hoàng Nguyên ông đã nghe thấy tiếng cười giòn giã của thái tử An. Quý Ly rất yêu cháu ngoại; cứ vài hôm ông lại phải tới chơi với cháu một lần. Hôm ấy, thấy ông ngoại đến, thằng bé từ trong nhà chạy ra gian đại sảnh, ôm lấy cổ Quý Ly:
- Cháu chào ông ngoại.
Thấy chú bé mồ hôi lấm tấm trên trán, ông hỏi:
- Cháu đang chơi trò gì vậy?
- Cháu chơi trò “ông vua con” với các công công.
- Ông vua con?
- Vâng, nhũ mẫu cũng gọi cháu là ông vua con. Các công công làm ngựa cho ông vua con cưỡi.
Quan thái sư nghe xong, chợt phá lên cười. Cười rất lâu đến chảy nước mắt. Rồi đặt cháu xuống đất, thái sư im lặng lùi xa, đi lại ngắm nghía cậu bé. Cuối cùng ông bảo:
- Ngoại sẽ cho cháu làm vua thật sự, chứ cần gì phải chơi trò làm vua.
Mấy hôm sau, Quý Ly sai Nguyễn Cẩn đến điện Hoàng Nguyên. Cẩn quỳ lạy tâu:
- Thần được lệnh thái sư đến dâng lệnh bà một lá thư.
Hoàng hậu xem thư xong nhíu mày hỏi:
- Thái sư sai ngươi đến dạy thái tử học lễ?
- Bẩm vâng.
- Thái sư bảo phải học những lễ gì?
- Dạ, đầu tiên phải học đi đứng cho đúng quy cách. Rồi tiếp đó phải học lạy...
- Cái gì? Quy cách gì? Thái tử mới lên ba tuổi.
- Dạ tâu lệnh bà. Xin lệnh bà đọc kĩ. Tất cả đã được viết trong thư.
Thánh Ngẫu lúc đầu mới đọc lướt, nay đọc kĩ mới thấy hết ý nghĩa của lá thư:
“Phải dạy ngay cho cháu ta biết đi đứng, ăn nói cho đường hoàng để xứng với bậc thiên tử. Nhất là phải nhanh chóng dạy cho thái tử An biết lạy theo đúng nghi lễ triều trung... Cha đang mắc việc hệ trọng, nay mai sẽ đến thăm con và cháu ngoại, ngay khi xong việc”
Thế là, cung Hoàng Nguyên suốt ngày trở nên một sân trò nhộn nhịp. Hơn một chục thị tì và thái giám phải đóng vai các đại thần đi theo hầu ông vua con. Chiếc ghế bành được đặt ở giữa đại đường để làm ngai vàng. Lũ người hầu xếp hàng hai bên. Chúng quỳ rạp và tung hô vạn tuế, khi chú bé đĩnh đạc đi giữa lối tiến lên ngồi vào chiếc ghế bành. Nguyễn Cẩn có bộ râu ba chòm đen nhánh rất đẹp. Cẩn gật đầu hài lòng, khi thấy ông vua con hào hứng đóng vai vua. Tập đi đứng được vài lần, chú bé An bỗng nói:
- Ông râu đen ơi? Đổi trò khác đi, ta chơi trò này chán lắm rồi.
Râu Đen chuyển sang tập quỳ lạy.
Một cái bàn được bày ra, trên có nến và lư hương. Tất cả dàn hàng ngang. Ông vua con một mình đứng trước hàng. Nguyễn Cẩn đứng đằng sau hô “Bái!” Vua con cười sằng sặc vừa cười, vừa lạy. Nguyễn Cẩn nói:
- Nghi lễ này rất trang nghiêm. Bệ hạ không được cười.
Rồi ông làm động tác mẫu hai bàn tay đan nhau trước mặt, cúi đầu xuống, quỳ một chân, rồi cả hai chân, sau đó đầu rạp sát đất. Cậu bé tập một lần, rồi nhõng nhẽo không chịu làm nữa. Hoàng hậu bảo, thái tử cũng không chịu. Cuối cùng hoàng hậu nói:
- Thái tử còn bé, bảo dần dần thôi. Hôm nay thế là đủ cho nhà ngươi về nghỉ.
Nguyễn Cẩn lạy tạ lui ra.
Hôm sau, Nguyễn Cẩn lại đến, đưa cho hoàng hậu lá thư của Thái sư ra lệnh rước thái tử An một mình đến cung Họa Lư gặp ông ngoại. Hoàng hậu định đi theo nhưng Nguyên Cẩn ngăn lại:
- Bẩm lệnh bà, thái sư dặn đi dặn lại chỉ có một mình thái tử đến cung Họa Lư học lễ, không cho bất cứ ai đi theo.
Kiệu rước thái tử đến cung Họa Lư. Ông ngoại dắt An leo bậc lên nhà tiền đường, qua nhà trung đường rồi đến nhà hậu đường. Ông ngoại dẫn An đến bàn thờ, trên đó có pho tượng một người đàn bà và nói:
- Bà ngoại con đó. Con lạy bà ngoại đi.
Thế là, bé An phải học lạy ở tòa nhà hậu đường rộng thênh thang và vắng ngắt, ở đó suốt đêm ngày chỉ có khói trầm hương và chỉ có mặt ông râu đen nghiêm nghị. Vắng mẹ rồi. Biết lấy ai bênh vực cho đây. Chú bé len lét đành làm theo lời ông Râu đen. Buổi chiều, khi kiệu rồng về đến nhà, chú bé chạy sà vào ôm lấy cổ Thánh Ngẫu và òa khóc to:
- An đau chân lắm. An sợ lắm.
Hoàng hậu ôm lấy con, khóc theo.
- An nhớ mẹ lắm. An không đến cung ông ngoại nữa. An không chơi trò làm vua nữa đâu.
Hôm sau, thái tử An nhất định không đến cung Họa Lư nữa. Hoàng hậu Thánh Ngẫu cũng đồng lòng với con. Thái sư nghe tin, đang họp việc cơ mật cũng bỏ dở, lên kiệu tức tốc đến cung Hoàng Nguyên. Ông đùng đùng nổi giận, quát mắng con gái:
- Mẹ con nhà ngươi cho chuyện học làm vua là trò đùa sao?
- Ngoại ơi! An không chơi trò làm vua nữa đâu.
Quý Ly quắc mắt.
- Trò gì? Trò gì?...
- An không thích chơi làm vua nữa. - Đứa bé run rẩy khóc.
Hoàng hậu quỳ xuống, đầm đìa nước mắt, van xin:
- Con lạy cha. Xin nguôi cơn giận. Cháu nó còn nhỏ dại.
Quý Ly tay cầm cái quạt cũng run lên. Ông ném cái quạt xuống đất, rồi bảo:
- Con hãy nghe ta đây. Đã sinh ra làm con cái vua chúa, tức là không có số phận riêng nữa. Tất cả phải vâng theo thiên mệnh. Dù đứa bé nhỏ xíu cũng vậy. Không thích cũng phải làm. Đây là việc hệ trọng. Con đã nghe ra chưa?
Quan thái sư bỏ về. Hoàng hậu Thánh Ngẫu lập tức lên cơn sốt. Quan thái y được phái đến đêm ngày túc trực chữa bệnh. Năm hôm sau, hoàng hậu khỏi bệnh. Bà trở nên một con người câm lặng. Ông Râu Đen Nguyễn Cẩn lại được phái đến, dạy thái tử học lễ. Lần này, thái tử không bị ép buộc gay gắt như trước. Thời gian học cũng ngắn hơn. Thái tử cũng biết nghe lời hơn. Nhưng bây giờ cung Hoàng Nguyên trở nên nghiêm trang, vắng lặng. Trò chơi làm vua hết những ngúng nguẩy, õng ẽo, hết những tiếng cười ngây thơ. Trò chơi đã tiến đến gần giống thật, hay nó càng ngày càng xa sự thật?
Hôm nay, Thái sư đến thăm con gái và cháu ngoại, mục đích để thông báo với hoàng hậu, rằng tất cả hoàng gia phải chuẩn bị chuyển vào Tây Đô. Kinh đô mới gần như đã hoàn thành. Thuận Tông đã đồng ý rời bỏ ngai vàng đi tu tiên. Thái tử An.. đã sắp thực sự trở thành ông vua con. Trò chơi đã sắp là sự thật... Sở dĩ ông cho dạy An học dạy, là vì sắp đến ngày làm lễ đăng quang.
Thấy kiệu thái sư đến, bọn cung nữ lập tức vào báo cho hoàng hậu. Thánh Ngẫu cùng con trai bước ra ngoài đại đường. Hoàng hậu đến trước mặt cha, ngồi xuống sửa lại váy áo cho chỉnh tề, rồi rạp đầu xuống đất Thái tử An đứng sau mẹ, như một cái máy làm theo. Mẹ lạy một, con cũng lạy một. Mẹ lạy hai, con cũng lạy hai...
Quý Ly nhìn gương mặt trắng bệch buồn bã của con gái, nhìn bộ mặt vô hồn của cháu ngoại, ở đấy, hình như đã hết cả sự linh hoạt, và chỉ còn lại toàn sự ẩn nhẫn, cam chịu; tự nhiên trong lòng ông dâng lên một niềm xót thương vô hạn, nhưng ông không thể nói ra. Đáng lẽ, ông thông báo với Thánh Ngẫu chuyện sắp đi Tây Đô, nhưng ông hiểu mình không nên nói. Ông lặng lẽ đỡ con và cháu đứng dậy và hỏi:
- Con đã thấy trong người khỏe hẳn chưa?
Ông cúi xuống, ôm đứa cháu ngoại vào lòng, rồi bế nó lên đùi, ngồi vào chiếc ghế bành đặt giữa đại đường. Ông ôm cháu, nhưng chợt cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó. Ông nghĩ mãi không ra. Chợt ông nhìn vào đôi mắt buồn bã của thằng bé, và ông rùng mình hiểu ngay. Thiếu vắng cái gì ư? Có lẽ đó là tiếng bi bô của thằng bé, có lẽ đó là hơi ấm da thịt, của đôi cánh tay mũm mĩm mà chú bé vẫn quàng vào cổ ông mỗi khi ông đến. Ông cảm thấy mất mát. Phải rồi, từ nay ông sẽ bị mất sự đầm ấm của đứa trẻ vẫn ban phát cho tuổi già, và thay thế vào đó là sự lạnh lẽo hờn giận của đôi mắt ngây thơ... Nhưng biết làm sao được! Số phận của các bậc vua chúa là thế ư?
Quan thái sư muốn an ủi con gái và cháu ngoại, nhưng ông thấy lúng túng; vả lại, lời nói lúc này là thừa. Ông chỉ còn biết dùng những tia mắt xót thương để nhìn Thánh Ngẫu, mong con gái hiểu được phần nào lòng mình. Ông trao cho hoàng hậu chiếc hộp ngà trong đó đựng những thỏi nhung hươu, thỏi cao hổ cốt:
- Đây là quà biếu của sứ thần Chiêm Thành. Họ bảo nấu từ xương con hổ đen đang sung sức, và nhung loài hươu trắng đang tuổi dậy thì. Con bảo cung nữ hàng ngày nấu cháo với cả hai thứ cao, cho chóng lại sức.
Trên đường về cung Họa Lư, Quý Ly thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn khó nguôi ngoai.
2
Trước khi đi, viên quan coi ngục còn cho Sử Văn Hoa ăn cơm nắm muối vừng, rồi trao cho ông bộ quần áo nâu mới giặt thơm tho. Ông giơ hai tay nắm lấy tay Sử, dặn dò:
- Xin tiên sinh cẩn trọng!
Sử văn Hoa cảm động trước sự chân tình của ngục quan, tuy nhiên ông không khỏi nghĩ thầm chua chát: “Cứ như thể ta sắp lên đoạn đầu đài.” Mà cũng có thể lắm chứ. Khi quyết định đưa đoạn văn “Minh Đạo Luận” nộp lên trên, ông cũng đã nghĩ đến điều không may nhất. Song, ông không nghĩ tới việc Quý Ly muốn trực tiếp gặp ông. Ông đã gặp thái sư nhiều lần, chỉ có khác lần gặp này ông ở tư thế kẻ tử tội, còn Quý Ly ở địa vị ngươi phán xét tối hậu. Cứng rắn ư? Mềm dẻo ư? Chọn lựa thái độ nào? Ông không phải kẻ cuồng sĩ, không phải kẻ ngu trung, cũng không biết lựa theo chiều gió... Ông chỉ muốn mình vẫn là mình... Đó là sự dại khờ của ông, nỗi khổ đau của con người sống trong thời “thiên túy.” Hay là, theo lời khuyên ông già ngục quan: hãy như con gà gỗ kia. Phải là bậc đại hiền và đại trí mới có thể được như con gà gỗ. Sử đã suy ngẫm kĩ về mình. Chẳng qua, trong lúc quẫn bí, ông mới chỉ chạm tới cải vỏ bề ngoài của triết lý ấy, để làm cho lòng mình bình tĩnh trở lại, để khỏi sa vào vực thẳm của sự mất trí. Chỉ thế thôi? Còn phần cốt lõi, tinh túy của nó, mấy ai đã chạm tới được. Ta sống ở đời, ta chỉ là kẻ nửa vời. Nhưng nghĩ cho cùng, lúc này đây, lại sắp phải đối mặt với một tình cảnh căng thẳng, triết lý ấy há chẳng đem lại cho ta sự bình tĩnh, sự can đảm để dương đầu với số phận? Có lẽ đó là cái nghiệp, mà đã là nghiệp mấy ai tránh nổi?
Lần này, ông bị giải đi nhưng không phải đeo gông ở cổ - Đức ông Nguyên Trừng ra lệnh như vậy. Chỉ bị trói giật cánh khuỷu và được hai tên lính ngục áp giải trên con đường rộng, xum xuê những cây đại thụ, con đường dẫn tới nơi ở của thái sư Hồ Quý Ly.
Con đường dẫn thẳng tới cửa cung điện. Từ xa đã thấy vàng son chói lòa. Càng đến gần, càng bị choáng ngợp hơn. Cái cổng đã là một công trình lớn, cao vút và nguy nga. Trên có tầng lầu đặt trống canh. Ngói mũi hài mầu xanh. Đỡ dàn mái là hàng cột gỗ lim đen nhánh. Cửa chính trên uốn cong, dưới có bánh xe gỗ. Hai cánh sơn son, trên vẽ rồng vàng bay trên những đám mây vàng. Hai cánh cửa lớn đóng im ỉm, hầu như chẳng bao giờ chúng được mở ra. Người ta đi lại ở hai cửa bên, cũng cuốn tò vò, cũng sơn đỏ. Vào một cửa, ra một cửa. Gần sát mái ngói xanh, là tấm hoành phi chạm trổ, tất cả dát vàng, và trên cái nền vàng chói lọi ấy là ba chữ đại tự sơn son: Họa Lư Cung.
Sau khi xem tờ lệnh gọi có dấu son của cung Họa Lư, tất cả còn phải chờ, một người lính đưa giấy tờ vào trình. Một lúc sau mới có lệnh giải tù vào. Bọn lính ngục bị gạt ra ngoài nhà chờ, áp giải tù ở trong do những lực sĩ nội vệ đảm nhiệm.
Sử Văn Hoa đi trên con đường đá xanh nằm giữa một cái sân lát gạch đỏ mênh mông. Song song với con đường đá phiến là hai dãy chậu đá khổng lồ to như những chiếc nong, bên trong đổ đất trồng những cây lạ và hoa quý hiếm.
Đôi rồng đá ngạo nghễ chầu hai bên chín bậc thềm đá để bước lên tòa tiền điện. Đến đây. Sử văn Hoa lại phải khai trình đủ điều trước bàn một người thư lại. Tiếp đó, lại phải chờ. Viên thái sử đưa mắt nhìn khắp căn nhà. Ở hai bức tường đầu hồi treo những bức tranh, những bài châm, hoặc bằng mực nho vẽ trên lụa, hoặc bằng sơn vẽ trên vóc gỗ, hoặc bằng khắc chạm. Vì đứng xa, nên Sử không nhìn thấy viết gì, vẽ gì nhưng chắc chắn đó là những nét bút của những bậc đại nho và họa sĩ có tài. Và ấn tượng chung của tất cả những nét bút ấy đã làm cho ta kính phục, và nhắc nhở rằng ta đang ở một chốn văn nhã đúng thực như cái tên Họa Lư của nó. Nhưng đập vào mắt Sử nhất vẫn là hai bức đại hoành treo ở phía tường hậu. Hai cái bảng lớn hình chữ nhật, mỗi cái to chừng hai chiếc giường, được khắc nền bằng những hình kỷ hà, những hoa lá, những chim, những thú; toàn bộ nền ấy được thiếp vàng, ánh sáng chiếu vào những nét khắc chìm nổi của vàng đã trở thành long lanh, chỗ đậm, chỗ nhạt, nhiều sắc độ sáng tối. Và trên đó nổi lên những chữ sơn đen khỏe khoắn, vững chãi, đầy hứng khởi.
Một tấm viết bốn chữ “Vô dật, nãi dật” rút ra từ thiên Vô dật của Kinh Thư, một châm ngôn dành cho các bậc vua chúa đã được Quý Ly giảng ra quốc ngữ và dạy vua Thuận Tông.
Tấm thứ hai có ba chữ: “Nhật nhật tân” rút từ câu: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (ngày mới, ngày ngày mới, lại ngày mới). Dòng chữ này trong sách Đại học, biểu lộ chí hướng của quan thái sư mà ai ai cũng biết.
Điều đáng chú ý: cả hai bức đại hoành ấy đều do chính tay Quý Ly tự viết. Cũng chính ông đã kiểm tra đám thợ khắc, thợ sơn; đôn đốc họ rồi bắt sửa chữa từng ly từng tí. Quý Ly muốn khoe chữ của mình; hay ông muốn dùng những nét chữ ấy để trấn áp, đồng thời trấn an mọi người trong triều đình, rằng ý chí cải cách của ông là bất biến, rằng ông là người có tài, có văn hiến, rằng cuộc cải cách không phải một việc làm mò, mà do một bộ óc chứa đầy kinh sử đã lo toan, tính toán kỹ lưỡng. Sử Văn Hoa thầm nghĩ: “Hãy gạt những ý nghĩ ấy sang một bên, chí ít hai bức đại hoành này cũng vẫn là hai tấm họa tự vô song, làm rung động mỗi ai vào đây.”
Sử chợt giật mình, ngừng dòng suy nghĩ khi viên lực sĩ vào bẩm báo đã quay ra để dẫn ông đến gặp thái sư. Họ cởi trói cho người tù. Ông dùng bàn tay nọ bóp khuỷu tay kia; những khuỷu tay bị tê dại vì trói đã lâu. Rồi ông chỉnh từ quần áo, sắc mặt, và lặng lẽ khoan thai đi theo người lực sĩ từ tòa tiền đường theo giải hành lang tiến về phía tòa trung đường cao vút. Giải hành lang hai bên có lan can đá, phía ngoài lan can là vườn hoa đủ màu sắc. Hết hành lang dài đến một chiếc cầu đá năm nhịp bắc ngang một chiếc ao nhỏ, dưới ao những bông hoa súng mầu đỏ tía lô nhô mọc ở một góc, những con cá vàng, cá chép đỏ vẫn thường được Quý Ly ra đứng trên cầu thả xuống những bánh bỏng gạo cho ăn, nay nghe tiếng chân người tưởng là bước chân của chủ, chúng lao xao nổi lên mặt nước.
Tòa nhà chính, điện Họa Lư với bộ mái vàng với những hàng cột và những cánh cửa sơn son, nguy nga, sừng sững trước mặt, chợt làm viên quan thái sử nhỏ bé thấy trái tim mình đập rộn ràng. Người lực sĩ dừng chân, và bắt Sử cũng phải dừng chân. Gương mặt lạnh tanh, hắn chằm chằm nhìn vào mặt viên quan chép sử; rồi hai bàn tay to của hắn rà soát lại một lần nữa khắp người Sử Văn Hoa. Rà soát xong, hắn ve vuốt, vỗ nhẹ lên bộ quần áo Sử, ý chừng để cho chúng được phẳng phiu, hết xộc xệch. Thậm chí, hắn còn bắt Sử chít lại chiếc khăn nhiễu tím và sửa sang lại những nếp gấp trên khăn.
Điện Họa Lư là một tòa nhà năm gian, ba gian giữa được đội cao lên một tầng nữa; tầng gác trên gọi Tàng thư các, nơi Quý Ly đọc sách; tầng dưới là nơi làm việc. Ở hai bên tả hữu, lùi lại phía sau, là hai dãy nhà dành cho vệ sĩ và thị nữ.