Hồ Quý Ly - Chương 11 - Phần 3

4

Cũng vào khoảng thời gian ấy, một đêm, Phạm Sinh mất ngủ, đang nằm nghĩ ngợi liên miên trong ngôi chùa đổ, bỗng nghe tiếng lũ chim xáo xác ngoài vườn. Anh nghĩ; lại có bọn đi ăn sương nào xong việc về ngủ tạm ở chùa? Hay chẳng lẽ sư huynh Tổ Thu hoặc Ngưu Tất có việc gấp đến gặp ta? Phạm Sinh tập trung tinh thần lắng nghe. Lũ chim vẫn tiếp tục xáo xác. Điều này khác thường, bởi vì khi người đi qua xong, lũ chim lại im lặng ngay. Vậy đã có ai đang ngồi dưới những tán cây, ngay ở chỗ lũ chim trên cao trú ngụ. Lẫn trong tiếng xáo xác ấy hình như có chen thêm một tiếng lạ. Thoang thoảng tiếng ti tỉ - Ô hay? Có người đang khóc? Phạm Sinh mò trong bóng tối ra vườn chùa. Đúng là có người đang khóc thật. Anh lần theo tiếng khóc đến chỗ con trâu đá, và hỏi:

- Ai đấy? Làm sao lại đến đây mà khóc?

Hai mẹ con người đàn bà rách rưới ẩn trốn dưới bụng con trâu đá. Phạm Sinh dìu họ vào trong chùa. Người mẹ đã già, cô con gái mới chừng đôi tám. Cô ăn mặc rách rưới nhưng không giấu được những nét xinh đẹp khác thường. Họ bị lạnh cóng và đói lả. Phạm săn sóc nấu cháo cho ăn. Họ nhìn Phạm như e ngại, có vẻ muốn giấu giếm điều gì. Nhưng rồi thấy sự ân cần và biết Phạm cũng chỉ là một kẻ vô gia cư, bán chữ sinh nhai, nên bà mẹ tỏ lòng tin cậy, thú nhận:

- Mẹ con tôi chỉ là những người đang chạy trốn. Chồng tôi bị quan thái sư tống giam ngục thất...

- Chồng bà là ai?

- Ông ấy là quan thái sử Sử Văn Hoa.

- Tôi hiểu rồi. Nay mẹ con cụ định đi đâu?

- Mẹ con tôi đang đêm trốn khỏi làng định đi thật xa, nhưng chẳng biết chồng tôi sống chết ra sao, nên định nấn ná tìm nơi trú tạm gần Thăng Long, để chờ biết tin của ông ấy ngã ngũ ra sao...

Phạm ngẫm nghĩ rồi nói:

- Bà cụ đừng sợ. Nếu vậy, tôi có thể thu xếp được. Khu đầm Vạc này vắng vẻ lắm. Chỉ có vài người xiêu tán dựng mấy túp lều bên hồ kiếm ăn bằng cách mò cua, đánh dậm... Người ta đến rồi lại ra đi. Gần chùa có một túp lều bỏ hoang, mẹ con cụ ở tạm nơi đó thật kín đáo. Việc dò hỏi tin tức đã có tôi lo.

Tổ Thu, Ngưu Tất ban đêm bơi thuyền lẻn tới ngôi chùa đổ liên lạc với Phạm Sinh, nghe câu chuyện của mẹ con bà Sử Văn Hoa, vừa ngậm ngùi vừa bừng bừng nổi giận:

- Cụ Sử Văn Hoa là người tài cao đức trọng, đầy khí tiết, thế mà ngày nay thân phận tử tù. Nông nôi này do bởi tay ai? Việc giúp đỡ mẹ con bà là nghĩa cử phải làm của chúng ta.

Từ đó, Phạm Sinh có hai mẹ con bà Sử làm hàng xóm nên cũng đỡ hiu quạnh. Có Tổ Thu và Ngưu Tất giúp đỡ gạo nước, cộng thêm với đồng tiền viết mướn của Phạm Sinh, nhưng họ cũng không ỷ lại. Cô con gái tên là Thị Hạnh vẫn hàng ngày xuống hồ mò cua bắt ốc. Cô bận bịu làm, đi kiếm ăn xong lại về nấu cơm phụng dưỡng mẹ.

Bà mẹ - cô bán rượu làng Mơ xinh xắn thủa xưa, nghèo khó, - nhưng đã truyền lại cho con gái một gia tài vô giá đó là sự duyên dáng tươi tắn. Cô Hạnh cũng có đôi mắt bồ câu của mẹ, có tiếng nói trong veo và ấm áp của mẹ, nhưng cô còn được thừa hưởng thêm sự thông minh sắc sảo của người cha. Sự thông minh bén nhạy ấy làm cho sắc đẹp của cô trở nên tinh tế hơn. Cô biết cách nói bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng cái dáng vẻ không nói. Tất cả những thứ ấy, âm thầm trong con người cô, nhưng nó vẫn toát ra lặng lẽ mỗi khi ta gặp, để tạo nên một cảm giác mà người đời vẫn gọi là “có duyên.” Cô Hạnh sợ người ta chú ý, cố giấu nét duyên ấy đi bằng sự lam lũ nghèo hèn, bang cái bề ngoài nâu sồng lấm láp, bằng chiếc khăn vuông tùm hụp suốt ngày; sự kín đáo ấy ngay cả trước mặt Phạm Sinh cô vẫn giữ. Nhưng ngay từ lúc đầu mới gặp, nhìn vào mắt cô, anh đã nhận ra cái duyên ngay. Đôi mắt người nguyh trang khó nhất. Anh học trò viết sử Văn Hoa, ngày xưa, trong khốn khó đã tìm thấy cái duyên của cô bán rượu làng Mơ thế nào, thì ngày nay anh chàng viết mướn bơ vơ trong ngôi chùa đổ cũng nhận ra cái duyên của cô Thị Hạnh như vậy. Một mối tình thầm lặng được nhen.

Một hôm, cô Hạnh ngồi trên một phiến đá vườn chùa nói chuyện với Phạm. Cô ngồi nghiêm trang, hai tay đặt trên đầu gối. Bỗng nhiên Phạm chăm chú nhìn cô, rồi bảo cô giơ hai tay từ từ đẩy ra phía trước, những ngón tay cong lên. Anh ngắm nghía, nhìn nghiêng rồi lại nhìn thẳng nét mặt của Hạnh. Hạnh đỏ mặt lên cười khúc khích. Mấy hôm sau, anh đã vẽ được một bức tranh. Cô Hạnh nhìn bức tranh người phụ nữ nõn nà, với dáng vẻ buồn cao quý đương ngồi tay đẩy ra phía trước. Hạnh ngạc nhiên:

- Huynh vẽ em đấy ư? Sao quần áo em lại sang trọng như một bà mệnh phụ? Sao mớ tóc em lại được búi cao và trên đó có mũ vàng trâm ngọc? Sao nét mặt lại u buồn... như đức Phật?

Phạm gật đầu khe khẽ:

- Đúng! Huynh vẽ muội là đức Phật.

- Huynh điên rồi sao?

- Cả em, cả bà ấy đều giống Phật.

- “Bà ấy”? Huynh nói thế là nghĩa làm sao?

- Bà ấy là một người nhân hậu. Tôi chỉ một lần giáp mặt đã nhận ra ngay... Hàng ngày bà đến chùa dâng hoa. Dáng vẻ của bà ấy mới tôn quý làm sao, u buồn làm sao... Cả em cũng vậy, mới nhìn vào mắt em lần đầu tiên, huynh đã thấy ngay...

- Huynh điên thật rồi Những lời nói sao em không hiểu.

- À! Bà ấy là công chúa... bà Huy Ninh... bà thái sư. Ôi, sao mắt bà ta buồn làm vậy... Đã lâu chẳng thấy bà ấy đi chùa... Rồi hôm trước, nhìn thấy em trên tảng đá chợt nghĩ, hình như em có nét hao hao... Huynh đã trộn lẫn cả hai người vào tranh. Ở bà là nét u buồn cao quý nhưng đôi mắt bà tối quá. Phải đem sự trắng trong, sự ấm áp của mắt em vào tranh... Chắc là như thế... Phải, đúng rồi. Bởi vì em là tuổi trẻ... em bồn chồn... nhưng cuộc sống còn dài. Em lo lắng cho số phận của cha, nhưng vẫn còn những tia hi vọng... Nhưng ở mắt bà, chẳng thấy le lói một mảy may sự sống. Huynh thầm nghĩ chắc bà ta chết rồi, cảm thấy bà Huy Ninh đã chết rồi.

- Câu chuyện của huynh thật buồn...

- Và nếu đoán không sai, ông ta sắp đến đây.

- Ông ta là ai?

- Ông ta là thái sư, là Hồ Quý Ly.

***

Điều Phạm Sinh dự đoán đã xảy ra thật. Một buổi sáng, có người lính ở cung Họa Lư đến gốc đa tháp Báo Thiên, đưa giấy mời Phạm đến ngay phủ thái sư. Phải qua bao nhiêu thủ tục rườm rà, phải qua bao nhiêu tòa ngang dãy dọc, Phạm mới đến được cung Họa Lư nổi tiếng.

Người lính dẫn đường trao Phạm cho viên lực sĩ nội vệ dẫn anh đi trên con đường đá xanh từ cổng đến tòa tiền điện. Phạm liếc nhìn cái sân lát gạch đỏ mênh mông và dãy chậu đá khổng lồ, ở đó mọc đủ các thứ hoa quý hiếm. Đến trước đôi rồng đá, người lực sĩ bắt anh dừng lại, chỉnh đốn khăn áo. Hắn đi vòng quanh Phạm, ngắm nghía anh từ đầu đến chân, rồi vuốt ve quần áo, chỉnh lại chiếc khàn nhiễu tím cho anh. Phạm hiểu, hắn muốn xem anh có gài dắt thứ gì sắc nhọn trong người. Cuối cùng, sau khi đã yên tâm, hắn mới dẫn anh bước lên chín bậc thềm đá để vào nhà tiền điện.

Thái sư ngồi trên chiếc sập cao đặt chính giữa, sau lưng ông ở hai phía tả hữu là hai bức đại hoành rực rỡ “Vô dật nãi dật” và “Nhật nhật tân.”

Quý Ly cho Phạm ngồi ở chiếc đôn phía dưới, cách xa ông. Thái sư cất tiếng hỏi:

- Có phải anh chính là người vẽ bức họa trúc mà phu nhân ta đã mua về từ tháp Báo Thiên?

- Bẩm thái sư, đúng kẻ học trò này.

Thái sư vuốt râu, đôi mắt sáng của ông nhìn vào mặt Phạm rồi nói bằng cái giọng vang và trầm:

- Vẽ khéo đấy. Nhà ngươi có thể vẽ... ngay lúc này, trước mặt ta? À, cũng chẳng cần vẽ. Viết cũng được. Chỉ cần viết một chữ đại tự. Thế nào? Có được không?

- Kẻ tiểu nhân xin viết. - Phạm Sinh điềm đạm nhận lời.

- Ta cho phép tự chọn. Viết chữ gì cũng được. Tùy ý.

Người hầu bê ra cái nghiên mực lớn bằng đá, một bó bút các cỡ, một tờ giấy đại bạch, một tờ hồng điều, một vuông lụa lớn. Phạm chọn cái bút to nhất và tấm lụa bạch. Tấm lụa được căng lên khung. Phạm trầm ngâm đứng trước tấm lụa, mắt nhắm lại hồi lâu, tay đặt lên đầu chạm vào chiếc bút cài sau gáy.

Rồi anh choàng mở mắt, chấm chiếc bút vào nghiên đá, khẽ quay đầu bút vài vòng, rồi khoan thai như múa chiếc bút trên nền lụa.

Thái sư chằm chằm nhìn. Một chữ lớn đen nháy, khỏe khoắn, dịu dàng hiện lên trên mầu trắng ngà tinh khiết. Ông nói:

- Chữ “Thần” ư? Thư pháp được đấy. Nhưng tại sao lại chữ thần? Ngươi nghĩ gì mà viết chữ thần?

- Tiểu nhân mạo muội xin phép được nói. Trộm nghĩ: mọi vật không có thần sẽ bất dạng. Người không có thần là kẻ thất phu. Kẻ viết chữ không có thần chỉ là con mọt sách. Việc làm không có thần chỉ là việc làm của phường ngu muội. Ngay cả đến sông kia, núi kia, tất thảy đều mang một chữ thần, nên mới làm cho bậc tao nhân mặc khách phải ưu tư, làm cho kẻ sĩ trong thiên hạ phải đau đáu tấm lòng...

Thái sư lặng lẽ khoanh tay trước ngực rồi gật đầu:

- Thôi được. Ta hiểu ngươi. - Giọng ông chợt như trầm xuống. - Sở dĩ hôm nay ta gọi ngươi đến, vì muốn nhờ ngươi một việc. Từ ngày phu nhân của ta mất đi, ta muốn có một bức tranh vẽ bà. Cứ băn khoăn tìm người họa sĩ mãi. Đêm trước, bà về trong mộng, bảo ta sao không đến tháp Báo Thiên, tìm người viết thuê dưới gốc đa, người đã vẽ bức trúc họa. Vậy ngươi có nhớ được mặt bà không? Có thể vẽ lại được không?

- Tiểu nhân đã nhiều lần thấy phu nhân đến chùa dâng hoa cúng Phật. Tiểu nhân vẫn còn nhớ được dáng vẻ tôn quý của người. Dạ thưa đó là khuôn mặt từ bi...

- Đúng! Phu nhân ta là người nhà phật... Đúng! Ngươi đã biết tên bà là Nhất Chi Mai... chắc phải rất chú ý. Và đã chú ý chắc phải nhớ. Cũng chính vì vậy nên ta đã quyết định gọi người đến. Ta hẹn ngươi trong mười hôm, ngươi hãy về nhớ lại, vẽ bức họa về bà. Nhớ gắng hết sức. Ta sẽ trọng thưởng.

Phạm Sinh trở về ngôi chùa đổ, tìm cách báo tin cho Tổ Thu và Ngưu Tất biết chuyện. Một đêm, hai người lẻn đến ngôi chùa đổ. Tổ Thu nói:

- Quan thượng tướng bảo đã đến gặp được Quý Ly là điều rất tốt. Chỉ có điều ông ta đa nghi, kĩ lưỡng. Để đến gần ông ta hơn nữa không phải dễ. Đệ cần phải nhớ ngay như sư huynh Nguyễn Đa Phương đã được ông nhận làm nghĩa đệ mà ông ta vẫn nghi ngờ, khi cần vẫn giết.

Ngưu Tất truyền lại lời của quan Thái bảo Nguyên Hàng:

- Từ nay cần ít liên hệ với người bên ta. Quý Ly khi gặp có nói: đã biết tên phu nhân là Nhất Chi Mai chắc ngươi phải rất chú ý rồi, tức là trong đầu óc ông đã muốn tìm hiểu người bán chữ này là ai, tại sao lại quá quan tâm tới gia đình thái sư như vậy.

- Đệ xin ghi lời các sư huynh. Và đệ đã có cách... Chắc chắn bức tranh của đệ vẽ bà Nhất Chi Mai phải làm ông ta ưa thích.

Khi sắp đến ngày gặp thái sư, cô Hạnh rất lo lắng.

- Hang hùm đấy! Cha em đã gặp nạn vì vào đó, đến nay còn chưa biết sống chết. Em thật không hiểu chốn hang hùm ấy có cái gì lại hấp dẫn được cả anh.

- Chính vì muốn giúp những người như cha em, nên anh phải vào đó.

Cô gái cúi đầu:

- Mẹ con em lúc này bơ vơ. Nhỡ anh có thể nào...

Phạm Sinh mang bức tranh đến gặp thái sư. Trông thấy bức tranh, Quý Ly mắt sáng hẳn lên.

- Thật tài hoa. Từ bi, đúng là từ bi như bà ấy! Mà lại giống. Nhà ngươi có trí nhớ thật tài tình... có bàn tay vàng... Thần! Đúng là thần họa! Này lúc nhà ngươi giảng giải cái thần, ta lấy làm... sốt ruột quá... Nhưng hôm nay, xem tranh, ta mới hiểu ngươi thực lòng. - Thái sư nhìn sâu vào mắt Phạm. - Ta thích sự thật lòng.

Phạm Sinh nhún nhường:

- Đa tạ thái sư quá khen.

Quý Ly cầm khư khư bức tranh người đàn bà buồn rầu đang đẩy hai bàn tay ra phía trước, ngắm nghía không chán; hôm ấy ông thật cởi mở, dễ tính. Chính ông dẫn Phạm vào tòa hậu điện nơi thờ Phật và thờ bà vợ. Tự tay ông treo bức họa lên bàn thờ, thắp hương, rồi dịu dàng thì thầm trong tâm tưởng:

- Phu nhân hãy về mà xem. Phạm Sinh đấy, người thợ vẽ mà bà trân trọng đấy. Anh ta đã vẽ bà cũng trân trọng như tấm lòng của bà. Kìa, chàng thư sinh đang hái hoa đại để dâng lên bàn thờ. Ai mách bảo mà anh ta biết bà thích những bông hoa màu trắng?

Mà kỳ lạ thật. Từ lúc vào đây, Phạm trông thấy hai cây hoa đại, và như có một hấp lực ẩn ngầm vào đó đã hướng dẫn chân anh đến cây hoa, anh cung kính hái để dâng lên cúng bà. Và anh cũng không ngờ cử chỉ tự nhiên ấy bỗng dưng tạo rất nhiều thuận lợi cho anh. Quý Ly hỏi chàng nho sĩ:

- Nhà ngươi thấy nơi đây ra sao?

- Dạ, thật tĩnh! Đúng như sự tưởng tượng của tiểu nhân về phu nhân. Nhưng lúc này, chợt thấy như còn thiếu một chút gì đó...

- Thiếu gì?

- Dạ, tiểu nhân chợt nảy ra một ý... Có lẽ một pho tượng... Vâng, đúng! Một pho tượng của phu nhân.

- Sao?

- Vâng! Phải tạc một pho tượng.

- Bằng gỗ ư?... Không!

- Tốt nhất là bằng đá... đá cẩm thạch... hay đá trắng? Tinh khiết... như Phật bà... Vâng pho tượng lớn bằng người thực... rất tinh khiết và từ bi...

- Hay! Ngươi nghĩ như thế cũng phải. Vậy thì ngày mai, ta sẽ cho ngươi thợ, cho ngươi đá... sẽ tạc một pho tượng bằng đá trắng giống hệt như bức tranh ngươi đã vẽ... Ngươi phải đứng lên trông nom cho ta.

Câu chuyện về pho tượng đá trắng, về pho tượng người đàn bà tinh khiết như Phật bà xảy ra như vậy đó. Thái sư sai người đến làng Nhồi, Thanh Hóa, tìm một tốp thợ khéo tay nhất, tìm một tảng đá trắng đẹp nhất mà dân làng Nhồi vẫn thờ ở đình làm vật hương bảo, một tảng đá mà họ chỉ dành để tiến vua, để tạc một pho tượng quý. Nghe nói tìm đá tạc tượng công chúa Huy Ninh, một bà công chúa từ bi của dòng nhà Trần, làng Nhồi sẵn sàng cung tiến ngay.

Hôm khởi công tạc tượng, phường thợ làm lễ, ông thợ cả dâng hương hoa. Rồi ông lấy chiếc dùi gỗ gõ vào tảng đá. Tiếng đá vang vang như tiếng chuông vàng; dứt hồi gõ vẫn ngân nga kéo dài không muốn dứt. Thái sư đến dự, ông nghe tiếng đá ngân như tiếng thì thầm dịu dàng của bà Huy Ninh còn lưu lại trên đời.

Xưởng đá nằm trong hoàng cung. Hàng ngày, tốp thợ và Phạm Sinh đều đặn đến đó từ sớm. Ông thợ cả cùng Phạm Sinh nghiên cứu bức họa tỉ mỉ rồi mới cho đục. Khó nhất là gương mặt sao cho thật giống. Phải có nỗi buồn nhân thế nhưng không bi lụy. Khi tạc gương mặt bà Huy Ninh chính tay ông thợ cả phải làm suốt mười lăm ngày ròng rã. Thái sư đến thăm, bắt gặp cuộc trao đổi giữa ông già và Phạm Sinh.

- Tôi đã thấy gương mặt từ bi của đức Phật. - Ông già nói. - Mắt đã tỏa ra ánh dịu dàng.

Phạm Sinh lắc đầu:

- Gương mặt mới chỉ là trìu mến, hiền hậu, ánh mắt hãy còn hẹp. Gương mặt bà phải tỏa ra bao la rộng rãi. - Anh chau mày lại, tìm lời diễn tả. - Thế nào nhỉ, dưới ánh mắt của bà, người thiện cũng như người ác đều được ân huệ, ví như một bóng mát bao la giữa mênh mông nắng. Người tốt thấy mình tốt hơn. Người xấu không thấy xấu hổ và chợt lóe nhìn thấy ánh sáng vơi nhẹ. Nghĩa là ta cảm thấy an lành... Đúng... phải cảm thấy an lành, đó là điều cần đạt tới...

Rồi Phạm hì hục dội nước để ông già lấy đá nháp mài đi những nét tục còn đọng lại đó đây trên pho tượng đá. Thái sư gật đầu:

- Ngươi hiểu đúng. Ở phu nhân chính là sự an lành. Ta thấy sự an lành trong bức họa của ngươi còn tỏa ra trên đôi bàn tay ngà.

Cụ thợ cả gãi đầu:

- Vâng. Tạc tượng khó nhất là gương mặt và đôi bàn tay. Bàn tay cũng là gương mặt của người. Bẩm thái sư hoàn thiện đôi bàn tay cho thật ưng ý có khi mất tới nửa tháng.

Cũng nhờ việc làm tượng lâu như thế. Phạm Sinh đã nhiều lần được nói chuyện với thái sư. Quý Ly dần dần thấy mến và hiểu chàng nho sinh ngoài tài viết vẽ, còn có một sức học khá uyên thâm. Ông hỏi:

- Có phải nhà ngươi là người đã vẽ bốn bức tranh tứ phụ?

- Bẩm vâng.

- Con trai ta, quan kiểm pháp Nguyên Trừng cũng là người vẽ tranh, rất khen nét bút của ngươi.

- Đó là điều vinh hạnh cho kẻ học trò này.

- Ta nghe nói thượng tướng Khát Chân, sau khi nhìn ngươi vẽ xong, thấy mến tài, có ý định tiến cử, sao ngươi không nhận?

- Tiểu nhân là người ít gặp may, chính lúc đó lại mắc công việc, phải đi xa ít bữa.

- Ừ! Ngươi vẽ rất khéo, sao lại không vẽ tranh bán? Làm nghề bán chữ, phỏng được bao tiền?

- Bẩm thái sư tiểu nhân bán chữ là vạn bất đắc dĩ, chỉ cốt kiếm sống qua ngày là đủ. Còn nghề vẽ... kẻ học trò này từ khi cầm bút, đã có lời nguyền chỉ vẽ cho người tri âm, tri kỷ.

- À, ra thế. - Rồi ông gật gù. - Tiếc thật. Tiếc thật!

- Đáng tiếc, triều đình lúc này đang bận nhiều việc, chưa có điều kiện mở khoa thi, để cho những người trai trẻ như ngươi được vẫy vùng cho thỏa chí.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3