Hồ Quý Ly - Chương 12 - Phần 7

Hòa thượng hiền từ trả lời:

- Ta hiểu và ta mừng. Con đang bối rối tức là con đang tìm đến với đạo.

- Hôm chúng con ra đi, nhạc phụ của con giao cho con quyển sách viết giở và cây bút lông?

- Cây bút lông? Quyển sách viết tiếp? Có lẽ con có duyên với việc đó. Thầy chỉ xin tặng con hai câu thơ của người xưa:

Thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt.

Vạn lý vô vân, vạn lý thiên.

(Ngàn sông tràn nước, ngàn trăng sông.

Muôn dặm không mây, trời mênh mông.)

Phạm Sinh ngẫm nghĩ:

- Thưa thầy, mặt trăng chỉ có một, nhưng ngàn sông có nước nên có ngàn trăng dưới nước. Dù sao cũng chỉ có một mặt trăng mà thôi.

- Con thấy đấy: chân như bất biến, nhưng tùy duyên vạn biến.

- Con xin giữ lấy chân như.

- Con hãy cầm lấy cây bút lông của nhạc phụ con. Nhưng mực của con phải là thứ mực đại từ bi của chân như... Hãy vượt qua thị phi... Con hãy nhớ.

Vợ chồng Phạm Sinh ở lại am Hoa cuốc đất, trồng khoai, trồng thuốc. Dạo này, đêm nào hổ cũng gầm gào và về mài vuốt ở cây xích tùng. Những vết móng hổ hàn sâu khắp gốc cây. Sư Vô Trụ nói với ông bạn già họ Phạm:

- Thời tiết của tôi đã đến rồi chăng?

- Nên như thế nào? - Cư sĩ hỏi.

Sư ngẫm nghĩ rồi bảo:

- Đạo đang ở thời kỳ mạt pháp nhất. Nhưng vua bụt, tổ của chúng ta đã khêu đèn Phật, gieo hạt bồ đề ở khắp đất nước. Những chủng tử ấy nằm ở những ngôi chùa làng. Và khi nào đất nước cần đến, những mầm ấy gặp duyên lại thức dậy che chở cho dân lành. Lúc này chúng ta là những kẻ ẩn cư, giữ mầm lành.

Rung động liên tiếp mấy hôm. Đêm nào cũng có tiếng thú kêu xáo xác trong rừng và con hổ lạ vẫn về mài móng ở cây xích tùng sau am. Sư Vô Trụ mệt đi trông thấy. Phạm Sinh lo lắng hỏi:

- Thưa thầy, tại sao rừng lại động lâu như thế?

- Ta cũng chưa hiểu... nhưng, ta có nghe...

- Có lẽ nào...

- Các cụ nói rằng những khi có chuyện bất thường, rừng thường nổi giận. Như năm xưa, lúc cha con chiếm Thăng Long, rừng đã nổi giận một lần. Bận ấy, có lẽ cũng dữ dội như lần này. Rồi năm ngoái, quan quân dẹp bọn nổi loạn trốn trong rừng sâu, rừng cũng xáo xác...

- Có lẽ nào...

- Chúng ta có lục căn. Tâm tình lúc xúc động biểu lộ ra bằng tiếng cười, tiếng khóc... Thầy chắc rừng cây muông thú cũng vậy thôi.

- Thưa thầy... con trộm nghĩ như con hổ lạ kia, đêm nào cũng về mài móng ở cây xích tùng... đêm qua, con để ý, thầy ra khỏi am nhưng nó không hề xúc phạm. Đến khi con ra hiên đón thầy vào, cũng chẳng xảy ra chuyện gì. Khi con đốt lửa sưởi ấm cho thầy, con nghe thấy tiếng cào móng càng lúc càng dồn dập. Nghe cả tiếng rít ư ừ như tiếng kêu thương của một con mèo to lớn mà hiền dịu. Con cảm thấy như nó lo lắng cho thầy...

Hòa thượng cười hiền hậu:

- Ngày xưa, lúc ta còn là một chú tiểu, sư Huyền Quang, thầy khai tâm của ta lúc sắp ra đi, ta sụt sùi khóc, thầy bảo: “Sinh tử nhàn như dĩ...” Bây giờ cũng vậy ta biết con thương ta, nhưng ta là người tu hành con đừng nên lo lắng quá... Con là người viết sử... cũng đừng nên để rối cái chân tâm.

Phạm Sinh ngần ngừ mãi rồi hỏi:

- Bạch thầy, con quyết định viết tiếp sử nhưng còn một điều con băn khoăn mãi vẫn chưa nghĩ ra.

- Con cứ nói.

- Thưa thầy, nhạc phụ con thường khi vẫn nhắc tới hai chữ hồn sông hồn núi. Thú thực, con vẫn chưa hiểu rõ hai chữ ấy.

Sư Vô Trụ ngẫm nghĩ hồi lâu mới trả lời:

- Một non sông cũng như một con người, vốn có cái nghiệp của nó. Đó là cái cộng nghiệp của toàn thể người dân. Đức Phật bảo con người có A lại da thức, nơi tàng chứa những chủng tử lành dữ của con người qua nhiều kiếp. Một đất nước cũng vậy, trong tàng thức của non sông có chứa những chủng tử... những mong muốn tốt đẹp những điều văn hiến mà dân tộc ấy đã gieo trồng, chúng biến thành khát vọng, thành hồn của núi sông, rồi từ đời này sang đời khác, khát vọng ấy sẽ hóa thân vào những bậc hiền nhân, vĩ nhân, danh nhân và cả trong những trái tim tốt lành của người dân thường để dẫn dắt dân tộc ấy đi đến đường của Đạo.

Nói đến đây, sư Vô Trụ có vẻ mệt. Cụ lặng im. Phạm Sinh rạp đầu xuống tạ ơn, và để nhận ánh sáng từ bi an lành của thầy tỏa ra từ bàn tay già đặt lên đầu chàng. Có lẽ đó là sự giao nhận cuối cùng của thầy và trò.

Cuối cùng, sư bình tĩnh dặn dò:

- Thời của ta đã đến rồi đấy... Ta nghe rõ trong mình... Từ mai ta sẽ tuyệt cốc không ăn uống. Khi nào ta ra đi hẳn, cứ để xác ta nửa tuần trăng. Nếu không có mùi gì thì để nguyên, bọc lại, táng vào hang núi, lấy đá lấp kín. Còn nếu có mùi khác lạ thì hãy hỏa thiêu rồi đem tro vùi ở gần làng Quy Đức. Ta muốn chết còn được nương nhờ bóng mát của tổ Trúc Lâm.

Từ hôm đó, sư ngồi thiền suốt đêm ngày và không ăn uống.

***

Khi con bạch tượng đưa Nguyên Trừng và Thanh Mai leo đèo vượt dốc, lội qua hàng chục con suối đến chân núi Yên Tử, đã thấy quan lại địa phương và xã trưởng cùng nhân dân bầy hương án sẵn để đón rước. Quan phủ rước đức ông vào nghỉ ở căn nhà tạm mới mọc lên. Người đó thưa:

- Theo lệnh của đức ông, lộ đã sức về phủ, phủ đã sức về huyện, huyện đã sức về xã, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng...

Trừng bảo:

- Các ông biết đấy. Tây Đô đã hoàn thành. Năm nay mở hội thề rất lớn trong đó. Nhưng cha ta muốn cả nước đều được tưng bừng, vì vậy cho phép mùa xuân này, các hội quê đều được mở. Tiếng âu ca phải được vang lên khắp nơi. Vả lại, năm qua cả nước được mùa. Ta nghe nói, mấy năm nay Yên Tử không mở hội. Hơn nữa, vừa rồi phủ sở tại đây đã dập tắt được một nhóm nô tỳ kéo nhau tụ tập trong rừng, tuy chưa làm phản nhưng chắc là có chí ấy.

Viên quan sung sướng khúm núm:

- Dạ, quân lính đã chặt được hơn trăm thủ cấp.

- Tôi có nghe an phủ sứ đề nghị thăng thưởng cho ông. Việc võ là cần, nhưng việc văn cũng cần không kém. Vì vậy, tôi muốn ông cho tổ chức ngày hội Yên Tử thật long trọng. Tôi đã dặn thưởng thêm cho phủ trăm lạng bạc, chi vào lễ hội. Ông nên biết, dân rất thèm vui. Mấy năm nay, chẳng hề nghe tiếng trống thì thùng... có hội, lòng dân sẽ vui tươi nô nức...

Đúng lúc Nguyên Trừng đang nói, rừng Yên Tử bỗng rộ lên những tiếng kêu xáo xác của muông thú. Tiếng động ồn lên như một cơn sóng ào ạt xô tới, rồi bỗng dưng bặt lặng. Trừng nhíu mày hỏi:

- Tiếng gì vậy?

- Dạ mấy hôm nay rừng động!

- Sao lại động?

- Dạ, có thể lúc quan quân hàng ngàn người reo lên à à sục sạo trong rừng tìm lũ phản loạn, rồi đang đêm đốt đuốc thổi tù và inh ỏi... nên đã làm lũ muông thú kinh hoàng. Cũng lại có thể, vì con hùm đen - chúa rừng, đã lâu vắng bóng, nay lại xuất hiện ở vùng này... Thật lạ lùng? Nghe nói con vật đó hằng đêm vẫn về mài móng vào thân cây xích tùng ở am Hoa trên núi nhưng lại chẳng hề làm hại tới sự cụ Vô Trụ và những người ở đó.

- Hổ về ư? Chúng đã xâm phạm tới ai chưa? Hổ về làm sao mở hội? Các ông đã có biện pháp gì?

- Xin đức ông chớ lo. Chưa hề xảy ra chuyện. Còn biện pháp, chúng tôi đã theo kinh nghiệm của dân sở tại. Mỗi năm, trước khi mở hội, xã vẫn thịt trâu rồi vứt thịt ra những cánh rừng xa. Hổ có cái ăn no sẽ chẳng động tới dân. Năm nay cũng theo cách ấy, nhưng vì rừng động, nên hạ quan đã ra lệnh thịt ba con trâu, vứt thịt ở các ngả. Lại có thêm hai con khác dự phòng.

Nguyên Trừng nhìn viên quan phủ tinh khôn ấy rồi gật đầu:

- Ông thật khéo. Tôi yên tâm rồi.

***

Khi Nguyên Trừng, Thanh Mai, ông già Lặc leo lên núi cũng là lúc hội Yên Tử bắt đầu. Các ngôi chùa Long Động, Giải Oan, Vân Yên... đều gióng chuông từ sớm. Từ các làng quê trong vùng, những người dân nghe tiếng chuông ngân nga, từng đoàn kéo nhau về Yên Tủ. Một lá phướn to, dài mầu vàng treo trên đầu cây bương cao chót vót được chôn ở chân núi trước khi đến suối Giải Oan. Dân quê ngạc nhiên và háo hức bởi vì hội Phật hầu như vắng bóng đến chục năm trời, nay bỗng nhiên được mở, mà lại do chính các quan trên đứng ra đỡ đầu. Hội đông là phải...

Nguyên Trừng đứng trên dốc đá, dưới một gốc tùng già nhìn xuống chân núi, thấy dòng người nô nức đang tiến về phía chùa Giải Oan thấy ngọn phướn uốn lượn trong gió như con rồng vàng đang múa; rồi chợt một hồi chuông chậm rãi từ trên núi vang vang lan tỏa trên đầu những cây đại thụ, tiếng chuông hiền từ nhưng sao mà buồn đến vậy, ông chợt thở dài, có chút ngậm ngùi... Thực ra, cuộc mở hội này là điều bất chợt ông tự nghĩ ra, đâu có phải ý định của quan thái sư. Trừng đi thăm ông ngoại nên muốn có món quà làm ông vui lòng. Mới đầu, ý nghĩ chỉ giản đơn thế thôi, nhưng khi hội mở, nhìn mặt người dân hớn hở, Nguyên Trừng mới chợt thấy như mình có lỗi với mọi người.

Cụ lang Phạm gặp Nguyên Trừng đã nói ngay:

- Được tin cháu lên thăm, lại được tin mở hội Phật ông biết ngay đây là ý riêng của cháu...

- Cháu chỉ muốn làm ông vui lòng.

- Chẳng những ông vui và người dân cũng cảm ơn cháu. Đã gần chục năm nay, họ vẫn mong một ngày hội Phật. - Ông già ngẫm nghĩ rồi hỏi. - Làm thế này, cháu không sợ cha cháu phật lòng hay sao?

Nguyên Trừng cười:

- Cả đến ông, cũng không hiểu được lòng cha cháu.

- Không hiểu cha cháu?

- Ông thử nghĩ xem. Khói hương ư? Tụng kinh ư? Lễ hội ư? Cha cháu tại sao lại giận, tại sao lại phản đối?... Chỉ miễn là lòng dân an vui. - Trừng mỉm cười. - Thậm chí cha cháu còn bảo sau khi thăm ông, cháu phải đến vấn an các thiền sư Yên Tử, và thỉnh các vị về Tây Đô mừng kinh đô mới.

***

Sư Vô Trụ, không ăn uống, ngồi kiết già đã mấy ngày liền vẫn chưa thị tịch. Hôm Nguyên Trừng theo ông ngoại từ am Dược đến am Hoa viếng thăm, sư đột nhiên bừng mở mắt và sai chú tiểu mời vào. Nguyên Trừng làm lễ vấn an, thiền sư nói:

- Khi đức ông còn nhỏ tuổi, tôi đã có duyên hội ngộ. Đức ông từ khi ấy đã đọc kinh Phật. Vậy là đã có chút duyên với nhà Thiền.

Nguyên Trừng truyền đạt lời mời tới Tây Đô dự lễ. Sư nói:

- Rất tiếc, đã đến thời tiết của lão nạp này rồi.

- Xin thiền sư chỉ giáo đôi lời.

- Lão nạp đức mỏng không có lời riêng. Chỉ xin gửi lại đức ông hai câu kệ của đức Nhân Tông:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.

Cơ tắc xan, hề, khốn tắc miên...

(Ở cõi trần vui đạo, hãy tùy duyên

Đói thì ăn, hề, nhọc ngủ liền...)

- Tùy duyên?

- Vâng... có duyên, chớp mắt mọc vạn lâu đài. Hết duyên, chớp mắt lại tan ngay...

Thiền sư nhắm mắt, từ đó ông không nói gì nữa. Hôm sau, Nguyên Trừng từ giã ông ngoại xuống núi. Nguyên Trừng để Thanh Mai ở lại ít bữa với ông ngoại để giúp đỡ am Hoa, vì sư Vô Trụ sắp ra đi. Nàng và ông già Lặc tiễn chân Trừng xuống chân núi. Hôm đó mở hội phóng sinh và phóng đăng ở suối Giải Oan. Những bè chuối nhỏ đem theo những chiếc đèn hoa bập bềnh trôi theo dòng nước. Những con cá chép từ chậu được thả ra suối trước khi bơi đi xa còn cố ngoi lên mặt nước thả những chuỗi bong bóng như để cám ơn con người. Phạm Sinh và Thị Hạnh mua một lồng chim sáo của bọn trẻ mục đồng, trùm chiếc khăn vuông xưa của bà nô tì lên. Thị Hạnh nhón tay nhấc chiếc khăn để Phạm Sinh mở cửa lồng cho con sáo nhảy ra đậu trên lòng bàn tay chàng. Phạm Sinh nói:

- Bay đi! Hãy trở về với bầu trời!

Con chim bay vút lên cây cao. Đột nhiên trong rừng một bầy chim từ những lùm cây bay túa lên trời kêu xáo xác.

Người quản tượng mới thay ông già Lặc tiến lại gần con voi trắng. Con bạch tượng chợt giậm chân thình thịch như tức giận, khiến người đó không thể nào tiến lại gần. Nó bỗng vươn vòi lên trời, chồm lên, đứng bang hai chân sau và bắt đầu rống. Tiếng rống vang trời, gọi mọi người xúm lại gần. Càng thấy đông, con voi càng nổi cơn giận dữ. Tiếng rống của con bạch tượng chuyển sang giọng man rợ chưa từng thấy. Tiếng nó kêu rung chuyển núi rừng. Tiếng rống xoáy vào rừng sâu kêu gọi, làm rừng tĩnh lặng bỗng nhiên choàng tỉnh. Ở phía xa xa, hình như cũng có tiếng gầm gào đáp lại. Nguyên Trừng thở dài. Đây là lần thứ hai ông thấy con voi giận dữ. Ông nhớ lại lần trước, ở pháp trường Báo Thiên, con voi cũng đã gào rống như thế này. Song, lần đó, người ta hát bài hát dỗ voi đã dần dần làm nó nguôi đi. Lần này, ông già Lặc cũng hát:

Ơ con voi rừng!

Ơ con voi hoang!

Nước mắt ròng ròng

Cái vòi ủ rũ

Vểnh tai lên mà nghe ta hát

Vươn vòi lên mà đón nhành hoa...

Nhưng con bạch tượng chẳng chịu nghe lời dỗ của ông Lặc nữa. Nó chẳng cần nhành hoa. Lần này nó điên thực rồi. Nó chỉ còn biết rống lên bằng tiếng kêu thảm thiết, nghe mà rùng mình, giống như tiếng kêu chọc tiết của hàng ngàn vạn con lợn. Có lẽ lần này ở đây là rừng, và tiếng gọi của rừng đánh thức khối óc nhỏ bé của nó đã ngủ lịm từ bao lâu nay. Nó thức giấc và không chịu ngủ lại lần nữa.

Thanh Mai nói với Nguyên Trừng:

- Em xin chàng một đặc ân. Xin chàng hãy thả nó về rừng.

Nguyên Trừng như còn suy nghĩ, Thanh Mai lại tiếp:

- Hôm nay, ngày hội phóng sinh. Sao chàng chẳng phóng sinh cho con bạch tượng?

- Phóng sinh ư?

- Cha chàng, ngài thái sư đã chẳng phóng sinh cho hàng vạn nô tì rồi đó sao?

- Đúng! Phóng sinh. Phóng sinh. Ý nghĩ của nàng thật tuyệt. Đã có bao giờ người ta phóng sinh cho một con voi chưa?

Con voi được tháo xích, nó nhằm thẳng phía rừng già, cắm đầu chạy, vừa chạy vừa rống lên ồ ồ, nhưng đó là tiếng rống mà Nguyên Trừng chưa hề bao giờ nghe thấy. Tiếng kêu của nó dần mất hút trong rừng sâu. Nguyên Trừng lên ngựa ra sông Lục Đầu, trở về Tây Đô. Tất cả, ông ngoại, Thanh Mai, ông già Lạc và cả con voi nữa đều ở lại Yên Tử.

Chàng ra đi chỉ có một mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3