Hồ Quý Ly - Chương 13 - Phần 3

3

Đêm thứ ba ngày hội Tây Đô.

Tôi vừa đi dự tiệc trong hoàng cung trở về. Đủ mặt các vị đại thần. Bữa tiệc đầu tiên của triều đình kể từ khi Tây Đô xây dựng xong. Đêm nay cha tôi vui chưa từng có. Tôi như còn thấy gương mặt hớn hở với đôi mắt sáng lóng lánh, và cả cái giọng sang sảng của thân phụ tôi khi ông đọc bài giải nhất cuộc thi phú với đầu đề “Phú con ngựa lá”.

Cha sai tôi viết thông báo để mọi người dự thi ở Quảng Văn Lâu ngoài cửa Tiền. Thực ra, việc làm đó chỉ là nghi thức, bởi vì hầu hết các quan trong triều đã biết chuyện đó, biết đầu đề bài phú, còn biết cả thể lệ cuộc thi ra sao. Nói cuộc thi dành cho tất cả học trò trong nước, nhưng thực ra đó là cuộc thi của các bậc danh sĩ, toàn các bậc đô đạt, tiếng tăm viết bài. Lúc tôi đi công cán ở Yên Tử, cha tôi đã nghĩ ra đầu đề, sao chép ra nhiều bản, gửi đến các ngài khoa bảng và các quan văn trong triều. Cha tôi thật khéo? Như vậy đã buộc các bậc triều thần hay chữ người nào cũng phải viết một bài văn ca tụng Tây Đô. Vả lại, không cứ gì các văn quan mới hay chữ, cả các võ quan cũng thế, tôi nhẩm tính hầu hết các vị tướng trong triều ông nào cũng làm thơ cả; người ta không thích mang tiếng võ biền, ông nào cũng muốn được kể vào hàng văn võ song toàn. Do vậy, một số quan võ cũng nhận đầu đề làm bài phú về con bọ ngựa.

Trong bữa tiệc, cha tôi vui miệng kể cho cả triều đình nghe:

- Khi thượng tướng Khát Chân báo tin mọi công việc xây dựng Tây Đô đều đã hoàn thành tốt đẹp. Tôi rước vua vào kinh đô mới. Kiệu vua đi trên con đường đá thẳng tới cửa Tiền. Gần tới nơi, thấy một đoàn dân chúng già có, trẻ có, bày hương án và tung hô vạn tuế, phủ phục chào thiên tử. Tôi thay mặt nhà vua ra phủ dụ dân chúng. Một ông già đầu tóc bạc phơ, đại diện các bô lão trong vùng, quỳ xuống dâng lên một chiếc hộp lồng kính. Nhìn vào thấy một con bọ lá có hình dáng giống hệt con ngựa. Không phải là giống bọ ngựa đâu? Khác lắm? Như một con thiên lý mã vậy? Các cụ bảo: đúng lúc kinh đô làm xong, lên Đốn Sơn, thấy hòn đá nứt và thấy trên đó có con bọ lá đẹp đẽ, hiếm hoi, kỳ lạ, liền đánh bạo dâng lên. Tôi đưa cho triều thần mọi người cùng xem. Ai nấy đều trầm trồ, khen là điềm lành. Vì vậy mới nghĩ ra đầu bài: “Phú con ngựa lá”.

Nói xong, cha tôi cười khà khà. Đêm nay, cha tôi vui chưa từng có. Còn riêng tôi, vẫn nỗi buồn hôm xưa đeo đẳng. Có phải vì sự chia cách với Thanh Mai? Đêm hôm trước khi chia tay ở Yên Tử. Thanh Mai nói với tôi răng:

- Chàng thật nhiều quyền thế! Nhưng có những điều em muốn, chàng cũng chẳng làm được.

- Nàng muốn gì?

- Ước gì chàng không phải thuộc dòng quyền quý, ước gì chàng chẳng phải một đức ông, ước gì chàng chỉ là người dân thường...

Nhớ lại những lời nói ấy tôi càng buồn thêm. Nó động tới những hố thẳm ngăn cách vô hình mà thực tế đặt ra và con người rất khó vượt qua. Nếu như cuộc tình này chỉ là một cuộc vui chơi thoảng qua, ở địa vị của tôi, người ta vẫn chau mày lại, nhưng còn có thể tha thứ. Nhưng thử hỏi, nếu coi nó là việc nghiêm túc, sẽ ra sao... Tự nhiên, tôi thấy bồn chồn... Đến kinh đô mới này, sao tôi cứ cảm giác như không phải chính quê hương tôi. Vừng Tây Đô là quê hương của họ Hồ. Mồ mả tổ tiên tôi đều nằm ở đây. Cha tôi xây dựng Tây Đô cũng chính vì người muốn trở về nơi chôn nhau cắt rốn, muốn tìm sự ủng hộ, tìm sự tin cậy của những người cùng quê. Chả thế, như tôi đã nói, cha tôi đêm nay hớn hở như con cá chợt tìm thấy nước. Còn tôi, sao lòng lại thấy ưu tư, sao lại cảm thấy xa lạ, sao lại như kẻ bị lưu đày trên chính quê hương của mình? Tôi như kẻ mộng du để cho tâm hồn mình chợt lạc về Thăng Long, lại có lúc phiêu diêu trên đỉnh Yên Tử. Cứ như muốn nhận chính những nơi ấy mới là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Phải chăng vì ở đấy có những ky niệm êm ả, vì ở đấy còn có Thanh Mai; còn ở đây người ta có thể tươi cười hể hả, nhưng lúc nào đầu óc cũng sưng tấy lên tìm những thủ đoạn, những âm mưu.

Kìa! Tôi như còn nhìn thấy rõ mồn một, thái sư Quý Ly và thượng tướng Khát Chân đang ngồi cạnh nhau, nói cười hể hả. Thượng tướng giơ chén rượu lên:

- Xin chúc mừng thái sư tuổi già thêm mạnh khỏe. Mấy tháng nay, được thái sư giao cho vào Tây Đô đôn đốc, hoàn thành nốt công việc xây thành, mới thấy ngài liệu việc như thần. Còn bận bao nhiêu việc triều chính đại sự ở Thăng Long, ngồi ở xa, không bước chân vào thực địa, thế mà ngài vẫn nắm rất chắc mọi công việc nơi đây. Cứ cảm thấy như ngài có thiên lý nhãn, ngoài nghìn dặm vẫn nhìn thấy hết tỉ mỉ mọi tình hình diễn biến ở Tây Đô.

- Xin cảm ơn lời khen và chúc tụng của thượng tướng. Về phần tôi, cũng rất hài lòng vì những công việc cuối cùng của thượng tướng làm cho Tây Đô thêm đẹp và đường bệ, vững chãi. Riêng công việc lát đá từ cửa Tiền đến núi Đún, đường quá dài mà chỉ làm trong vòng một tuần trăng. Nhân dân bảo ngài là người thần mới làm nhanh được thế. Còn tôi, tôi thấy chỉ có ngài, một vị tướng giỏi, mới làm nhanh được thế. Đúng như một trận đánh tốc chiến tốc thắng...

Hai người thực bụng hay giả bộ? Có thể họ thực bụng. Hàng năm nay, tình hình ở triều đình yên ắng. Chẳng có chuyện nào to tát xảy ra. Hầu như những âm mưu chống đối, những lời đả kích cha tôi đã xẹp xuống. Phe chống đối đã nản lòng chăng? Khi nhận nhiệm vụ đi hoàn thiện nốt Tây Đô, tướng Khát Chân thực sự đã làm việc hết mình. Kết quả rất xuất sắc. Việc xây con đường đá cửa Tiền như một huyền thoại. Đến nỗi dân gian bảo thượng tướng có bùa phép. Tối hôm trước, căng giây, trải giấy phủ mặt đường, rồi hóa phép. Sáng hôm sau, giấy hóa thành đá. Con đường đã trải xong.

Cha tôi hể hả, nâng chén mừng các bậc danh sĩ.

Cuộc thi “Phú con ngựa lá” thành công mỹ mãn. Gần một trăm bài văn ca tụng Tây Đô, không một bài chệch hướng. Trước lúc vào tiệc, cha vuốt râu bảo tôi:

- Cha thấy mừng. Không ngờ được như thế này.

- Cha có nghĩ rằng nhiều người viết ra lời ca tụng, nhưng trong bụng vẫn không đồng lòng với cha?

- Nghĩ chứ! Cha đâu có ngờ nghệch! Có ba mức ở đây. Mức thấp, viết nhưng bụng vẫn chống đối; Mức trung, viết nhưng lòng vẫn chông chênh; Mức thượng, viết toàn tâm toàn ý. Nhưng điều ta quan tâm ở đây là họ đã viết; đối với kẻ sĩ, lập ngôn là điều tối hệ trọng. Cha chỉ cần họ viết...

Tôi thở dài:

- Con hiểu.

- Ta mừng nhất là đã có bài của Đoàn Xuân Lôi. - Sự vui mừng hiện rõ trên mặt cha. - Con thử nghĩ xem một người đã viết thiên Phi Minh Đạo, một người có gan không sợ chết chống đối lại cha, thế mà nay lại viết “Phú con ngựa lá”, hơn nữa, bài phú đó lại hay. Có thể, trong lòng ông ta vẫn không thích cha... nhưng chẳng sao.

- Việc này cha phải cảm ơn Nguyễn Phi Khanh. Cha biết - Phi Khanh là người thức thời.. Nhưng sự đời rối rắm lắm... Có thể, cả Phi Khanh cũng có nhiều điểm chẳng bằng lòng cha. Nhưng cha trọng nhất ở chỗ ông ta dám gánh vác... đảm đương.

Tôi nói:

- Con đã gặp công tử Nguyễn Trãi, trưởng nam của Phi Khanh.

- Người thiếu niên đó ra sao?

- Cậu ta nói với Phi Khanh: “Cha hãy cứ ra gánh vác người đi mở đường bao giờ cũng khó khăn.” Chả trách! Bài phú của Phi Khanh là bài văn hay nhất cuộc thi.”

Tuy cha tôi khen nhất Phi Khanh, nhưng trong bữa tiệc, bài được đọc trước tiên lại là của Đoàn Xuân Lôi. Nguyễn Cẩn tốt giọng, được cử đứng lên đọc. Giọng ông sang sảng:

Kìa tạo hóa sinh ra muôn vật, phú cho hình lớn nhỏ khác nhau. Kìa là sâu hay là lá khôn phân, là động vật hay thực vật khó bề biết được. Con ngựa ở trên lá nọ, do giả hợp mà thành; úp lá xuống thì lưng thành loài có vằn có sông; ngửa lá lên thì bụng màu lục không héo không khô. Hai sừng nhọn như ngọc, tựa hai lá vông làm đồ chơi; Bốn móng sáng như sương, tựa chạm gỗ chử làm hình mẫu. Thân đủ mà nhỏ con; cao đầu mà rộng ngực. Náu hình không phân biệt cành kết hay hoa phô. Hình nhỏ nên nhìn khó thấy, mỏng manh chợt không, chợt có...

Than ôi! Người vốn lâu dài, thời đang thịnh trị. Đã hay giữ được thái hòa lại đáng tụ về muôn phúc. Trời sinh sâu này, há không có ý. Dáng hình con ngựa, tỏ rằng quân tử được xe. Kết lá làm nên, thấy được nhân dân nhờ cậy. Vả chăng: ngựa là rồng vậy, ứng điềm mở đất vô cùng.

Nguyễn Cẩn đọc phú của Đoàn Xuân Lôi đã sang sảng nhưng sang đến bài của Nguyễn Phi Khanh, giọng ông càng trở nên hùng tráng và phấn khích lạ thường. Hình như Cẩn tìm được sự đồng điệu trong lời văn Phi Khanh. Giọng ông vút lên vang vang trên vòm điện Minh Đạo:

...

Kính xem: tài năng thánh trí, khó kẻ luận bàn. Lại trộm nghĩ: suy xét lòng trời, dõi tìm nhân sự. Ví bằng sinh sâu thiêng lạ trên cây, sao bằng sản kẻ sĩ cao thượng, người kỳ tài trong thiên hạ.

...

Thế nên, đối với vật thiêng lạ cũng đã yêu thương, huống chi đối với loài xảo diệu còn hơn và cực kỳ thiêng lạ! Xin hãy đổi lòng yêu vật thành lòng trọng người hiền; đem chí đãi vật thành chí đãi kẻ sĩ.

...

Quán đãi hiền, ngựa hay mua được, vàng không sợ phí. Màn tiếp khách, Ôn họ mời về, Thạch kia vừa ý.

Khiến cho chốn triều đình, tượng vẽ được tìm, vùng rừng rú rồng nằm phấn khởi. Được như thế thì phô trương điều lành, ngợi ca đức tốt, há chẳng lớn lao rực rỡ lắm sao

Văn của Đoàn Xuân Lôi chúc tụng Tây Đô như gấm phô rực rỡ. Ý tứ của Nguyễn Phi Khanh thì sâu sắc thiết tha, biến chuyện con ngựa lá thành chuyện người hiền tài, khiến cho kẻ dự tiệc ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Kìa những khuôn mặt, người thì rạng rỡ, kẻ thì phân vân, lại có người bầm gan tím ruột nhưng vẫn nở nụ cười trên đôi môi tê dại. Hôm nay, cha tôi vui. Còn tôi, tôi muốn uống cho đến quay cuồng trời đất. Tôi muốn sao cho đầu óc trống rỗng. Chẳng muốn nghĩ gì. Phường nhạc nổi sáo, nổi đàn. Có cô cung nữ đang hát khúc Phượng hoàng yêu dấu của tôi:

Phượng hoàng hề!

Phượng hoàng hề bay vút trời cao!

Người xưa mây cũ nay ở nơi nao..

Tôi dùng bàn tay gõ nhịp và khe khẽ hát theo. Đêm hôm nay, tôi mơ thấy Thanh Mai về trong giấc mộng. Tôi mơ thấy nàng cưỡi con ngựa trắng, đi trên con đường đá Đốn Sơn, tiến vào cửa thành. Không hiểu sao, tôi lại kêu lên:

- Thanh Mai! Em hãy bay đi! Bay đi! Chớ có về đây! Chớ có về đây!

Và nàng cưỡi con ngựa trắng bay lên đỉnh núi.

4

Cho đến ngày thứ tư của lễ hội, tất cả vẫn diễn ra mỹ mãn. Bề ngoài phẳng lặng, nhưng thực ra bên trong thì sao? Những thám tử của ty Liêm phóng trà trộn vào đám dân xem hội nghe ngóng động tĩnh. Hơi có chuyện lạ Nguyễn Cẩn đã biết ngay. Hầu như chẳng có chuyện gì xảy ra. Sau khi vua Thuận Tông chết ở núi Đạm Thủy, mặc dầu tin tức đưa về là vua ốm mà chết, nhưng liệu người ta có tin không? Hồi vua Nghệ Tông chết, chẳng có mờ ám gì mà lời đồn đại vẫn xôn xao, và sự phản ứng đã dẫn đến đổ máu. Còn bây giờ, vua cũ đi tu, lại chết ở một vùng hẻo lánh, cái chết ấy há chẳng đáng suy nghĩ? Trong khi đó, vua kế vị ngồi trên ngai vàng thì sao? Một chú bé vắt mũi chưa sạch! Quyền lực rơi hết vào tay thái sư. Tại sao tình hình đến như vậy mà tất cả vẫn im lìm? Phải chăng những người đối địch đã nản lòng? Phải chăng gió đã đổi chiều thuận lợi? Những kẻ phản đối cứng đầu nhất đã lặng lẽ, ắt những người lưng chừng phải như ngọn cỏ nép đầu xuôi theo chiều gió. Cuộc thi “phú con ngựa lá” đã chẳng minh chứng điều đó rồi sao?

Hôm trước, thượng tướng Khát Chân dẫn tôi lên Đốn Sơn xem đàn thề. Đàn này khác đàn thề ở đền Đồng Cổ, Thăng Long. Ở Đồng Cổ, đàn thề giản dị, chỉ là chiếc đàn cao xây hình vuông, hai bên xây bậc lên xuống, để vua và thái sư ngự trên đó. Còn trăm quan ở dưới đàn, khi đến lượt ăn thề sẽ trèo lên, xong rồi đi xuống. Còn ở đỉnh núi Đún, đàn xây theo một quy củ rất phức tạp. Có cổng tam quan dẫn vào đàn. Ở đây cổng chính giữa dành cho các thần linh qua lại, đến vua cũng phải đi cổng bên. Đàn xây bằng gạch có bốn tầng cao dần lên. Ba tầng dưới hình vuông, tầng thứ tư hình tròn.

Tôi hỏi vị lão tướng:

- Dưới là phương đàn, trên là viên đàn...

Khát Chân cười:

- Ông rất tinh ý. Chính thái sư tự tay vẽ kiểu cho tôi làm, khi ông ra Hải Đông. Thái sư bảo các bậc tiên vương (nhà Trần) sùng đạo Phật nên làm đàn không đúng quy củ. Năm nay tuy là hội thề giống hội thề Đồng Cổ, nhưng ba năm nữa sẽ là hội tế lễ trời đất, vì vậy phải làm đàn tròn, đàn vuông.

- Đàn giao. - Tôi nói.

- Đúng. - Vị lão tướng nói bằng giọng cảm khái. - Đổi thay, đó là tất cả ý muốn của thái sư. Ông muốn thay đổi ngay cả những việc nhỏ nhất. Kinh đô mới, nhưng ông còn muốn một kinh đô sạch sẽ, khác hẳn cố đô Thăng Long...

- Sạch sẽ?

- Nghĩa là một kinh đô không có chùa chiền. Nghĩa là một kinh đô không có trộm cướp. Người dân đến lập nghiệp ở đây cũng phải chọn lựa, ưu tiên cho người bản địa, những người được tin cậy, được đảm bảo. Cấm binh do Hồ Tùng chỉ huy và tuyển chọn. Những cấm binh ngày trước đều bị đổi đi ngoại trấn.

Trần Khát Chân nói bằng cái giọng lạnh băng, vô cảm, nhưng nhìn đôi mắt ông, tôi thấy một nỗi buồn không chịu được. Thật khó cho ông, mà cũng khó cho tôi. Mặc dù những cảm tình riêng của chúng tôi với nhau, nhưng hoàn cảnh đã buộc cả hai người không thể phát triển những tình cảm ấy lên cao hơn, đồng thời cũng không cho phép chúng tôi trở thành những kẻ thù đối đầu.

Lúc chia tay ở Yên Tử, Thanh Mai có nhờ tôi chuyển cho Khát Chân một lá thư. Tôi lảng tránh những câu chuyện làm cho hai người khó xử bằng cách trao cho thượng tướng lá thư ấy. Viên lão tướng đọc lá thư đến hai lượt. Đọc xong, tôi thấy mày ông nhíu lại. Tôi dè dặt nói:

- Thanh Mai vẫn mạnh khỏe. Cô ấy chỉ hẹn ngày về Tây Đô... Cô ấy xa cha nuôi đã được vài tuần trăng... - vị lão tướng im lặng ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi mới thở dài:

- Thực ra, nó cứ ở Yên Tử một thời gian nữa có lẽ... tốt hơn... cho sức khỏe của nó. Con bé vốn cả nghĩ; trước khi đi Yên Tử, nó mắc chứng mất ngủ... Đến đất Phật, đến xứ tịnh thổ... điều đó có lợi cho nó... Sao lại hấp tấp trở về Tây Đô làm gì? Nơi đây, đất phồn hoa, là trường chính sự... đâu có hợp với một người... như Thanh Mai...

Có một cái gì rất lạ lùng trong giọng nói của viên võ tướng mà tôi không xác định nổi. Tại sao Khát Chân lại không muốn nàng trở về lúc này? Tôi đặt câu hỏi, nhưng chính trong thâm tâm, tôi cũng nghĩ nàng không nên về đây. Có một cái gì đó gờn gợn trong không khí nơi này. Lúc dừng ngựa ở chân Đốn Sơn, tôi đã cảm thấy điều đó. Nhưng đến khi vị lão tướng kể ra: nào việc Hồ Tùng nắm cấm vệ quân, nào chuyện người dân đến đây cũng phải chọn lựa kĩ càng, rồi nhất là trong bữa tiệc mừng Tây Đô và đọc “Phú con ngựa lá” bữa tối, thì một cảm giác ong ong ngột ngạt bỗng xuất hiện trong tôi, càng lúc càng rõ.

Sự tất bật của Nguyễn Cẩn càng làm tôi thêm bồn chồn. Khi gặp cha tôi, Cẩn bối rối nói:

- Tại sao lại im ắng thế này? Thưa thái sư, sự quá im ắng làm lòng hạ quan không yên.

- Người của ta ở nhà thượng tướng quân có báo tin gì về không?

- Dạ, Trần Khát Chân vẫn im lìm không có thái độ lạ, ông ta cũng chẳng gặp ai.

- Còn Trần Nguyên Hàng?

- Dạ, quan Thái bảo cũng thế.

- Còn những người khác?

- Thưa cũng thế.

- Dân chúng thì sao?

- Dân chúng hồ hởi vì được nhận phát chẩn, lại được vui chơi thỏa thích...

- Có đông người lạ không?

- Dạ, người tứ xứ đến khá đông...

- Có tin đồn đại gì không?

- Có tin đồn Nguyễn Nhữ Cái, tên làm bạc giả, tên giặc cỏ ở Đà Giang cũng có mặt ở Tây Đô, tôi đã cho ráo riết tìm kiếm, nhưng chưa thấy.

- Người tứ xứ, đó là điều cần chú tâm. Không để bất cứ chuyện gì xảy ra, đó là việc quan trọng hàng đầu.

Hình như đêm qua, lúc ở điện Minh Đạo đang đọc “Phú con ngựa lá”, người ta đã bắt được một kẻ du thủ du thực say rượu. Lúc say, hắn ba hoa rằng đã từ Đà Giang đến, Nguyễn Cẩn rất khôn ngoan, không cho bắt, mà chỉ phái người theo dõi.

Tôi còn mải say, mải mơ thấy nàng Thanh Mai cưỡi con ngựa trắng bay lên núi Đún nên chỉ nghe được lõm bõm. Cho đến khi, trong mơ, tôi hét lên:

- Thanh Mai? Em hãy bay đi! Chớ có đến đây!...

Tôi choàng tỉnh dậy, vã mồ hôi như tắm. Rồi uống ừng ực để tưới mát tâm hồn cồn cào như lửa đốt. Cơn sốt, cơn mê sảng chỉ lui chốc lát lại trở về ngay. Đúng ngày hội Đốn Sơn hôm thứ tư, tôi sốt li bì.

Đáng lẽ, theo chương trình, sáng hôm sau tôi phải tuyên đọc lệnh đại xá cho tù, sau đó phải đến dự cuộc phát chẩn cho người nghèo ở cửa Đông; cuối cùng lại phải đi cùng với cha đến dự tiệc tại nhà thượng tướng Trần Khát Chân, rồi tiếp tục lên núi Đún kiểm tra mọi công việc ở đàn thề, bởi vì ngày mai là ngày hội chính. Công việc hôm nay cực kỳ quan trọng. Nếu chuẩn bị được chu tất, ắt ngày hội chính sẽ thành công tốt đẹp.

Mà theo ý cha tôi, hội thề này nhất định phải hoàn hảo. Lễ ăn thề tiếng do Trần An chủ trì, nhưng sự thực cha mới là nhân vật chính. Thái sư muốn việc mở đầu ngày hội phải thành công tưng bừng, để dương cao thanh thế, để lấy lòng muôn dân... Những người thân cận của cha tôi bận rộn tít mù. Hồ Hán Thương được giao việc chuẩn bị nghi lễ sao cho thật long trọng, bọn Đỗ Tử Mãn, Hồ Tùng, Hồ Vấn lo việc quân cơ; Nguyễn Cẩn lo việc an toàn... Tất cả bọn họ ngày đêm không nghỉ.

Riêng tôi lại trơ trơ nằm đấy, sốt nóng như hòn than, đầu óc hoang tưởng lạc vào những cơn ác mộng. Tôi nằm đấy, nhưng tai vẫn nghe thấy những bước chân, những tiếng thì thầm. Không hiểu bộ óc ốm đau của tôi có tưởng tượng ra không, nhưng tôi cảm thấy một bóng ma vô hình đang lù lù đi tới. Bước chân của nó rón rén, nhưng đánh lừa sao nổi đôi tai thính nhậy của toi. Ô kìa! Không phải một bước chân mà vô số bước chân. Không phải một cái bóng mà vô vàn cái bóng... Ai đấy? Cẩn đây. Hán Thương đây! Có cả quan thượng tướng, quan Thái bảo. Có cả những lực sĩ cấm vệ của Hồ Tùng. Đã xảy ra sự gì hệ trọng? Sao tất cả các người đều đến mà dương oai diễu võ, rồi diễu hành trong óc ta. Cả Thanh Mai cưỡi con ngựa trắng cũng chập chờn trong tâm tưởng. Đuổi theo mãi, gọi theo mãi mà không được. Hình như người đàn bà cưỡi con ngựa trắng bị một phép lạ vô hình nào đó làm cho không nghe thấy. Nàng vẫn chập chờn như một đám mây trôi đi trôi lại. Cái bóng trắng như thể tìm ai. Tôi hét lên gọi thật to nhưng cái bóng trắng vẫn ngơ ngơ ngác ngác. Lúc này tôi, mới hiểu: hóa ra tiếng nói của tôi là vô hình. Dù tôi có gào lên, hét lên, muốn tự vỡ tung ra thành tiếng nổ, thì cũng chẳng ai có thể nghe thấy. Không nghe thấy, vậy tôi phải đuổi theo. Tôi muốn đến bên Thanh Mai, ôm lấy nàng, để cản nàng lại để báo cho nàng biết có một điều gì nghiêm trọng lắm sắp xảy ra. Thậm chí, tôi có thể quỳ trước voi nàng để van xin nàng chớ đặt chân lên mảnh đất này. Hôm qua, lúc thượng tướng Khát Chân nói ra điều ấy thực ra tôi còn bán tín bán nghi. Đến hôm nay, trong lò lửa của cơn sốt kỳ quái, tôi hoàn toàn cảm nhận được điều đó là sự thực. Tôi muốn đến với nàng nhưng chân tôi không đi được, có một bàn tay nào đó giữ cứng tôi lại. Lúc này, định thần nhìn kỹ, mới thấy một cái bóng đương ôm chặt lấy tôi. Cái bóng đen thui, trơn tuột. Nó há mồm rộng hoác, răng trắng nhởn, chẳng biết nó cười hay đang hăm dọa. Tôi hỏi: “Ngươi là ai? Sao lại cướp đi tiếng nói không cho ta gọi nàng? Sao lại ngăn cản không cho ta đến báo cho nàng biết đất này đang là đất dữ? Ngươi là ác hay là thiện? Hay, ngươi là sự tan hòa của mọi cái bóng? Mà ngươi có biết không, nàng là sự trắng trong đã bị khổ đau giày vò từ tấm bé...” Tôi nói để mà nói thôi, vì đã là bóng thì làm sao có nổi từ tâm. Tôi hết sức giãy giụa. Và mặc dù vô thanh, tôi vẫn cố sức hét: “Thanh Mai. Hãy bay đi! Hãy bay đi!” Cái bóng siết chặt lấy cổ, làm tôi hầu như tắc thở. Cứ tưởng như mình sắp chết. Chính lúc đó, vang lên những tiếng ồn ào... Thế là tôi choàng tỉnh dậy.

Ngoài sân, có tiếng bọn lính chạy tới tấp. Nghe cả tiếng lao xao: “May mắn! Thế là phá tan được đảng nghịch!”

Đảng nghịch nào đây? Cơn sốt đột nhiên tan biến ngay mất từ lúc nào chẳng rõ. Tôi ngồi dậy, bước chân còn chệnh choạng, đi ra cửa. Một viên đô tướng vội vã báo cho tôi biết thượng tướng Trần Khát Chân định dùng thích khách mưu sát thái sư Hồ Quý Ly. Cuộc mưu sát không thành. Thái sư không hề hấn gì. Toàn bộ đảng nghịch đã bị bắt. Nói với tôi xong, viên đô tướng vội vã triệu tập binh mã đi làm nhiệm vụ cấp bách.

Cuộc mưu sát Đốn Sơn thất bại, làm rung rinh triều đình Đại Việt thời bấy giờ, sau này được chính sử chép lại vẻn vẹn chỉ có vài dòng:

Bọn thượng tướng quân Trần Khát Chân và Thái bảo Trần Nguyên Hàng mưu giết Quý Ly không được. Ngày hôm ấy Quý Ly họp thề ở Đốn Sơn. Bọn Khát Chân đã có ý giết Quý Ly. Quý Ly lên lầu nhà Khát Chân để xem. Phạm Tổ Thu là cháu gọi tướng quân Phạm Khả Vĩnh là chú. Bác và thích khách cầm gươm định tiến lên lầu. Khát Chân trừng mắt ngăn lại. Quý Ly chột dạ đứng dậy. Vệ sĩ ủng hộ xuống lầu. Ngưu Tất quăng gươm xuống đất nói: “Cả lũ chết rồi”? Việc tiết lộ, các tôn thất Trần Nguyên Hàng, Trần Nhật Đôn, các tướng quân Khát Chân và Khả Vĩnh, hành khiển Hà Đức Lân, thượng thư Lương Nguyên Bưu và tất cả liêu thuộc, thân thuộc cộng hơn ba trăm bảy mươi người bị giết...

Tịch thu gia sản, con gái bắt làm tì, con trai từ một tuổi trở lên hoặc chôn sống, hoặc dìm nước, lùng bắt dư đảng mấy năm không thôi. Người quen biết nhau chỉ nhìn bằng mắt không dám nói chuyện với nhau. Nhà dân không chứa người đi đường ngủ đỗ. Các xã đặt điếm tuần đêm ngày canh phòng xét hỏi.

Lễ minh thệ từ đây bỏ không làm nữa.

(Đại Việt sử ký toàn thư (tập II), NXB Khoa học xã hội 1967, tr.207 - 208).

Còn Nguyễn Cẩn, cánh tay đắc lực của cha tôi nói với tôi rằng cuộc mưu sát này đã được chuẩn bị từ lâu. Phe đối nghịch gồm hầu hết các vị đại thần trong triều đã suy tính kĩ càng. Trước tiên, họ giả vờ thần phục, chính vì vậy luôn mấy năm liền không có một vụ chống đối nào đáng kể xảy ra. Nhiều người còn tỏ ra năng nổ với những công việc của cha tôi, như Lương Nguyên Bưu, Trần Khát Chân góp phần rất đắc lực vào xây dựng Tây Đô. Thậm chí, có người còn làm như đứng hẳn về với thái sư, như thượng tướng quân Phạm Khả Vĩnh đã nhận nhiệm vụ đến núi Đạm Thủy Đông Triều để bức tử Thuận Tông.

Có lẽ phe đảng của cha tôi lúc này đã yên tâm, nghĩ rằng đã thật sự hết mầm chống đối. Có phần nào lơ là, có phần nào hớn hở rồi chăng? Lễ ăn mừng Tây Đô hoàn thành, cuộc thi “Phú con ngựa lá” thành công mỹ mãn, bữa tiệc vui ở điện Minh Đạo... phải chăng là biểu hiện.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3