Tôi Là Số Bốn - Chương 02
CHƯƠNG HAI
ĐỨNG GIỮA LỐI VÀO, TÔI QUAN SÁT NƠI Ở CỦA MÌNH. Căn nhà màu hồng nhạt, nằm trên các cọc chống bằng gỗ cao ba mét, thoạt trông chẳng khác nào một chiếc bánh kem. Trước nhà đu đưa bóng một cây cọ. Sau nhà là cầu tàu dài ngót hai mươi mét dẫn vào Vịnh Mexico. Nếu nhà tôi ăn sâu xuống phương Nam một dặm thì chiếc cầu tàu sẽ vươn thẳng tới Đại Tây Dương.
Bác Henri bước ra khỏi nhà, ôm theo những chiếc hộp cuối cùng, từ dạo chuyển nhà gần đây nhất, hai bác cháu chưa hề khui hộp. Khóa cửa nẻo lại xong xuôi, bác Henri bỏ chùm chìa khóa vào khe hẹp ở chỗ cửa. Đã hai giờ sáng. Bác mặc một chiếc quần soọc kaki và một chiếc áo thun polo màu đen. Nước da rám nắng, râu ria không cạo. - trông bác thật chán chường. Bác Henri cũng chẳng vui sướng gì khi lại phải ra đi. Bác bỏ những chiếc hộp cuối cùng vào cốp xe tải cùng với các vật dụng khác.
- Xong rồi đấy! - Bác lên tiếng.
Tôi gật đầu. Cả hai bác cháu đứng ngắm nghía căn nhà, thưởng thức tiếng gió luồn qua những chiếc lá hình răng lược. Trên tay tôi là một bao cần tây.
- Cháu sẽ nhớ nơi này. - Tôi tâm sự. - Thậm chí còn hơn cả những nơi khác nữa.
- Bác cũng vậy.
- Đã đến lúc phi tang hết mọi thứ rồi phải không bác?
- Ừ. Cháu có muốn tự tay châm lửa không, hay để bác?
- Bác cứ để cháu.
Bác Henri rút ví ra, quẳng xuống đất. Tôi cũng rút chiếc ví của mình ra và làm theo như vậy. Bác bước trở ra xe, sau đó quay trở lại với những sổ hộ chiếu, giấy khai sinh, các thẻ an sinh xã hội, những sổ séc, thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, tất cả đều được thảy xuống đất. Những tài liệu, các vật dụng liên quan đến nhân dạng của chúng tôi nằm hết cả ở đây, toàn bộ đều là giả mạo và tự chế. Tôi ôm bình xăng con xuống khỏi xe tải, phòng khi cần đến, tự tay rưới lên đống giấy tờ. Hiện thời, tên của tôi là Daniel Jones, lớn lên tại California nhưng chuyển đến nơi này vì bố tôi là một lập trình viên máy tính. Tiểu sử của Daniel Jones sắp sửa sẽ biến mất khỏi cuộc đời. Tôi quẹt diêm và quẳng xuống đất, mớ giấy trước mặt tôi bắt lửa liền tức khắc. Một trong những phần đời của tôi chuẩn bị kết thúc. Như thường lệ, bác Henri và tôi đứng nhìn ngọn lửa. Vĩnh biệt Daniel. - tôi thầm nghĩ trong đầu. - rất vui được quen biết cậu. Đến khi lửa tàn, bác Henri mới quay sang tôi, nói:
- Chúng ta phải đi thôi.
- Cháu biết.
- Mấy hòn đảo kiểu này không hề an toàn chút nào. Khó rút nhanh, khó tẩu thoát lắm. Chúng ta dọn đến đây thật là khờ khạo.
Tôi gật đầu. Bác Henri nói không sai, tôi biết. Song, vẫn không tránh được cảm giác miễn cưỡng khi phải ra đi. Cả hai bác cháu chuyển đến chốn này là do tôi mong muốn, và cũng là lần đầu tiên bác Henri cho phép tôi chọn địa điểm. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã lưu lại nơi đây được chín tháng ròng, khoảng thời gian dài nhất dành cho một chốn trú ngụ kể từ khi rời khỏi hành tinh Lorien của chúng tôi. Tôi sẽ nhớ xiết bao ánh mặt trời và thời tiết ấm áp, nhớ con tắc kè mỗi khi ăn sáng tôi vẫn thấy trên tường. Dù rằng ở phía Nam Florida này, có cả triệu con tắc kè, nhưng tôi dám thề rằng con tắc kè này luôn luôn theo tôi đến trường, và dường như nó hiện diện bất cứ nơi đâu có mặt tôi. Tôi sẽ nhớ các cơn mưa bão bất chợt, những sự im ắng, tĩnh lặng của vạn vật vào mỗi buổi sáng sớm trước khi đàn nhạn biển bay về làm xôn xao; nhớ những chú cá heo thi thoảng vẫn kiếm ăn vào buổi chiều tà; nhớ cả mùi lưu huỳnh của đám tảo mục rữa bên bờ biển; nhớ cái hơi rong rêu ùa vào nhà và xâm nhập vào những giấc mơ đêm.
- Thanh toán mớ cần tây ấy đi, bác chờ cháu trong xe nhé. - Bác Henri bảo tôi. - Tới giờ rồi.
Tôi bước vào tán cây rậm rạp nhất ở mé phải của chiếc xe, nơi có ba chú nai con đang đứng đợi. Bỏ mớ cần tây xuống chân các con vật hiền lành, tôi cúi xuống vuốt ve từng con một. vẫn để yên cho tôi vuốt ve, vỗ về, cả ba con vật không hề tỏ thái độ bất kham, khó chịu. Một con bất giác ngẩng đầu lên nhìn tôi, đôi mắt đen đờ đẫn. Dường như con vật muốn gửi gắm điều gì qua ánh nhìn ấy. Cơn rùng mình chợt xuất hiện nơi sống lưng tôi. Con vật cúi đầu xuống, trở lại với miếng mồi.
- May mắn nhé, những người bạn nhỏ. - Tôi nói lời tạm biệt rồi bước về phía chiếc xe tải, leo lên ghế ngồi.
Hai bác cháu tôi cứ thế dõi mắt vào kính chiếu hậu, ngắm nhìn ngôi nhà đang mỗi lúc một nhỏ dần, cho đến lúc bác Henri cho chiếc xe rẽ ra đường cái, và ngôi nhà mất dạng. Thứ Bảy. Chẳng rõ không có tôi thì buổi tiệc sẽ thế nào. Mọi người sẽ nói gì về việc tôi bỏ đi, sẽ bàn tán thế nào khi thứ Hai, tôi không đến lớp. Ước gì tôi đã có thể nói lời chào tạm biệt. Sẽ chẳng bao giờ tôi được gặp lại những người quen ở nơi này, chẳng bao giờ được trò chuyện với bất kỳ ai nữa. Các bạn của tôi sẽ không bao giờ biết được thân phận của tôi cũng như nguyên nhân tôi phải ra đi. Vài tháng sau, mà cũng có khi chỉ là vài tuần thôi, có thể sẽ chẳng có ai còn nhớ tới tôi nữa.
Trước khi ra đến đường quốc lộ, bác Henri tấp xe vào trạm đổ xăng. Trong lúc bác hí hoáy bơm xăng vào thùng, tôi bắt đầu chú ý đến tập bản đồ mà bác để ở giữa lòng ghế. Kể từ ngày đặt chân lên hành tinh này, lúc nào chúng tôi cũng cầm theo tấm bản đồ. Trong đó là các đường gạch nối giữa nơi đến và nơi đi, chằng chịt khắp nước Mỹ. vẫn hiểu rằng cần phải bỏ lại tấm bản đồ này, nhưng quả thật đó là vật duy nhất lưu lại cuộc đời của hai bác cháu tôi. Người bình thường có hình ảnh, các thước phim và nhật ký; còn chúng tôi thì chỉ có các tấm bản đồ. Cầm lên và ngó qua, tôi nhận ra được ngay là bác Henri đã gạch thêm một đường mới từ Florida đến Ohio. Nói đến Ohio, tôi liên tưởng ngay đến các chú bò, bắp ngô và những con người tốt bụng. Tôi cũng ý thức được rằng biển số xe của bang sẽ có dòng chữ: TRÁI TIM CỦA TẤT THẢY. “Tất thảy” ở đây là gì nhỉ, tôi không rõ, nhưng có lẽ tôi sẽ biết được thôi.
Bác Henri quay trở lại xe. Bác đã mua hai lon sô-đa và một gói bánh chip. Khởi động xe, người đồng hành với tôi hướng thẳng về phía đường U.S.1 dẫn lên phía Bắc. Bác với tay lấy tấm bản đồ.
- Bác nghĩ ở Ohio có người hả? - Tôi bông đùa.
Bác Henri toét miệng cười.
- Chắc cũng có. Biết đâu bác cháu ta gặp may, tìm được xe cộ và ti-vi ở đó.
Tôi gật đầu. Có lẽ sẽ không đến nỗi buồn chán như tôi đang nghĩ.
- Bác thấy cái tên “John Smith” như thế nào ạ? - Tôi ướm hỏi.
- Cháu lấy cái tên ấy từ đâu vậy?
- Cháu nghĩ ra thôi, bác ạ. - Tôi trả lời. Trước đây, tôi chưa lấy cái tên John hay Smith bao giờ.
- Chẳng còn cái tên nào phổ biến hơn nó nữa đâu. Bác chỉ muốn nói rằng rất hân hạnh được gặp “ngài”, thưa “quý ngài” Smith.
Tôi mỉm cười.
- Vâng, cháu thích cái tên “John Smith”.
- Khi chúng ta dừng lại, bác sẽ làm giấy tờ cho cháu.
Sau một dặm đường, chúng tôi đã ra khỏi địa phận đảo và đang lướt qua cầu. Đại dương rì rào dưới chân. Dòng chảy thật hiền hòa, bóng trăng lấp lóa trên từng con sóng nhỏ khiến đầu sóng loang loáng ánh bạc. Bên phải là biển, bên trái là vịnh; về cơ bản, cùng là nước như nhau, nhưng có hai cái tên gọi rạch ròi, rõ ràng. Tôi chực muốn khóc, nhưng cố kìm lại. Chẳng phải việc rời khỏi Florida làm cho tôi buồn bã, mà bởi sự trốn chạy đã khiến tôi quá mỏi mệt. Tôi chán nản với việc cứ mỗi sáu tháng lại phải nghĩ ra một cái tên mới; chán nản với những ngôi nhà mới, những ngôi trường mới. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới được dừng chân.