Cuộc đời của Lê-nin - Chương 05 - 06 - 07 - 08

LÀNG CÔ-CU-SKI-NÔ

Một ngày đi tàu thủy, một ngày ở Ca-dan, đến chiều tối ngày thứ ba, họ tới Cô-cu-ski-nô. Suốt dọc đường Vô-lô-đi-a kể cho Ô-li-a và Mi-chi-a nghe về cuộc sống ở Cô-cu-ski-nô. Ô-li-a và Mi-chi-a lắng nghe, dường như chưa bao giờ thấy Cô-cu-ski-nô cả. Vô-lô-đi-a tả rất hay. Chuyện bơi thuyền trên sông U-xnhi-a. Cá măng có răng to và nhọn thường hay quanh quẩn ở những chỗ nước xoáy. Cá chép nhanh nhẹn thường bơi tung tăng khắp nơi. Cá vược rất tham đớp mồi.

- Mi-chi-a! Cá cắn câu rồi, giật đi, Mi-chi-a, con cá vược béo quá!

Mi-chi-a suýt nữa thì nhảy khỏi chiếc xe ngựa bốn bánh. Người đánh xe vừa lấy dây cương quất ngựa vừa ầm ừ ra vẻ tán thưởng:

- Kể nữa đi, nhà kể chuyện tí hon!

Nhà kể chuyện tí hon, hởn hở vì được khen, tiếp tục kể. Chuyện những rừng nấm ở Cô-cu-ski-nô. Những quãng rừng bị đốn dâu chín đỏ rực. Những bụi phúc bồn tử ở khe cạn gần đây. Những bãi cắt cỏ. Ban đêm, sau lúc hoàng hôn, bọn trẻ trong làng thường phi ngựa ra các bãi rừng thưa chăn cho đến sáng.

Ở Cô-cu-ski-nô có ngôi nhà của ông ngoại để lại cho mẹ và các em gái của mẹ sau khi ông mất. Mùa hè, bà mẹ cùng với các con tới làng Cô-cu-ski-nô. Và những em gái cũng đem các con đến. Cả họ tụ tập rất đông vui!

Đây kia, làng Cô-cu-ski-nô đã hiện ra, một làng nhỏ có những mái nhà tranh bên bờ dộc của con sông U-xnhi-a. Còn kia, ở xa hơn một chút, trong khu vườn, hiện ra một ngôi nhà gỗ có nhiều cột và tầng lầu nhỏ.

Chào Cô-cu-ski-nô! Vô-lô-đi-a là người đầu tiên nhảy xuống xe ngựa, chạy tung tăng khắp những nơi ưa thích, nhìn ngắm khu vườn, chào hỏi những bụi hoa tử đinh hương, những đám cỏ, những khóm hoa. Ô-li-a chạy theo anh.

- Trông kìa, Ô-li-a, khu vườn trỏ nên đẹp tuyệt trần!

- Trông kìa, anh Vô-lô-đi-a, chiếc ghế dài của chúng ra ở dưới hàng cây bồ đề thấp lè tè, như cắm sâu xuống đất ấy.

- Còn kia là chỗ dốc đi xuống sông. Chúng ta đi xuống chứ?

Hai anh em liền đi xuống, vì đã quen biết con sông U-xnhi-a này. Đôi bờ sông mọc đầy cây trăn và cây thùy dương. Những bông súng vàng ló ra từ mặt nước. Biết đâu Đuy-mô-vốt-sca, nhân vật trong truyện kể của An-đéc-xen chả đã từng sống ở một trong những bông hoa vàng đó. Chiếc thuyền cũ được cột chặt vào cái cọc nhỏ, chúi mũi vào bờ. Đi bơi thuyền kể cũng thích. Mà chạy vào rừng chơi cũng hay.

- Ô-li-a, chúng ta vào rừng đi!

- Ngay bây giờ à? Đi một mình ư? Chiều tối rồi anh Vô-lô-đi-a ạ!

- Chiều tối thì đã sao? Đừng lo, vì em đi cùng với anh cơ mà.

Ô-li-a chạy lon ton bên cạnh, tuy cô cảm thấy hơi sợ, nhất là ở khe cạn. Khe cạn khá sâu. Ánh mặt trời lúc xế chiều không chiếu được tới đây, nên rất ẩm ướt và tối tăm.

Hai anh em bước ra khỏi khe cạn. Cánh đồng cỏ đã cắt tỉa như trải ra trước mặt, xếp đầy những bó cỏ khô. Còn ở kiền ngay đó là rừng. Mới một mùa đông mà Vô-lô-đi-a và Ô-li-a đã cảm thấy xa lạ đối với rừng, những cây bạch dương sum xuê, những cây thông bù xù, những bụi hồ đào rậm rạp không thể lọt qua được. Vô-lô-đi-a và Ô-li-a thấy hình như rừng trở nên rậm hơn. Mặt trời đã lặn. trong lòng Vô-lô-đi-a bắt đầu thấy lo lo. Nhưng không thể rút lui. Cậu vẫn tiến lên phía trước Ô-li-a đi theo sau. Bóng tối của khu rừng đã từ từ kéo đến. Cây cối vây quanh. Không thấy bầu trời, không thấy cánh đồng cỏ với những bó cỏ khô nữa. Ở dưới chân cành cây kêu sột soạt.

- Bỗng nhiên bọn cướp xông vào chúng ta thì sao? - Ô-li-a hỏi.

Vô-lô-đi-a biết ở khu rừng Cô-cu-ski-nô không có kẻ cướp. Nhưng bất giác cậu nhìn tứ phía vẻ lo sợ, tưởng như sau mỗi cái cây đều có người nào đó ẩn nấp.

- Vô-lô-đi-a, anh có sợ bọn cướp không? - Ô-li-a hỏi thầm.

- Không sợ. Và em cũng đừng sợ. Ở đây không có bọn cướp đâu.

“U-up! - có tiếng động phát ra từ trong rừng. Mạnh và ngắt quãng. - Up!”

Gió bay qua ở phía trên, trong đám lá cây có tiếng động rì rào. Ô-li-a vội bám lấy anh.

- Cái gì thế?

- Chắc là con cú. Đúng, hẳn là con cú. Em đã nghe nói về giống cú chưa? Đó là loài chim thông minh nhất.

- Vô-lô-đi-a, ta về nhà thôi.

- Đi.

Cậu dắt Ô-li-a, vừa gạt những bụi cây, vừa thận trọng dò đường trong cảnh nhá nhem tối. Rừng đầy những cảnh củi khô. Hai anh em vấp ngã. Vô-lô-đi-a cảm thấy bàn tay cô em gái run run trong bàn tay cậu. Bỗng nhiên cậu có cảm giác như hai anh em bị lạc. Trống ngực đập thình thình. “Tại sao mình lại dẫn Ô-li-a đi làm gì kia chứ?”

- Sáng mai chúng ta sẽ bơi thuyền, Ô-li-a ạ -Vô-lô-đi-a nói để lấy thêm can đảm, - anh sẽ chỉ cho em xem một chỗ thật đẹp. Anh còn nhớ một bãi rừng thưa rất nhiều cây dâu, anh em mình chỉ cần mười phút là lấy được đầy làn…

Cậu nói để xua tan nỗi sợ và làm cho Ô-li-a yên tâm. Cậu nói cho đến khi cây cối quang hẳn ra, trời sáng hơn, trước mặt lại hiện ra cánh đồng cỏ đã cắt và khe cạn. Bên kia khe cạn là làng Cô-cu-ski-nô.

- Ngôi nhà của chúng ta kia kìa! - Ô-li-a kêu lên. - Anh Vô-llo-đi-a, em hầu như không sợ.

Vô-lô-đi-a bây giờ cũng làm ra vẻ không sợ chút nào.

Cậu rất yêu mến Ô-li-a. Hôm nay, Ô-li-a mới biết cậu yêu quý cô em gái thân yêu của mình tha thiết như thế nào.

Hai anh em vui vẻ đi về nhà. Ở phía sau vang lên bài hát. Đó là những cô gái nông dân đi làm đồng về cũng cất cao giọng:

Vườn cây xanh xanh của ta ơi,

Xanh, xanh ngắt nữa đi.

Những bông hoa đỏ thẫm của ta ơi,

Nở, nở rộ nữa đi.

CẬU HỌC SINH TRUNG HỌC

Vào một ngày tháng tám năm 1879 Vô-lô-đi-a đã đến trường trung học để thi vào lớp một. Tòa nhà hai tầng bằng đá nằm ở trung tâm thành phố gần sông Von-ga. Vô-lô-đi-a sẽ học ở đây tám năm.

Những trước tiên phải đi thi đã. Các thầy giáo ngồi nghiêm nghị sau chiếc bàn giám khảo. Còn học sinh được gọi tên theo thứ tự. Vô-lô-đi-a mạnh bạo bước lên bảng. Các thầy giáo hỏi, Vô-lô-đi-a trả lời lưu loát. Các thầy ra bài toán. Cậu giải rất nhanh.

- Cậu bé có tài này là con ai thế! - một thầy giáo hỏi người bên cạnh.

- Con trai ông I-li-a Ni-cô-lai-ê-vích U-li-a-nốp, giám đốc các trường học bình dân.

Hồi đó ông bố của Vô-lô-đi-a đã làm giám đốc. Không những các thầy giáo ở Xim-biếc, mà ở toàn tỉnh Xim-biếc đều biết tiếng và kính trọng ông.

- Người con trai có tài của ông I-li-a Ni-cô-lai-ê-vích được chuẩn bị rất tốt, - các thầy giáo của trường trung học tỏ vẻ tán thưởng.

Và tất cả các môn Vô-lô-đi-a đều được điểm năm.

- Cậu học sinh trung học Vô-lô-đi-a! Cậu học sinh trung học Vô-lô-đi-a của chúng ta! - mọi người ở nhà reo lên đón cậu.

Anh chị và các em tíu tít chạy đến chúc mừng. Bà mẹ mặc thử cho Vô-lô-đi-a bộ đồng phục học sinh trung học có hàng khuy lấp lánh. Ngày mai cậu sẽ vào lớp một. Bà mẹ nhìn ra cửa sổ. Bây giờ bà đã có hai cậu học sinh trung học, Xa-sa, Vô-lô-đi-a và một cô học sinh trung học A-nhi-u-ta. Thời gian trôi đi, các con đều lớn lên.

Buổi tối, trong phòng ăn của gia đình U-li-a-nốp thắp lên ngọn đèn treo có chụp màu trắng. Bọn trẻ ngồi quây quần chuẩn bị bài vở ngày hôm sau. Mi-chi-a năm tuổi không có bài vở gì cả. Cậu lúi húi vẽ chiếc tàu thủy có ống khói và những lớp sóng cao của sông Von-ga. Vô-lô-đi-a nhanh chóng làm xong mọi việc, vì ngày đầu tiên đối với cậu học trò lớp một bài vở cũng chưa phải nhiều lắm. Cậu vót nhọn các bút chì. Cậu thích có nhiều bút chì và đầu bút chì bao giờ cũng vót thật nhọn. Bút chì trông phải đẹp mắt. Các cuốn vở không một vết mực, những cuốn sách giáo khoa đều có bìa bọc. Cậu xếp tất cả vào túi, chuẩn bị xong xuôi mọi thứ cho ngày mai. Bây giờ biết làm gì? Với vẻ láu lỉnh, cậu bắt đầu làm cái gì đó bằng giấy. Vậu làm con châu chấu rồi chạy đến chỗ bà bảo mẫu xin một sợi chỉ buộc vào. Cạch! - con châu chấu bỗng nhảy đến chỗ A-nhi-u-ta, sượt qua mũi xuống cuốn sách giáo khoa.

- Vô-lô-đi-a, đừng có quấy rầy. Em lại đùa rồi đấy!

Vô-lô-đi-a kéo sợi chỉ, con châu chấu biến mất. Giây lát sau lại có tiếng cạch - con châu chấu nhảy lên cuốn vở của Xa-sa.

- Vô-lô-đi-a, bỏ cái trò ấy đi!

Con châu chấu vẫn không biến mất. Nó nhảy nhảy và không chịu dừng lại.

Phía sau bàn có tiếng cười khúc khích, mãi cho đến khi có ai đó bắt được con châu chấu, dứt sợi chỉ và ném đi.

- Khẽ chứ, - A-nhi-u-ta bảo Vô-lô-đi-a.

Vô-lô-đi-a không chịu yên. Cậu hăng lên. Hình như cậu còn muốn đùa nữa thì phải?

- Mi-chi-a, Mi-chi-a!

Mi-chi-a khẽ kêu rít lên, linh cảm thấy có cái gì buồn cười, nhưng cũng có thể đáng sợ. Vô-lô-đi-a đặt hai ngón tay lên thái dương, làm điệu bộ dọa dẫm:

- Con dê có sừng, con dê hay thúc đây này, nó húc ai bây giờ?

- Đừng húc tôi, đừng húc tôi!

Hai cái sừng tiến lại gần Mi-chi-a, đi từ từ, rồi đến thẳng chỗ cậu bé. Mi-chi-a vừa kêu thét lên vừa cười, lăn nhào từ trên ghế xuống gầm bàn. Ông bố xuất hiện ở ngưỡng cửa:

- Vô-lô-đi-a đi lên chỗ ba.

Vô-lô-đi-a bước vào phòng làm việc của bố, vẫn chưa nguôi những trò tinh nghịch. Ở đây có tủ sách, ở khoảng tường giữa hai cửa sổ có kê một chiếc bàn giấy lớn, còn bức tường khác có đặt một chiếc bàn con hình bầu dục và một đi-văng để tiếp khách.

- Ngồi xuống đây, - ông bố nói, - đợi ba một lát.

Và ông lại miệt mài làm việc. Từ nhỏ Vô-lô-đi-a đã biết kính trọng căn phòng làm việc của bố. Ông làm việc rất nhiều. Ông đi khắp tỉnh, đến các trường học ở nông thôn cách xa hàng trăm dặm cả vào những ngày đông giá rét lẫn những ngày thu ảm đạm. Có lẽ không một trường tiểu học nào ở tỉnh Xim-biếc mà ông bố của Vô-lô-đi-a lại không đi tới để giúp đỡ các giáo viên. Về nhà ông cần làm báo cáo, dựng kế hoạch, viết bài và những bản tin sư phạm. Ông làm việc từ sáng đến khuya.

- Vô-lô-đi-a, - một lát sau ông bố gọi.

Vô-lô-đi-a vui vẻ đi lại gần. Những trò tinh nghịch đã bay khỏi đầu cậu.

- Công việc ngày hôm nay ba đã làm xong, - ông bố vừa nói vừa xếp gọn giấy tờ vào cặp giấy. - Làm xong việc rồi thì tha hồ chơi. Nhưng không được quấy rầy người khác, - ông khẽ đe Vô-lô-đi-a với giọng ôn hòa. - Thế nào, mọi việc ở trường ra sao, cậu học sinh trung học?

Vô-lô-đi-a kể lại mọi việc. Chẳng có gì đặc biệt cả.

Từ phòng lớn vọng đến tiếng nhạc khe khẽ.

Hai bố con lặng lẽ bước vào. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, những ngọn nến trên đàn dương cầm đã được thắp sáng. Bà mẹ đang chơi đàn. Bà chơi một điệu gì đó trong sáng như một ngày nắng hè. Vô-lô-đi-a cùng với bố ngồi ở một góc, lắng nghe điệu nhạc hồi lâu.

HÃY LÀ NGƯỜI BẠN

Một hồi chuông vang lên báo giờ vào học. Học sinh lớp hai ồn ào đi về chỗ. Đang là mùa xuân. Các cửa sổ đều mở. Bỗng một con mèo từ ngoài đường nhảy tót lên bệ cửa sổ.

- Người mới đến lớp ta kìa! - một học sinh nào đó vừa cười vừa kêu lên.

Thầy giáo bước vào lớp. Cậu bé ngồi cạnh cửa sổ không kịp nghĩ ngợi gì cả, liền túm lấy con mèo, nhét vội vào bàn và đậy nắp lại.

- Chúng ta bắt đầu học, - thầy giáo vừa nói vừa đi lên bục giảng và sửa lại cặp kính mũi.

“Meo”, - con mèo bỗng kêu.

- Cái gì thế? - thầy giáo cau mày vẻ nghiêm khắc.

Trong lớp vang lên tiếng ho lẫn tiếng xì xào, sách vở của ai đó rơi xuống loạt soạt. Học sinh cố dùng mọi cách để làm át tiếng mèo kêu trong hộp bàn. Nhưng con mèo càng kêu dữ: “Meo, meo, meo.”

Cậu bé giấu mèo hoảng hốt, sợ thầy giáo trừng phạt, liền thả mèo ra. Con mèo ngang nhiên đi giữa dãy bàn, tiến thẳng về phía bục giảng của thầy giáo, như không có chuyện gì xảy ra. Học sinh trong lớp đều lặng người đi.

Thầy giảo đỏ mặt, kính cặp mũi rơi ra, treo lơ lửng ở đầu sợi dây.

- Sao mà tệ thế này? Ai đem đến thế?

- Chúng con không đem đến. Nó tự nhảy qua cửa sổ vào ạ.

- Ai vừa giấu. Nhận ngay đi. Ai vừa giấu con mèo? Nói tên ngay.

Không một tiếng đáp lại. Không ai nhìn về phía cửa sổ, nơi cậu bé đang ngội dựng tóc gáy vì tiếng quát.

- Định làm loạn à! - thầy giáo nói. - Tôi sẽ báo lên ông giám thị.

Giờ học đã trôi qua trong bầu không khí trầm lặng. Hồi chuông hết giờ vang lên, thầy giáo ra khỏi lớp. Vô-lô-đi-a bước ra trước lớp:

- Chúng ra sẽ im lặng nhé!

- Đúng đấy, U-li-a-nốp ạ! Không được tiết lộ! Nhất quyết nhé!

Từ dãy bàn cuối một học sinh cao kều lẳng lặng đứng dậy. Hắn ra ngoài. “Hắn đi đâu thế?” - Vô-lô-đi-a ngạc nhiên, nhưng không có thì giờ suy nghĩ. Tất cả đều bàn tán về câu chuyện vừa rồi. Không ai để ý tới việc Cao Kều đi đâu.

- Các cậu ạ, - Vô-lô-đi-a nói, - thống nhất, im lặng nhé.

- Thống nhất! - cả lớp ủng hộ.

Trong lớp vừa có cái gì lo sợ, vừa có cái gì thân ái, tất cả đều phấn khởi hẳn lên. Bỗng nhiên Cao Kều trở về, im lặng ngồi vào bàn của mình.

Cuối giờ giải lao tên giám thị đến, hắn ưỡn ngực trong bộ chế phục màu xanh:

- Về chỗ!

Ngay tức khắc tất cả học sinh lớp hai đi vào bàn của mình. Chuyện gì sẽ xảy ra?

Tên giám thị đưa cặp mắt lạnh lùng đảo khắp các học sinh và… dừng lại ở cậu bé đã giấu con mèo.

- Bước ra khỏi lớp! Hạnh kiểm một. Đi vào phòng giam cá nhân.

Cậu bé sửng sốt cúi đầu đi vào phòng giam. Tên giám thị bỏ mặc cả lớp. Các học sinh đều lấy làm ngạc nhiên. Làm sao tên giám thị có thể biết được nhỉ? Có ai đó đã hớt lẻo? Ai?

Vô-lô-đi-a liếc nhìn Cao Kều.

Hai tai hắn đỏ lên, cặp mắt đảo quanh có vẻ sợ hãi…

Lớp học bắt đầu lủng củng. Mỗi trò tinh nghịch, thậm chí nhỏ nhất, tên giám thị đều biết. Ngày nào cũng có học sinh hoặc bị tống vào phòng giam, hoặc bị nhịn cơm trưa. Học sinh bắt đầu nghi kị nhau, sợ kết bạn với nhau. Tất cả đều xoay quanh một ý nghĩ: “Kẻ nào, kẻ nào hay hớt lẻo với tên giám thị?”

Một hôm trong giờ nghỉ giải lao Vô-lô-đi-a nhìn thấy: Cao Kều nhảy tót từ phòng làm việc của tên giám thị ra rồi lẩn vào đám học trò. “Chính hắn”, - Vô-lô-đi-a hiểu.

- Hắn hay hớt lẻo, - Vô-lô-đi-a không còn do dự nói với các bạn.

Nhiều người cũng đã dự đoán như vậy.

- Mình sẽ nện cho nó một trận! - Đi-ma An-đrê-ép, bạn của Vô-lô-đi-a, tức giận siết chặt nắm đấm. - Các cậu ơi, chúng ta sẽ rình nó ở ngoài đường, cho nó một bài học.

- Tốt hơn hết sẽ cho nó một bài học bằng cách khác, - Vô-lô-đi-a nói. - Chúng ra sẽ tuyên bố tẩy chay.

- Tẩy chay nghĩa là thế nào?

- Là đừng nói chuyện, đừng trả lời các câu hỏi, không thèm để ý đến hắn, coi như không có hắn vậy.

Vừa lúc đó Cao Kều bước vào. Như mọi bận, cặp mắt hắn lấm la lấm lét. Hắn thoáng thấy tất cả đều im lặng khi hắn đến.

- Giờ học này là giờ gì nhỉ? - Cao Kều khẽ hỏi.

Không ai trả lời cả. Một bạn chạy lên bảng viết rõ to: “Không nói chuyện với những tên hớt lẻo” - rồi lấy khăn lau xóa ngay.

Cao Kều co mình lại, rụt đầu vào vai, đi về bàn mình.

Vô-lô-đi-a khinh bỉ hắn. Khi Cao Kều đi qua, Vô-lô-đi-a liền ngoảnh mặt nhìn chỗ khác. Và tất cả đều làm như vậy. Cao Kều trở nên cô độc, hoàn toàn cô độc. Không ai thèm nói với hắn một lời. Không ai thèm nhìn hắn, để ý đến hắn.

Hết ngày này đến ngày khác, hết tuần này đến tuần khác cứ như thế. Người tố cáo không còn nữa. Những vẫn như trước đây, tất cả không thèm để ý đến hắn.

Một lần sau khi tan học, Vô-lô-đi-a chạy vào lớp bỏ trống để lấy cuốn sách bỏ quên. Cao Kều ngồi ở bàn cuối và đang khóc. Tim Vô-lô-đi-a bỗng se lại, cậu lại gần:

- Cậu đã hối hận chưa? Cậu sẽ không làm như thế nữa chứ?

Cao Kều khẽ ngẩng bộ mặt run rẩy, còn đầm đìa nước mắt. Đã có người nói với hắn, hắn không tin vào tai mình!

- Không bao giờ, không bao giờ! - hắn nói ấp úng. - Mình sợ. Mình sợ ông giám thị đuổi mình khỏi trường trung học vì mình học kém. Mình không thể sống thiếu bạn bè như thế này được!

- Cậu hãy là người bạn, thì cậu sẽ có những người bạn, - Vô-lô-đi-a đáp. - Thôi được, chúng mình tin cậu. Mình sẽ bảo các bạn rằng có thể tin cậu.

Và cuộc tẩy chay Cao Kều ở lớp hai chấm dứt. Không ai nhớ lại chuyện quá khứ nữa. Cao Kều đã được một bài học suốt đời…

Và tất cả học sinh lớp hai cũng được một bài học.

LO ÂU

Xa-sa không thích cái lối hình thức chủ nghĩa và kỷ luật cưỡng bức của trường trung học. Nhưng anh học rất giỏi, tốt nghiệp với huy chương vàng. Vô-lô-đi-a cũng không thích những quy chế của trường trung học và cũng học rất giỏi, là học sinh xuất sắc từ lớp đầu đến lớp cuối.

Khi Vô-lô-đi-a còn học ở các lớp dưới, ông bố đã áy náy không biết Vô-lô-đi-a sau này có quen lao động không? Cậu đã tỏ ra rất có khả năng, dễ dàng nắm được cái mới. Sau này ông bố tin rằng Vô-lô-đi-a biết làm việc một cách kiên trì. Thật ra, cậu đã học được ai đó: trong nhà luôn luôn có sự kính trọng đặc biệt đối với lao động.

Xa-sa đã tốt nghiệp trung học và vào trường đại học Tổng hợp Pê-téc-bua. Trước khi đi Pê-téc-bua, hai anh em tới khu Vê-nhét - đó là tên gọi cái bờ dốc cao ở Xim-biếc đổ ra sông Von-ga. Từ hồi nhỏ hai anh em đã yêu khi Vê-nhét. Phía trên là cả một bầu trời bao la. Từ nơi đây có thể nhìn ra những miền xa xăm vô tận.

- Anh thích cái gì nhất trong con người ta? - Vô-lô-đi-a hỏi.

- Lao động. Kiến thức. Tính trung thực, - Xa-sa đáp. Rồi suy nghĩ một lát, anh nói thêm: - Theo anh, ba của chúng ra chính là con người như vậy.

Những lời nói của Xa-sa về ông bố đã lập tức sâu vào tâm khảm Vô-lô-đi-a. Vô-lô-đi-a có tính tự chủ và dứt khoát, nhưng cậu đã bắt đầu lo âu: bố đi công tác xuống các trường học nông thôn đã quá thời hạn trở về từ lâu, mà vẫn chưa thấy về.

Vô-lô-đi-a học trong căn phòng nhỏ của mình ở gác lửng. Căn phòng ấy luôn luôn ngăn nắp, trật tự không chê vào đâu được. Không một mẩu giấy vương xuống sàn, chiếc bàn giấy nhỏ không bày bừa những vật linh tinh khác. Cạnh đó là căn phòng của Xa-sa cũng nhỏ như vậy. Căn phòng trống trải. Đã sang năm thứ ba Xa-sa học ở trường Đại học Tổng hợp Pê-téc-bua. Và A-nhi-u-ta cũng đang học ở trường cao đẳng nữ ở Pê-téc-bua. Vô-lô-đi-a buồn nhớ A-nhi-u-ta và Xa-sa, nhất là nhớ Xa-sa. Khi Xa-sa sống ở nhà, hai anh em thường hay trao đổi về những cuốn sách đã đọc, về những chuyện xảy ra trong cuộc sống, nói chuyện với nhau hàng giờ liền. Họ nói đủ thứ chuyện rất lý thú.

- Hồi tưởng như vậy là đủ rồi, - Vô-lô-đi-a tự chấm dứt, - bắt tay vào công việc thôi!

Vô-lô-đi-a đã học bài xong. Vẫn như hồi còn nhỏ, cậu thường chuẩn bị rất chu đáo túi sách cho ngày mai. Suốt cả buổi tối Vô-lô-đi-a đọc sách. Cậu có một kế hoạch đọc rất nhiều! Trong số những cuốn sách về lịch sử, về sự tổ chức xã hội và cuộc sống của nhân dân. Vô-lô-đi-a đọc Tuốc-ghê-nhép, Pu-skin và cả Lép Tôn-xtôi nữa.

Các thầy giáo của trường trung học không hề biết rằng cậu còn đọc những tác phẩm của Đô-brô-li-u-bốp, Pi-xa-rép, Bê-lin-xki, Ghéc-xen. Những cuốn sách này nói về những điều Vô-lô-đi-a chưa từng nghe thấy trong các giờ học ở trường trung học: sách vạch ra cho ta thấy rõ sự bất công trong xã hội.

… Vô-lô-đi-a rời khỏi những trang sách, liếc nhìn đồng hồ. Chà, mình mải đọc quá! Cần phải xuống thăm mẹ. Cậu cất sách vào bạn và chạy xuống phòng ăn ở phía dưới.

Bà mẹ không ở đó một mình. Người bạn và người đồng sự của bố là I-van I-a-cô-vlê-vích I-a-cô-vlép ghé đến chơi khoảng một giờ với tình nghĩa xóm giềng. Ông là người Tsu-vát, làm thanh tra các trường Tsu-vát, là một người có học thức, hăng hái bảo vệ dân tộc nhỏ bé của mình bị chính quyền Nga hoàng ngược đãi. I-a-cô-vlép vốn bình tĩnh, đầy phẩm chất tốt đẹp, đã chân tình nói với bà mẹ:

- I-li-a Ni-cô-lai-ê-vích của chúng ra rất tốt, rất cao cả ở chỗ trong công tác của mình ông quan tâm không phải tới việc làm vừa lòng cấp trên, mà tới lợi ích của nhân dân. I-li-a Ni-cô-lai-ê-vích đã làm nhiều việc tốt cho chúng tôi, những người Tsu-vát và cả những người Moóc-đvin. Ông đã mở biết bao các trường học cho người Tsu-vát, nhưng ông đã khẩn khoản nài xin, cố hết sức để đạt được.

Bà mẹ nói:

- Không hiểu sao nhà tôi đi lâu vậy. Tôi rất lo cho nhà tôi!

- Bác Ma-ri-a A-lếch-xan-đốp-na, đừng vội sốt ruột. I-li-a Ni-lai-cô-ê-vích là một người rất say mê công việc, chắc là bận việc ở trường nào đó. Và lại đường sá đâu có gần.

Từ trong phòng lớn vang lên tiếng nhạc khe khẽ. Ô-li-a chơi bản nhạc của Tsai-cốp-xki. Mọi người đều im lặng lắng nghe.

Nhưng có tiếng gì đó? Tiếng lục lạc. Tiếng lục lạc vang lên phía dưới cửa sổ và dừng lại ngay cổng. I-li-a Ni-cô-lai-ê-vích bước vào, ông mặc áo tu-lúp(1) choàng ra ngoài áo măng tô đồng phục, những giọt băng đọng lại ở râu cằm, toàn thân lạnh buốt.

(1)Áo lông vạt dài - N.D.

- Mạnh khỏe chứ, lạy Chúa, mạnh khỏe chứ! - bà mẹ thở phào nhẹ nhõm.

Mọi người giúp ông cởi áo. Đem áo mặc trong nhà và giày tới. Bày thức ăn ra bàn. Mời ông ngồi ăn. Ông cảm động, thấy ấm lòng, vuốt bộ râ ra vẻ lúng túng:

- Chà, sau những chuyến đi đường đầy bão tuyết và giá lạnh, về tới nhà thật là ấm cúng!

Khi những tiếng thốt lên đầu tiên đã chấm dứt và cặp má ửng hồng vì giá lạnh của I-li-a Ni-cô-lai-ê-vích đã nhạt đi, Vô-lô-đi-a cảm thấy ông bố rất mệt và buồn. I-van I-a-cô-vlép cũng nhận thấy ông bạn mình không vui.

- I-li-a Ni-cô-lai-ê-vích, có chuyện gì không hay ư?

Nếp nhăn cay đắng đã hiện ra trên vầng trán hói của I-li-a Ni-cô-lai-ê-vích.

- Hãy hình dung một làng nhỏ thuộc vùng thảo nguyên cách Xim-biếc khoảng một trăm rưỡi dặm, cách đường quốc lộ khoảng ba chúc dặm, nơi thâm sơn cùng cốc. Trường học đặt ở giữa khác nào một túp lều hoang đơn độc. Gió thổi thông thốc tứ phía. Cạnh trường có một gian buồng nhỏ của cô giáo, chẳng có sách báo gì cả. Củi cũng không có nốt. Có thể như thế được không? Nghĩa là không dự trữ củi cho trường học đốt trong mùa đông! Mà tất cả, chỉ vì cô giáo không chịu làm vừa lòng, không chịu cúi đầu trước cường hào, trước tên trưởng thôn. Cô giáo bị ức hiếp, bị hành hạ. Thế mà chẳng có ai bênh vực cả…

- Ba ơi, chính ba đã bênh vực đấy! - Vô-lô-đi-a thốt lên.

- Bênh vực, nhưng rồi bỏ đi. Còn cô giáo của chúng ta lại ở đó một mình chống chọi với tên cường hào. Tên cường hào nắm trong tay cả làng. Nông dân chẳng có quyền gì cả. Ruộng đất thì ít. Tất cả đất đều nằm trong tay bọn cường hào và địa chủ. Những người nghèo từ nửa mùa đông đã phải ngồi nhà không có bánh mì ăn.

I-li-a Ni-cô-lai-ê-vích đi dạo trong phòng, cởi cúc áo ra ; ông cảm thấy ngột ngạt ; trong cặp mắt ông có cái gì buồn rầu.

- Ông ơi, - Ma-ri-a A-lếch-xan-đrốp-na nói vẻ lo lắng, - Ông mệt rồi đấy, ông cần phải nghỉ ngơi.

- Chà, Ma-sen-ca, bây giờ đâu phải lúc nghỉ ngơi? Các trường học ở khắp tỉnh đang chờ đợi tôi. Các trường học của chúng ta còn phải sống cực lắm.

- Ông ơi, tôi thấy lo cho ông.

- Không sao cả, Me-sen-ca, tôi vẫn còn vững chắc như cây sồi ấy. - ông I-li-a Ni-cô-lai-ê-vích nói đùa. - Thế mà xung quanh có những cây sồi non đang lớn lên.

Ông bố ôm lấy Vô-lô-đi-a. Vô-lô-đi-a vươn dài người ra. Cũng như ông bố, cậu có gò má hơi cao và vầng trán rộng. Sự âu yếm của người cha đã làm cậu cảm động. Nhưng tính cậu vốn rụt rè.

Và để đáp lại, cậu chỉ lẳng lặng mỉm cười.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3