Cuộc đời của Lê-nin - Chương 13 - 14 - 15 - 16
BỊ QUẢN THÚC Ở CÔ-CU-SKI-NÔ
A-nhi-a đã sống ở đó. Chị bị bỏ tù vô cớ. Vì chị là chị ruột của A-lếch-xan U-li-a-nốp. Rồi chị vị vô cớ bị kết án bị đày đi Xi-bi-ri năm năm. Bà mẹ đã khẩn khoản nài xin, đệ đơn thỉnh cầu và An-na(1) U-li-a-nốp đã được phép sống ở Cô-cu-ski-nô trong thời hạn đó.
(1)Tức A-Nhi-a - ND.
Mùa đông rất giá lạnh và đầy bão tuyết. Ngôi nhà nhỏ, nơi hai chị em ở lộng gió. Đêm đêm gió rít lên, gầm rú trong ổng khói. Những đống tuyết ùn đến tận cửa sổ. Ở Cô-cu-ski-nô vào mùa đông thật là buồn bã và cô đơn.
Đôi khi lão cảnh sát thôn cũng ghé thăm. Lão hỏi những người nông dân trong làng Cô-cu-ski-nô:
- Chị em U-li-a-nốp sống thế nào?
- Không sao cả. Họ là những người tốt. Những người có họ.
Lão cảnh sát thôn bỏ đi chẳng kiếm được chuyện gì.
Suốt mùa đông Vô-lô-đi-a ngồi đọc sách. Anh đọc rất nhiều, từ sáng đến khuya. Trong những tháng này Tséc-nư-sép-ski đã trở thành nhà văn mến yêu của anh, nhà văn yêu quý và tuyệt vời nhất. Tinh thần cách mạng của Tséc-nư-sép-ski đã chiếm được cảm tình của Vô-lô-đi-a. Tséc-nư-sép-ski đã giải thích toàn bộ chế độ xã hội Nga, kẻ thống trị là Nga hoàng, bọn quan lại, chủ xưởng, địa chủ. Còn nông dân và công nhân sống khổ cực, điêu đứng. Vô-lô-đi-a đã biết nông dân làng Cô-cu-ski-nô sống rất cơ cực, nghèo đói. Vô-lô-đi-a nhớ lại sau chuyến đi thăm các trường học, ông bố thường kể về cảnh nông dân Xim-biếc không có ruộng đất. Tséc-nư-sép-ski rất có lý! Tséc-nư-sép-ski đã chỉ ra toàn bộ sự vô tổ chức của cuộc sống Nga. Ông kêu gọi đấu tranh, kêu gọi làm cách mạng. Cuốn sách “Làm gì?” của Tséc-nư-sép-ski thuộc loại sách cấm. Xa-sa đã đọc những trang sách đó. Đọc bí mật, khóa trái cửa lại hoặc che kín cửa sổ. Những trang sách quý! Vô-lô-đi-a đã đọc đi đọc lạnh những trang đó nhiều lần. Anh luôn khám phá ra cái mới.
Tối khuya, sau khi đọc xong mỗi cuốn sách, anh rủ chị A-nhi-a ra vườn. Hai chị em đi đi lại lại trên con đường hẹp phủ đầy tuyết. Vô-lô-đi-a kể cho chị A-nhi-a về những cuốn sách mới đọc. Anh có nhiều suy nghĩ, ước mơ, dự định, mục đích cuộc sống. Mục đích cuộc sống của Vô-lô-đi-a là gì? Là đấu tranh cách mạng. Anh muốn hiến dâng cả cuộc đời, toàn bộ sức lực cho đấu tranh chống lại Nga hoàng và các giai cấp giàu có. Vì hạnh phúc và tự do của nhân dân.
Đêm đông, hàng triệu vì sao ngó nhìn làng Cô-cu-ski-nô lợp tranh, ngó nhìn ngôi nhà trong khu vườn bỏ hoang và buồn bã.
Xung quanh là sự yên lặng của vùng quê hẻo lánh.
Nhưng kìa mùa xuân đã đến.
Băng đã chuyển, phá vỡ con sông U-xnhi-a.
Những dòng suối chảy xiết theo các khe cạn. Cỏ cây màu xanh lộ ra. Chim sơn ca bắt đầu cất tiếng hót. Những cây bạch dương nảy lộc xanh rờn.
Rồi đây Vô-lô-đi-a U-li-a-nốp sẽ sống ra sao? Cuộc đấu tranh cách mạng là mục đích chính, duy nhất của anh. Nhưng cần phải kiếm sống.
Cần phải tốt nghiệp đại học, có văn bằng, có chuyên môn.
Mùa xuân Vô-lô-đi-a đệ đơn xin vào trường đại học Ca-dan.
Lão thanh tra Pô-ta-nốp sực nhớ tới cuộc họp mặt của sinh viên hồi tháng Chạp, nhớ rất rõ cặp mắt rực lửa của anh chàng sinh viên U-li-a-nốp. Lão thanh tra Pô-ta-nốp quyết không cho U-li-a-nốp trở lại trường đại học. Họ đã từ chối Vô-lô-đi-a.
Đến cuối mùa hè bà Ma-ri-a A-lếch-xan-đrốp-na lại đệ đơn xin bộ trưởng Giáo dục: cho phép con trai tôi vào bất kỳ trường đại học nào, ở Mát-xcơ-va, hoặc Ki-ép, hoặc Khác-cốp, ở đâu cũng được…
Ông bộ trưởng Giáo dục đã trả lời: tôi không giải quyết cho sinh viên cũ Vla-đi-mia U-li-a-nốp vào trường đại học.
Mùa thu, sinh viên cũ Vla-đi-mia U-li-a-nốp yêu cầu bộ trưởng Nội vụ cho phép anh được ra nước ngoài. Anh quyết định học ở trường đại học nước ngoài, nếu như ở trường trong nước không cho anh kết thúc bậc đại học.
Bộ trưởng Nội vụ đã từ chối.
Một lần nữa Vla-đi-mia I-lích lại yêu cầu bộ trưởng. và một lần nữa các nhà đương cục lại từ chối U-li-a-nốp.
Biết làm thế nào được, đành phải tự học theo giáo trình của trường đại học. Và anh sinh viên cũ Vla-đi-mia U-li-a-nốp trong vòng một năm rưỡi đã tự học hết chương trình bốn năm của khoa luật và tới Pê-téc-bua để dự thi.
NHỮNG NĂM SỐNG Ở XA-MA-RA
- Vla-đi-mia I-lích U-li-a-nốp! - chủ tịch ban giám khảo kì thi trực thuộc trường đại học Pê-téc-bua gọi tên.
U-li-a-nốp lấy phiếu. Những câu hỏi khá hóc búa. Các vị giáo sư quan trọng đầu tóc bạc phơ chăm chú lắng nghe. Chàng thanh niên có gò má hơi cao, cặp mắt long lanh và hơi nhỏ, hiểu biết vấn đề khá sâu sắc và trả lời trôi chảy. Các giáo sư trao đổi ý kiến.
- Chàng thanh niên ở tỉnh lẻ, ở Xa-ma-ra, được chuẩn bị khá tốt! - một giáo sư tán thưởng nói.
- Đã lâu tôi chưa từng nghe thấy một câu trả lời tuyệt vời như vậy! - một giáo sư khác đồng ý.
Giáo sư thứ ba cho điểm không nói một lời nào: “Điểm năm”.
Ý kiến chung là: U-li-a-nốp xứng đáng được điểm năm. Điểm cao nhất trong kì thi tốt nghiệp của trường đại học!
- Xin chúc mừng, ngài U-li-a-nốp! - một giáo sư nói sau khi thi.
- Cảm ơn! - Vla-đi-mia I-lích đáp.
Vla-đi-mia I-lích rất phấn khởi. Anh còn chưa quen Pê-téc-bua, nên trong lúc rỗi rãi thường thích đi dạo cùng cô em gái Ô-li-a trên đại lộ Nép-xki, dọc theo những con đường ven sông, vườn Mùa hè, làm quen với thành phố, các cung điện tráng lệ, các viện bảo tàng. Năm đó Ô-li-a sống ở Pê-téc-bua, cô học trường Cao đẳng nữ.
Thi xong, Vla-đi-mia I-lích đến gặp Ô-li-a. Anh muốn chia sẻ niềm vui với cô em. Vị giáo sư đứng tuổi đã chúc mừng anh vì tất cả các môn anh đều đạt điểm cao nhất. Anh đã học hành không phí công! Sắp tới, anh sẽ chuyển hẳn lên Pê-téc-bua và bắt đầu công việc quan trọng nhất của mình, công việc cách mạng!
Anh vui vẻ đi tới gặp em gái.
“Ta sẽ rủ Ô-li-a đi dạo chơi trên sông Nê-va. Và sắp sửa nghỉ hè rồi, hai anh em sẽ cùng về Xa-ma-ra.”
Bà chủ nhà của Ô-li-a đập tay, đón anh bằng tiếng kêu sợ hãi:
- Vla-đi-mia I-lích, thật là tai họa, thật là rủi ro!
“Lại tai họa.” - Vla-đi-mia I-lích hoảng hốt.
Anh bước vào phòng. Ô-li-a người nóng ran, mặt đỏ bừng, lăn lộn trên gối trong cơn mê sảng. Đầu tóc rũ rượi, cặp môi đỏ nứt ra.
Cô luôn lấy tay bắt bắt cái gì, miệng nói lắp bắp với vẻ cầu xin.
- Mẹ ơi! - qua giọng nói rời rạc tiếng được tiếng mất. - Cứu con với, mẹ ơi!
Vla-đi-mia I-lích nắm lấy tai Ô-li-a. Cô không nhận ra anh, cô dứt tay ra. Anh đưa cô em tới bệnh viện và đánh điện gọi mẹ tới.
Ở Xa-ma-ra chưa có đường sắt. Đến khi bà Ma-ri-a A-lếch-xan-đrốp-na tới được Pê-téc - bua thì Ô-li-a đã nguy kịch rồi. Cô mất ngày 8 tháng 5 năm 1891. Bốn năm trước đây cũng vào ngày này Xa-sa bị tử hình.
Vla-đi-mia I-lích dìu mẹ đi sau chiếc quan tài. Trái tim đau đớn. Mọi người đều băn khoăn trước cái chết vô nghĩa ấy. Cô gái mười chín tuổi, xinh đẹp, thông minh, đã chết sớm như vậy, thật là bực mình! Bà mẹ đi sau chiếc quan tài, trông mặt bà nhợt nhạt như không còn một hột máu, cặp môi bà mím chặt, không khóc.
Nấm mồ mới ở nghĩa địa cứ to dần thêm. Các bạn gái của Ô-li-a đặt lên mộ những vòng hoa.
Sau khi chôn cất Ô-li-a, Vla-đi-mia I-lích cùng với mẹ trở về nhà ở Xa-ma-ra. Bấy giờ gia đình U-ni-a-nốp đang sống ở Xa-ma-ra.
Những năm sống ở Xa-ma-ra là thời kì quan trọng trong cuộc đời của Vla-đi-mia I-lích. Ở đó I-lích đã chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp đại học. Ở đó I-lích đã làm quen với học thuyết Mác một cách gần gũi và sâu sắc hơn.
Các Mác, nhà bác học kiêm nhà cách mạng Đức vĩ đại, đã viết cuốn sách nổi tiếng “tư bản” và cùng với người bạn của mình là Phơ-ri-đrích Ăng-ghen viết “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”. Các Mác đã chứng minh giai cấp công nhân sẽ chiến thắng bọn tư bản, sẽ nắm chính quyền và xây dựng trên trái đất xã hội mới, xã hội cộng sản. Vla-đi-mia I-lích rất đỗi ngạc nhiên. Anh đọc Mác một cách vô cùng xúc động. Học thuyết Mác đã lôi cuốn anh và xâm chiếm anh đến tận đáy lòng. Con đường đi tới tương lai đã mở ra rất rõ ràng. Con đường đó đã được lựa chọn. Vĩnh viễn.
Những người theo học thuyết Mác được gọi là những người mác-xít. Vla-đi-mia I-lích đã trở thành người mác-xít. Anh bắt đầu tham gia nhóm mác-xít Xa-ma-ra, giải thích và tuyên truyền Mác một cách bí mật, để không sa vào tay bọn hiến binh.
Sau khi thi đỗ, Vla-đi-mia I-lích làm việc ở tòa án Xa-ma-ra, nhiều lần anh bênh vực những nông dân và những người nghèo.
Vla-đi-mia I-lích làm việc, học tập và mong muốn rời khỏi Xa-ma-ra tới một thành phố công nghiệp lớn nào đó, nhất là Pê-téc-bua. Ở Pê-téc-bua có nhiều nhà máy và công xưởng. Ở Pê-téc-bua có giai cấp công nhân hùng mạnh; chính là nơi Vla-đi-mia I-lích mong muốn tới.
Anh đã định đi Pê-téc-bua từ lâu, nhưng chỉ vì thương mẹ mà ở lại. Mẹ buồn nhớ Ô-li-a.
Vla-đi-mia I-lích hết sức chăm sóc và làm cho mẹ khuây khỏa trong những ngày buồn bã này.
Mùa thu năm 1893 gia đình U-ni-a-nốp rời khỏi Xa-ma-ra. Mi-chi-a đến tuổi vào trường đại học. Anh đã chọn Mát-xcơ-va. Bà Ma-ri-a A-lếch-xan-đrốp-na cùng Mi-chi-a và Ma-nhi-a-sa liền chuyển đến Mát-xcơ-va.
An-na I-li-nhít-na đã lấy chồng. Chồng chị là Mác-cơ Ti-mô-phê-ê-vích Ê-li-đa-rốp. Thời sinh viên anh sống ở Pê-téc-bua, là bạn của Xa-sa. Anh đã kết thân với An-na I-li-nhít-na từ khi đó. Sau sự đau khổ và tai họa đã làm cho họ thêm gần gũi và gắn bó với nhau. An-na I-li-nhít-na và Mác-cơ Ti-mô-phê-ê-vích sống cùng với gia đình U-ni-a-nốp. Họ cùng chuyển đến Mát-xcơ-va.
Vla-đi-mia I-lích một mình đi Pê-téc-bua, trong lòng tràn đầy sức sống và nghị lực cách mạng.
NGOẠI Ô NÉP-XKI
Trời bắt đầu tối. Trên các đường phố Pê-téc-bua những chiếc đèn lồng chiếu mờ mờ sáng. Những người đi đường thưa thớt vội vã về nhà.
Vla-đi-mia I-lích đi xe ngựa(1) chở khách trong thành phố. Chiếc xe rung chuông leng keng, lắc lư trên đường ray. Đôi ngựa hồng lắc đầu, ra sức kéo toa xe nhỏ. Các cửa sổ toa xe đều bị băng đóng, không biết được xe đang đi đâu. Chặng đường còn khá xa. I-lích cần ra vùng ngoại ô Nép-xki, tới một nhóm công nhân.
(1)Nguyên văn: kônka. Trước kia khi chưa có tàu điện, ở trong thành phố có một loại xe chở khách chạy trên đường ray do ngựa kéo; chiếc xe gồm có một toa xe nhỏ chạy bằng bánh sắt, gần giống toa xe điện ngày nay - N.D.
Khi Vla-đi-mia I-lích ngồi vào toa xe, một người bé nhỏ, đeo kính râm nhảy theo anh lên bậc cửa. Vla-đi-mia I-lích đã trông thấy hắn ở bến xe. Hắn đứng, lấy tờ báo che mặt làm ra vẻ đọc, nhưng thực ra đang theo dõi Vla-đi-mia I-lích. “Mật thám”, - Vla-đi-mia I-lích nhận ra ngay, khi tên kia nhanh nhẹn nhảy lên xe.
Vla-đi-mia I-lích ngồi sát cạnh lối ra, kéo cổ áo lên và bắt đầu nghĩ cách chuồn khỏi tên mật thám. Anh giả vờ ngủ, nhưng thực ra là thở vào cửa kính để làm tan một khoảng băng nhỏ. Qua đó có thể nhìn xem đén bến nào thì xuống được. Anh biết một bến có thể lẩn thoát tên mật thám. Anh dán mắt vào cửa sổ, nhìn qua cái vòng nhỏ đã tan băng, cốt sao không bỏ lỡ bến đó. Bến ấy đây rồi. Xe đỗ.
- Có ai xuống không? - người bán vé hỏi.
Hành khách im lặng. Vla-đi-mia I-lích cũng im lặng,
Đôi ngựa bắt đầu chạy thì Vla-đi-mia I-lích liền đứng phắt dậy, nhảy khỏi toa xe. Anh ba chân bốn cẳng chạy tới một sân ăn thông với sân khác. Phía sau bỗng vang lên tiếng chuông vội vã: người bán vé đã giật chuông, toa xe dừng lại. Tên mật thám cũng nhảy khỏi toa xe, nhưng chậm rồi. Hắn nhìn ngược nhìn xuôi, không thấy ai cả.
Vla-đi-mia I-lích chạy qua cái sân ăn thông với sân khác ra một phố khác rồi đi bộ một cách yên ổn tới nhóm công nhân.
Nhóm tụ tập ở nhà I-van Ba-bu-skin, thợ tiện nhà máy cơ khí ở ngoại ô Nép-ski. Nhà máy mang tên chủ là Xê-mi-an-nhi-cốp. Ở ngoại ô Nép-ski có nhiều nhà máy và công xưởng. Sáng sớm, ngay từ lúc trời còn tối, còi nhà máy đã bắt đầu rú lên các giọng khác nhau. Công nhân làm việc từ lúc trời còn tối, đến khuya mới trở về. Họ không hề nhìn thấy mặt trời mọc. Cuộc sống thật là tăm tối! Nhưng không thể sống mãi như thế được!
Để tránh cảnh sát, công nhân bí mật tu tập ở nhà Ba-bu-skin, thảo luận vai trò và vị trí của mình.
Buổi tối hôm ấy họ đã tụ tập đông đủ và chờ đợ diễn giả Ni-cô-lai Pê-tơ-rô-vích. Thật ra đó là Vla-đi-mia I-lích. Anh lấy tên Ni-cô-lai Pê-tơ-rô-vích để bọn mật thám và cảnh sát không nhận ra anh là ai.
Vla-đi-mia I-lích đến nhà Ba-bu-skin. Đến nhóm công nhân ở ngoại ô Nép-ski làm gì? Và đến các nhóm công nhân khác làm gì?
Anh muốn tất cả các công nhân hiểu rõ chuyện học thuyết Mác. Mác đã dạy “công nhân là lực lượng có thể xây dựng lại xã hội. Nếu công nhân muốn và biết nổi dậy chống lại bọn chủ xưởng và Nga Hoàng thì không ai có thể thắng được họ. Có nghĩa là công nhân cần phải đoàn kết lại. Cần phải đặt mục đích và đặt được mục điacshc ủa mình. Công nhân còn có mục đích nào khác? Chỉ có một mà thôi. Nắm lấy chính quyền. Thiết lập nàh nước của nhân dân lao động.”
Nhà nước tốt đẹp, xã hội công bằng! Mác gọi đó là cộng sản chủ nghĩa.
CUỐN SÁCH ĐẦU TIÊN
Trong khi Vla-đi-mia I-lích giảng giải cho nhóm của nanh thợ tiện I-van Va-xi-li-ê-vích Ba-bu-skin ở ngoại ô Nép-ski thì nhiều công nhân thuộc các nhóm mác-xít cũng tụ tập ở các nơi khác của Pê-tác-bua. Khi tới thành phố này, Vla-đi-mia I-lích trước hết bắt liên lạc ngay với những người cách mạng mác-xít.
- Các đồng chí! - Vla-đi-mia I-lích nói. - Tất cả chúng tá cần phải đưa học thuyết Mác vào quần chúng công nhân. Cần phải liên hiệp với công nhân và chuẩn bị cuộc sống cách mạng.
Thế là thành lập Liên minh cách mạng, sau này lấy tên là “Liên minh đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân”. Lúc đầu “Liên minh đấu tranh” chỉ mới có ở Pê-téc-bua, về sau có cả ở các thành phố khác.
Vla-đi-mia I-lích đã mở đầu một công việc thật là to lớn như vậy!
Nhưng Vla-đi-mia I-lích không chỉ lãnh đạo các nhóm ở ngoại ô Nép-ski, Nác-vơ-ski, dảo Va -xi-li-ép-ski, anh còn có một công việc quan trọng nữa. Chỉ khi nào có thì giờ rỗi, Vla-đi-mia I-lích mới làm công việc đó. Buổi trưa, chiều tối, đôi khi thậm chí vào cả ban đêm, Vla-đi-mia I-lích ngồi viết sách(1). Cuốn sách mà Vla-đi-mia I-lích đã viết đều đáng sợ đối với bọn tư bản. Nó đã nói cho công nhân làm thế nào để đấu tranh đúng đắn hơn với chính quyền tư sản, làm thế nào để tiến hành cuộc đấu tranh ấy có tổ chức hơn.
(1)Tức cuốn “Những người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người xã hôi-dân chủ ra sao?
Chẳng bao lâu nữa Vla-đi-mia I-lích sẽ kết thúc cuốn sách. Các đồng chí mác-xít sẽ bí mật đem in và phổ biến trong các nhóm công nhân.
Đã khuya rồi. Từ căn phòng nhỏ của Vla-đi-mia I-lích nhìn qua tấm rèm tuyn, trời tối đen như mực. Trong các ngôi nhà đối diện, các cửa sổ đều đã tắt đèn. Đêm đã đến. thành phố đã đi ngủ.
Vla-đi-mia I-lích gác bút lại và đứng dậy khỏi bàn. Anh bước ba bước. Căn phòng tuy bé nhỏ, nhưng anh thích đi dạo quanh.
Chỉ có một con đường. Giai cấp công nhân Nga sẽ đi theo con đường trực diện đấu tranh chính trị công khai, tiến đến cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa thắng lợi, - đấy là những điều Vla-đi-mia I-lích đã suy nghĩ và viết. Cuốn sách của Vla-đi-mia I-lích đã kêu gọi công nhân Nga tiến đến cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa thắng lợi. Chưa có ai dám kêu gọi công nhân Nga bằng những lời táo bạo như vậy.
Trong khi đó Vla-đi-mia I-lích mới có hai mươi ta tuổi đầu. Anh còn rất trẻ. Anh đã hiểu biết nhiều. Và đã tin: công nhân Nga sẽ làm cách mạng.