Cuộc đời của Lê-nin - Chương 22 - 23 - 24 - 25

CHIẾC ĐÈN XANH

Vla-đi-mia I-lích bị đày đi nơi xa xăm, ở làng Su-sen-xcôi-e heo hút đã được đúng một năm. Trước khi bị đày, anh đã phải ngồi tù mười bốn tháng. Thời gian bị đày còn lại gần hai năm nữa.

Su-sen-xcôi-e là một làng hẻo lánh ở Xi-bi-ri. Cách đường sắt sáu trăm dặm. Mới đây người ta vừa bắc con đường sắt dọc theo Xi-bi-ri, đi tàu hỏa từ Mát-xcơ-va tới Gra-xnô-i-a-ro-xcơ mất mười ngày. Sau đó đi tàu thủy ngược dòng sông Ê-nhi-xây khoảng năm ngày. Rồi đi tiếp xe ngựa. Lúc ấy mới đến Su-sen-xcôi-e.

Hôm ấy, mồng 7 tháng 5 năm 1898, trái với lệ thường, Vla-đi-mia I-lích không ngồi viết cuốn “Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga”. Cuốn sách kể rằng ở nông thôn và thành thị Nga bọn tư sản, cu-lắc ngày càng tăng cường lực lượng. Nhân dân sống dưới ách thống trị của tư sản ngày càng nghèo khổ nặng nề.

Sau bữa ăn trưa, một bác nông dân đến gõ cửa sổ. Đó là bác bần nông Xô-xi-pa-tức trông ốm yếu, nhưng nhanh nhẹn; bác đội chiếc mũ lông che tai, mặc chiếc áo choàng mỏng bằng dại thô, vai đeo khẩu súng.

- Vla-đi-mia I-lích, chúng ta đi bắn vịt trời đi!

Xô-xi-pa-tức sợ Vla-đi-mia I-lích từ chối, nhưng anh đã đồng ý ngay. Vla-đi-mia I-lích đang sốt ruột. Đáng lẽ Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na từ Pê-téc-bua đã đến, nhưng vẫn chưa thấy đến. Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na sau đó cũng bị ngồi tù ở Pê-téc-bua vì tham gia hoạt động cách mạng. Rồi chị cũng bị kết án đi đày. Chị xin mãi mới được đến làng Su-sen-xcôi-e, tới chỗ Vla-đi-mia I-lích. Bây giờ lẽ ra chị đã đến rồi, nhưng không hiểu vì sao mãi chưa thấy. Việc đi lại bằng đường thủy trên sông Ê-nhi-xây không biết đã khai thông chưa? Hay là đang chờ tàu thủy ở Gra-xnô-i-a-rơ-xcơ?...

Để đánh át những ý nghĩ lo lắng ấy đi, Vla-đi-mia I-lích lấy khẩu súng kíp treo ở trên đỉnh xuống bước ra khỏi nhà.

- Đôi ủng ấy thích hợp đấy, - Xô-xi-pa-tức tỏ vẻ tán thành.

Đôi ủng của Vla-đi-mia I-lích đúng là thích hợp để lội bùn lầy săn vịt trời. Đôi ủng để lội bùn phải cao hơn đầu gối. Khẩu súng kíp cũ đã nạp sẵn đạn chì. Vla-đi-mia I-lích và Xô-xi-pa-tức đi tới hồ Lông, cách xa khoảng mười dặm. Ở đó có nhiều vịt trời đến nỗi bờ hồ rắc đầy lông vịt. Vì vậy có tên gọi là hồ Lông.

Ngày hôm đó rất đẹp. Mặt trời dìu dịu, mỗi ngọn cỏ lá cây đều ánh lên dưới tia nắng vui vẻ. Những cánh đồng cỏ xanh rờn, như vừa mới được tắm rửa. Những bông hoa màu xanh và màu tím nở rộ trong đám cỏ. Ở đằng xa, về phía chân trời, trên nền trời xanh nổi lên dãy núi Xai-an đầy tuyết phủ. Cả cái khối khổng lồ ấy ánh lên lóa mắt.

Đi được khoảng ba dặm, Vla-đi-mia I-lích cảm thấy rất sảng khoái và dễ chịu. Dù có phải đi hai mươi dặm hoặc bốn mươi dặm như thế này thì cũng sẵn sàng. Lại còn được nghe Xô-xi-pa-tức kể chuyện nữa. Xô-xi-pa-tức biết Vla-đi-mia I-lích cần những gì. Phải kể cho anh về nông thôn, về cuộc sống bần cố nông của mình. Phải lần lượt tả cho anh rõ toàn thôn.

Ở hộ này chủ hộ như thế nào. Ở hộ kia chủ hộ ra làm sao. Có bao nhiêu nhân khẩu, gia súc, ruộng đất? Xô-xi-pa-tức kể hết hộ này đến hộ khác, lần lượt khắp làng Su-sen-xcôi-e. Kể đúng sự thật, không thêm bớt nửa lời.

- Dừng lại. Hồ kia rồi. Vla-đi-mia I-lích, cẩn thận đấy. Đừng có bắn trượt. Phát đầu tiên không được bắn trượt, cố gắng nhé, điềm xấu đấy, - vừa đến nơi săn bắn, Xô-xi-pa-tức đã bắt đầu bận rộn. - Vla-đi-mia I-lích, anh bắn phát đầu không được làm hỏng đấy!

Vla-đi-mia I-lích đứng cầm súng. Đứng cầm súng và lắng nghe cuộc sống của rừng kể cũng thú vị! Nghe tiếng chim hót và những tiếng láy lại. Nghe tiếng chim gõ kiến gõ rộn rịp và tiếng gáy tinh nghịch của chim cu cu. Nghe tiếng gió rì rào trên các cành cây và ngắm cảnh trời chiều.

Trong những đám cây cối rậm rạp của hồ Lông có cái gì đó bắt đầu động đậy, sột soạt: một con vịt trời to màu xám bay lên và nặng nề lượn cách Vla-đi-mia I-lích khoảng mười bước. Anh nổ súng. Trượt rồi!

Anh ngắm lâu nên chậm bóp cò.

- Chà, Vla-đi-mia I-lích, thế là trượt mất rồi! - Xô-xi-pa-tức nổi nóng.

Mặc dù có điềm xấu như vậy, nhưng cuộc đi săn tiếp tục đã diễn ra tốt đẹp. Họ đã bắn được một số vịt trời, nhóm một đống lửa nhỏ, đun một ấm nước sôi pha trà.

Xô-xi-pa-tức phấn khởi liền xui Vla-đi-mia I-lích ở lại một đêm. Đến đêm vịt trờ sẽ từ trong bụi cói bay đi kiếm ăn, khi đó thì phải biết! Hàng đàn hàng lũ đông nghịt!

Xô-xi-pa-tức đã cố níu bằng được, nhưng một linh cảm gì đó đã thôi thúc Vla-đi-mia phải trở về nhà.

Trời bắt đầu tối. Người ta xua đàn bò về làng. Trong các sân đang vắt sữa bò, nghe rõ tiếng sữa chảy vào thùng lọp bọp. Những chiếc cần múc nước ở giếng kêu kẽo kẹt. Ở đâu đấy có tiếng cừu cái bị lạc kêu be be.

- Trông kìa, Vla-đi-mia I-lích, ở phòng anh có ánh đèn, - Xô-xi-pa-tức phát hiện.

Chính Vla-đi-mia I-lích cũng thấy. Hai cửa sổ nhỏ trong căn nhà gỗ của anh ở cuối ngõ có ánh đèn. Màu xanh. Một niềm vui rạo rực trong ngực Vla-đi-mia I-lích.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na mặc chiếc áo dài màu thẫm, dáng người mảnh dẻ và cân đối, đứng ở bậc tam cấp, tay vin vào lan can. Vla-đi-mia I-lích chạy lên bậc tam cấp.

- Chào Na-đi-a!

- Vla-đi-mia, - chị đáp lại.

- Vào đây, vào đây, xem anh có gì thay đổi không nào? - bà Ê-li-da-ve-ta Va-xi-li-ép-na, mẹ Na-đi-a, từ trong phòng vui vẻ gọi. - Người yêu đến mà lại bỏ đi săn đến khuya mới về à?

Trong phòng tỏa ánh sáng đèn dười chiếc chụp màu xanh.

- Đèn làm việc. Ánh sáng màu xanh dịu mắt hơn, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na nói.

Chị đã đem chiếc đèn này từ Mát-xcơ-va qua hàng chục ngày đi tàu hỏa. Sau đó đi tàu thủy. Rồi đi xe ngựa. Chị giữ khư khư trong tay, sợ không mang nổi chiếc đèn xanh đến Su-sen-xcôi-e! Cuối cùng chị đã đạt được ý nguyện.

VLA-ĐI-MIA I-LÍCH KÍNH MẾN

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đi đến làng Su-sen-xcôi-e với tư cách là người yêu của Vla-đi-mia I-lích. Họ quyết định làm lễ cưới, nhưng theo tục lệ muốn làm lễ cưới phải có nhẫn. Kiếm đâu ra bây giờ? Ở Su-sen-xcôi-e, ngoài Vla-đi-mia I-lích ra, còn có những người đi đày khác: một người Ba Lan tên I-an Prô-min-xki cùng với gia đình và một người Phần Lan tên là Ô-xcác En-béc-gơ. Trước khi bị đày, Ô-xcác làm việc tại nhà máy Pu-chi-lốp ở Pê-téc-bua. Anh còn biết làm đồ trang sức.

Khi Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na chuẩn bị đi đày, Vla-đi-mia I-lích đã viết trong một bức thư: nhớ đem đến cho Ô-xcác một bộ đồ nghề, nếu không thì chàng trai ấy sẽ buồn vì không có việc làm. Vả lại cũng cần để kiếm sống nữa.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đã đem đến cho Ô-xcác cả một giỏ đồ nghề. Ô-xcác En-béc-gơ đã lấy những đồng xu đồng đánh một đôi nhẫn cho Vla-đi-mia I-lích và Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na. Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na suốt đời giữ đôi nhẫn đó làm kỉ niệm.

Họ chuyển đến một ngôi nhà mới trên bờ sông Su-sa, bắt đầu sống cuộc sống gia đình. Ngôi nhà khác hẳn với tất cả các ngôi nhà khác. Có cửa sổ cao. Và đặc biệt ở bậc tam cấp đi vào cửa chính có hai cái cột. Tại sao lại có một ngôi nhà kỳ lạ như vậy? Thế này. Các nhà đương cục từ lâu đã đày những chính trị phạm tới làng Su-sen-xcôi-e xa xăm này. Vào những năm bốn mươi có hai người thuộc phái tháng Chạp(1) bị đày tới đây. Một người biết nghề kiến trúc. Anh ta đã tự thiết kế ngôi nhà có cột mà bây giờ vợ chồng U-li-a-nốp và bà Ê-li-da-ve-ta Va-xi-li-ép-na ở.

(1)Phái tháng Chạp. Những người tham gia cuộc khởi nghĩa ngày 14 tháng 12 năm 1825 ở nước Nga. - N.D.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na và bà mẹ thu xếp cho Vla-đi-mia I-lích một góc để làm việc ở ngôi nhà mới, đặt một giá sách và một bàn viết. Bàn viết cao, có mặt dốc như bàn học sinh, có nắp và tay vịn. Chiếc đèn đặt trên bàn viết có chụp màu xanh. Vào những buổi tối mùa đông các cửa sổ ở Su-sen-xcôi-e thường tắt đèn sớm, còn ngọn đèn của Vla-đi-mia I-lích vẫn tỏa sáng…

Vla-đi-mia I-lích viết đứng. Cuốn sách “Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga” là một cuốn sách rất lớn, hầu hết được Người viết đứng bên cạnh chiếc bàn ấy. Vla-đi-mia I-lích làm việc khá nhiều! Nào viết sách, viết báo, nào dịch sách tiếng Anh! Vla-đi-mia I-lích cùng với Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na dịch sách tiếng Anh để kiếm sống và gửi cho ban biên tập ở Pê-téc-bua. Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na là người giúp việc rất tốt của Vla-đi-mia I-lích. Chị cũng có công việc của mình - viết một cuốn sách nhỏ về nữ công nhân. Bởi vì chị biết khá rõ cuộc sống của công nhân.

Họ thích cùng làm việc. Vla-đi-mia I-lích đứng bên bàn viết, Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na ngồi ở bàn thường. Và họ cùng nghỉ ngơi ở rừng hoặc ở sông Su-sa, hoặc đi xa tới con sông Ê-nhi-xây. Đôi vợ chồng trẻ yêu nhau tha thiết và sống rất hạnh phúc.

Buổi trưa. Bà Ê-li-da-ve-ta Va-xi-li-ép-na gõ cửa, có khách. Vla-đi-mia I-lích rất bận, không muốn dứt ra khỏi bản thảo. Thực thà không muốn! Nhưng nếu như có một người nông dân đáng thương tới hỏi han, thì mọi việc đều gác sang một bên! Bà Ê-li-da-ve-ta Va-xi-li-ép-na dẫn người nông dân vào. Ông ta trông có vẻ xanh xao, hai má hóp, có nhiều nếp nhăn, mặc dù chưa phải già lắm. Ông ta tìm tượng thánh ở góc nhà, nhưng không thấy, đành phải quay về phía cửa sổ làm dấu thánh giá.

- Mời bác ngồi, - Vla-đi-mia I-lích nói.

Người nông dân ngồi xuống, đặt chiếc lọ có chùm chiếc khăn đỏ xuống cạch chân.

- Tôi có chuyện không may, Vla-đi-mia I-lích kính mến, mong anh chỉ giùm cho.

- Xin mời bác nói đi, nói đi, - Vla-đi-mia I-lích nhanh nhẹn đáp và sẵn sàng lắng nghe, hai tay thọc vào áo gi-lê.

Người nông dân ở xa đến, kể lể hồi lâu: ông ta là ai, và tử đâu đến, sau cùng mới kể đến câu chuyện không may. Đây là câu chuyện không may đã xảy ra với ông ta. Vì nghèo túng, ông phải cho cô con gái nhớn đi ở làm thuê cho tên phú nông nọ một năm, với giá hai mươi rúp. Cô đã làm được mười một tháng, nhưng rồi đột nhiên bà mẹ bị ốm liệt giường liệt chiếu, mà nhà lại đông trẻ. Cô con gái đành phải trở về chăm sóc bà mẹ ốm và lũ trẻ. Tên chủ không chịu trả tiền công, vin vào cớ chưa hết thời hạn, còn thiếu một tháng nữa.

- Chẳng lẽ con bé đã làm gần một năm công toi ư? - người nông dân buồn phiền. - Chẳng lẽ cứ để nguyên như vậy sao?

- Không, không thể để nguyên như vậy được! - Vla-đi-mia I-lích kiên quyết phản đối. Anh đi đi lại lại trong phòng, dáng nhanh nhẹn và phẫn nộ.

Người nông dân theo dõi anh bằng cặp mắt rơm rớm nước mắt. Ông thở dài. Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na, hai vai trùm khăn, chờ đợi xem Vla-đi-mia I-lích giải quyết ra sao.

- Thế này nhé, chúng ta sẽ viết đơn cho nhà cầm quyền địa phương, đòi thi hành pháp luật, còn tên phú nông, chúng ta sẽ dọa đưa ra tòa. - Vla-đi-mia I-lích nói.

Anh đứng cạnh bàn viết, suy nghĩ một lát, và nửa giờ sau đã viết xong lá thư đầy sức thuyết phục. Vla-đi-mia I-lích đã giải thích tỉ mỉ cho người nông dân cần mang tờ giấy đó tới đâu, cần nói gì và nói với ai.

- Lẽ phải sẽ thuộc về bác, - Vla-đi-mia I-lích giảng giải. - Không chịu thua. Nếu sau khi phát lá đơn này người ta vẫn không chịu trả thì bác cứ đến gặp tôi. Chúng ta sẽ lại viết tiếp lá đơn khác. Chúng ta đòi thi hành pháp luật. Lẽ phải sẽ thuộc về bác.

Người nông dân vò vò chiếc mũ trong tay, lắc đầu, cảm ơn. Ông nhấc cái lọ trên sàn đưa cho Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na.

- Xin chị nhận cho lọ bơ này để tỏ lòng biết ơn.

- Bác rõ lạ thật! Rõ lạ thật! - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na thốt lên. - Sao bác lại làm như thế! Tại sao bác lại quyết định như vậy?

- Không nên, không cần phải bơ. - Vla-đi-mia I-lích nói giọng dứt khoát.

Người nông dân không thể hiểu nổi tại sao họ lại từ chối lòng biết ơn, thế mới kỳ chứ! Vì chính Vla-đi-mia I-lích đã viết đơn hộ kia mà? Chẳng lẽ chỉ cảm ơn suông rồi đi ra ư?

Người nông dân ra về, mang theo trong lòng những kỷ niệm tốt đẹp về U-li-a-nốp, người bị đày vì hoạt động chính trị. Vla-đi-mia I-lích đã để lại ấn tượng tốt đẹp về mình trong nhiều trái tim nông dân.

CHUYỆN XẢY RA VÀO THÁNG NĂM

Năm ngoái Vla-đi-mia I-lích đã đón ngày mồng 1 tháng Năm một mình. Tháng Năm mới lại đến, bây giờ có Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na bên cạnh. Những người bị đày ở làng Su-sen-xcôi-e đã quyết định kỷ niệm mồng 1 tháng Năm theo lối cách mạng.

Ngay từ sớm họ đã ăn sáng và mặc diện. Prô-min-xki bức vào cửa. Anh cũng mặc diện, thắt ca-vát.

- Chúc mừng anh chị nhân ngày mồng 1 tháng Năm!

Vla-đi-mia I-lích dắt con chó săn còn nhỏ tên là Gien-ca. Gien-ca tưởng Prô-min-xki tới rủ đi săn, sủa một tiếng vui vẻ, nhảy về phía anh.

Tất cả đã sửa soạn xong và tới nhà En-béc-gơ, mang cả con chó Gien-ca đi theo.

Mùa xuân năm đó tới muộn. Trên sông Su-sa vẫn còn băng trôi. Những tảng băng lớn xô đẩy nhau, vội vã trôi về phía sông Ê-nhi-xây. Tiếng băng nghe lạo sạo. Tuy trời mát, nhưng sáng chói, có cái vẻ của ngày hội. Và tâm trạng mọi người cũng có cái vẻ của ngày hội.

Họ đi tới nhà En-béc-gơ, ngồi trên chiếc ghế dài và hát:

Ngày vui vẻ tháng Năm đã đến,

Bóng đau buồn hãy lánh sang bên!

Hãy cất lên bài ca dũng cảm!

Trong ngày này ta sẽ bãi công

Bọn cảnh sát toát mồ hôi trán

Lại giở trò đê tiện xấu xa,

Muốn lùng, muốn bắt chúng ta,

Bỏ tù, tra tấn chẳng tha đọa đày

Chúng ta phỉ nhổ việc này,

Chúng ta mạnh dạn mừng ngày tháng Năm,

Cùng nhau ta cất tiếng ca,

Dô hò là hò dô ta!

Họ hát hết bài này đến bài khác. Suốt ngày hôm đó toàn là hát.

Họ kỉ niệm ngày mồng 1 tháng Năm ở nhà En-béc-gơ xong rồi đi ra cánh đồng cỏ. Ở đó, cách xa làng, dưới bầu trời xanh, bắt đầu vang lên bài “Cô gái Vác-xô-vi”.

Những cơn lốc thù địch đang thổi trên đầu chúng ta,

Những thế lực đen tối đang dày vò chúng ta khủng khiếp,

Chúng ta đã bước vào trận đánh quyết định với quân thù

Còn có những số phận không ai biết đang chờ đợi chúng ta.

Prô-min-xki đã đem bài ca cách mạng đầy kiêu hãnh “Cô gái Vác-xô-vi” từ Ba Lan sang. Khi anh bị đày đi Xi-bi-ri, ở nhà tù chuyển tiếp Mát-xcơ-va anh bị giam cùng một xà-lim với những người mác-xít Nga, những hội viên của “Liên minh đấu tranh”. Trong số đó có Gơ-lép Cơ-rơ-gi-gia-nốp-xki. Gơ-lép Cơ-rơ-gi-gia-nốp-xki không chỉ là kĩ sư và người mác-xít, anh còn là nhà thơ. Prô-min-xki ở nhà tù khe khẽ hát “Cô gái Vác-xô-vi” bằng tiếng Ba Lan. Gơ-lép Cơ-rơ-gi-gia-nốp-xki đã dịch ra tiếng Nga:

Hãy xông vào trận đánh đẫm máu,

Thiêng liêng và chính nghĩa,

Hãy tiến bước mau mau,

Nhân dân lao động!

Những lời có sức kích động đã vang lên trên cánh đồng cỏ ở Su-sen-xcôi-e trong ngày mồng 1 tháng Năm ấy.

Một ngày thật vui vẻ! Buổi tối Vla-đi-mia I-lích và Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na mãi không thể ngủ được. Họ nói nhiều và ước mơ về tương lai. Liệu đến lúc nào nước Nga tự do, công nhân và toàn thể nhân dân sẽ được tự do kỉ niệm ngày mồng 1 tháng Năm với màu cờ đỏ rợp trời?

Nhưng ngày hôm sau… Bụi cuốn đầy đường. Tiếng vó ngựa nổi lên. Bọn hiến binh phi tới làng Su-sen-xcôi-e. Chiếc xe ngựa bốn bánh lao tới gần cửa sổ nhà Vla-đi-mia I-lích. Lũ ngựa đứng lại. Hai tên hiến binh đội mũ từ trên xe nhảy xuống. Tên sĩ quan hiến binh dáng người béo lùn, đeo súng lục ngang hông, từ chỗ ngồi phía sau cũng nhảy xuống.

- Lục soát! - tên sĩ quan ra lệnh. Rồi hắn xộc vào căn phòng làm việc của Vla-đi-mia I-lích, tới chỗ tủ sách.

Ở đó, ngay ngăn dưới, có để sách báo bị cấm, thư từ bí mật, mực hóa học để viết những bức thư mật mã. Nếu bọn hiến binh tìm thấy thì những năm đi đày sẽ bị tăng thêm. Có thể kéo dài nhiều năm nữa.

- Xin mời! - Vla-đi-mia I-lích vừa nói vừa lấy chiếc ghế tựa kê sát vào tủ sách.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na ngạc nhiên về sự tử chủ của anh.

- Xin mời! Bắt đầu từ đâu ạ?

Vla-đi-mia I-lích vừa hỏi vừa gật đầu chỉ ngăn trên cùng. Tên sĩ quan lùn, được hai tên hiến binh đỡ, leo lên ghế thở phì phò. Hắn bắt đầu lục soát từ trên xuống. Mà sách thì khá nhiều. Có tời hàng trăm cuốn! Nào là sách khoa học. Nào là Pu-skin. Nào là Tuốc-ghê-nhép.
Tên sĩ quan giở từng cuốn ra xem khoảng nửa giờ, một giờ. Hắn mệt phờ, liền sai hai tên hiến binh tiếp tục lục soát, còn hắn thì ngồi xuống, cặp mắt trông rầu rĩ. Cứ thử giở hàng trăm trang sách mà xem. Thời gian trôi đi rất chậm.
Vla-đi-mia I-lích thỉnh thoảng mới giải thích những cuốn sách đó thuộc loại gì, đặt ở đâu. Anh nói rất bình tĩnh, bằng một giọng tự chủ.
Thế rồi hai tên hiến binh định lục đến ngăn dưới. Số phận của vợ chồng U-li-a-nốp đang treo trên sợi tóc.
Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na tươi cười tiến lên phía trước.
- Ở đây để sách báo sư phạm của tôi nói về trường học. Nên nhớ rằng tôi là giáo viên.
- Thôi! - Tên hiến binh phẩy tay.
Hắn muốn chén. Muốn uống một li vốt-ca. Trông hắn phờ phạc. “Những người đi đày này thật là uyên bác!”
Cuộc lục soát đã kết thúc đúng lúc chúng định lục soát tiếp tầng dưới có để sách báo bí mật, mực hóa học...
Bọn hiến binh rời đi.
Bà Ê-li-da-vê-ta Va-li-xi-ép-na bước vào. Suốt cả thời gian lục soát bà ngồi ở phòng bên cạnh, đầu óc căng thẳng, hút hết điếu thuốc này đến điếu khác.
- Thoát rồi chứ? - bà Ê-li-da-vê-ta Va-li-xi-ép-na hỏi thầm.
- Thoát rồi! - Vla-đi-mia I-lích bắt đầu cười và nói thêm một tiếng Xi-bi-ri: - Tuy vậy...

BÊN DƯỜNG BỆNH CỦA VA-NHÊ-ÉP

Một tuần hai lần người đưa thư đem thư từ và bưu phẩm đến. Đôi khi người đưa thư mang tới hàng nửa bao thư và sách vở. Anh ta ném bừa xuống sàn và nói:
- Đọc đi.
Những người trong họ hàng thân thuộc và đồng chí bạn bè viết cho họ. Những hội viên của “Liên minh đấu tranh” bị đày sống ở trong một khu vực rộng khoảng năm mươi đến một trăm dặm. Họ còn sống xa hơn nữa, ở những nơi băng giá heo hút nhất.
Có lần Vla-đi-mia I-lích đã nhận được một gói bưu phẩm của An-na I-li-nhít-na từ nhà gửi đến. Gói bí mật. Anh đã đoán biết điều đó theo dấu quy ước rất nhỏ. Có nghĩa là trong gói bưu phẩm có cái gì đó quan trọng. Đúng thế. Anh đã làm hiện hình ám hiệu: trước mắt anh là một tác phẩm.
Trong thư người chị viết: hãy làm quen với những quan điểm thay cho chủ nghĩa Mác, đang thịnh hành ở Pê-téc-bua.
Vla-đi-mia I-lích bắt đầu đọc. Anh cau mày, nhăn nhó. Anh không thích tác phẩm mà An-na I-li-nhít-na gửi cho. Người chị đã gọi tác phẩm đó bằng một cái tên không phải của Nga: “Cre-do”. Dịch ra có nghĩa là tín ngưỡng, quan điểm.
Trong thư An-na I-li-nhít-na viết rằng một nhóm người tập hợp lại và bắt đầu tỏ rõ thái độ chống chủ nghĩa Mác. Nhóm đó không lớn, nhưng không khéo. Họ tuyên truyền cái gì thế này. Công nhân không thích chính trị. Công nhân không cần cách mạng. Công nhân chỉ thích một điều: tăng lương. Muốn vậy phải cần sống ôn hòa với bọn chủ và chủ xưởng.
Những quan điểm như vậy gọi là “thuyết kinh tế”. Vla-đi-mia I-lích và những người đồng chí cách mạng của anh là những người mác-xít. Ngược lại đã xuất hiện một nhóm người thuộc “phái kinh tế”.
- Làm thế nào bây giờ? - Vla-đi-mia I-lích vừa đi đi lại lại ở trong phòng và lẩm nhẩm. - Nên nhớ là họ đang lôi kéo công nhân đi chệch những nhiệm vụ cách mạng!
Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đã biết thói quen của Vla-đi-mia I-lích đôi khi suy nghĩ thường nói ra lời. Không nên quấy rầy. I-lích sẽ tìm cách giải quyết ngay bây giờ.
Đúng thế. Anh vừa chậm bước vừa suy nghĩ, cuối cùng đã tìm ra:
- Chúng ta sẽ triệu tập các đồng chí, thảo luận cuốn “Cre-do”. Chúng ta sẽ viết “Kháng nghị”, ký tên ở dưới “Kháng nghị” và bí mật gửi khắp các nhà máy và công xưởng.

Ngay lập tức, Vla-đi-mia I-lích cùng với Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na bắt tay vào viết những bức thư gửi tất cả các bạn đi đày để họ kiếm cớ xin phép các nhà cầm quyền cho đi tới nơi họp mặt. Vậy thì quyết định tổ chức cuộc họp mặt ấy ở đâu? Nơi thích hợp nhất là ở Su-sen-xcôi-e. Nhưng Vla-đi-mia I-lích đã chọn làng Éc-ma-cốp-xcôi-e, cách Su-sen-xcôi-e sáu mươi dặm. Đó là nơi đi đày của người bạn và người giúp việc của Vla-đi-mia I-lích trong “Liên minh đấu tranh”, A-na-tô-li Va-nhê-ép. Ngay khi ở tù anh đã bị ốm nặng, bị bệnh lao phổi giày vò, hành hạ ngày càng khốc liệt. Anh không thể rời khỏi giường bệnh.

Đấy, vì sao Vla-đi-mia I-lích đã quyết định tổ chức cuộc họp mặt ở làng Éc-ma-cốp-xcôi-e. Những người bị đày vì hoạt động chính trị từ các nơi khác nhau kéo đến đó.

Va-nhê-ép nằm gối đầu trên chiếc gối trắng. Chính anh còn trắng bệch hơn cả chiếc gối, mặt mày gầy võ, trong cặp mắt to vẫn còn hơi hướng của cơn sốt. Nhưng anh cảm thấy sung sướng. Anh thấy vui mừng vì được tham gia vào công việc chung. Anh muốn sống! Muốn làm việc! Muốn đem lại lợi ích cho mọi người.

Mọi người thảo luận cuốn “Cre-do”, ký tên vào bảng “Kháng nghị”. Lời kêu gọi cách mạng từ Xi-bi-ri xa xăm sẽ bay tới các nhóm công nhân ở khắp các thành phố:

“Các đồng chí, chớ nghe “Phái kinh tế”. Chúng ta chỉ có một con đường - làm cách mạng!”

Sau cuộc thảo luận, Vla-đi-mia I-lích vẫn chưa rời đi, mà ngồi cạnh giường bệnh của Va-nhê-ép. Va-nhê-ép mệt mỏi. Mồ hôi lạnh toát ra trên trán thành những giọt lớn. Cặp mắt lõm xuống như những cái hồ.

- Đừng đi, - cặp môi nhợt nhạt phát ra một giọng yếu ớt.

Vla-đi-mia I-lích không rời đi. Va-nhê-ép đáng thương đã bị nhà tù Nga hoàng và chế độ cưỡng bức đày đọa! Vla-đi-mia I-lích vuốt cánh tay gầy vò của anh, rồi trao đổi với anh những dự định. Hạn đi đày sắp hết rồi. Vla-đi-mia I-lích kể những gì sẽ xảy ra sau khi mãn hạn đi đày. Chúng ta sẽ thành lập Đảng mác-xít công nhân. Sẽ xuất bản tờ báo của chúng ta, tờ báo vô sản. Sẽ đấu tranh chống chế độ Nga hoàng.

Va-nhê-ép khao khát lắng nghe và vô cùng phấn khởi. Buổi chiều tháng tám, ở bên ngoài cửa sổ trời đã bắt đầu tối. Từ xa vọng đến tiếng đàn phong cầm buồn bã. Va-nhê-ép nói thì thầm bằng cặp môi khô lại vì nóng:

- Cảm ơn Vla-đi-mia. Anh đã tiếp thêm sức sống cho tôi. Tôi tin tưởng…

Đó là buổi chiều hạnh phúc cuối cùng của Va-nhê-ép.

Không đầy ba tuần sau, Vla-đi-mia I-lích và Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na lại tới làng Éc-ma-cốp-xcôi-e để đưa đám A-na-tô-li Va-nhê-ép.

- Vĩnh biệt, A-na-tô-li, - Vla-đi-mia I-lích nói trước mặt quan tài. - Chúng tôi nguyện sẽ trung thành với sự nghiệp cách mạng.

Những bông tuyết đầu mùa bay đến, rơi xuống và không tan trên khuôn mặt đã chết của A-na-tô-li.

Vla-đi-mia I-lích đặt làm một tấm bia bằng gang cắm trên ngôi mộ. “A-na-tô-li A-lếch-xan-đrô-vích Va-nhê-ép. Người bị đày vì hoạt động chính trị. Mất ngày 8 tháng Chín năm 1899. Thọ 27 tuổi. Mọi người sẽ ghi nhớ di hài của anh, người đồng chí.”