Dexter Và Giấc Mơ Hắc Ám - Chương 21
Chương 21
“Em không hiểu ý tưởng này quá vu vơ sao?” Tôi hỏi. “Nhiều khả năng chúng ta sẽ chẳng tìm thấy gì hết.”
“Em biết thế,” Deb nói.
“Chúng ta cũng không có bất cứ quyền hạn tư pháp nào ở đây cả. Chúng ta đang ở Broward. Và đám Broward chẳng ưa gì chúng ta, vậy nên...”
“Vì Chúa hãy thôi đi, Dexter,” cô em tôi gằn giọng. “Anh lảm nhảm cứ như một cô nhóc con vậy.”
Có lẽ chẳng sai, cho dù cô em tôi quả là không được tử tế lắm khi nói ra như thế. Deborah, mặt khác, lại tỏ ra có một hệ thần kinh thép được tổ chức đâu ra đấy. Trong khi chúng tôi rời khỏi đường cao tốc Sawgrass và rẽ vào bãi để xe của Office Depot Center, cô em tôi nghiến răng còn mạnh hơn lúc trước. Tôi gần như có thể nghe thấy quai hàm cô kêu răng rắc. “Dirty Harriet[45],” tôi khẽ nói với chính mình, nhưng có vẻ Deb đang dỏng tai lên nghe trộm.
[45] Dirty Harry là nhân vật thanh tra cảnh sát do Clint Eastwood đóng trong một loạt phim hình sự nổi tiếng hồi những năm 70. Ở đây Dexter đang nói kháy Deborah.
“Chết tiệt,” cô em tôi văng ra.
Tôi đưa mắt từ khuôn mặt lạnh tanh như bằng đá hoa cương của Deborah sang nhà thi đấu. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, với ánh mặt trời buổi sáng chiếu vào nó vừa đúng góc độ, khu nhà thi đấu trông hệt như bị cả một hạm đội đĩa bay vây quanh. Tất nhiên, đó chỉ là những dàn đèn chiếu sáng được gắn xung quanh bên ngoài nhà thi đấu, chĩa ra như những cái mũ nấm quá khổ bằng thép. Ai đó hẳn đã nói với tay kiến trúc sư rằng chúng thật nổi bật. “Trẻ trung và mạnh mẽ” nữa, nhiều khả năng là thế. Tôi tin chắc chúng đúng là vậy, khi được chiếu sáng đúng góc độ. Tôi thực sự hy vọng đến lúc nào đó chúng sẽ sớm tìm thấy thứ ánh sáng phù hợp.
Chúng tôi lái xe một vòng quanh nhà thi đấu, tìm xem có bóng dáng ai không. Tới vòng thứ hai, một chiếc Toyota tã như xơ mướp chạy tới dừng lại bên ngoài một khung cửa. Cánh cửa dành cho khán giả được giữ đóng lại nhờ một vòng dây thừng thò ra ngoài và chằng vào khung cửa. Dừng xe lại và mở cửa ra, Deborah lao ra khỏi xe khi nó còn chưa kịp dừng hẳn bánh.
“Xin chào ông,” cô nói với người đàn ông vừa chui ra khỏi chiếc Toyota. Ông ta chừng năm mươi tuổi, một người đàn ông thấp lùn to ngang mặc một cái quần màu xanh lục tồi tàn và một chiếc áo khoác màu xanh bằng vải nylon. Ông ta đưa mắt nhìn Deb trong bộ đồng phục và lập tức tỏ vẻ lúng túng.
“Cái gì vậy?” ông ta nói. “Tôi chẳng làm gì cả.”
“Ông có làm việc ở đây không, thưa ông?”
“Tất nhiên. Hẳn rồi, thế cô nghĩ vì sao tôi lại ở đây lúc tám giờ sáng thế này?”
“Ông làm ơn cho biết tên, thưa ông.”
Ông ta loay hoay tìm ví. “Steban Rodriguez. Tôi có giấy chứng minh thư.”
Deborah phẩy tay gạt đi. “Không cần đâu,” cô nói. “Ông đang làm gì ở đây vào giờ này, thưa ông?”
Ông ta nhún vai, nhét ví vào trong túi. “Tôi có nhiệm vụ phải có mặt tại đây sớm hầu như mọi ngày, nhưng lúc này đội nhà đang đi du đấu, ở Vancouver, Ottawa và Los Angeles. Vậy nên tôi tới muộn hơn một chút.”
“Lúc này còn ai ở đây nữa không, Steban?”
“Không, chỉ có tôi thôi. Tất cả những người khác đều ngủ muộn.”
“Thế còn ban đêm thì sao? Có một bảo vệ chứ?”
Ông ta vung tay quanh một vòng. “Nhân viên an ninh đi vòng quanh bãi để xe vào ban đêm, nhưng cũng không thường xuyên lắm. Hầu hết mọi ngày tôi là người đầu tiên có mặt ở đây.”
“Ý ông muốn nói ông là người đầu tiên đi vào trong?”
“Phải, đúng thế, tôi đã nói gì sao?”
Tôi xuống xe, đứng tựa người vào nóc xe. “Ông có phải là người lái chiếc máy Zamboni chuẩn bị sân cho buổi tập sáng không?” Tôi hỏi ông ta. Deb đưa mắt nhìn tôi khó chịu. Steban nhìn tôi săm soi, để ý tới chiếc áo sơ mi Hawaii đỏm dáng và cái quần vải gabardine tôi đang mặc. “Anh là kiểu cớm quái gì vậy?”
“Tôi là một tay cớm nghiện máy tính,” tôi nói. “Tôi chỉ làm việc trong phòng thí nghiệm.”
“Ố ồ, hẳn rồi,” ông ta nói, gật gù như thể thấy việc đó hoàn toàn có lý.
“Ông có lái chiếc Zamboni không, Steban?” Tôi hỏi lại.
“Phải, các vị biết đấy. Bọn họ không cho tôi lái nó vào các trận đấu, các vị biết đấy. Việc đó là dành cho những anh chàng áo quần bảnh bao. Bọn họ muốn để một đứa nhóc làm việc đó, các vị biết đấy. Có thể là ai đó có tiếng tăm. Lượn một vòng và vẫy tay, cái trò thối tha đó. Nhưng tôi cần làm việc ấy cho buổi tập sáng, các vị biết đấy. Khi đội nhà có mặt tại thành phố. Tôi chỉ lái chiếc Zamboni vào buổi sáng, thật sớm. Nhưng giờ họ đang vi vu trên đường nên tôi đến muộn hơn.”
“Chúng tôi muốn xem qua bên trong nhà thi đấu một chút,” Deb nói, rõ ràng rất nóng ruột với việc tôi hỏi chuyện con cà con kê. Steban lại quay sang cô, một bên mắt lóe lên một tia nhìn tinh quái.
“Hẳn rồi,” ông ta nói. “Các vị có lệnh khám chứ?”
Deborah đỏ mặt. Nó tạo nên một sự tương phản tuyệt vời với màu xanh trên bộ đồng phục của cô, nhưng có lẽ không phải là lựa chọn hiệu quả nhất để áp đặt uy quyền. Vì tôi biết rõ cô em mình, biết rằng cô sẽ nhận ra mình đang đỏ mặt và nổi khùng. Vì chúng tôi không có lệnh khám và kỳ thực chẳng có việc gì ở đây có thể coi là ít nhiều chính thức được phép, tôi không cho rằng nổi khùng là chiến thuật lý tưởng nhất lúc này.
“Steban,” tôi lên tiếng trước khi Deb kịp nói ra điều gì đó đáng hối tiếc.
“Hả?”
“Ông làm việc ở đây bao lâu rồi?”
Ông ta nhún vai. “Từ khi chỗ này khai trương. Trước đó, tôi từng làm việc hai năm ở nhà thi đấu cũ.”
“Vậy chắc ông cũng đang làm việc tại đây tuần trước khi người ta tìm thấy xác chết dưới sân băng chứ?”
Steban nhìn lảng đi. Dưới làn da rám nắng, khuôn mặt ông ta trở nên xanh lét. Ông ta khó nhọc nuốt khan. “Tôi không bao giờ muốn phải nhìn lại thứ gì tương tự nữa, anh bạn,” ông ta nói. “Không bao giờ.”
Tôi gật đầu với sự thông cảm chân thành. “Thực lòng tôi cũng không thể trách ông,” tôi nói. “Và đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây, Steban.”
Ông ta cau mày. “Ý anh là gì?”
Tôi đưa mắt nhìn Deb để chắc rằng cô em tôi không phải đang rút vũ khí ra hay làm điều gì tương tự. Cô liếc nhìn tôi với đôi môi mím chặt không tán đồng và gõ gõ chân xuống đất, nhưng không nói gì.
“Steban,” tôi nói, bước lại gần người đàn ông hơn một chút và làm cho giọng nói của mình có vẻ bí mật và nghiêm trọng nhất có thể, “chúng tôi nghĩ rất có khả năng khi ông mở những cánh cửa kia ra sáng nay, ông sẽ tìm thấy điều tương tự đang chờ đợi ông.”
“Mẹ kiếp!” Ông ta nổi khùng. “Tôi không muốn dây dưa gì với mấy thứ đó nữa.”
“Tất nhiên là không rồi.”
“Quỷ tha ma bắt thứ thối tha đó đi,” ông ta nói.
“Chính xác,” tôi tán đồng. “Vậy sao không để chúng tôi thử ngó qua trước đã? Chỉ để bảo đảm chắc chắn thôi.”
Ông ta há hốc mồm nhìn tôi giây lát, sau đó nhìn sang Deborah, lúc này vẫn đang cau mày, một bộ dạng đầy ấn tượng, được tôn lên thật đẹp nhờ bộ đồng phục.
“Tôi có thể gặp rắc rối,” ông ta nói. “Có thể mất việc.”
Tôi mỉm cười với vẻ thông cảm thứ thiệt. “Hoặc ông có thể đi vào trong và tự mình tìm thấy một đống chân tay bị chặt thành từng khúc. Và lần này còn nhiều hơn nhiều.”
“Mẹ kiếp,” ông ta lại văng ra. “Tôi rúc đầu vào rắc rối, để rồi mất việc ư? Sao tôi lại phải làm thế hả?”
“Thế còn bổn phận công dân thì sao?”
“Thôi nào, anh bạn,” ông ta nói. “Đừng có bỡn với tôi. Các người liệu có quan tâm nếu tôi mất việc không hả?”
Tuy không thực sự chìa tay ra, một thái độ tôi nghĩ rất cao quý, nhưng rõ ràng ông ta hy vọng có được một món quà nho nhỏ để an ủi mình trước nguy cơ có thể mất việc. Một điều hoàn toàn hợp lý, nếu nhớ ra đây là Miami. Nhưng tôi chỉ có vẻn vẹn năm đô la, tôi thực sự cần một cái bánh ca vát và một tách cà phê. Vậy nên tôi chỉ gật đầu với vẻ thấu hiểu đậm chất đàn ông.
“Ông nói đúng,” tôi nói. “Chúng tôi hy vọng ông không phải nhìn những mảnh thi thể đó, có phải tôi đã nói là lần này sẽ có rất nhiều rồi không nhỉ? Nhưng tất nhiên tôi không muốn ông mất việc. Rất xin lỗi đã làm phiền ông, Steban. Chúc một ngày tốt lành!” Tôi mỉm cười với Deborah. “Đi thôi nào, sĩ quan. Chúng ta cần quay lại hiện trường còn lại và tìm kiếm những ngón tay.”
Deborah vẫn còn càu cạu, nhưng ít nhất cô em tôi vẫn đủ trí khôn để gia nhập màn kịch. Cô mở cửa xe trong lúc tôi vui vẻ vẫy tay chào Steban và leo vào.
“Đợi đã!” Steban gọi với theo. Tôi đưa mắt nhìn ông ta với vẻ quan tâm đầy lịch thiệp. “Tôi thề có Chúa, tôi không bao giờ muốn phải tìm thấy thứ thối tha đó lần nữa,” ông ta nói. Ông ta nhìn tôi giây lát, có lẽ hy vọng tôi sẽ nới tay hơn và ném ra một nắm tiền xu, nhưng như tôi đã nói, cái bánh ca vát kia đang đè nặng trong tâm trí và tôi không nhượng bộ. Steban liếm môi, sau đó hối hả quay đi và tra một chiếc chìa khóa vào ổ khóa của khung cửa lớn hai cánh. “Vào đi. Tôi đợi ngoài này.”
“Nếu ông chắc rằng...” tôi nói.
“Nhanh lên, anh bạn, anh còn muốn gì ở tôi nữa? Vào đi!”
Tôi đứng dậy, mỉm cười với Deborah. “Ông ấy chắc rồi,” tôi nói. Cô chỉ lắc đầu nhìn tôi, một sự pha trộn kỳ lạ giữa sự thất vọng của một cô em gái và vẻ chua chát của cớm. Cô đi vòng quanh xe, tiến tới bước qua cửa vào trong và tôi theo sau.
Bên trong, nhà thi đấu mát mẻ và tối tăm, một điều đáng ra chẳng nên làm tôi ngạc nhiên. Nói cho cùng, đây là một sân hockey vào buổi sáng. Hẳn Steban biết công tắc hệ thống chiếu sáng ở đâu, nhưng ông ta đã không cho chúng tôi biết. Deb lấy chiếc đèn pin lớn đeo ở thắt lưng ra và lia chùm sáng quanh sân băng. Tôi nín thở khi ánh sáng quét qua tấm lưới của một khung thành, rồi của khung thành bên kia. Cô từ tốn đi vòng quanh mép sân một vòng, dừng lại một hai lần, rồi quay trở lại cạnh tôi.
“Không có gì hết,” cô em tôi nói. “Chết tiệt.”
“Nghe như em có vẻ thất vọng.”
Cô hầm hừ với tôi và quay trở ra. Tôi đứng lại giữa sân băng, cảm thấy hơi lạnh từ mặt băng phả lên và nghĩ ngợi về những ý nghĩ vui vẻ của mình. Hay nói cho chính xác hơn, không hẳn là những ý nghĩ vui vẻ của tôi.
Bởi vì trong khi Deb quay người đi ra ngoài, tôi nghe thấy một giọng nói khe khẽ vọng tới từ đâu đó phía trên vai tôi, một tiếng tặc lưỡi bình thản, khô khan, một sự lay động quen thuộc nhè nhẹ như của một chiếc lông chim, chỉ vừa ở ngay trên ngưỡng nghe. Trong lúc Deborah yêu quý quay ra, tôi đứng im lìm ở đó, trên mặt băng, nhắm mắt lại, lắng nghe những gì người bạn lâu năm muốn nói. Cũng không nhiều, chỉ là một tiếng thì thầm mơ hồ, một thoáng thanh âm, nhưng tôi vẫn lắng nghe. Tôi nghe thấy anh ta tặc lưỡi, thì thầm những điều êm ái và khủng khiếp vào một bên tai, trong lúc tai bên kia cho tôi hay Deborah đã gọi Steban vào bật hệ thống chiếu sáng lên. Việc này được ông ta thực hiện vài khoảnh khắc sau đó, khi tiếng thì thầm khe khẽ không rõ giọng đột ngột vút lên tận đỉnh cao của sự hài hước bỡn cợt pha lẫn sự kinh hãi chân thành.
Có gì vậy? Tôi lịch thiệp hỏi. Câu trả lời duy nhất của tôi là cảm giác thú vị đầy thèm muốn trào dâng. Tôi không rõ điều đó có nghĩa là gì. Nhưng tôi không mấy ngạc nhiên khi những tiếng la hét bắt đầu cất lên.
Steban la hét thực sự khủng khiếp. Đó là một tiếng gào thảng thốt lạc giọng, nghe có vẻ giống như ông ta đang nôn ọe dữ dội hơn bất cứ điều gì khác. Ông ta chẳng đem tới chút nhạc điệu nào cho phản ứng của mình.
Tôi mở mắt ra. Thật không thể nào tập trung được trong những hoàn cảnh thế này, nhưng dù thế nào đi nữa cũng chẳng có gì thêm để nghe. Tiếng thì thầm đã dừng lại khi màn la hét bắt đầu. Nói cho cùng, tiếng la hét đã nói lên tất cả rồi, phải không nào? Vậy là tôi mở mắt ra vừa kịp lúc để thấy Steban bay vọt ra khỏi nhà kho nhỏ ở đầu đối diện nhà thi đấu như bị ném đi từ máy bắn đá và bay theo đường vòng cung xuống giữa sân băng. Ông ta đập xuống mặt băng, trượt văng đi, lăn lộn, rên la hoảng loạn bằng tiếng Tây Ban Nha và cuối cùng đâm thẳng đầu vào rào chắn. Ông ta lảo đảo đứng lên, loạng choạng đi tới cửa ra, run lẩy bẩy vì kinh hoàng. Một vệt máu nhỏ loang ra trên mặt băng ở chỗ ông ta rơi xuống.
Deborah vội vã lao qua cửa, súng trong tay, Steban cuống cuồng bò ngang qua bên cạnh cô, loạng choạng lao ra ánh sáng ban ngày. “Cái gì vậy?” Deborah hỏi, giơ súng lên sẵn sàng.
Tôi nghiêng đầu, lắng nghe dư âm vọng lại từ tiếng tặc lưỡi khô khan cuối cùng, và lúc này, với tiếng la hét kinh hoàng vẫn còn ong ong trong tai mình, tôi hiểu ra.
“Anh tin Steban đã tìm thấy thứ gì đó,” tôi nói.