Hai mươi năm sau - Chương 01

Chương 1

Bóng ma của Richelieu

Trong căn phòng của Cung giáo chủ mà chúng ta đã từng biết, bên chiếc bàn có góc thếp vàng trên chất đầy giấy tờ sổ sách, một người đang ngồi tì đầu lên hai bàn tay. Phía sau ông ta là một lò sưởi lớn đỏ rực lửa, những thanh củi bốc cháy đổ sụt trên những thanh sắt rộng vàng chóe. Ánh lò sưởi soi rọi phía sau bộ y phục lộng lẫy của con người trầm ngâm được ánh cây đèn thắp đầy nến chiếu sáng từ phía trước.

Cứ nhìn tấm áo dài đỏ tía và những thêu ren sang trọng ấy, nhìn vầng trán xanh xao vọng dưới những suy tư, nhìn cảnh quạnh hiu của căn phòng, sự yên tĩnh ở các tiền sảnh, bước đi đều đặn của lính vệ trên thềm, người ta có thể tưởng như vong hồn của cố giáo chủ tể tướng Richelieu(1) vẫn còn ngự trong phòng của ông ta.

(1) Jean Armand Duplessis - giáo chủ De Richelieu (1585-1642) từ năm 1622 tham gia Hội đồng Hoàng gia và trở thành tể tướng nước Pháp, nổi tiếng là một người độc tài, tàn nhẫn và lấn át quyền của vua Louis XIII. Ông ta chủ trương khuất phục các giới quý tộc, tập trung quyền hành vào chính quyền quân chủ trung ương, đấu tranh chống đế tộc Áo và mở rộng chiến tranh chống Tây Ban Nha. Richelieu là một nhân vật chính trong tập chính của tập truyện "Ba người lính ngự lâm".

Hỡi ơi! Quả thực đó chỉ là vong hồn của con người vĩ đại ấy. Nước Pháp suy yếu, quyền lực của nhà vua không dược biết đến, các quan đại thần lại mạnh lên và hiếu loạn. Kẻ thù lấn vào tận bên trong biên thuỳ, mọi thứ chứng tỏ rằng Richelieu không còn ở đây nữa.

Nhưng điều rõ hơn tất cả rằng tấm áo dài đỏ không phải là tấm áo của vị cố giáo chủ, ấy là sự cô đơn của một bóng ma hơn là một kẻ đang sống, ấy là những dãy hành lang vắng bóng các cận thần, những sân đầy những vệ sĩ, ấy là cái tinh thần nhạo báng bốc lên từ phố phường nó xuyên qua những cửa kính của căn phòng này đang bị lay động trước hơi thở của cả một kinh thành liên minh chống lại tể tướng, sau hết ấy là tiếng súng xa xa không ngớt dội về, may thay chỉ bắn vu vơ và không kết quả cốt làm sao cho bọn vệ sĩ, bọn lính gác Thụy Sĩ, đám ngự lâm quân và các binh lính bao quanh Hoàng cung - chính là Cung giáo chủ đã đổi tên - hiểu rằng nhân dân cũng có vũ khí. [Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Cái bóng ma ấy của Richelieu chính là Mazarin(2).

(2) Juylơ Mazarin (1602 - 1661) - người Ý lấy quốc tịch Pháp, năm 1643, khi vua Louis XIII chết, con là Louis XIV mới năm tuổi nối ngôi, hoàng hậu Anne D’Autriche lảm nhiếp chính và đưa giáo chủ Mazarin làm tể tướng. Là một kẻ bất tài, hèn nhát, lại rất tham nhũng, Mazarin đã gây công phẫn lớn trong nhân dân và giới quý tộc. Các quan đại thần và các hoàng thân đã dấy lên phong trào La Fronde chống lại Mazarin và triều đình. Khi chết Mazarin đã chiếm hữu một gia tài khổng lồ và rất nhiều bộ sưu tập nghệ thuật quý giá đề trong các tòa lâu đài cùa mình.

Trong nguyên bản thường dùng chữ "giáo chủ" để chỉ Mazarin nhưng trong bản dịch tùy chỗ chúng tôi dùng chữ "giáo chủ" hoặc "tề tướng" cho rõ nghĩa. Vì chăng Mazarin đơn độc và tự cảm thấy mình hèn yếu.

Ông ta lẩm bẩm:

- Người ngoại quốc? Người Ý! Đấy những lời đao to búa lớn mà chúng buông ra! Với lời ấy, chúng ta đã ám sát treo cổ, xé xác Concini (3) và nếu ta để mặc chúng, ắt chúng cũng sẽ ám sát ta, treo cổ ta, xé xác ta như vậy; mặc dù ta chẳng hề gây cho chúng một điều tai hại gì ngoài việc bóp nặn chúng một tí chút. Đồ ngu ngốc? Vậy là chúng không thấy rằng kẻ thù của chúng không phải lão người Ý này nói tiếng Pháp không sõi mà chính là cái bọn kia, họ có tài nói năng với chúng những lời hoa mỹ bằng cái giọng Paris thật là thuần túy và tuyệt diệu.

(3) Concini - người gốc Ý, làm thống chế Pháp, bất tài và tham lam, đã khiến các đại thần nổi loạn Năm 1967, vua Louis XIII phải ra lệnh bắt giam. Concini chống cự và đã bị giết chết.

- Phải rồi, phải rồi, - vị tể tướng nói tiếp và xảo quyệt cười, lần này cái cười có vẻ lạ lẫm trên đôi môi nhợt nhạt, - phải rồi, những tiếng đồn của các ngươi đã nói với ta điều đó, số phận của các sủng thần là bấp bênh, nhưng nếu các người biết điều đó thì các người cũng phải biết rằng ta đây, ta chẳng phải là một sủng thần tầm thường. Bá tước D’Essex có một cái nhẫn tuyệt đẹp nạm đầy kim cương mà nữ hoàng tình nhân đã tặng: còn ta chỉ có một chiếc nhẫn bình thường với một con số ngày tháng(4), nhưng nó đã được ban phước tại tiểu thánh đường trong Hoàng cung, cho nên họ sẽ không phế bỏ ta theo nguyện vọng của họ. Họ chẳng nhận thẩy rằng với tiếng hô muôn thuở của họ: "Đả đảo lão Mazarin!" ta đã hô với họ, khi thì de Beaufort(5) muôn năm, khi thì ngài Hoàng thân muôn năm?

(4) Ngày cưới. Người ta biết rằng Mazarin không bị một điều lệnh nào cấm kết hôn nên đã lấy Anne D’Autriche (xem các hồi ức của de Lanporter và của quận chúa Palatin).

(5) Quận công de Beaufort - cháu nội của vua Hăngri IV một thủ lĩnh trong phong trào La Fronde của các hoàng thân.

- Này! Ông de Beaufort đang ở Vinxen; Hoàng thân nay mai sẽ đến theo ông ta, còn nghị viện…

Đến đây, nụ cười của giáo chủ biểu hiện một vẻ thù hằn dường như không thể có được trên gương mặt vốn dịu dàng của ông.

- Nào! Nghị viện… Chúng ta xem xét sẽ làm gì cái nghị viện này. Có Orléans(6). Ồ! Ta sẽ để thì giờ xem xét. Song những ai đã hô đả đảo Mazarin cuối cùng sẽ phải hô đả đảo tẩt cả những kẻ đó, người nào phiên nấy. Richelieu khi còn sống bị bọn họ căm ghét và khi chết còn bị họ nhắc đến luôn trước kia còn thấp kém hơn ta, bởi vì ông ta đã bị nhiều lần xua đuổi và luôn luôn nơm nớp còn bị xua đuổi nhiều hơn nữa. Hoàng hậu, chẳng bao giờ xua đuổi ta đâu, còn nếu ta bị ép buộc phải nhượng bộ dân chúng thì nàng sẽ nhượng bộ cùng với ta; nếu ta chạy trốn, nàng cũng sẽ bỏ trốn và chúng ta sẽ thấy bọn phiến loạn xoay xở thế nào khi không có hoàng hậu, không có đức vua của họ. Ôi! Giá như ta không phải là người ngoại quốc, giá như ta là người Pháp, giá như ta là người quý tộc!

(6) Gaston Orléans (1608 - 1660) - quận công con vua Henri IV tham gia những cuộc âm mưu chống lại Richelieu, rồi Mazarin.

Và ông ta lại rơi vào trạng thái trầm ngâm.

Quả thật, tình thế đang khó khăn, và cái ngày vừa trôi qua càng thêm phức tạp. Luôn luôn bị tính biển lận bẩn thỉu thôi thúc, Mazarin chà siết dân chúng bằng thuế khóa, và dân chúng ấy chỉ còn lại có linh hồn như tổng trạng sư Talon nói, và hơn nữa, vì người ta không thể đem linh hồn ra bán tầm tầm, cho nên đám dân chúng mà người ta cố làm cho họ kiên nhẫn bằng tiếng đồn về những trận chiến thắng đã giành được, họ thấy những vòng nguyệt quế chẳng phải là thịt để có thể nuôi sống mình, đám dân chúng ấy từ lâu đã bắt đầu xì xào kêu ca.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, vì khi dân chúng xì xào, triều đình không nghe thấy do nó vốn bị ngăn cách bởi giới thị dân và các nhà quý tộc. Nhưng Mazarin đã dại dột đánh vào các pháp quan! Ông ta đã bán mười hai tờ chứng chỉ ủy viên thỉnh nguyện, và do các án quan trả giá cho những chức vị của họ quá đắt và sự gia nhập của mười hai bạn đồng nghiệp kia tất làm giảm giá những chức vị đó, những án quan cũ đã hợp nhau lại, thề trước kinh Phúc âm là sẽ không chịu sự tăng thêm ấy và kháng cự lại mọi sự ngược đãi của triều đình; họ hứa hẹn với nhau là trong trường hơp một người trong bọn họ do sự phản kháng ấy mà mất chức vị của mình thì họ sẽ cùng nhau đóng góp để hoàn lại tiền cho người ấy.

Đây là chuyện xảy ra từ hai phía đó:

Ngày bảy tháng Giêng, bảy đến tám trăm nhà buôn tập hợp và bị kích loạn về một khoản thuế mới mà người ta muốn đánh vào các trạch chủ, và họ đã cử mười đại biểu đến trình bày với quận công Orléans, người vốn có thói quen lấy lòng dân. Quận công tiếp họ và họ tuyên bố sẽ quyết định không đóng khoản thuế mới cho dù có phải dùng vũ lực chống lại quan quân của nhà vua đến thu thuế. Quân công Orléans lắng nghe với vẻ rất ân cần, làm họ hi vọng một sự giảm nhẹ nào dấy, hứa sẽ trình lại với hoàng hậu và đã tông biệt họ bằng lời nói thông thường của các ông hoàng: "Người ta sẽ xem xét".

Về phía mình, ngày mồng chín, các ủy viên thỉnh nguyện của Tham chính viện đến gặp giáo chủ tể tướng, và một người thay mặt họ phát ngôn đã nói năng rất cương quyết và táo bạo đến nỗi giáo chủ sửng sốt; ông ta tống khứ họ ra và nói giống như quận công Orléans rằng người ta sẽ xem xét.

Thế là, để xem xét, người ta đã họp hội đồng và cho đi tìm quan Tổng giám tài chính D’Emery.

Cái ông D’Emery này bị dân chúng ghét cay ghét đắng, trước hết bởi vì ông ta là tổng giám tài chính, mà bất cứ tổng giám tài chính nào cũng đều bị ghét cả; sau nữa phải nôi rằng vì ông ta ít nhiều cũng xứng đáng bị ghét.

Ông ta là con trai một chủ ngân hàng thành Lyon tên gọi Particelli, sau khi bị vỡ nợ bèn đổi tên là D’Emery. Nhân thấy ông ta có khả năng rất lớn về tài chính, giáo chủ De Richelieu đã tiến cử ông với vua Louis XIII dưới cái tên D’Emery và do muốn phong ông làm giám quan tài chính nên đã nói rất tốt về ông ta.

- Hay tuyệt? - Nhà vua trả lởi. - Ta hài lòng là khanh trình với ta ông D’Emery để tiến cử vào chỗ đòi hỏi một con người lương thiện. Ta nghe nói khanh tán trợ cái tên Particelli vô lại ấy, và ta lo khanh sẽ ép ta dùng hắn.

- Tâu hoàng thượng, - ngài giáo chủ đáp, - xin Hoàng thượng yên lòng, tên Particelli mà Hoàng thượng vừa nói đến đã bị treo cổ rồi ạ.

- A! Hay lắm! - Nhà vua reo lên. - Như vậy chẳng phải không dưng thiên hạ gọi là Louis Công minh.

Và ngài ký giấy bổ nhiệm ông D’Emery, cũng vẫn cái ông D’Emery ấy trở thành tổng giám tài chính. Người ta đi tìm ông theo lệnh tể tướng và ông chạy đến mặt tái mét và hốt hoảng, nói rằng con trai ông suýt bị ám sát ngay ban ngày giữa quảng trường Hoàng cung: đám đông gặp anh ta và chê trách sự xa hoa của vợ anh ta, mụ này có một căn nhà chăng nhung đỏ với những lụa ren bằng vàng. Đó là con gái của Lơ Camuy, tổng trưởng năm 1617. Ông này khi đến Paris chỉ có hai mươi livrơ, nay tự dành cho mình bốn mươi nghìn livrơ niên thu và vừa mới chia chín triệu cho các con.

Con trai D’Emery suýt chết nghẹt vì một trong những người nổi loạn bắt phải ép hắn cho đến khi hắn phải nhả chỗ vàng đã ngốn.

Ngày hôm ấy Hội đồng chẳng quyết nghị được gì, vì viên tổng giám quá bấn bíu về sự cố đó nên chẳng còn bụng dạ nào mà bàn định.

Ngày hôm sau ông đệ nhất chủ tịch Nghị viên Mathieur Molé mà lòng quả cảm trong mọi công việc như giáo chủ de Retz nói, ngang với ngài quận công de Beaufort và ngài hoàng thân de Condé(7), nghĩa là hai người được coi như dũng cảm nhất nước Pháp, ngày hôm sau, đến lượt mình ông đệ nhất chủ tịch bị tiến công. Dân chúng đe dọa là ông ta phải gánh chịu trách nhiệm tất cả những tai họa mà người ta gây ra cho họ; nhưng với vẻ bình tĩnh thông thường, ông đệ nhất chủ tịch không xúc động và không kinh ngạc, ông đệ nhất chủ tịch đã trả lời rằng nếu những kẻ phiến loạn không tuân theo ý nhà vua, ông ta sẽ cho dựng những giá treo cổ ở các quảng trường để treo cổ ngay tức khắc những kẻ ngỗ ngược nhất trong bọn họ. Bọn này bên đáp lại rằng họ không yêu cầu gì hơn là dược trông thấy dựng lên những giá treo cổ, và chúng sẽ dùng để treo cổ những viên pháp quan tồi đã đi mua ân sủng của triều đình bằng giá sự khốn cùng của nhân dân.

(7) Condé (1621-1686) - một trong những tướng tài thời vua Louis XIV, đã từng tham gia phong trào La Fronde. Thường gọi là ngài Hoàng thân.

Chưa hết, ngày mười hai, hoàng hậu đi dự lễ ở nhà thờ Đức Bà, việc bà thường làm đều đặn vào các ngày thứ Bảy, thì hơn hai trăm phụ nữ bám theo vừa kêu la vừa xin được thừa nhận quyền lợi. Kể ra họ không có một ý đồ xấu nào, chỉ muốn quỳ trước hoàng hậu đề cầu bà rủ lòng thương; song vệ sĩ đã ngăn cản họ và hoàng hậu cứ ngạo mạn và kiêu hãnh đi qua mà chẳng để tai đến những tiếng kêu gào của họ.

Buổi chiều hội đồng họp và quyết nghị giữ vững quyền lực của nhà vua, do đó nghị viện được triệu tập vào ngày hôm sau tức ngày mười hai.

Ngày hôm ấy, cái ngày mà vào buổi chiều tối, chúng tôi mở đầu câu chuyện mới mẻ này, nhà vua khi ấy mới mười tuổi và vừa mắc bệnh thủy đậu xong, mượn cớ đi nhà thờ Đức Bà để lễ tạ ơn bình phục, đã bố trí vệ sĩ, lính Thụy Sĩ và lính ngự lâm, rải quân xung quanh Hoàng cung, trên các kè và trên Cầu Mới, và sau khi nghe kinh Misa, nhà vua bèn sang nghị viện. Ở đó trên một chiếc ngai ngự dựng bất ngờ, nhà vua không những giữ nguyên những chỉ dụ cũ mà còn đặt năm, sáu cái mới, tất cả những điều giáo chủ de Retz nói đều tai hại chẳng kém gì nhau. Đến nỗi ông đệ nhất chủ tịch như ta đã thấy, những hôm trước vẫn đồng tình với triều đình, mà nay cũng hết sức bất bình về cái cách đưa nhà vua đến Cung để tập kích và vi phạm sự tự do đầu phiếu.

Nhưng những người phản đối mạnh mẽ nhất những thuế khóa mới là ông chủ tịch Blancmensnil và ông tham nghị Broussel.

Các chỉ dụ đó ban xong, vua trở về Hoàng cung. Một trăm dân chúng đông nghịt đang đi trên dường, họ biết nhà vua từ nghị viện về, nhưng vì không biết nhà vua họp ở đó để thừa nhận quyền lợi của nhân dân hay để tiếp tục áp bức họ, nên không một tiếng kêu mừng rỡ nào vang lên khi vua đi qua để chúc mừng nhà vua đã bình phục. Trái lại, tất cả các gương mặt đều rầu rĩ và lo lắng; có vài người còn tỏ vẻ sừng sộ.

Mặc dầu nhà vua đã ra về, các toán lính vẫn ở nguyên tại chỗ: người ta lo ngại một cuộc bạo loạn bùng nổ khi biết kết quả phiên họp nghị viện; và quả nhiên, tiếng đồn vừa mới lan ra các phố rằng đáng lẽ phải giảm nhẹ thuế nhà vua lại tăng thêm thì các nhóm tập họp lại và những tiếng la hét vang ầm lên: "Đả đảo Mazarin? Broussel muôn năm! Blancmensnil muôn năm!" vì dân chúng biết rằng Broussel và Blancmensnil đã lên tiếng ủng hộ họ; và tuy tài hùng biện của các ông bị thất bại, họ vẫn tỏ lòng biểt ơn.

Người ta muốn giải tán các đám dân chúng, muốn dập tắt các tiếng kêu, nhưng càng thế các đám người càng đông lên và những tiếng kêu la càng tăng gấp bội. Lệnh vừa mới ban ra cho lĩnh ngự vệ và lính Thụy Sĩ, không những phải giữ vững, mà còn phải đi tuần tra trong các phố Saint-Denis và Saint-Martin, nơi các đám người có vẻ đông đảo hơn và nhộn nhạo hơn, thì ở Hoàng cung người ta thông báo có ông thị trưởng thành phố đến.

Ông ta được dẫn vào ngay: ông nói rằng nếu không chấm dứt ngay lập tức những cuộc thị uy thù nghịch, thì trong hai giờ nữa toàn thành phố Paris sẽ vũ khí sẵn sàng.

Người ta đang bàn luận xem phải làm gì thì viên trung úy thị vệ đoàn Comminger trở về quần áo tả tơi và mặt mày đầm đìa máu.

Thấy ông ta xuất hiện, hoàng hậu kinh hãi kêu lên và hỏi xem có chuyện gì.

Như ông thị trưởng đã dự kiến; nhìn thấy các toán lính gác, dân tình nổi xung lên. Người ta chiếm các tháp chuông và rung chuông báo động. Comminger đã chống cự tốt, bắt giữ một người đàn ông có vẻ là một trong những tay phiến động chủ yếu, và để làm gương đã ra lệnh treo cổ anh ta ở bãi Thập tự T'rahoa. Binh lính lôi anh đi để thi hành lệnh, nhưng đi đến dãy chợ thì bị tiến công bằng gạch đá và giáo mác, kẻ phiến loạn thừa cơ chạy thoát ra phố Lômba và chạy bổ vào trong một ngôi nhà. Nhà bị phá cửa ngay lập tức. Nhưng bạo lực ấy cũng vô ích, không thể tìm thấy tội phạm.

Comminger để lại một trạm gác trong phố và cùng số lính còn lại của đơn vị trở về Hoàng cung để tâu với hoàng hậu về sự việc đã xảy ra. Suốt dọc đường, ông ta bị những tiếng la ó và đe dọa đuổi theo, nhiều lính của ông bị giáo mác đâm bị thương và bản thân ông bị một hòn đá đáp rách chỗ lông mày.

Câu chuyện của Comminger làm vững thêm ý kiến của ông thị trưởng - người ta chưa đủ sức đương đầu với một cuộc nổi loạn thực sự; ông giáo chủ cho loan tin trong dân chúng rằng các toán quân rải trên các kè và Cầu Mới chỉ là nhân dịp làm lễ và sắp rút đi.

Quả thật vào lúc bốn giờ chiều, các toán quân tập trung cả về phía Hoàng cung, người ta đặt một trạm gác ở chỗ chắn đường Sergents, một trạm khác ở chỗ Tám Mươi, cuối cùng một trạm nữa ở Saint-Roch. Người ta đưa lính Thụy Sĩ và lính ngự lâm vào đầy các sân, các tầng trệt và chờ đợi.

Đấy là bổi cảnh diễn biến các sự kiện, khi chúng tôi đưa bạn đọc vào văn phòng của giáo chủ Mazarin xưa kia vốn là văn phòng của giáo chủ De Richelieu. Chúng ta đã thấy ông ta ở trong tình trạng tinh thần như thế nào khi nghe tiếng rì rầm của dân chúng lọt đến tai ông và tiếng âm vang của những phát súng nổ vọng đến căn phòng ông.

Bỗng nhiên, ông ngẩng đầu lên, lông mày hơi cau lại như một người đã có quyết định, trừng mắt nhìn lên một chiếc đồng hồ lớn sắp đánh chuông mười giờ, và vớ một cái còi bằng đồng mạ vàng nằm trong tầm tay ở trên bàn. Ông huýt lên hai tiếng.

Cánh cửa khuất sau tấm thảm treo tường mở ra không có một tiếng động và một người vận đồ đen lặng lẽ bước vào phòng, rồi đứng ở phía sau ghế bành.

- Bernouin, - giáo chủ nói mà chẳng buồn quay đầu lại vì sau khi thổi lên hai tiếng còi, ông biết người hầu của mình phải là ai, - lính ngự lâm đang gác ở Cung là lính nào?

- Thưa Đức ông, đó là ngự lâm đen.

- Đại đội nào?

- Đại đội Treville.

- Có sĩ quan nào ở đại đội ấy trong tiền sảnh không?

- Có trung úy D’Artagnan.

- Chắc đó là một người tốt, phải không?

- Vâng, thưa Đức ông.

- Lấy cho ta một bộ y phục ngự lâm quân và giúp ta mặc vào.

Người hầu phòng đi ra cũng lặng lẽ như lúc vào và một lát sau trở lại mang theo bộ quần áo đòi hỏi.

Thế là vị giáo chủ vẻ im lặng và suy nghĩ, bắt đầu cởi bỏ bộ lễ phục mà ông đã mặc để dự phiên họp nghị viện, và mặc chiếc áo lính với một vẻ thoải mái nhờ những chiến dịch ở Ý của ông xưa kia, rồi khi đã vận xong hoàn toàn, ông bảo:

- Đi tìm ông D’Actagnan cho ta.

Người hầu phòng lần này đi ra cửa giữa, nhưng vẫn lặng lẽ và câm như hến. Có thể nói như một cái bóng.

Còn lại một mình, giáo chủ soi mình trong gương, vẻ hài lòng.

Ông ta vẫn còn trẻ, vì mới gần bốn mươi sáu tuổi, thân hình thanh nhã, hơi dưới chiều cao trung bình; da dẻ sáng và đẹp, cái nhìn rực lửa, mũi to, tuy nhiên khá cân đối, trán rộng và đường bệ, tóc hung hung và hơi xoăn, râu đen hơn tóc và lúc nào cũng uốn cao lên, khiến ông có dáng phong nhã. Ông quàng tấm dải đeo gươm, nhìn với vẻ thỏa mãn hai bàn tay nuột nà của mình mà ông chăm chút nhất; rồi quẳng đôi găng bằng da hoẵng mà ông đã cầm lấy và hợp với bộ quân phục, ông xỏ đôi găng lụa giản dị.

Lúc ấy cánh cửa mở ra.

Một sĩ quan bước vào.

Đó là một người chạc băm chín bốn mươi tuổi, vóc người nhỏ nhưng chắc, gầy, mắt tinh và hóm hỉnh, râu đen và tóc hoa râm như thường xảy đến khi người ta thấy cuộc đời quá tốt hoặc quá xấu, và nhất là khi da người ta rất nâu.

D’Artagnan đi bốn bước trong văn phòng là nhận ra mình đã đến đây một lần trong thời giáo chủ De Richelieu, và chẳng thấy có ai trong phòng ngoài một lính ngự lâm của đại đội mình, anh dừng mắt trên người lính ngự lâm ấy và qua bộ y phục của người đó, vừa mới thoạt nhìn anh đã nhận ra ông giáo chủ.

Anh đứng thẳng trong tư thế cung kính nhưng đường hoàng và rất thích hợp với một người có địa vị trong đời mình luôn có dịp tiếp xúc với các quan đại thần.

Giáo chủ chằm chằm nhìn anh bằng con mắt tinh ranh hơn là sâu xa, ngắm nghía chăm chú, rồi sau vài giây im lặng, ông cất tiếng.

- Chính ông là ông D’Artagnan phải không?

- Chính tôi, thưa Đức ông. - viên sĩ quan nói.

Giáo chủ nhìn một lát nữa cái đầu đến là thông minh ấy và khuôn mặt mà sự linh hoạt thái quá đã bị kiềm chế bởi tuổi tác và kinh nghiệm; nhưng D’Artagnan chịu dựng sự thẩm tra với tư cách một người xưa kia đã từng bị nhìn bằng những con mắt sắc sảo khác hẳn những con mắt mà anh chịu đựng sự dò xét vào lúc này.

- Này ông, - giáo chủ nói, - ông sẽ đến với tôi, hay đúng hơn là tôi sẽ đi với ông.

- Xin tuân lệnh, - D’Artagnan đáp.

- Tôi muốn tự mình đến thăm những trạm gác bao quanh Hoàng cung; ông nghĩ có điều gì nguy hiểm không?

- Nguy hiểm ư? Đức ông? Mà nguy hiểm gì? - D’Artagnan ngạc nhiên hỏi.

- Người ta nói dân chúng hết sức náo loạn.

- Quân phục ngự lâm quân của nhà vua rất được kính nể, thưa Đức ông, và với bốn người, tôi dám cam đoan đánh tan một trăm tên loại dân đen ấy.

- Nhưng ông đã thấy, chuyện xảy ra với Comminger chưa?

- Ông de Comminger là thuộc đội cận vệ, chứ không phải ngự lâm quân là lính cừ hơn cận vệ.

- Thế có nghĩa là, - giáo chủ mỉm cười nói, - ngự lâm quân là lính cừ hơn cận vệ.

- Thưa Đức ông, mỗi người có lòng tự tôn về binh phục của mình.

- Trừ tôi ra! - Mazarin vừa cười vừa nói, - vì ông thấy tôi đã rời bỏ y phục của mình để mặc binh phục của ông.

- Ấy chết, thưa Đức ông, - D’Artagnan nói, - đó là sự nhũn nhặn. Còn như tôi, tôi xin bày tỏ rằng nếu tôi có bộ y phục của Các hạ, tôi sẽ rất thỏa mãn và nếu cần thì xin thề là sẽ chăng bao giờ mặc bộ y phục nào khác.

- Phải, nhưng để đi ra tối nay, có lẽ nó không an toàn lắm. Bemuanh đưa mũ đây.

Người hầu phòng mang ra một cái mũ binh phục rộng vành.

Ông chủ đội mũ với vẻ khá phóng túng và quay lại phía D’Artagnan:

- Ông có những con ngựa đóng yên cương sẵn ở trong các chuồng phải không?

- Vâng, thưa Đức ông.

- Nào, ta đi đi.

- Đức ông cần bao nhiêu người?

- Ông đã nói là với bốn người các ông có thể đánh tan một trăm tên dân đen; cho là có thể gặp hai trăm tên, hãy lấy tám người.

- Khi nào Đức ông cần?

- Tôi theo ông, hay thôi, - giáo chủ nói tiếp, - ta đi lối này.

Bernouin, rọi đèn cho chúng tôi.

Người hầu cầm ngọn nến, giáo chủ cầm một chiếc chìa khóa mạ vàng để trên bàn giấy, và sau khi mở cửa một cầu thang bí mật, chỉ một lát sau ông đã ở trong sân Hoàng cung.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay