Hai mươi năm sau - Chương 03 - Phần 2

Rochefort rùng mình trước câu hỏi đó. Ông nói:

- Nhưng hình như Các hạ biết rõ việc đó hơn bất kỳ ai.

- Tôi ấy à? Không đúng đâu! Ở ngục Bastille còn cả mớ tù nhân bị giam từ thời ngài Richelieu mà tôi cũng chẳng biết đến tên nữa.

- Ồ! Nhưng tôi thì lại là chuyện khác, thưa Đức ông? Và ngài biết tên tôi, vì theo chính lệnh của Các hạ mà tôi bị chuyển từ đồn Chatelet đến ngục Bastille.

- Ông tưởng thế ư?

- Tôi biết chắc.

- Ồ, hình như tôi nhớ ra rồi, đúng vậy, có phải hồi ấy ông đã từ chối đi một chuyến công du sang Bruxelles cho hoàng hậu phái không?

- A, a! - Rochefort nói. - Vậy ra đó là cái nguyên nhân chính đây? Tôi tìm kiếm nó từ năm năm nay. Tôi đến là ngốc nên đã không tìm ra nó.

- Nhưng tôi không nói với ông đó là nguyên nhân vụ bắt giữ ông; ta thỏa thuận với nhau, tôi hỏi ông câu này, chỉ có thế thôi: chẳng phải là ông từ chối đi Bruxelles vì hoàng hậu, trong khi ông đã bằng lòng đi đến đó vì ông cố giáo chủ.

- Thì đúng là do tôi đến đó vì cố giáo chủ mà tôi không thể trở lại đó vì hoàng hậu được. Tôi đã đến Bruxelles trong một một hoàn cảnh khủng khiếp. Đó là nhân vụ mưu phản của Sale. Tôi ở đó để rình chộp thư từ liên lạc của Sale với ông thân vương và ngay hồi ấy khi tôi bị nhận ra, suýt nữa tôi bị xé xác ra từng mảnh. Như vậy làm sao mà ngài lại muốn tôi trở lại đó? Đáng lẽ phụng sự hoàng hậu tôi sẽ làm nguy hại cho bà.

- Đấy nhé! Ông Rochefort thân mến ơi, ông hiểu rõ những ý đồ tốt nhất bị diễn giải sai đi như thế nào? Hoàng hậu chỉ nhìn thấy ở sự tù chối của ông một sự từ chối thuần túy và đơn giản, bà đã phải than vãn trách oán ông rất nhiều, dưới thời cố giáo chủ, ôi, Hoàng thượng, Lệnh bà!

Rochefort mỉm cười khinh bỉ:

- Chính vì tôi đã hết lòng phụng sự ngài giáo chủ Richelieu chống lại hoàng hậu, sau khi ngài mất, xin đức ông hiểu rằng tôi sẽ hết lòng phụng sự đức ông chống lại tất cả mọi người.

- Tôi ấy à, ông De Rochefort ơi, - Mazarin nói. - Tôi không như ngài Richelieu, ông ta muốn giành quyền tối thượng, tôi là một vị tể tướng bình thường không cần tới công bộc, khi mình đã là công bộc của hoàng hậu: Do Lệnh bà rất hay hờn giận, bà đã biết việc từ chối của ông, coi đó là một sự tuyên chiến; lại được biết ông là người ưu tú biết chừng nào, do đó càng nguy hiểm. Ông Rochefort thân mến ạ, nên bà đã ra lệnh cho tôi phải giữ ông. Đấy là nguyên nhân vì sao ông lại ở trong ngục Bastille.

- Vậy thì, thưa Đức ông - Rochefort nói, - dường như nếu vì lầm lẫn mà tôi phải vào ngục Bastille…

- Phải, phải, - Mazarin tiếp lời, - chắc mọi chuyện có thể dàn xếp ông là người hiểu biết một số việc nào đó và khi những việc đó không thông tỏ thì xúc tiến cho tốt.

- Đó là ý giáo chủ Richelieu và lòng kính phục của tôi đối với bậc sĩ nhân ấy càng tăng thêm vì điều ngài có ý muốn nói rằng đó cũng là ý của ngài.

- Đúng vậy, - Mazarin nói, - ngài giáo chủ là một người rất chính trị, đó là điều ngài hơn hẳn tôi; tôi chỉ là mội người giản dị, thật thà, đó là điều hại cho tôi, tôi có cái tính ngay thẳng thật là Pháp.

Rochefort mím chặt môi để khỏi bật cười.

- Vậy là tôi tới đích. Tôi cần những người bạn tốt, những người thủ hạ trung thành; khi tôi nói tôi cần, nghĩa là tôi muốn nói: hoàng hậu cần. Tôi làm gì cũng chỉ do mệnh lệnh của hoàng hậu - chính tôi ấy, ông nghe chưa? Không phải như ông giáo chủ De Richelieu làm mọi thứ theo ý mình. Cho nên tôi sẽ chẳng bao giờ là một người vĩ đại như ông ấy, nhưng bù lại, tôi là một người tốt, ông Rochefort ạ, và tôi hi vọng ông sẽ thể nghiệm điều đó.

Rochefort biết cái giọng nói mượt mà ấy trong đó chốc chốc lại lướt một tiếng rít giống như tiếng rít của con rắn hổ mang.

- Thưa Đức ông, tôi sẵn sàng để tin tưởng, dầu về phần tôi, tôi có ít chứng từ về cái tính chất phác thật thà mà Đức ông nói tới.

Nhìn thấy cử chỉ của quan tể tướng định ngắt lời mình, Rochefort nói tiếp luôn:

- Xin Đức ông đừng quên rằng từ năm năm nay tôi ở ngục Bastille và không có gì làm sai ý nghĩ như khi nhìn mọi vật qua những song sắt một nhà tù.

- A! Ông Rochefort, tôi đã nói với ông rằng đối với cái nhà tù của ông, tôi chẳng là cái thá gì. Hoàng hậu… cơn thịnh nộ của đàn bà và của các bà hoàng, biết làm thế nào. Nhưng cái đó sẽ qua đi như nó đến, và sau đó không nghĩ đến nó nữa…

- Thưa Đức ông, tôi hiểu rằng hoàng hậu không nghĩ tới chuyện ấy nữa, bà đã trải qua năm năm ở Hoàng cung, giữa những hội hè và các cận thần; nhưng tôi, người đã trải qua năm năm ở ngục Bastille…

- Ôi! Lạy chúa! Ông Rochefort thân mến ơi, ông tưởng rằng Hoàng cung là một chốn vui thú lắm sao? Không đâu. Ở đấy, chúng tôi, ngay chúng tôi cũng có những nỗi lo toan, phiền lụy lớn của chúng tôi, tôi cam đoan với ông đấy. Nhưng này, thôi đừng nói đến tất cả những chuyện đó. Tôi bao giờ cũng vậy, tôi cứ hay nói trắng ra. Thế nào, ông có phải là người của chúng tôi không, ông Rochefort?

- Thưa Đức ông, ngài cần hiểu rằng, tôi không đòi hỏi gì hơn, nhưng tôi không còn hiểu biết tình hình gì hết. Ở ngục Bastille, người ta chỉ nói chuyện chính trị với các binh lính và cai ngục và chắc ngài cũng không biết rằng những loại người ấy thật mù mờ về những chuyện xảy ra. Tôi bao giờ cũng theo ông de Batxompie. Ông ta vẫn là một trong số mười bảy vị đại thần chứ?

- Ông ta chết rồi, ông ạ, và đó là một tổn thất lớn.

Đó là một con người thật tận tuỵ với hoàng hậu, mả những người tận tuỵ thật là hiếm.

- Mẹ kiếp, tôi tin lắm. - Rochefort nói - Khi ngài có những người như thế, ngài đưa họ vào ngục Bastille.

- Nhưng hơn nữa - Mazarin nói, - cái gì chứng tỏ lòng tận tụy?

- Hành động. - Rochefort nói.

- À phảỉ. Hành động! - Quan tể tướng nói, vẻ suy nghĩ - Nhưng tìm đâu những người hành động?

Rochefort gật đầu:

- Những người ấy chẳng bao giờ thiếu đâu, thưa Đức ông, có điều ngài kiếm dở đấy thôi.

- Tôi tìm kiếm dở? Ông định nói gì thế. Ông Rochefort thân mến, hãy chỉ dẫn cho tôi. Ông hẳn phải học được rất nhiều trong mối thân tình với Đức cố giáo chủ. A! Đó là một người thật vĩ đại.

- Đức ông liệu có tức giận không, nếu tôi nói với ngài những điều đạo lý?

- Tôi ấy à, không bao giờ. Ông biết đấy, người ta có thể nói mọi điều với tôi. Tôi tìm cách làm cho người ta yêu mên tôi, chứ không phải sợ hãi tôi.

- Này nhé! Thưa Đức ông, trong ngục tối giam tôi có một câu ngạn ngữ viết lên tường bằng đầu đinh.

- Câu gì? - Mazarin hỏi.

- Thưa Đức ông, thế này này: chủ nào…

- Tôi biết rồi: tớ ấy…

- Không, môn hạ ấy. Đó là thay đổi nhỏ mà những người tận tụy ngài vừa nói tới ban nãy đã đưa vào để thỏa mãn ý riêng của họ.

- Thế câu ngạn ngữ ấy là gì?

- Nghĩa là ông De Richelieu đã khéo biết tìm ra những người môn hạ tận tụy và có tới hàng tá!

- Ông ta, mục tiêu của tất cả những lưỡi dao găm! Ông ta, người đã suốt đời tránh đỡ tất cả những đòn người ta đánh.

- Nhưng ông ta, cuối cùng, đã đỡ được hết, và mặc dầu những đòn đó đánh rất dữ tợn. Chính vì nếu như ông ta có những kẻ thù thật sự thì ông cũng có những người bạn thật sự.

- Ấy, đó là tất cả những gì tôi yêu cầu! Tôi biết có những người, - Rochefort nghĩ đã đến lúc thực hiện lời hứa với D’Artagnan, bèn nói tiếp, - tôi có biết những người, do sự khôn khéo của họ đã hàng trăm lần làm cho sức thông tuệ của ngài giáo chủ Richelieu cũng bị sai lạc; do lòng dũng cảm của họ đã đánh bại những vệ sĩ và bọn do thám của ngài, những người không tiền của, không nơi nương tựa, không uy tín, đã giữ gìn vương vị cho một đế vương và đến xin ngài giáo chủ dung thứ.

Mazarin cười thầm về việc Rochefort đang đi đến chỗ mà ông muốn dẫn dắt đến, và nói:

- Nhưng những người mà ông đang nói đến ấy, họ không tận tụy với ngài giáo chủ vì họ chống lại ngài.

- Không, vì lẽ ra họ phải được hậu đãi hơn, song họ có điều bất hạnh là đã tận tụy với chính bà hoàng hậu mà lúc nãy ngài tìm kiếm những thủ hạ cho bà ấy đấy.

- Ấy! Nhưng sao ông lại có thể thông tỏ mọi chuyện?

- Tôi biết rõ những chuyện ấy, vì những người đó là kẻ thù của tôi ở thời kỳ đó; vì họ chống lại tôi; vì tôi đã gây ra cho họ mọi tai họa mà tôi có thể làm được và ngược lại, họ cũng ra sức trả miếng tôi như thế; vì một người trong bọn họ mà tôi đặc biệt va chạm nhiều nhất, đã cho tôi một nhát kiếm cách đây cũng gần bảy năm rồi đấy, đó là nhát kiếm thứ ba do cùng một bàn tay đã đâm tôi… sự kết thúc của một khoản thanh toán cũ.

- A! - Mazarin thốt lên với vẻ chất phác tuyệt vời - Giá tôi biết được những con người như vậy?

- Thưa Đức ông, ngài có một người như thế ở ngay cửa ngài từ hơn sáu năm nay và từ sáu năm nay ngài coi là chẳng sử dụng được vào việc gì.

- Ai vậy?

- Ông D’Artagnan.

- Cái tên Gascon ấy à? - Mazarin kêu lên với một vẻ ngạc nhiên vờ vĩnh rất giỏi.

- Cái tên Gascon ấy đã cứu một hoàng hậu, và nhắn lại với ngài De Richelieu rằng về mặt khôn ngoan, khéo léo và chính trị, hắn chỉ là một đứa học trò.

- Thật vậy ư?

- Xin lấy danh dự mà nói với các hạ.

- Hãy kể cho tôi nghe chuyện ấy một chút, ông Rochefort thân mến.

- Kể cũng rất khó đẩy, thưa Đức ông, - nhà quý tộc mỉm cười nói.

- Vậy thì tự hắn ta sẽ kể cho tôi chăng?

- Tôi không chắc vậy, thưa Đức ông.

- Tại sao vậy?

- Vì điều bí mật không phải là ông ta, nhưng tôi đã thưa với ngài, đó là bí mật của một bà hoàng hậu vĩ đại.

- Và anh ta chỉ có một mình để thực hiện một mưu sự dường ấy sao?

- Không, thưa Đức ông, anh ta có ba người bạn thân, ba con người dũng cảm giúp sức, những người dũng cảm như ngài tìm kiếm lúc nãy.

- Và bốn người ấy hợp nhất lại, đúng không?

- Cứ như thể bốn người ấy chỉ là một, cứ như thể bốn trái tim đập trong cùng một lồng ngực, cho nên với cả bốn người, họ làm gì chẳng được…

- Ông Rochefort thân mến ơi, quả thực ông đã chọc tính hiếu kỳ của tôi tới mức khôn tả. Ông không thể kể lại tôi nghe câu chuyện đó sao?

- Không, nhưng tôi có thể nói với ngài một chuyện cổ tích, một chuyện thần tiên thật sự, tôi xin cam đoan như vậy, thưa Đức ông.

- Ồ! Nói đi, ông Rochefort, tôi rất thích những chuyện cổ tích.

- Đức ông muốn vậy chứ? - Rochefort nói và cố thử khám phá xem trên bộ mặt tinh ma quỷ quyệt ấy có để lộ một ý đồ gì không.

- Phải.

- Vậy xin ngài nghe đây! Ngày xưa có một hoàng hậu…, mà một hoàng hậu rất quyền thế, hoàng hậu của một trong những vương quốc lớn nhất thế giới. Một quan đại tể tướng muốn làm nhiều điều ác với hoàng hậu vì trước kia đã muốn làm nhiều điều thiện cho bà.

Đức ông đừng vội đoán, ngài sẽ chẳng đoán được là ai đâu. Mọi chuyện đã xảy ra trước đây rất lâu, trước khi ngài đến vương quốc nơi bà hoàng hậu ngự trị. Rồi có một vị đại sứ đến triều đình, một vị đại sứ dũng cảm thật giàu có và thật phong nhã đến nỗi tất cả phụ nữ đều chết mê chết mệt, và ngay cả hoàng hậu, có lẽ để kỉ niệm cách ông ta giải quyết các công việc Nhà nước thế nào đấy, bà đã khinh suất trao tặng ông một vật trang sức nào đó rất đặc biệt, đến nỗi nó không thể nào thay thế được. Do vật trang sức ấy của vua ban, quan tể tướng đó xui ngài buộc bà hoàng phải dùng vật trang sức đó trong bộ trang phục của bà tại buổi dạ hội sắp tới. Chẳng cần phải nói với Đức ông rằng quan tể tướng biết chính xác đồ trang sức ấy đã đi theo vị đại sứ về một nơi xa tít bên kia biển cả. Bà hoàng hậu vĩ đại thấy nguy rồi? Giống như người nữ tỳ cuối cùng của bà, vì bà rơi xuống từ trên cao chót đỉnh của tất cá nỗi quang vinh quyền thế của bà.

- Thế à! - Mazarin nói.

- Thế rồi, thưa Đức ông, bốn người đàn ông quyết chí cứu bà. Bốn người ấy chẳng phải công hầu, chẳng phải những người quyền thế, cũng chẳng phải những người giàu có, đó chỉ là bốn người lính có lòng nhiệt thành, cánh tay vững chắc, lưỡi kiếm sắc bén. Họ ra đi. Quan tể tướng biết rõ họ lên đường và đã cắt đặt người ở dọc đường để ngăn cản họ tới đích. Ba người trong bọn họ bị rất nhiều kẻ công kích loại khỏi vòng chiến đấu, chỉ mỗi một người tới bến cảng, giết hoặc làm bị thương những kẻ muốn chặn bắt anh ta, vượt biển và mang trở về đồ trang sức cho bà hoàng hậu vĩ đại bà đã có thể đính vào vai áo đúng ngày đã ấn định, điều ấy suýt làm cho ông tể tướng phát điên. Thưa Đức ông, ngài nghĩ thế nào về mẩu chuyện ấy?

- Thật là tuyệt! - Mazarin mơ màng nói.

- Thưa ngài, tôi biết mười chuyện như vậy.

Mazarin không nói gì nữa - ông nghĩ ngợi.

Năm, sáu phút trôi qua.

- Thưa Đức ông, ngài không có gì hỏi tôi nữa chứ? - Rochefort nói.

- Có và D’Artagnan là một trong bốn người đó phải không?

- Chính anh ta đã chỉ huy toàn bộ vụ ấy.

- Thế mấy người kia là những ai?

- Xin Đức ông cho phép tôi dành cho ông D’Artagnan được lộ trình với ngài tên những người ấy. Đấy là bạn bè của ông ta chứ không phải của tôi; chỉ riêng ông ta có thể có một ảnh hưởng nào đó đối với họ, và tôi cũng không biết những tên thật của họ.

Ông không tin ở tôi, ông Rochefort. Này, tôi muốn thẳng thắn đến cùng; tôi cần đến ông, đến anh ta và đến tất cả.

- Xin Đức ông bắt đầu từ tôi, vì ngài đã cho tìm tôi và bây giờ tôi có đây, rồi ngài chuyển sang họ. Xin ngài đừng lạ về tính tò mò của tôi, khi một người đã ngồi tù năm năm, anh ta chẳng hề bực bội vì biết người ta sẽ đưa mình đi đâu.

- Ông Rochefort thân mến, ông sẽ có vị trí tin cậy, ông sẽ đến Vincennes nơi giam giữ ông De Beaufort; ông sẽ kèm giữ chặt ông ấy cho tôi. Ơ kìa? Ông làm sao thế?

- Tôi thấy ngài bắt tôi phải làm điều không thể làm được, - Rochefort lắc đầu nói, vẻ thất vọng.

- Thế nào, một điều không thể làm được! Mà tại sao điều đó lại không thể làm được?

- Vì ông De Beaufort là bạn của tôi, hay đúng hơn, tôi là một trong những người của ông ấy. Đức ông đã quên rằng chính ông ấy đã bảo đảm cho tôi trước hoàng hậu hay sao?

- Từ hồi ấy ông De Beaufort là kẻ thù của quốc gia.

- Vâng, thưa Đức ông, điều đó có thể, song vì tôi không phải vua, không phải hoàng hậu, cũng chăng phải tể tướng, ông ta không phải là kẻ thù của tôi và tôi không thể nào nhận việc mà ngài ban cho tôi.

- Đấy là cái mà ông gọi là tận tụy trung thành. Tôi khen ngợi ông đấy. Lòng trung thành của ông không ràng buộc ông quá, ông Rochefort ạ.

- Với lại thưa Đức ông, - Rochefort nói tiếp, - ngài nên hiểu cho rằng ra khỏi Bastille để lại vào Vincennes, thế chỉ là thay đổi nhà tù.

- Hãy nói ngay rằng ông thuộc phái ông Beaufort có phải là thẳng thắn không.

- Thưa Đức ông, tôi bị giam cầm lâu đến nỗi tôi chỉ thuộc có một phái: đó là phái ngoài trời thoáng đãng. Xin hãy dùng tôi vào mọi việc khác, phái tôi đi đâu đấy làm cho tôi bận rộn luôn, nhưng nếu có thể, trên những con đường cái.

- Ông Rochefort thân mến, - Mazarin nói, vẻ giễu cợt, - lòng hăng hái của ông đã lôi cuốn ông; ông tưởng vẫn còn trai trẻ, vì con tim thì vẫn còn trẻ đấy, nhưng lực đã kiệt rồi, ông ạ. Vậy hãy tin ở tôi; điều cần cho ông bây giờ, đó là nghỉ ngơi. Ơ này, có người nào đấy không…

- Thế Đức ông không quyết định gì về tôi sao?

- Trái lại, tôi đã quyết.

Bernouin vào.

- Gọi một môn lại đến, - Ông bảo, và nói thêm rất khẽ, - hãy ở bên tôi.

Một môn lại vào. Mazarin viết mấy chữ đưa cho người đó, rồi gật đầu chào.

- Từ biệt ông De Rochefort, - Ông nói.

Rochefort cung kính cúi mình và nói:

- Thưa Đức ông, tôi biết người ta sẽ đưa tôi trở lại Bastille.

- Ông thông minh đấy.

- Tôi trở lại đó, thưa Đức ông; nhưng tôi xin nhắc lại rằng, ngài đã sai lầm không biết dùng tôi.

- Dùng ông, bạn của những kẻ thù của tôi?

- Biết làm thế nào! Phải biến tôi thành kẻ thù của những kẻ thù của ngài chứ?

- Ông tưởng chỉ có một mình ông thôi ư, ông De Rochefort? Hãy tin tôi, tôi sẽ tìm được những người rất đáng với ông.

- Xin chúc ngài được như vậy.

- Được lắm. Thôi, thôi! Này, đừng có viết nhiều cho tôi nữa, vô ích, ông Rochefort ạ, các thư từ cùa ông sẽ là những bức thư thất lạc.

"Mình thật là cốc mò cho cò xơi", - Rochefort vừa lui ra vừa lẩm bẩm, và nếu D’Artagnan không hài lòng với ta khi lát nữa ta kể cho hắn nghe những điều ta tán dương hắn, thì hắn khó tính đấy. Nhưng người ta dẫn mình đi chỗ quái quỷ nào thế này?

Quả thật, người ta dẫn Rochefort theo lối cầu thang nhỏ, chứ không đưa đi qua tiền sảnh nơi D’Artagnan đang chờ. Ra đến sân, ông thấy cỗ xe với bốn ngựa hộ tống còn người bạn thì tìm uổng công.

- A, a! - Rochefort tự nhủ thầm! – Kìa, mọi sự thay đổi ghê gớm!

Và nếu như trong các đường phố lúc nào cũng có đông đảo đám bình dân như vậy thì, nào! Chúng ta hay cố gắng chứng minh cho Mazarin rằng chúng ta vẫn còn thích hợp cho một công việc khác, ơn Chúa, hơn là canh giữ một người tù!

Và ông nhảy lên cỗ xe cũng nhẹ nhàng như thể ông mới có hai mươi lăm tuổi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay