Hai mươi năm sau - Chương 12

Chương 12

Ông Porthos Du Vallon de Bracieux de Pierrefonds

Theo những thông tin lấy ở nơi Aramis, D’Artagnan vốn đã biết rằng Porthos theo tên dòng họ gọi là Vallon, nay - từ tên đất đai nên phải được gọi là De Bracieux và do cái đất đai De Bracieux ấy đang kiện tụng với linh mục Noyon.

Như vậy là D’Artagnan phải đi tìm kiếm đất đai ấy ở quanh vùng Noyon, tức là trên biên giới xứ Ils de France và xứ Picardie.

Hành trình của anh được quyết định nhanh chóng anh sẽ đi đến tận Dammartin nơi tách ra hai con đường, một đi Soissons, một đi Compiègne. Ở đó anh sẽ thăm hỏi về vùng đất đai Bracieux và tùy theo câu trả lời mà anh sẽ đi thẳng hoặc rẽ về bên trái.

Planchet còn chưa thật yên tâm về sự trốn tránh của mình, tuyên bố rằng anh sẽ đi theo D’Artagnan đến cùng trời cuối đất, dù có đi thẳng hay rẽ sang trái.

Tuy nhiên anh van lơn ông chủ cũ là nên đi vào buổi chiều tối vì đêm tối có nhiều bảo đảm hơn. D’Artagnan bèn bảo anh nên bảo cho vợ anh biết để ít ra cũng giúp chị yên tâm về số phận của chồng mình. Nhưng Planchet tỏ ra rất sáng suốt trả lời rằng anh chắc chắn là vợ anh sẽ không chết vì lo ngại không biết anh đi đâu còn anh vì biết cái miệng của chị mắc bệnh bép xép, nên anh sẽ chết vì lo ngại nếu như chị biết điều đó.

D’Artagnan thấy những lý lẽ ấy là chí lí đến nỗi anh không nài ép thêm, và vào khoảng tám giờ tối, khi sương mù bắt đầu dày đặc trong đường phố, anh khởi hành từ quán "Con dê cái nhỏ", theo sau là Planchet ra ngoài kinh đô qua cửa ô Saint-Denis.

Nửa đêm, hai lữ khách đến Dammartin.

Không thể hỏi thăm vì muộn quá rồi. Chủ quán Thiên Nga Chữ Thập đã đi nằm.

Sáng hôm sau anh gọi chủ quán đến. Đó là một trong số những người Normands quỷ quyệt chẳng nói có cũng chẳng nói không và lúc nào cũng tưởng mình bị hớ khi trả lời thẳng vào câu người ta hỏi.

Tuy nhiên, cho rằng mình đã hiểu là phải đi theo con đường thẳng, D’Artagnan lại lên đường theo lời chi dẫn mập mờ ấy. Chín giờ sáng anh đến Nanteuil và dừng ở đó để ăn sáng.

Lần này chủ quán là một người Picard thật thà tốt bụng, lại nhận ra Planchet là người đồng hương, nên anh cần hỏi gì là bác ta chỉ dẫn rất dễ dàng. Lãnh địa Bracieux ở cách Villers-Cotterêts, anh đã hai ba lần đi theo triều đình đến đó, vì hồi ấy đây là một nơi nhà vua ngự. Anh liền đi tới thị trấn ấy và vào cái quán anh thường nghỉ tức là quán Cá Heo Vàng.

Những tin tức thu lượm được ở đây là đáng hài lòng nhất. Anh được biết ấp Bracieux ở cách thị trấn bốn dặm, nhưng không phải tìm Porthos ở đấy. Đúng là Porthos có những chuyện kiện cáo với ông linh mục ở Noyan về khoảnh đất Pierrefonds giáp giới đất của anh, và bực bội rầy rà về cái mớ tố tụng tư pháp mà anh chẳng am hiểu tí gì, để chấm dứt, anh đã mua phăng đất Pierrefonds, thành thử anh đã điền thêm cái tên mới ấy vào những tên cũ của mình. Bây giờ tên anh gọi là Du Vallon de Bracieux de Pierrefonds và anh ở tại điền sản mới của mình. Không có danh tiếng nào khác, rõ ràng anh đang nhằm danh tiếng của hầu tước De Carabas.

Còn phải đợi đến hôm sau, vì ngựa đã mệt sau một cuốc mười dặm trong ngày. Kể ra cũng có thể lấy ngựa khác, nhưng phải xuyên qua cả một cánh rừng lớn, mà Planchet, ta còn nhớ, chẳng thích thú gì những cánh rừng đêm tối.

Còn một điều nữa Planchet không thích là lên đường khi bụng đói: cho nên khi tỉnh dậy D’Artagnan đã thấy bữa ăn sáng dọn sẵn sàng. Không có cách gì để phàn nàn về một sự chu đáo như vậy, cho nên D’Artagnan ngồi vào bàn chén. Chẳng cần phải nói cũng biết Planchet khi đã nhận lại chức trách cũ thì cũng nhận lại tính khiêm nhường cũ và ăn thừa các thức ăn của D’Artagnan cũng chẳng xấu hổ gì hơn bà De Motteville và bà De Fargis khi dùng các thức ăn thừa của Anne D’Autriche.

Như vậy là không thể khởi hành vào khoảng tám giờ. Không còn sợ nhầm lẫn, phải theo đường từ V Villers-Cotterêts đi Compiègne và khi ra khỏi rừng thì rẽ bên phải. Buổi sáng mùa xuân đẹp trời, chim hót trên những cây đại cổ thụ, những chùm nắng xuyên qua các khoảnh rừng giống như những tấm màn kim tuyến lóng lánh.

Ở những quãng khác, ánh sáng khó khăn lắm mới lọt qua vòm lá rậm rạp, và mấy chú sóc khi trông thấy người liền thoăn thoắt chuyền dưới những gốc cây sến già vẫn chìm trong bóng tối. Thiên nhiên vào buổi sớm ấy đã toát ra hương thơm ngạt ngào của có cây hoa lá làm khoan khoái lòng người. Chán ngán cái mùi vị uế tạp của Paris, D’Artagnan tự nhủ rằng, khi mang ba cái tên đất đai xuyên tiếp vào nhau như que chả, chắc hắn người ta phải sướng điên trong một thiên đường như thế, rồi anh lắc đầu nói: "Ví phỏng ta là Porthos và D’Artagnan đến nói với ta lời đề nghị mà ta sắp nêu ra với Porthos thì ta chưa biết ta trả lời D’Artagnan như thế nào."

Còn Planchet chẳng hề suy nghĩ gì hết, anh đang để cái dạ dày tiêu hóa.

Ra đến ven rừng, D’Artagnan trông thấy con đường mà người ta đã chỉ dẫn cho và những ngọn tháp của một tòa lâu đài lãnh địa đồ sộ nằm tại cuổi đường.

- A, a! - Anh lẩm bẩm. - Hình như tòa lâu đài này thuộc về dòng họ Orléans xưa; liệu Porthos có điều đình với quận công De Longueville không?

- Ông ơi, - Planchet nói, - thực tình đây là những đất đai rất tốt; và nếu nó thuộc về ông Porthos thì tôi sẽ chúc mừng ông ấy mới được.

- Gớm nhỉ? - D’Artagnan bảo, - cậu chớ có gọi Porthos, gọi Du Vallon cũng không được, phải gọi ông ấy là de Bracieux hoặc de Pierrefonds. Nếu không cậu sẽ làm hỏng chuyện đi sứ của tôi đấy.

Tòa lâu đài thoạt tiên thu hút cặp mắt anh, nhưng đến gần, anh mới hiểu ra là bạn anh không thể ở đấy được, cái tháp mặc dầu vững chắc và trông như mới xây, hở toang hoác như bị mổ bụng. Trông như một người khổng lồ nào đó đã băm chém chúng bằng những nhát rìu. Tới cuối con đường, D’Artagnan thấy mình bao quát một thung lũng kỳ diệu và trông thấy ở dưới đáy thung lũng một mảng hồ xinh đẹp ngủ dưới chân mấy ngôi nhà tản mác đó đây, bình dị, lợp ngói hoặc rơm, chúng như công nhận một lãnh chủ cao nhất một tòa lâu đài tráng lệ xây dựng vào khoảng đầu triều vua Henri IV, trên nóc có những chong chóng nhà bạo chúa.

Lần này, D’Artagnan không nghi ngờ gì đấy là nơi ở của Porthos. Con đường dẫn thẳng đến tòa lâu đài tráng lệ ấy, nó so với ông tổ nó là tòa lâu đài trên núi kia cũng tựa như một chàng công tử bột thuộc đảng phái quận công D’Enghien so với một trang hiệp sĩ mình bọc đầy giáp sắt thời vua Charles VIl. D’Artagnan cho ngựa đi nước kiệu và men theo con đường, Planchet điều chỉnh bước đi của ngựa mình theo ngựa ông chủ.

Mười phút sau, đã đến đầu lối đi trồng đều đặn những cây phong đẹp dẫn đến một cổng sắt có những đầu nhọn và thanh ngang đều mạ vàng. Ở giữa con đường có một người kiểu như lãnh chúa vận y phục xanh và vàng như cổng rào, cưỡi trên lưng một con ngựa trận to lrớng. Bên phải và bên trái ông ta là hai tên hầu quần áo thêu những vạch ngang dọc khắp mọi chiều; vô số những nông dân cục mịch xúm xít lại chào ông ta hết sức cung kính.

- A! - D’Artagnan tự bảo. - Phải chăng đấy là ông Du Vallon de Bracieux de Pierrefonds? Ôi, lạy Chúa! Ông ta đã khép mình nhỏ lại từ khi không còn gọi là Porthos nữa.

- Không thể là ông ấy được, - Planchet đáp lại câu mà D’Artagnan tự nói với mình. - Ông Porthos cao gần sáu bộ, còn ông này chưa đến năm bộ.

Nói xong, D’Artagnan thúc ngựa đến chỗ con ngựa chiến con người danh giá và các tên hầu. Lần lần đi tới gần, anh như nhận ra những nét quen quen của nhân vật ấy.

- Jésus lạy Chúa tôi? - Về phía mình Planchet cũng ngỡ nhận ra người ấy, liền kêu lên - Chẳng lẽ lại có thể là hắn ta?

Nghe tiếng kêu ấy, người cưỡi ngựa chậm rãi quay lại và với một vẻ cao sang, hai lữ khách liền trông thấy đôi mắt ốc nhồi lóe sáng lên hết cỡ, bộ mặt đỏ lửng và nụ cười đến là hùng hồn của Mousqueton.

Quả thật đó là Mousqueton, Mousqueton béo núc ních những mỡ, sụn xuống vì sức khỏe dồi dào, húp híp vì an lạc. Trái với bác Bazin đạo đức giả, khi nhận ra D’Artagnan, Mousqueton tuột từ lưng ngựa xuống đất và ngả thấp mũ tiến đến gần viên sĩ quan, thành thử những sự cung kính của cử tọa quay hẳn một phần tư vòng sang ông mặt trời mới đang che lấp mặt trời cũ.

- Ông D’Artagnan, ông D’Artagnan! - Mousqueton tràn trề hoan hỉ gọi mãi lên trong đôi má phì nộn của mình. - Ông D’Artagnan. Ôi! Vui mừng biết bao cho Đức ông và ông chủ Du Vallon de Bracieux de Pierrefondss của tôi?

- Cái cậu Mousqueton tốt bụng này? Chủ cậu có ở đây chứ.

- Ông đang ở trên lãnh địa của ông ấy.

- Nhưng kìa, cậu thật là bảnh bao, cậu thật là béo tốt, cậu thật là tươi tắn! - D’Artagnan tiếp tục tỉa tót không biết mỏi những đổi thay mà hạnh vận đã mang lại cho cái thằng cha chết đói năm xưa.

- À vâng, ơn Chúa! - Mousqueton nói. - Thưa ông, sức khỏe của tôi cũng kha khá.

- Thế cậu không nói gì với bạn Planchet của cậu đấy ư?

- Với bạn Planchet của tôi! Họa chăng là cậu ấy à? - Mousqueton kêu lên, hai tay dang ra và lệ tràn đôi mắt.

- Chính tôi đây, - Planchet vẫn thận trọng nói, - nhưng tôi muốn xem cậu có giở trò kiêu hãnh hay không?

- Giở trò kiêu hãnh với một người bạn cố tri! - Không bao giờ! Planchet ạ. Cậu không nghĩ như vậy hoặc là cậu không hiểu Mousqueton.

- Tốt lắm! - Planchet vừa nói vừa xuống ngựa và đến lượt mình giơ tay về phía Mousqueton.

- Cậu chẳng giống như cái thằng chó chết Bazin ấy, hắn đã bỏ mặc tôi hai tiếng đồng hồ trong cái nhà kho chẳng thèm làm bộ nhận ra tôi nữa.

Rồi Planchet và Mousqueton ôm chầm lấy nhau chứa chan tình cảm khiến mọi người đứng đấy đều hết sức xúc động và tưởng rằng Planchet là một lãnh chúa nào đó cải trang và họ càng đánh giá đến mức cao nhất địa vị của Mousqueton.

Khi gỡ mình ra khỏi cái ôm riết của Planchet, anh chàng Mousqueton đã cố gắng vô ích để tiếp giáp hai bàn tay của mình sau lưng bạn, Mousqueton nói:

- Và thưa ông D’Artagnan, bây giờ xin ông cho phép tôi vào, vì tôi không muốn ông chủ tôi hay tin ông đến do người khác báo chứ không phải là tôi, ông chủ sẽ không tha thứ cho tôi về tội lỗi đã để cho người khác vượt lên trước.

- Ông bạn thân mến ấy, - D’Artagnan nói, anh muốn tránh gọi Porthos bằng cả tên cũ lẫn tên mới, - thì ông bạn thân mến ấy vẫn không quên tôi.

- Quên! Ông tôi mà quên? - Mousqueton kêu lên. - Nghĩa là, thưa ông, không có ngày nào chúng tôi không ngong ngóng chờ tin ông được phong làm thống chế, hoặc thay ông De Gatxiông, hoặc thay ông De Batxompie.

D’Artagnan để lớn vởn trên môi mình một trong những nụ cười sầu thảm đã từng sống sót ở nơi sâu thăm nhất trong lòng mình qua nỗi thất vọng của những năm tuổi xanh.

- Còn các ông, những tiện dân kia, - Mousqueton nói, - hãy ở bên bá tước D’Artagnan và ráng sức cung kính ngài, chờ tôi vào trình với Đức ông về việc ngài đến.

Trong khi Planchet còn lanh lẹn hơn, nhảy lên ngựa một mình thì Mousqueton phải chờ hai người từ tâm giúp để leo lên mình một con ngựa chiến lực lưỡng, và cho ngựa chạy chậm chậm rãi, điều đó chứng tỏ anh chiếu cố cái lưng hơn là những cái căng của con vật bốn chân này.

- Ái chà? Thế là điềm tốt đây! - D’Artagnan nói.

- Ở đây chẳng có gì bí mật, chẳng có gì giấu giếm che đậy, chẳng có chính trị, người ta cười sằng sặc, người ta khóc vì vui mừng tôi chỉ trông thấy những gương mặt rộng một aune(1) thật thế, tôi thấy dường như ngay cả thiên nhiên cũng mở hội, cây cối đáng lẽ phủ lá và hoa thì lại ngợp đầy những dải băng nhỏ xanh xanh hồng hồng.

(1) aune: Thước ngày xưa bằng 1.183 mét.

- Còn tôi, - Planchet nói, - dường như đã ngửi thấy mùi thơm ngon nhất của thịt quay, trông thấy những nồi niêu xếp thành những hàng rào danh dự để đón chúng ta đi qua. Ôi! Thưa ông, không biết ông De Pierrefonds phải thuê đầu bếp nào khi mà xưa kia mới chỉ có tên là Porthos ông ấy đã thích ăn và ăn thật ngon.

- Đừng nói nữa? - D’Artagnan bảo. - Cậu làm tôi sợ đấy. Nếu sự thật giống bề ngoài, thì ta toi công rồi. Một con người sung sướng đến thế sẽ chẳng bao giờ ra khỏi hạnh phúc của mình và ta sẽ thất bại với hắn như đã thất bại với Aramis.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3