Hai mươi năm sau - Chương 52
Chương 52
Cuộc hội kiến
Sáng hôm ấy, D’Artagnan nằm trong phòng Porthos. Đó là một thói quen của đôi bạn từ khi có những cuộc rối loạn. Dưới chân giường họ để gươm kiếm và trên bàn trong tầm tay để súng ngắn.
D’Artagnan vẫn còn ngủ và mơ thấy trời phủ một đám mây, từ đám mây ấy rơi xuống một trận mưa vàng và anh giơ mũ ra hứng dưới một ống máng, Porthos thì mơ thấy cái tấm bảng ở cỗ xe của mình không đủ rộng để chứa hết những gia huy mà anh cho tô vẽ vào đấy.
Các anh thức giấc vào lúc bảy giờ do một thằng hầu không vận áo dấu mang một bức thư đến cho D’Artagnan.
- Thư của ai đấy? - Chàng Gascon hỏi.
- Của hoàng hậu, - Tên hầu đáp.
- Sao! - Porthos ngồi dậy ở trên giường nói - Nó bảo gì vậy?
D’Artagnan bảo thằng hầu sang buồng bên cạnh và khi nó khép cửa lại, anh nhảy ra khỏi giường và lướt đọc rất nhanh, trong khi Porthos cứ giương mắt ếch ra mà nhìn, mà không dám hỏi câu nào.
- Này bạn Porthos, - D’Artagnan đưa thư ra và nói, - lần này thì đây là danh hiệu Nam tước của cậu và tờ phong đại úy của tôi. Cầm lấy đọc đi và xét đoán.
Porthos giơ tay đón bức thư và run run đọc dòng chữ:
"Hoàng hậu muốn nói chuyện với ông D’Artagnan. Ông hãy đi theo người đưa thư!"
- Ơ này! - Porthos nói, - Mình thấy đây chỉ là chuyện bình thường.
- Mình thì lại thấy nhiều chuyện đặc biệt, - D’Artagnan nói. - Nếu người ta gọi đến tôi, tức là công việc rối rắm lắm. Cậu thử nghĩ xem trong đầu óc hoàng hậu phải xáo động thế nào thì kỉ ức về tôi sau hai chục năm trời nó mới nổi lên trên mặt nước chứ?
- Đúng đấy, - Porthos nói.
- Nam tước, hãy mài sắc gươm, nạp đạn vào súng, đem lúa mạch cho ngựa ăn, tôi xin cam đoan rằng trước ngày mai sẽ có chuyện mới lạ và motus(1)!
(1) Tiếng la tinh: im lặng, giữ kín.
- Ái chà? Thế không phải là một cái bẫy người ta giăng ra để gạt bỏ chúng ta hay sao? - Porthos nói, anh vẫn băn khoăn rằng vinh quang sau này của anh ắt gây ra sự khó chịu cho kẻ khác.
- Nếu là một cái bẫy thì tôi sẽ ngửi thấy ngay, hãy yên trí, - D’Artagnan nói. - Nếu Mazarin là người Ý thì tôi cũng là Gascon cơ mà.
Và D’Artagnan loáng một cái đã mặc xong quần áo.
Porthos vẫn nằm và đang cài áo choàng cho bạn thì có tiếng gõ cửa lần nữa.
- Cứ vào! - D’Artagnan bảo.
Một tên hầu thứ hai vào.
- Giáo chủ Mazarin sai tôi mang thư đến, - hắn nói.
D’Artagnan nhìn Porthos.
- Phiền phức rồi đấy, - Porthos nói, - Bắt đầu từ đâu bây giờ?
- Tuyệt diệu thật, - D’Artagnan nói, - Đức ông hẹn gặp tôi sau nửa giờ.
- Anh bạn này, - D’Artagnan quay sang nói với tên hầu, - hãy trình Đức ông rằng nửa giờ nữa tôi sẽ có mặt.
Tên hầu chào và đi ra.
- Cũng may là nó không trông thấy tên hầu kia, - D’Artagnan nói.
- Cậu cho rằng cả hai người cho đi tìm cậu vì cùng một việc ư? - Porthos hỏi.
- Tôi chắc chắn là không phải như vậy.
- Thôi, thôi, nhanh nhẹn lên, D’Artagnan. Nhớ rằng hoàng hậu đang đợi cậu; sau hoàng hậu là giáo chủ, và sau giáo chủ là tôi.
Tên hầu dẫn anh đi qua phố Petits-Champs, và rẽ sang trái đưa anh vào một cái cổng nhỏ trông ra phố Richelieu. Rồi họ đi lên một cái cầu thang kín và D’Artagnan được đưa vào trong phòng nguyện.
Một niềm xúc động bất giác khiến trống ngực viên trung úy đập rộn rã. Anh không còn lòng tin cậy của tuổi trẻ nữa, và kinh nghiệm đã dạy cho anh tất cả tầm nghiêm trọng của những biến cố đã qua.
Anh đã biết thế nào là sự quý phái của các ông hoàng và vẻ uy nghiêm của các vua chúa. Anh đã quen xếp sự tầm thường của mình sau những kẻ giàu sang và danh gia thế phiệt. Xưa kia anh tiếp cận Anne D’Autriche với tư cách một chàng trai trẻ chào đón một người đàn bà. Giờ đây thì khác hẳn: anh đến với bà ta như một người lính tầm thường đến với một vị thủ lĩnh lẫy lừng.
Một tiếng nhè nhẹ khuấy động sự yên tĩnh của phòng nguyện.
D’Artagnan rùng mình và trông thấy một bàn tay trắng muốt vén tấm thảm lên. Nhìn hình dạng thanh tú, màu trắng nuột nà và vẻ đẹp mỹ miều, anh nhận ra bàn tay vương giả kia mà có lần người ta đưa anh hôn.
Hoàng hậu đi vào.
- Ông đấy à, ông D’Artagnan, - Bà nói và nhìn viên sĩ quan bằng cặp mắt chứa chan nỗi u hoài thương mến. - Đúng là ông, và tôi nhận ra ngay. Ông hãy nhìn lại tôi đi, tôi là hoàng hậu, ông có nhận ra tôi không?
- Không ạ, Thưa Lệnh bà, - D’Artagnan đáp.
Bằng cái giọng ngọt ngào mà bà biết lồng vào tiếng nói của mình khi bà muốn, Anne D’Autriche nói tiếp:
- Thế ra ông không còn biết rằng hồi xưa hoàng hậu đã cần đến một dũng sĩ trẻ dũng cảm và tận tụy và bà đã tìm được người kỵ sĩ ấy và mặc dầu ông ta có thể tưởng rằng bà đã quên ông ta, bà vẫn dành một chỗ cho ông ta trong đáy lòng mình.
- Không, Thưa Lệnh bà, tôi không biết chuyện ấy, - Người lính ngự lâm đáp.
- Không sao cả ông ạ, - Anne D’Autriche nói, - Không sao, ít ra là đối với hoàng hậu, vì rằng bà hoàng hậu ấy hôm nay cần đến vẫn lòng dũng cảm ấy, vẫn lòng tận tụy ấy.
- Sao thế nhỉ? - D’Artagnan nói, - Xung quanh hoàng hậu đầy những bộ hạ thật tận tụy, những cố vấn thật khôn ngoan, những con người thật vĩ đại do công tích hoặc địa vị của họ, vậy mà hoàng hậu lại hạ cố để mắt đến một người lính vô danh ư?
Anne hiểu rõ lòng trách móc được che đậy ấy, bà cảm động hơn là tức giận. Biết bao đức hi sinh và vô tư của người quý tộc Gascon đã bao phen khiến bà hổ thẹn, bà sẵn sàng chịu thua vì tinh thần cao thượng.
- Ông D’Artagnan này, - Hoàng hậu nói:
- Tất cả những điều ông nói về những người bao quanh tôi có lẽ đúng đấy; nhưng tôi chỉ tin cậy có một mình ông thôi. Tôi biết ông là của giáo chủ, nhưng hãy là của tôi nữa, tôi sẽ đảm nhận vận hạnh của ông. Nào, giờ đây liệu ông có làm cho tôi cái mà hồi xưa người quý tộc kia mà ông không biết ấy đã làm cho hoàng hậu không?
- Tôi sẽ làm mọi điều mà Hoàng thượng ra lệnh, - D’Artagnan nói.
Hoàng hậu ngẫm nghĩ một lát, và nhìn thấy thái độ dè đặt của người lính ngự lâm, bà nói:
- Có lẽ ông thích sự nghỉ ngơi phải không?
- Tôi không biết nữa, thưa Lệnh bà, vì tôi có được nghỉ ngơi bao giờ đâu.
- Ông có bạn bè không?
- Tôi có ba người bạn: hai người đã rời Paris không biết đi đâu. Còn mỗi một người còn lại, nhưng tôi chắc rằng đó là một trong số những kẻ biết người kỵ sĩ mà Hoàng thượng đã nói với tôi.
- Tốt lắm. - Hoàng hậu nói:
- Ông và bạn của ông giá trị bằng một đội quân.
- Thưa Lệnh bà, tôi phải làm gì?
- Năm giờ ông trở lại đây và tôi sẽ nói ông biết; nhưng này chớ có nói với bất kỳ ai về cuộc gặp gỡ mà tôi hẹn với ông!
- Không đâu, thưa Lệnh bà!
- Thề trước Chúa Jesus đi.
- Thưa Lệnh bà, tôi không bao giờ sai lời hứa. Tôi đã nói không là không.
Mặc dầu ngạc nhiên về thứ ngôn ngữ ấy mà bà không quen nghe từ miệng các cận thần của mình, hoàng hậu coi đó một điểm tốt cho nhiệt tình mà. D’Artagnan đem ra phục vụ bà trong việc hoàn thành kế hoạch của bà. Đó là một trong những thủ đoạn của chàng Gascogne đôi khi nhằm che đậy sự tinh tế sâu xa của mình dưới cái bề ngoài có vẻ là một sự cục cằn trung thực.
- Lúc này hoàng hậu không có điều gì khác phán bảo tôi chứ? - anh nói.
- Không, ông ạ. - Anne D’Autriche đáp, - Ông có thể lui cho đến lúc mà tôi đã hẹn.
D’Artagnan chào và đi ra. Vừa ra khỏi cửa, anh nói:
- Quái nhỉ! Hình như ở đây người ta rất cần đến mình.
Rồi vì nửa giờ đã trôi qua anh đi theo dãy hành lang và đến gõ cửa văn phòng tể tướng.
Bernouin đưa anh vào.
- Thưa Đức ông, tôi đến theo lệnh ngài, - Anh nói.
Và theo thói quen anh đưa mắt lướt nhanh chung quanh mình và nhận thấy trước mặt Mazarin có một bức thư niêm phong. Song nó lại được đặt mặt có chữ xuống bàn thành thử không thể nào xem được gửi cho ai.
Mazarin chằm chằm nhìn D’Artagnan và nói:
- Ông vừa ở chỗ hoàng hậu ra, phải, không?
- Tôi ấy à, thưa Đức ông! - Ai bảo ngài như vậy?
- Chẳng ai bảo, nhưng tôi biết.
- Tôi rất lấy làm thất vọng thưa với Đức ông rằng ngài lầm, - Chàng Gascon trả lời một cách nghênh ngang, ỷ vào điều mình vừa mới hứa với Anne D’Autriche. - Tự tôi mở cửa tiền sảnh và trông thấy ông ở đầu hành lang ấy là vì tôi được đưa vào lối cầu thang kín.
- Sao thế?
- Tôi không biết; có lẽ có sự hiểu lầm.
Mazarin biết rằng không phải dễ dàng bắt D’Artagnan nói ra điều anh muốn giấu; cho nên lúc này ông thôi không muốn khám phá điều chàng Gascon giữ bí mật với ông.
- Thôi, ta hãy bàn việc của tôi vậy, bởi vì ông không muốn nói với tôi về việc của ông.
D’Artagnan nghiêng mình.
- Ông có thích những chuyện viễn du không? - Giáo chủ hỏi.
- Cuộc đời của tôi đã trải qua trên những nẻo dường lớn.
- Có điều gì giữ ông ở lại Paris không?
- Chẳng có điều gì giữ tôi lại Paris ngoài một mệnh lệnh của bề trên.
- Tốt. Đây là một bức thư cần phải đưa tới địa chỉ của nó.
- Tới địa chỉ của nó, thưa Đức ông? Nhưng làm gì có địa chỉ.
- Quả thật mặt trước của phong bì chẳng đề chữ gì cả.
- Nghĩa là, - Mazarin nói, - Có hai lớp phong bì.
- Tôi hiểu rồi, tức là đến một nơi đã định nào đó, tôi mới được xé phong bì ngoài.
- Đúng thế? Hãy cầm lấy và mang đi. Ông có người bạn, ông Du Vallon mà tôi rất mến, ông hãy để ông ta đi cùng.
"Thôi rồi! - D’Artagnan tự nhủ, - lão ta biết rằng bọn mình đã nghe được câu chuyện hôm qua, nên muốn đẩy bọn mình đi khỏi Paris."
- Ông lưỡng lự à? - Mazarin hỏi.
- Không, thưa Đức ông, tôi đi ngay lập tức. Song lẽ tôi mong muốn một điều.
- Điều gì? Nói đi.
- Xin Đức ông qua chỗ hoàng hậu.
- Khi nào?
- Ngay bây giờ.
- Để làm gì cơ?
- Để nói với Lệnh bà một câu này thôi: "Tôi phái ông D’Artagnan đi có việc, và tôi bảo ông ta đi ngay lập tức."
- Đấy nhé, - Mazarin nói, - rành rành là ông đã gặp hoàng hậu.
- Tôi đã thưa với Đức ông rằng có thể có một sự hiểu lầm.
- Thế là thế nào? - Mazarin hỏi.
- Tôi có dám nhắc lại với Đức ông lời thỉnh cầu của tôi không ạ?
- Được rồi, tôi đến đó bây giờ. Hãy đợi tôi ở đây.
Mazarin cẩn thận nhìn xem có cái chìa khóa nào bỏ quên ở các tủ không, và đi ra.
Mười phút trôi đi, trong khi ấy D’Artagnan cố sức đọc qua lớp phong bì ngoài xem viết gì ở phong bì trong, nhưng không thể được.
Mazarin trở lại, mặt tái đi và có vẻ bận tâm lắm. Ông ngồi vào bàn giấy. D’Artagnan chăm chú xem xét ông ta như vừa mới xem xét phong thư; nhưng lớp bì mặt của ông ta cũng không thể xuyên thấu được như lớp bì của bức thư.
"Ê, ê, - Chàng Gascon nhủ thầm, - lão ấy có vẻ tức giận. Với ta chăng? Lão ngẫm nghĩ, tống ta vào ngục Bastille chăng? Khoan khoan, Đức ông! Câu đầu tiên mà ngài nói ra điều ấy thì tôi bóp cổ ngài ngay và tôi đi làm Fronde. Người ta sẽ hoan nghênh ca tụng tôi như ông Broussel và Arthos sẽ phong tôi là Brutus của nước Pháp(2). Thế thì cũng kỳ đấy nhỉ?"
(2) Brutus (thế kỉ I trước Công nguyên): Chính khách La Mã cùng với Catxiuyx âm mưu chống lại Xêda và đã giết chết Xêda ngay trong cuộc họp Nghị viện. Về sau thua trận, Brutus tự sát.
Chàng Gascogne với trí tưởng tượng luôn luôn phi nước đại, đã nhìn thấy tất cả sự quyết định có thể rút ra từ tình huống ấy.
Nhưng Mazarin chẳng hề ban một mệnh lệnh nào thuộc loại đó và trái lại còn mơn trớn D’Artagnan. Ông nói:
- Ông D’Artagnan thân mến của tôi ơi, ông nói phải đấy, và ông chưa thể đi ngay được.
- A! - D’Artagnan kêu lên.
- Tôi xin ông hãy trả lại tôi bức thư kia.
D’Artagnan tuân theo. Mazarin yên tâm rằng dấu niêm phong vẫn nguyên vẹn. Ông nói:
- Chiều nay tôi sẽ cần đến ông, hai giờ nữa ông sẽ trở lại đây.
- Thưa Đức ông, - D’Artagnan đáp, - Hai giờ nữa tôi có một cuộc hẹn không thể vắng mặt được.
- Ông đừng ngại điều đó, - Mazarin nói, - Vẫn cùng một việc ấy mà.
- Được, D’Artagnan nghĩ, - Ta nghi ngờ.
- Vậy ông hãy đến đây vào năm giờ và đưa cả ông Du Vallon thân mến ấy đến nhé, tuy nhiên, cứ để ông ta ở tiền sảnh; tôi muốn nói chuyện riêng với ông.
D’Artagnan nghiêng mình. Vừa nghiêng mình anh ta vừa tự nhủ:
"Cả hai người cùng một mệnh lệnh, cả hai người cùng một giờ hẹn, cả hai người cùng ở Hoàng cung; ta đoán xem. A! Đây là một bí mật mà ông de Gondy có thể trả giá một trăm nghìn livres."
- Ông suy nghĩ à? - Mazarin lo ngại nói.
- Vâng, tôi tự hỏi xem có cần phải mang vũ khí hay không?
- Phải vũ trang đến tận răng, - Mazarin nói.
- Được rồi, thưa Đức ông, chúng tôi sẽ làm thế.
D’Artagnan chào, đi ra và chạy về nhà kể lại với bạn mình những lời hứa hẹn phỉnh phờ của Mazarin, nó mang đến cho Porthos một niềm hân hoan không thể tưởng tượng được.