Hai mươi năm sau - Chương 68

Chương 68

Đại sảnh trắng

Nghị viện kết án tử hình Charles Stuart, như người ta có thể dễ dàng thấy trước. Những cuộc xét xử chính trị bao giờ cũng chỉ là những nghi thức vô ích, bởi vì vẫn nhưng thiên kiến ấy vừa buộc tội lại vừa kết án. Cái lý luận kinh khủng của những cuộc cách mạng là như thế đấy.

Việc kết án ấy mặc dầu đã được mấy người bạn của chúng ta liệu trước, nó vẫn làm cho họ đau đớn. D’Artagnan có những tài trí hơn là những lúc gay go càng nảy ra nhiều mưu mẹo nhất, lại thề rằng sẽ tìm mọi cách ở trên đời để ngăn cản sự kết thúc của tấn bi kịch đẫm máu này. Nhưng bằng cách nào đây? Đó là điều anh thấy còn mơ hồ quá.

Tất cả phụ thuộc vào tính chất của hoàn cảnh. Trong khi chờ đợi một kế sách hoàn chỉnh, để tranh thủ thời gian, bằng mọi giá phải cản trở việc hành hình mà các quan tòa đã quyết định vào ngày hôm sau.

Cách duy nhất là làm sao làm biến mất tên đao phủ London.

Đao phủ biến mất thì bản án không thể thi hành. Chắc chắn là người ta sẽ đi kiếm đao phủ ở thành phố gần London nhất, và như thế ít ra cũng được thêm một ngày, mà một ngày trong trường hợp như thế này có thể là cứu nạn! D’Artagnan đảm nhiệm cái công việc quá ư là khó khăn này.

Một điều không kém phần quan trọng là báo cho Charles Stuart biết rằng người ta đã định cứu ông để ông hết sức hỗ trợ những người bảo vệ ông hoặc ít ra không làm điều gì trở ngại cho công việc của họ… Aramis nhận làm cái việc mạo hiểm đó.

Charles Stuart đã yêu cầu người ta cho phép giám mục Juxon đến thăm ông ở nhà tù Đại sảnh trắng. Ngay chiều hôm ấy Mordaunt đã đến nhà giám mục để cho ông biết điều mong muốn sùng tín của nhà vua và sự cho phép của Cromwell. Aramis nhất quyết bằng cách dọa nạt hoặc thuyết phục làm sao cho giám mục đồng ý để cho anh thay thế ông, mang những huy hiệu giáo chức của ông và lọt vào cung Đại sảnh trắng.

Cuối cùng Arthos đảm nhiệm việc chuẩn bị các kế hoạch rời khỏi nước Anh trong trường hợp thành công cũng như thất bại.

Đêm đến, họ hẹn gặp nhau ở khách sạn vào lúc mười một giờ, và mỗi người lên đường để thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm của mình.

Cung Đại sảnh trắng được canh gác bởi ba trung đoàn kỵ binh và nhất là bởi những nỗi băn khoăn vô tận của Cromwell, ông đi đi lại lại và phải đi các tướng lãnh hoặc nhân viên.

Một mình trong căn phòng thường lệ của mình có hai ngọn nến soi sáng, nhà vua bị kết án tử hình buồn bã nhìn cái xa hoa của thời vàng son đã qua, giống như vào lúc lâm chung người ta nhìn hình ảnh cuộc đời thấy nó sáng lạn và ngọt ngào hơn bao giờ hết.

Parry không rời chủ lúc nảo và từ khi chủ bị kết án, hắn khóc mãi không thôi.

Ngồi tì tay trên một cái bàn, Charles Stuart ngước nhìn một bức đại bài trên đó treo những bức chân dung của vợ và các con của ông.

Ông chờ đợi Juxon trước hết, rồi sau Juxon là sự tuẫn tử.

Đôi khi dòng suy nghĩ của ông dừng lại ở những người quý tộc Pháp trung hậu lúc này như đã cách xa ông hàng trăm dặm, có vẻ huyền thoại, hư ảo và tựa như những hình ảnh mà người ta thấy trong giấc mơ và biến mất khi tỉnh dậy.

Mà quả thật, đôi khi Charles tự hỏi mình rằng tất cả những gì vừa mới xảy ra với ông phải chăng là một giấc mơ hoặc ít ra cũng là một điều mê sảng trong cơn sốt.

Nghĩ vậy ông đứng lên, đi vài bước như để ra khỏi cơn mê, đi ra đến cửa sổ nhưng lập tức trông thấy ở phía dưới cửa lấp lánh những nòng súng của lính gác. Khi ấy ông buộc phải thú nhận rằng ông đang thức tỉnh hẳn hoi và giấc mơ đẫm máu của ông là có thật.

Charles lặng lẽ trở lại ghế bành, ngồi tì tay lên bàn, gục đầu vào bàn tay và nghĩ ngợi.

- Than ôi! - Ông tự nhủ thầm, - Nếu như ít ra ta có một đức cha để xưng tội trong số những tâm hồn sáng láng của Nhà thờ đã thăm dò mọi bí mật của cuộc đời, mọi điều nhỏ nhen của sự cao cả, thì, tiếng nói của người ấy có lẽ sẽ dập tắt tiếng nói đang than thở trong tâm hồn ta? Nhưng ta sẽ có một linh mục tâm hồn tầm thường mà do tai họa của ta, ta đã phá vỡ cuộc đời và cơ nghiệp của ông ấy. Ông ấy sẽ nói với ta về Thượng đế và cái chết như vẫn thường nói với những kẻ sắp chết khác, không hiểu rằng kẻ sắp lìa đời vương giả này để lại một ngai vàng cho kẻ tiếm đoạt trong khi con gái của mình chẳng còn bánh ăn.

Rồi đưa các bức chân dung lên môi, ông lần lượt lẩm nhẩm đọc tên của từng đứa con ông.

Đêm hôm ấy là một đêm mù sương và ảm đạm. Chuông nhà thờ gần đó thong thả điểm giờ. Ánh sáng vàng vọt của hai cây nến gieo rắc trong căn phòng rộng rãi và cao ráo ấy những bóng ma chập chờn kỳ lạ. Đó là những tổ tiên của vua Charles tách ra khỏi những khung ảnh thiếp vàng; và những bóng chập chờn kia là những vầng sáng cuối cùng xanh xanh và lấp lánh của một ngọn lửa than đang tắt.

Một nỗi buồn mênh mang xâm chiếm cả tâm hồn. Ông vùi đầu vào trong lòng bàn tay và mơ màng đến cái thế giới thật là tươi đẹp, khi người ta rời bỏ nó hoặc đúng hơn là nó rời bỏ ta, đến những cái vuốt ve thật êm ái và ngọt ngào của những đứa con nhất là khi người ta xa rời chúng để không bao giờ gặp lại nữa.

Rồi ông nghĩ đến người vợ cao quý và can đảm đã nâng đỡ ông đến phút cuối cùng. Ông rút từ ngực ra cây thánh giá kim cương và tấm huân chương Jarretière mà bà đã nhờ những người Pháp hào hiệp kia đưa tới, và hôn lên. Rồi nghĩ rằng bà chỉ thấy lại những kỉ vật ấy khi tấm thân lạnh giá và bị chặt của ông ta đã bị vùi trong một nấm mồ, ông cảm thấy một cơn rùng mình ớn lạnh chạy khắp người như những cơn ớn lạnh mà tử thần ném lên mình ta như ném chiếc áo choàng đầu tiên của nó.

Thế là trong căn phòng nhắc nhở với ông biết bao kỉ niệm đế vương và đã từng chứng kiến biết bao cận thần vào ra và biết bao điều phỉnh phờ nịnh hót, giờ đây một mình ông cùng với một tên đầy tớ buồn phiền mà linh hồn yếu đuối không thể nâng đỡ linh hồn ông nhà vua buông rơi lòng can đảm của mình xuống ngang tầm của sự yếu đuổi ấy, của những bóng đêm ấy, của cái giá lạnh mùa đông ấy.

Và liệu người ta có sẽ nói ra không? Cái ông vua ấy chết thật cao cả, thật tuyệt vời, với nụ cười nhẫn nhục trên môi, đã lau trong bóng tối một giọt nước mắt rơi xuống bàn và rung rinh trên tấm thảm thêu vàng lóng lánh.

Bỗng nhiên có tiếng chân bước ngoài hành lang, rồi cửa bật mở và gian phòng bừng lên trong ánh sáng khói um của những ngọn đuốc Một giáo sĩ vận y phục chủ giáo bước vào có hai tên lính gác theo sau. Charles khoát tay một cách khần thiết cho hai tên lính và chúng đi ra. Căn phòng trở lại tối tăm.

- Juxon! - Charles reo lên, - Juxon? Cảm ơn người bạn cuối cùng của tôi, ông đến rất kịp thời.

Vị giám mục đưa mắt lo ngại nhìn nghiêng sang phía người dân ông đang thổn thức ở góc lò sưới.

- Nào, Parry, đừng khóc nữa, - Vua nói, - đây là Chúa đến với chúng ta.

- Nếu là Parry thì tôi chẳng có gì phải lo ngại, - Giám mục nói. - Vậy thì tôi xin phép kính chào Hoàng thượng và thưa với ngài tôi là ai và đến đây vì việc gì.

Nhìn lại người và nghe giọng nói ấy, suýt nữa Charles kêu lên, nhưng Aramis đặt ngón tay lên môi và kính cẩn cúi chào ông vua Anh quốc.

- Ông hiệp sĩ, - Charles lẩm bẩm.

- Vâng, thưa Hoàng thượng, - Aramis ngắt lời và lên cao giọng, - vâng tôi là giám mục Juxon, người hiệp sĩ trung thành của Chúa Giêsu, đến đây theo nguyện vọng của Hoàng thượng.

Đã nhận ra D’Herblay, Charles chắp hai tay, kinh ngạc và ngẩn người ra trước những người ngoại quốc này, họ chẳng có động cơ nào khác ngoài nghĩa vụ mà tự lương tâm họ đặt ra, chiến đấu chống lại ý nguyện của một dân tộc và chống lại số mệnh của một ông vua.

- Ông đấy à! - Vua nói, - Ông làm thế nào mà tới được đây? Lạy Chúa, nếu họ nhận ra ông thì ông nguy to.

Parry đứng gần đấy, tất cả con người hắn biểu hiện một niềm khâm phục hồn nhiên và sâu sắc.

Vừa tiếp tục ra hiệu cho vua im lặng, Aramis vừa nói:

- Xin ngài đừng lo gì cho tôi, và chỉ nên lo cho ngài thôi. Các bạn bè của ngài chăm lo cho ngài, ngài thấy đấy; chúng tôi sẽ làm gì, tôi cũng chưa biết; nhưng bốn con người đầy lònh cương quyết đó có thể làm được rất nhiều việc. Trong khi chờ đợi, ngài chớ nhắm mắt ban đêm, chớ ngạc nhiên về chuyện gì cả và sẵn sàng với mọi việc có thể đến.

Charles lắc đầu nói:

- Bạn ơi, các ông có biết rằng chẳng còn mấy thời giờ nữa đâu, và nếu các ông muốn hành động thì phải gấp lắm ư? Các ông có biết rằng đến mười giờ sáng mai là tôi phải chết không?

- Thưa ngài, từ giờ đến lúc ấy, một điều gì đó sẽ xảy ra khiến việc hành quyết không thể thực hiện được.

Vua nhìn Aramis với vẻ ngạc nhiên.

Đúng lúc ấy ở phía dưới cửa sổ phòng vua vang lên một tiếng động lạ như tiếng bốc dỡ một xe chở gỗ.

- Ông có nghe thấy không? - Vua hỏi.

- Tiếng động kia kèm theo một tiếng kêu đau đớn.

- Tôi có nghe, - Aramis đáp, - Nhưng tôi không hiểu rõ tiếng động ấy là gì và nhất là tiếng kêu kia.

- Tôi không biết ai đã thốt ra tiếng kêu ấy, Vua nói: nhưng về tiếng động tôi sẽ nói để ông rõ. Ông có biết rằng tôi sẽ bị hành quyết ở ngay ngoài cửa sổ kia không? - Vua nói và giơ tay về phía bãi tối chỉ có toàn lính gác.

- Vâng, thưa ngài, tôi có biết, - Aramis đáp.

- Đấy! Những gỗ mang đến là những cột kèo người ta dùng để dựng đoạn đầu đài cho cho tôi đấy. Có người thợ nào đó bị thương khi bốc dỡ.

Aramis bất giác rùng mình.

- Các ông thấy đấy, - Charles nói, - Các ông có khăng khăng làm nữa cũng vô ích mà thôi. Tôi đã bị kết án, hãy đề tôi cam chịu số phận của mình.

Lấy lại sự bình tĩnh bị quấy động trong giây lát, Aramis nói:

- Thưa ngài họ có thể dựng một đoạn đầu đài nhưng họ sẽ không tìm được một đao phủ.

- Thế nghĩa là thế nào? - Vua hỏi.

- Nghĩa là vào lúc này, thưa ngài, tên đao phủ đã bị bắt cóc hoặc dụ dỗ đi. Ngày mai đoạn đầu đài sẽ sẵn sàng, nhưng không còn đao phủ, người ta sẽ phải hoãn việc hành quyết đến ngày kia.

- Thế thì sao? - Vua hỏi.

- Thì đêm mai chúng tôi sẽ bốc ngài đi, - Aramis đáp.

Một tia chớp vui mừng bất giác lóe lên gương mặt vua. Ông reo lên:

- Thế là thế nào?

Parry chắp hai bàn tay lẩm bẩm:

- Ôi, ông ơi! Cầu Chúa ban phước lành cho ông và các bạn ông.

- Thế là thế nào? - Vua nhắc lại, - Tôi cần phải biết để nếu cần tôi còn hỗ trợ các ông chứ.

- Thưa ngài, tôi thật không biết gì cả, - Aramis nói, - Nhưng cái người khôn khéo nhất, dũng cảm nhất, tận tâm nhất trong bốn chúng tôi đã bảo khi chia tay rằng: "Hiệp sĩ, hãy nói với vua rằng ngày mai vào lúc mười giờ tối, chúng tôi cướp vua đi". Bởi vì ông ấy đã nói, ông ấy sẽ làm.

- Hãy cho tôi biết tên của ông bạn hào hiệp ấy, - Vua nói, - để tôi giữ một niềm biết ơn ông ấy mãi mãi, dù ông ấy có thành công hay không.

- D’Artagnan, thưa ngài. Chính ông ấy đã suýt cứu được ngài thì đại tá Harrison vào thật là không đúng lúc.

- Quả thật các ông là những con người kỳ diệu! - Vua nói. - Người ta đã kể cho tôi nghe những chuyện tương tự về các ông mà tôi không tin.

- Giờ đây xin ngài hãy nghe tôi. - Aramis nói. - Không một lúc nào ngài quên rằng chúng tôi chăm lo việc cứu ngài; một cử chỉ nhỏ nhặt, một tiếng hát khe khẽ, một dấu hiệu thoảng qua của những người sẽ đến gần ngài, phải rình hết, nghe hết, thật bình tỉnh.

- Ôi, hiệp sĩ! - Nhà vua kêu lên, - Tôi biết nói gì với ông đây? Không một lời nào, dù từ đáy lòng tôi thốt ra, có thể biểu hiện hết niềm biết ơn của tôi. Nếu các ông thành công - Tôi sẽ không nói rằng các công cứu một ông vua, không, nhìn từ đoạn đầu đài như tôi đang nhìn đây thì, tôi xin thề rằng, vương vị chẳng có nghĩa lý gì cả; nhưng các ông giữ gìn được một người chồng cho vợ, một người cha cho các con của ông ta. Hiệp sĩ ơi, hãy cầm lấy tay tôi, đó là tay một người bạn sẽ yêu quý ông cho đến hơi thở cuối cùng.

Aramis muốn hôn tay vua, nhưng vua nắm lấy tay anh và áp vào tim mình.

Lúc ấy một người đi vào không buồn gõ cửa. Aramis toan rụt tay về, nhưng vua giữ lại.

Đó là một trong những tín đồ thanh giáo nửa thày tu nửa lính đầy rẫy quanh Cromwell.

- Ông cần gì? - Vua nói.

- Tôi muốn xem việc xưng tội của Charles Stuart đã xong chưa, - Người mới vào đáp.

- Điều ấy can hệ gì đến ông? - Vua nói, - Chúng ta không cùng một tôn giáo.

- Tất cả mọi người đều là anh em, - Người thanh giáo nói. - một người anh em của tôi sắp chết, tôi đến khích lệ anh ta đi đến cái chết.

- Thôi đủ rồi, - Parry nói - Đức vua không cần đến những điều khích lệ của ông.

- Thưa ngài, - Aramis nói nhỏ, - hãy nhẹ nhàng với hắn, chắc hẳn đó là một tên do thám.

- Thưa ông, - Vua nói, - sau vị tiến sĩ giám mục tôn kính, tôi sẽ vui lòng nghe ông.

Người có cái nhìn lấm lét rút lui và không quên quan sát Juxon với một vẻ chú ý không thoát khỏi con mắt nhà vua. Khi cửa đóng rồi, vua nói:

- Hiệp sĩ ạ, tôi chắc rằng ông nói đúng và cái người kia đến đây với ý đồ xấu. Khi ra khỏi đây ông hãy coi chừng kẻo vướng vào tai họa.

- Xin cảm ơn Hoàng thượng, - Aramis nói, - nhưng ngài hãy yên tâm. Dưới làn áo dài này tôi mặc một áo giáp sắt và giấu một con dao.

- Thôi, ông đi đi, và cầu Chúa che chở cho ông, như tôi vẫn thường nói khi còn làm vua.

Aramis đi ra. Charles tiễn anh ra ngưỡng cửa, Aramis vừa đi vừa ban phước khiến những tên lính gác cúi rạp mình, anh đường bệ đi qua các tiền sảnh đầy lính tráng, bước lên cỗ xe có hai tên hầu đi theo và trở lại tòa giám mục, hai tên hầu cáo biệt anh, Juxon đợi chờ lo lắng.

- Thế nào? - Ông vội hỏi thì thấy Aramis vào.

- Thưa ngài, mọi việc đều hoàn thành như tôi cầu mong. Dọ thám, lính gác, sai nha đều tưởng tôi là ngài, nhà vua thì ban phước cho ngài trong khi chờ đợi ngài ban phước cho vua.

- Cầu Chúa che chở cho con, vì rằng tấm gương của con đem lại cho ta hi vọng và can đảm.

Aramis mặc lại y phục và áo choàng của mình ra đi và báo trước cho Juxon rằng anh sẽ còn nhờ vả ông một lần nữa.

Đi ra phố mới độ mươi bước anh đã nhận thấy rằng mình bị một người khoác chiếc áo choàng lớn bám theo sau; anh rờ tay vào con dao găm và đứng lại. Người kia đi thẳng tới anh. Đó là Porthos.

- À, ra cái anh bạn thân mến này, - Aramis nói và chìa tay ra cho bạn.

- Bạn thân mến, cậu thấy đấy, - Porthos nói, - mỗi người chúng ta có nhiệm vụ của mình; nhiệm vụ của tôi là canh gác cho cậu và tôi đã làm. Cậu có gặp vua không?

- Có mọi việc tốt cả. Bây giờ các bạn chúng ta đâu?

- Chúng ta hẹn gặp nhau ở khách sạn vào lúc mười một giờ.

- Thế thì của còn bao lâu nữa đâu.

Quả thật, chuông nhà thờ Saint Paul điểm mười giờ.

Tuy nhiên do hai người bạn làm chu tất mọi việc nên đến nơi hẹn trước.

Sau đó, Arthos vào.

- Mọi việc tốt cả, anh nói trước khi các bạn kịp hỏi.

- Cậu đã làm gì? - Aramis hỏi.

- Tôi đã thuê một chiếc tàu buồm hẹp như cái thuyền thoi, nhẹ như cánh én, nó đợi chúng ta ở Greenwich, trước mặt đảo Những con Chó. Tàu có một chủ và bốn người làm, họ nhận năm mươi livres sterling và để tùy ý chúng ta sử dụng trong ba đêm liền. Sau khi đưa vua lên thuyền, lợi dụng nước triều chúng ta xuôi sông Tamise và hai giờ sau là ra đến biển khơi. Lúc ấy, như những tên cướp thực thụ chúng ta đi men bờ biển, trú ở các vách núi, hoặc nếu mặt biển tự do chúng ta sẽ dong buồm thẳng đến Boulogne-sur-Mer. Nếu tôi có chết thì hãy nhớ ông chủ tàu là thuyền trưởng Roger và tàu gọi là Tia chớp. Cứ thế là sẽ tìm ra. Một cái khăn tay buộc ở bốn góc là ám hiệu nhận ra nhau.

Một lát sau D’Artagnan về.

- Các cậu hãy dốc túi ra cho đủ một trăm livres sterling, vì rằng túi tôi…

Và anh lộn các túi rỗng không của mình ra.

Số tiền được góp xong ngay, D’Artagnan đi ra một lát rồi quay về. Anh nói:

- Vậy, mọi việc đã xong xuôi. Nhưng cũng chẳng phải là dễ dàng.

- Gã đao phủ đã rời London chưa? - Arthos hỏi.

- Ấy! Như thế chưa phải là chắc chắn đâu. Hắn có thể ra cửa này và lại vào cửa khác.

- Thế bây giờ hắn ở đâu?

- Ở trong hầm.

- Trong hầm nào?

- Trong hầm của ông chủ quán chúng ta! Mousqueton ngồi canh ở ngưỡng cửa, chìa khóa đây.

- Hoan hô! - Aramis nói. - Nhưng cậu làm thể nào mà định đoạt người ấy biến đi được?

- Giống như người ta định đoạt mọi thứ ở đời này. Bằng tiền bạc. Việc này tôi phải trả giá đắt lắm, nhưng hắn đã đồng ý.

- Thế cậu phải trả bao nhiêu? - Arthos hỏi, - Bởi vì cậu hiểu đấy, bây giờ chúng ta hoàn toàn không còn là những anh chàng ngự lâm quân nghèo xác không nhà không cửa, cho nên những việc chi tiêu của chúng ta là phải chung nhau.

- Tôi phải chi mười hai nghìn livres. - D’Artagnan đáp.

- Thế cậu đã kiếm đâu ra được? - Arthos hỏi. - Cậu có đủ số tiền đó ư?

- À cái nhẫn kim cương trứ danh của hoàng hậu ấy mà! - D’Artagnan thở dài đáp.

- A đúng thế? - Aramis nói, - Tôi đã nhận ra nó ở ngón tay cậu.

- Thế cậu đã chuộc lại nó ở ông des Essarts đấy à? - Porthos hỏi.

- Ồ, phải, lạy Chúa! - D’Artagnan nói. - Nhưng thiên mệnh đã ghi rằng tôi không thể giữ gìn nó. Biết làm thế nào? Người ta tin rằng kim cương nó cũng có thiện cảm và có ác cảm như con người; dường như cái nhẫn nó ghét tôi.

- Nhưng nó lại rất hợp với lão đao phủ. - Arthos nói.

- Khốn thay, đao phủ nào cũng có người phụ việc, người hầu, biết đâu đấy.

- Thì đao phủ này cũng có đầy tớ đấy, nhưng chúng ta ăn may thôi.

- Thế là thế nào?

- Vào cái lúc tôi tưởng mình sắp có một việc thứ hai phải thương lượng, thì người ta mang cái thằng đầy tớ ấy về với một bên đùi gẫy.

Do quá hăng hái hắn đã đi theo cỗ xe chở kèo cột đến tận cửa sổ nhà vua; một cái cột rơi và đè gẫy chân hắn.

- A! - Aramis nói, -Thế ra chính hắn đã thốt ra tiếng kêu mà tôi nghe thấy lúc đang ở phòng vua.

- Có thể lắm! - D’Artagnan nói, - Nhưng vì là một người có thiện tâm, khi ra về hắn đã hứa là sẽ cử đến nơi đến chốn bốn thợ giỏi và lành nghề để giúp sức những thợ đang làm. Và khi về đến nhà chủ, mặc dù đang bị thương như thế, hắn lập tức viết cho bác Tôm Lâu là một thợ mộc bạn hắn, dặn bác đến ngay cung Đại sảnh trắng để hoàn tất lời hứa của hắn. Bức thư ấy đây, hắn thuê một người mang đi ngay, mất mười xu và tôi đã phải mua lại mất một đồng louis.

- Thế cậu lấy bức thư ấy làm gì? - Arthos hỏi.

- Thế anh không đoán ra à. - D’Artagnan hỏi lại, cặp mắt lấp lánh thông minh.

- Xin thề là là tôi chịu đấy.

- Thế này nhé, Arthos thân mến! Anh nói tiếng Anh như đích thị Jôn Bun(1), anh là bác Tôm Lâu, còn ba chúng tôi là ba thợ bạn. Bây giờ anh hiểu ra chưa?

(1) Biểu tượng của người Anh.

Arthos reo lên đầy vẻ mừng vui và thán phục. Rồi anh chạy vào buồng lấy ra mấy bộ quần áo thợ thuyền; cả bốn người mặc vào và ra khỏi khách sạn, Arthos mang một cái cửa, Porthos một cái kìm, Aramis một cái rìu, D’Artagnan một cái búa và đinh.

Lá thư của gã đầy tớ tên đao phủ chứng thực với bác thợ cả rằng họ đúng là những người mà bác đang đợi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3