Trên Chuyến Bay Đêm - Chương 02 - Phần 3
Tuy nhiên, khi nghĩ đến chuyện này, cô lại thấy lo sợ. Cô trở về phòng để lấy lại can đảm và suy nghĩ phải nói những gì. Trước hết, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh. Đừng ủy mị khóc lóc, và giận dữ chỉ càng làm cho ông khinh bỉ thôi. Cô phải tỏ ra mình có lý có trách nhiệm và chín chắn. Cô đừng tranh cãi, vì tranh cãi chỉ làm cho ông tức bực, và do đó cô không thể tiến xa hơn được.
Phải bắt đầu như thế nào? “Con nghĩ con có quyền bàn đến việc có liên quan đến tương lai của con”.
Không được, nói thế không xong. Ông sẽ trả lời:
“Bố có trách nhiệm về tương lai của con, cho nên chính bố mới là người quyết định”.
Có lẽ cô phải nói:
“Con xin được bàn thảo với bố về việc đi Mỹ của chúng ta không?”.
Thế nào ông cũng trả lời:
“Không có bàn thảo gì hết”.
Cô phải bắt đầu sao cho thật hòa nhã để ông không thể đuổi khéo cô đi. Cô định hỏi:
“Con xin phép hỏi bố chuyện này được không” Nghe thế, thế nào ông cũng trả lời “được”, Rồi sau đó nói gì? Làm sao cô nêu vấn đề mà không khiến ông nổi trận lôi đình? Cô có thể nói:
“Trong cuộc chiến tranh vừa qua, bố ở trong quân đội phải không”“ Cô đã biết ông bị thương ở Pháp. Thế rồi cô nói tiếp:
“Còn mẹ?” Cô biết câu trả lời sẽ ra sao:
“Mẹ là nữ y tá tình nguyện đến Luân Đôn để chăm sóc các sĩ quan Mỹ bị thương”. Cuối cùng cô nói:
“Cả bố và mẹ đều phục vụ Tổ quốc, cho nên con nghĩ chắc bố mẹ đều thông cảm cho con, bằng lòng để cho con được làm công việc như thế”. Chắc là sẽ không có ai chống đối lại lời yêu cầu của cô.
Giá mà ông nhượng bộ ý kiến này, cô nghĩ cô sẽ vượt qua những khó khăn khác một cách dễ dàng. Cô sẽ đến ở nhờ nhà bà con cho đến khi cô đầu quân, việc này có lẽ chỉ trong vài ngày là xong. Cô đã mười chín tuổi rồi, rất nhiều cô gái bằng tuổi cô đã đi làm việc đủ giờ từ sáu năm rồi. Cô đã đủ lớn để lấy chồng, lái xe và đi ở tù. Không có lý do gì để người ta không cho phép cô ở lại Anh quốc hết.
Phải có phong thái chững chạc, cương quyết mới được. Tất cả những gì bây giờ cô cần phải có là sự can đảm. Chắc bố đang ở trong phòng làm việc với người hợp tác làm ăn. Margaret ra khỏi phòng. Đến bậc thềm đầu cầu thang, bỗng cô cảm thấy mình run sợ. Bố cô thường nổi nóng mỗi khi người nào chống lại ông. Những cơn thịnh nộ của ông rất khủng khiếp và hình phạt của ông rất độc ác. Năm cô mười một tuổi ông đã bắt cô quay mặt đứng vào tường trong phòng làm việc của ông suốt ngày vì tội cô đã tỏ ra cục cằn với người khách; năm cô bảy tuổi, ông đã tịch thu con gấu lông của cô vì tội cô làm ướt giường ngủ. Một hôm, trong cơn thịnh nộ, ông đã ném con mèo qua cửa sổ từ tầng hai xuống; bây giờ nếu cô nói cho ông biết cô muốn ở lại nước Anh để chiến đấu chống bọn Quốc xã Đức, thì liệu ông sẽ làm gì.
Margaret miễn cưỡng đi xuống thang lầu và trong khi cô đang lo sợ đứng đợi trước cửa phòng làm việc của bố, thì bà quản lý chợt đi qua hành lang trước cửa phòng, bà ta mặc chiếc áo dài bằng lụa đen. Bà Allen điều khiển những gia nhân nữ trong nhà rất nghiêm khắc nhưng đối với trẻ em, bà thường rất khoan dung.
Bà đã gắn bó với gia đình cô rất thắm thiết, cho nên khi thấy gia đình cô ra đi, bà rất hoang mang, vì bà phải chấm dứt lối sống bà đã sống bấy lâu nay. Bà nhìn Margaret, buồn bã cười với cô.
Thấy bà ta, bỗng trong óc Margaret nảy ra một ý mới khiến cho lòng cô thắt lại.
Một kế hoạch trốn thoát thành hình trong óc cô. Cô mượn tiền của bà Allen, bỏ nhà ra đi ngay bây giờ, đáp chuyến tàu 16 giờ 55 đi Luân Đôn, ngủ lại đêm tại nhà bà chị họ Catherule, rồi sáng sớm mai sẽ đăng ký gia nhập lực lượng phục vụ hậu cần. Lúc bố tìm ra cô, thì mọi việc đã muộn rồi.
Kế hoạch quá đơn giản và quá táo bạo đến nỗi cô khó tin sẽ thực hiện thành công. Nhưng, trước khi suy nghĩ thấu đáo, cô bỗng buột miệng hỏi bà quản gia:
– Bà Allen này, bà cho tôi mượn ít tiền được không? Tôi có một ít đồ đạc cần mua vào giờ chót nhưng tôi không muốn quấy rầy ba tôi, ông đang bận khách.
Bà Allen mau mắn hỏi ngay:
– Được chứ, thưa cô. Cô cần bao nhiêu?
Margaret không biết giá vé tàu đi Luân Đôn bao nhiêu, chưa bao giờ cô mua vé. Cô bèn trả lời đại:
– Ồ, tôi mượn một bảng là đủ rồi. - Cô nghĩ: có phải mình đang thực hiện Chương trình bỏ trốn đây không?
Bà Allen lấy trong ví ra hai tờ giấy bạc 10 si linh. Nếu Margaret hỏi bà ta về số tiền này, chắc có lẽ bà ta sẽ nói với cô rằng đây là số tiền bà đã chắt chiu dành dụm cả dời. Margaret đưa tay run run cầm lấy tiền. Cô tự nhủ:có thể đây là số tiền giúp ta tìm được tự do. Và mặc dù bàng hoàng lo sợ, nhưng cô cũng cảm thấy một niềm vui lâng lâng tràn ngập trong lòng.
Bà Allen lại cứ tưởng cô bồi hồi xúc động vì sắp đi di cư, bà nắm tay cô bóp mạnh và nói:
– Cô Margaret, hôm nay thật là một ngày buồn. Ngày buồn cho tất cả chúng ta. - Bà lắc đầu, mái tóc đã hoa râm, thái độ rầu rĩ, rồi bà đi ra phía sau nhà.
Margaret đưa mắt nhìn quanh, lòng bồi hồi lo sợ, không có ai thấy hết. Tim cô đập nhanh, hơi thở hổn hển. Cô nghĩ, nếu cô ngần ngừ, thế nào cô cũng mất hết can đảm. Cô không kịp mặc áo măng tô nữa, tay nắm chặt hai tờ giấy bạc, cô bước ra cửa trước.
Đường đến ga xe lửa dài ba cây số, nằm ở ngôi làng kế cận. Đi trên đường, cô cứ lo sợ sẽ nghe tiếng xe Rolls Royce của bố đuổi theo bắt cô lại. Nhưng làm sao ông biết được? Có lẽ không ai để ý đến sự vắng mặt của cô, ít ra cũng trước giờ ăn tối; và nếu người nhà có để ý đến việc cô vắng mặt, thì chắc người ta sẽ nghĩ là cô đi mua ít đồ dùng lặt vặt, như cô đã nói với bà Anen.
Cô đến nhà ga còn sớm, mua vé xong số tiền còn lại khá nhiều - cô ngồi ở phòng đợi phụ nữ, nhìn kim đồng hồ trên tường, hồi hộp chờ đợi từng giây từng phút.
Tàu đến trễ.
l6 giờ 55, rồi 17 giờ 05. Margaret quá hồi hộp đến nỗi cô có ý định bỏ về để khỏi phải căng thẳng như thế này.
Tàu đến lúc 17 giờ 14 và cô không thấy bố đến.
Margaret lên tàu, lòng thắt lại.
Cô đến đứng bên cửa sổ, đưa mắt nhìn ra cổng vào sợ bố đến vào giờ chót.
Cuối cùng thu chuyển bánh.
Cô không tin được mình đã ra đi.
Tàu chạy nhanh. Cô run run, nhưng lần này run vì sung sướng, Mấy phút sau, tàu ra khỏi ga. Margaret nhìn ngôi làng xa dần và một cảm giác chiến thắng tràn ngập lòng cô. Cô đã làm nên được kỳ tích này: cô đã chạy trốn được!
Bỗng cô cảm thấy mỏi chân. Cô đưa mắt nhìn quanh để tìm chỗ ngồi và lần đầu tiên cô thấy tàu đầy cả người. Chỗ nào cũng có người ngồi, ngay cả trong toa hạng nhất này; có nhiều người lính ngồi bệt dưới sàn. Cô... Cô phải đứng.
Niềm vui vẫn không giảm sút, mặc dù chuyến đi có nhiều biểu hiện như một cơn ác mộng. Đến trạm dừng nào cũng có người lên tàu thêm, họ chen chúc nhau trên các toa. Trước khi trời tối, tàu dừng lại để người ta tháo hết các bóng đèn trong toa, vì có lệnh tắt hết đèn đuốc, cho nên sau khi trời tối tàu chạy trong bóng đêm, chỉ thỉnh thoảng mới có ánh đèn pin của người kiểm soát rọi sáng ngoài hành lang tàu. Khi Margaret không thể nào đứng được nữa, cô ngồi bệt xuống sàn tàu. Cô nghĩ, ngồi như thế này cũng chẳng có gì quan trọng nữa. Áo cô sẽ dơ, nhưng ngày mai cô sẽ có đồng phục để mặc rồi. Tất cả đều khác trước, đất nước trong tình trạng chiến tranh.
Margaret phân vân không biết bố cô biết cô đáp tàu đi Luân Đôn không, và không biết ông có lái xe đến đấy để chặn cô lại ở ga Pađington không. Có thể không mà cũng có thể có, cho nên khi tàu vào ga, lòng cô thắt lại vì lo âu Thế nhưng, khi cô xuống tàu không có ông ở đấy, nên cô cảm thấy mừng rỡ đến run cả người vì đã thành công. Rốt lại, ông không phải là người toàn năng! Cô lần mò trong bóng tối ở sân ga để tìm taxi. Chiếc xe đưa cô đến Bayswater, người tài xế dùng đèn pin để rọi đường cho cô đến tòa nhà chung cư nơi có Catherine ở.
Người ta che kín tất cả các cửa sổ, nhưng ở phòng tiếp tân có đèn sáng.
Người bảo vệ đã đóng cửa phòng để ngủ - bây giờ đã quá nửa đêm rồi - nhưng Margaret biết căn hộ của Catherine ở đâu. Cô leo lên lầu và bấm chuông.
Không có tiếng trả lời.
Lòng cô thắt lại.
Cô lại bấm chuông, nhưng cô nghĩ chỉ vô ích thôi, căn hộ nhỏ mà tiếng chuông reo thì ồn. Không có Catherine rồi.
Cô nhận ra việc không có chị ấy ở đây là điều không đáng ngạc nhiên.
Catherine ở với cha mẹ ở quận Kent, chị chỉ dùng căn phòng này làm chỗ nghỉ chân. Dĩ nhiên bây giờ cuộc sống xô bồ ở Luân Đôn đã dừng lại, cho nên Catherine không có lý do gì có mặt ở đây. Margaret đáng ra đã phải nghĩ đến điều này.
Cô thất vọng nhưng không nao núng. Cô đã tưởng tượng ra cảnh ngồi uống ca cao với Catherine và chia sẻ mềm vui với chị về chuyến phiêu lưu vĩ đại này.
Bây giờ cô phải làm gì nhỉ? Cô có nhiều bà con ở Luân Đôn, nhưng nếu cô đến tìm họ, thế nào họ cũng điện thoại báo cho bố biết. Chỉ có Catherine là người tâm đầu ý hiệp với cô, còn những người khác, cô không thể tin tưởng được.
Rồi cô nhớ nhà bà cô Martha không có điện thoại. Thực vậy đây là bà cô cục cằn, sống độc thân, tuổi chừng bảy mươi. Bà ở cách đây khoảng hơn một cây số. Giờ này chắc bà đã ngủ, và chắc bà sẽ nổi giận khi bị thức dậy, nhưng cô không có cách nào khác hơn. Điều quan trọng là bà không có phương tiện gì để báo cho bố biết hiện có mặt cô ở đây.
Margaret bước xuống cầu thang, ra ngoài đường trời tối đen kịt.
Cảnh cả thành phố tắt đèn trong thật rùng rợn khủng khiếp. Cô dừng lại trước cửa, căng mắt nhìn quanh, nhưng chẳng thấy gì hết. Cảnh tượng này gây cho cô một cảm giác kỳ lạ, như thể cô đang bị xây xẩm mặt mày.
Cô nhắm mắt để mường tượng rõ cảnh trí quen thuộc trên đường. Về phía tay trái, ở góc đường, có một ngôi nhà thờ nhỏ, dưới mái che trước nhà thờ luôn luôn có đèn sáng. Dọc theo vỉa hè có, một dãy đèn đường, mỗi ngọn như thể tỏa ra một vùng ánh sáng nhỏ, và trên đường, đèn xe đò, xe tắc xi và xe hơi thường chiếu sáng.
Cô mở mắt ra và không thấy gì hết.
Thật là hoang mang khó xử. Bỗng cô tưởng tượng ra cảnh chung quanh không có gì hết: đường sá biến mất và cô đang ở trong một trạng thái bất định, đang rơi vào khoảng không. Tự nhiên cô cảm thấy buồn nôn, rồi cô cố trấn tĩnh lại, cố suy nghĩ ra con đường để đi đến nhà bà cô Martha.
Cô tự nhủ: “Từ đây ta đi theo phía tay phải, đến ngã tư thứ hai thì rẽ trái và nhà bà Martha nằm ở cuối dãy nhà ở trên đường ấy. Việc tìm ra nhà bà không khó ngay cả lúc trời tối như thế này.”
Giá mà có cái gì hiện ra để giúp mình nhỉ, cô nghĩ, như có chiếc xe tắc xi rọi sáng đường đi, có ánh trăng, hay có người cảnh sát nào tốt bụng chẳng hạn. Một lát sau, ước nguyện của cô được đáp ứng, một chiếc xe hơi từ từ chạy tới, hai ngọn đèn phía trước như hai con mắt mèo nhìn trong bóng đêm dày đặc, rồi bỗng cô trông thấy hè phố chạy đài đến tận góc đường Cô bắt đầu bước đi.
Chiếc xe hơi vượt qua, hai ngọn đèn sau xe nhỏ dần tước mặt cô. Margaret ước chừng còn cách góc đường khoảng ba hay bốn bước gì nữa, thì bỗng cô vấp chân trên hè phố. Cô băng qua đường và tìm ra vệ đường bên kia một cách suôn sẻ. Việc này khiến cô phấn khởi, cô vững bụng đi tiếp.
Bỗng có cái gì cứng ngắc va mạnh vào mặt cô đau điếng.
Cô rên lên một tiếng đau đớn và sợ hãi. Cô hốt hoảng muốn chạy tháo lui.
Nhưng cô lấy hết can đảm để giữ cho mình bình tĩnh. Cô đưa tay lên sờ vào chỗ đau trên má. Chuyện gì xảy ra như thế này? “Có cái gì trên lề đường va vào mặt cô phải không?” Cô đưa tay sờ soạng mò mẫm, đụng phải cái gì đấy khiến cô thụt lùi, sợ hãi, rồi cô nghiến răng, đưa tay sờ lại. Tay cô chạm phải cái gì lạnh cứng và tròn, như cái đĩa kem khổng lồ lơ lửng trên không. Cô mò mẫn sờ tiếp, nhận ra cái gì đó tròn tròn có một lỗ hình chữ nhật và bên trên có mái che. Cô liền hiểu, thì ra cô đã va phải cái thùng thư.
Cô thận trọng tránh qua một bên và đi tiếp, hai tay đưa ra phía trước.
Một lát sau, cô vấp phải một vỉa hè khác. Khi lấy lại thăng bằng, cô thấy lòng nhẹ nhõm, cô đã đến con đường của bà cô Martha. Cô rê qua phía trái.
Bỗng cô nghĩ đến chuyện có thể bà Martha không nghe chuông reo. Bà ấy sống một mình, không có ai ra mở cửa. Nếu thế, Margaret chắc phải quay về chung cư của Catherine và ngủ ngoài hành lang. Cô có thể ngủ dưới đất, nhưng cô ngán đoạn đường trở về trong cảnh tối thui tối mò như thế này. Có lẽ cô nên nép mình vào bên cửa nhà bà Martha để đợi ngày sáng thôi.
Ngôi nhà nhỏ của bà Martha ở cuối dãy nhà trên đường này. Margaret thủng thỉnh đi. Thành phố chìm trong bóng tối, nhưng không chìm trong im lặng.
Thỉnh thoảng cô nghe tiếng xe từ xa vọng lại. Chó sủa khi cô đi qua nhà chúng, và hai con mèo kêu meo meo kéo dài, chốc chốc có tiếng nhạc vẳng đến tai cô, âm thanh vui tai trong đêm trùng. Xa hơn một chút, cô nghe có tiếng rúc rích của một cặp vợ chồng sau tấm màn che ánh sáng. Cô muốn được ở trong một ngôi nhà có đèn sáng, có lò sưởi đang cháy và có bình trà nóng.
Margaret nhớ dãy nhà đâu có xa như thế này. Nhưng cô không thể làm gì được, cô đã rẽ trái ở ngã tư thứ hai mà. Tuy nhiên, ý nghĩ cô bị lạc đường càng lúc càng chắc chắn. Cô đã mất hết ý niệm về thời gian, cô đi năm phút, hai mươi phút, hai giờ, cả đêm ư. Thình lình cô nhận ra không có nhà gần bên cô nữa. Có lẽ cô đang ở giữa công viên Hyde Park, có lẽ cô đã vô tình đi vào công viên mà không hay biết. Cô có cảm giác như bầy thú đang bao quanh cô, đang giương đôi mắt sáng quắc rình cô, đợi cô trượt chân là nhảy đến vồ lấy. Cô định hét lên, nhưng cô vội lấy tay bịt miệng để khỏi thốt ra lời.
Margaret cố giữ tinh thần hưng phấn và chiến thắng như khi ngồi trên xe lửa, nhưng không được, tinh thần ấy đã biến mất, chỉ còn lại nổi cô đơn và lo sợ. Cô định dừng lại, không nhúc nhích. Chắc cô không đến được nhà bà cô rồi.
Cô đứng bất động một hồi lâu, không biết xoay xở ra sao. Cô tự nhủ, chắc cứ đứng yên như thế cho đến khi ngã quỵ hay là cho đến khi trời sáng.
Trong khi ấy, một chiếc xe hơi xuất hiện. Đèn xe đã được sơn che một nửa, nên ánh sáng chiếu ra không nhiều lắm, nhưng so với bóng tối dày đặc như đoạn đường cô vừa đi qua, thì cô có cảm giác như trời đang ban ngày. Cô nhận thấy mình đang ở giữa đường, cô vội nhanh chân chạy lên lề đường. Cô đang ở một nơi cô chỉ nhớ ra mang máng mà thôi. Chiếc xe vụt qua, rẽ vào một ngã tư, Margaret vội đi theo hướng chiếc xe chạy, hy vọng tìm thấy một điểm nào quen thuộc để xác định được mình đang ở nơi nào. Đến ngã tư, cô thấy chiếc xe ở cuối một con đường nhỏ hẹp có nhiều cửa tiệm ở hai bên, trong số này có một tiệm bán khăn mũ phụ nữ mà mẹ thường đến mua; cô nhận ra cô chỉ còn cách khu Marble Arch có vài mét thôi.