Vương quốc ảo - Phụ lục - Phần 4
Văn học Trung Quốc hiện "là một đống rác"(?)
Gần đây, sau khi trên các trang web lớn của Trung Quốc (TQ) đăng tải dòng tin “Giáo sư Hán học người Đức gọi văn học đương đại Trung Quốc là rác rưởi”, ngay lập tức có một trận mưa bão những bài đáp trả... Điều này giáo sư Hán học Đại học Bonn, Đức Wolfgang Kubin không thể ngờ đến. Kubin là một trong những nhà Hán học nổi tiếng nhất nước Đức, và đặc biệt có uy tín trong lĩnh vực giới thiệu và nghiên cứu văn học hiện đại và đương đại Trung Quốc. Ông có rất nhiều bạn bè ở TQ, và họ đều nói “Lão Cố” là một đại sư Hán học cẩn trọng, uyên bác và nghiêm túc. Vậy ông có thể nói những lời gây “sốc” như báo chí đưa tin hay không? Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn giáo sư này của báo "Tiếng nói nước Đức".
Xin chào giáo sư Kubin. Gần đây, tại Bắc Kinh đã diễn ra Đại hội Hội nhà văn (HNV) Trung Quốc và nhà văn Thiết Ngưng đã được bầu làm Chủ tịch Hội, đây là vị Chủ tịch Hội Nhà văn TQ thứ ba, sau Mao Thuẫn và Ba Kim. Nghe nói khi ấy ông cũng đang ở TQ. Ông nghĩ thế nào về chuyện này?
Khi đó đúng là tôi ở TQ. Tôi không rõ lắm về chuyện này, có thể nói rằng, tất cả những nhà văn TQ mà tôi quen biết đều không coi trọng HNV. Đối với những nhà Hán học như chúng tôi, HNV có thêm một Chủ tịch mới không thành vấn đề.
Nói như vậy có nghĩa là, chủ tịch mới của HNV không cần thiết phải nổi tiếng nhất giống như Mao Thuẫn hay Ba Kim, nói cách khác là không phải người danh tiếng nhất, phải vậy không?
Cái HNV này không hề có chút hữu ích hay điểm tốt nào. Ở TQ đại lục, bạn có thể hỏi tất cả mọi nhà văn, sẽ không có ai chủ động nói về HNV, không có ai, một người cũng không có. Nếu là một nhà văn TQ chân chính, anh ta chắc chắn không cần vào HNV. Nếu như sau khi anh ta vào mới trở thành một nhà văn vĩ đại, anh ta quả là có vấn đề. Thông thường mà nói, một nhà văn hay không thể duy trì được bất cứ quan hệ nào với HNV.
Nghe nói gần đây ông có viết một báo cáo, về những vấn đề tồn tại của văn học Trung Quốc thế kỷ 21. Ông có thể quy nạp về đại thể những nội dung trong báo cáo của ông hay không, nói cách khác, mấy năm nay, văn học TQ đang tồn tại những vấn đề gì?
Tôi chỉ có thể đề cập đến một số vấn đề còn tồn tại của văn học TQ thế kỷ 20 mà bản thân tôi cảm thấy. Ví dụ, nếu như chúng ta có thể lấy mốc 1949 để phân giới nhà văn TQ, thì chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, những nhà văn TQ trước năm 49 đều giỏi ngoại ngữ. Trương Ái Linh, Lâm Ngữ Đường, Hồ Thích... đều có thể viết văn bằng ngoại ngữ. Một số nhà văn giỏi nhiều ngoại ngữ, ví như Lỗ Tấn. Sau 1949, về cơ bản, bạn không thể tìm được một nhà văn TQ nào biết ngoại ngữ cả. Bởi vậy anh ta không thể nhìn lại tác phẩm của mình từ một hệ thống ngôn ngữ khác. Ngoài ra anh ta cũng không thể đọc được các tác phẩm ngoại văn. Anh ta chỉ có thể tiếp cận với những tác phẩm nước ngoài đã được dịch sang tiếng Trung. Bởi vậy, sự tìm hiểu và hiểu biết của nhà văn TQ về văn học nước ngoài cực kỳ kém, kém vô cùng. Trước năm 1949, không ít nhà văn cho rằng, học ngoại ngữ là cách để làm phong phú ngòi bút của mình. Nhưng nếu bạn hỏi một nhà văn TQ (hiện nay) vì sao không học ngoại ngữ, anh ta sẽ nói, ngoại ngữ chỉ có thể phá hoại tiếng mẹ đẻ của tôi. Tại sao sau năm 1949, TQ lại không có một nhà văn vĩ đại nào, tại sao những nhà văn này chắc chắn không thể sánh được với các nhà văn trước năm 1949? Vấn đề là ở đây, và đây thực sự là một vấn đề cực kỳ quan trọng.
Theo ông thì đó là vấn đề duy nhất hay đó là vấn đề chủ yếu?
Đó là vấn đề lớn nhất. Các nhà văn TQ khi ra nước ngoài phải hoàn toàn dựa vào những nhà Hán học chúng tôi, họ không thể nói được dù chỉ một câu tiếng nước ngoài. Hoàn toàn ỷ lại chúng tôi...
Ông có tìm hiểu về những tác phẩm mới xuất bản gần đây của TQ, ví dụ như “Lang đồ đằng” (Totem sói)?
Đối với người Đức chúng tôi, “Lang đồ đằng” thuộc chủ nghĩa phát-xít. Cuốn sách này làm TQ bẽ mặt.
Còn một số tác phẩm của các tác giả khác, ví dụ như của các “nhà văn mỹ nữ”, như Miên Miên, Vệ Tuệ?
Nực cười. Đó không phải văn học, đó là rác.
Vậy thì theo ông, ở TQ những năm gần đây có còn văn học tương đối đúng với ý nghĩa của nó?
Về thơ thì vẫn còn. TQ có một số nhà thơ đáng nể. Ví dụ như Âu Dương Giang Hà, Tây Xuyên và Địch Vĩnh Minh... Vẫn còn nhiều người khác nữa. Điều này là chắc chắn.
Nhưng hiện nay TQ đang thảo luận vấn đề “phải chăng thơ ca đã chết?”. Ông thấy thế nào?
Thơ ca làm sao có thể chết được? Nếu ở TQ chết, thì cũng được, cứ để cho nó chết ở TQ đi, ở Đức, nó vẫn “sống”. Nếu như có một nhà thơ TQ đến Đức, chúng tôi sẽ giúp anh ta tổ chức hội thơ, đọc thơ, chắc chắn sẽ có 50, 100 người đến, chúng tôi khẳng định sẽ ra tập thơ cho họ. Nhà văn đương đại TQ xuất bản thi tập ở Đức rất nhiều. Thơ ca TQ ở Đức không thể chết được.
Thơ ca TQ hiện nay, so với thời kỳ những năm 1980 với Bắc Đảo, Dương Luyện thì sao, theo ông?
Rất khó để so sánh, nhưng tôi thấy rằng bất luận là nhà thơ của những năm 1980 hay 1990 đều không tồi, họ đều có tầm nhìn riêng, có ngôn ngữ riêng... Cá nhân tôi cũng đặc biệt yêu thích thế hệ của Bắc Đảo. Nhưng tôi khá già rồi, vì thế, tôi cũng phải nghĩ tới những độc giả trẻ. Độc giả trẻ có lẽ thích đọc những đại biểu của thập niên 90. Ví dụ như Vương Gia Tân, Âu Dương Giang Hà, Địch Vĩnh Minh...
Hiện nay ở TQ, HNV đưa ra một kế hoạch, trong đó nói rằng phải dịch 100 tác phẩm TQ ra tiếng nước ngoài, để văn học TQ bước một bước dài ra với thế giới. Ông thấy kế hoạch này thế nào, có ý nghĩa không?
Kế hoạch này có lẽ có ý nghĩa đối với nước Mỹ, với Đức thì cơ bản là không. Vì chúng tôi đã dịch hầu như tất cả các tác phẩm văn học TQ ra tiếng Đức rồi. Về cơ bản, nhà văn TQ, bất kể thời đại nào, tác giả nào cũng có bản dịch tác phẩm của mình ở Đức. Bởi vậy, chúng tôi không cần sự giúp đỡ này. Nhưng Mỹ thì khác, họ chắc chắn rất cần, vì họ dịch khá ít.
Hiện nay kinh tế TQ phát triển rất nhanh, nhiều người nói rằng, trong vòng 30-40 năm nữa, về kinh tế, TQ sẽ thay thế địa vị của Mỹ. Thế kỷ vừa qua, nước Mỹ phồn vinh, phát đạt và có ảnh hưởng lớn tới thế giới không chỉ riêng kinh tế, mà cả về văn nghệ, điện ảnh, âm nhạc đại chúng... rất nhiều phương diện khác nhau. Theo ông, văn học TQ cũng sẽ phát triển nhanh chóng để phù hợp với địa vị kinh tế của họ chứ?
Điều này phải xem người TQ, bởi vì, coi thường văn học TQ, văn hóa TQ nhất không phải là người nước ngoài chúng tôi, mà chính là bản thân người TQ. Vấn đề nằm ở chính bản thân họ, người TQ căn bản không dành cho văn học và văn hóa của mình một địa vị nào.
Điều này nên lý giải thế nào? Tại sao người TQ không cho văn học của họ một địa vị?
Tôi sẽ cho bạn một ví dụ rất đơn giản được chứ? Năm ngoái tôi có phát biểu ở Đức về lịch sử văn học TQ thế kỷ 20. Các trí thức TQ, bạn bè của tôi, trong đó có cả những nhà văn, khi biết tôi đang viết về văn học sử, tất thảy đều nói, anh đừng viết, chả có gì hay ho đâu, toàn rác rưởi cả.
Nói cách khác thì họ tự coi thường bản thân, hoặc giả, coi thường lẫn nhau?
Đúng, bạn nói rất đúng, coi thường lẫn nhau.
Khi Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel văn học, phản ứng không tốt ở TQ khá nhiều. Có phải chính là ý này? Theo ông, TQ còn có thể đoạt giải Nobel văn học nữa không?
Giải Nobel văn học là thứ yếu. Ai viết không hay thì mới mong có thể nhận giải. Nếu viết được thì cả đời chẳng cần hy vọng (giải) gì. Vì vậy, cái giải Nobel văn học cũng chỉ là rác rưởi mà thôi.
Nếu như được nói với các nhà văn TQ vài câu, ông sẽ nói gì?
Trước tiên họ nên nắm vững tiếng mẹ đẻ của họ. Tiếng Trung của đại bộ phận nhà văn TQ là không giỏi. Ngoài ra, họ nên học cho tốt trước, và lựa chọn cho tốt phương pháp viết. Về phương diện này, vấn đề của các nhà văn TQ rất lớn. Nhưng, cũng có thể, vấn đề cơ bản nhất là ý thức của họ rất có vấn đề, tầm mắt của họ rất có vấn đề, giống như họ đang bị mắc kẹt trong một căn phòng nhỏ, không dám mở mắt ra nhìn thế giới. Vì vậy cho tới giờ, TQ vẫn chưa có tiếng nói riêng của mình, nhìn từ góc độ văn học, không có. Nước Đức đi tới đâu cũng có nhà văn, họ đại biểu cho nước Đức, đại biểu cho người Đức để trò chuyện. Vì thế chúng tôi có giọng của nước Đức. Nhưng giọng của TQ thì ở đâu? Không có. Không tồn tại. Gan của nhà văn TQ quá nhỏ, hầu như không có.
Nói cách khác, người như Lỗ Tấn bây giờ không có?
Đúng vậy. Lỗ Tấn vốn có những đặc tính tiêu biểu. Bây giờ bạn nhìn hộ tôi xem có nhà văn TQ nào như thế không? Không có.
Tình trạng này có quan hệ gì với hoàn cảnh của TQ không? Nói cách khác, có hay không sự khống chế hình thái ý thức?
Cũng có thể. Nhưng không nên kêu rằng điều kiện khách quan không cho phép. Tôi nghĩ rằng một nhà văn TQ không nên cứ nói điều kiện lịch sử không cho phép tôi thế này thế kia, tôi thấy nực cười. Bởi, nếu như anh ta là một nhà văn chân chính, anh ta không cần nghĩ đến tương lai anh sẽ vấp phải khó khăn gì, anh ta nên trò chuyện, nói bằng giọng riêng của mình như Lỗ Tấn và Lâm Ngữ Đường trước kia từng làm.
Từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, ông cho rằng những ai trong số các nhà văn TQ có thể coi là vĩ đại?
Nói cái này bây giờ e rằng quá sớm. Bạn cần phải có một khoảng cách ít nhất 50 năm, mới có thể nhìn lại, để xem ai tương đối vĩ đại, nếu như thật sự có. Lỗ Tấn chắc chắn là một nhà văn vĩ đại. Trước năm 1949 còn có những người khác. Sau năm 1949 đến nay chắc chắn không có.
Bắc Đảo, Cao Hành Kiện cũng không phải?
Cao Hành Kiện? Nực cười! Bắc Đảo thì có thể suy nghĩ. Vì anh ta là người dũng cảm. Nhưng bạn đừng quên, anh ta mới 50 tuổi.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Tia sáng
Quách Kính Minh: Thiên tài hay “Vua đạo văn”
NĐVN - Sinh năm 1983 tại Tứ Xuyên, cao 1m55, nặng chưa đầy 40 kí, dáng người gày gò đầu tóc bù xù, giống hệt nhân vật trong truyện tranh Nhật Bản, Quách Kính Minh là tác gia trẻ tiêu biểu của “Văn học khái niệm mới Trung Quốc”.
Thành tựu đáng nể
Xuất hiện lần đầu trên văn đàn từ 2003 với tiểu thuyết đầu tay “Ảo thành” gây chấn động, sau đó Quách Kính Minh liên tiếp cho in các cuốn “Bóng tay trái, tuổi tay phải”, “Hoa rơi trong giấc mộng”, “1995 -2005, Hạ chí chưa tới”, … trong đó “Hoa rơi trong giấc mộng” đã bán được tới 2 triệu bản, “Ảo thành” cũng được trên 80 vạn bản…
Đặc biệt “Mê tàng” là sản phẩm “2 in 1” - tiểu thuyết ca nhạc, Quách vừa là nhà sản xuất album vừa là tác giả lời, vừa là ca sĩ. “Mê tàng” được báo chí bình luận: “Có ý nghĩa lịch sử thời đại vì đã lần đầu tiên gắn văn học với âm nhạc”.
Quách Kính Minh trở thành “máy in tiền” và con cưng của giới xuất bản. 3 năm liền Quách Kính Minh có tên trong danh sách 100 nhân vật nổi tiếng của “Forbes Trung Quốc”.
Với tài sản 4 triệu tệ, Quách trở thành “Phú ông tác gia trẻ nhất”, “Thiên tài thiếu niên tác gia”, niềm tự hào của giới trẻ Trung Quốc. Đài NHK Nhật đã trao giải “Gương mặt đàn ông xuất sắc nhất châu Á năm 2005” cho Quách (cùng 3 người khác ở Singapore, Hàn Quốc và Ấn Độ).
Quách Kính Minh nhanh chóng trở thành thần tượng của giới trẻ với gương mặt đẹp trai kiểu trẻ thơ, cặp mắt đen láy, nụ cười rạng rỡ, học bạ đáng nể (vừa học đại học tại Học viện Kỹ thuật Nghệ thuật nghe nhìn Thượng Hải, vừa viết văn, vừa quản lý công ty riêng) và văn phong tài hoa. Có tới hơn một nửa học sinh trung học Trung Quốc đã mua hoặc đọc tác phẩm của Quách.
Xuất hiện ở đâu Quách Kính Minh đều thu hút quanh mình một đám đông các fan trẻ tuổi. Ở thời điểm hiện nay, nếu gõ tên chữ Hán Quách Kính Minh vào trang tìm kiếm “Google”, bạn sẽ nhận được ngay 1,2 triệu kết quả. Điều đó cho thấy mức độ nổi tiếng của anh chàng sinh viên năm thứ tư này.
Thiên tài hay “Vua đạo văn”
Tuy nhiên, không chỉ nổi tiếng với tài văn chương, Quách Kính Minh còn nổi tiếng với tài… đạo văn. Ngay từ khi tác phẩm đầu tay “Ảo thành” xuất hiện trên văn đàn đã có ý kiến nói đọc nó thấy hao hao bộ truyện tranh “Thánh truyện” của Nhật.
Kế đến một vụ việc nghiêm trọng hơn: Sau ba năm tranh chấp, đôi co giữa các bên, ngày 22/5/2006, Toà án cấp cao Bắc Kinh đã ra phán quyết kết luận tiểu thuyết “Hoa rơi trong giấc mộng” của Quách Kính Minh đã “copy” nhiều đoạn trong tác phẩm “Vòng trong vòng ngoài” của cây bút nữ Trang Vũ và buộc Quách phải bồi thường cho nguyên cáo 21 vạn tệ, đình chỉ việc bán “Hoa rơi trong giấc mộng” và công khai xin lỗi trên các phương tiện truyền thông.
Vụ này chưa yên thì từ trung tuần tháng 6 trên mạng đã lại xôn xao vụ Quách Kính Minh “copy” bối cảnh, ý tưởng và tuyến nhân vật của bộ truyện tranh Nhật Bản “NANA” để viết cuốn tiểu thuyết mới nhất “1995 – 2005, Hạ chí chưa tới”…
Nhưng điều đáng bàn ở đây là thái độ của Quách Kính Minh trước những lỗi lầm, sai sót của bản thân.
Sau khi toà án Bắc Kinh ra phán quyết buộc Quách phải bồi thường và xin lỗi Trang Vũ, anh ta một mặt gửi tiền bồi thường, mặt khác công khai bày tỏ: Xuất phát từ sự tôn trọng pháp luật, anh ta sẽ bồi thường và đình chỉ việc bán tác phẩm của mình, nhưng sẽ quyết không xin lỗi: “Ba năm kiện cáo, ba năm báo chí đưa tin, những kẻ ăn theo cũng làm ầm ĩ suốt ba năm. Ba năm ấy tôi đã viết được cuốn tiểu thuyết mới “Hạ chí chưa tới” và in được 7 tập “Đảo”, phát hành tiểu thuyết âm nhạc “Mê tàng”, cải biên được tác phẩm “Vô cực”, duy nhất đã không lãng phí chút tinh lực nào cho vụ kiện vô bổ ấy…
Tiền bạc và danh tiếng đều không quan trọng, tôi có thể cho. Nhưng tôi sẽ quyết không xin lỗi. Dù chỉ một từ, tôi cũng quyết không vứt bỏ nguyên tắc của mình, quyết không vứt bỏ những nỗi khổ khi sáng tác, vứt bỏ niềm hy vọng của những người vẫn tin yêu vào văn của tôi”. Thái độ của Quách Kính Minh đã gây nên phản ứng rất mạnh trong xã hội và trong giới học thuật.
Ngoại trừ một số fan trẻ tuổi của Quách bày tỏ kiên quyết ủng hộ thần tượng của mình, như: “Chỉ cần tác phẩm của Quách Kính Minh viết hay thì tôi không cần quan tâm đến nó có liên quan gì đến người khác hay không?”; “Dù thế nào tôi vẫn yêu Quách Kính Minh”, “Tôi rất yêu thích Quách Kính Minh và các tác phẩm của anh…
Tuy sự việc này có làm người ta thất vọng đôi chút, nhưng tôi tin rằng: “Bằng tài hoa của mình, anh sẽ có những tác phẩm mới hay hơn. Mãi mãi ủng hộ anh!”, “Đừng nên đập chết một nhà văn thế hệ 8X!”…Còn lại dư luận đều mạnh mẽ phê phán thái độ của anh ta.
Tác giả Trang Vũ, người có tác phẩm bị “đạo” kiên quyết: “Cách làm của Quách Kính Minh thật nực cười: Điều này cho thấy nhân phẩm của anh ta có vấn đề. Tôi sẽ kiên trì bắt anh ta phải xin lỗi. Đối với tôi, lời xin lỗi còn quan trọng hơn việc đền tiền!”.
Báo điện tử “Sohu”- văn hóa viết: “Điều bất hạnh của Quách Kính Minh là ở chỗ hành vi đạo văn của anh ta đã bị pháp luật kết luận mà vẫn có những fan nhảy ra bảo vệ, ca ngợi. Hành vi đạo văn tự cổ chí kim thời nào cũng có, nhưng môi trường văn đàn phát triển đến mức công khai ca ngợi hành vi đạo văn như thế thì quả là chưa bao giờ có”.
Báo “Thanh niên Trung Quốc”: “Một người trẻ như Quách Kính Minh mà đối xử với sáng tác, với cuộc sống bằng tâm thái và quan niệm như thế thì quả là không có lợi cho cả việc sáng tác lẫn làm người của anh ta…
Việc Quách Kính Minh nói có thể “cho” tiền và danh tiếng chứ quyết không xin lỗi dù một từ, là sự coi thường luật pháp và là hành vi vô lại…Hảo hán đại trượng phu phải dám làm dám chịu, mọi người không vì anh phải xin lỗi về việc đã làm sai mà coi thường, rẻ rúng, trái lại sẽ khâm phục dũng khí dám nhận sai lầm của anh.
Nếu phạm sai lầm mà cố chết không chịu nhận sai, lại còn cao giọng “cho” tiền và danh tiếng thì chỉ khiến người ta càng coi thường thêm”.
Báo điện tử “Quang minh” cho rằng: “Việc Quách Kính Minh từ chối xin lỗi là nỗi nhục của văn đàn Trung Quốc”
Nhà thơ Tượng Tử viết: “Với cả sự luyến tiếc và nỗi phấn khích, tôi muốn nói cho Quách Kính Minh và những người si mê anh ta một cách thái quá rằng: “Hoa rơi trong giấc mộng” không chỉ sao chép “Vòng trong vòng ngoài” mà còn là sự sao chép tồi. Tôi muốn nói thêm “Hoa rơi…” là một cuốn sách xấu, trống rỗng vô vị, bịa đặt gán ghép bừa bãi, tình tiết tản mạn, chả có chút giá trị văn học nào cả”.
Nhà văn Cung Tiểu Binh: “Thấy đầy rẫy những chỗ tương đồng, giống nhau như thế, người đọc không có cách nào khác là xấu hổ thay cho Quách Kính Minh”.
Địa vị của “Thần tượng” đã lung lay
Ngày 29/5/2006, tức là một tuần sau khi Toà án Bắc Kinh kết luận Quách Kính Minh đạo văn, Nhân dân Nhật báo đã công bố kết quả cuộc điều tra trên mạng mang tên “Chỉ số anh hùng của Quách Kính Minh sau vụ án đạo văn” được mạng “Cường quốc Blog” tiến hành hôm 25/5 đối với các dân mạng trẻ tuổi. Dưới đây là một số thông số:
1. Vụ kiện đã thất bại, địa vị văn học của Quách Kính Minh trong lòng bạn:
- Hạ thấp: 42%. Tăng lên: 30%.
- Hết hứng thú với anh ta, thấy chán chường: 28%.
2. Bạn có cho rằng các nhà văn 8X chỉ thấy lợi trước mắt:
- Có: 50%, không: 25%.
- Chỉ là sự kiện của cá nhân, không phải hiện tượng của cả thế hệ: 25%
Đánh giá về địa vị của lớp nhà văn 8X, sau các cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Hàn Hàn với nhà văn lão thành Bạch Hoa và sau vụ án đạo văn của Quách Kính Minh, có 47% cho rằng các nhà văn 8X trong cơn lốc của thị trường đã hám lợi trước mắt mà thiếu sự bình tĩnh và sự kiềm chế.
3. Sau sự kiện đạo văn, hình ảnh của Quách Kính Minh trong lòng bạn:
- Vẫn là đại biểu tiêu biểu của thế hệ nhà văn 8X: 43%
- Là “văn tặc” chuyên ăn cắp tác phẩm người khác: 33%
- Thấy chán, không hứng thú nữa: 24%
Trên các báo, biệt hiệu của Quách Kính Minh đã được đổi từ “Siêu cấp nam sinh” (Chàng trai siêu hạng) thành “Sao cấp nam sinh”. Trong tiếng Hán, chúng phát âm giống nhau, có điều chữ “sao” có nghĩa là “sao chép”.
Họ tên: Quách Kính Minh. Ngày sinh: 6/6/1983. Chòm sao Song Tử, Nhóm máu: AB.
Sở thích: điện ảnh, chơi cầu lông, ngủ
Tên trên mạng: Tứ Duy, Tiểu Tứ
Quê quán: Tự Cống, Tứ Xuyên
Bắt đầu viết văn từ khi học lớp 7
Giải thưởng: Giải nhất cuộc thi “Văn học khái niệm mới” lần 3 và 4.
Tính cách: nửa cởi mở, nửa u buồn. Đối với cuộc sống vừa tiêu cực vừa tràn đầy hy vọng. Tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nhưng vẫn đắm chìm trong tuyệt vọng.
Thích vừa nằm xem phim vừa ngủ và nằm ngửa ngắm bầu trời đầy sao.
Chưa có người yêu. Thích những cô gái đẹp người dây, mặt nhỏ.
Thu Thuỷ
Hết.
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Ariko Yuta – BTV2 – H.y
(Tìm - Chỉnh sửa – Đăng)