Chuyện Tình Giai Nhân - Chương 1 phần 2

Nguyên sinh ra và lớn lên ở Anh. Sau khi ông bố qua đời, tuy bà vợ cả chỉ có hai mụn con gái, nhưng Phạm Liễu Nguyên muốn xác nhận thân phận của anh ta trên phương diện pháp lý cũng chẳng phải chuyện dễ dàng. Anh chàng một thân một mình lưu lạc ở Anh quốc, sau một phen lao khổ, mới nhận được quyền thừa kế. Đến giờ, người nhà họ Phạm vẫn giữ một thái độ thù hằn đối với anh ta, vì vậy anh này chủ yếu sống ở Thượng Hải, chẳng mấy khi quay về quê cũ Quảng Châu. Lúc tuổi còn nhỏ anh chàng bị một vài cú sốc, dần dần cứ đi theo con đường lãng tử, ăn chơi phè phỡn, làm đủ mọi trò, duy chẳng để tâm gì đến hạnh phúc lứa đôi. Mợ Tư liền nói: “Người như vậy chắc là kén cá chọn canh lắm đấy. Cô Bảy nhà mình là con của dòng thứ, chỉ e người ta không để mắt. Bỏ qua hôn sự tốt như vầy thì thật là tiếc quá!” Cậu Ba nói: “Thì thằng ấy cũng là con dòng thứ còn gì.” Mợ Tư nói tiếp: “Nhưng người ta ghê gớm lắm, chứ cứ ngây ngây ngô ngô như cái Bảy nhà mình, có mơ mà giữ nổi? Có khi đứa con gái lớn của tôi lại nhanh nhẹn hơn, chớ coi thường nó, người nhỏ nhưng tâm không nhỏ đâu, rất biết đến đại thể là đằng khác!” Mợ Ba nói: “Thế thì hình như tuổi tác chênh lệch nhau quá nhỉ!” Mợ Tư đáp: “Ối giời! Chị không biết đấy thôi, càng là loại người như thế, lại càng thích những cô trẻ trung ấy chứ. Đứa lớn mà chẳng được, vẫn còn đứa thứ hai cơ mà!” Mợ Ba cười nói: “Đứa thứ hai nhà cô nhỏ hơn anh ta những hai mươi tuổi cơ đấy!” Mợ Tư khẽ kéo mợ Ba một cái, đoạn nghiêm mặt nói: “Chị Ba này, chị đừng có hồ đồ như thế! Chị đỡ cho cái Bảy, nó là gì của nhà họ Bạch cơ chứ? Anh em cách nhau một lớp dạ con, còn xa khướt. Đã gả đi rồi thì đừng ai mong hưởng được lợi lộc gì từ nó! Tôi đây đều là nghĩ cho mọi người thôi!” Thế nhưng bà Bạch vẫn một lòng một dạ sợ họ hàng bàn ra tán vào, bảo bà ngược đãi cô Bảy vốn đã mồ côi mẹ, nên quyết định giữ nguyên kế hoạch ban đầu, bà Từ sẽ chọn ngày lành tháng tốt mời khách đến, giới thiệu Bảo Lạc cho Phạm Liễu Nguyên.

Bà Từ làm một công đôi việc, cùng lúc lại tìm cho Lưu Tô một anh họ Khương, làm ở Hải quan, vợ mới mất, để lại năm đứa con, anh này cũng muốn mau tục huyền, bà Từ thì dự định thu xếp việc của Bảo Lạc xong, sẽ tác hợp cho Lưu Tô, bởi Phạm Liễu Nguyên chẳng bao lâu nữa sẽ đi Tân Gia Ba[1]. Về việc tái giá của Lưu Tô, nhà họ Bạch chỉ coi đó là một trò cười, nhưng vì muốn đẩy Lưu Tô ra khỏi nhà, cũng chẳng còn cách nào, đành để lặng yên mặc cho bà Từ thu vén. Vì hôn sự của Bảo Lạc, nhà họ Bạch rối nhặng cả lên, quay như chong chóng. Cùng là hai đứa con gái, một đằng thì rôm rả tưng bừng, một đằng thì úi xùi lạnh nhạt, so ra thật khiến người ta khó xử. Bà cụ Bạch gắng thu gom hết các đồ trang sức bằng vàng bạc đá quý của cả nhà lại, thứ nào có thể đeo được lên người Bảo Lạc thì đều đeo cả lên. Vuông vải tơ tằm của con gái nhà cậu Ba được mẹ nuôi tặng hôm sinh nhật, cũng bị bà cụ ép mợ Ba phải đem ra may xường xám cho Bảo Lạc. Tài sản riêng của bà Bạch tích góp bao năm, phần nhiều là đồ da, mùa hè không thể mặc được, đành phải đi cầm một chiếc áo khoác lông chồn, dùng chỗ tiền ấy đi sửa mấy món đồ trang sức theo kiểu dáng tân thời. Nào là khuyên tai trân châu, vòng tay thúy ngọc, nhẫn lục bảo, chẳng cần kể ra cũng có thể biết Bảo Lạc được trang điểm lộng lẫy đến thế nào.

[1] Singapore.

Đến hôm đó, bà Bạch cùng cậu Ba, mợ Ba, cậu Tư, mợ Tư đương nhiên đều phải đi. Bảo Lạc gián tiếp nghe được âm mưu của mợ Tư, trong lòng thực sự khó chịu, cố ý không cùng xuất hiện với hai đứa con gái của mợ Tư, nhưng lại cũng ngại nói là không cần bọn nó, bèn cố sống cố chết lôi Lưu Tô đi cùng. Một chiếc xe con đen sì ngồi những bảy con người, quả thực không tài nào nhét thêm được nữa, hai đứa con của mợ Tư là Kim Chi, Kim Thiền liền bị gạt ra một cách thảm thương. Họ đi từ năm giờ chiều, đến mười một giờ đêm mới về đến nhà. Kim Chi, Kim Thiền trong dạ thấp thỏm, sao đành lòng ngủ? Chúng chong chong đôi mắt chờ họ trở về, nhưng lại thấy cả bọn im như hạt thóc. Bảo Lạc xị mặt đi vào trong phòng bà, ào ào rũ xuống tất cả mọi thứ cài cắm trên người, trả lại cho bà cụ Bạch, chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng quay về phòng. Kim Chi, Kim Thiền kéo mợ Tư ra sân thượng, luôn mồm dò hỏi tình hình thế nào. Mợ Tư nổi giận nói: “Cũng chẳng thấy con gái nhà nào như chúng mày, có phải mình đi lấy chồng đâu, ai bắt phải nhiệt tình sốt sắng như thế!” Mợ Ba theo ra sân thượng, thẽ thọt nói: “Lời của thím đừng để người khác cả nghĩ!” Mợ Tư liền chĩa thẳng về phía phòng của Lưu Tô nói lớn: “Tôi chỉ chó mắng mèo đấy, tôi chửi nó đấy, làm sao nào? Có phải ngàn năm vạn đại chưa từng gặp đàn ông đâu, sao vừa ngửi thấy mùi giai là mê mẩn như con điên thế?” Kim Chi, Kim Thiền nghe mẹ chửi, chẳng biết đầu đuôi mô tê thế nào, mợ Ba cố gắng giữ cho mẹ chúng bình tĩnh lại, rồi nói với hai đứa: “Mọi người thoạt đi xem phim trước.” Kim Chi ngạc nhiên hỏi: “Xem phim ạ?” Mợ Ba nói: “Thế mới lạ chứ, rõ là đi xem người, nhưng lại chúi vào ngồi trong bóng tối, chẳng thấy cái gì cả. Sau đó bà Từ bảo với bác đó là chủ trương của tiên sinh họ Phạm kia, anh ta ngồi xét nét ở đó. Anh này muốn người ta ngồi đó hai ba tiếng, cho mặt ra mồ hôi, son phấn bợt đi, để trông cho rõ hơn. Nhưng đó là bà Từ đoán vậy. Chứ như bác thấy, tay họ Phạm từ đầu chí cuối rõ là không có thành ý. Hắn muốn xem phim, là vì lười tiếp chuyện với chúng ta. Xem xong phim, hắn chẳng muốn chuồn luôn còn gì?” Mợ Tư sốt sắng nói chêm vào: “Làm gì có chuyện, vụ việc hôm nay lúc đầu thì rất êm thấm, nếu không phải người trong nhà mình gây rối từ bên trong, thì chắc chắn quá bán đã thành!” Kim Chi, Kim Thiền đồng thanh hỏi: “Sau đó thì sao hở bác Ba, sao đó sao ạ?” Mợ Ba trả lời: “Sau đó bà Từ kéo hắn ta lại, muốn mọi người đi ăn cùng nhau. Hắn bảo hắn mời.” Mợ Tư vỗ tay nói: “Ăn thì ăn, nhưng biết rõ cô Bảy nhà ta không biết khiêu vũ, vào vũ trường rồi ngồi suông ở đấy, tính thế mà tính à? Không phải tôi nói, nhưng việc này phải trách anh Ba đấy, anh ấy cũng là người hay chạy ở bên ngoài, nghe tay họ Phạm dặn thằng lái xe đưa đến vũ trường mà cũng chẳng ngăn lấy một câu!” Mợ Ba vội đáp: “Thượng Hải có lắm nhà hàng như thế, anh ấy làm sao biết được nhà hàng nào có vũ trường, nhà hàng nào không? Anh ấy không so được với người nhàn nhã như chú Tư đâu, làm gì có có nhiều thời gian đi điều tra mấy thứ đó!” Kim Chi, Kim Thiền vẫn muốn dò nghe câu chuyện về sau, mợ Ba bị mợ Tư ngắt lời mấy lần, tụt hết cả hứng. Chỉ nói: “Sau đó thì ăn cơm, ăn xong cơm rồi về.”

Kim Thiền nói: “Vậy Phạm Liễu Nguyên là người thế nào?” Mợ Ba đáp: “Bác đâu biết được? Tổng cộng cũng chẳng nghe hắn ta nói được ba câu.” Đoạn lại trầm tư một lát, rồi nói: “Nhưng khiêu vũ kể cũng không tồi nhỉ!” Kim Chi ‘ồ’ lên một tiếng, nói: “Anh ta khiêu vũ với ai vậy ạ?” Mợ Tư cướp lời nói trước: “Lại còn ai vào đây nữa, chẳng phải là cái cô Sáu của mày! Những người có lễ giáo, không được phép học khiêu vũ, chỉ có cái con ấy sau khi lấy chồng mới học được cái trò này từ thằng chồng vô tích sự kia thôi! Đúng là không biết xấu hổ, người ta hỏi mình, mình nói là không biết nhảy có phải là xong rồi không? Không biết cũng đâu phải việc gì đáng thẹn. Như bác Ba con, như mẹ, đều là tiểu thư con nhà cao quý, sống hơn nửa đời người rồi, trên đời có việc gì mà chưa từng trải? Nhưng chúng ta cứ không biết nhảy đấy đã sao!” Mợ Ba thở dài nói: “Nhảy một lần, thôi thì bảo là giữ thể diện cho người ta, nhưng lại còn nhảy lần hai, nhảy lần ba nữa!” Kim Chi, Kim Thiền nghe đến đây, bất giác há mồm cứng lưỡi. Mợ Tư lại lẩm bẩm chửi về phía bên kia: “Bị đống mỡ lợn chẹn óc rồi, đừng có tưởng phá hoại việc của em mình là có hy vọng, cô quên cái ý nghĩ đó đi! Người ta hàng bao nhiêu tiểu thư còn chẳng lọt mắt, nó lại thèm cái loại hoa tàn liễu rạc nhà cô ấy hả?”

Lưu Tô và Bảo Lạc ở trong cùng một phòng, Bảo Lạc đã lên giường đi ngủ, còn Lưu Tô thì ngồi xổm lần mò thắp hương muỗi, những lời trên sân thượng cô nghe rõ mồn một, nhưng lần này cô lại hết sức bình tĩnh. Cô đánh diêm, ngắm nhìn que diêm bốc cháy, lá cờ tam giác bé con rực lửa, phập phù trong làn gió tự dịch chuyển, dịch chuyển đến rìa ngón tay cô, cô thổi phù một cái dập tắt nó, chỉ còn lại một đoạn cán cờ cháy đỏ tí hon, rồi cán cờ cũng khô quắt lại, rủ xuống bóng ma xám xịt co quắp. Cô vứt que diêm đã cháy hết vào trong khay hương. Chuyện xảy ra hôm nay, cô không hề cố ý, song bất luận thế nào, cô cũng đã cho bọn họ trắng mắt. Họ tưởng đời cô đã hết rồi sao? Còn sớm chán! Cô mỉm cười. Trong lòng Bảo Lạc chắc chắn cũng đang chửi cô, thậm chí chửi còn khó nghe hơn những lời của mợ Tư. Nhưng cô biết tuy Bảo Lạc hận cô, song cô bé cũng phải nhìn lại chị mình với một thái độ kính cẩn. Một người con gái, dẫu có tốt đẹp hơn nữa, nếu đã không có được tình yêu của người khác giới, cũng sẽ không có được sự tôn trọng của những người đồng giới. Ở điểm này, đàn bà con gái nhỏ mọn như vậy đấy.

Phạm Liễu Nguyên có thật lòng thích cô không? Điều này cũng chưa chắc. Những lời anh ta nói với cô, một câu cô cũng chẳng tin được. Cô nhận ra cái thói quen nói dối phụ nữ của anh ta, cô không thể không thận trọng - bởi cô là người tứ cố vô thân, cô chỉ có mỗi mình cô thôi. Chiếc xường xám cánh ve màu nguyệt bạch cô vừa cởi ra được mắc trên giá. Cô khom người ngồi xuống, ôm lấy phần gối của chiếc xường xám, trang trọng áp mặt lên. Khói xanh từ cây hương muỗi chờn vờn từng lọn, bốc thẳng vào trong óc. Trong mắt cô, nước mắt lấp lánh như sao.

Mấy hôm sau, bà Từ lại đến Bạch công quán. Mợ Tư đã dự đoán trước từ lâu, bảo rằng: “Bà cô Sáu nhà chúng ta phá đám như vậy, chắc việc của con bé Bảy hỏng rồi. Bà Từ chẳng lẽ không giận sao? Bà Từ đã trách bà cô Sáu, liệu còn chịu giới thiệu cho nó không? Như thế gọi là trộm gà không xong mất nắm thóc đấy!” Bà Từ quả nhiên không hề hăng hái như trước, mà lại vòng vo giải thích vì sao hai hôm nay bà không đến nhà chơi. Rằng ông nhà có việc quan trọng phải đi Hồng Kông thương thuyết, nếu như mọi việc thuận lợi, dự định sẽ thuê nhà ở Hồng Kông, ở lại đó cỡ sáu tháng nửa năm, cho nên hai hôm nay bà bận thu dọn hành lý, chuẩn bị đi cùng ông ấy. Còn việc của Bảo Lạc, anh họ Phạm kia đã không còn ở Thượng Hải nữa rồi, đành tạm thời gác lại đã. Người định giới thiệu cho Lưu Tô là anh họ Khương kia, bà Từ thăm dò được, thì ra anh này đã có người rồi, nếu muốn tách họ ra, cũng hơi phiền phức. Theo lời bà Từ thì loại người này không đáng tin cậy, coi như bỏ qua. Mợ Ba, mợ Tư nghe được lời này, đôi bên đều đánh mắt với nhau, nhếch mép cười khẩy.

Bà Từ tiếp sau đó cau mày nói: “Ông nhà tôi có không ít bạn bè ở Hồng Kông, chỉ tiếc là nước xa không cứu được lửa gần... cô Sáu mà có thể đến đó một chuyến, có khi sẽ nhiều cơ hội hơn. Hai năm nay, người Thượng Hải ở Hồng Kông, cứ gọi là nhân tài tề tựu. Người Thượng Hải đương nhiên là thích người Thượng Hải, cho nên những cô tiểu thư đồng hương nghe nói rất được chào đón ở bên đó. Cô Sáu sang Hồng Kông, lo gì không có người tương xứng? Ở đó cứ gọi là vốc được cả nắm rồi tha hồ chọn!” Mọi người cảm thấy bà Từ rất khéo ăn nói. Hai hôm trước còn ầm ĩ vụ làm mai làm mối, thoắt một cái bỗng dưng im tịt, ngay bản thân bà Từ sau đó cũng khó xử, giờ lại đánh trống lảng, nói mấy câu đãi bôi, bà cụ Bạch nghe xong liền thở dài nói: “Đi Hồng Kông một chuyến, nói sao dễ thế! Riêng cái chuyện...” Không ngờ bà Từ liền cắt ngang lời bà cụ bằng một giọng rất sảng khoái: “Cô Sáu mà đồng ý đi, em sẽ mời cháu nó đi, em đã nhận lời giúp đỡ cháu, em sẽ giúp đến cùng.” Mọi người ngơ ngác quay sang nhìn mặt nhau, ngay cả Lưu Tô cũng thấy sững sờ. Cô đoán lúc đầu bà Từ nhiệt tình bảo sẽ làm mối cho mình, chắc là vì lòng trượng nghĩa nhất thời, bà đồng cảm với cảnh ngộ của mình thật. Vì cô mà bà ấy phải chạy đi chạy lại tìm kiếm người này người khác, lại bày cả tiệc rượu mời anh họ Khương, mối giao tình này hẳn là có thật. Nhưng đằng này là bỏ tiền bao cô đi Hồng Kông, mà số tiền đâu có nhỏ. Vì sao bà Từ không dưng lại chi cho cô một đống tiền như vậy? Người tốt trên đời này tuy nhiều, nhưng chẳng có mấy kẻ ngốc tình nguyện chi tiền để làm người tốt. Bà Từ chắc chắn có mưu đồ gì, lẽ nào lại là quỷ kế của Phạm Liễu Nguyên? Bà Từ từng nói chồng bà và Phạm Liễu Nguyên có quan hệ mật thiết trong việc làm ăn, hai vợ chồng này chắc rất nhiệt tình nịnh bợ anh ta đây. Hy sinh một người bà con cô quả không mấy liên quan đến mình để xu nịnh kẻ khác, cũng là việc có thể xảy ra. Thấy Lưu Tô đứng đó suy nghĩ miên man, bà cụ Bạch liền bảo: “Vậy không được, dù sao cũng không thể để bà...” Bà Từ cười khì khì nói: “Không sao đâu, chuyện vặt ấy mà, em làm được! Vả lại, em còn nhờ cô Sáu giúp vài việc. Em lôi hai đứa trẻ con đi theo, huyết áp em lại cao, không thể mệt quá, trên đường đi có cô Sáu, dù sao cũng hỗ trợ được. Em không coi cháu nó là người ngoài, sau này cũng phải nhờ cháu nó vất vả thêm nữa là!” Bà cụ Bạch khách sáo thay Lưu Tô một hồi. Bà Từ quay đầu lại, hỏi thẳng Lưu Tô: “Vậy Lưu Tô này, cháu cứ đi với chú thím một chuyến đi! Cho dù là đi chơi, cũng đáng mà!” Lưu Tô cúi đầu, mỉm cười đáp: “Thím đối xử với cháu tốt quá!” Cô lập tức suy tính, chuyện với anh họ Khương đã vô vọng, sau này dù có người làm mối giúp cô, cũng bất quá là tìm được người tầm tầm như anh họ Khương thôi, có khi còn chẳng bằng nữa. Bố của Lưu Tô là một tay cờ bạc có tiếng, cũng vì cờ bạc mà khuynh gia bại sản, là người đầu tiên dẫn dắt cả nhà họ đi vào con đường lụn bại. Bàn tay của Lưu Tô chưa từng chạm vào con xúc xắc hay quân bài mạt chược, nhưng cô cũng thích cờ bạc, cô quyết định đặt cược tương lai của mình. Nếu cô thua, cô sẽ thân bại danh liệt, không còn tư cách làm mẹ kế của năm đứa trẻ nữa. Nếu như đánh thắng, cô có thể giành được Phạm Liễu Nguyên, người mà biết bao kẻ luôn nhìn thèm muốn, để xả một bầu tức giận bấy lâu trong lòng cô.

Cô nhận lời bà Từ, nội trong một tuần bà Từ sẽ lên đường. Lưu Tô bèn sửa soạn hành lý. Tuy cứ bảo chẳng có đồ đạc gì nhiều, không cần thu xếp, nhưng cũng vẫn nhì nhằng mất mấy ngày. Bán mấy món đồ lặt vặt lấy ít tiền, may thêm mấy bộ quần áo. Bà Từ trăm công ngàn việc nhưng vẫn tranh thủ thì giờ làm cố vấn cho Lưu Tô. Việc bà Từ vun vén cho Lưu Tô như vậy, người của Bạch công quán rất để ý, dần dần cũng thấy hứng thú với Lưu Tô, ngoài chuyện nghi ngờ cô ra, họ cũng có mấy phần e ngại, sau lưng thì bàn tán xôn xao, trước mặt thì không còn chửi thẳng mặt như trước nữa, thi thoảng cũng gọi một tiếng “em Sáu”, “cô Sáu”, “tiểu thư Sáu”, chỉ sợ cô được gả cho tay tỉ phú Hồng Kông nào thật, sau này áo gấm về làng, mọi người cũng phải chường ra cái chỗ để nhìn mặt nhau, chẳng dám đắc tội với cô.

Ông bà Từ mang theo con nhỏ cùng đáp xe đến đón Lưu Tô lên tàu, ngồi khoang hạng nhất của một con tàu Hà Lan. Tàu nhỏ, rung lắc dữ, ông bà Từ vừa lên tàu đã ngủ vật ra, nôn ọe liên hồi, hai đứa trẻ con bên cạnh thì gào khóc quấy suốt, thành ra Lưu Tô phải phục vụ nhà họ đến mấy hôm trời. Dọc đường vất vả, mãi tàu mới cập bến, bấy giờ cô mới có cơ hội lên boong ngắm biển, đó là một buổi chiều đỏ rát, nhìn ra xa, thứ bắt mắt nhất là những tấm biển quảng cáo cỡ lớn xung quanh bến tàu, nào đỏ, nào hồng, nào da cam, tất cả đều in trên nền biển xanh ngắt, từng sọc từng sọc, từng vầng từng vầng, những sắc đối lập đầy kích thích, mảng trồi lên mảng hằn xuống. Lưu Tô nghĩ bụng, nếu có sảy chân ngã ở cái thành phố phô trương này, e là sẽ đau hơn ngã ở nơi khác, nghĩ tới đó trong lòng bỗng thấp thỏm không yên. Chợt cảm thấy có người chạy tới ôm chầm lấy chân mình, suýt bị xô ngã, Lưu Tô giật thót mình, quay lại nhìn, thì hóa ra là đứa con của bà Từ, cô vội định thần lại, qua giúp bà Từ thu xếp mọi thứ, ai ngờ ngót mười kiện hành lý với hai đứa bé con, không sao chịu quy về một chỗ, hành lý đủ thì thoắt một cái lại thiếu đứa trẻ con, Lưu Tô tất tưởi chạy đi chạy lại, chẳng buồn ra xem cảnh biển nữa.

Lên bờ, họ liền gọi hai xe taxi chở đến khách sạn ở Vịnh Nước Nông. Chiếc xe chạy ra khỏi khu chợ ồn ào, băng qua đồi núi, đi hơn tiếng đồng hồ, dọc đường chỉ thấy rặt những sườn đất vàng, đất đỏ, ở những chỗ hổng trên sườn đất lộ ra lùm cây rậm rạp, lộ ra bờ biển xanh lam. Gần tới Vịnh Nước Nông, cũng vẫn là những sườn đất và lùm cây như thế, nhưng dần tươi sáng hơn. Rất nhiều người đi chơi núi trở về, đáp xe đi vụt qua xe họ, xe nào cũng chở đầy hoa, gió thổi bạt đi những tiếng cười rộn rạo.

Đến trước cửa khách sạn, song không thấy khách sạn đâu. Họ xuống xe, bước trên những bậc đá rộng rãi, lên tới một khoảng đất trống nhô cao, xung quanh cây cỏ xác xơ, mới thấy ở quãng cao hơn nữa có hai ngôi nhà màu vàng. Ông Từ đã đặt phòng từ trước, những người phục vụ dắt họ men theo con đường đá cuội đi lên, bước vào trong nhà ăn vàng vọt, đi ngang qua dãy hành lang vàng vọt, đi lên tầng hai, rẽ ngoặt sang liền có một cánh cửa thông ra ban công nhỏ, dựng giàn hoa đậu tía, một nửa vách đón lấy nắng chiều. Ngoài ban công có hai người đang đứng trò chuyện, chỉ thấy một người con gái đứng quay lưng vào họ, buông xõa mái tóc dài đen nhánh chấm đến mắt cá chân, trên mắt cá chân là một chiếc vòng hoa đay bằng vàng, để chân trần, phía dưới cũng không thấy rõ có đi dép hay không, chỉ biết phía trên hơi lộ ra một đoạn quần bó ống kiểu Ấn Độ. Người đàn ông bị che khuất bởi phụ nữ kia, bất chợt thốt lên một tiếng: “Ôi! Bà Từ!” Nói xong liền bước tới chào hỏi, rồi gật đầu mỉm cười với Lưu Tô. Lưu Tô trông thấy Phạm Liễu Nguyên, tuy đã sớm lường được việc này, con tim vẫn không tránh khỏi loạn nhịp. Người phụ nữ ngoài ban công trong nháy mắt đã mất hút. Liễu Nguyên đi cùng họ lên lầu. Dọc đường mọi người không ngừng tỏ vẻ ngạc nhiên lẫn vui sướng như thể gặp lại cố nhân nơi đất khách quê người. Anh chàng Phạm Liễu Nguyên này tuy chưa đủ để gọi là đẹp trai, nhưng sự thô ráp tạo nên nét phong độ của anh ta. Vợ chồng ông Từ sai bảo đám phục vụ vận chuyển hành lý, Liễu Nguyên và Lưu Tô bước đi ở phía trước, Lưu Tô mỉm cười hỏi: “Anh Nguyên không phải đi Tân Gia Ba nữa à?” Liễu Nguyên khẽ trả lời: “Tôi ở đây đợi em mà.” Lưu Tô không ngờ anh ta lại thẳng thắn như vậy, liền không tiện hỏi thêm, chỉ sợ nói trắng ra không phải bà Từ mời cô đến Hồng Kông mà do anh ta mời, bản thân cô sẽ chẳng có chỗ nào lui bước, vì vậy đành coi như anh ta nói đùa, chỉ nhoẻn miệng cười một cái.

Liễu Nguyên hỏi thăm, biết phòng cô là phòng 130, bèn đứng lại nói: “Đến rồi!” Người phục vụ rút chìa khóa ra mở cửa, Lưu Tô vừa vào phòng liền đi thẳng đến bên cửa sổ, cả căn phòng giống như một khung tranh vàng sạm, khảm vào trong cửa sổ một bức tranh lớn. Sóng biển cuồn cuộn, bắn thẳng lên cửa sổ phòng Lưu Tô, khiến viền bức rèm nhuốm cả màu xanh lam. Liễu Nguyên nói với người phục vụ: “Đặt hòm ở trước tủ ấy!” Lưu Tô nghe thấy tiếng anh ta nói ở ngay bên tai, bất giác giật mình, quay mặt lại, người phục vụ đã ra khỏi phòng, nhưng cửa phòng chưa đóng. Liễu Nguyên tựa vào cửa sổ, đưa một cánh tay ra chống lên song cửa, che khuất ánh mắt của Lưu Tô, chỉ chăm chăm nhìn cô mỉm cười. Lưu Tô cúi đầu xuống. Liễu Nguyên cười nói: “Em biết không? Sở trường của em là cúi đầu.” Lưu Tô ngẩng đầu lên cười nói: “Gì cơ? Tôi không hiểu.” Liễu Nguyên đáp: “Có người giỏi nói chuyện, có người lại giỏi cười, có người giỏi quản việc nhà, còn em thì giỏi cúi đầu.” Lưu Tô nói: “Tôi chẳng giỏi gì đâu, tôi là người vô dụng lắm.” Liễu Nguyên cười nói: “Người đàn bà vô dụng lại là người đàn bà ghê gớm nhất đấy!” Lưu Tô cười, bước sang một bên nói: “Không nói chuyện với anh nữa, sang phòng bên cạnh xem sao đã!” Liễu Nguyên đáp: “Phòng bên cạnh? Phòng tôi hay phòng bà Từ?” Lưu Tô lại giật mình nói: “Anh ở phòng kế bên ạ?” Liễu Nguyên nói đỡ hộ cô: “Phòng tôi loạn xị bát nháo lắm, không thể để ai trông thấy được.”

Anh ta gõ cửa phòng 131, bà Từ mở cửa để họ vào, rồi nói: “Sang bên tôi uống trà đi, phòng chúng tôi có gian phòng khách con.” Đoạn liền bấm chuông gọi mấy món điểm tâm ăn kèm với trà lên. Ông Từ ở trong phòng ngủ bước ra nói: “Tôi vừa gọi điện cho ông Chu, ông này cứ nhặng lên đòi tiếp đón, mời mọi người chúng ta tới khách sạn Hồng Kông. Hôm nay ấy!” Đoạn nói riêng với Liễu Nguyên: “Có cả chú nữa!” Bà Từ nói: “Ông có nhã hứng thật đấy, say tàu mấy ngày giời, còn không tranh thủ nghỉ ngơi? Bữa tối nay thôi bỏ đi.” Liễu Nguyên cười đáp: “Khách sạn Hồng Kông là vũ trường cổ điển nhất tôi từng thấy. Từ kiến trúc, ánh đèn, cách bố trí, cho đến dàn nhạc đều theo kiểu cũ của Anh quốc, bốn năm chục năm trước là thời thượng lắm đấy, nhưng giờ thì không sốc mấy nữa rồi. Quả thực không có gì đáng xem nữa, trừ phi là mấy thằng Tây quái đản, giữa trời nóng bức, bắt chước theo người phương Bắc quấn vải quanh chân...” Lưu Tô nói: “Vì sao vậy?” Liễu Nguyên trả lời: “Cảm nhận tâm hồn Trung Hoa ấy mà!” Ông Từ cười nói: “Đã đến đây rồi, dù gì cũng phải đi xem xem, chú chịu khó đi theo vậy!” Liễu Nguyên cười đáp: “Em không dám nói chắc đâu, đừng đợi em.” Lưu Tô thấy anh này có vẻ không muốn đi, ông Từ lại không phải là người năng tới vũ trường, hiếm khi nào vui vẻ như thế, dường như thật lòng muốn giới thiệu bạn bè cho cô, cô lại bắt đầu thấy ngờ vực.