Chuyện Tình Giai Nhân - Chương 6 phần 2
Quý Trạch thoạt tiên ngẩn người ra, sau đó liền đứng dậy nói: “Tôi đi là được chứ gì. Chị không sợ ai, nhưng tôi thì sợ. Cũng phải giữ cho anh hai tôi một chút thể diện chứ!” Thất Xảo vịn ghế đứng dậy, thút thít nói: “Tôi đi!” Cô ả rút chiếc khăn trong ống tay áo ra thấm thấm lên mặt, rồi chợt nhoẻn miệng cười, nói: “Như vậy là chú bảo vệ anh hai chú!” Quý Trạch cười nhạt: “Tôi không bảo vệ anh ấy thì ai bảo vệ anh ấy?” Thất Xảo đi ra ngoài cửa, hắng giọng nói: “Chú thì tốt đẹp nỗi gì? Chẳng cần giả vờ trong trắng trước mặt tôi đâu! Tạm chưa nói đến việc chú phóng đãng thế nào ở bên ngoài, chỉ riêng trong cái phòng này... đến hạt cát cũng chẳng qua được mắt chị đây đâu! Đừng nói tôi là chị dâu chú, kể cả tôi là vú nuôi chú, có khi chú cũng chẳng ngần ngại.” Quý Trạch cười đáp: “Tôi vốn buông tuồng, tránh sao được bị chị bới móc!” Thất Xảo toan ra khỏi phòng, song lại áp lưng lên cánh cửa, khẽ giọng nói: “Tôi thật không hiểu, tôi có chỗ nào không bằng người ta? Có chỗ nào không ổn...” Quý Trạch cười: “Chị hai à, chị có chỗ nào không ổn vậy?” Thất Xảo cười một tiếng, nói: “Chẳng lẽ tôi ở với người tàn tật thì ám cái hơi tàn tật, đến động chạm cũng không dám sao?” Cô ả mở to mắt nhìn trân trối về phía trước, đôi khuyên tai nhỏ bằng vàng đúc trên vành tai giống như hai cái đinh đồng đính cô lên cánh cửa, tiêu bản của một con bướm nằm trong hộp kính, trông kiều diễm nhưng rất thê thảm.
Quý Trạch ngắm nhìn Thất Xảo, lòng hơi xao xuyến. Nhưng như vậy không được, cho dù là chơi bời, Quý Trạch luôn giữ nguyên tắc không động chạm vào người trong nhà, bởi một khi sự rạo rực nhất thời qua đi, thì sau đó có muốn trốn cũng không được, muốn bỏ cũng không xong, cả ngày cứ sờ sờ trước mắt, sẽ chỉ là một gánh nặng đèo bòng. Huống hồ, cái miệng của Thất Xảo lại ton hót như thế, tính khí lại bộp chộp như thế, làm sao mà giấu giếm được ai? Huống hồ, mối quan hệ của cô nàng này với mọi người không tốt, trong nhà từ trên xuống dưới chẳng ai muốn dây dưa với cô ta, có lẽ cô ta cũng mặc xác tất thảy, dẫu có gây ra chuyện rùm beng cũng bỏ mặc ngoài tai. Nhưng Quý Trạch thì lại trẻ trung phơi phới, đâu cần gì phải mạo hiểm như vậy, anh ta dõng dạc nói: “Chị hai ạ, tuy tôi sinh sau đẻ muộn, nhưng quyết không phải là đứa tùy tiện vô lối.”
Dường như có tiếng bước chân. Quý Trạch lập tức vén vạt áo, lẻn ngay vào buồng bà, trước khi đi còn vốc một nắm lớn nhân hồ đào. Thần trí Thất Xảo vẫn hơi mơ màng, mãi đến khi có người đẩy cửa, mới hoàn hồn lại, đành tương kế tựu kế nấp vào sau cánh cửa, thấy Đại Trân bước vào phòng, liền nhón chân ra vỗ vào sau lưng Đại Trân một cái. Đại Trân miễn cưỡng cười, nói: “Thím hứng chí thế!” Rồi ngó lên mặt bàn nói: “Ơ? Hồ đào còn mỗi ngần này thôi à, ăn gần hết rồi còn gì. Chắc lại là chú ba chứ còn ai vào đây nữa!” Thất Xảo dựa vào bàn, lặng đứng nhìn ra ban công. Đại Trân ngồi xuống, làu bàu: “Người ta vất vả bóc cả sáng, chú ấy lại ngồi ăn sẵn!” Thất Xảo siết một mảnh vỏ hồ đào sắc nhọn trong tay, hằn học cào lên tấm khăn trải bàn màu đỏ, hết cào trái, lại cào phải, tấm vải xồ lông lên như sắp rách. Cô ả nghiến răng nói: “Tiền với chả nong, cứ bảo chúng ta phải chi tiêu dè sẻn, nhưng mình dè sẻn, thì người ta cầm tiền ra ngoài vung tay quá trán! Tôi là tôi ức lắm!” Đại Trân liếc nhìn Thất Xảo, hờ hững nói: “Thì cũng hết cách rồi đấy thôi. Người đông nên nó thế, trước mặt mình thì người ta không đi, nhưng sau lưng mình thì chắc gì đã không đi, quản được việc này, nhưng làm sao mà quản dược việc khác.” Thất Xảo cảm thấy trong lời của Đại Trân có ý xỏ xiên, định dẩu mỏ móc lại, Tiểu Song vào phòng, rón rén bước tới trước mặt Thất Xảo, thì thào: “Mợ ơi! Cậu cả nhà mợ đến chơi!” Thất Xảo mắng: “Cậu cả nhà tao đến chơi, đâu phải việc gì mờ ám mà mày nói lí nha lí nhí như con kiến thế hả? Bộ trong cổ mày mọc mụn à?” Tiểu Song giật lùi lại một bước, không dám lên tiếng nữa. Đại Trân nói: “Cậu cả nhà mợ hai hóa ra cũng đã chuyển đến Thượng Hải rồi à. Họ hàng chúng ta đến đây đông đủ đấy nhỉ!” Thất Xảo cất bước ra khỏi phòng nói: “Không cho ông ấy đến Thượng Hải sao? Các vùng khác đánh nhau loạn xị, mạng người nghèo đều như cỏ rác!” Thất Xảo đứng giữa bậc cửa, hỏi Tiểu Song: “Đã báo bà chưa?” Tiểu Song đáp: “Chưa ạ!” Thất Xảo ngẫm nghĩ một lát, rốt cuộc cũng không dám vào phòng bà thưa chuyện, đành phải lẳng lặng xuống dưới nhà.
Đại Trân hỏi Tiểu Song: “Cậu cả nhà mợ hai đến một mình à?” Tiểu Song trả lời: “Cả bà vợ nữa, tay còn xách bốn chiếc cặp lồng gỗ.” Đại Trân cười khẩy: “Họ tốn kém quá cơ!” Tiểu Song đáp: “Mợ cả xót họ làm gì. Mang một lô xích xông đến, rồi lại khuân một lô xích xông về ấy mà. Khỏi nói nào vàng, nào bạc, cái tròn, cái dẹt mà làm gì, ngay đến mấy thứ đồng nát dép hỏng nhà mình cũng còn tốt chán!” Đại Trân cười nói: “Đừng có ăn nói thất đức như thế! Ngươi lui xuống đi! Người bên ngoại nhà mợ ấy đến đây cũng khó khăn, hầu hạ không chu đáo, lại nhặng xị lên đấy!”
Tiểu Song đuổi theo ra bên ngoài, Thất Xảo đang đứng ở đầu cầu thang vặn hỏi Lựu Hỷ xem bà có biết việc này không. Lựu Hỷ đáp: “Bà đang tụng kinh, cậu ba vịn cửa sổ ngắm cảnh, bảo là ngoài cửa lớn có khách. Bà hỏi là ai, cậu ba quan sát kỹ, rồi bảo không biết có phải là cậu cả nhà họ Tào không, bà không truy hỏi thêm nữa.” Thất Xảo nghe thấy vậy, đùng đùng nổi giận, giậm chân xuống đất liên hồi, lầm bầm chửi: “Chẳng lẽ mụ cứ giả vờ không biết là xong à! Đến vua còn có họ hàng nghèo nữa là! Giờ thì ra vành ra vẻ thế, sao ngày xưa còn mang sính lễ đến cưới tôi về đây làm gì? Dù gì thì cũng có dây mơ rễ má, đừng nói là hôm nay mụ giả chết, cho dù mụ chết thật ra đấy, người ta cũng không thể không đến lạy ba lạy trước quan tài mụ và mụ cũng không thể từ chối người ta được!” Cô ả vừa nói, vừa đi xuống dưới nhà.
Căn buồng của cô ả, vừa bước vào là có một đống tủ tre sơn vàng chắn cửa, chỉ chừa ra một lối đi cỡ mấy bước chân. Cô ả vén rèm lên, thấy bà chị dâu đang ngồi xổm dỡ từng ngăn cặp lồng xuống, kiểm tra lại thức ăn đựng trong mỗi ngăn xem có bị sánh ra ngoài không. Anh trai của cô ả là Tào Đại Niên chắp tay sau lưng, cúi xuống nhìn. Thất Xảo không nén được nỗi chua xót, tựa vào tủ tre, nép mặt lên lớp vải xanh đen bọc ngoài tủ, nước mắt cứ thế rơi lã chã. Bà chị dâu cuống cuồng đứng thẳng dậy, nhào về phía trước, hai tay nắm chặt lấy một tay cô ả, miệng liên hồi gọi “cô Xảo”. Tào Đại Niên bất giác cũng giơ ống tay áo thấm lên mắt. Thất Xảo đưa tay còn lại ra tháo nút thắt trên lớp vải bọc ngoài tủ, hết tháo rồi lại thắt, có điều không cất được nên lời.
Bà chị dâu quay lại đá mắt cho chồng, bảo: “Anh nói gì đi chứ! Ở nhà suốt ngày lèm bà lèm bèm, giờ gặp mặt em gái, sao cứ như ngậm hột thị thế kia!” Thất Xảo giọng run run: “Cũng chẳng trách anh ấy không nói được lời nào... anh ấy đâu còn mặt mũi nào đến gặp tôi!” Đoạn, cô ả nói với anh mình: “Tôi cứ nghĩ cả đời này anh không định bước vào cái cửa nhà này nữa! Anh hại tôi thảm lắm rồi! Anh phủi áo một cái là bỏ đi được, nhưng tôi đâu có bỏ đi được. Anh cũng chẳng thèm đoái hoài xem em gái anh sống chết thế nào.” Tào Đại Niên nói: “Cô nói kiểu gì vậy? Người ngoài nói vậy còn được, nhưng sao cô cũng nói thế! Cô không giấu giếm cho anh cô, cái mặt cô cũng rạng rỡ lắm đấy!” Thất Xảo lên giọng: “Tôi không nói, nhưng tôi không cấm được người khác nói. Chính vì anh, tôi tức phát điên cả người. Hôm nay anh lại còn định nói chẹn họng tôi phải không!” Bà chị dâu vội nói: “Là lỗi của anh ấy! Là lỗi của anh ấy! Cô phải chịu ấm ức quá rồi. Mà cô ấm ức đâu phải có mỗi chuyện này, thôi tốt xấu gì thì cũng nhịn đi vậy, thế nào cũng có ngày nở mày nở mặt.” Câu nói “cô ấm ức đâu phải có mỗi chuyện này” của bà chị dâu đã xoáy sâu vào tâm khảm cô ả. Thất Xảo khóc rống lên ai oán, bà chị dâu cuống quýt, xua tay lia lịa: “Đừng làm ầm lên, kẻo đánh thức chú, cô ơi!” Trên chiếc giường lớn làm bằng gỗ tử nam nơi góc phòng tối tăm, tấm màn the vẫn rủ xuống trong thinh lặng. Chị dâu Thất Xảo lại nói: “Chú vẫn đang ngủ hả cô? Đánh thức chú, chắc chú giận đấy!” Thất Xảo cao giọng: “Thằng cha ấy mà biết tức giận, thì đã mừng!” Chị dâu cô ả sợ hãi, vội bịt miệng cô ả lại: “Chớ chớ bà cô ơi! Người bệnh nghe được, trong lòng khó chịu lắm đấy!” Thất Xảo nói: “Thằng cha ấy khó chịu, còn tôi thì dễ chịu lắm đấy?” Bà chị dâu nói tiếp: “Chú ấy vẫn bị cái bệnh loãng xương đấy à!” Thất Xảo trả lời: “Thế còn chưa đủ sao, còn định mắc thêm bệnh gì nữa? Cái nhà này đều kiêng không dám nói đến từ ‘bệnh lao’, nhưng nói thẳng toẹt ra, không phải bệnh lao xương thì là bệnh gì?” Bà chị dâu nói: “Cả ngày nằm đấy, có lúc nào ngồi dậy được một lát không cô?” Thất Xảo cười khanh khách: “Ngồi dậy, xương cột sống nó mà sụm cho, thì thằng cha ấy chẳng cao bằng thằng con ba tuổi của tôi.” Bà chị dâu nhất thời không nghĩ ra câu gì khuyên nhủ, cả ba người đều đứng ngây ra một lúc. Thất Xảo giẫm mạnh chân xuống đất, nói: “Thôi anh chị về đi! Về đi! Anh chị đến đây, chỉ khiến tôi thêm hổ nhục vì những chuyện trước kia. Tôi không chịu nổi sự giày vò này đâu! Anh chị mau về đi cho tôi nhờ!”
Tào Đại Niên nói: “Cô nghe anh nói một câu! Cho dù bây giờ lòng cô bứt rứt thế nào, có nhà ngoại đến thăm, ít nhiều cũng đỡ đi, cũng là ngày cô nở mày nở mặt, chứ cái nhà họ Khương này là danh gia vọng tộc, bề trên thì hễ động một tí là vu oan giá họa cho người khác, còn bọn bằng vai phải lứa thì đứa nào cũng như hùm như hổ, có ai dễ động vào đâu? Anh nghĩ cho cô, tính ra cô cũng cần có người trợ thủ. Sau này, còn nhiều lúc còn phải cần đến anh và cháu!” Thất Xảo phì ra một tiếng, nói: “Tôi mà cần đến anh giúp thì tôi xúi quẩy quá rồi! Tôi rõ cái loại anh quá đi chứ, đấu lại người ta, thì anh đến gặp tôi tính công đòi nợ, đấu không lại người ta, thì anh ngả luôn về bên ấy. Gặp phải quan nha thì mất cả hồn vía, co đầu rụt cổ, bỏ mặc tôi sống chết.” Đại Niên đỏ cả mặt, cười nhạt: “Đợi đến lúc tiền vào tay cô để cô phải lo chia cho anh cô thì giờ hẵng còn sớm chán!” Thất Xảo đáp: “Anh đã biết tiền còn chưa vào tay tôi, sao cứ nhằng nhẵng đến chỗ tôi làm gì?” Đại Niên dằn dỗi: “Không quản đường sá xa xôi đến đây thăm cô, hóa ra là anh chị sai! Về! Chúng ta về! Nói thật nhé, anh có dùng một hai đồng của cô, cũng là đáng thôi, ngày xưa anh mà tham tiền hám của, anh đã đòi nhà họ Khương thêm mấy trăm lạng bạc, bán đứt cô về làm con hầu cho nhà họ rồi.” Thất Xảo nói: “Thì bây giờ làm vợ cả cũng có khác gì con hầu đâu? Anh thả con săn sắt, bắt con cá rô chứ gì!” Đại Niên định vặc lại, vợ liền ngăn, nói: “Anh nói bớt một câu đi! Sau này còn có ngày gặp mặt nhau nữa đấy! Về sau, khi nào bà cô này nhớ đến anh, lúc ấy mới biết mình có mỗi ông anh ruột thôi!” Đại Niên hối thúc vợ sắp xếp lại cặp lồng, xách lên định ra về. Thất Xảo nói: “Tôi thèm vào! Đợi lúc tôi có tiền rồi, tôi chẳng lo là anh không đến, tôi chỉ sợ có đuổi anh cũng chẳng đi thôi.” Tuy mồm nói cứng, nhưng không thể nén nổi tiếng khóc tấm tức, tiếng nào rõ tiếng ấy, một bầu uất nghẹn cả buổi sáng nhân dịp này phát tiết hết ra ngoài.
Bà chị dâu thấy cô ả rõ ràng còn chút lưu luyến, bèn cố sống cố chết khuyên chồng, một mặt vừa ôm vừa dìu cô em ngồi xuống cái ghế hoa lê, phân trần hết nhẽ, Thất Xảo dần dần nín khóc. Anh trai em gái, chị dâu em chồng hàn huyên mấy chuyện nhà. Tình hình miền Bắc coi như đã tạm lắng, cửa hàng dầu mè của nhà họ Tào vẫn kinh doanh như trước. Vợ chồng Đại Niên đến Thượng Hải lần này là vì anh con rể chưa cưới chính thức đang làm quản gia cho nhà người ta, vào thời kỳ Quang Phục thì vừa khéo ở ngay Hồ Bắc, sau đó lại cùng ông chủ loanh quanh một hồi rồi tới Thượng Hải, bởi thế Đại Niên phải đích thân đưa con gái đến đây để thành hôn, nhân tiện qua thăm Thất Xảo. Đại Niên hỏi thăm nhà họ Khương từ trên xuống dưới, rồi lại muốn tham kiến bà lớn, Thất Xảo đáp: “Không gặp cũng chẳng sao, em đang phát bực lên với mụ ấy đây.” Vợ chồng Đại Niên nghe vậy đều ngạc nhiên, Thất Xảo nói tiếp: “Sao không bực cơ chứ? Cả cái nhà này, đứa nào cũng đạp lên đầu em, em mà dễ bắt nạt, em đã bị chúng nó giẫm chết từ lâu rồi, dẫu là như thế, nhưng em vẫn điên hết cả người!” Chị dâu cô nói: “Cô Xảo dạo này có còn hút không, thuốc phiện vừa mát gan lại vừa dẫn khí, chẳng loại thuốc nào bằng. Nhưng cô phải tự giữ sức khỏe đấy, anh chị không ở bên, biết lấy ai quan tâm săn sóc?”
Thất Xảo dốc hòm lấy ra mấy vuông vải loại mới tặng cho chị dâu, kèm theo một chiếc vòng vàng nặng bốn lạng, một đôi trâm cài đầu có hình sen lẩn trong mây, một ruột chăn bông, các cháu gái mỗi đứa được một chiếc móc ráy tai bằng vàng, các cháu trai thì hoặc là một thoi vàng, hoặc là một chiếc mũ ấm bằng da chồn, ngoài ra còn tặng cho anh trai một chiếc đồng hồ quả quýt Cảnh Thái Lam hình con ve vàng, anh chị cô ả nhận quà, cứ cảm ơn rối rít. Thất Xảo nói: “Anh chị đến không đúng lúc, nếu vào lúc chuẩn bị chuyển đi ở Bắc Kinh, những thứ không cầm theo được phải chia ra làm mấy hòm đem cho bọn bảo mẫu a hoàn, bọn ấy đâm ra lại vớ bở.” Nói ra khiến hai vợ chồng ông anh cứ xuýt xoa. Trước lúc ra về, bà chị dâu nói: “Anh chị bận làm xong việc của cháu, rồi sẽ quay lại thăm cô!” Thất Xảo cười đáp: “Không quay lại cũng được, em chẳng tiếp nổi đâu!”
Vợ chồng Đại Niên ra khỏi cửa nhà họ Khương, bà vợ bèn nói: “Cái cô nhà mình sao cứ như biến thành người khác thế không biết? Lúc chưa lấy chồng chẳng qua chỉ hơi cứng đầu một tẹo, nói năng lèm bèm một chút, sau đó đến thăm cô ấy thì tuy có nóng nảy hơn ngày xưa, nhưng cũng vẫn còn có chừng mực, chứ chẳng điên điên dở dở như hôm nay, ăn nói không ra đâu vào đâu, chẳng có chỗ nào nghe thuận tai.”
Thất Xảo đứng ở trong phòng, khoanh tay nhìn hai đứa a hoàn Tiểu Song và Tường Vân khiêng hòm đặt về chỗ cũ, chồng từng cái lên nhau. Câu chuyện ngày xưa lại ùa về: Trước mắt là cửa hàng dầu mè thơm phức trên con phố rải đá răm, tủ quầy đen bóng, trong thùng tương mè cắm một cái muôi gỗ, trên chum dầu treo mấy chiếc thìa sắt to, nhỏ. Cái phễu được cắm vào chiếc bình của người mua dầu, một muôi lớn và hai thìa nhỏ là vừa đầy một bình cân rưỡi. Người quen thì tính một cân bốn lạng. Thi thoảng cô ả cũng ra đường đi chợ, quần vải thô màu lam hạ, may kép một lớp lụa hoa bóng. Sau một dãy móc câu đồng san sát treo những tảng thịt lợn, cô ả trông thấy Triêu Lộc đứng bán thịt trong quầy. Triêu Lộc gọi nịnh cô ả là Tào Đại cô nương. Thi thoảng hắn gọi là chị Xảo, cô ả liền đập lòng bàn tay lên các sống móc, vô số móc câu không văng về phía trước như móc vào mắt của Triêu Lộc, Triêu Lộc gỡ một tảng mỡ lợn to cỡ một thước trên móc xuống, thảy mạnh lên mặt phản thịt, một luồng gió âm ấm phả lên mặt cô, thứ mùi xác chết tanh tưởi... Cô ả cau đôi mày. Người chồng của cô ả đang nằm ngủ trên giường cũng là một tảng thịt không còn sự sống...
Gió lọt qua song cửa, tấm gương dài chạm trổ hoa văn liên hoàn bị thổi đung đưa, va lách cách vào tường. Hai tay Thất Xảo giữ lấy tấm gương. Trong gió, bức rèm trúc và bộ bình phong sơn thủy vàng lục ánh qua gương vẫn rung rinh như cũ, nhìn hồi lâu, liền có cảm giác như say sóng. Khi định thần nhìn lại, sắc xanh của rèm trúc đã nhạt màu, thay cho bức bình phong sơn thủy vàng lục là tấm ảnh thờ của người chồng quá cố, người trong gương cũng đã già đi chục tuổi.
Năm ngoái cô ả đội tang chồng, năm nay mẹ chồng lại mất. Giờ thì chính thức phải đưa ông chú Chín đứng ra chia nhà cho họ, hôm nay là ngày hội tụ mọi thứ ảo tưởng kể từ sau khi cô ả được gả đến nhà họ Khương. Bấy nhiêu năm nay, cô ả đeo đẳng một thứ gông bằng vàng, có điều đến mép vàng cô ả cũng chưa từng cắn tới được, nhưng từ nay về sau thì khác rồi. Thất Xảo vận áo lụa vân trắng, váy đen, song khuôn mặt lại như được đánh phấn, từ khóe mắt hoen đỏ tới gò má nóng bừng. Thất Xảo đưa tay vuốt mặt, khuôn mặt nóng giãy, nhưng người lại lạnh run. Cô ả gọi Tường Vân mang tới một cốc trà. (Tiểu Song đã đi lấy chồng từ lâu, Tường Vân cũng được gả cho một tên người ở). Hớp trà đưa vào miệng, trôi xuống lồng ngực một cách nặng nhọc, quả tim đập thình thịch trong nước trà nóng. Thất Xảo ngồi quay lưng vào tấm gương, hỏi Tường Vân: “Ông Chín cả chiều đến giờ, vẫn ngồi trong phòng lớn kiểm kê cùng Mã sư gia phỏng?” Tường Vân “dạ” một tiếng. Thất Xảo lại nói: “Cậu mợ cả với cậu mợ ba đều không ở đấy?” Tường Vân lại “dạ” một tiếng. Thất Xảo nói: “Còn vào phòng những ai nữa?” Tường Vân đáp: “Còn loanh quanh trong thư phòng của các anh nữa ạ.” Thất Xảo nói: “May mà đống sách của anh Bạch nhà ta không ngại để họ kiểm tra... Năm nay thằng bé này cũng thiệt thòi, bố và bà nội lần lượt qua đời, nó mà còn có tâm trí đọc sách, thì nó không phải là người!” Cô ả uống nốt chén trà, dặn Tường Vân xuống xem xem trong phòng lớn người nhà mợ cả, mợ ba đã đến đủ chưa, kẻo mình đến sớm, tỏ ra sốt sắng quá người ta lại chê cười. Phòng mợ cả cũng vừa khéo sai một đứa a hoàn ra thăm dò, gặp ngay phải Tường Vân.
Cuối cùng Thất Xảo chậm rãi bước xuống dưới lầu. Trong gian phòng lớn đặt tạm một chiếc bàn ăn rộng làm bằng gỗ mun, bên trên là một mặt kính, ông Chín ngồi riêng ở một phía, trước mặt ngổn ngang một đống sổ sách bìa vải xanh, nhãn phớt đỏ, và một chiếc bát uống trà sọc dưa. Xung quanh, ngoài Mã sư gia ra, còn đặc biệt mời thêm một người “họ hàng công tâm”, gần với tính chất của một vị bồi thẩm viên. Mỗi nhà chỉ phái một người đàn ông ra làm đại diện, nhà cả có cậu lớn, nhà thứ cậu hai mất thì mợ hai đứng ra, nhà út thì là cậu ba. Quý Trạch biết là cái ngày tổng kiểm kê này chẳng có ích lợi gì với anh ta, vì thế anh ta đến muộn nhất. Song dù sao thì cũng đã đến rồi, anh ta hoàn toàn không muốn để lộ ra vẻ mặt sốt sắng hay ảo não gì. Trên mặt vẫn là nụ cười đỏ hồng, béo tốt. Trong ánh mắt vẫn là vẻ bất cần đầy phóng túng.
Ông Chín đằng hắng lên một tiếng, thông báo vắn tắt một lượt về tình hình kinh tế của nhà họ Khương, đoạn lại lật sổ sách ra đọc những nhà cửa đất đai trọng yếu hiện có cùng thu nhập hằng năm. Thất Xảo đan chéo hai tay đặt trước bụng, người ngả về phía trước, cố gắng tự mình giải thích từng câu nói của ông Chín, đối chiếu với từng mục trước nay cô ả điều tra được. Nhà ở Thanh Đảo, nhà ở Thiên Tân, đất ở ngoại thành Bắc Kinh, nhà ở Thượng Hải... trong sổ công nợ, khoản nợ của cậu ba kếch xù, sau khi trừ đi một phần thừa kế, anh ta vẫn còn nợ sáu vạn, thế mà nhà mợ cả và nhà mợ hai cũng đành phải chịu, bởi anh ta đã trắng tay. Căn biệt thự kiểu Tây, thứ duy nhất anh ta còn, là mua cho bà dì, cũng đã được đem ra cầm cố. Kỳ dư cũng chỉ còn đồ trang sức hồi môn của bà lớn khi được gả về đây, được chia đều cho ba anh em, phần của Quý Trạch cũng chẳng tiện sung công, bởi đó là chút đồ kỷ niệm mẹ để lại. Thất Xảo đột nhiên kêu lên: “Ông Chín ơi! Chúng con thiệt thòi quá!”
Trong gian phòng lớn vốn im phăng phắc, giờ lại có tiếng xì xào, cứa vào lỗ tai, giống như tiếng lạo xạo sắt gỉ của máy lồng tiếng phim sau khi hỏng. Ông Chín mở tròn mắt nhìn Thất Xảo nói: “Sao? Ngay mấy món trang sức mẹ nó để lại cũng không nỡ cho nó hử?” Thất Xảo đáp: “Huynh đệ tương thân, nợ nần sòng phẳng, anh cả và chị dâu cả đành rằng không lên tiếng, nhưng con thì không thể không vác cái mặt dày này ra nói vài câu được. Con không so được với anh chị cả... Ông chồng quá cố nhà con giá như có tài cán ra làm quan độ hai nhiệm kỳ, của nả dư dả một tí thì con cũng vui vẻ thoải mái thôi, kể cả có xóa hết các khoản nợ của chú ấy hồi trước cũng được. Nhưng ông chồng tội nghiệp nhà con hom hem bệnh tật cả đời, nào có một đồng một cắc nộp quỹ, giờ thì bỏ lại mẹ góa con côi chúng con, trông vào một hai cái đồng tiền tuất sống qua ngày. Con nửa đường đứt gánh, Trường Bạch lại chưa đầy mười bốn, con đường phía sau còn nhọc nhằn lắm ông ạ!” Nói đoạn thì nước mắt ngắn nước mắt dài. Ông Chín nói: “Vậy theo nhà chị thì phải làm sao hử?” Thất Xảo nức nở nói: “Con đâu được phép đưa ra ý kiến gì? Chỉ mong ông Chín cầm cân nảy mực giúp chúng con thôi!” Quý Trạch mặt lạnh như tiền, không lên tiếng, tất cả mọi người trong phòng đều cảm thấy không tiện mở lời. Ông Chín không nén được cơn bực dọc trong lòng, “hừ” một tiếng rồi nói: “Ta phân xử giúp nhà chị đây, chỉ sợ nhà chị không thích nghe! Nhà thứ có ruộng đất nhưng chẳng có người quản lý, nhà ba có người nhưng lại không có đất, ta định kêu anh ba sang quản hộ nhà chị, nhà chị trả cho người ta ít nhiều, chỉ sợ nhà chị không cần chú ấy thôi!” Thất Xảo cười nhạt nói: “Con theo cái ý của ông, chỉ e ông quá cố của con không nghe thôi! Người đâu! Tường Vân đâu! Mau tìm anh Bạch đến đây! Trường Bạch ơi, bố con số khổ lắm! Mới sinh ra đã bệnh tật đầy người rồi, cái đời ông ấy đã ngày nào được sống sung sướng thoải mái đâu, chết đi còn bỏ lại chút máu mủ này, nhưng người ta nào có coi con ra gì, lại còn bày ra trăm mưu ngàn chước tước đoạt của cải của con! Trường Bạch ơi, ai bảo bố con chuốc cho lắm bệnh vào người làm gì, lúc sống thì người ta bắt nạt mình, đến lúc chết rồi thì người ta bắt nạt vợ góa con côi nhà mình! Mẹ thì chẳng hề gì vì mẹ còn sống được mấy năm đâu? Cùng lắm mẹ đến trước linh cữu của bà nói cho rõ ràng mạch lạc, rồi liều cái mạng này là xong. Nhưng Trường Bạch con ơi, con còn nhỏ tuổi, dẫu có ăn đói mặc rách cũng phải sống con nhé!” Ông Chín cáu tiết, đập bàn nói: “Ông mặc kệ! Chúng bay van lơn nài nỉ ông đến đây, chứ ông thích chuốc phiền phức lắm đấy phỏng?” Nói đoạn liền đứng phắt dậy, đá tung chiếc ghế đang ngồi, cũng chẳng đợi ai đến dìu đỡ, ông đã biến mất tăm mất dạng như một luồng gió, mọi người ngơ ngác nhìn nhau, ai nấy lẳng lặng chuồn đi cả. Duy có Mã sư gia còn bận thu gom sổ sách, ra chậm hơn một bước, thấy mọi người trong phòng đã đi sạch, chỉ còn lại mỗi mình mợ hai đang ngồi đấm ngực khóc rống lên, thấy mình cứ thế chuồn đi, coi như không có việc gì xảy ra thì e là không tế nhị cho lắm, đành phải bước lên phía trước, chắp tay khom người nói: “Bà hai! Bà hai!... Bà hai!” Thất Xảo cứ thế lấy ống tay áo che mặt, Mã sư gia lại không tiện gỡ tay cô ra ra, luống cuống gỡ chiếc mũ da xuống quạt cho ráo mồ hôi.
Sự căng thẳng này kéo dài mấy hôm, rốt cuộc người ra vẫn âm thầm chia của theo kế hoạch đã định. Mẹ góa con côi đâm ra vẫn bị bắt nạt.