Quỷ Dữ và Nàng Prym - Chương 01
6. Quỷ Dữ Và Nàng Prym
Dịch giả: Ngọc Phương Trang
Lời người dịch
Lần đầu tiên tôi được biết đến Paulo Coelho là khi đọc bài viết của ông trên tạp chí Ngọn Lửa Nhỏ của Nga vào năm 2002. Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì các tác phẩm của Paulo Coelho đã được xuất bản ở hơn 150 nước trên thế giới, với số lượng in lên tới hàng triệu bản. Vậy nhà văn Brazil, người được mệnh danh “nhà giả kim ngôn từ” này viết gì để có thể cuốn hút độc giả đến thế?
Thực ra, các tác phẩm của P. Coelho cũng không vượt ra ngoài quỹ đạo “Văn học là nhân học”. Ông cũng viết về con người, về cái Thiện và cái Ác, về cuộc đấu tranh giữa chúng trong mỗi con người chúng ta. “Quỷ dữ và nàng Prym” cũng vậy. Trong cuốn tiểu thuyết gây chấn động này, P. Coelho cho thấy tính bi kịch của cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn mỗi người, mối liên hệ giữa cuộc chiến này với những nỗ lực thường ngày của chúng ta, dám theo đuổi ước mơ của mình, có dũng khí để trở thành một con người khác, chiến thắng nỗi sợ hãi thường không cho chúng ta sống một cách thực sự. Vấn đề ông đặt ra không mới, thậm chí là vấn đề muôn thuở của nhân loại nói chung và văn học nói riêng. Nhưng, với một giọng văn hết sức giản dị, P. Coelho đưa chúng ta tới thế giới cổ tích giữa đời thường, một thế giới như thực mà cũng như mơ, hay theo cách nói của các nhà phê bình là “hiện thực huyền ảo”. Về phần mình, tôi muốn gọi ông là “Người kể chuyện vĩ đại”. Tôi chợt nhớ đến một đoạn ngắn trong tiểu luận Sách của J. L. Borges. Mortaigne nhận xét rằng, luận thuyết về việc đọc bắt buộc là sai lầm… Ông thấy việc đọc sách giống như niềm vui. Còn tôi muốn nói rằng, văn học cũng cần phải đem lại sự vui thích. Nếu chúng ta đọc một tác phẩm một cách khó khăn, tức là tác giả đã thất bại. Đọc, đó là một niềm hạnh phúc. Theo quan điểm này thì rõ ràng P. Coelho là một nhà văn vô cùng thành đạt, bởi vì, ông đã đem lại niềm vui thích và hạnh phúc cho hàng triệu độc giả trên khắp thế giới.
Với tư cách là người dịch, tôi vô cùng cảm ơn tác giả, cảm ơn nhà xuất bản Phụ Nữ cùng cty sách Bách Việt đã giúp tôi chuyển tới bạn đọc gần xa món quà “hạnh phúc” này. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bạn.
Lời đầu sách
Câu chuyện xa xưa nhất về sự phân chia đã xuất hiện ở xứ Ba Tư cổ đại. Chuyện kể rằng, vị thần Thời gian sau khi tạo lập nên vũ trụ chợt thấy rằng dẫu muôn nơi đã ngự trị sự hài hòa nhưng vẫn còn thiếu một cái gì đó rất quan trọng – thiếu một người đồng hành để ngài cùng anh ta vui hưởng toàn bộ vẻ đẹp này.
Suốt một nghìn năm, thần cầu nguyện sinh được một đứa con trai. Chuyện không hề nói gì đến người mà vị chúa tể toàn năng, tối cao, duy nhất của muôn loài có thể cầu xin. Tuy nhiên thần vẫn cầu nguyện và cuối cùng lời cầu nguyện của thần cũng được nghe thấu.
Nhưng sau khi biết rằng mình sẽ nhanh chóng nhận được điều mong ước thì thần Thời gian lại hối hận vì việc đã làm, bởi vì thần hiểu rằng sự cân bằng rất đỗi mong manh sẽ bị phá vỡ. Nhưng đã quá muộn – đứa con mà thần đang mang thai đã sắp chào đời. Thần chỉ còn biết ngậm ngùi cầu xin trong nước mắt để mong sao nó được chia làm đôi.
Nếu tin vào thuyết này thì thần Thời gian đã sinh đôi: lời cầu xin của htần đã được thực hiện là Thiện (Ormuzd), còn kết quả của sự hối hận là Ác (Ariman).
Lòng đầy lo âu, thần đã làm tất cả những gì có thể nhằm Thiện sinh ra trước để ngăn chặn và chế ngự Ác, không cho đứa em gây nên quá nhiều tai họa trong Vũ trụ. Tuy nhiên Ác, như chúng ta đã biết, thật tinh quái và khôn ranh, và vì thế nó đã kịp vượt Thiện ra đời trước và là đứa đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng của muôn vì sao.
Quá buồn phiền, thần Thời gian quyết định cho Thiện thêm đồng minh – và ngài đã tạo ra loài người để chiến đấu sát cánh bên chàng, không cho Ác chiếm đoạt và nắm giữ quyền lực trên thế gian.
Theo truyền thuyết Ba Tư, loài người được tạo ra như một đồng minh của Thiện, và theo truyền thống, cuối cùng sẽ giành thắng lợi. Nhưng nhiều thế kỷ sau lại xuất hiện một truyền thuyết khác và qua nó chúng ta biết được một kiến giải trái ngược hẳn – con người là công cụ của Ác.
Tôi nghĩ rằng, phần lớn bạn đọc đã hiểu tôi muốn nói về câu chuyện nào, có một người nam và một người nữ sống trong Vườn Địa Đàng, vui hưởng đủ mọi thứ mà chỉ trong mơ mới có. Chỉ có một điều cấm kỵ duy nhất với họ: đôi vợ chồng ấy bất luận trong trường hợp nào cũng không được hiểu thế nào là Thiện và Ác. Đức Chúa Trời – Đấng cai quản muôn loài nói với họ, chớ có ăn quả cây nhận biết về Thiện và Ác… (Sách Sáng Thế kỷ, 2:17). Nhưng vào một ngày đẹp trời kia, xuất hiện một con rắn quả quyết hứa hẹn rằng, sự nhận biết ấy muôn lần quan trọng hơn chính thiên đường, và vì thế đôi vợ chồng phải giành lấy nó. Ban đầu, người nữ từ chối nói rằng Đức Chúa Trời đã cảnh cáo họ nếu không nghe lời sẽ chết, nhưng rắn hứa điều đó sẽ không thể xảy ra mà hoàn toàn trái lại – vào chính cái ngày, khi họ nhận biết được Thiện và Ác, họ sẽ sánh ngang với Đức Chúa Trời.
Eva bị thuyết phục. Nàng đã nếm thử trái cấm và còn đưa cho Adam cùng ăn. Từ giây phút ấy sự cân bằng trước đây trên Thiên Đường bị phá vỡ, đôi vợ chồng bị đuổi khỏi và bị nguyền rủa. Thế nhưng đồng thời Chúa Trời lại nói ra một câu thật khó hiểu, trong đó hoàn toàn thừa nhận lẽ phải của con rắn. “Vậy là Adam đã trở thành như một người trong chúng ta, vì biết được Thiện và Ác.”
Cả trường hợp này, đúng hệt như truyền thuyết về thần Thời gian cầu xin với ai đó trong khi chính mình là chúa tể tối thượng và toàn năng, Kinh Thánh cũng không giải thích là Đức Chúa Trời duy nhất trò chuyện với ai và tại sao ngài – nếu chỉ có một mình ngài – lại nói “một người trong chúng ta”.
Dù gì đi nữa, thì loài người ngay từ nguồn gốc ban đầu của mình đã chịu số phận phải đi trong sự phân chia vĩnh viễn giữa hai đối nghịch. Và tôi cùng các bạn luôn tràn ngập những hoài nghi đối với tổ tông của chúng ta. Do vậy cuốn sách này được tôi viết ra nhằm làm sáng tỏ chúng, sử dụng những truyền thuyết ở khắp bốn phương trời nhưng cùng kể về một điều. Tiểu thuyết Quỷ dữ và nàng Prym là cuốn cuối cùng của bộ ba tiểu thuyết “Vào ngày thứ bảy” bao gồm “Bên bờ sông Rio-Piedra tôi ngồi và khóc” (1994) và “Veronika quyết định chết” (1998). Cả ba cuốn đều kể về một tuần lễ trong cuộc đời của những con người bình dị bỗng chốc phải đối diện với tình yêu, cái chết và quyền lực. Tôi luôn luôn cho rằng, những thay đổi sâu sắc nhất – cả trong tâm hồn con người và cả trong đời sống xã hội – diễn ra trong thời hạn vô cùng ngắn ngủi. Vào đúng khoảnh khắc khi chúng ta ít chờ đợi điều đó nhất, thì cuộc sống tung ra lời thách thức với chúng ta để kiểm chứng lòng dũng cả cùng mong muốn thay đổi của chúng ta, đồng thời không cho phép chúng ta làm bộ như chẳng có điều gì xảy ra, hay thoái thác rằng, chúng ta còn chưa sẵn sàng.
Cần phải tức khắc đáp lại thách thức. Cuộc sống không nhìn lại phía sáu. Một tuần lễ - thời hạn này quá đủ để quyết định, chúng ta có đón nhận số phận của mình hày không?
Buenos Aires, 2000
Lạy Đức Mẹ Maria tinh truyền thanh vẹn, xin cầu nguyện cho chúng con, những kẻ đang quay về với Người để mong người nâng đỡ. Amen!
“Và bấy giờ có một viên quan hỏi Đức Chúa Jesus rằng: Thưa thầy nhân từ! Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?
Đức Chúa Jesus liền phán rằng: Sao ngươi gọi ta là nhân từ? Chỉ có một Đấng Nhân từ đó là Đức Chúa Trời mà thôi.”
Phúc Âm Luca, 18:18-19
Chương 1
Vậy là đã mười lăm năm, kể từ khi bà lão Berta ngày nào cũng ra khỏi nhà, ngồi ngoài cổng. Dân thị trấn Viscos ai cũng biết đấy là thói quen thường thấy ở các cụ già – họ nghĩ về quá khứ, nhớ lại tuổi trẻ, ngắm nhìn cái thế giới hầu như chẳng còn thuộc về họ, kiếm tìm điều gì đó để có cái đem trò chuyện với những người hàng xóm.
Tuy nhiên bà lão Berta lại có những lý do khác để ngồi ngoài cổng. Và vào buổi sáng hôm đó, khi bà nhìn thấy một người lạ mặt ngược theo sườn dốc đứng, từng bước hướng về phía khách sạn duy nhất của thị trấn thì bà hiểu rằng điều bà chờ đợi đã đến. Biết bao lần bà thử mường tượng về người ấy, nhưng anh ta hóa ra lại hoàn toàn khác hẳn: bộ quần áo nhàu nhĩ, chưa kể lại còn sờn rách, râu ria lởm chởm, dáng vẻ thất thần.
Và bám theo anh ta là một con quỷ.
"Thì ra ông lão nhà mình nói cũng đúng," bà lão nghĩ. "Nếu mình không ngồi đây, thì có lẽ chẳng có một ai mảy may ngờ được điều gì."
Bà Berta vốn không thạo đoán tuổi cho lắm và vì thế chỉ áng chừng người mới đến quãng độ bốn, năm mươi tuổi. "Còn trẻ," bà lão nghĩ, và chỉ có ai sống ngang tầm tuổi bà mới hiểu nổi lối suy nghĩ của bà. Bà lão tự hỏi, chẳng rõ người khách lạ kia có ở lại thị trấn này lâu hay không và dù không biết rõ cho lắm, nhưng bà vẫn quả quyết rằng không lâu bởi một khi anh ta chỉ xách theo người một chiếc va li nhỏ. Hay đúng hơn, anh ta chỉ nghỉ qua đêm rồi mai lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Bà Berta cũng không rõ, vả lại cũng không quan tâm.
Nhưng dù sao chăng nữa, những năm tháng bà ngồi bên cửa nhà chờ người ấy đến cũng chẳng hoài công vô ích bởi lẽ trong thời gian ấy, bà lão dần thấy yêu quý vẻ đẹp của những ngọn núi quanh vùng mà trước đây bà không nhận thấy với lý do thật đơn giản: bà sinh ra ở đây và đã quá quen với phong cảnh của chốn này.
Còn người mới đến, đúng như bà lão đoán, đã vào khách sạn. Bà Berta chợt nghĩ, có nên nói với ông linh mục về sự xuất hiện không mong đợi này hay không, nhưng rồi bà quyết định là chẳng nên kẻo ông ta không những không nghe bà mà lại còn cho rằng bà lão này lẩn thẩn.
Thôi vậy, đã thế thì chỉ còn biết chờ xem rồi điều gì sẽ xảy ra. Ngay cái giống quỷ ấy, để gieo rắc tai họa đâu có cần nhiều thời gian – như những cơn bão lốc, những trận tuyết lở, những cơn gió xoáy đấy thôi, chỉ trong chớp mắt đã đè lấp, cuốn phẳng những ngôi làng được dựng lên từ hai trăm năm trước. Bà lão thoáng nghĩ, chỉ có điều, việc bà biết rằng cái Ác, lúc này đây đã đặt chân đến Viscos thì tình hình cũng chẳng có gì thay đổi ghê gớm. Con quỷ đến rồi đi và không nhất thiết cứ phải có một ai đó nếm chịu đau khổ vì sự có mặt của nó. Lũ quỷ thường lang thang khắp thế gian, đôi khi chỉ để biết điều gì đang diễn ra ở đó và đôi khi để thử thách một tâm hồn nào đó, nhưng đồng thời, bản thân chúng cũng rất hay thay đổi và có những quyết định chẳng theo một thói thường nào mà chỉ để thỏa mãn một điều rằng, chúng đang được giao tranh với một đối thủ xứng đáng. Bà Berta thì coi là chẳng có gì đặc biệt được quan tâm hay lưu ý ở Viscos này và thị trấn không thể lưu tâm đến bất kể một ai quá một ngày đêm, họa chăng đó là Diêm Vương.
Bà lão thử nghĩ sang chuyện khác, nhưng hình ảnh người lạ mặt vừa đến cứ hiện lên trong đầu bà và bầu trời chỉ vừa mới đây thôi còn trong xanh rực rỡ nay bỗng trở nên âm u.
"Chả có gì đặc biệt ở đây cả," bà Berta nghĩ tiếp. "Vào thời gian này trong năm, ngày nào mà chả thế." Sự xuất hiện của người lạ mặt chẳng liên can gì ở đây hết, thuần túy chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên mà thôi.
Đúng lúc ấy, bà lão nghe thấy tiếng sấm rền vang, tiếp theo là ba tiếng nữa. Có thể điều đó báo hiệu sắp có cơn mưa, nhưng nếu cố nhớ lại những điều mê tín trước đây ở Viscos thì có thể giải đoán rằng, Chúa đang giận dữ lên tiếng bởi con người đã trở nên dửng dưng với sự hiển linh của ngài.
"Có lẽ, mình cần phải làm một cái gì đó. Bởi vì cuối cùng thì chính cái kẻ mà mình chờ đợi vừa mới tới đây."
Bà lão chăm chú quan sát và lắng nghe mọi cái diễn ra xung quanh, những đám mây giông mỗi lúc thêm xà xuống thấp hơn, đè nặng lên thị trấn nhỏ, nhưng không có thêm một tiếng sấm nào nữa. Bà Berta vốn là một tín đồ Thiên Chúa giáo ngoan đạo đã đoạn tuyệt với mọi thứ mê tín, dị đoan, và với người dân trong vùng, những người vốn có cội nguồn từ nền văn minh Celte[1] cổ đại, nơi mà ở trung tâm của nó từ thuở xa xưa đã xuất hiện thị trấn Viscos thì còn dứt khoát hơn nhiều lần.
[1] Celte: tên gọi chung các bộ tộc người Ấn- Âu cổ đại, xuất hiện vào thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên, chiếm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Châu Âu.
"Sấm – đấy chỉ thuần tuý là một hiện tượng tự nhiên. Nếu như Đức Chúa Trời có định cảnh báo con người, có lẽ ngài sẽ tìm ra một cách khác đơn giản hơn."
Bà lão vừa nghĩ tới đó thì một tiếng sấm khác lại nổi lên, nhưng lúc này nghe đã rất gần. Bà Berta đứng dậy, thu ghế lại rồi đi vào nhà để tránh cơn mưa. Nhưng tim bà chợt đau thắt bởi một nỗi sợ hãi mơ hồ mà chính bà cũng không xác định nổi nguyên do.
"Mình phải làm gì bây giờ?"
Bà lão lại mong sao người lạ mặt kia mau chóng rời khỏi thị trấn nhỏ bé này. Bà đã quá già để có thể tự cứu giúp bản thân mình, còn Viscos, điều chủ yếu là Đức Chúa Trời – đấng chúa tể của muôn loài, nếu ngài cần, chắc hẳn sẽ chọn một ai đó trẻ hơn để ủng hộ và làm chỗ dựa cho mình. Tất cả những điều này đều là chuyện tầm phào: ông lão chồng bà chẳng có gì để làm nên thích bịa ra trăm thứ bà rằn để giúp bà khuây khỏa bớt thời gian đấy thôi.
Nhưng bà đã nhìn thấy con quỷ - và về điều này thì bà không hề nghi ngờ chút nào. Con quỷ đội lốt người bằng xương bằng thịt hẳn hoi trong bộ quần áo của người lữ khách.