Dàn nhạc đỏ - Phần I - Chương 01
Phần I: HỌC VIỆC
Chương 1
Tiểu sử vị chỉ huy “Dàn Nhạc Đỏ”
Leopold Trepper sinh năm 1904 tại Novy-Targ, một thị tứ nhỏ của nước Ba Lan, trong một gia đình tiểu thương gốc Do Thái. Ngôi nhà số 5 phố Sobieski nhỏ bé do chính tay người cha Leopold gom góp tiền và gạch, tự tay mình xây nên. Tầng dưới là cửa hàng cung cấp cho nông dân những thứ cần thiết nhất kể cả thóc giống. Tầng trên là nơi trú ngụ của gia đình trong ba gian. Gia cảnh không sung túc, nhưng người cha thường vùi dưới gối Leopold vài chiếc kẹo trước khi ông xuống bán hàng.
Tên và họ của gia đình ông mang hình thức người Đức mặc dù gia đình ông chính gốc Do Thái. Có lần ông thắc mắc đã hỏi vị thầy giáo thì được trả lời rằng: Vào cuối thế kỉ 19, đế quốc Áo - Hung chủ trương cho những công dân gốc Do Thái được đổi họ tên từ tiếng Do Thái sang tiếng Đức là thứ tiếng người Áo sử dụng, nhằm mục đích đồng hóa người Do Thái vào cộng đồng người Áo.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Ba ngàn người Do Thái sinh sống ở Novy-Targ kể từ khi thị tứ này được thành lập vào thời Trung cổ. Họ sống cùng với những bần nông Ba Lan. Những nông dân này cả tuần lễ mới được ăn bánh mì một ngày, còn sáu ngày kia sống bằng bánh khoai tây và bắp cải. Khi họ lên tỉnh xem lễ, họ khoác đôi giầy trên vai và đi chân đất, chỉ khi tới nhà thờ họ mới dám xỏ đôi giầy để bước vào thánh đường. Dân Do Thái cũng chẳng giàu có hơn, họ cũng phải giữ gìn một đôi giày để sao có cái đi trong suốt cả đời mình. Vùng này bói chẳng ra phú nông. Ngay trong thị tứ Novy-Targ số đại tư sản cũng rất hiếm có. Ở giữa thị tứ có một nhúm người Do Thái và Ba Lan khá giả, đó là những nhà buôn, luật sư, thầy thuốc. Nhưng ta rời trung tâm thì cảnh tượng nghèo nàn của các ngõ xung quanh bày ngay trước mắt ta.
Cảnh nghèo túng đó dẫn đến hiện tượng làn sóng người di cư sang Hoa Kỳ và Canada ngày càng tăng. Những người di cư này hi vọng tìm thấy thiên đường trên hai đất nước xa xôi đó, cho nên họ sửa soạn chuyến đi rất vui vẻ. Trepper còn nhớ rất rõ hình ảnh những anh chàng thanh niên xách những chiếc va li bằng gỗ, nghênh ngang đội mũ phớt nhưng lại vận sơ mi không cavát. Thời gian này đế chế Áo - Hung thi hành chính sách khoan dung về sắc tộc và tôn giáo cho nên giữa người Do Thái và Ba Lan sống chan hòa với nhau. Có lần vị tổng giám mục đạo Thiên chúa giáo phận Cracow đến thăm Novy-Targ thì giáo trưởng Do Thái ra đón ông và được ông ban phép lành trước hàng nghìn giáo dân đạo Thiên Chúa người Ba Lan.
Cha mẹ Trepper theo đạo Do Thái nhưng không sùng đạo lắm. Cậu bé Trepper cũng như những cậu bé Do Thái khác chỉ nhớ những ngày lễ lớn vì đó là những dịp các cậu được chén những thức ăn không nhàm chán thường ngày.
Thế chiến thứ nhất đã làm cho cuộc sống thanh bình của thị tứ nhỏ Novy-Targ rối lên. Trước hết là thanh niên phải đi lính. Rồi đơn vị binh lính đồn trú ở thị tứ này phải điều ra trận. Họ ra đi trong tiếng quân nhạc hùng dũng để bảo vệ Hoàng đế.
Rồi những tuần lễ ảm đạm ập tới với những con người bị què, bị thương từ mặt trận đưa vào nhà thương thị tứ.
Một hôm có tin đồn lan rất nhanh trong thị tứ:
“Bọn Cossacks đang đến”. Đối với người Do Thái, Cossacks (Côdăc) có nghĩa là tàn sát người Do Thái. Thế là những người Do Thái chúng tôi vội vàng khăn gói chạy ngay lên thủ đô Vienna. Gia đình Trepper cũng đi theo dòng di cư đó. Nói chung lũ trẻ Do Thái không ai quan tâm đến chính trị, nhưng vì chính trị ràng buộc mọi người, cho nên khi đến Vienna, Leopold được tiếp xúc với báo chí, thế là cậu bé đọc ngấu nghiến mọi tin tức chiến sự. Hơn nữa cậu bé đi học trường trung học nên bắt đầu tìm hiểu vấn đề tôn giáo. Là người gốc Do Thái cậu cố tìm xem ngọn ngành đạo Do Thái là thế nào. Cậu không hiểu sao người theo đạo Thiên chúa như người Áo lại cũng thờ chúa Jesus và bà Maria của người Do Thái. Cậu cũng chẳng hiểu vì sao nước Italia lại tham gia thế chiến với Anh - Pháp để chống lại Đức khiến cho những kiều dân Italia thường làm kem cốc bán cho cậu lại bắt buộc phải đóng cửa hiệu?
Gia đình Leopold có hai người anh trai bị đưa vào lính. Một người bị mất tích trên mặt trận Italia. Người anh thứ hai bị đạn pháo lớn làm anh bị câm và điếc. Bố cậu phải ra mặt trận để tìm và đưa anh vào một bệnh viện ở hậu tuyến và ông đã ra sức chăm sóc để con mình nghe trở lại được một phần. Hai năm sau gia đình Trepper quay lại Novy-Targ.
Những thắc mắc về tôn giáo không được giải đáp làm cho Leopold nổi loạn. Cậu thấy thực tế cuộc đời không giống như những điều cậu học ở trường. Còn ở nhà thờ Do Thái, những bài giảng về các kiểu chết mà vị giáo trưởng kể ra chỉ làm cho mọi người khiếp sợ. Cậu suy nghĩ không thể chấp nhận những giáo lí mê muội con chiên nhằm làm cho họ quên hết những nghèo khổ hiện tại của họ. Cậu không được đọc sách của Karl Marx về tác hại của tôn giáo, nhưng thực tế của nông thôn Ba Lan đã dạy cho cậu tôn giáo là thứ thuốc phiện làm cho nông dân quên hết đói nghèo.
Năm 1917, cha cậu từ trần lúc mới bốn bảy tuổi đời. Đó là hậu quả của cuộc đời đầy đau khổ khiến ông mắc bệnh tim. Theo truyền thống Do Thái, lễ tang kéo dài một tuần, gia đình phải tắt hết đèn đóm, che hết gương soi, cửa đóng kín. Rồi đưa thân phụ ra nghĩa trang. Cậu không thể chịu đụng nổi bài thuyết giáo của vị giáo trưởng về Chúa đầy lòng lành. Cậu rứt bỏ tôn giáo để lăn vào cuộc sống thực tế đầy đau khổ của những con người mà cậu thấy là thân ái và tốt bụng. Mất đức tin nhưng cậu giành được loài người. Cậu rút ra được kết luận rằng hạnh phúc phải do chính con người giành lấy, chứ không thể trông mong được bánh vẽ của kiếp sau: Tự cứu lấy mình chứ Chúa chẳng cứu ta đâu.
Thời niên thiếu của Leopold có sự kiện này in đậm vào tâm khảm của cậu: Vào tháng bảy năm 1914, ở Novy-Targ lan ra tin đồn “Vừa bắt được một tên gián điệp Nga ở làng Poronin và tên đó sẽ bị giải qua Novy-Targ”, Leopold chạy theo đám trẻ ra ga để xem tên gián điệp Nga. Tàu lửa đến, một người thấp nhỏ có bộ râu hung đỏ được hai tên hiến binh kèm bước xuống sân ga. Người Nga đội mũ cátkét rộng trễ xuống trán. Ba người đi qua trung tâm thị tứ đến tòa thị sảnh là nơi có xà lim giam người say rượu. Tên “gián điệp” hôm sau bị dẫn sang nhà tù nằm ngay trước giáo đường Do Thái.
Hôm đó là thứ bảy. Các tín đồ bỏ cả lễ để túm năm tụm ba bàn tán về “tên gián điệp” và về chiến tranh. Mấy hôm sau, điệp viên đó bị giải lên Cracow. Dân chúng, nhất là dân Do Thái, bàn tán và dè bỉu việc một vị chủ hiệu buôn ở làng Poronin đã dại dột bỏ tiền cho điệp viên và vợ hắn vay để họ sống trong mấy tháng trời. Chỉ đến năm 1918, vị chủ hiệu gốc Do Thái đó mới thôi bị chê cười khi ông nhận được một bức thư gửi từ Thụy Sĩ với nội dung như sau:
Xin ông vui lòng thứ lỗi cho tôi đã ra đi mà không trả nợ của ông vào năm 1914, lí do vì lúc đó tôi gặp nhiều khó khăn. Xin ông vui lòng nhận lại món tiền ông đã cho tôi vay.
Kí tên: Vladimir Ilyich Lenin
Như thế là Lenin đã không quên… Năm 1918, nước Nga Xô Viết chưa có quan hệ ngoại giao với phần lớn các nước Châu Âu nên Lenin phải gửi thư qua đường Thụy Sĩ. Lần bị bắt năm 1914 Lenin được các nhà lãnh đạo Xã hội dân chủ Ba Lan can thiệp nên được trả lại tự do: “tên gián điệp” năm 1914 đã trở thành lãnh tụ của cách mạng Tháng Mười.
Sau chiến tranh, nước Ba Lan thoát khỏi ách thống trị của Nga, nhưng xu hướng của chính quyền độc lập là bài Do Thái. Ba triệu người Do Thái là đối tượng của chính sách hạn chế học tập, hạn chế làm việc trong chính quyền. Các tổ chức buôn hán cũng như các hợp tác xã được lập ra với ý đồ cạnh tranh với các cửa hiệu Do Thái. Khẩu hiệu đưa ra là “Hãy mua hàng Ba Lan”, “Người Do Thái hãy về Palestine mà sống”.
Nhận rõ đạo Do Thái không chỉ là một tôn giáo vì trải qua bao nhiêu áp bức, đau khổ của nhiều thế kỷ, nó vẫn tồn tại trong sắc tộc Do Thái nhỏ bé bằng cả ngôn ngữ, văn hóa và phong tục. Leopold tham gia phong trào thanh niên Do Thái mang tên là Hashomer Hatzair. Phong trào này mang tính tập hợp người Do Thái khắp bốn phương, được thành lập tại Viên bởi một nhóm trí thức trẻ người Do Thái với sức phát triển khá nhanh khắp Đông Âu. Mục tiêu của phong trào là biến Palestine thành tổ quốc cho người Do Thái: Ngày 2/11/1917 bản tuyên bố Balfour đã chẳng cho biết rằng người Anh sẽ thành lập tại Palestine cái tổ ấm cho dân tộc Do Thái là gì.
Hashomer Hatzair có tham vọng đào tạo lớp người mới cắt rời truyền thống tiểu tư sản và thiết lập mối quan hệ anh em giữa những con người mới đó. Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào này. Ngày 22/7/1918 đại hội đầu tiên của phong trào đã tổ chức tại Tarnow, vùng Galicia của Ba Lan. Trọng tâm của đại hội là tìm giải pháp cho vấn đề dân tộc Do Thái. Ba quan điểm đưa ra đại hội: quan điểm thứ nhất là gia nhập đảng cộng sản Ba Lan bởi vì cuộc cách mạng xã hội duy nhất với đường lối Xô Viết sẽ đưa lại giải pháp cho vấn đề các dân tộc ít người. Quan điểm thứ nhì là quay về Palestine thành lập một Nhà nước thoát khỏi chủ nghĩa tư bản: các thành viên phong trào phải rời trường học và nhà máy trở về ruộng đất và thiết lập một lối sống mới bình đẳng. Quan điểm thứ ba mà Leopold đi theo là một mặt vẫn tham gia Hashomer Hatzair, mặt khác phải hợp tác với phong trào cộng sản. Đại hội không đi đến một nghị quyết, nhưng Leopold được bầu là người lãnh đạo thị tứ Novy-Targ. Hai năm sau, đại hội hai họp tại Lvov, Leopold được bầu vào ban chấp hành trung ương của phong trào. Năm đó cậu mười sáu tuổi phải bỏ học để đi tập làm thợ đồng hồ với nhiệm vụ chính là hàng ngày phải lên dây chiếc đồng hồ của nhà thờ.
Năm 1921, gia đình Trepper dọn lên Dombrova tại vùng Silesia. Đây là một vùng công nghiệp rất phát triển; đi đâu cũng chỉ thấy bụi than. Cuộc sống của công nhân thật là kinh khủng. Chính đây là nơi rèn cho Leopold ý thức mình thuộc về giai cấp công nhân. Sau khi hiểu ra vấn đề dân tộc, cậu lại được thấy vấn đề giai cấp. Trong khi vẫn lãnh đạo phong trào thanh niên Do Thái, cậu bí mật tham gia phong trào thanh niên cộng sản. Cũng từ đấy cậu lấy bí danh là “Domb”, từ đầu tiên của tên thành phố cậu đang ở: Dombrova. Bí danh này cậu mang suốt đời hoạt động của mình.
Gia đình Leopold sống lay lắt. Cậu phải đi làm ngoài biên chế cho một nhà máy luyện kim, rồi một nhà máy xà bông. Cũng nhằm kiếm ăn, cậu phải lao vào buôn lậu rượu từ Silesia lên Cracow. Để tránh nhân viên thuế quan, cậu phải đeo những chai rượu hình bẹt vào thắt lưng, rồi trùm áo sơ mi ra ngoài. Cũng nhờ những chuyến chạy hàng lậu lên Cracow, Leopold theo học đại học: Cậu chọn hai môn khoa học về con người là tâm lí học và xã hội học. Cậu tham khảo về Freud để tìm hiểu những động lực gì thúc đẩy con người hoạt động. Trong các buổi tranh luận trong tổ chức Hashomer Hatzair, cậu cùng các bạn cố vạch ra những mẫu người mới không bị những định kiến và sự tha hóa ngăn trở. Cậu cảm thấy khoa phân tâm học là một giải pháp lớn cho mơ ước của mình.
Cậu còn chăm chỉ tham gia các hoạt động chính trị như họp hành, rải truyền đơn, viết báo, đi biểu tình… Phong trào công nhân khu vực khá sôi nổi. Năm 1923 thợ thuyền Cracow đã tổng bãi công và chiếm đóng thành phố. Chính phủ đưa quân đội đến đàn áp. Máu đã đổ xuống. Leopold lần đầu tiên được thấy rõ ràng thế nào là bạo lực của cảnh sát. Tên của cậu bị ghi vào “sổ đen” cho nên cậu không tài nào xin được việc làm. Cậu chỉ còn hai con đường: Hoặc đi vào hoạt động bí mật không hợp pháp, hoặc đi về Palestine với hi vọng xây dựng một xã hội chủ nghĩa không còn vấn đề Do Thái phải đặt ra nữa.