Dàn nhạc đỏ - Phần II - Chương 15 - 16

Chiến đấu trong lòng nước Đức

Năm 1933, ít lâu sau khi Hitler nắm chính quyền, chàng quý tộc Đức Harro Schulze-Boysen, cháu của vị đô đốc danh tiếng Tirpitz và người bạn gốc Do Thái của anh tên là Henry Erlanger bị các toán xung kích phát xít SS bắt. Từ nhiều năm, Schulze-Boysen xuất bản tờ báo cùng với Erlanger cho mọi xu hướng chính trị. Tên tờ tạp chí này có ngoại lệ: Der Gegner (Kẻ Thù). Kẻ thù ở đây là chủ nghĩa quốc xã.

Chủ nghĩa quốc xã chiến thắng rồi tất nhiên không tha Schulze-Boysen, Erlanger và những nhà báo đã kịch liệt chống lại nhà độc tài tương lai và đảng của ông ta. Chủ nghĩa này đã có kinh nghiệm của phát xít Italia dạy cho cách chuyên chính.

Toán biệt kích bắt Schulze-Boysen và Erlanger nổi cơn điên. Chúng lột áo hai thanh niên ra, bắt phải đi giữa hai hàng cuồng tín để chúng đánh họ bằng roi ngựa, rồi lại đánh lần nữa khiến cho thân hình hai người đầy thương tích và máu. Schulze-Boysen quay lại bọn chó điên và thét lên:

- Chúng bay có thể đánh chúng tao lần nữa đi!

Khi đến đầu dãy, anh chào tên chỉ huy SS và nói:

- Tao đơn giản hoàn thành vòng danh dự của tao thôi!

Những tên khác đều ngạc nhiên, chúng lại gần Schulze-Boysen:

- Mày hãy theo chúng tao, loại người gan lì như mày phải theo chúng tao!

Cũng trong lúc đó, bọn chúng xông vào Erlanger và giết chết anh trước mặt Schulze-Boysen. Erlanger là người Do Thái…

Sau này Schulze-Boysen tâm sự với bạn thân rằng: cái chết của Erlanger đã giúp tôi có quyết định. Cái ngày đó đã dục Schulze-Boysen lựa chọn con đường duy nhất. Việc phát xít cướp chính quyền đã khiến cho những con người dũng cảm đi theo kháng chiến. Nhóm đầu tiên tập hợp quanh Schulze-Boysen gồm có nhà văn Gun-ther Weissenborn, bác sỹ Elvira Paul, Giselle von Pernitz, Walter Kuchenmeister, Kurt và Elisabeth Schumacher. Những người khác gia nhập tiếp theo.

Năm 1936 Schulze-Boysen kết hôn với Libertas Haas-Heye, cháu gái hoàng tử Philippe von Eulenburg. Một người trong họ của bà có tên là… Hermann Goering. Tên nguyên soái này rất quan tâm đến Schulze-Boysen, cho anh vào học viện mang tên của hắn, nơi này dưới Đế chế ba có nghiên cứu khá sâu về lĩnh vực quân sự. Schulze-Boysen tiến rất nhanh. Khi chiến tranh nổ ra anh đã giữ một vị trí then chốt trong bộ không quân Đức. Hơn bao giờ hết anh hi sinh thân mình cho hoạt động kháng chiến. Năm 1939, nhóm của anh nhập vào với nhóm của Arvid Harnack.

Schulze-Boysen năng nổ và say mê hoạt động bao nhiêu thì Arvid lại bình tĩnh và chín chắn bấy nhiêu. Arvid sinh ra trong một gia đình học thức. Bản thân anh là tiến sỹ triết học và đã học kinh tế tại Hoa Kì. Tại đây, anh gặp và kết hôn với Mildred Fish, giáo sư văn học. Trở về Đức, anh làm việc tại Bộ kinh tế. Tại Bộ này anh giữ một chức vụ cao và năm 1936 tình báo Xô Viết tiếp cận anh.

Anh không thi thố được tài năng do Stalin cấm nhân viên tình báo hoạt động trên đất Đức… vì lí do họ đưa thân ra hứng lấy nạn khiêu khích.

Nhóm Schulze-Boysen - Harnack có thêm một số mới: nhà văn Adam Kuckhoff, tác giả cuốn sách viết về Till tinh nghịch và vợ anh là Greta; tiến sĩ Adolf Grimme, cựu bộ trưởng nước Phổ (Prussia); Johann Sieg, đảng viên lão thành và biên tập báo Rote Fahne, cơ quan của Đảng Cộng sản Đức; Hans Coppi, Heinrich Scheel, Hans Lautenschlager, Ina Ender, cựu đoàn viên thanh niên cộng sản. Khi chiến tranh bùng nổ, nhóm Schulze-Boysen - Harnack đưa những phần tử ưu tú nhất vào công tác tình báo. Nhưng trong thực tế, không có ngăn cách chặt chẽ giữa Dàn Nhạc Đỏ và hoạt động kháng chiến của nhóm kể trên. Schulze-Boysen chỉ đạo cả hai. Tình trạng không ngân cách đó sau này trở thành sai lầm không thể tha thứ được vì sẽ bị tổn thất rất đau đớn. Hoạt động của nhóm kháng chiến không thể nào giữ được bí mật hoàn toàn trong thủ đô của phát xít Đức; phân phát truyền đơn bỏ vào các hộp thư, dán áp phích, phát hành tờ báo Mặt trận (The Home Front). Bên trong bằng năm thứ tiếng cho tù binh. Công tác kháng chiến còn làm hơn thế nữa: tổ chức đường dây vượt ngục cho người Do Thái và tù binh, móc quan hệ với lao động người nước ngoài, cho những tổ phá hoại xâm nhập các xí nghiệp chiến tranh để phá hoại sản xuất quân sự. Một trong những chiến công đẹp mắt nhất là việc phá cuộc “Triển lãm Xô Viết” do Goebbels tổ chức.

Chỉ trong một đêm, trên tường Berlin dán đầy áp phích với hàng chữ:

“THIÊN ĐƯỜNG QUỐC XÃ = CHIỂN TRANH, ĐÓI KHÁT, LỪA DỐI, GESTAPO. LIỆU CÒN TỒN TẠI ĐƯỢC BAO NHIÊU LÂU NỮA”.

(Một toán thanh niên Do Thái chủ trương đốt phá cuộc triển lãm bôi xấu Liên Xô, nhưng một tên nội gián đã tố cáo nên toán này bị bắt và bị xử bắn hết).

Giữa thủ đô phát xít, ai có thể tưởng tượng được lại dám hoạt động như vậy vào năm 1942?

Schulze-Boysen thực tế có quan hệ với tình báo Liên Xô vào năm 1941. Nhưng từ năm 1936 họ đã tập dượt bằng cách thông báo cho đại sứ Xô Viết danh sách bọn điệp viên quốc xã xâm nhập vào các Lữ đoàn quốc tế giúp phái cộng hòa Tây Ban Nha. Vài ngày trước khi phát xít tấn công Ba Lan, nhóm này đã thông báo cho đại sứ Liên Xô tại Berlin kế hoạch tán công Ba Lan của quân đội Đức.

Sau khi chiến sự nổ ra, Schulze-Boysen lợi dụng vị trí trong bộ không quân Đức để thu thập nhiêu tin tức quý báu. Giúp việc Schulze-Boysen còn có đại tá Erwin Gehrts, trưởng nhóm thứ ba về đào tạo cán bộ cho không quân. Johann Graudenz, làm ở nhà máy chế tạo máy bay Messerschmitt, Horst Heilmann, cựu đoàn viên thanh niên quốc xã, công tác tại phòng mã thám của tiến sĩ Vauck (sẽ nói thêm vê tên này). Herbert Gollnow là người chỉ huy toán lính nhảy dù vào hậu tuyến của Liên xô. Về phần Arvid Harnack xâm nhập được vào các kế hoạch sản xuất bí mật nhất về công nghiệp, kể cả sản xuất hàng quân sự.

Như vậy, nhóm Berlin giữ vai trò quan trọng nhất trong Dàn Nhạc Đỏ.

Không ai chối cãi được lực lượng kháng chiến bên trong nước Đức giữ vị trí đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quốc xã. Đối với người Pháp, Bỉ, Ba Lan, hoặc Tiệp khi họ tham gia chiến đấu họ không phải tự vấn lương tâm, họ coi đó là nghĩa vụ. Nhưng đối với người Đức, kháng chiến chống lại Hitler có phải là phản bội chính đất nước của họ không?

Leopold Trepper, người chỉ huy Dàn Nhạc Đỏ, thấy rằng Schulze-Boysens hoặc Harnack không có mặc cảm gì hết. Hơn bất cứ ai, họ hiểu rõ nhất con quái vật phát xít, họ đã dự đoán được những hậu quả nếu phát xít chiến thắng thì cả thế giới sẽ bị đêm tối bao phủ. Họ biết rằng chỉ phe Đồng minh có thể tiêu diệt được con quái vật phát xít, nhưng họ cũng ý thức được với vị trí nằm trong lòng chủ nghĩa phát xít, hơn ai hết họ có thể đóng góp cho bộ tổng tham mưu Đồng minh chống phát xít một phần quý giá vô cùng to lớn.

Ngày nay ở Cộng hòa liên bang Đức họ bị coi như những tên phản bội, trong khi đó CHLB Đức lại coi những người cộng tác với Anh như những anh hùng. Làm như họ hợp tác với Liên Xô không phải là họ đóng góp cho cùng một chiến thắng!

Niềm tin thầm kín của thủ trưởng vĩ đại.

Sau khi quân đội Pháp tan vỡ, quân đội Đức lộ rõ âm mưu tiếp theo là gì. Các tướng lĩnh phát xít ráo riết chuẩn bị chiến dịch mang mật danh Sea Lion, tiến vào nước Anh. Tháng tám năm 1940, bộ tổng tư lệnh quân đội Đức ra lệnh bắt đầu tiến công trên bộ, trên biển và trên không phận nước Anh. Ngày 7/9, máy bay phát xít bắt đầu ném bom xuống London. Trong suốt sáu lăm ngày đêm, nhân dân Anh phải ngủ trong hầm trú ẩn. Ai cũng thấy quân Đức sẽ đổ bộ lên đất Anh.

Ngày 12 tháng mười, có sự chuyển biến bất ngờ. Hitler ra lệnh ngừng chiến dịch Sea Lion không thời hạn. Leopold được các điệp viên báo cáo về quyết định đó qua việc họ quan sát được ở dọc bờ biển Đại Tây Dương. Dễ dàng quan sát thấy tình hình không nhộn nhịp như trước. Những con tàu hàng cũ kỹ thay thế cho những chiến hạm. Quan trọng hơn nữa: các sư đoàn tham gia chuẩn bị chiến dịch bị điều đi nơi khác. Leopold báo cáo ngay cho Trung tâm rằng quân Đức hoãn đổ bộ lên nước Anh. Sau đó, DNĐ được tin khẳng định rằng các sư đoàn số 4, 12, và 18 trước kia đóng ở bờ biển Pháp, nay đã chuyển sang Balan đóng ở Poznan.

Ngày 18/12/1940, Hitler ký chỉ thị số 21, tức là lệnh tiến hành chiến dịch Barbarossa. Đoạn đầu của chỉ thị này thật là rõ ràng: “Các lực lượng vũ trang của nước Đức phải sẵn sàng, trước khi kết thúc chiến tranh chống lại nước Anh, phải tấn công Liên Xô bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng”. Trung tâm cũng nhận được ngay báo cáo của Richard Sorge sao lại bản chỉ thị đó. Các tuần lễ sau, Cục tình báo Hồng Quân nhận được những tin tức về việc chuẩn bị chiến dịch nói trên. Đầu năm 1941, Schulze-Boysen gửi về Trung tâm những tin tức chính xác mới về chuẩn bị của quân Đức: ném bom ồ ạt xuống Leningrad, Kiev, Vyborg, số lượng các sư đoàn tham chiến… Sang tháng hai năm đó, Leopold gửi báo cáo chi tiết về số lượng chính xác những sư đoàn Đức rút từ Pháp và Bỉ đưa sang phía Liên Xô. Đến tháng năm, Leopold gửi qua tùy viên quân sự Xô Viết Susloparov ở Vichy kế hoạch tấn công và ngày tấn công là 15/5, rồi tin về thay đổi ngày tấn công. Ngày 12/5, Sorge báo cáo cho Moscow có 150 sư đoàn phát xít tập trung ở biên giới Liên Xô. Ngày 15 ông lại báo tin Đức sẽ tấn công ngày 21/6 và Schulze-Boysen cũng khẳng định ngày đó.

Không phải chỉ có Liên Xô được báo động như thế. Ngày 11/3/1941, tổng thống Roosevelt của Hoa Kỳ cũng trao cho đại sứ Liên Xô tin tức của điệp viên Mỹ thu được về kế hoạch Barbarossa. Ngày 10/6, một thứ trưởng Anh tên là Cadogan cũng trao những tin tức tương tự. Các điệp viên Xô Viết hoạt động ở biên giới Ba Lan và Rumania đã báo cáo tỉ mỉ về việc Đức tập trung quân đội.

Dù ánh sáng có chói chang, nhưng ai nhắm mắt thì làm sao trông tháy ánh sáng? Đó là trường hợp Stalin và những người giúp việc. Đại nguyên soái tin vào sự nhạy bén về chính trị của mình hơn là những báo cáo mật chồng chất trên bàn. Tưởng rằng đã ký với nước Đức hiệp ước vĩnh cửu, ông tin chắc vào hòa bình. Ông trót chôn mất chiếc rìu chiến tranh, nên ông chẳng muốn đào nó lên nữa.

Ba chục năm sau chiến tranh, nguyên soái Golikov đã viết khẳng định chính thức trong một tạp chí lịch sử Xô Viết về giá trị của những tin tức nhận được như sau:

“Các cơ quan tình báo Xô Viết đã được biết kịp thời những thời hạn và ngày giờ của cuộc tấn công chống Liên xô và đã báo động đúng lúc… Các cơ quan tình báo đó đã cung cấp những căn cứ chính xác về tiềm lực quân sự của nước Đức Hitler, con số chính xác về lực lượng vũ trang, về số lượng vũ khí cũng như các kế hoạch chiến lược của Quân đội Đức…”.

Nguyên soái Golikov ở vị trí vững chắc để ra tuyên bố như vậy. Từ tháng 6 năm 1940 đến tháng bảy năm 1941, ông là cục trưởng Cục tình báo quân sự Xô Viết. Nếu bộ tổng tham mưu Xô Viết được thông tin đầy đủ nhu thế, có thể ông đã giải thích nguyên nhân của việc tháo chạy khi quân Đức tấn công. Câu trả lời chắc chắn nằm trong chỉ thị của chính Golikov gửi cho cấp dưới vào ngày 20/3/1941 như sau:

“Tất cả những tài liệu khẳng định rằng chiến tranh sắp nổ ra ta đều phải coi là giả lấy nguồn từ Anh hoặc thậm chí từ Đức”.

Trên những báo cáo quan trọng nhất do Sorge, Schulze-Boysen hoặc Trepper gửi cho ông, Golikov đều phê ở bên lề “Điệp viên hai mang” hoặc “nguồn tin từ Anh”.

Nguyên soái Golikov còn xa lắm mới viết lại nổi lịch sử. Không phải chỉ có ông như thế đâu. Năm 1972 ở Moscow có cuộc hội thảo về cuốn sử của Nekrich “1941 - 22 tháng sáu”. Susloparov đã phát biểu về việc ông báo cáo cho Moscow rằng chiến tranh sắp nổ ra rồi, khi ông làm tùy viên quân sự ở Vichy. Leopold rất tiếc rằng mình không được làm nhân chứng để vị cựu tùy viên đó đỡ ba hoa. Vì mỗi khi Leopold báo cáo về việc Đức sắp đánh Liên Xô, Susloparov đều vỗ vai Leopold một cách ban ơn rằng:

“Ông bạn ơi, tôi sẽ chuyển báo cáo của ông, thực ra chỉ để làm ông vừa lòng thôi”.

Ngày 21/6/1941, Dàn Nhạc Đỏ được Vasily Maximovich và Schulze-Boysen khẳng định hôm sau Đức sẽ xâm lăng Liên Xô. Như thế đủ cho Hồng Quân sẵn sàng phản công. Leopold và Grossvogel vội lao xuống Vichy. Vẫn giọng hoài nghi như mọi khi, Susloparov thuyết phục hai điệp viên rằng: “Các anh hoàn toàn sai lầm. Hôm nay tôi vừa gặp tùy viên quân sự Nhật Bản từ Berlin đến đây. Ông ta khẳng định với tôi rằng Đức không chuẩn bị chiến tranh. Ta có thể tin vào ông ta”.

Leopold tin vào các thông tín viên của mình hơn và anh vật nài đến mức Susloparov phải gửi báo cáo của anh đi. Đêm hôm đó, Leopold trở về khách san rất muộn. Mới bốn giờ sáng, viên quản lý khách sạn hét lên để đánh thức Leopold: “Ôi ông Gilbert ơi thế là xong rồi, nước Đức đã bắt đầu đánh Liên Xô rồi!”

Ngày 23, Wolosiuk, tùy viên không quân Xô Viết, từ Moscow đến Vichy. Anh này rời Liên Xô vài giờ trước khi chiến tranh nổ ra. Anh kể với Leopold rằng Cục trưởng đã gọi anh đến để chuyển cho Leopold chỉ thị sau: “Tôi đã chuyển lên đại thủ trưởng về tin sắp nổ ra chiến tranh, Đức sắp tiến đánh Liên Xô. Đại thủ trưởng rất ngạc nhiên về một người như Trepper, đảng viên lão thành, một con người làm tình báo, lại để tuyên truyền của Anh đầu độc tin như vậy. Anh hãy nói lại với Trepper rằng đại thủ trưởng tin chắc một cách thầm kín rằng chiến tranh với nước Đức sẽ xảy ra không thể trước năm 1944 được…”.

Niềm tin thầm kín của đại thủ trưởng Stalin sẽ tác hại rất lớn. Sau khi chặt đầu Hồng quân vào năm 1937 - đây là nguyên nhân đầu tiên của những thất bại ban đầu - nhà chiến lược thiên tài đã đẩy Hồng quân vào mõm của quân đội phát xít. Trong những giờ đầu tiên bị tấn công, bất chấp những sự thật vì vẫn tin rằng đó chỉ là hành động khiêu khích, ông đã cấm phản kích. Ai khiêu khích và vì sao phải khiêu khích? Đối vối Leopold đây là điều bí ẩn… Stalin là người duy nhất tin tưởng và buộc những người khác cũng phải tin tưởng như ông… Kết quả là những sân bay bị dội bom, những máy bay bị phá hủy trên sân bay, các máy bay tiêm kích của Đức tha hồ diệt những xe tăng Xô Viết trên đồng bằng nước Nga. Các tư lệnh quân đoàn trước đây được lệnh của Stalin không được báo động quân đội, đến chiều ngày 22 mới được lệnh phải đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi. Lúc đó những sư đoàn thiết giáp phát xít đã tiến sâu hàng trăm kilômet vào đất Liên Xô rồi.

Cả dân tộc phải đứng lên hy sinh chống lại quân xâm lược mới xoay chuyển lại được tình thế. Nhưng sai lầm của Stalin đã làm cho Liên Xô thiệt hại hàng triệu người chết và kéo dài chiến tranh.

Đối với DNĐ, những thất bại của Hồng quân làm cho họ lo lắng nhưng họ tin tưởng vào lòng dũng cảm của nhân dân và vào dự trữ to lớn về người và của của Liên bang Xô Viết. Là người cộng sản họ không bao giờ chấp nhận hiệp ước không xâm lược Xô - Đức 1939. Là người làm tình báo, họ không tin vào giá trị lâu dài của hiệp ước đó. Sự thật đã rõ ràng từ nay trở đi: Liên Xô đã tham gia chiến đấu chống phát xít. Điều này tăng thêm lòng tin và sức lực cho DNĐ, để thu thập nhiều hơn tin tức tình báo quân sự, chính trị và kinh tế, nhằm đóng góp nhiều nhất cho chiến thắng.